10 thg 8, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Hương vị của núi rừng Hà Giang

Nói núi rừng thì thực ra không phải, suốt tuần chúng tôi chỉ loanh quanh ở khu vực thành phố. Nhưng ở đây có khá nhiều món ăn mang đậm chất núi rừng Hà Giang. 

Hà Giang đón tôi trở lại bằng một cơn mưa nhẹ. Xe Hồng Thịnh đưa đến trước cổng khách sạn. Sau đó chúng tôi chuyển qua một khách sạn khác cho tiện đường đi khách hàng. Đó là một khách sạn lớn, có tiền sảnh rộng và đông người. Những buổi sáng dậy sớm, nhìn qua cửa sổ phòng, tôi có thể thấy thấp thoáng những đám mây, đám sương nhỏ nằm vắt vẻo trên đỉnh núi gần đó.

Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi lang thang ở những khu chợ gần khách sạn, mua một ít trái cây. Sau đó ăn tối bằng món cơm rang Hà Giang cũng gần khách sạn. Chúng tôi quen anh quản lý ở bên đó, hỏi ra mới biết anh đó là em họ của một khách hàng. Anh vui tính, thân thiện và phục vụ rất chu đáo. Cơm rang (mà ở quê chúng tôi hay gọi là cơm chiên) được chế biến màu vàng rượm, có kèm với thịt bò cắt nhỏ, thêm một quả trứng ốp ở trên, khoảng 35k/1 phần, ăn với canh trứng, cũng khá vừa miệng.

Khách hàng vẫn như dịp trước, có người dễ làm việc, có người khó làm việc. Nhưng dù sao mọi chuyện đều ổn. Người ta có mời chúng tôi đi ăn đôi bữa ở những nhà hàng gần đó. Đó là một nhà hàng thịt dê gần đó, chỉ có duy nhất một món dê, nhưng người ta chế biến ra rất nhiều món. Phong tục của Hà Giang vẫn vậy, nếu ngày xưa "miếng trầu là đầu câu chuyện", thì ở đây "ly rượu là đầu bữa cơm". Dù có thích uống hay không, người ta vẫn phải mời cạn chén đầu tiên, sau đó có thể tiếp tục uống hoặc dùng cơm. Nếu không có rượu thì không khí sẽ trở nên gượng gạo bất thường. Đương nhiên là đối với nhóm chúng tôi, việc bị ép uống một vài ly là điều không thể tránh khỏi. Hôm đó tôi chỉ từ chối được một món ăn là "tiết canh dê", vì mùi vị rất khó ưa. Sau đó nhà hàng đã chưng lên cho chín rồi, nhưng vẫn không ăn được. Nghe ai cũng bảo ăn mát lắm, nhưng mới ngửi chút mùi tôi đã không chịu được.

Nhà hàng thứ 2 mà người ta dẫn đến, là một nơi chỉ toàn có rắn. Đương nhiên từ rắn, người ta cũng chế biến ra nhiều cách khác nhau, mùi vị cũng không đến nỗi tệ lắm. Lần này tiết canh rắn chúng tôi cũng từ chối, còn mật rắn uống với rượu thì không cách nào tránh được. Đó là một thứ dung dịch xanh lè, đặt sệt, người ta pha loãng với rượu, uống vào có vị đắng đắng, gây gây, xen lẫn với vị cay và nồng độ cồn của rượu. Uống thì uống cũng được, nghe người ta nói ăn gì bổ nấy, nhưng những món như thế này, lâu dài chắc cũng có tác hại, nên hạn chế được chút nào hay chút nấy.

Hôm cuối, người ta còn dẫn đến một nhà hàng khác, lần này chỉ ăn toàn cá. Đó là một nhà hàng xây nổi trên sông Lô, gọi là nhà hàng "Lô Giang". Muốn tới đó, phải đi bộ xuống một cái dốc nhỏ dẫn tới bãi bồi bên bờ sông Lô. Sông Lô mùa này nước chảy khá xiết. Chúng tôi ở thành phố mà nghe nói mưa bão ở vùng núi nào đó phía trên Hà Giang, làm thiệt hại vài mạng người.

Có một buổi chiều nọ, chị kế toán lái xe đưa nhóm đi chơi một vòng quanh thành phố. Chị có chồng và 2 đứa con, nhưng trông vẫn khá trẻ và vui tính. Chị đưa chúng tôi ghé một quán ăn vặt bên rìa thành phố, ăn món xiên que chế biến kiểu Trung Quốc, người ta tẩm ướp gia vị vào thịt cắt nhỏ, xiên thành một que dài và nướng lên than hồng, mùi hương rất đặc biệt, nghe nói anh chủ quán học nghề với người Trung Quốc nào đó rồi về mở quán, cũng khá hút khách. Món rau trộn thì người ta chế biến theo kiểu căt nhỏ đủ loại rau, củ, quả, chiên chung cho thấm gia vị rồi đổ ra đĩa, có thể dùng que xiên để ăn, hoặc gắp bằng đũa.

Những ngày ở vùng núi này, lần đầu tiên tôi biết đến một loại trái cây, gọi là đặc trưng của núi rừng miền bắc: Quất hồng bì. Hôm đó chị khách hàng mua cho vài ký. Đó là một loại quả tròn tròn, nhỏ xíu, vỏ mềm và mọc thành chùm. Nhìn xa rất dễ lẫn với quả nhãn, nhưng trái hồng hơn và nhỏ hơn. Lần đầu tiên ăn vài có mùi rất lạ, nhưng khi quen dần ăn rất ngon, vị chua chua thơm thơm rất dễ chịu. Trái nhiều hạt, hạt nhỏ xíu, giống hạt nho nhưng to hơn gấp mấy lần. Có thể lột bỏ vỏ hoặc ăn luôn vỏ tùy thích. Nghe nói trái này chỉ có một mùa, mà mùa nó rất ngắn, dễ bị dập, hư, không bảo quản được lâu, tối đa chỉ vài ba ngày thôi, nên người ta khó chuyển vào nam để bán, nên chỉ miền bắc mới có. Hôm về tôi có mua một ít về làm quà, nhưng loanh quanh đâu đó, đa số đều bị giập hết, ăn không ngon nữa.

Ở khách hàng gần hết một tuần. Chị nhóm trưởng ra quyết định sắp xếp công việc để hoàn thành sớm hơn dự kiến một ngày, tôi thứ 6 là chúng tôi lên xe trở về Hà Nội, có được một ngày thứ 7 để dạo chơi thư giãn, và trưa chủ nhật chúng tôi bay về lại Nha Trang. Vậy là tạm kế thúc chuyến du lịch dài ngày xa xôi của chúng tôi. Mọi việc đều diễn ra trong kế hoạch, ngoại trừ một ít rắc rối về thời tiết và không khí vùng cao xảy đến với những người bạn của tôi. Còn tôi thì thỉnh thoảng vẫn bị say xe do đường núi vòng quanh. May là lên máy bay không bị say gì cả, nên kịp nhìn trời nhìn mây.

Nha Trang lúc chúng tôi về khí hậu cũng khá oi bức, nhìn chung thì không đẹp hơn những mùa khác, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy dễ chịu hơn không khí ở ngoài đó. Một phần là vì có không khí từ biển vào, phần lớn vì đó là hương vị của xứ quê hương...

1 nhận xét: