23 thg 8, 2014

Em về, mình chia tay

Em từng thích cả khoảnh trời xanh
Thích nắng lung lay, lá dưới cành
Có những lần mưa, thu vẫn đến
Nhưng lòng em đã... chẳng còn anh.

Em về, thôi nhé, hãy chia tay
Nước dưới sông trôi, lối cỏ dày
Mưa xuống nhẹ nhàng, em ướt áo
Tình đầu em đã hết mê say.

Em bước vội về phía cuối thu
Yêu thương trả lại bóng mây mù
Mưa buồn ướt hết chiều thăm thẳm
Xa vắng tình đầu nẻo lãng du.

Áo cất mù sa, chuyện dở dang
Thu theo đường cũ, lá rơi vàng
Mộng người trả lại cho người mộng
Mưa ướt đời nhau chuyện hợp tan.

Em về cửa sổ ngắm nhìn mưa
Nghe tiếng thu lay lá chuyển mùa
Mưa nhỏ rơi hoài quanh phố nhỏ
Bên đường trôi hết chuyện ngày xưa.

(Thanh Trúc, Em về, mình chia tay)

20 thg 8, 2014

Áo trắng cô dâu

Em về khoe áo trắng cô dâu
Có biết chăng duyên đã chuyển màu
Đôi lúc lòng yêu như tiểu thuyết
Đẹp vì dang dở, tiếc, và đau.

Em cười khoe má thắm môi xinh
Chắc lãng quên xưa một chuyện tình
Tôi trách chi đâu, đời vẫn thế
Một thời quen biết để làm thinh.

Nẻo nhỏ tà dương thoáng ngại ngần
Em qua đường cũ, cỏ bâng khuâng
Gót trăng mới nhiễm trần gian bụi
Một mảnh mơ hồ cuối gió xuân.

Em đâu ngoảnh lại, một lần thôi
Áo cách nương dâu khuất bóng người
Đường cũ em về qua chốn cũ
Tôi buồn tâm sự của riêng tôi.

Áo cưới em về nẻo cỏ may
Đất trời vô sự nắm đôi tay
Giống em và một người xa lạ
Ngang lối ưu tư cỏ mọc đầy.

Em về theo kẻ nói yêu em
Trong cõi xuân son rất dịu mềm
Đâu nữa hồn nhiên con én nhỏ
Ngàn thông mưa bụi trú hằng đêm.


(Thanh Trúc,  Áo trắng cô dâu)

Đâu là bình yên

Đám cưới vô tình gặp lại nhau
Em là bạn cũ của cô dâu
Anh ngồi đối diện không người hiểu
Hôm ấy xuân xanh đã úa màu.

Em hỏi khi nào đến lượt anh?
Không còn lâu lắm, cũng không nhanh
Bao giờ duyên đến, yêu là cưới
Nhưng đợi khi em... chuyện đã thành.

Chuyện em, chắc khó, bởi người ta
Khi nắng khi mưa, chẳng đậm đà
Không giống ngày xưa anh lặng lẽ
Nhưng lòng yêu chẳng chút rời xa.

Anh cười, sao chẳng chịu yêu anh
Có lẽ duyên thưa, nợ chẳng thành
Có chắc gì đâu: yêu phải cưới
Hôn nhân nào chỉ có màu xanh.

Em còn đâu nữa thuở ngày xưa
Lòng đã thu phai, nắng chuyển mùa
Anh chẳng gọi em cô bé nữa
Hồn nhiên thôi ướt những chiều mưa.

Em bây giờ chắc giống như anh
Lòng cũng lung lay sắp rụng cành
Kiếm chốn nào yên rơi vĩnh viễn
Khép đời sau lối cỏ vòng quanh.

(Thanh Trúc, Đâu là bình yên)

Lối bình yên

Có đường nào lạ lẫm em đi
Vướng chút ưu tư sợ lỡ thì
Cô gái bình yên hai mấy tuổi
Người quen, người lạ, gặp, chia ly...

Có đêm nào giống thủy tinh rơi
Rơi xuống quanh em vỡ bóng người
Bóng biết tìm đâu chân vội vã
Khi người lơ đãng giữa mùa trôi...

Có đêm nào giống thủy ngân rung
Tiếc, nhớ, thương, đau, hận... trập trùng
Cố ý rằng quên, quên chẳng được
Hay lòng em đã hết bao dung.

Em tìm đâu được lối bình yên
Khi bóng xuân xanh lạc khỏi miền
Váy trắng em dài trong lễ cưới
Nghẹn ngào buông xuống tuổi hoa niên.

Đám cưới rồi đây cũng sẽ qua
Em se tóc rối dưới hiên nhà
Lặng thầm như thuở em mười tám
Lạc mất tình đầu dưới phố xa.

Ấy lối bình yên giữa đất trời
Thu, đông, xuân, hạ, trải qua thôi
Hồn nhiên, gặp gỡ, quen, yêu, cưới
Duyên, nợ, chồng, con, đến hết đời.

(Thanh Trúc, Lối bình yên)

Lại mùa tigon

Buổi chiều anh hái vội tigon
Cài tóc em nghe nắng thật buồn
Có lẽ ta quên đời tấp nập
Khi mùa thu khóc gió ly hôn

Phải thu nào cũng đẹp như xưa
Trên má em xinh, mũi dọc dừa
Nay đã thu thành mây trắng nhẹ
Qua lòng anh chẳng chút đong đưa.

Em đâu còn nữa thuở vô tư
Kể chuyện xưa nghe điệu giã từ
Anh giấu lòng rong rêu ảm đạm
E rằng duyên ý chẳng còn dư.

Em tóc mây thôi tuổi dịu dàng
Khóc cho đời, khóc cả nhân gian
Anh còn luyến tiếc bao mùa trước
Khi lỡ đem hoa kết vội vàng.

Thu này lại nở đóa tigon
Đâu đó dư âm gợi nỗi buồn
Ví chẳng ngày xưa ta sợ rụng
Thì đâu luyến tiếc lúc hoàng hôn.

(Thanh Trúc, Lại mùa tigon)

Viết thời gian

Thu trên trang giấy nắng thu cười
Hoa sữa tường ai lất phất rơi
Sen cuối mùa hương, mưa đậm nhạt
Tigon hẹn ước giữa buồn vui.

Đông nhòe vết mực, gió chưa khô
Băng tuyết run mây dưới mặt hồ
Áo gấp từng trang bông trắng đệm
Phấn son nửa hộp đã ngừng tô.

Xuân mai lấp lánh nắng mai vàng
Bút lượn tròn như cánh én sang
Cô gái nhà ai đeo nhẫn cưới
Má hồng phớt đỏ, ước bình an.

Hạ về nét đạm giục quyên ca
Thạch lựu đơm hoa dưới mái nhà
Thiếu phụ nhìn con reo trước cửa
Mây xa thoáng nhớ những ngày xa.

Ai viết thời gian dưới ý thơ
Lắng sâu độ ấy đến bây giờ
Có từng lưu luyến bao mùa trước
Lật lại từng trang hóa giấc mơ.

(Thanh Trúc, Viết thời gian)

Oanh về kiếm bạn

Có những ngày thu nhẹ nhõm sao
Hương quê lắng đọng dưới mưa rào
Oanh về kiếm bạn miền dân dã
Quên tạm lầu son với gác cao.



(Thanh Trúc)

Chim yến lạc đường

Chiếm giữ lòng em những dại khờ
Vô tình trong những giấc em mơ
Anh là gió của đêm đông lạnh
Là tiếng mưa thu ướt áo hờ.

Anh chẳng ngọt ngào, chẳng dịu êm
Không như hoa sứ dưới chân thềm
Thương em chẳng được như người lạ
Ngăn cấm em vào mộng giữa đêm.

Mà sao em cứ mãi yêu anh?
Khi những cơn mưa đã đổ cành
Em tựa mùa thu chim yến nhỏ
Lạc đường qua những tháng ngày xanh.

Cánh yến lạc đường, cánh yến run
Tim yêu đã lạnh đến vô cùng
Phương trời thăm thẳm còn chao đảo
Nhân thế tìm đâu kẻ thủy chung?

(Thanh Trúc, Chim yến lạc đường)

14 thg 8, 2014

Những rung động đầu đời

Tôi không gọi đó là "mối tình đầu", vì từ thuở ấy đến bây giờ, tôi vẫn không biết đó có phải là cảm giác của tình yêu hay không. 

Từ nhà tôi đi bộ sang nhà nàng mất khoảng 5 phút, miễn cưỡng có thể xem là hàng xóm. Tôi học chung với nàng từ lớp 1 và suốt thời cấp 1, sau đó cấp 2 chia lớp nên tạm thời tách ra, đến cấp 3 chắc là có duyên nên lại học chung. Hết 12 năm học thì đã học chung với nhau 8 năm rồi. Không tính tới mẫu giáo vì hồi đó tôi không nhớ rõ cho lắm. Lại miễn cưỡng cũng có thể tính là thanh mai trúc mã.

Nghe mẹ tôi kể, nàng với tôi có họ hàng xa gì đó, tính ra tôi phải gọi nàng bằng chị. Mà tôi cũng không để ý vấn đề này nhiều lắm, dù sao cũng quá 3 đời, pháp luật không cấm. Đương nhiên theo quan điểm của người miền quê thì họ hàng xa vẫn là họ hàng, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Cho nên đến bây giờ, chúng tôi vẫn giao tiếp với nhau như bạn bè.

Mai nàng đi lấy chồng rồi. Đám cưới có mời tôi.

Không biết lập gia đình có phải là một chuyện thú vị không, con gái lớp tôi, đa số đều có gia đình hết rồi. Người chưa có thì chuẩn bị cưới, ai chưa chuẩn bị cưới thì cũng đã có người yêu, ai chưa có người yêu thì cũng là đã yêu một hai lần rồi chia tay. Chỉ có mấy thằng con trai độ tuổi tôi, thỉnh thoảng vẫn còn chơi long nhong ngoài đường, nói vài ba chuyện nhảm nhí kiểu của con trai với nhau, còn chưa thể gọi là "đàn ông" được. Còn con gái thì đã thành phụ nữ rồi.

Bẵng đi một vài năm, tôi học ở Sài Gòn, kinh tế 4 năm, rồi về Nha Trang làm việc. Nàng học cao đẳng sư phạm Nha Trang, rồi về quê dạy tiểu học. Đúng trường mà ngày xưa tôi với nàng học chung. Một số thầy cô từ ngày xưa dạy tôi với nàng, bây giờ đa số đã về hưu, còn lại một số thì thành đồng nghiệp của nàng. Nàng đi dạy được vài năm, không biết sao kiếm ra một người yêu, rồi chuẩn bị lên xe hoa. Đời con gái, cũng nhanh như mùa xuân vậy, nở rộ ra bất ngờ. Mà cũng không giống mùa xuân lắm, có thể kéo dài hơn, nhưng chắc không có lần thứ 2 trở lại.

Những rung động đầu đời đến với tôi từ năm lớp 3, lớp 4 gì đó. Ngày đó tôi làm lớp trưởng, nàng làm lớp phó, nàng ngồi bàn trên chéo với tôi mấy dãy, tôi thường hay liếc nhìn nàng. Lâu lâu nàng cũng quay lại bắt gặp tôi nhìn lén, rồi thỉnh thoảng nàng cũng nhìn lại tôi. Không biết nàng có ý gì không, nhưng tôi biết tôi thích nàng từ dạo đó. Nghe rất ngu ngơ, rất trẻ con. Nhưng giờ nghĩ lại thấy dịu dàng và bình yên đến lạ, khi mà chúng tôi còn là những tâm hồn non dại trắng tinh mơ, chưa biết đâu là mùi vị buồn thương tiếc hận của dòng đời mịt mùng.

Hồi đó trong lớp tôi hay chơi chung với 2 đứa con trai. Nàng cũng chơi chung với 2 đứa con gái nữa. Chúng tôi hay chọc phá nhau mỗi giờ ra chơi. Tôi nắm tóc nàng kéo rồi để cho nàng đánh, ngắt, hoặc rượt chạy vòng vòng. Thỉnh thoảng có chơi nhảy dây chung với nàng. Nàng nhảy rất khéo, chân nọ đan vào chân kia, rồi đan vào hai sợi dây, một kỹ thuật "siêu đẳng" mà tụi con trai chúng tôi không thể nào học được. Ưu thế duy nhất của chúng tôi là trò nhảy cao, ai nhảy cao hơn  là thắng. Hồi đó tôi rất sợ nhện, mà nàng hay bắt mấy con nhện nho nhỏ, bẻ chân nó ra rồi dọa tôi. Sau này đỡ sợ hơn rồi, nhưng những ký ức đó còn mãi. 

Chiều chúng tôi về nhà chung với nhau. Nàng thường đi bên trái đường, để tiện cho ngã rẽ vào nhà nàng cũng ở bên trái. Tôi ở phía bên phải, thường đi song song với nàng. Đôi lúc cố gắng đi nhanh một chút để vượt qua mặt nàng, cho nàng ấm ức, sau đó nàng cố gắng đi nhanh hơn, để vượt qua tôi, sau đó 2 chúng tôi "đua" với nhau, mãi đến khi nàng rẽ và ngõ nhỏ. Suốt chặng đường về đó, chúng tôi không nói với nhau một câu nào cả. Nhưng sự im lặng đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất đời tôi.

Trước nhà nàng có một cái hồ nho nhỏ, hồi đó có đôi lần tôi với mấy thằng bạn trong xóm ra câu cá ở đây. Tụi nó câu rất "mát tay", được vài phút là có cá cắn câu. Tôi thì không thích mấy trò này lắm, chỉ đi theo cho vui và thỉnh thoảng hay để ý nhà nàng xem có bắt gặp được nàng không. Nhưng đa phần thì lần nào nàng cũng đi đâu mất. Có vài lần cũng gặp được nàng, nhưng xong rồi đi ngay, cũng không nói chuyện với nhau.

Cũng có vài lần tôi đi lang thang không mục đích, hoặc là cố ý đi học bằng "đường tắt" qua ngõ nhà nàng, mặc dù đi lối này xa hơn so với lối mà tôi thường đi. Chỉ để có một ước mơ nho nhỏ là thoáng bặt gặp được nàng. Nhưng cuối cùng cũng không gặp. Giống y như cảnh mà chàng Kim nhiều lần đến trước cổng nàng Kiều để ngóng trông, nhưng rồi "Mấy lần cửa đóng then cài/ Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu". Ngày đó tôi cũng có đọc qua truyện Kiều, nhưng mãi đến tận sau này, tôi mới hiểu được ý nghĩa của một vài câu trong đó.

Hết cấp 1, thi chuyển cấp, chúng tôi không còn học chung lớp nữa. Những cảm giác đầu đời của tôi cũng nhanh chóng phai nhòa đi theo năm tháng, giống như là một cơn gió nhẹ mùa xuân, đi qua rồi biến mất, chỉ để lại một ít mầm cây khép nép ở một góc nào đó. Tôi cũng ít gặp nàng hơn, và bắt đầu cảm thấy sự học quan trọng nên cũng khá tập trung vào bài vở. 

Hồi cấp 1 tôi rất lười, nhiều khi không làm bài tập đầy đủ nữa, nhất là các bài tập viết, trang nào cũng toàn giấy trắng. May mắn là hồi đó tôi cũng khá thông minh, nên cô giáo ít kiểm tra bài vở, chỉ nhớ một lần suốt những ngày đó, đúng 1 lần, tôi nói dối cô là bỏ quên vở ở nhà, bị khẻ tay 3 cái. Có thể tính là lần đầu tiên trong đời tôi bị khẻ tay, và cũng là lần duy nhất. Mà chắc cũng vì lười như vậy nên chữ viết của tôi xấu tệ, nhiều lần viết văn mà thầy cô cũng không đọc ra. Sau này có cất công ba tháng rèn chữ, nên cũng đỡ hơn đôi chút, nhưng nhìn chung vẫn là khó đọc.

4 năm cấp 2 trải qua bình lặng, tôi theo đuổi nhiều niềm vui mới hơn, ngoại trừ chuyện học hành, tôi còn đọc nhiều sách, học làm thơ, học âm nhạc, tiếp xúc với vi tính và một ít thứ linh tinh khác. Tôi cũng ít ra ngoài và tiếp xúc với bạn bè hơn, ngoại trừ những người bạn trong lớp. 4 năm này, tôi dần dần quên nàng đi. Mặc dù cũng có đôi lúc chạm trán nhau, nhưng không nói với nhau câu nào cả. Rồi sang cấp 3, chúng tôi lại quen nhau, cùng đỗ vào một trường cũng kha khá, và được học chung một lớp chọn.

Tôi cảm thấy nàng sống khép kín hơn, cũng giống như tôi vậy. Chắc là những rung động đầu đời, mà giờ đây chính xác là chấn động, đã thay đổi gần hết cuộc sống của nàng. Sau này nghĩ lại, tôi cũng có đôi chút hối hận, giá mà ngày xưa tôi không nhìn nàng nhiều như vậy, để rồi nàng cũng nhìn lại tôi. Mà những ngày đó đã qua lâu lắm rồi, giờ đây khi gặp lại những năm cấp 3, chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau như bạn bè. Sau này nàng có tìm được vài người bạn rất thân trong lớp, cũng nói chuyện nhiều hơn và sôi nổi hơn, có vài phần mạnh mẽ, gãy gọn như ngày xưa.

Nàng thi cao đẳng, chọn một cuộc sống bình yên tĩnh lặng, có lẽ là cho đến hết phần đời còn lại của nàng. Còn tôi vẫn long đong như ngày xưa, nay đây mai đó, không biết bao giờ mới ổn định. Sau này cũng bất chợt giữa cuộc đời, tôi có rung động với vài người con gái khác, tôi vẫn không biết đó có phải là tình yêu hay không, nhưng rồi người ta cũng đi qua đời tôi như những đám mây mùa hạ, thứ còn sót lại chỉ là một ít kỷ niệm nhỏ nhoi trước khói bụi và lo toan của cuộc sống. Mà tôi cũng biết rằng, không có ký ức nào đẹp như ký ức tuổi thơ của tôi cả, bởi vì trong đó có hình ảnh của nàng. Và đôi lúc tự nhiên tôi cũng thấy mình nhỏ lại, mơ hồ như sống lại những ngày đó, có biết bao nhiêu là kỷ niệm, hồn nhiên, vô tư.

Lâu lâu đi làm về nhà, tôi vẫn thường đi theo con đường qua trường cũ. Ngày xưa, trường cũ của tôi với nàng là mấy dãy nhà lụp xụp, mái ngói rêu phong đen sệt, tường vôi rách bươn, đèn điện trong phòng cái sáng cái tắt, mạng nhện đóng đầy trên trần nhà. Sân thì đầy đất cát và thỉnh thoảng khi mưa xuống rất lầy lội. Hàng rào thép gai, đầy cây bụi, có những chỗ trống có thể trèo hoặc chui ra được. Tôi nhớ hồi đó tôi còn chạy nhảy, vô ý bị người ta đẩy va vào cây cột, sứt đầu mẻ trán, máu chảy ra ướt hết cả áo. May có người quen chở về nhà, rồi mẹ đưa tôi đi khâu. Sau này chỗ đó vẫn còn sẹo. 

Bây giờ trường đã khang trang hơn rất nhiều rồi, tường xi măng bốn bên, cổng lúc nào cũng kín. Tôi chỉ thoáng thấy bên trong những dãy nhà mọc lên khá cao đẹp, mái ngói đỏ rực. Sân trường cũng lát bê tông. Vết tích của ngày xưa gần như đã mất hết. Chỉ còn lại một vài cây bàng, cây phượng, mà hồi xưa chúng tôi cũng đã từng chăm sóc đôi lần theo phân công của nhà trường. Lúc đó chúng còn bé tẻo teo, chúng tôi phải bón phân, tưới nước và cắm cây xung quanh cho khỏi ngã, bây giờ chúng đã rất lớn, che bóng mát khắp cả góc sân. Dù gì cũng 10, 15 năm chứ ít gì. Nhưng nếu để ý nhìn thì vẫn tưởng tượng ra được dáng vẻ cây con của ngày xưa.

Tôi sau này, sau nhiều lần rung động rồi đau, cũng vững vàng hơn đôi chút. Có nhiều người thỉnh thoảng vẫn dò hỏi tôi về mối tình đầu tiên. Tôi cũng ít kể, vì tôi không chắc chắn đó là cảm giác gì nữa. Nhưng dù sao thì đó cũng là những ký ức rất sớm của tuổi thơ, nó gắn liền với cả khoảnh trời mà tôi sống, nên từ tận tim tôi, tôi vẫn cảm thấy nó đẹp vôi cùng. 

Thỉnh thoảng lên mạng tôi vẫn nói chuyện với nàng, nhưng chỉ là bạn bè trao đổi với nhau, tôi không tìm được cảm giác của ngày xưa nữa. Có lẽ điều mà tôi trân trọng chỉ là ký ức, chỉ là những giấc mơ, và vẻ đẹp cũng là vẻ đẹp của con người mà tôi dựng lên trong mơ, không phải là con người thật. Cho nên, khi biết tin nàng đi lấy chồng, tôi vẫn không cảm thấy gì luyến tiếc cả. Có chăng chỉ là chút cảm xúc nhất thời, khi chính thức giã biệt với hình ảnh con người, với cái bóng con người của những ký ức trong tôi.

Cám ơn nàng. Vì đã đến và đi qua cuộc đời tôi như những giấc mơ đẹp nhất của thời thơ ấu.

Tạm biệt nàng. Tạm biệt một thời ta đã từng quen biết nhau.

Nha Trang, ngày 14 tháng 8 năm 2014.

10 thg 8, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Hương vị của núi rừng Hà Giang

Nói núi rừng thì thực ra không phải, suốt tuần chúng tôi chỉ loanh quanh ở khu vực thành phố. Nhưng ở đây có khá nhiều món ăn mang đậm chất núi rừng Hà Giang. 

Hà Giang đón tôi trở lại bằng một cơn mưa nhẹ. Xe Hồng Thịnh đưa đến trước cổng khách sạn. Sau đó chúng tôi chuyển qua một khách sạn khác cho tiện đường đi khách hàng. Đó là một khách sạn lớn, có tiền sảnh rộng và đông người. Những buổi sáng dậy sớm, nhìn qua cửa sổ phòng, tôi có thể thấy thấp thoáng những đám mây, đám sương nhỏ nằm vắt vẻo trên đỉnh núi gần đó.

Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi lang thang ở những khu chợ gần khách sạn, mua một ít trái cây. Sau đó ăn tối bằng món cơm rang Hà Giang cũng gần khách sạn. Chúng tôi quen anh quản lý ở bên đó, hỏi ra mới biết anh đó là em họ của một khách hàng. Anh vui tính, thân thiện và phục vụ rất chu đáo. Cơm rang (mà ở quê chúng tôi hay gọi là cơm chiên) được chế biến màu vàng rượm, có kèm với thịt bò cắt nhỏ, thêm một quả trứng ốp ở trên, khoảng 35k/1 phần, ăn với canh trứng, cũng khá vừa miệng.

Khách hàng vẫn như dịp trước, có người dễ làm việc, có người khó làm việc. Nhưng dù sao mọi chuyện đều ổn. Người ta có mời chúng tôi đi ăn đôi bữa ở những nhà hàng gần đó. Đó là một nhà hàng thịt dê gần đó, chỉ có duy nhất một món dê, nhưng người ta chế biến ra rất nhiều món. Phong tục của Hà Giang vẫn vậy, nếu ngày xưa "miếng trầu là đầu câu chuyện", thì ở đây "ly rượu là đầu bữa cơm". Dù có thích uống hay không, người ta vẫn phải mời cạn chén đầu tiên, sau đó có thể tiếp tục uống hoặc dùng cơm. Nếu không có rượu thì không khí sẽ trở nên gượng gạo bất thường. Đương nhiên là đối với nhóm chúng tôi, việc bị ép uống một vài ly là điều không thể tránh khỏi. Hôm đó tôi chỉ từ chối được một món ăn là "tiết canh dê", vì mùi vị rất khó ưa. Sau đó nhà hàng đã chưng lên cho chín rồi, nhưng vẫn không ăn được. Nghe ai cũng bảo ăn mát lắm, nhưng mới ngửi chút mùi tôi đã không chịu được.

Nhà hàng thứ 2 mà người ta dẫn đến, là một nơi chỉ toàn có rắn. Đương nhiên từ rắn, người ta cũng chế biến ra nhiều cách khác nhau, mùi vị cũng không đến nỗi tệ lắm. Lần này tiết canh rắn chúng tôi cũng từ chối, còn mật rắn uống với rượu thì không cách nào tránh được. Đó là một thứ dung dịch xanh lè, đặt sệt, người ta pha loãng với rượu, uống vào có vị đắng đắng, gây gây, xen lẫn với vị cay và nồng độ cồn của rượu. Uống thì uống cũng được, nghe người ta nói ăn gì bổ nấy, nhưng những món như thế này, lâu dài chắc cũng có tác hại, nên hạn chế được chút nào hay chút nấy.

Hôm cuối, người ta còn dẫn đến một nhà hàng khác, lần này chỉ ăn toàn cá. Đó là một nhà hàng xây nổi trên sông Lô, gọi là nhà hàng "Lô Giang". Muốn tới đó, phải đi bộ xuống một cái dốc nhỏ dẫn tới bãi bồi bên bờ sông Lô. Sông Lô mùa này nước chảy khá xiết. Chúng tôi ở thành phố mà nghe nói mưa bão ở vùng núi nào đó phía trên Hà Giang, làm thiệt hại vài mạng người.

Có một buổi chiều nọ, chị kế toán lái xe đưa nhóm đi chơi một vòng quanh thành phố. Chị có chồng và 2 đứa con, nhưng trông vẫn khá trẻ và vui tính. Chị đưa chúng tôi ghé một quán ăn vặt bên rìa thành phố, ăn món xiên que chế biến kiểu Trung Quốc, người ta tẩm ướp gia vị vào thịt cắt nhỏ, xiên thành một que dài và nướng lên than hồng, mùi hương rất đặc biệt, nghe nói anh chủ quán học nghề với người Trung Quốc nào đó rồi về mở quán, cũng khá hút khách. Món rau trộn thì người ta chế biến theo kiểu căt nhỏ đủ loại rau, củ, quả, chiên chung cho thấm gia vị rồi đổ ra đĩa, có thể dùng que xiên để ăn, hoặc gắp bằng đũa.

Những ngày ở vùng núi này, lần đầu tiên tôi biết đến một loại trái cây, gọi là đặc trưng của núi rừng miền bắc: Quất hồng bì. Hôm đó chị khách hàng mua cho vài ký. Đó là một loại quả tròn tròn, nhỏ xíu, vỏ mềm và mọc thành chùm. Nhìn xa rất dễ lẫn với quả nhãn, nhưng trái hồng hơn và nhỏ hơn. Lần đầu tiên ăn vài có mùi rất lạ, nhưng khi quen dần ăn rất ngon, vị chua chua thơm thơm rất dễ chịu. Trái nhiều hạt, hạt nhỏ xíu, giống hạt nho nhưng to hơn gấp mấy lần. Có thể lột bỏ vỏ hoặc ăn luôn vỏ tùy thích. Nghe nói trái này chỉ có một mùa, mà mùa nó rất ngắn, dễ bị dập, hư, không bảo quản được lâu, tối đa chỉ vài ba ngày thôi, nên người ta khó chuyển vào nam để bán, nên chỉ miền bắc mới có. Hôm về tôi có mua một ít về làm quà, nhưng loanh quanh đâu đó, đa số đều bị giập hết, ăn không ngon nữa.

Ở khách hàng gần hết một tuần. Chị nhóm trưởng ra quyết định sắp xếp công việc để hoàn thành sớm hơn dự kiến một ngày, tôi thứ 6 là chúng tôi lên xe trở về Hà Nội, có được một ngày thứ 7 để dạo chơi thư giãn, và trưa chủ nhật chúng tôi bay về lại Nha Trang. Vậy là tạm kế thúc chuyến du lịch dài ngày xa xôi của chúng tôi. Mọi việc đều diễn ra trong kế hoạch, ngoại trừ một ít rắc rối về thời tiết và không khí vùng cao xảy đến với những người bạn của tôi. Còn tôi thì thỉnh thoảng vẫn bị say xe do đường núi vòng quanh. May là lên máy bay không bị say gì cả, nên kịp nhìn trời nhìn mây.

Nha Trang lúc chúng tôi về khí hậu cũng khá oi bức, nhìn chung thì không đẹp hơn những mùa khác, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu hơn không khí ở ngoài đó. Một phần là vì có không khí từ biển vào, phần lớn vì đó là hương vị của xứ quê hương...

6 thg 8, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Hái trộm nhãn trên đất Tuyên Quang

Đây có thể tính là một trong những kỷ niệm đẹp nhất, sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Đương nhiên, chuyện này cũng chẳng vẻ vang gì, nhưng giờ nghĩ lại, xấu thì cũng có xấu, nhưng chắc không đến nỗi nào nghiêm trọng, nên không cần phải che giấu. Ngược lại, tôi còn cảm thấy khá hồi hộp, kích thích và cũng rất vui. Cũng có thể tính là một trải nghiệm khá mới mẻ cùng với đồng nghiệp.

Sau khi từ Chiêm Hóa - Na Hang trở về, chúng tôi còn loanh quanh ở phố Tuyên Quang thêm vài ngày nữa. Có những buổi chúng tôi dạo bước đến những quán ăn gần bờ sông Lô, gọi vài món ăn bình dân, hoặc một ít lẩu thập cẩm, vài lon nước ngọt rồi cùng nhau nói chuyện, xem như là giải trí sau những giờ làm căng thẳng. Những quán ăn bên sông Lô khá nổi tiếng với các loại cá, rất ngon mà giá cả cũng khá bình dân: cá lăn và cá đục. Cá lăn thì nhỏ xíu, giống giống như cá cơm, người ta chiên chung với một ít rau núi, ăn giòn rụm. Có đục lớn hơn, cắt khúc, có thể chiên giòn hoặc nấu canh chua sấu, thịt ngọt, ăn hoài cũng không chán.

Đó là một buổi trưa đầy nắng, rất đẹp. Sau bữa cơm khá no bụng, chúng tôi dành một ít thời gian nghỉ trưa để lang thang qua những con phố rất rộng rãi và vắng người. Nơi đây toàn là những cơ quan nhà nước, rất ít người, nhưng cổng mở suốt ngày. Một điều rất hấp dẫn nữa là những cơ quan ở đây đều có vườn khá rộng, và trong vườn có rất nhiều cây nhãn, cũng tương đối lâu năm, và... trái sai trĩu cành. Một vài chỗ trái chĩa ra bên ngoài vách tường và có thể với xuống hái được.

Phải nói thêm là, đồng nghiệp của tôi nói riêng, cũng như những người làm nghề giống chúng tôi, đa số, và thỉnh thoảng có lúc rằng, rất bất thường, mà chúng tôi hay nói vui rằng "thần kinh không ổn định cho lắm". Thế là mọi người rủ nhau... hái vài trái nhãn ăn thử. Chính xác là chị trưởng nhóm đề xuất, và mọi người hưởng ứng theo. Thế là chúng tôi thi nhau níu cành ở bên ngoài vách tường xuống, hái gần đầy một cái mũ luôn. Nhãn ở đây khá ngọt và khô ráo nên rất dễ ăn. Trái trên cành còn chưa chín nhưng vị ngọt đã thấm vào tận đầu lưỡi. Mà không hiểu sao không có dơi hay chim gì đó phá, chắc nhiều quá rồi chúng nó cũng chê. Nếu chê thì thôi, để lại cho chúng tôi vậy.

Nếu dừng ở đây thì chuyện cũng chẳng có gì mới lạ cả, dù sao thì nhãn nhiều, hái vài trái cũng không là vấn đề lớn. Nhưng rủi ro thay, được một lúc thì có người ra vào cơ quan. Hình như đó là một cơ quan của Sở Lao Động hay Liên Đoàn gì đó. Lúc vội hái nhãn quán nên tôi quên để ý. Thế là người ta vào trong và méc bảo vệ. Bác bảo vệ chạy ra, nắm tay anh bạn đồng nghiệp tôi kéo vào trong. Cả nhóm chết lặng người. Lúc nào chị trưởng nhóm mới kéo cả nhóm (chính xác là cả đồng bọn, trong trường hợp này) vào theo, và giở trò năn nỉ đủ thứ. 

Tiếc là không có máy ảnh để chụp lại khuôn mặt của anh đồng nghiệp lúc đó. Bị bác bảo vệ nắm kéo lại mà trông tội ơi là tội. Bác bảo vệ còn cho tay vào túi, sờ sờ, giống như là lấy cong số 8 ra hay dây thừng gì đó để trói người. Giờ nghĩ lại chắc là lúc đó bác cũng dọa chúng tôi mà thôi. Cơ mà lúc đó cũng hết hồn, hồn vía lên mây.

Nghe đâu bác bảo vệ nói, cây này bác cũng không dám hái, mà là tài sản chung của mọi người, đến thời vụ mới hái xuống chia nhau. Thế mà tụi chúng tôi lại dám cả gan hái trái như nhà không người. Còn dọa gọi công an trên đồn gần đó xuống nữa. May mà chị đồng nghiệp nhanh trí, xin lỗi rồi hứa hẹn quá trời, bác bảo vệ mới thả cho đi. Chắc là chỉ cũng đã quen nhiều với mấy trường hợp này rồi, nên ăn nói cũng khá lưu loát. Dù gì thì đa số chúng tôi cũng xuất thân từ dân quê ra, mà từ thời xửa thời xưa, đứa nào mà không có một vài tiền án về bắn xoài, bẻ mía cơ chứ.

Chúng tôi tim đập chân run ra khỏi cơ quan người ta, vội vàng đi thêm một đoạn nữa, nhìn nhau rồi... phá lên cười. Không có chút cảm giác nào tội lỗi hay áy náy của những người phạm tội mới vừa bị bắt quả tang cả. Lúc nãy có chị đồng nghiệp còn nhanh nhẹn giấu đâu mất cái mũ đựng đầy nhãn, giờ lại giở ra mà chia nhau ăn. Tôi phải thành thật thú nhận rằng, tôi chưa bao giờ ăn được loại nhãn nào vừa ngon vừa ngọt như vậy.

Mặc dầu ở chợ gần khách sạn, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay ghé mua một ít nhãn, chừng đâu khoảng 25k một ký, ăn cũng ngon, cũng ngọt, nhưng không bằng. Chắc là trái cây hái trộm, nên hương vị có khác đi...

Cuối tuần, chúng tôi tranh thủ ghé một vài nơi nữa trên đất Tuyên Quang. Đáng nhớ nhất là một cái công viên khá rộng, người ta thường hay gọi là công viên Cây Xanh. Ở giữa nó có một hồ nước rất lớn, có thể nhìn thấy trên bản đồ google map. Giữa hồ có một khoảnh đất trồi lên, người ta cho xây trên đó một cái viện bảo tàng rất lớn, được nối ra hai bên bờ công viên bằng những chiếc cầu cong cong nho nhỏ. Nhìn cũng gần giống với "phong kiều" trong thơ của Trương Kế. Đương nhiên tôi chưa tận mắt nhìn thấy "phong kiều" bao giờ cả, chỉ là tưởng tượng và trên tranh ảnh thôi. Nhưng tâm hồn thi sĩ, nhìn vật nhớ người, nhớ cảnh, nên lòng không bao giờ là cũ, là rong rêu cả.

Bảo tàng Tuyên Quang là một bảo tàng rất đẹp. Chúng tôi đến vào ngày chủ nhật nên vắng tanh, cổng thì vẫn để mở, bảo vệ đi đâu mất. Chắc rằng nơi đây cũng ít người qua lại. Chúng tôi bạo gan vào đó dạo một vòng, tranh thủ chụp ảnh lại với những hiện vật bày trong bảo tàng. Bảo tàng có 2 tầng, hiện vật rất đa dạng và phong phú. Đáng chú ý nhất vẫn là một bức tranh khá lớn về "mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào" được điêu khắc nổi trên tường. Tiếc là ít người ghé thăm quá, nên cảnh vật cũng hơi buồn một chút. Anh đồng nghiệp còn than rằng, nếu bảo tàng này đặt ở Nha Trang, có đầy đủ hiện vật như vậy, thì chắc chắn du khách sẽ ra vào tấp nập... Biết sao được, thời gian mà, lịch sử cũng có lúc bị lãng quên đâu đó, ở một góc nào đó của con người. Dù gì thì cũng không ai sống mãi được với quá khứ cả, thứ người ta cần là bình yên trong hiện tại và hướng tới tương lai.
Ở đất Tuyên Quang vài ngày,đến cuối tuần, chúng tôi lại khởi hành lên một địa điểm khác, thành phố Hà Giang xinh đẹp. Và ở đó còn có những câu chuyện thú vị khác nữa...

Nhật ký nghề nghiệp: Rượu say Chiêm Hóa - Na Hang

Tôi trở lại đất Tuyên Quang - Hà Giang vào một buổi giữa tháng bảy. Trời Hà Nội khá âm u. Máy bay đáp xuống rồi cả nhóm ra thẳng bến xe Mỹ Đình bằng taxi. Khoảng 2h chiều thì xe khởi hành lên Tuyên Quang. Đó lại là một chuyến công tác dài, cũng như bao chuyến công tác khác.

Trời Hà Nội khá oi bức, bốn phía toàn là mây mù. Xe di chuyển tương đối chậm, khoảng hơn 5h chiều là tới thành phố Tuyên Quang. Chúng tôi lại nghỉ chân tại khách sạn Hoa Mai như dạo trước. Một điều khá mới là lần này có thêm anh bạn đồng nghiệp mới vào công ty, cũng là lần đầu anh đi xa như vậy. Tôi thì lần thứ 2. Còn các chị đồng nghiệp thì đã đi nhiều đến mức cô chủ khách sạn quen mặt luôn.

Hôm sau chúng tôi đi bộ đến chỗ khách hàng và chia nhau ra làm việc. Tôi cùng với một chị đồng nghiệp khác được đưa đi đến Chiêm Hóa. Lần thứ 2 tôi trở lại. Tuyên Hóa mùa này không khí cũng khá dịu. Thỉnh thoảng cũng có một chút mưa vùng cao, rải rắc đủ để lòng người tràn đầy thi vị. Chị kế toán vẫn như ngày xưa, có cái tên giống với tên một người bạn của tôi. Các anh chị khách hàng khá thân thiện và vui vẻ, ngoại trừ một khoản là thường hay ép rượu. 

Chắc là do lòng nhiệt thành của mọi người, và theo truyền thống "nhập gia tùy tục", nên tôi không thể từ chối được. Người ta mời ly nào là cạn ly đó. Rượu ngô men lá, vị cũng nhẹ nhưng có thể say hồi nào không hay. Buổi trưa lúc đi ăn với khách hàng về là đầu tôi ong ong lên, may mà công việc cũng tương đối nhẹ nhàng, còn đủ tập trung cho đến chiều xế.

Nếu say rượu một chút cũng không đáng kể gì, nhưng chiều hôm đó, chúng tôi còn phải lên xe tiếp tục đến một địa điểm nữa, đó là Na Hang. Na Hang là một huyện tương đối xa, còn xa hơn cả Chiêm Hóa nữa, đường núi thì khá quanh co, và đương nhiên, giữa đường tôi lại bị say xe như lần trước. Một cảm giác không thể nào tránh khỏi, dù cho đi công tác nhiều, đi xa nhiều, có quen thuộc cỡ nào đi nữa. Chắc là do tác dụng của rượu bia với say xe kết hợp. Bằng chứng là hôm sau đường về tôi không bị sao cả.

Đường từ thành phố Tuyên Quang đến Chiêm Hóa phải chạy qua quốc lộ 2C rồi rẽ lên, khoảng 2 tiếng đồng hồ, nhưng tương đối dễ đi vì người ta đã sửa lại nhiều. Còn đường từ Chiêm Hóa lên tiếp Na Hang, xe chỉ chạy trong vòng 1 tiếng, nhưng vì đường núi quanh co khúc khuỷu, nên người ngồi xe cũng khó mà người lái xe cũng mệt. May mà anh tài xế khá thành thạo con đường này, chắc nhiều lần anh đã lên công tác vùng này, cộng thêm cảnh hai bên đường rất đẹp, sông nước hữu tình nên cảm giác say xe của tôi cũng vơi đi đôi chút. 

Lúc đường về, chúng tôi còn ghé lại chụp ảnh ngay đoạn đập thủy điện Chiêm Hóa nữa. Đoạn sông này rất đẹp, thỉnh thoảng có một vài chỗ uốn khúc gần sát mặt đường, mặt nước bao la. Thỉnh thoảng có một vài nhà chài bên mé sông. Xa xa núi non hùng vĩ, có mây trắng giăng mắc trên đỉnh. Nghe nói ở Na Hang còn có một hồ thủy điện nữa, rất đẹp, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Khách hàng còn hẹn công việc kết thúc sớm sẽ đưa nhóm lên tham quan một chút. Tiếc là công việc của chúng tôi, mặc dầu rất suôn sẻ, nhưng khối lượng khá nhiều, nên vừa khít thời gian để ra về mà không đi đâu được cả.

Chị kế toán ở Na Hang vẫn trẻ như ngày nào, nhưng nghe nói đã có con mấy tháng rồi, mới nghỉ phép ít lâu. Công việc thì cũng diễn ra đều đều như vậy. Buổi trưa khách hàng lại ép uống một ít rượu ngô, may mà lần này có cớ say xe, nên tôi cũng từ chối được đôi chút, có uống một ít, nhưng cầm chừng. 

Đường về thì tôi không sao cả, nhưng lại đến lượt chị đồng nghiệp bị say. Hơn 5h về, khoảng hơn 7h30 thì chúng tôi về đến thành phố. Rủ nhau ra quán gần đó ăn tạm một ít hủ tiếu xứ núi. Nhìn chung thì những món có nước ở trên này không ngon bằng Nha Trang, người ta làm nước dùng khá loãng và nhiều bột ngọt. Chị đồng nghiệp cứ kêu xin ớt liên tục. Người ta ít dùng ớt tươi mà chỉ có ớt trong hủ nhỏ nhỏ. Mấy tuần đi công tôi cũng thèm ớt vô cùng, nhưng phải đợi lúc về Nha Trang mới ăn được.

Tạm biệt Chiêm Hóa - Na Hang. Xa vậy, hơn ngàn cây số đường hàng không, vài trăm cây số đường rừng núi, mà tôi đặt chân đến cũng 2 lần. Chắc là cũng phải có duyên lắm. Nếu sau này có cơ hội ghé nữa, tôi sẽ tìm hiểu thêm về văn hóa và con người nơi đây. Đương nhiên, chắc bị say xe với  say rượu là không thể tránh khỏi...

Mưa Nha Trang nhớ nắng Sài Gòn


Mưa Nha Trang nhớ nắng Sài Gòn
Thổn thức lòng yêu thuở tuổi son
Nhớ thuở qua đường chân đứng đợi
Ta yêu từ độ hẹn thề non.

Nắng Sài Gòn có nhớ mưa chăng
Có thuở hồn nhiên tặng áo khăn
Chút nắng bên đường ta ghé lại
Nắng màu hoa khói, áo màu trăng.

Mưa Nha Trang nhớ nắng bạc đầu
Lưu luyến ngày xưa tạm biệt nhau
Quên mất thời gian hay bám bụi
Lên niềm thương nhớ lẫn thương đau.

Nắng Sài Gòn đã chuyển mưa rồi
Còn lại gì đâu để nước trôi
Có bóng thời gian người cắt nửa
Nửa buồn thăm thẳm, nửa xa xôi.

Mưa Nha Trang ướt khách qua đường
Ta ngậm ngùi chôn giữa khói sương
Ký ức ngày xưa nay sót lại
Không người nhớ cũng chẳng người vương.

Mưa Nha Trang tiếc nắng Sài Gòn
Tiếc thuở bình yên dưới gác son
Đâu biết cuộc đời luôn gió bụi
Yêu thương cũng có lúc vuông tròn.



(Thanh Trúc, Mưa Nha Trang nhớ nắng Sài Gòn)

4 thg 8, 2014

Xin trả lại tôi

Em có về xin gửi giữa thu
Áo xa xôi khoác mộng xa mù
Thuở nào buồn, thuở nào nhung nhớ
Một thuở nào nghe những tiếng ru.

Em có về xin trả lại tôi
Áo xanh xanh, mộng giữa lưng trời
Tuổi hồn nhiên, lúc còn chưa biết
Có những khi cười thấy đắng môi.

Em có về, xin hãy lãng quên
Chuyện ngày xưa, nắng ngõ mây thềm
Những lời có cánh giờ bay mất
Còn lại gì đâu để nhắc tên.

Tôi còn ở lại giữa thời gian
Với những khi xưa chuyện lỡ làng
Em đã quên mà tôi vẫn nhớ
Nên giờ tìm chẳng thấy bình an.

(Thanh Trúc, Xin trả lại tôi)

1 thg 8, 2014

Em về ban sơ

Em về ôm lấy nắng ban sơ
Sống lại ưu tư một chút khờ
Tìm lại ngày xưa xuân ước mộng
Nghe lòng chim nhỏ gọi vần thơ.

Em về reo tiếng rất ngây ngô
Thấy gió ôm mây dưới mặt hồ
Một sáng đường vui em rửa mặt
Lén nhìn trăng áo phấn son tô.

Em về yêu lấy tiếng yêu thương
Hơi ấm hoa ly phía cuối tường
Có một ngày vui oanh hót sớm
Rạp hồng từng đợt thắp quê hương.

Em về nhung nhớ vị cơm sôi
Uống bát canh rau ngót mới chồi
Giấu mẹ ươm hoa vào tủ áo
Chờ mai gặp gỡ đẹp viền môi.


(Thanh Trúc, Em về ban sơ)

Tôi còn nợ em

Em gấp rêu phong bóng áo dài
Lòng em khờ dại chết cho ai
Tôi còn nợ mãi lời xưa hẹn
Trong tiếng ngọt ngào sắp nhạt phai.

Tôi còn nợ cũ bóng duyên xuân
Em khoác mưa sa cõi tuyệt trần
Người cũ ngày mưa duyên lỡ hẹn
Quên cành khô gãy dưới bàn chân.

Áo đậm đà tô nguyệt dạ quang
Phong lưu thoát khỏi xác mai hàn
Tình nhân thôi nói yêu nhau mãi
Nghe kể phai dần chuyện dở dang.


(Thanh Trúc, Tôi còn nợ em)

Em không chờ được

Tôi biết em cười tuổi trẻ trung
Tôi nhìn em kẻ lạ bước cùng
Tôi nghe giới thiệu: chồng chưa cưới
Tôi thấy tay người: cặp nhẫn chung.

Thời gian quên mất thuở xa gần
Đâu đó ngày xưa lạc bước chân
Đâu đó em xưa cười gượng gạo
Mưa xa nhỏ nhạt bóng chiều xuân

Những lời bóng gió chẳng còn đâu
Hẹn mãi yêu cho đến bạc đầu
Nói mãi yêu bằng lời có cánh
Để mai này lạc lõng đời nhau.

Để ta buồn tựa buổi chiều nay
Lời có cánh không gió tự bay
Con gái xuân thì rồi cũng cạn
Ai chờ ai mãi những đêm ngày.

Rồi mai có những bóng mùa xa
Tiếng pháo chiều nghe gió thoáng qua
Lối cũ nghiêng nghiêng làn nắng nhỏ
Tôi về xem đám cưới quê nhà.
 
(Thanh Trúc, Em không chờ được)

Chuyện xưa dương liễu


Có bóng thời gian gửi phận người
Xanh trên dương liễu đáy hồ soi
Nếu ai tìm được người trong mộng
Sẽ thấy mây bay phía cuối trời.

Có những điệu buồn lạc cuối xuân
Nghìn năm khoác tạm áo phong trần
Mây không gặp được người tri kỷ
Sẽ trở thành mưa ướt thế nhân.

Có tiếng hư không gọi tỉnh mùa
Quên đời trăm sự nắng chen mưa
Mưa không về nước, hồ phơi nắng
Dương liễu tìm đâu những chuyện xưa.

Ta gạt lòng mình, hỏi liễu xanh
Hương xưa niệm cũ chắc trên cành
Lá rơi về cội còn đâu nữa
Cho nắng phai màu, gió lướt nhanh.

(Thanh Trúc, Chuyện xưa dương liễu)

Em là tri kỷ

Ta gói thời gian giữa ý thơ
Thời gian không vết tự nhiên mờ
Yêu thương ta thả vào trong gió
Không muốn bay đi, muốn đợi chờ.

Đợi chờ trong nắng bóng hình ai
Trong tuyết mê ly một dấu hài
Trong lối ngàn mây sương nhẹ nhõm
Giữa chừng xuân đượm một nhành mai.

Ta giấu vào mưa ướt ngón tay
Mưa gieo vóc liễu tự nhiên gầy
Giọt tròn rơi rắc qua miền nước
Lắng đọng bao mùa những đắm say.

Ta gói lòng ta giữa một mình
Chờ cho đêm hết, nắng lung linh
Trên cành e ấp lan mùa hạ
Dâng tặng cho đời những đóa xinh.

Ta chờ em giữa mộng bao la
Gói những yêu thương giữa món quà
Như thể non ngàn trông khách đến
Em là tri kỷ của riêng ta.

Ta giấu lòng ta một chút riêng
Yêu thương cho gió lướt qua miền

Quỳnh hương theo tóc em vào mộng
Như thể ta thành một chữ duyên.

(Thanh Trúc, Em là tri kỷ)

Tháng tám

Tháng tám lồng đèn có ánh trăng
Sân phơi ngồi kể chuyện cô Hằng
Dìu dàng nếp mới thu làm bánh
Tách nhỏ hương nhài đậm nhạt chăng.

Tháng tám nha đam nấu cốt dừa
Nhìn qua cửa sổ ngắm cơn mưa
Chè sen thấm ngọt lòng du tử
Như thuở hồn nhiên điệu võng đưa.

Tháng tám mẹ yêu khoác áo dài
Duyên thời con gái tuổi chưa phai
Chiều nay ăn cưới bên hàng xóm
Khéo hỏi con mình để ý ai.

Tháng tám, trêu người, mẹ khéo ghê
Xóm trên cô bé học xa về
Ngượng lòng, nên giấu, còn chưa dám
Thưa mẹ rằng con... thích gái quê.

Tháng tám người ta chỉ mới yêu
Nên thương và nhớ vẫn chưa nhiều
Vẫn còn e ấp tầm xuân nụ
Và vẫn tìm thơ giữa nắng reo.

Tháng tám trời thu gợi gió xuân
Hồn nhiên trong ánh mắt trong ngần
Chiều qua lối cỏ xem diều thả
Lấp lánh giữa trời tựa thủy ngân.

Trời xanh mây trắng gió bao la
Nghe tiếng yêu thương mới đậm đà
Tháng tám mùa thu trên khóe mắt
Như còn dấu vết của xuân qua.

(Thanh Trúc, Tháng tám)