30 thg 11, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Người hoài cổ trên đất Hưng Yên

"Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", tôi ghé Hưng Yên mà lòng luôn mơ về một quá khứ xa xăm bụi mờ phủ đóng. 

Hưng Yên bây giờ không còn trong ngàn năm ký ức của tôi nữa. Nhưng phố dài rộng rãi, những công trình cao ốc, nhưng ngôi nhà mới, những quảng trường rộng. Những nơi hiếm hoi còn để lại di tích của một thời Phố Hiến, chỉ có lác đác một vài ngôi chùa, ngôi đền, mà tôi may mắn ghé qua: chùa Chuông, đền Trần, đền Mẫu.

Đứng ở ngoài phố xa thì không cảm nhận được một chút nào cổ kính của ngày xưa, một địa danh một thời là thương cảng phồn hoa bậc nhất, chỉ sau đất kinh đô. Tôi phải vào tới nơi tận cùng nhất, tìm lại những vách đá rêu phong, những mái ngói âm dương, những chiếc chuông chùa, những bức tượng, những dòng chữ khắc trên bia đá. Ở đền Mẫu, tôi còn may mắn chứng kiến một cội đa 3 gốc, tán che rợp cả khoảnh sân rộng. Dạo quanh một vòng, kịp chụp với đồng nghiệp một ít ảnh làm kỷ niệm. Đó là tất cả những gì tôi có về phố Hiến. Phố Hiến bây giờ cũng là tên của một con phố nhỏ, tôi có đi dạo một vòng, cũng có thỉnh thoảng gặp một ngôi nhà cổ, nhưng chủ yếu là cái bộn bề, hiện đại của thành thị, của chợ búa, của dòng người, dòng xe tấp nập. 

Kinh kỳ tôi đã đến, nếm cái rong rêu cổ kính bên hồ Gươm. Cố đô tôi cũng đến, nghe sông Hương nước chảy êm đềm, lãng mạn trôi ngàn năm bên tường thành rêu phủ. Hội An tôi cũng đến, kiến trúc vẫn trơ trơ của ngày xưa. Chỉ duy phố Hiến là nhạt lòng viễn ảnh. Thứ phong vị cổ kính xa xôi thăm thẳm duy nhất còn lại, đó chính là ở lòng người hoài cổ...

Từ chỗ khách hàng, chúng tôi có thể đi bộ qua chùa Chuông. Gọi là "chùa Chuông", vì trong khuôn viên chùa có một cái gác, trên gác có một cái chuông khá to. Lúc tôi đến người ta đã đóng cửa, nên không vào thăm chuông được, chỉ thấy thấp thoáng bóng chuông qua những khuôn cửa sổ bằng gỗ. Ngoài khuôn viên chùa, độc đáo nhất vẫn là một cái cổng khá cổ xưa, có thể tính là cổng đặc trưng của văn hóa cổ xưa nơi đây. Bên cạnh đó là một cái hồ sen nho nhỏ, lúc chúng tôi đến, có một đôi đang chụp ảnh cưới ở nơi này. 

Những buổi sáng bình thường, chúng tôi vẫn tập trung vào công việc. Áp lực của nơi này khá lớn nên đôi lúc tôi tạm gác lại sự hoài cổ đó lại mà đi tìm những con số lạ lẫm. Khách hàng ở nơi này là một hình nghiệp vụ khác rất lớn đối với những năm kinh nghiệm trước đó của tôi, nên tôi phải vừa làm vừa tìm hiểu và học hỏi. May mà nhưng chị kế toán ở bên đó rất dễ nói chuyện. Chỉ khoảng tầm 40, có con gái học cấp 1. Nghe nói là chị lấy chồng khá sớm, nhưng có con khá muộn, nên hiện tại chỉ có một cô công chúa. Chị thường dẫn cô bé đi ăn chung với cả nhóm, hỏi ra mới biết cô bé họ Tống, nghe giống như là "3 cô con gái nhà họ Tống" vậy. 

Chúng tôi được chị mời ăn món "bún thang" ở gần đó, cách khoảng một cây số, nằm bên đảo nhỏ giữa hồ. Đảo đó gọi là "đảo Cò", nó nằm trong một khuôn viên độc lập, bốn bên là nước, không có cầu bắc qua. Bốn phía đều được xây tường, rất ít người đến. Nghe nói buổi chiều thường có cò về ngủ trên đảo, tôi chưa có thời gian đi thăm, nhưng từ từ xa xa nhìn vào, trên những nhánh cây cao, thấp thoáng thấy một vài điểm trắng. 

Bún thang là một món bún khá lạ, nhưng cũng vừa ăn. Chủ yếu vì đây là đặc sản vùng này, thỉnh thoảng có gặp vài miếng thịt lươn nho nhỏ, rồi chả, trứng, đều cắt thành sợi. Một tô bún rất nhiều, tôi ăn không hết. Mà cũng không biết sao nó gọi là "thang" nữa, chưa có cơ hội để tìm hiểu thêm. Ngoài những gia vị phụ như vậy, thì nó vẫn giống món bún bình thường. Trên một con phố gần đó, chúng tôi còn được khách hàng đãi cho ăn món ốc và trứng cút lộn khá ngon miệng nữa. Nói chung là tối hôm đó tôi no căng bụng.

Ở khách hàng cả tuần, chúng tôi thường ghé qua một quán cafe, có thể tính là nổi tiếng nhất phố Hưng Yên, cafe Phố Cũ, nằm ngay trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, cách quảng trường không xa. Chị nhóm trưởng là một fan của cafe, nên mỗi sáng nếu không có cafe thì hiệu suất làm việc của chị sẽ không cao được, do đó chúng tôi thường dậy rất sớm, la cà mãi ở quán cafe cho tới giờ đi làm. Ở nơi này, tôi mới biết lần đầu một món quen, sữa chua đá thêm một chút vị cafe nữa, mà người nơi đây quen gọi với một cái tên rất lạ: Sữa chua đanh đá - cafe.

Hưng Yên mùa này lạnh, tôi gọi thử Sữa chua đanh đá, hút một hơi, món này được hút bằng ống, tới tận 2 cái, có chiều cao khác nhau, chắc là như vậy mới tận hưởng hết hương vị của sự "đanh đá". Sau đó là hơi lạnh lan tỏa toàn thân. Tôi rúc mình vào chiếc áo khoác của mẹ mua cho, đeo vội một đôi găng tay... 

Hôm cuối cùng, khách hàng mời ăn một buổi tiệc nho nhỏ, bị ép uống đến mệt nhoài. Đương nhiên nghề của chúng tôi, ai cũng phải giữ lại một chút sức lực cuối cùng để ứng phó với những tình huống bất thường. Rồi mọi người trêu nhau trên bàn tiệc, anh kế toán nói thích chị đồng nghiệp, chị đồng nghiệp nói anh vào Nha Trang đi, rồi có người hỏi tôi có yêu ai chưa... Nói chung đó là những cái vui rất tạm thời của công việc xã giao, bên cạnh những chai rượu "mã kích" đậm đậm màu nâu. 

Tối người ta còn mời đi hát tại một quán cũng khá sang trọng, giống như quầy bar đứng. Tôi có chọn một bài tủ, nhưng hát không được, vì chất giọng không tốt. Chị trưởng nhóm góp ý thêm nên về học hát nữa, mà chắc chuyện này khó, cũng không có nhiều thời gian tâm tư để đi luyện một lĩnh vực khá ít dịp sử dụng như vậy, mà chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều đối với cuộc sống này cả.

Xe khách hàng đưa chúng tôi rời Hưng Yên. Chị kế toán vẫn nhiệt tình như hôm mới gặp, đưa đến tận nơi khách sạn mới. Chúng tôi tạm biệt, và hẹn sẽ có một ít thơ về Hưng Yên để gửi tặng chị. Nhưng do thời gian không có nhiều, nên đến nay tôi vẫn chưa cất bút...

Tạm biệt Hưng Yên, tạm biệt phố Hiến, tạm biệt một ngàn năm hoài cổ...

Nhật ký nghề nghiệp: Ghé Hải Dương, dừng chân bên Bạch Đằng hồ

Nơi chúng tôi đến, vào khoảng giữa tháng 11, là một thành phố khá rộng rãi và cũng tương đối đông người, thành phố Hải Dương.

Đây có thể tính là một thành phố khá mới. Nghe nói vừa mới năm trước, đồng nghiệp tôi đến không đông người như vậy. Có thể thấy là tốc độ phát triển cũng khá nhanh.

Xe khách hàng đưa chúng tôi từ Hưng Yên đến Hải Dương chừng khoảng một tiếng. Hơi tiếc là trên đường vì say xe, tôi cứ nhắm mắt suốt, bỏ lỡ rất nhiều kiến trúc và phong cảnh trên đường đi. May mà lúc đường về có thể nhìn lại một chút, thoáng thấy sông Đuống trên đường về ra sân bay.

Đến Hải Dương, tôi ngập tràn bồi hồi trong những ký ức lịch sử. Đó là rất nhiều nơi tôi muốn đi, và cũng có ý định đi thăm, nhưng tiếc là công việc hơi nhiều nên không có cơ hội ghé lại: dòng sông Bạch Đằng lịch sử, Kiếp Bạc, Côn Sơn, để tưởng nhớ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, còn có một vùng đất nổi tiếng có nhiều tiến sĩ là làng Mộ Trạch...

Chỉ có một nơi may mắn tôi được ghé qua: hồ Bạch Đằng. Không biết vì sao nó tên như vậy cả. Chúng tôi dừng chân bên con đường nhỏ men theo hồ, đường Đoàn Kết. Đó là một khách sạn khá khang trang mà những mùa trước, đồng nghiệp của tôi đã ghé đến. Còn tôi thì chỉ mới đặt chân lần đầu. Nơi này, tôi có cơ hội làm quen với một cô nhân viên khá dễ nhìn. Nhưng chuyện này tôi sẽ đề cập đến sau. Dù sao thì cũng chỉ là quen biết.

Hồ Bạch Đằng là một cái hồ khá lớn, rât trong lành và lãng mạn. Gọi là lãng mạn, vì không khí ở đây, lúc tôi đến, còn mới se se lạnh mà chưa có cái rét đầu mùa đặc trưng của miền bắc. Buổi sáng dậy sớm, hoặc buổi chiều mát, đứng bên bờ hồ, khoác áo bông và cảm nhận những cơn gió nhẹ, sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thản. Không trách những cô gái sinh ra trên đất này lại duyên như vậy. Một phần nữa, bên bờ hồ có một vài quán cafe nhỏ, và những công viên ít người. Ở đây, trong những buổi chiều cùng đồng nghiệp dạo quanh hồ, tôi có thể thấy khuất xa xa đâu đó là những cặp tình nhân ngồi tâm sự... Giữa hồ là những con thuyền vịt nhỏ, thỉnh thoảng có đôi cặp tình nhân tựa vai nhau...

Bên hồ có một quán cafe tên nghe rất hay: Gió cafe. Không phải tự nhiên mà tôi lấy gió làm ý tưởng cho khá nhiều bài viết của mình. Ngày cuối cùng, tôi với đồng nghiệp tranh thủ buổi sáng chủ nhật rảnh rang, đi mua sắm một chút tại siêu thị gần đó và ghé qua Gió ngồi, và tranh thủ chụp vài tấm ảnh. Có những ký ức rất đẹp về những trang sách ngày xưa, tôi có đổi một chút về địa danh:

"Dừng chân quán Gió buổi chiều
Nhị hồng, hoa nguyệt, yêu kiều, thướt tha.."

Từ chỗ chúng tôi đến khách hàng phải đi taxi vài cây số. Khách hàng là một đơn vị khá lớn. Nằm rải rác ở các huyện nữa, nên có một vài ngày, chúng tôi phải đi xuống huyện để tác nghiệp. Có 2 huyện nhỏ mà tôi được may mắn ghé qua: Thanh Hà và Cẩm Giàng. Nghe những cái tên đã thấy hết nét thi vị của vùng đất và con người nơi đây.

Tại Thanh Hà, xe khách hàng chở đi, chúng tôi phải băng qua một đường cao tốc lớn, nghe nói là đường đi Hải Phòng. Hải Phòng cũng từng là một ước mơ nhỏ của tôi, từ ngày xưa ngày xưa, khi mà có một người từng để lại dấu ấn của cuộc đời tôi, có quê gốc là ở nơi này. Cô giám đốc ở Thanh Hà khá vui tính, còn cô kế toán thì trạc tuổi tôi, nhưng đã có gia đình rồi và cũng sắp có em bé nữa, tôi cứ gọi là chị suốt. Cô giám đốc còn có ý định mai mối tôi với một cô kế toán khác nữa, cứ trêu đùa nhau suốt buổi tiệc trưa. 

Ghé đến Thanh Hà, đúng vào mùa này, tôi may mắn nếm qua một món rất đặc trưng, tính là đặc sản ở Hải Dương: rươi. Mà chính xác, nghe cô khách hàng nói, là "rươi đầu ruồi". Rươi người ta chế biến thành món giống như là trứng chiên nhưng dày hơn, có trứng, có nhiều thứ khác, rồi chiên lên thành miếng dày, to như cái đĩa, khi ăn xoắn ra từng khối. Hương vị cũng lạ miệng. Rồi canh rươi, chính xác là món giống như súp của quê tôi, nhưng nó đặc hơn, và nhiều rơi, nhiều loại gia vị khác nữa. Nghe nói món này mát lắm, người ta cứ húp lấy húp đỡ.

Những con rươi nhỏ xíu, to cỡ bằng nửa đầu đũa, lúc chế biến chín rồi nên nhìn không ra hình dáng nữa. Còn có khi tôi ra chợ, có nhìn qua những nơi bán rươi, người ta bày từng sạp từng sạp, nước xâm xấp, có rươi chen chúc bơi trong đó, mới biết hình dáng nguyên thủy của nó. Nửa giống giun đất, nhưng nhiều chân giống rết, màu thì cũng nâu nân đỏ đỏ, hình dáng nhỏ xíu, chân bơi liên tục... Nói chung là cũng không dễ nhìn, nếu cho tôi nhìn trước rồi ăn sau, chắc là ăn không ngon như lúc trước. 

Chợ này là một ngôi chợ gần chỗ khách hàng, trong một hẻm từ đường lớn đi vào, có bán đủ mọi thứ. Gần đó có một hẻm khác, mà chúng tôi thường ghé ăn cơm. Nơi này có đủ các loại quán xá, chiều chiều học sinh thường tụ tập rất đông, ăn những món đặc trưng của sinh viên: lẩu thái, xiên que, cánh gà nướng... Trong đó tôi chú ý nhất một món, và cũng đã may mắn nếm thử: nhộng. Không biết người ta chế biến bằng cách gì, mà những con nhộng nhỏ bằng ngón tay út, ngắn ngắn, ăn vào giòn giòn, có vị béo bùi của đậu xanh. Tôi chỉ thử một ít rồi thôi, nói chung là lạ miệng nên nếm cho biết.

Cẩm Giàng, nơi khác tôi đến, là một huyện gần thành phố, trên taxi đi khoảng mười mấy cây. Khách hàng ở đây cũng khá thân thiện. Cô kế toán thích nói chuyện. Mà tôi lại thích làm việc với những người như vậy, chúng tôi có thể khai thác nhiều thông tin nghiệp vụ hơn. Buổi trưa người ta đãi chúng tôi một ít trái cây, cũng không lạ lắm, nhưng lần đầu tôi nếm thử: quất hồng bì, mà sau này tôi hỏi ra được, tên đúng của nó là quất đường, hay quất ngọt. Đó là một loại quả nhỏ xíu, giống như trái quất trong nam, trái quất cảnh mà người ta thường đặt giữa nhà nhân dịp tết. Nhưng quất ở đây da dày hơn, bám vào ruột, và ngọt, và đặc biệt nhất: ăn luôn cả vỏ. Vỏ có vị the the, nhưng không gắt, và rất vừa ăn. 

Hôm về thành phố, tôi cố ý dạo một vòng quanh chợ gần đó, tìm cho được quất đường để mang về làm quà. Tiếc là những chợ tôi qua, không có chợ nào bán cả. Có một chợ rau củ quả ở gần bờ sông, quy mô của chợ đầu mối, tối tối từng xe tải bốc hàng xuống, tôi đi dạo suốt một vòng, cũng không tìm thấy thứ cần mua, nên đành trở về tay không. Hỏi ra mới biết, quả này hiếm, và hết mùa rồi, nên chắc là hẹn dịp khác vậy. Mà cũng không biết còn dịp nào khác nữa không, vì lịch công tác đã lên rồi, và lần sau tôi không ghé Hải Dương nữa...

Một trong những điểm thú vị nhất ở chuyến đi này, chính là các khách hàng của tôi ở thành phố. Anh kế toán cũng khá lớn tuổi, U50 gì đó, tính tình thì cũng hơi đặc biệt, nhưng nói chung là tốt bụng. Anh kể chuyện rất nhiều về công việc, và cả đời tư của anh. Nghe nói anh có quen với nhiều nhân vật then chốt, cho nên làm nhân viên thôi cũng được sếp nể lắm. Trong bàn tiệc đôi lúc anh còn chửi thề vài tiếng nữa, nhưng nghe cũng vui và hiểu được tính tình anh. Hôm cuối cùng anh có uống với tôi vài ly bia, và biết được rằng anh uống yếu lắm, bị chuốc say khá khá. Hai cô kế toán khác thì cũng dễ nói chuyện, mặc dù tính tình hơi khắt khe, và thường thảo luận với chị trưởng nhóm rất tốn thời gian. Nghe những chị đồng nghiệp kể, những lần trước họ rất khó nói chuyện, nhưng kỳ này đã dễ tính hơn nhiều rồi, chắc là vì người quen gặp lại.

Nơi này, để lại cho tôi một dấu ấn khá thú vị vì món gà luộc của người ta. Không phải là gà chặt khúc nhỏ nhỏ. Mỗi người được dọn ra một cái đùa gà kèm theo cả phần lườn bụng, tính ra cũng gần nửa con gà, mà mỗi người một phần, dọn ra nguyên miếng to như vậy. Ăn đến no căng bụng cũng không hết một phần đó. 

Cũng trên đất Hải Dương này, tôi gặp 2 chiếc phong bì tiếp theo trong cuộc đời nghề nghiệp: chiếc thứ 11 và 12. Và đương nhiên là từ chối, kể từ chiếc thứ 7 ở Đồng Hới, Quảng Bình. Còn chiếc thứ 8,9,10 tôi sẽ kể sau, đó là một câu chuyện dài mà tôi không thể quên được. Chiếc thứ 11 ở Thanh Hà, chiếc thứ 12 ở Cầm Giàng. Nói chung là những người nơi đó rất nhiệt tình, hiếu khách, và đương nhiên làm việc theo kiểu của người miền Bắc: lễ được đặt lên hàng đầu. Còn người miền Trung của chúng tôi thì tương đối chất phác hơn, công việc là công việc, không ảnh hưởng gì đến những suy nghĩ ngoài luồng khác. Đương nhiên nhận thì cũng không có vấn đề gì cả, nhưng một cô bạn của tôi cho rằng "bình thường". Dù gì thì cũng không quá lớn, cũng không ảnh hưởng gì đến công việc, mà cũng không có gì sai trái cả (đó là ý tứ của nàng). Còn đối với tôi, con người nên giữ lại một giới hạn nào đó cho riêng mình, dù có hơi ngốc nghếch một chút, nhưng đó là yếu tố quan trọng để xác định mình là ai trên thế giới này.

Tạm biệt Hải Dương, xe khách hàng đưa chúng tôi thẳng đến sân bay. Tôi rất khâm phục chị trưởng nhóm, lúc mà chúng tôi đang đau đầu vì vấn đề xe cộ, chị chỉ "gợi ý chút xíu", anh giám đốc là cử xe đưa nhóm đi ngay. Mà nghe nói, anh giám đốc này khá vui tính, có xuất thân từ kế toán ra, nên phòng kế toán được quan tâm rất đặc biệt, và chúng tôi cũng nhờ ké theo một chút.

Sân bay Nội Bài đón chúng tôi trong một buổi chiều nhiều mây. Vietjet bị hoãn nửa tiếng đồng hồ. Cũng nhờ thế mà tôi được may mắn ngắm hoàng hôn trên bầu trời lần đầu tiên. Đó là một thứ ánh sáng rất rực rỡ, nhưng không quá chói lòa và người ta có thể nhìn thẳng được. Mây trắng nhuộm lên màu vàng ươm như đổ mật, như thiên đình, như cực lạc trong những tập Tây Du Ký, hoặc là nơi của những giấc mộng lung linh huyền ảo.

Chúng tôi đáp xuống Cam Ranh trong buổi tối chạng vạng. Xe công ty đưa đón. Tiết trời Nha Trang rất ấm. Tôi ngủ lại đêm ở phòng trọ, và sáng sớm mai chạy về nhà để kịp một ngày nghỉ ngơi thư giãn sau những chuyến "thiên di" liên tục: 3 tuần Sài Gòn, 1 tuần Hưng Yên, 1 tuần Hải Dương. Để hôm sau lại vội vàng thức dậy sớm, chạy thẳng vào Nha Trang cho một khách hàng ở gần đó. Đến bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn còn cảm giác ngủ chưa đã thèm...

29 thg 11, 2014

Lời ru cho con


Nghe mùa thu rụng những mùa thu
Áo em năm ấy lắng sa mù
Lời thơ da diết trao miền gió
Em ở nơi nào cất tiếng ru.


Em đã theo chồng, tiếc bóng xuân
Tóc em thay ngắn đã bao lần
Nhạt nhòa bên bếp chong màn khói
Trông bóng ai về lối trước sân.


Em đã theo chồng, cuối phố xa
Ru con đưa võng dưới ngôi nhà
Bao giờ én lại chao đường bắc
Dừng giữa ngày xuân nở cánh hoa?


Xuân vẫn chưa về, mới chớm đông
Ôm con thiếu phụ nhớ thương chồng
Mai này con biết đau lòng mẹ
Chớ để người thương phải ngóng trông...


(Thanh Trúc, Lời ru cho con)

Chị của em là cô dâu


"Có một ngày vui, chợt biết đâu
Áo hồng như áo của cô dâu
Chị theo người mộng về nơi mộng
Nhớ kể em nghe... những sắc màu."


Nghe thấy trong mây gió gọi về
Cỏ non xanh biếc khắp triền đê
Lúa thơm rực chín mùa con gái
Chị vấn lên cao mái tóc thề.


Ấy chính là hôm chị lấy chồng
Rèm treo đỏ thắm, áo thêu bông
Nhà ai đánh dấu trang thơ chị
Tình nghĩa nhân duyên kết mặn nồng.


Nhớ kể em nghe chuyện hẹn hò
Đất trời quên hết những âu lo
Chỉ hai người giữa màn xanh biếc
Của lối yêu và của tự do.


Rồi én theo nhau rúc mái nhà
Nghe xuân tràn nắng khắp bao la
Nhà thêm nhỏ xíu thành viên mới
Đem tiếng vui cười gửi gió xa.


Nhớ kể em nghe những ngọt ngào
Đầu lòng con trẻ mắt như sao
Ầu ơi tiếng võng neo xuân lại
Trong giấc hồn nhiên đẹp biết bao.


Nhớ kể em nghe những chuyện đời
Bên mùa thay lá, nhuốm vàng tươi
Trước giàn thiên lý đưa tay hái
Cho bát canh rau mãi ngọt bùi.


Nhớ kể em nghe những chuyện nhà
Vội vàng cơm áo, tháng năm qua
Dù cho tất bật nhưng tim chị
Vẫn thắm xuân xanh, vẫn mặn mà


Nhớ kể em nghe nắng cuối trời
Sương mai lấm tấm, tóc mây trôi
Ghé về bên chị trăng bao tuổi
Vẫn thấy duyên xưa dưới nét cười.


Chúc chị bên đời mãi sắt son
Bao dung, vành vạnh, giống trăng tròn
Dịu dàng như vóc xuân tô điểm
Trên áo thời gian, của nước non.


(Đừng kể em nghe... chuyện động phòng
Em còn nhỏ lắm, tuổi còn trong
Tò mò thật đấy, nhưng thôi nhé
Kẻo có ai trêu... má chị hồng.)


(Thanh Trúc, Chị của em là cô dâu)

P.S. Viết tặng một người chị làm quà cưới. Đám cưới vào tháng 12 này. Chúc anh chị trăm năm hạnh phúc.

Đa tâm tư

Hoàng hôn tiễn biệt nắng qua đời
Một kiếp nhân tình chỉ thế thôi
Sỏi đá tròng trành bên tuế nguyệt
Lòng ta chai sạn hết buồn vui.


Có lúc nào quên những nỗi đau
Khi chân trời lạnh, nắng trôi màu
Lòng ta thành gió bay bay mãi
Bay tận cuối đời lạc lối nhau.


Chợt tiếc trời xa khuất cánh chim
Mây xa vời vợi bóng em tìm
Kiếp nào quên được hồn thu thảo
Em có về chăng giữa lặng im.


Em có về đêm nuối tiếc mây
Khi sương buông xuống cánh hoa gầy
Em thành một đóa quỳnh sâu lắng
Vương vấn đời ta mộng tỉnh say.


Ai ngày xưa kể chuyện buồn đau
Nghe tóc em sang tuổi bạc đầu
Có lẽ nào đêm ta đợi mãi
Xuân về bên hạ đã tàn lâu.


Khi tim tan vỡ lúc người đi
Có chắc nhân duyên vướng víu gì
Em với ngày xưa, ta chọn một
Em tàn theo giấc mộng thiên di.


Ngày xưa ai mộng, tiếc ai xa
Duyên nợ không chung dưới mái nhà
Em có buồn vui? Ta chẳng hiểu
Ta còn năm tháng cứ trôi qua.


Em về cỏ dại hóa sương mây
Ta ghé xa xôi cỏ bám đầy
Trời đất nhạt màu, sương bén gót
Em nào có biết đất trời say.


Ta buồn nghe cỏ bám ưu tư
Nghe tiếng em than điệu giã từ
Một thuở lòng ta mơ khói trắng
Vương vào đâu đó chút hương dư.


Một thuở trời xanh lạnh lẽo mây
Em đi qua lối cỏ xơ gầy
Có nơi nào nắng gieo đường lá
Có chiếc mùa thu chấp chới bay.


Lòng ta duyên ý chẳng bao nhiêu
Thu đến thu đi, mệt mỏi nhiều
Ta thức từng đêm, hoa chẳng nở
Nghe buồn tuế nguyệt gọi người theo.


(Thanh Trúc, Đa tâm tư)

Sinh nhật tuổi hai lăm

Tháng mười một tạm biệt âm thầm
Nghe tháng mười hai báo cuối năm
Thấp thoáng bên thềm đông mới chớm
Có xuân nào giống tuổi hai lăm.


Có xuân nào giống tuổi xuân em
Khi gió vu vơ thổi khắp miền
Đến giữa trời nghe hương lắng đọng
Em là cô gái chín mùa duyên.


Em là cô gái tuổi hai lăm
Giấu kín tên trong tiếng gọi thầm
Của cánh môi xinh vừa tỉnh giấc
Ngỡ rằng đã ngủ đúng nghìn năm.


...

Có mùa xuân nở giữa mùa đông
Có thiếp loan tin bạn lấy chồng
Em thỉnh thoảng nghe người hỏi nhỏ
Hai lăm rồi.. đã có gì không?


Mẹ yêu cũng khéo nhắc đôi lời
Sao chẳng anh nào... thấy ghé chơi?
Nũng nịu con còn yêu mẹ lắm
Không lo chi mấy chuyện xa vời.


Tuổi mới hai lăm, nhỏ xíu à
Chồng con chi sớm, kệ người ta
Hôm nay chỉ mới vừa sinh nhật
Có bánh kem còn nếm tối qua.


Sinh nhật hai lăm, tuổi ngọt ngào
Tuổi nhìn mây trắng khắp trời cao
Hồn nhiên ngắm gió qua miền đất
Thanh thản nghe lòng đẹp biết bao.


Sinh nhật hai lăm, tuổi tuyệt vời
Tự do như biển thả buồm trôi
Hai lăm, chưa tính neo thuyền nghỉ
Chỉ mới phần tư thế kỷ thôi.


Em thích tự do giữa phố dài
Chưa từng vương vấn bởi lòng ai
Chiều vui đẹp lắm khi về lối
Có nắng long lanh mái tóc cài.


Em thích tự do khắp đất trời
Dang tay cười giữa cỏ hoa tươi
Duyên thầm giấu kín về đâu đó
Để một ngày kia... tặng một người.


...

Hôm nay sinh nhật chúc mừng em
Tuổi mới mang duyên đến trước thềm
Em sẽ lấy người em đã ước
Cho đời mỗi lúc ngọt ngào thêm.


(Thanh Trúc, Sinh nhật tuổi hai lăm)

P.S. Ngày 29 tháng 11, viết tặng một cô bạn nhân ngày sinh nhật. Không nêu tên vì sợ bị "ghen" và bị "dìm". Thay cho lời chúc Sinh nhật vui vẻ.
 

Yêu mây trắng

yêu mây trắng, yêu nắng vàng
yêu thơ tuyệt cú, yêu nàng vô tâm
ngày ngày, tháng tháng, năm năm
yêu chưa nói được, yêu thầm mãi thôi...


(Thanh Trúc) 

Photoby: Gió Về Thiên Lý.
Ngày 22/11/2014, trên bầu trời thủ đô, lần đầu tiên ngắm hoàng hôn trên mây, tạm đặt tên cho bức ảnh: "Phù vân du tử ý".

Yêu quê mẹ

yêu quê mẹ, yêu cuộc đời
yêu đồng lúa chín, yêu lời hát ru
đất phồn hoa, mộng lãng du
đường xuân khép lại, cõi thu con về...


(Thanh Trúc)

9 thg 11, 2014

Em là một đóa quỳnh

Có dặm mưa nào giống nhớ thương
Giăng giăng, rơi rắc giữa con đường
Ta qua ngang lối chân trời ướt
Em trở về trông một mảnh gương.


Em trở về bên một đóa quỳnh
Hương còn sâu lắng đến bình minh
Đêm qua ta thức nhìn hoa nở
Nghe giữa xa xôi một chuyện tình.


Đóa quỳnh là đóa của duyên yêu
Mộtchút ưu tư ngủ buổi chiều
Giữa lúc đêm về thiên lý nở
Hương còn thao thức lối sân rêu.


Ta giữa mùa thu lại nhớ em
Nhớ hoa quỳnh nở giữa chừng đêm
Trăng về soi tóc cho em ngủ
Đâu đó sương rơi dưới bậc thềm.


(Thanh Trúc, Em là một đóa quỳnh)

5 thg 11, 2014

Kem nhãn Sài Gòn

Có những chiều mưa xuống bất ngờ
Sài Gòn ướt hết mấy câu thơ
Em mời ta một ly kem nhãn
Nghe dịu dàng bên phố mộng mơ.

Góc phố Sài Gòn nhỏ lắm em
Nhỏ và đọng lại những niềm riêng
Kem Sài Gòn ngọt do hương nhãn
Thuở ấy lòng ta đẹp bởi duyên.

Sài Gòn cũng đẹp những chiều mưa
Em hỏi lòng ta có mộng chưa
Ta giấu lòng ta, kem lạ lắm
May nhờ hương nhãn mới ăn vừa.

Sài Gòn quên nhớ chốn đâu nhà
Em tiễn ta về cuối phố xa
Áo khoác nhường nhau không chịu mặc
Và rồi mưa ướt hết hai ta...

(Kem nhãn nay còn ngọt lắm không?
Lòng ta chắc cũng vấn vương lòng?
Bao giờ em gối vai anh ngủ?
Ta ngắm mưa ngoài góc phố đông.)

(Thanh Trúc, Kem nhãn Sài Gòn)

3 thg 11, 2014

Mưa trên những chuyến phà


Mưa ướt chuyến phà ướt nhớ nhung
Miền tây xa cách, cách muôn trùng
Lòng ta chắc cũng ngăn sông núi
Nên vẫn chưa từng hẹn thủy chung.


Chỉ có lòng yêu giữ lặng im
Nghe buồn định mệnh giữa con tim
Đúng người, nhưng gặp sai thời điểm
Để lại trăm năm những nỗi niềm.


Trong một chiều mưa nhớ nhạc buồn
Nghe phà sang bến chiếc neo buông
Sông nào tuyệt diệu nuôi em lớn
Anh ghé thăm mưa giữa cội nguồn.


Em có từng lên những chuyến phà
Nhớ nhìn con nước khẽ trôi qua
Nhớ rằng anh đã từng mơ ước
Giữa một chiều mưa một bóng xa...


(Thanh Trúc, Mưa trên những chuyến phà)

Ảnh: Sưu tầm.

2 thg 11, 2014

Bài thơ khắc bút chì


Có một bài thơ khắc bút chì
Là bài thơ nhỏ tấm lòng ghi
Bài thơ anh trót trao nhung nhớ:
Em ở nơi đâu, nghĩ chuyện gì?


Em khắc bút chì, chỉ khắc thôi
Bút chì vô ý kết thành đôi
Vì sao duyên đến, em không biết
Chỉ biết rằng duyên đã đến rồi.


Chỉ biết rằng anh... cũng nhớ thương
Bút chì em khắc, mộng anh vương
Tên anh trên bút, lòng em gói
Hai tiếng yêu thương gửi dặm trường.


Bút chì em gửi chuyến xe nhanh
Gửi đến bên anh giấc mộng lành
Nhắn nhủ đôi lời: anh nhớ nhé
Bút chì xanh đã khắc tên anh.


Bút chì xanh cũng khắc lòng em
Khắc cả thơ ngây, cả nỗi niềm
Anh nhớ nâng niu từng chút nhé
Vì em đã tặng cả con tim.


Tên khắc bút chì, mộng tặng nhau
Bút xanh như thể phút ban đầu
Hẹn thề chưa nói nhưng lòng ước
Chiếc áo em hồng giống áo dâu.


(Thanh Trúc, Bài thơ khắc bút chì)

1 thg 11, 2014

Nửa của tên em

Dang dở ngày xuân nửa cuộc tình
Phai màu mây trắng áo nguyên trinh
Mười năm em đã theo người khác

Tôi vẫn còn yêu một đóa quỳnh.

Đóa quỳnh là nửa của tên em
Nửa khác hồ như chứa nỗi niềm
Trong cõi mùa thu rơi chiếc lá
Và tôi thao thức đếm từng đêm.

Tôi trở về yêu, học tiếng yêu
Yêu hoa quỳnh nở lúc ban chiều
Quỳnh hoa, hoa khói, đâu là thật
Như mộng, như sầu cuối tịch liêu

Đâu mới là hương gió cuốn bay
Đâu hoa xuân nở vóc em gầy
Tôi về chỉ có tôi và mộng

Chẳng có quỳnh xưa dưới áo mây.

(Thanh Trúc, Nửa của tên em)