1 thg 10, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: 1 năm hành nghề

Ngày 1 tháng 10 đi vào lịch sử cuộc đời mình, là ngày đầu tiên chính thức đi làm. Gọi là chính thức, bởi vì trước đó, và trước đó nữa, mình đã có rất nhiều thời gian tiếp xúc với nghề này. Từ đi thực tập, đi đào tạo, tới làm việc chính thức, từ thành phố lớn chuyển về thành phố nhỏ.

Một năm, trôi qua cũng nhanh thật. Giống như một cái chớp mắt. Mà mỗi người ở trong đó sẽ không bao giờ cảm nhận được vì sao nó nhanh cả. Chỉ có khi nào nó kết thúc, để đến cuối cùng người ta nhìn lại, mới hiểu được cảm giác của thời gian.

Một năm, mình học được rất nhiều thứ. Mình đi được nhiều nơi, gặp nhiều người, thấy nhiều chuyện, suy nghĩ nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn. Có thể nói, 1 năm này có giá trị rất lớn, rất lớn đối với cuộc đời mình từ trước đến nay.

Tự nhiên mình lại muốn viết về nó, có thể là đã được viết lại khá chi tiết trong những ngày nhật ký của mình. Nhưng tối nay mình sẽ dành lại 1 buổi tối, ngồi ở quán cafe quen thuộc, trong góc nhỏ quen thuộc, hồi ức về 1 năm nghề nghiệp.

Mình đang phân vân, không biết nên sắp xếp 1 năm này như thế nào, theo thời gian, theo cảm xúc, theo kỷ ức, theo hoài niệm. Ngọt ngào có, mà đắng cay cũng có. Nhiều cũng rất vui vẻ, nhiều lúc lại cảm thấy rất nản, tưởng như muốn bỏ dở nữa chừng. Cuối cùng thì 1 năm cũng đã qua.

Thôi thì bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm ngoái. Tính chính xác ra là phải từ tối hôm trước nữa, mình bắt đầu dọn từ Sài Gòn về Nha Trang, sống trọ chung với thằng bạn cấp 3 trong hẻm nhỏ đường Mai An Tiêm. Sáng hôm sau bắt đầu ngày đầu tiên chính thức đi làm.

Thực ra thì ngày đầu tiên cũng không đáng nhớ như mình tưởng tượng. Đợt này công ty cũng mới tuyển nhân viên mới vào, những đồng nghiệp mới của mình cũng bắt đầu y như mình. Trước tiên là màn chào hỏi, sau đó là chọn chỗ ngồi, và ... ngồi im đó. Lật qua lật lại những tập tài liệu chán ngắt, tẻ nhạt, siêu khó hiểu. Cuối cùng là đối phó với những câu hỏi của các anh chị đồng nghiệp. Buổi trưa nghỉ trưa tại văn phòng, chiều 5h tan ca.

Sẽ chẳng có gì đáng nhớ về một nghề nghiệp tẻ nhạt như thế. Nhưng thực ra, ngày đầu tẻ nhạt không có nghĩa là cả năm đều tẻ nhạt. Nghề của mình, vẫn luôn tự hào (và cả kiêu ngạo) về nó, là một nghề đặc biệt, đầy đủ hương vị của nhân sinh. Nói đùa như mấy chị đồng nghiệp, chính là "lên voi xuống chó", còn nói theo kiểu văn vẻ, chính là trải nghiệp đầy lý thú.

Ấn tượng khó phai nhất trong những tháng ngày nghề nghiệp của mình, mà mình vẫn dự định viết trong một trang nhật ký khác, nhưng nghĩ lại thì nên viết trong trang này cũng được, xem như là tổng kết lại, đó chính là "phong bì của khách hàng".

Phong bì của khách hàng, theo nghĩa chính xác của nó, không phải là cái gì đen tối lắm, nhưng điều đó cũng rất nhạy cảm, mà đối với những người làm nghề như mình, phải giữ được chính mình khỏi bị lơi lỏng. Tính ra từ ngày này năm ngoái đến năm nay, mình đã từ chối thịnh tình của người ta đúng 3 lần.

Lần đầu tiên, một công ty cũng khá phát đạt ở trung tâm thành phố, cô kế toán lớn tuổi, rất vui tính, xem tụi mình như con cháu, đương nhiên con cháu thì sẽ có lì xì. Buổi hôm đó là lần đầu tiên mình gặp phải chuyện như vậy, cô kế toán ép quá, chị trưởng nhóm lỡ nhận, cũng lỡ phát ra cho nhóm, chỉ có mình là kiên định, đem trả lại. Cuối cùng thì chị trưởng nhóm phải thu hồi lại và ghé nhà cô kế toán để trả.

Kể từ sau lần đó, mình chính thức lột xác, không còn phân vân và do dự khi xảy ra những trường hợp tương tự như vậy nữa. 

Lần thứ hai, một buổi tối về muộn, một khách hàng ở Pleiku, công ty xây dựng. Anh kế toán còn trẻ, người miền bắc, rất nhiệt tình. Cuối cùng thì mọi người chỉ biết nói lời cám ơn, kẹp phong bì vào cuốn sổ của anh và trả lại cho anh. Lần này thì đỡ do dự hơn nhiều, bởi vì đã trả qua kinh nghiệm.

Lần thứ ba, một buổi sáng đẹp trời, khi nhóm sắp rời thị trấn Gia Nghĩa, Đăk Nông sau một chuyến công tác dài ngày. Anh kế toán thân thiện nhét vào tay chị em mấy cái phong bì. Mọi người đều từ chối, nhưng không được. Cuối cùng phải gửi lại trên xe của anh, rồi đi. Sau lần này, mọi người rút ra một kinh nghiệm khá rõ ràng, những công ty xây dựng thường "tiếp đãi" theo kiểu này với đối tác của họ. Chuyện cũng rất bình thường, nhưng đối với nhóm, vẫn là từ chối. 

Còn 1 lần nữa, nhưng cũng không tính là lần, vì lúc đó mình không tiếp xúc, ký ức cũng khá mơ hồ. Một khách hàng ở Vũng Tàu, tiếp đãi nhóm rất nhiệt tình, và khi kết thúc, chị đồng nghiệp đã từ chối khéo léo.

Trong những tháng ngày này, mình thường bị ám ảnh bởi những chuyến chi tiêu vượt ngân sách, mà sau này, xem lại tài khoản, không còn bao nhiêu tiền nữa, ngoại trừ một số lâu lâu mới gửi về cho mẹ mình ra, thì mới giật mình rằng, mình tiêu xài cũng dữ quá. Đó là chưa có người yêu hay bạn gái gì, nếu có rồi thì chắc... mỗi tháng đều ăn mì gói, hoặc là phải cố gắng hơn mới được.

Ngoại trừ những ngày tháng đi công tác, tiêu xài toàn là công tác phí, thì chi phí chủ yếu của mình cũng không ngoài các khoản tiền ăn, tiền phòng, đổ xăng xe... Nói về ăn thì mình chủ yếu vẫn là cơm hộp, một lần một ít cũng không tốn bao nhiêu, nhưng gộp lại cả tháng cũng là một khoản đáng kể. May mà cuối tuần còn chạy về nhà cho mẹ mình vỗ béo đủ thứ. Xăng xe thì mỗi tuần đều khống chế ở mức cố định. Tiền phòng thì gần đây mình có chuyển sang một nơi ở tốt hơn, cũng tăng thêm đáng kể...

Một trong các khoản chi tiêu khác (mình không định kể ra đâu, nhưng nó cũng gắn liền với nghề nghiệp của mình, nếu để ngoài thì thành một thiếu sót), đó là chi cho các khoản ăn chơi với đồng nghiệp. Thực ra thì gọi là ăn chơi cũng không đúng, lâu lâu mới tổ chức liên hoan mặn một buổi, tại một nhà hàng nho nhỏ nào đó, mọi người góp tiền lại, gọi là "ăn chơi" cho nó thân thiện, gắn liền vơi tên tuổi của công ty mình. Một phần nữa là phòng mình có truyền thống góp tiền mua quà tặng sinh nhật cho đồng nghiệp, trung bình mỗi tháng một đợt. Sau này còn có liên hoan mừng nhà mới của một chị đồng nghiệp nữa. Công nhận chị giỏi ghê trời, hơn mình có vài tuổi mà đã có cơ ngơi khang trang ở thành phố. Ngoài ra còn có một chuyến liên hoan chia tay với một anh đồng nghiệp khác, đã bốn năm theo nghề nhưng lại chuyển hướng sang kinh doanh...

Một khoản chi tiêu khác, cũng đáng kể, nhưng không thể tránh khỏi, chính là chi tiêu vào việc đám cưới. Từ ngày mình về Nha Trang, đã có 2 chị đồng nghiệp đi lấy chồng. Ngoài ra còn có mấy đứa bạn cùng lớp năm cấp 3 nữa, con gái, lấy chồng khá sớm. Trong những đám cưới như vậy, mình cũng thỏa sức ăn uống, đa phần là cảm giác vui vẻ, gặp gỡ người quen, bạn bè, nên cũng tự cho rằng đó là chi tiêu hợp lý.

Một điều nữa, cũng khá tự hào, mà chị đồng nghiệp phòng mình thường lấy ra kể chuyện với những người khác trong những buổi liên hoan. Tháng làm việc đầu tiên mình sắm điện thoại, tháng thứ 2 sắm máy ảnh, rồi vài tháng sau sắm được xe máy. Cũng không có gì ghê gớm, toàn là đồ bình dân thôi, đương nhiên là có sự trợ giúp tài chính của mẹ mình, nhưng lâu lâu dùng cũng cảm thấy vui vẻ. Nhắc tới điện thoại mới nhớ, điện thoại cũng không tốt lắm, nhưng cũng được gọi là dùng được, lúc đó mua với giá trên trời, không ngờ sáng nay xem lại trên mạng, giá đã hạ còn một nửa, biết thế đợi nó giảm rồi mua cho tiết kiệm.

Một phần nữa, mình là nhân viên mới, phải lo các khoản chi phí công tác, quản lý còn kém nên cũng có thất thoát chút xíu, sau đó là đau đầu chóng mặt xử lý. Nhưng mà mọi chuyện cũng không quá nghiêm trọng, rồi cũng trôi qua nhẹ nhàng. Sắp tới hết làm nhân viên mới rồi, nên cũng bớt lo các khoản này.

Chi cũng nhiều, mà thu thì chỉ có tiền lương. Tình hình của thị trường dạo này cũng không quá khả quan, nên lương mình cứ đều đều hàng tháng, không tăng cũng không giảm. Đủ để sống, nhưng phải tiết kiệm lắm mới thực hiện được vô số những dự định tương lai. Điều đầu tiên là mua sắm những thứ mà mình thích gọi chúng là "đồ chơi", vì ngoại trừ lợi ích tinh thần ra, không có tác dụng gì nữa, cũng có thể là từ nhỏ đã có sở thích sưu tầm những thứ để nhìn, không ăn được: một cái giá đỡ máy ảnh, một vài cái chuông gió, một cái game pad, nếu có dư ra nữa thì nâng cấp máy ảnh lên, rồi mua vài cuốn sách linh tinh, mua những món vụn vặt khác... Một trong những ước mơ mà mình chắc còn khá lâu mới có cơ hội thực hiện, đó là đi du lịch nhiều nơi, vượt ra khỏi biên giới của đất nước...

Nói về những ước mơ du lịch vượt biên giới, gần đây có nghe tin thầy giáo dạy triết học của mình đã thực hiện được một chuyến du lịch vòng quanh châu Âu, cũng gần tháng. Thấy hâm mộ vô cùng, ước gì mình cũng được như vậy. Ngoài ra những trang mạng cũng rầm rộ lên phong trào mà giới trẻ gọi là "đi phượt", du lịch mọi nơi với chi phí tiết kiệm nhất, cũng khá thích, nhưng mà chắc mình không có can đảm để liều như vậy, tối đa là đi du lịch vài nơi cho mở mang tầm mắt rồi về.

Gần đây mình có đọc 1 cuốn sách, do tác giả cùng quê Ninh Hòa với mình viết, đề là "Chồm hổm giữa chợ quê", trong đó kể về các loại đặc sản, hương vị của quê hương và những ký ức khó quên thời trẻ. Mình có ấn tượng với một câu, đại ý như thế này: đất quê mình còn chưa đi hết, nói chi đến những vùng đất xa xôi tận châu Mỹ châu Âu. Cũng được an ủi phần nào, nên cũng tạm thời bằng lòng với những chuyến du lịch mà mình có, trên lãnh thổ Việt Nam. Phấn đâu trong tương lai được đi nhiều hơn, nhiều hơn nữa...

Nói đến những chuyến du lịch, thật ra là những chuyến đi công tác xa xôi dài ngày, đó là điều mình tự hào nhất trong một năm nghề nghiệp này. Công tác, là một phần không thể thiếu đối với nghề nghiệp của mình. May mà mình mới bắt đầu, mọi chuyện còn cảm thấy lạ lẫm, nhưng ít ra cũng được đi nhiều, biết nhiều, nên cũng cảm thấy công việc cũng có ý nghĩa.

Mà thực ra thì cũng không có nhiều thời gian để đi chơi, thăm thú nhiều nơi. Đa số thời gian vẫn là đi đến nơi đó, vùng đó, gặp khách hàng, vào văn phòng làm, đến chiều tối thì về. Hiếm hoi lắm mới có vài dịp khách hàng đưa đi thăm những danh lam thắng cảnh ở địa phương, hoặc là giới thiệu vài nơi trên những chặng đường đi.

Và trên những chặng đường đó, mình đã ghi lại rất nhiều, rất nhiều những ký ức và cảm xúc của bản thân mình. Những nơi mà dấu chân mình đi qua, đều lưu lại một vài khoảnh khắc đáng nhớ nhất.

Tuy Hòa, Phú Yên được xem là nơi gần nhất, đi lại cũng tương đối nhiều lần, bị dị ứng bởi món ăn, người ta gọi là "lẩu trinh nữ" của đất Chóp Chài, thực ra đó là lẩu trứng vịt lộn, đập thẳng trứng lộn sống vào nồi lẩu xôi sùng sục, nhìn cũng đủ ngán, vậy mà mấy chị đồng nghiệp ăn uống khá vui vẻ, ngon miệng.

Ghé lại Vũng Rô, với con đường đèo vòng vo, biển xanh nhìn từ xa, nhưng lại gần thì bãi cát đã chuyển đen màu dầu và hóa chất, chỉ nhìn, không tắm được. May mà còn có phong cảnh núi, biển, trời, đảo dễ nhìn, có những ký ức lịch sử của con tàu không số.

Đến An Khê, một chuyến đi với bụi đường và những ổ gà xốc ê cả mông, bị ngập tràn trong không khí nhuốm mùi khoai mì, hay còn gọi là sắn. 

Đến Pleiku, mình ấn tượng nhất là không khí nơi đó, mát mẻ dịu dàng, những con đượng rợp bóng thông già, lá thông rơi đầy lối, 2 bên màu xanh ngắt, ngỡ như lạc vào "mùa thu vàng" trong tranh Levitan, nhưng mùa thu ở đây không vàng, mùa thu ở đây màu xanh. 

Đến Đắklắk, không khí cũng mát mẻ, dạo quanh một vòng siêu thị lớn thật lớn, rồi nếm qua vài món cơm gà ở đó. Đi sai mùa, không gặp được lễ hội cafe, chỉ nghe kể lại mà ngậm ngùi than thở.

Gia Nghĩa, Đăk Nông, cảm thán trước nhà máy Boxit, vừa tàn phá thiên nhiên mà đầu tư sai lầm, nhân dân thì phản đối, rừng nguyên sinh thì bị phá làm đường, rồi ngày một hao mòn. Bù lại được sống những tháng ngày ở rừng núi, có những con người thật thân thiện.

Đến Biên Hòa, Đồng Nai, những tháng ngày dạo quanh quẩn ở khu vực gọi là khu Gia Viên, có những chiếc taxi được lái bởi những chị nữ tài xế. Gần đó là khu công nghiệp Amata, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo điều kiện để người lao động có thể làm giàu bằng chính sức mình.

Ghé Vũng Tàu, choáng ngợp bởi món lẩu cháo lạ lẫm, một "cung đường tình yêu" đưa người lên ngọn hải đăng sáng rực, được leo lên đó, gần như chạm vào nguồn sáng thủy tinh lung linh, đem người vào giấc mộng, ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và những ánh đèn xa xăm của Sài Gòn, của Phan Thiết.

Dừng chân ở thành phố Hồ Chí Minh, có những hồi ức đáng nhớ về thời sinh viên, nói chuyện với cô bạn thân, cảm thán về cuộc đời và số phận của mỗi người.

Đi vòng loanh quanh trên đất Quảng Ngãi, qua sông Trà Khúc, ăn tất niên ở Châu Ổ, rồi tiếc ngậm ngùi vì bỏ lỡ cơ hội mua tỏi Lý Sơn đặc sản. Lần đầu tiên biết tới món bánh đập, rất giản dị, rất đặc trưng. Nghe giọng người lớ lớ, rồi tưởng tượng linh tinh.

Đi tiếp tới Đà Nẵng, có đặc sản Trần nổi tiếng, ghé ăn một lần rồi nhớ mãi không quên. Từ cách phục vụ tới chất lượng và giá cả, đều rất hợp lý.

Vòng qua vòng lại tới Hà Nội, đi tàu 28 tiếng đồng hồ. Dạo quanh hồ Gươm, chụp ảnh cầu Thê Húc, ghé phố Hàng Đào, lại thêm tiếc ngậm ngùi vì chưa có thời gian để vào thăm lăng Bác, một chuyến đi kém hoàn hảo.

Lên tới phố núi Tuyên Quang, nếm đủ những thứ lạ lẫm: rượu nếp men lá, gà chạy bộ, bầu hồ lô.. Ngắm nhìn cảnh sông núi hùng vĩ, công trình thủy điện tuyệt vời, chịu đựng những chuyến xe quanh co, đường gồ ghề, say lên say xuống.

Lên đến tận Hà Giang, lần đầu tiên biết đến táo mèo, trà Shan Tuyết, tăm giang, cháo ẩu tẩu, rồi lại bị ép toàn rượu là rượu: rượu thóc "Nàng Đôn" đất Hoàng Shu Phì, rượu ngô "Hạ thổ" 29 độ của Quản Bạ. Sau đó là ghé thăm con sông Lô trong thơ ca, ghé nhìn qua cột mốc Km số 0.

Về tới Quảng Bình, biết đến thế nào là khoai lang "gieo", thăm cầu Nhật Lệ, ngắm cảnh Đèo Ngang, sông Gianh, thăm "Quảng Bình quan" trong hệ thống lũy Thầy.

Trở về, chạy ngang đất Huế, không kịp ghé vào, chỉ vừa nếm thử xôi Huế và chứng kiến vịnh Lăng Cô khúc khuỷu nằm dưới chân đèo Hải Vân hiểm trở...

Tóm lại là vẫn còn khá nhiều, khá nhiều điều tiếc nuối, nhưng vẫn có thể xem là 1 năm thành công, đặc sắc. Có chuyện để kể khi tuổi già xế bóng.

Đi loanh quanh rồi cũng trở về Nha Trang, đất du lịch, người ta tới để ăn chơi, mình lại về để kiếm sống. Ghé lên Tháp Chàm những buổi chiều đỏ rực bóng gạch, ngắm xuống cầu Xóm Bóng, xa xa là cầu Trần Phú thơ mộng, dòng nước chảy mênh mang, sóng đùa vô tận.

Dạo chơi trên đảo "Champa Island", không dám ăn uống gì, lo sợ bị chém. Chỉ kịp dạo một vòng, hỏi thăm thằng bạn làm việc ở đó rồi về.

Lên chùa Long Sơn mấy lần, bước gần 200 bậc thang, lên nhìn tượng Phật trắng thật lớn. Lặng nghe không khí thanh tịnh, tìm về với chính mình.

Chạy xe lên thẳng nhà thờ Chánh Tòa, làm bằng đá cổ kính. Dạo quanh một vòng, xem người ta chụp ảnh cô dâu.

Lên lầu Bảo Đại ngắm hoa tigon nở hồng hồng, bàn luận về lịch sử thời Nguyễn, dạo trên những bậc đá hoa lá phủ đầy, xem toàn cảnh vịnh Nha Trang, một đường cáp treo nối dài tới Vinpearl land.

Tranh thủ mua vé vào viện Hải Dương Học gần đó, lần đầu tiên nhìn thấy san hồ còn sống, giống y như hoa, chợt rùng mình cảm thán cho mấy loại động vật bị ướp trong lọ kín.

Rồi dạo quanh bãi biển gần Hòn Chồng, không dám xuống tắm mà chỉ ngắm người, ngắm biển. Đi xuyên qua những con đường còn tương đối ít người, ghé một vài quán cơm chay...

Rồi mỗi cuối tuần, chạy về nhà, ngủ với cái giường quen thuộc, ăn món canh rau ngót quen thuộc. Lâu lâu đòi mẹ mua dưa hấu về, con thích ăn dưa hấu...

Kết thúc 1 năm nghề nghiệp, với bao nhiêu là ký ức, bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là ước mơ, bao nhiêu là tiếc nuối... Hy vọng rằng, mình còn đủ sức để cố gắng hơn trong năm tới.

Nha Trang,  ngày 1 tháng 10 năm 2013.

P.S. Cố ý lưu lại một vài dòng, lịch trình đầu đời của mình như thế này:
- 13/1: đến An Khê, Gia Lai, bắt đầu du ngoạn.
- 17/1: đến tp Pleiku, Gia Lai dạo chơi, ngắm thông, thưởng thức khí lạnh, uống Vodka.
- 20/1: đến tp Tuy Hòa ăn lẩu dê Chóp Chài, ghé Vũng Rô chụp ảnh.
- 23/1: về lại Ninh Hòa ăn canh rau ngót.
- 24/1: đi Nha Trang du lịch
- 26/1: lên tàu tới tp Quảng Ngãi, đi shopping.
- 27/1: ghé Châu Ổ ăn tất niên.
- 30/1: đi tp Đà Nẵng bằng taxi, ghé quán Trần, ăn bánh đập.
- 3/2: về lại Nha Trang. Tối hôm đó: trở lại Pleiku ăn cơm gà Mỹ Tâm.
- 7/2: 27 tết âm lịch, về Nha Trang giặt áo quần.
- 8/2: 28 tết âm lịch, về Ninh Hòa ăn tết.
- 17/2: đến Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, lại đi shopping.
- 20/2: ghé thị trấn Gia Nghĩa, Đăk Nông, tham quan khu resort Lodge.
- 21/2: đi Nhân Cơ, leo núi, ngắm cảnh rừng nguyên sinh.
- 24/2: xuống Kiến Đức, đi qua Đồng Xoài, đi xuống Đồng Nai, ngủ tại Biên Hòa. Tối hôm đó: đi chùa Gia Viên.
- 6/3: đến Vũng Tàu, leo hải đăng.
- 9/3: ghé lại Sài Gòn, uống sting dâu.
- 10/3: trở lại Nha Trang, ngồi viết hồi ký.

Xoay qua xoay lại cũng gần 2 tháng, tính cả tp HCM thì mình cũng đi gần hết 1/3 đất nước. Trong 2 tháng này, quãng đường mà mình đi qua, số nơi mà mình dừng chân, kinh nghiệm và kiến thức mà mình học được... gần bằng 10 lần của cả 2 năm trước đó cộng lại.