30 thg 3, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Đêm Vạn Ninh và chiếc bánh kem đầu tiên

Đó có thể là một trong những đêm khó quên nhất cuộc đời tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ buổi tối hôm đó, tối ngày 20 tháng 3 năm 2014, tôi với 5 chị đồng nghiệp và một chú khách hàng thân thiết nữa, ngồi quây quần bên bộ bàn ghế đá ngoài trời, bên dưới những tán cây và ánh trăng của trung tuần tháng 2 âm lịch. Tôi ngồi ở trung tâm. Trước mặt tôi là một chiếc bánh kem thật to. Có tên tôi trên đó. Đó là bánh kem mà sáng nay, chị đồng nghiệp "lén" tôi mua. Điều này làm tôi cũng hơi bất ngờ, bởi vì tôi cũng không nghĩ đến là sinh nhật mình sẽ có một chiếc bánh kem như vậy, mặc dù từ trước đến nay, đó vẫn luôn là một trong những ước mơ nho nhỏ của tôi.

Chú khách hàng là người thích nhạc Trịnh giống tôi mà tôi đã kể đến trong một số chuyến công tác trước. Chú chỉ mới được điều chuyển sang công ty này. Và chúng tôi lại gặp nhau trong một buổi chiều tình cờ. Theo lịch thì nhóm của tôi không làm việc ở chú mà làm ở một khách hàng khác gần đó. Còn nhóm của chị trưởng phòng thì mới làm việc với chú. Đúng vào dịp chú tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ chào mừng đoàn đến, để giới thiệu với các anh chị em chung công ty luôn, thế là chú kéo cả nhóm chúng tôi vào tham gia. Tổng cộng là 6 người. Mà cũng tình cờ rằng, hôm đó đúng là ngày sinh nhật của tôi.

Thường thì sinh nhật ai, lúc mở skype lên làm việc thì sẽ có báo hiệu ngay. Thế là chị trưởng phòng gọi điện thoại, cũng thuyết phục tôi rằng tiệc cũng bày sẵn rồi, tối nay em ở lại đừng về. Bởi vì trước đó tôi đã nói với một số chị đồng nghiệp, vì Vạn Ninh ở tương đối gần nhà tôi, nên tôi xin phép sáng đi chiều về. Tất nhiên là tôi không thể từ chối được sự nhiệt tình đó của mọi người. 

Ngoại trừ chị trưởng phòng đã có gia đình, 4 chị đồng nghiệp còn lại cũng tầm tầm tuổi khoảng 30, vẫn còn độc thân, tính tình cũng vui vẻ thoải mái. Còn chú kế toán thì không phải nói, nhiệt tình, vui tính. Và có một chất gì đó rất "nghệ sĩ". Đây là  một điều hiếm hoi mà những người làm kinh doanh khó có được.

Từng có một lần, chú kế toán nói chuyện với sếp tôi, có ý muốn mời tôi qua bên đó làm việc cho chú. Đương nhiên là chính sách ưu đãi hơn hẳn công ty tôi. Nghe đâu chú rất thích những người cá tính như tôi. Đáng tiếc là không hiểu sao tôi lại từ chối rồi. Nên bây giờ quan hệ chỉ là khách hàng thôi. Mà chú không đề cập đến vấn đề đó nữa. Lúc chúng tôi đến thì chú đã tuyển người mới, một cô còn khá trẻ, trạc tuổi tôi, nhà cũng ở gần công ty luôn.

Mà tôi cũng không có chút nào tiếc nuối. Có chăng chỉ là một chút có lỗi đối với sự nhiệt tình của chú. Dù gì hai chúng tôi cũng rất hợp tính nhau. Bên công ty tôi thì công việc cũng bình bình, lương cũng bình bình, nhưng tôi không thể bỏ đi được, đúng vào lúc công ty đang thiếu nhân sự, mà tôi thì vẫn còn trong thời hạn hợp đồng, tôi không muốn là người cắt đứt giữa chừng. 

Cuối mùa trước thì có một anh cùng phòng tôi đã xin nghỉ việc. Anh chuyển sang làm kinh doanh đâu đó ở Sài Gòn. Anh nói làm nghề này khổ quá, nhưng lương không đủ sống, nên anh đi. Còn đến đầu mùa này, có một chị khác ở phòng dưới, cũng xin nghỉ. Lý do của chị là gia đình bên chồng không cho đi công tác xa, không có người lo cho gia đình, con cái. Sếp cũng đã cố gắng thuyết phục lắm rồi, nhưng cuối cùng chị vẫn nghỉ. Còn có một anh khác, cũng ở phòng tôi, cũng làm ơn xin phép. Nghe nói anh bị ốm gì đó, liên quan đến vấn đề đầu óc, không tập trung được, đi chữa bệnh ở Hà Nội mấy lần. Mà sếp cũng cố gắng thuyết phục, cuối cùng anh vẫn ở lại cho đến hết mùa rồi mới đi.

Nghĩ ra thì cảnh người đến người đi cũng khó mà nói nên lời. Cảm giác cũng khó diễn tả. Nhưng dù sao đó thì cũng là một quy luật của cuộc sống. Có đến thì cũng có đi. Giống như là một lẽ vô thường. Giữa cuộc đời xô bồ, ồn ào, mệt mỏi này, đến và đi đều không có gì quan trọng, quan trọng là những khoảnh khắc mà ta dừng lại để chiêm nghiệm, để suy tưởng, và để lại một chút ý vị nào đó cho cuộc đời. Hôm nay, ta tiễn đưa người. Ai biết ngày mai, lại có người khác tiễn đưa ta.

Trước khi mọi người mở bánh kem thì khách hàng đã đãi cho một buổi tiệc nho nhỏ, có mấy món ăn rừng núi cũng tính là lạ miệng, đủ thứ loại thịt: chồn, sóc, lươn, tôm tít... Đương nhiên chỉ là lạ miệng thôi, tôi cũng chỉ gắp vài miếng. Cũng có uống vài lon bia để tiếp chuyện chú khách hàng. Sau đó mọi người mới chuyển qua ghế đá ngoài vườn để ăn bánh kem. Chiếc bánh kem lần đầu tiên của tôi diễn ra trong không khí khá thân mật. Mặc dù không có bạn bè người thân, nhưng cũng có đồng nghiệp, cũng xem như thân thiết. Có ánh trăng qua những tàng cây, có những ly trà, có không khí bình yên tĩnh lặng, nghe mọi người kể chuyện tâm tình, chuyện công việc...  Tôi muốn kéo dài khoảnh khắc đó mãi.. Nhưng đêm cũng đã muộn, mà mọi người sau một ngày làm việc khá vất vả, cũng cần phải nghỉ ngơi để sáng mai tiếp tục chiến đấu, nên chúng tôi chia tay. Xe khách hàng đưa về tận khách sạn. Chiếc bánh kem đó, sau này vẫn còn, chúng tôi gửi tạm trong tủ lạnh của khách sạn. Ngày hôm sau tôi có mang một ít về cho mẹ với anh ăn. Đương nhiên là cảm thấy rất vui vì có người thân chia sẻ...

Vậy là tôi đón tuổi 25 bằng một đêm rất bình dị và khó quên. Hy vọng tuổi 25 của tôi cũng sẽ đi qua một cách suôn sẻ như vậy...

Sinh nhật tuổi 25

Tuổi 25, cảm thấy mình như một con ngựa hoang (mà đúng thật là vậy, sinh ra vào ngay năm Ngọ), đang phân vân giữa việc dừng chân lại, tìm một chốn ôn nhu để về, hay là vẫn tiếp tục đi đây đi đó, chinh phục những dặm dài và nhìn thấy thế giới nhiều điều mới lạ.

Tuổi 25, tự biết mình đã đến tuổi lo lắng, đang bắt đầu đếm ngược thời gian. 5 năm nữa, qua mốc 30 sẽ trở thành người già mất rồi. Lâu lâu nhìn lại, cũng vẫn thấy mình không khác gì mấy so với tuổi 24, 23, 22, 21 hoặc 20, ngoại trừ một trái tim chững chạc đôi chút và một ánh mắt nhìn trầm tư đôi chút.

Tuổi 25, không còn ngưỡng mộ những vẻ hào hoa phong nhã, son điểm phấn tô. Bắt đầu tìm kiếm một chiều sâu tâm hồn, một vẻ dịu dàng nữ tính ẩn dấu đâu đó trong những mái tóc dài, buộc giản dị bằng một sợi dây thun.

Tuổi 25, bắt đầu thấy chán những bữa tiệc thừa chất đạm, những nơi sang trọng đắt tiền, nhưng chỉ biết cười gượng đối phó với người ngoài. Lại thèm về một đĩa rau xanh, một bát nước luộc, một nồi cơm cháy, một hủ tương đen, nhưng có không khí ấm áp của gia đình, người thân.

Tuổi 25, vẫn cứ khăng khăng rằng, sẽ tìm một người hoàn hảo nhất trên đời để yêu. Sau vài lần thất bại, tự nhiên ngộ ra rằng, không cần phải tìm một người hoàn hảo, chỉ cần một người bình thường, nhưng dành tình yêu hoàn hảo nhất cho người đó là được.

Tuổi 25, mỗi ngày đều mong ngủ nướng được một chút, một chút. Nhưng vẫn bắt cơ thể thức dậy, rửa mặt, đi làm, vừa đúng giờ để không bị trừ lương.

Tuổi 25, từng đặt ra mục tiêu là tìm kiếm một hạnh phúc chân chính, rồi bất chợt ngộ ra rằng, hạnh phúc chân chính là sống vui vẻ từng ngày, từng ngày.

Tuổi 25, đã đủ chín chắn để thôi làm những việc mà mình thích, bắt đầu làm những việc mà lý trí cho là nên làm.

Tuổi 25, đã từng nghĩ đời mình sẽ giống như bảy sắc cầu vồng. Thực ra, cuộc đời có rất nhiều màu sắc, điều quan trọng là mình nhìn đời như thế nào.

Tuổi 25, thỉnh thoảng lại tìm thấy mình mệt mỏi ở một xó xỉnh nào đó với một hộp cơm lạnh ngắt và tẻ nhạt. Tự nhủ lòng, thôi ta sống vì ngày mai.

Tuổi 25, đã từng nhìn biển, nhìn trời, nhìn đất, và tự hỏi, mình muốn gì đây? mình nên đi về đâu? Rồi lại cảm thấy, cuộc đời đôi khi cũng tẻ nhạt như buổi chiều đi dạo một mình trên bờ biển, thôi ta cứ đi, đến đâu thì đến.

Tuổi 25, lần đầu tiên đón sinh nhật trên tàu hỏa. Có những ngọn đèn đường và những tiếng còi tàu rền vang xa thẳm. Nhưng nhìn chung vẫn giống những lần trước đó, một mình, không bánh kem, không nến. Vẫn ước ao về một cái bánh kem nho nhỏ. Cố chờ đợi đến 0 giờ và tự nhắc nhở mình rằng, thời gian vẫn cứ đang trôi đi.

Có người từng nói rằng, hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời bạn. Nếu hôm nay là ngày cuối cùng, mình sẽ dành tất cả thời gian đó để nhớ lại tất cả những yêu thương, những ấm áp, những hoài niệm có trong đời. Đương nhiên, một ngày là không đủ để nhớ. Mà cả đời cũng không đủ để nhớ.

P.S. Tự chúc mình, sinh nhật vui vẻ.

(Thanh Trúc, Sinh nhật tuổi 25, Ngày 20 tháng 3 năm 2014)

Tâm phiêu du

Vị ngọt tràn xuân nếp lá xanh
Đơn sơ thả lỏng bức tre mành
Ngoài trời có nắng tìm khung đậu
Thong thả ong vàng dạo quẩn quanh.

Nhẹ nhàng chưa giũ hết hơi đông
Có chút sương sa vướng bận lòng
Một thuở tìm trăng trên dấu tuyết
E dè hơi lạnh mảnh chân không.

Đơm nhành xưa cũ dạ lan hương
Thảng thốt nghe đâu những ngả đường
Áo bụi, chiều pha, hoa cỏ dại
Hạ về tư niệm nguyệt cùng sương.

Lòng còn mang nặng lối phiêu du
Có áng mây xa, có bụi mù
Thân đã lánh về hiên ngói nhỏ
Sớm chiều nghe động những màn thu.

(Thanh Trúc, Tâm phiêu du)

Đừng buồn Valentine

Valentine chẳng bước ra đường
Bụi khói sao hơn ngủ tại giường
Dẫu có một mình, hơi lạnh lạnh
Hơn rằng phơi nắng với dang sương.

Không có ai yêu, vẫn béo tròn
Không quà không cáp, vẫn ăn ngon
Tiêu pha cũng đỡ, không tình phí
Lương tháng lâu lâu, vẫn cứ còn.

Nghĩ tội có người có cặp đôi
Ngày ngày chỉ có nhớ nhau thôi
Sớm chiều chịu đựng nhau mà khổ
Đâu biết tự do, mất hết rồi…

Em ạ, đừng buồn, bởi lẽ anh
Vẫn còn đơn độc bước loanh quanh
Mùa này chắc cũng như mùa trước
Một trái tim yêu vẫn để dành...

Cô đơn nào phải thiếu yêu thương
Chỉ tạm giấu trong những bức tường
Ấp ủ duyên xanh và phận thắm
Chờ khi bung nở ngạt ngào hương.


(Thanh Trúc, Đừng buồn Valentine)

Màu hoa tim tím

Có một màu hoa tựa cánh sim
Mà xưa tôi đã mải mê tìm
Màu hoa cũng tím như màu áo
Như ký ức buồn tận trái tim.

Ấy là hoa của những vần thơ
Của những yêu thương, những đợi chờ
Của tóc em dài, đôi mắt mộng
Và tôi, một thuở, đã từng mơ.

Ấy là hoa tím của ngày xưa
Mọc lối bên đê, nắng nhạt vừa
Có bóng em gầy, tay nắm nhỏ
Vươn hoài vô tận hái nhành thưa...

Nhành thưa nay đã héo khô rồi
Như tiếng mưa buồn, chỉ vậy thôi
Trong một chiều thu đưa thiệp cưới
Nhờ câu xin lỗi, gửi cho người.

Em ơi, ngày ấy, nhớ gì không
Khi dứt yêu thương để lấy chồng
Em có tiếc màu hoa tím tím
Vì tôi hái tặng một vài bông?

Tình tôi dang dở giấu trong tim
Chôn cất hoa vào giữa lặng im
Em có biết rằng hoa tím ấy
Đã từng nở rộ tựa hoa sim?

(Thanh Trúc, Màu hoa tim tím)

Hoa xoan

Xuân tím như màu của tháng ba
Hoa xoan lại nở trước hiên nhà
Anh còn thương nhớ, dừng chân nhé
Em đợi về thưa với mẹ cha...


(Thanh Trúc, Hoa xoan)

Hoa tím bằng lăng

Lác đác mùa phai, lác đác phai
Vấn vương đâu đó áo em dài
Em yêu hoa tím, bằng lăng tím
Hạ nhớ đường ai, hạ nhớ ai.

Em nhớ mùa ai, có nhớ anh?
Áo em màu tím, nắng màu xanh
Anh yêu hoa tím, hoa màu áo
Hoa có yêu thương nở thắm cành...

Thắm cành, em có, thắm yêu thương
Như tím bằng lăng tím cuối đường?
Tím nhớ màu thương, anh nhớ tím
Khi mùa buông xuống, áo em vương.

(Thanh Trúc, Hoa tím bằng lăng)

Bài thơ tặng chị

"Bài thơ tặng chị vẫn chưa thành
Bởi lẽ trong nhà chỉ có anh
Ý đẹp xin dành ai gọi chị
Chúc lòng luôn thắm, tóc luôn xanh..."

...

Bài thơ tặng chị viết xong rồi
Một chút ấm lòng, một chút thôi
Nhưng giữa tháng ba còn đẹp lắm
Như mùa xuân chị nở trên môi.

Thơ này viết tặng chị hôm qua
Thuở chị còn xinh dưới áo tà
Gió thoảng vu vơ làn tóc đẹp
Đôi lần ngơ ngẩn khách đường xa.

Thơ này cũng tặng chị hôm nay
Duyên lúc đang ươm, hoặc đã đầy
Trọn hết yêu thương và độ lượng
Cho đời hương sắc sắc hương say.

Thơ này sẽ tặng chị mai sau
Khi chiếc hoa xuân sắp chuyển màu
Vẫn giữ tấm lòng luôn thế mãi
Như thơ, như mộng, đẹp từng câu.

Bài thơ tặng chị viết vu vơ
Em ước mai sau cũng giống giờ
Vẫn gọi vô tư là chị mãi
Dù cho qua hết tuổi còn thơ.

Chúc luôn cười nói, nét thêm duyên
Chúc thắm môi son, mượt tóc huyền
Chúc mỗi ngày vui, đôi mắt sáng
Dường như vũ trụ đẹp vô biên.

Dùng tạm lời thơ gửi món quà
Nhờ đưa cho gió, gió đưa xa
Đưa về khắp chốn, mong cho chị
Mỗi phút đều như tám tháng ba...

(Có một ngày vui, chợt biết đâu
Má hồng chị khoác áo cô dâu
Đi theo người lạ về nơi lạ
Nhớ kể em nghe... những sắc màu...)

(Thanh Trúc, Bài thơ tặng chị, Nhân ngày 8 tháng 3 năm 2014)

Về nơi chỉ để ngủ



Ghé tạm nơi này, để ngủ thôi
Dẫu rằng biển rộng với thuyền trôi
Nhưng lòng ta chỉ người xa lạ
Dẫu có mê say, chỉ một hồi...

Ghé tạm nơi này, chỉ một ta
Đến đi là khách, tựa mây xa
Phồn hoa không giữ người quen lạ
Chẳng phải nơi đâu cũng giống nhà...

Ghé tạm nơi này, cũng sẽ đi
Bình yên không thấy, thấy chia ly
Trần gian ta cũng là nơi trọ
Ngủ tạm mà thôi, luyến tiếc gì...

Ghé tạm nơi đây, chẳng gặp người
Tìm đâu tri kỷ giữa trăm nơi
Nghìn năm, ta lại về mây trắng
Một thoáng loanh quanh, hết một đời...

Nếu gặp nơi này, cũng dễ quên
Duyên thưa, phận mỏng, biết chi đền
Trăm năm, ta lại thành hoa khói
Em có bao giờ khẽ gọi tên...
 
(Thanh Trúc, Về nơi chỉ để ngủ)

Lá khô mùa... lại rơi

Ta biết lá khô đã chuyển mùa
Giữa trời hạ vắng những cơn mưa
Chiều nay mây lạnh dồn qua phố
Qua tấm gương trong nẻo gió đùa...

Mùa này thành phố vắng yêu thương
Của bóng xe qua những nẻo đường
Buông xuống hoàng hôn trên gác nhỏ
Có người tỉnh giữa giấc nồng vương...

Lá khô góc phố ngã tư buồn
Rơi xuống tình cờ mái tóc suông
Có thử chần chừ vương mắc lại
Lòng ai để thử biết tròn vuông...

Em có đi qua mộng tuyệt vời
Giơ tay gỡ xuống lá khô rơi
Ngày xưa, như thể, em từng đã
Tạm biệt tình đầu mặn ngọt vơi

Em có băng qua những lối dài
Có còn lưu luyến những mùa phai
Lá khô nay đã thành tri ức
Ngơ ngác rơi vùi dưới bước ai...


(Thanh Trúc, Lá khô mùa... lại rơi...)

Chó dữ

Nhà em chó dữ đứng đầy sân
Anh mới ngây ngô đến một lần
Nghe tiếng sủa vang, người giật thót
Thăm em mà sợ... xước toàn thân.

(Thanh Trúc)

Không lẽ...

Gió gieo cành ngọc, nước chườm mây
Rụng xuống ban sơ chiếc lá gầy
Không lẽ rằng mai em cưới thật
Còn tôi thương nhớ bóng nào đây?

 
(Thanh Trúc)

Giữa chốn này

Ta đã từng yêu giữa chốn này
Giữa thời áo trắng mộng mơ bay
Người thương yêu ấy, nay giờ đã
Bỏ lại mình ta giữa cuộc say...

 
(Thanh Trúc)

Nhớ nhà

Trăng chiếu trăm năm chắc mệt rồi
Có về quê mẹ nghỉ chăng thôi
Đêm nay thị xã ai còn thức
Đường xuống ngã ba, chắc vắng người


Muôn nẻo đường xa chắc khó về
Đành trông đêm lạnh kéo lê thê
Sân ga chắc vẫn chong đèn đợi
Những chiếc tàu qua rít não nề

Con nước sông quê nửa đắp bồi
Tháng ba buồn lắm, tháng ba ơi
Đồng quê không biết còn xanh lúa
Hay đã trơ trơ gốc rạ rồi?

Mùa này chỉ có kẻ lang thang
Giữa cuộc nhân sinh ngập bẽ bàng
Tìm chút phồn hoa nuôi ảo mộng
Cố tình che giấu nỗi hoang mang

Đã hứa rằng đi chuyến cuối rồi
Mà sao đi mãi tận xa xôi
Mùa này không biết ai còn ngóng
Ở chốn nào đây vắng tiếng cười...
(Thanh Trúc, Nhớ nhà)

Trầm lại ưu tư

Ta về theo áo trắng ghi thơ
Trầm lại ưu tư một thoáng chờ
Ta gặt hôm nay bằng giấc mộng
Của ngày hôm trước mới ban sơ.

 
 
(Thanh Trúc)

Về nhà

Mặt trời lặn xuống phố xa xa
Xe lửa reo nhanh trở lại nhà
Tạm biệt phồn hoa, về lối nhỏ
Lòng quê thôi hát điệu du ca...


Qua đường thôi những bước lang thang
Không có bụi xe tiếng vội vàng
Ta kiếm bình yên làm chốn ngủ
Nằm dài trên cỏ ngắm chiều tan...


(Thanh Trúc, Về nhà)

Nắng mới

Nắng mới xinh xinh khoác áo hồng
Sáng vừa thức giấc khẽ qua song
Rơi trên mái tóc người trong mộng
Hỏi nhỏ: yêu rồi, phải vậy không?

 
(Thanh Trúc)

Đừng đợi

Đừng đợi hai lăm mới thấy già
Đừng chờ cho tiếc mấy duyên qua
Nha Trang tính cũng là quen biết
Thôi cứ tìm chi những chỗ xa. 


(Thanh Trúc)

29 thg 3, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Một chuyến đi dài (3)

Khách hàng thứ 9 nằm ở một tòa cao ốc khá nổi tiếng ở thành phố: Etown. Tính ra, đây chính là lần thứ 2 trong đời nghề nghiệp tôi ghé nơi này.

Lần đầu tiên, cách đây 2 năm, là khách hàng đầu tiên của tôi, lúc đó chỉ mới là một sinh viên thực tập. Đương nhiên là trước đó cũng có đi vài chỗ, nhưng chỉ đóng vai trò "người giúp việc", còn khi đến Etown, lần đầu tiên tôi đảm nhiệm phần hành. Có thể tính là một bước ngoặc đáng nhớ trong cuộc đời.

Nhớ lúc đó, khách hàng kinh doanh logistics, nên chứng từ là một chuỗi khó hiểu. Tôi mày mò đến tối tăm mặt mũi mà cũng không có kết quả khả quan. Đúng như câu nói "Vạn sự khởi đầu nan", lúc đó tôi chỉ muốn bỏ hết, về nhà ngủ một giấc cho yên. Nhưng đương nhiên, tôi vẫn ở lại. Và ở lại cho đến bây giờ. 

Phải nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ rất nhiệt tình của những anh chị đồng nghiệp thì tôi cũng khó qua những ngày tháng như vậy. Dù gì thì cũng là một người mới, mới hoàn toàn. Mà bước chuyển từ trường học sang trường đời, khó khăn không kể nào cho hết. Mà những tháng ngày đó, cũng đã qua từ lâu...

Lần này, Etown đón tôi với sự tự tin khác hẳn, sự tự tin xuất phát từ chính trong lòng tôi. Có một anh khách hàng thân thiết đã từng nói: sự tự tin bắt nguồn từ 3 yếu tố: tri thức, kinh nghiệm và sự giúp đỡ. Cả 3 thứ đó tôi đều đã hội đủ: tri thức từ trường học, kinh nghiệm từ 2 năm công việc, và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp. Chính vì lý do đó mà những tháng ngày công tác cũng tương đối dễ dàng đối với tôi. Gọi là tương đối dễ dàng, bởi vì đôi khi, tôi cũng có gặp những rắc rối khá phức tạp, nhưng chuyện gì cũng đều được giải quyết êm xuôi.

Chị khách hàng lần này rất trẻ, và rất dễ nói chuyện. Chị hơn tôi khoảng 3 tuổi, và tôi có cảm giác thân thiết ngay từ lần đầu gặp mặt. Nhiều lúc nghĩ lại, trên đời này cũng có khá nhiều người rất khó chiếm được sự thiện cảm của tôi, mà có những người, chiếm được một cách rất tự nhiên, tự nhiên đến lúc nào tôi không hay. Rất khó giải thích.

Như bao cô gái làm kinh doanh khác, chị thuộc tuýp người bản lĩnh, thành công. Điều tôi khâm phục chị nhất là chị đã được đi những nơi mà tôi vẫn thường mơ: Hồng Kong và Singapore. Nghe nói chỉ là đi công tác thôi, nhưng tôi biết rằng, đạt tới mức đó là điều không dễ dàng gì. Ngoại trừ bản lĩnh ra, còn phải sẵn sàng đảm đương trách nhiệm. Mà tôi thì còn chưa có khả năng lớn đến như vậy.

Gần Etown có một khách sạn rất lịch sự, nằm trên đường Bắc Hải lối rẽ vào từ Cộng Hòa. Từ khách sạn này, chúng tôi thường đi bộ tới chỗ làm vào mỗi buổi sáng. Ghé vào một quán nhỏ bên vỉa hè để ăn sáng. Phải nói là cuộc sống những ngày này trôi qua rất nhẹ nhàng, nếu như không có một sự bùng nổ đặc biệt diễn ra trong một buổi chiều thứ 6.

Đó là một ngày có thể tính là rất ý nghĩa, một điểm nhấn trong cuộc hành trình của tôi: Chỉ trong một ngày, tôi lần lượt được ghé 2 "thánh địa":

Thánh địa đầu tiên, là thánh địa của kiểm toán viên: Số 2 đường Trường Sơn. Phải nói là sau bao năm xa cách, tôi vẫn lưu luyến thành phố đến lạ, mà một phần trong đó, chính là vì trụ sở chính của chúng tôi nằm ở đó. Thực ra trước đây, thánh địa này nằm ở số 229 Đồng Khởi, một con đường có thể tính là xưa nhất Sài Gòn, và phồn hoa cũng vào bậc nhất. Tiếc là do công ty tăng lên quy mô, người ta phải chuyển sang chỗ mới, nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất. 

Từng có một chiều, tôi bước ngang đường Đồng Khởi, nhìn qua chỗ cũ, thấy người ta treo biển "Office for lease" mà lòng buồn khôn tả. Có lẽ thời đại mới sẽ bắt đầu, nhưng thời hoàng kim trong những kỷ niệm của tôi, đã ra đi đâu đó rồi.

Tôi ghé số 2 Trường Sơn để lấy một vài tài liệu rồi đi ngay, chỉ kịp gật đầu với một thằng bạn đồng nghiệp vào cùng lúc. Còn không kịp chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm nữa. Chỗ mới cũng khá khang trang, và rộng rãi. Đương nhiên không khí cũng tốt hơn, và hiện đại hơn. Nhưng tôi thì thuộc tuýp người cổ điển, nên chỉ thích những gì xưa cũ đã qua...

Thánh địa thứ 2, chính là thánh địa của dân Kinh tế, chính xác là dân UEH. Đó chính là hội trường lớn A116. Hôm đó diễn ra một sự kiện trọng đại: Chung kết cuộc thi triết học. Tôi nhờ một anh bạn thân chở về trường, và tham gia với tư cách... khán giả. Đương nhiêu điều đó không ngăn hết những nhiệt tình và đam mê của tuổi trẻ vẫn đang cháy bỏng trong tôi. Tôi như sống lại những ngày còn là sinh viên, đã từng một thời tôi tự tin đứng trên đó, và phát biểu những kiến thức của mình, đón nhận những tràn pháo tay nhiệt liệt từ khán giả... Những ngày đó, giờ chỉ còn trong tâm tưởng của tôi.

Trong những ngày này, có một lần tôi bắt xe buýt từ đầu đường Cộng Hòa tới thẳng xuống quận 1. Có mấy đứa bạn thân rủ rê tôi vào cafe Starbuck cho biết. Đi rồi thì mới biết, Sài Gòn đúng là nơi chốn ăn chơi bật nhất. Ở đây chênh lệch giàu nghèo vô cùng rõ ràng. Có người cặm cụi cả ngày gió bụi mới kiếm được vài đồng bạc lẻ, có người chỉ trong đôi phút mà tiêu hơn cả trăm ngàn. Mà hỗ thẹn thay, tôi cũng là một trong số vung tay lãng phí đó. Đương nhiên đi với bạn bè thì cũng không tiếc gì, nhưng ngẫm lại thì cũng không nên để sự phồn hoa làm thay đổi cách sống của mình.

Kết thúc khách hàng ở Etown, tôi tận hưởng một ngày chủ nhật hiếm hoi và chuẩn bị chuyển sang một nơi làm việc mới, với một khách hàng mới, khách hàng thứ 10, cũng là khách hàng cuối cùng trong chuyến công tác.

Lẽ ra thì cũng không có khách hàng thứ 10 này, chúng tôi có thể về ngay ngày chủ nhật hôm đó. Vé máy bay đều đã được đặt sẵn. Nhưng không biết sao, xếp lại thông báo đổi lịch, thế là phải hoàn vé máy bay, chuẩn bị tiếp tục chiến đấu. Mà "lịch kiểm toán", đúng là một thứ màu mè hay thay đổi, giống y như là một cô gái chảnh chọe, kiêu ngạo, lúc thì thích thế này, lúc thì thích thế khác, làm cho những người quan tâm đến cô cảm thấy bối rối, chẳng biết đường nào mà lần...

Chúng tôi trở lại khách sạn cũ trên đường Hoa Hồng như những ngày đầu chuyến công tác. Chỉ khác là lần này ở ngắn ngày hơn. Mà khách hàng mới này, lại là những khách hàng tương đối khó tính. Đương nhiên bề ngoài người ta vẫn tỏ ra nhiệt tình hiếu khách, nhưng với kinh nghiệm nhìn người của tôi thì họ có sự kiêu ngạo phát từ nội tâm, mà người ngoài rất khó thân thiết, không giống như những khách hàng trước mà tôi gặp. Có thể là những người chính gốc thành thị, sinh ra và lớn lên hoàn toàn trên Sài Thành, có bối cảnh to lớn, đều có một phần tính cách như vậy. Nó khác xa với những người lớn lên từ chân quê như chúng tôi, vào thành phố chỉ để lập nghiệp và kiếm sống. Nghĩ ra thì tôi ngày càng khó tính. Hoặc là mình lớn rồi nên nhìn đời một cách thực tế hơn. Chính xác là càng già càng thích toan tính...

 Sau 3 ngày kết thúc ở khách hàng này, chúng tôi mới chính thức lên đường trở về Nha Trang quen thuộc. Lần này thời gian gấp rút nên không được đi máy bay mà chỉ đi bằng tàu hỏa. Có lên mạng tham khảo vé máy bay, đáng tiếc là không có chuyến bay đêm. Mà bay ban ngày thì không có thời gian. Về Nha Trang xong, chúng liền xuất phát làm ở khách hàng khác nữa, không đủ thời gian để kịp thở, nói chi là để xếp hàng chờ máy bay...

Một lần nữa lại cảm thán cho số phận của KTV. Mỗi nghề cũng có một cái khổ riêng, không ai giống ai cả. May mà lần này vào thành phố tương đối dài, tôi học được khá nhiều điều bổ ích. Mà quan trọng hơn tôi có cơ hội gặp lại những người bạn thân từ thời đại học, nhớ lại nhiều kỷ niệm quý giá. 

Hơn 40 ngày, 10 khách hàng, xem như kết thúc một chuyến đi dài. Trong tương lai còn có những chuyến đi dài như vậy hay không thì tôi cũng không chắc, cho nên chỉ có thể học hỏi tinh thần của Dale Carnegie thôi: "Đắc nhất nhật, quá nhất nhật", được ngày nào thì hay ngày này, miễn lo toan chuyện tương lai chi cho mệt mỏi cuộc sống dù gì thì cũng tiếp diễn theo chu trình vốn có của nó...

Nhật ký nghề nghiệp: Một chuyến đi dài (2)

Trong những ngày cuối tháng 2, tôi có duyên trở lại Biên Hòa. Đây chính là lần thứ 2 ghé Biên Hòa trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Lần thứ nhất, đương nhiên cũng vào tầm tầm khoảng thời gian này, nhưng là cách 1 năm về trước.

Xe khách hàng từ thành phố đưa đến tận nơi, là khách hàng thứ 6 trong cuộc hành trình. Cũng tương đối nhỏ, nằm trên đường Võ Thị Sáu. Chúng tôi tìm được một nhà khách khá lịch sự, cũng gần đó, đi bộ chừng 15 phút là tới. Anh kế toán là người miền Tây, khá hiền và dễ gần. Nghe anh nói anh sắp làm đơn xin nghỉ việc, chúng tôi cũng quan tâm nên hỏi thăm thêm, anh bảo đùa, về nấu cơm cho vợ. Mà cũng chắc là có chuyện khó nói nên chúng tôi cũng không tiện tìm hiểu sâu hơn.

Những tháng ngày ở Biên Hòa, không khí khá dễ chịu, ít ra thì cũng thôi kẹt đường và bụi bặm như trong thành phố. Bù lại, chúng tôi không còn được nếm những món ăn ngon và lạ ở thành phố nữa. May mà vào buổi cuối cùng, mấy cô kế toán mời đi ăn ở một nhà hàng nhật phía đối diện, ăn cũng vừa miệng, nhưng hơi ít một chút. Đa phần kế toán ở đây đều rất trẻ, cũng trạc tuổi tôi, đương nhiên là độc thân, cách ăn nói cũng khá bạo dạn. Có một cô khá vui tính, cứ kêu tôi là anh suốt, tôi cũng tin, hỏi sinh năm bao nhiêu, nói sinh năm 91. Sau này hỏi lại mới biết là lớn hơn tôi một tuổi. Lúc đó suýt té ngửa. Người ta còn dò hỏi nick facebook của tôi nữa, đương nhiên là tôi vẫn kín như bưng, đến mấy chị đồng nghiệp làm chung phòng còn không biết nữa là nói cho người ngoài.

Trong những ngày đi bộ từ nhà khách đến chỗ khách hàng làm việc, chúng tôi có ghé ngang qua một tòa cao ốc thật đẹp, trước cổng người ta cho xây mấy bức tượng, tạc hình 5 con ngựa bay tạo thành. Hình như gọi tên là Pegasus gì đó. Tôi thích mấy bức tượng này vô cùng, dù gì thì cũng cầm tinh con ngựa mà. Mà ngựa bay mới đúng là Thiên lý mã. Người ta thường dùng hình ảnh "Thiên lý mã" để nói về những người có tài năng. Mà tôi thì cũng không có tài năng gì mấy, chỉ được cái thích bay nhảy, đi đâu xa xa, tạm gọi là ngựa hoang cũng được.

Bên đường Hà Huy Giáp, gần chỗ giao nhau với Võ Thị Sáu, có một quán cơm nhỏ theo kiểu gia đình mà chúng tôi thường hay ghé ăn. Giá cả hơi cao nhưng ăn cũng khá ngon miệng. Bác chủ quán cũng lớn tuổi, khá vui tính. Lúc đó đang ăn cơm thì nghe bác đọc hai câu thơ:

"Tự cổ mỹ nhân như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu".

2 câu này có ý tứ xâu xa, tôi sẽ đề cập vào dịp khác. Sau đó tôi mới bắt chuyện linh tinh với bác. Nói chung là người già, thích kể lể, thích có người ngồi nghe chuyện của mình, nên bác cũng khá quý tôi. Tiếc là chúng tôi chỉ ở ít ngày rồi đi, nên không thường ghé quán bác lâu dài được.

3 ngày làm ở khách hàng này xong, chúng tôi tiếp tục chuyển qua một địa phương khác: Vũng Tàu, khách hàng thứ 7 trong cuộc hành trình.

Cũng là lần thứ 2 tôi ghé Vũng Tàu, lần đầu cũng là cách đây 1 năm về trước. Cả nhóm cũng đi bằng taxi từ Đồng Nai xuống. Gần đây có tuyến đường cao tốc mới làm từ Hồ Chí Minh chạy xuống, nhưng tiếc là không thuận đường, nên chúng tôi vẫn đi theo đường cũ, qua chỗ ngã ba Vũng Tàu.

Vũng Tàu mùa này cũng tương đối yên tĩnh, không phải là mùa du lịch. Thỉnh thoảng chỉ có vài du khách ghé đến. Lần thứ 2 tôi nhìn phong cảnh ven đường một cách toàn diện hơn, và đã xác định được phương hướng rõ ràng. Khách sạn, nói chung tôi ghé đến, vẫn như cách đây một năm. Đó là một khách hàng quen thuộc, anh khách hàng đã từng dẫn chúng tôi lên thăm ngọn hải đăng Vũng Tàu sáng rực. Ấn tượng của tôi về anh vẫn còn khá rất nét, nhất là cái lần anh đứng sát ngọn hải đăng sáng rực, và kể về tuổi trẻ của anh, với những đam mê và hoài bão bên ngọn hải đăng.

Tôi vẫn luôn thích những người có đam mê như vậy. Họ có lẽ sẽ là người thành công. Và điều chắc chắn rằng, họ sẽ rất hạnh phúc. Theo đuổi một đam mê của mình, mới có cảm giác sống từng ngày, từng ngày. Tiếc là trong cuộc sống ngày nay, người ta còn phải vướng bận nhiều vấn đề, cơm ăn, áo mặc... Cho nên có nhiều đam mê, cũng phải tạm gác lại đâu đó, chờ đến ngày bùng nổ.

Vũng Tàu có 4 bãi tắm: bãi Trước, bãi Sau, bãi Dâu, bãi Dứa. Khách sạn mà chúng tôi đến nằm ở bãi Trước, cũng tương đối vắng khách. Đa số người đều đến bãi Sau, nơi đó có nhiều hàng quán, tương đối nhộn nhịp hơn. Nhìn chung là biển Vũng Tàu kém biển Nha Trang một chút, nhưng cũng có thể tính là một nơi lý tưởng để du lịch, và dưỡng già. Đương nhiên là đó là lời bình luận của anh kế toán, anh khá yêu vùng đất này, mặc dù quê anh ở đâu tận xa ngoài bắc, hình như là Thái Bình gì đó. Lúc ăn cơm với tôi, anh kể về quê anh với một sự chân chất, mộc mạc, mà miền quê nào, trên đất nước Việt Nam, đều có phần giống như vậy, kể cả quê tôi. Điều này làm cho tôi có cảm thấy nhớ nhà đôi chút.

Khách hàng lần này, chúng tôi phải tranh thủ làm nguyên 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật, coi như là hy sinh 2 ngày nghỉ để hoàn thành công việc theo dự định. Buổi chiều xong việc, anh kế toán lại dẫn nhóm lên ngọn hải đăng. Có lẽ là anh có tình cảm đặc biệt với ngọn hải đăng này. Lần này đi vào buồi chiều xế, nên tôi có cơ hội được tận mắt nhìn thấy Vũng Tàu khi mặt trời lặn, ánh sáng đỏ rực rất đẹp. Mặt trời xuống, chiếu qua lăng kính của hải đăng, phản xạ ánh sáng của nó vào khắp người tôi. Cộng với tác động của độ cao và một cái nhìn toàn cảnh, làm cho tôi cảm thấy như mê man...

Buổi chiều cuối cùng, trước khi chia tay Vũng Tàu, tôi tranh thủ ghé quầy lưu niệm của khách sạn và mua một ít quà lưu niệm. Cô bán hàng tầm 40, 50 tuổi, nhưng cách nói chuyện còn khá trẻ trung. Tôi có hỏi thăm quê quán, chuyện nhà của cô. Cô kể quê cô ở ngoài bắc, gần chùa Bái Đính gì đó, sau này theo chồng, vào trong nam lập nghiệp. Có 2 đứa con đều đi học ở Sài Gòn. Điều tôi rất ấn tượng với cô là cô kể về ước mơ của mình: muốn có những ngày bắt ghế ngồi nhịp chân, mùng 5 có một con gà đặt lên bàn thờ tổ tiên... Đó là một ước mơ giản dị về cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, sung túc. Mà hạnh phúc, chắc cũng đôi khi đơn giản như vậy thôi.

Tối chủ nhật, đầu tháng ba, tôi lần nữa chia tay với Vũng Tàu, trở lại Đồng Nai và bắt đầu khách hàng thứ 8 trong cuộc hành trình.

Đây cũng là một khách hàng truyền thống của công ty. Vì lần này khách hàng nằm ở khu công nghiệp Amata nên chúng tôi phải đi tìm một khách sạn mới. Điều này cũng có đôi chút tốn thời gian vì lúc mà chúng tôi đến Biên Hòa, cũng là lúc đa số các khách sạn đều kín người hết, nghe đâu có một đoàn Thống kê gì đó đang tập huấn ở đây. Thực sự thì tôi cũng không rõ ràng lắm, chỉ nhớ là phải nhờ anh taxi chuyển đi qua ba bốn cái khách sạn mới tìm được chỗ ưng ý.

Đó là một cái "Motel" nhỏ nằm trên con đường nhỏ rẽ vào từ Đồng Khởi. Phải nói khu vực đó rất buồn, không giống như khu Gia Viên mà ngày xưa chúng tôi vẫn ở. May mà gần đó còn có mấy quán ăn tương đối khá nên chúng tôi vẫn ở lại cho đến hết 1 tuần rưỡi ở khách hàng này. Cơm gà Phan Rang và một quán cháo vịt gần đó là những nơi mà chúng tôi hay ghé nhất. Phía bên kia đường thì có quán bánh cuốn, cũng khá lịch sự và giá cả hợp lý. 

Đất Biên Hòa không phải là nơi để du lịch. Đa số người ta đến đây để làm ăn, và khu tấp nập nhất là những nơi gần khu công nghiệp, có nhiều người ở. Ngoài ra ở gần đó còn có một siêu thị tương đối lớn, là khu Lotte phía bên kia đường quốc lộ. 

Những ngày chúng tôi ở Biên Hòa đúng vào dịp 8/3. Các chị đồng nghiệp rủ nhau ghé Lotte ăn lẩu. Nơi này cũng khá đông người, đặc biệt là thanh niên nam nữ. Họ ăn mặc khá đẹp, và sang trọng. Có chị đồng nghiệp còn đùa với tôi: Rảnh rỗi đi ngắm người đẹp, cũng trẻ ra vài tuổi. Tôi thì đương nhiên chỉ ghé để nếm qua hương vị một số món ăn, tranh thủ lấp đầy cái bao tử và xả stress sau hàng tiếng đồng hồ ngồi lì trên máy tính. Kể ra thì cuộc sống cũng khá đơn giản, ngoại trừ việc đêm đêm không ngủ ở nhà mình mà đều ngủ ở khách sạn.

Ở nơi này, tôi có một cô bạn khá thân từ thời còn học đại học. Nàng không học chung lớp chuyên ngành với tôi, nhưng cũng có duyên vài lần gặp gỡ. Tính tình hào phóng, thoải mái, là một trong những cô gái có chính kiến nhất mà tôi từng biết. Đương nhiên, điều đó đôi lúc cũng làm cho tôi thấy mình bị kẹt ở thế bí, nhưng bạn bè thì cũng không chấp nhặt gì nhiều, rồi cũng quên hết. Hôm đó nàng bỏ ra một buổi tối chở tôi vòng vòng gần hết thành phố Biên Hòa, có đi ngang đường Bờ kè, ghé vào quán Bún đậu tên là "Mẹt", và một số nơi khác. Hỏi thăm sao nàng không đi chơi với người yêu, nàng nói người yêu nàng đi học rồi. Tôi đùa, kiểu này chắc tôi sẽ bị ghen chết mất. Nàng cười, chắc là không để trong lòng. Mà người yêu nàng thì tôi cũng chưa gặp bao giờ, chỉ mới nhìn ảnh trên facebook. 2 người cũng khá hợp nhau, chỉ có đều giấc mộng của nàng lớn quá, nên không biết tương lai có kết thúc có hậu hay không. Cũng chỉ mong rằng mọi chuyện đều tốt đẹp, chỉ là tôi quá đa tâm mà thôi... 

Bún đậu "Mẹt" là một cái tên rất lạ. Quán nằm gần công viên Biên Hùng. Đsó cũng là lần đầu tiên tôi nếm thử "Bún đậu mắm tôm". Nha Trang cũng có, nhưng tôi chỉ đi ngang qua mà không ghé bao giờ cả, nên cũng không biết hương vị ngon dở thế nào. Sở dĩ người ta gọi là "Mẹt" vì khi gọi món, bún đậu không bỏ vào bát đĩa, mà bỏ vào một cái rá nhỏ nhỏ, giống như cái sàn thu nhỏ vậy, gọi là "mẹt". Có mẹt 1 người ăn, có mẹt 2, 3 người ăn. Bên dưới người ta lót một lớp lá chuối cho sạch, sau đó xếp lên nào là bún, là đậu, rau xanh, thịt..., xếp tách biệt với nhau thành từng khu vực, ai muốn ăn gì thì tự gắp lấy. 

Còn mắm tôm thì không cần phải nói, cũng khá nặng mùi, nhưng mà biết sao được, bún đậu phải ăn với mắm tôm thì nó mới có hương vị. Để tẩy mùi mắm tôm, người ta cho thêm vài quả tắt. Trước khi ăn, vắt nước tắt cho vào chén mắm tôm, rồi khuấy đều lên. Lúc này mắm tôm sẽ sủi kín bọt, sau đó bọt lắng xuống, mắm chuyển từ màu đỏ tươi sang màu đỏ thẫm, gọi là mắm chín, lúc này mới bỏ thêm chút ớt vào, hương vị tính ra cũng khá hấp dẫn.

Khách hàng ở Biên Hòa là một vị khách hàng khá vui tính. Anh nắm chắc nghiệp vụ của mình, nên chúng tôi không còn có gì phải tư vấn nữa. Mà ngược lại, tôi cũng học hỏi thêm ít nhiều từ anh. Chuyến đi tính ra cũng sẽ rất hoàn hảo, nếu không phải là mỗi trưa chúng tôi đều được đãi ăn bằng suất ăn công nghiệp, ăn theo phiếu, đến nỗi mà mấy chị đồng nghiệp đều than thức ăn khó ăn, và cũng hơi kém vệ sinh một chút. Đương nhiên, theo tiêu chuẩn của tôi, có ăn đã là tốt. Huống chi người ta còn đủ một món canh, một món mặn, một món xào. Mặc dù canh thì cũng chỉ có vài cọng rau muống...

Sau 10 ngày, chúng tôi dọn dẹp đồ và chuẩn bị chuyển sang một địa điểm mới, là khách hàng thứ 9 trong cuộc hành trình. Khách hàng này ở Sài Gòn, nên buổi chiều hôm đó, chúng tôi lên taxi và bắt đầu di chuyển. Nghề của chúng tôi, có thể nói là nghề di chuyển khá nhiều, và khá vất vả. May mắn là được đi nhiều nơi, có chút ít hương vị khác lạ, chứ nếu không suốt ngày chỉ ở một chỗ, sẽ rất dễ có cảm giác nhàm chán. Mà không phải ai cũng có nhiều cơ hội di chuyển như vậy, có thể kết hợp công tác và du lịch. Mà mỗi ngày, nhìn một chân trời mới, ta mới có cảm giác mình may mắn, và tâm hồn mới lớn dần lên được...

27 thg 3, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Một chuyến đi dài (1)

Một buổi nọ, tôi từ trong công ty chạy ra. 8h đêm rồi. Tranh thủ kiếm một chút gì đó bỏ vào bao tử, xách xe máy dạo loanh quanh một vòng ở vài con phố nhỏ, tấp vào một quán cafe quen thuộc.

Đó là một buổi tối tháng 3 khá lạnh. Nha Trang không nóng như thành phố, không có cái oi bức của những buổi chiều xe cộ, hay cái ồn ào tấp nập khi người ta đổ ra đường lúc ánh đèn vừa lên.

Cũng có thể là tôi đã quen với không khí của miền Nam, của thành phố. Hơn 1 tháng chứ còn gì. Chính xác là 40 ngày. Đi công tác liên tục. Nhiều khi tưởng như cuộc sống chỉ là một cuộc hành trình dài, với những chuyến đi dằng dặc. Ấy vậy mà cũng kết thúc. Đúng vào tối sinh nhật, tôi lên tàu trở về Nha Trang.

Câu chuyện nho nhỏ bắt đầu vào một buổi sáng ngày mùng 9 tết. Hôm trước đó thì tôi vẫn còn tranh thủ ngủ một giấc thật sâu ở nhà, chính xác là ngủ nướng, đến gần trưa. Buổi chiều sắp xếp một chút đồ đạc, chạy từ nhà vào Nha Trang. Vậy là kết thúc gần 2 tuần nghỉ tết. Béo ra chút xíu, trắng ra chút xíu, cái gì cũng một chút xíu, nhưng chắc chắn là đi công tác xong sẽ giảm lại gấp mấy lần cái chút xíu đó. Buổi tối đi đi loanh quanh đôi con phố, xem như là tạm biệt Nha Trang. Sáng hôm sau, đúng 6h tôi đã có mặt tại ga tàu.

Cũng giống như những lần công tác khác: hàng tiếng đồng hồ vật vờ trên tàu, vài cái vali giấy tờ nặng trình trịch, một ít đồ ăn nước uống cầm chừng, và một ít căng thẳng về một hành trình chưa biết tên (mặc dù đã biết điểm đến).

Nơi tôi đến, một khách sạn nhỏ xíu trên đường Hoa Hồng, gần cầu Trần Khánh Dư. Khu vực đó, không biết sao người ta đặt tên đường toàn hoa là hoa: Hoa Hồng, Hoa Lan, Hoa Huệ, Hoa Mai... Tính ra cũng là một chỗ thú vị. Cầu Trần Khánh Dư là một cây cầu sắt nhỏ, do 2 cây nhỏ hơn ghép lại mà thành, một cầu chiều đi qua, một cầu chiều đi lại. Người ta thường gọi nó là "cầu tạm". Qua bên kia cầu tạm, toàn là hàng quán chợ búa, không khí rất tấp nập, nhộn nhịp. Có vài lần tôi với mấy chị đồng nghiệp dạo bộ qua bên kia cầu, tấp vào một ít quán bún mọc, quán phở bò, quán nước mía, quán chè không ngọt...

Không biết sao người ta lại đặt tên là "Chè không ngọt", kể ra cũng tương đối lạ nên bước vào xem thử. Chè được bán đủ loại, kiểu như "xương sáo", "xu xa hạt lựu"..., bỏ trong một cái chén nhỏ nhỏ, cầm muỗng múc ăn. Cũng ngon, đúng là ít ngọt thật, vị thanh thanh..., giá tầm đâu khoảng 15k một phần, cũng gọi là hấp dẫn.

Khách hàng đầu tiên là một đơn vị nho nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, chính thức mở màng những tháng ngày bận rộn, căng thẳng, như từ mà đồng nghiệp mình thường gọi: "mùa". Trong những ngày này, mấy anh chị kế toán có mời ra một vài quán ăn tương đối lịch sự gần đó. Trước đây chắc mấy quán này chuyên bán cafe, sau này gần văn phòng làm việc của nhân viên nên vừa bán cafe vừa bán cơm. Tiếc là thiên về bán cơm nhiều quá nên cũng dần mất đi thanh khí vốn có của nó. Mà cũng nhờ vậy, nhiều nhân viên văn phòng, giống như chúng tôi, mới có thể tận dụng một ít thời gian buổi trưa để lấp đầy khoảng trống của bao tử.

Anh khách hàng rất hiền, nói chuyện theo cách của miền Nam, có gia đình ổn định. Nghe anh nói, gần đây anh có tuyển dụng vài nhân viên, nhưng không có ai đạt yêu cầu. Có một vài màn phỏng vấn cũng khá thú vị mà chính anh là người phỏng vấn. Anh khá thích kỹ năng excel của chúng tôi, anh còn đúc kết rằng, người giỏi excel đều là những người tư duy tốt. Mà thực sự thì chúng tôi chỉ là hay làm quen tay, còn tư duy tốt hay không, phải xem kỹ năng phân tích và nắm bắt vấn đề trên sổ sách như thế nào cơ. 

Trong những ngày ở khách hàng này, tôi có gặp một cô bạn thân, hồi xưa học cùng lớp, ngồi cùng bạn, giờ cũng làm chung nghề với tôi, làm việc và ở trọ gần đường Phan Đăng Lưu. Người chung nghề, cũng có nhiều điều để nói. Tôi xách xe máy chở nàng đi vòng vòng trong thành phố. Đương nhiên là xe máy của nàng. Nàng có rủ xem film, hình như "Trái tim máu" gì đó, cũng nghe nói khá hấp dẫn, doanh số cũng khổng lồ, tiếc là còn chưa xem, vào rạp film nào cũng đều hết vé hoặc hết suất chiếu cá. Cuối cùng thì 2 đứa rủ nhau đi ăn kem nhãn ở một ngã rẽ trên đường Paster. Tôi sơ ý quên signal rẽ phải nên bị mấy chú công an gọi vào, năn nỉ hoài mới bớt cho 40k tiền phạt. Sau này chắc nhớ suốt đời...

Đương nhiên là chúng tôi vẫn xem nhau là bạn thân. Nàng có thể tính là một trong những người bạn khác giới thân nhất của tôi, mà cũng là người hiểu tôi nhất. Chúng tôi không có ý định phá vỡ cảm giác đó. Nghe đâu nàng có người yêu rồi, một anh chàng miền quê, hiền hậu, dễ tính. Mà 2 người đôi lúc cũng nóng lạnh thất thường gì đó, nàng cũng ít kể chuyện người ta lắm, nên tôi cũng không hiểu mấy. Dù sao thì mỗi người cũng phải có một góc bí mật của riêng mình.

Khách hàng thứ hai cũng bình lặng qua đi. Một chi nhánh nhỏ nhỏ của công ty nhỏ nhỏ. Tôi khá ấn tượng với giọng nói của chị kế toán, rất giống giọng nói của "người đó". Chút nữa là thiếu kiềm chế hỏi thăm, có phải chị là người Bình Phước không. Nhưng cuối cùng cũng không đi vào vấn đề cá nhân nhiều, mà tập trung vào cho công việc. Xong khách hàng này là hết tuần đầu tiên ở thành phố.

Khách hàng thứ ba, công việc mới bắt đầu khởi sắc hơn. Nhất là khi khách hàng này làm việc ở một công sở khá cổ kính, một tòa kiến trúc từ thời Pháp, có trồng cây leo xanh xanh trên cao, buông xuống những đoạn rễ cây dài dài ngang ngang đầu. Định hỏi thăm cây gì, để kiếm vài gốc như vậy về nhà trồng, nhưng cuối cùng vội quá nên cũng quên mất. Buổi trưa chúng tôi ăn cơm theo kiểu nhà ăn tập thể, không khí khá thân mật.

Ở khách hàng này, tôi có quen 2 cô kế toán, cũng tầm tầm tuổi tôi nên cũng dễ nói chuyện. Một cô ở Quảng Bình, nơi mà tôi đã có dịp đi qua nên cũng có nhiều chủ đề chung. Một cô khác, quê ở Bình Phước, nơi này tôi cũng có dịp đi qua. Nghe nói cô này chuẩn bị nghỉ việc, đi sang Nhật theo diện xuất khẩu lao động, chỉ có mẹ già và người yêu ở lại nhà. Nghe tới đoạn này tôi cũng ngậm ngùi. Dù sao ai cũng có quyền theo đuổi hạnh phúc và ước mơ của riêng mình. Mà tôi cũng thán phục cho sự gan dạ can cảm của cô, ít ra thì, tôi cũng không có được sự quyết đoán như vậy.

Cô kế toán trưởng thì cũng tương đối lớn tuổi, cũng là bạn học cấp 2 của một anh trưởng phòng của công ty tôi, trụ sở ở Sài Gòn. Cô thường dắt nhóm đi nhiều quán ăn sang, có mời anh trưởng phòng đó đi chung. Tôi ngồi gần anh, có cơ hội học hỏi nhiều vấn đề mà tôi chưa có dịp hoặc không tiện hỏi trực tiếp sếp của tôi. Dù gì thì cũng là người trong ngành, và cùng công ty nữa, nên dễ nói chuyện với nhau hơn. Anh tuổi cũng trung niên, nhưng cũng như nhiều người làm kiểm toán khác, họ đều có tâm hồn rất trẻ, anh kể về nhiều nơi, nhiều vùng đất anh đi qua, và nhất là những món ăn ngon, đặc sản của từng vùng miền. Hy vọng là vài năm sau, tôi cũng sẽ có đủ kiến thức để nói nhiều chuyện như vậy. Sau khách hàng này, tôi nhớ được tên vài quán mì quảng khá nổi tiếng trong thành phố, ngoài ra còn có thêm một món nữa, là thịt luộc cuốn bánh tráng, chấm với mắm nêm, ăn cũng khá ngon miệng, nhưng quên mất tên nó là gì rồi.

Khách hàng thứ 4, cũng là một khách hàng tương đối thú vị. Thú vị nhất đương nhiên là phòng kế toán của người ta. Mời chúng tôi ăn mà họ nói chuyện liên tục, đủ loại trên trời dưới đất, cũng xem chúng tôi như người bình thường, chứ không xem là trung tâm, là khách, như mấy khách hàng khác. Anh kế toán bên đó nghe đâu trước đây cũng làm nghề như tôi, được 10 năm thì chuyển. Hỏi anh lý do, anh cười không đáp, chắc là bên này cơ hội lớn hơn. Mà điều này tính ra cũng là thiệt thòi cho chúng tôi, vì người ta đã biết hết các "chiêu" của chúng tôi rồi, nên cũng chẳng còn gì để khai thác.

Sau đó người ta có mời chúng tôi ăn một món "bún cá Nha Trang", cũng khá sang trọng. Nhưng tiếc là mùi vị cá quá tệ đi, hình như cá cũng lâu rồi, nên tôi ăn không quen miệng, bỏ dở gần nguyên tô. Chắc là người đã nếm bún cá Ninh Hòa rồi, bún cá chính gốc, sẽ khó có thể cảm thấy ngon khi ăn ở miền khác, hoặc là tiêu chuẩn tự nhiên sẽ cao hơn. May mà hôm khác người ta lại mời tới một quán lạ, Rêu cá chép cũng gần đó. Lần này tôi ăn ngon miệng hơn, có món lẩu cá chép, thỉnh thoảng vớt được một miếng trứng cá khá to, ăn rất hấp dẫn. Người ta đãi một loại bia nắp vặn, chai cũng nhỏ nhỏ, cũng tương đối dễ uống. 

Khách hàng thứ 5, nhỏ xíu, nhưng sang trọng, nằm trên tầng cao của khách sạn đầu đường Nguyễn Huệ, chúng tôi làm duy nhất một ngày thứ 7. Cô kế toán lớn tuổi, hơi khó tính, nhưng rất có tín niệm với đạo Phật, do đó chúng tôi cũng dễ làm việc, nhất là chị nhóm trưởng của tôi, tìm được tiếng nói chung. Hai người kể về những câu chuyện tôn giáo quên cả ăn uống. Đương nhiên những câu chuyện này tôi cũng biết. Tôi cũng có tín niệm. Nhưng tôi không nói ra.

Một điều khá thú vị nữa, trong một buổi chiều thứ bảy, khi xong việc rồi, tôi nói với 2 chị đồng nghiệp: 2 chị về trước nha, tối nay em đi với bạn.. Đó là 2 cô bạn thân, trong nhóm tám ngày xưa. Còn có vài người nữa, nhưng đứa thì ở xa, đứa thì bận việc, nên không rủ hết được. 2 nàng này có sở thích là ăn uống. Tôi cũng được khao một bữa no bụng Lotte, đương nhiên là có cả phần mang về nữa. 2 nàng rủ tôi đi vòng vòng đến tận cầu Ánh Sao và Crescent Mall bên khu Phú Mỹ Hưng. Chụp ảnh chán chê xong lại về. Nói chung là cũng khá thú vị với ánh đèn vàng rực, phong cảnh phồn hoa tột cùng, và đương nhiên, tôi vẫn không quen thuộc với những cảnh đó, may là đi chung với bạn bè nên có cảm giác thân thiết, chứ đi chung với người khác, thì chắc đã bỏ về lâu rồi...

2 nàng cũng đã từng làm nghề giống tôi, đương nhiên học cùng lớp thì ra trường cũng thành đồng nghiệp. Nhưng 2 nàng lại thay phiên nhau chuyển nghề. Một nàng thì hiện đang học tiếp cao học ở một trường đại học quốc tế nổi tiếng một hai, một nàng thì đang thử việc ở một ngân hàng danh giá. À, cũng chỉ bạn bè. 2 nàng có người yêu hết rồi. Nàng kia thì bạn trai quen từ thời cấp 3, câu chuyện có thể viết thành thiên tình sử, nghe đâu chàng vì nàng mà từ chối cả cơ hội du học. Còn một nàng thì thay người yêu liên tục, trung bình cứ 3 tháng một lần, nhưng đến chàng này, hơn nhau cả gần chục tuổi, không biết sao lại dừng lại, chắc là duyên số cả. Chàng thì cũng đang du học ở nước ngoài, nghe nói cuối năm nay về nước, mà không biết có lo cưới xin gì chưa...

Thực lòng mà nói, đi chơi chung thì tôi thường hoài niệm về chuyện ngày xưa hơn. Đó là những ngày chúng tôi còn trên ghế giảng đường, chưa thực sự phân ra làm giai cấp nghề nghiệp như khi đi làm. Hồi đó tôi còn áo sơ mi sờn vai, mang dày bitis quai hậu, tóc tai lộn xộn. Những ngày đó tuy có khổ thật, toàn rủ nhau vào những quán ven đường, rẻ tiền, nhưng nói chuyện với nhau rất chân thành, rất vui vẻ. Còn giờ đây thì áo đóng thùng gọn gàng, giày tây đen bóng, đầu tóc gọn gàng, nơi đến cũng sang trọng, nhưng cảm giác khó có được như ngày xưa nữa.. Kể ra thì cuộc đời có nhiều việc cũng khó nói lắm, vẫn phải do trái tim cảm nhận là chủ yếu...

Ở thành phố loanh quanh cũng gần hai tuần rưỡi, chúng tôi lại chuyển địa điểm tiếp theo: Biên Hòa - Đồng Nai. Và đó là một phần khác của chuyến đi dài ngày...

Đồng chí

Tôi không định kể về một tình cảm "Đồng chí" lãng mạn theo kiểu "Đầu súng trăng treo" như trong thơ của Chính Hữu. Tình đồng chí của chúng tôi là tình đồng chí trong thời bình, không có khói lửa đạn bom, nhưng rất thực tế, cũng có nhiều đắng cay ngọt bùi, với nhiều trải nghiệm thú vị.

Một buổi tối nọ, sau 2 năm rời thành phố về Nha Trang, tôi lại có dịp trở lại thành phố công tác. Buổi tối xong việc, chúng tôi hẹn gặp nhau tại một quá cafe nhỏ nằm gần khách sạn tôi ở. Đó là một quán cafe khá bình dân, nằm đối diện với vòng xoay bên cạnh cầu tạm Trần Khánh Dư. Chúng tôi gọi một ít cafe và ngồi nhắc chuyện xưa.

Anh, anh Đạt, có thể tính là một trong những người bạn thân nhất của tôi, từ thời đại học quen anh đến bây giờ. Nói là anh, nhưng tôi đối xử với anh theo kiểu bạn bè tâm giao nhiều hơn. Anh học hơn tôi một khóa, tính tình hiền lành, có nhiều lý tưởng và hoài bão, lý tưởng của anh thuộc loại chân thành, trong sáng, không có nhiều tham vọng vật chất như đa số thanh niên thời nay. Có vài dịp tôi rủ anh về nhà và ngủ lại, nói chuyện với mẹ tôi cũng rất hợp, xem như người trong nhà.

Tôi quen anh trong một buổi tối, có thể tính là lịch sử, nó làm thay đổi phần lớn nhân sinh của tôi kể từ thời đại học. Lúc đó, anh chuẩn bị bước lên trên hội trường, hội trường lớn của Nhà văn hóa Thanh Niên, tham gia vào một chương trình lớn, còn tôi ở dưới này, làm khán giả của anh. Chính xác hơn là khán giả của những đại diện cho ngôi trường mà tôi đang học, trường Đại học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh.

Lúc đó, tôi còn là sinh viên học kỳ 2 năm thứ nhất. Tôi có biết đâu rằng, 2 năm sau, tôi cũng có dịp bước chân lên hội trường đó, cũng nếm trải hết đủ mọi cảm giác vinh quang và ảm đạm giống như anh. Mà anh, chính là người dẫn dắt và đào tạo tôi, cũng chính là đồng chí sánh vai tôi trong những giây phút thiêng liêng đó, tận đến mãi sau này, khi anh ra trường...

Hưng, một chàng trai cá tính, thông minh, có khiếu nói chuyện, nhỏ hơn tôi 2 khóa. Tôi cũng đối xử với em như một người bạn, một đồng chí đồng đội, hơn là cảm giác của anh em. Mà thực sự thì, chúng là những người đồng chí. Hưng tham gia cùng với chúng tôi cũng do anh Đạt dẫn dắt. Lần đầu gặp em ở căn tin của trường học, anh giới thiệu: cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, từng đặt chân tới vòng thi quý. Tôi có nhiều kỷ niệm với em nhất là những khi chúng tôi cùng nhau ôn tập, cùng nhau thảo luận, cùng nhau thành công và cùng nhau thất bại. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm nên 2 chữ "đồng chí".

Ngày đó, nhóm của chúng tôi gồm 6 người. Ngoại trừ 3 chúng tôi còn có 1 anh và 2 em gái nữa. Tôi ít thân hơn, nhưng vẫn xem là đồng đội cùng chiến tuyến. Một anh đó cũng hơn tôi một khóa, cũng là một cựu thành viên, hiện tại đang làm ở một ngân hàng lớn. Còn 2 cô bé kia nhỏ hơn tôi 1 khóa, thỉnh thoảng trên facebook chúng tôi vẫn thường liên lạc. Chúng tôi cùng mang tên "Lý Luận Trẻ", cùng thi đấu dưới tên tuổi của Trường đại học Kinh Tế. Sau thời của tôi, gần như thành đoàn thành phố và những trường lân cận, đều biết đến tên tuổi của "Lý Luận Trẻ". Chúng tôi, cùng với một số ít đội tuyển của các trường khác, được mệnh danh là "vua của vòng loại", vì vòng loại nào chúng tôi cũng xếp điểm cao nhất nhì. Đương nhiên, đó chỉ là vòng loại, vào những vòng trong, chúng tôi gặp nhiều trở ngại hơn.

Thời của chúng tôi, phong trào học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường còn khá thấp, đa số là sinh viên học tập để đối phó với những cuộc thi, có rất ít người có tâm huyết thực sự giống như chúng tôi. Vì lẽ đó mà chúng tôi có duyên gặp nhau, và làm nên tên tuổi của "Lý Luận Trẻ", cũng từ thế hệ chúng tôi trở đi, phong trào của trường mới bắt đầu khởi sắc lớn mạnh hơn.

Buổi chiều hôm đó, tôi ngồi giữa, anh Đạt và Hưng ngồi 2 bên tôi. Chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện đời thường cuộc sống, và những hoài bão lý tưởng về tương lai sau một thời gian dài không gặp lại. Thực ra thì có gặp nhau trên facebook, nhưng chỉ là chào hỏi nhau thôi, nói chuyện không được vui vẻ thoải mái như khi gặp mặt. Câu chuyện kéo dài đến gần 11h đêm, mọi người mới sực tỉnh lại và chia tay.

Anh thì hiện đang làm cho một công ty bảo hiểm nhỏ, vừa làm vừa học cao học ban đêm, còn hơn một năm nữa là thạc sĩ rồi. Anh cũng có một chút dự định về quê, làm việc ở đất Pleiku xinh đẹp gần nhà anh, nhưng chắc phải phấn đấu nhiều. Công việc bảo hiểm thì cũng tương đối khó khăn, nên cuộc sống cũng không dư dả cho lắm. Nhưng không vì thế mà chúng tôi mặc cảm với nhau, bởi vì trên hết, chúng tôi đã từng có ước mơ, lý tưởng, như trong một bài hát tiếng Anh mà tôi rất thích:

"Those were the days, my friends
We thought they'd never end
We'd sing and dance, forever and a day
We'd live the life we choose
We'd fight and never lose
For we were young and sure to have our way."

Hưng thì hiện tại đang làm khóa luận tốt nghiệp, vừa mới thực tập xong ở một công ty kiểm toán quốc tế nổi tiếng, được người ta giữ lại tiếp tục làm việc, tương lai đầy triển vọng. Nói chung là công việc tốt hơn tôi nhiều, khả năng thành đạt cũng rất cao. Thỉnh thoảng em lại kể tôi nghe những chuyện đời thường, chuyện tình cảm, chuyện bạn bè. Em cũng có ý định bám trụ lâu dài ở thành phố, tìm một nấc thang cao hơn. Em cũng nhắc đến đất Quy Nhơn quê em, chắc cũng sẽ về, nhưng chắc là sẽ lâu. Chí hướng của em bay cao bay xa nhiều hơn.

Nội dung mà chúng tôi đề cập nhiều nhất, đương nhiên là những câu chuyện ngày xưa, những khó khăn, những vẻ vang mà chúng tôi đã từng trải qua cùng nhau. Anh thì đã ra trường rồi, mang theo một chút luyến tiếc vì chưa bao giờ anh được giải vinh quang cao nhất. Cả 4 năm, anh đều lênh đênh vất vả, cao nhất cũng chỉ là một giải nhì đồng đội, và top 10 cá nhân của cấp Thành đoàn. Tôi thì may mắn hơn, với tư cách thế hệ đi sau, tôi thừa hưởng nhiều từ anh, nhưng cũng chỉ đăng quang trên ngôi vị cá nhân vào năm đại học cuối cùng. Ngoài ra thì cũng không còn gì đáng kể. Hưng mới tính là người may mắn nhất, 2 năm đầu cũng lênh đênh chung với chúng tôi, năm thứ 3 thì được nhất đồng đội bên khối Đảng ủy, năm cuối cùng mới đăng quang trên hội trường A116 với đồng đội của em. Gọi là đồng đội của em vì lúc đó, tôi và anh đều đã ra trường hết rồi. Ngày em thi đấu và thành công, tôi cũng dành chút thời gian sau buổi công tác đi cổ vũ, ngồi ở dưới khán giả mà lòng thì đang hoài niệm, trôi ngược thời gian, về những phút giây mà chính tôi từng đứng trên đó, cũng với những người đồng đội của mình.

Quay lại trường với tư cách cựu sinh viên cũng là một cảm lạ lạ. Chắc chắn là có nhiều người không biết tôi, điều này cũng làm tôi hơi buồn. Rất may mắn là những anh bên phòng công tác chính trị còn nhớ tên, cũng lại hỏi thăm đôi câu. Có mấy em sinh viên thế hệ sau này, là thành viên của Lý Luận Trẻ cũng có chào hỏi và nói chuyện đôi chút. Cuối buổi chúng tôi kéo nguyên đoàn ra quán dừa tắt bên đường Paster để ăn mừng. Hôm đó quán đông đến mức chúng tôi phải dựng xe bên kia vỉa hè, vừa ngồi uống nước ngay trên xe, vừa  lo canh mấy chú cảnh sát giao thông. Đến gần 11h đêm mọi người mới bắt đầu giải tán.

Hơn 40 ngày công tác ở Sài Gòn qua rất nhanh. Tối cuối cùng, chúng tôi lại hẹn nhau tại quán cafe đó. Chúng tôi có dự định tổ chức một tour du lịch để thăm miền quê của từng người. Đương nhiên là nếu có thời gian. Hưng thì làm xong khóa luận là coi như nhàn rỗi, nhưng anh lại bận túi bụi với công việc, nên chắc là khó. Còn tôi thì công việc chỉ bận rộn trong mấy tháng đầu, mấy tháng cuối thì có thể sắp xếp thời gian nghỉ phép để rong chơi vài nơi.

Trong những câu chuyện chúng tôi kể cho nhau nghe, tôi vẫn ấn tượng đến những khía cạnh chính trị mà 2 đồng chí của tôi thảo luận. Tôi thì ít nhạy cảm với vấn đề này nên chỉ ngồi nghe và góp đôi chút. Dù gì thì trong 3 người, anh Đạt và Hưng đều đã có tư cách Đảng viên trong thời gian còn ngồi ở giảng đường. Còn tôi thì kém may mắn hơn, cũng ít tham gia đoàn hội, nên nhiều điều còn rất mới lạ. Nhất là những chuyện đấu tranh chính trị của người này người kia, tôi cảm thấy thú vị vô cùng.

Điều đặc biệt nữa là hai người đồng chí của tôi đã từng là chủ nhiệm của Lý Luận Trẻ, nên rất có tinh thần tập thể. Mà tôi cũng là một cựu thành viên, cũng bước chân từ đó ra. Nói như cách của Hưng, chúng ta còn sống vì một vài lý tưởng của tuổi trẻ, không có nhiều tư tưởng vị kỷ cá nhân như nhiều người trong lớp trẻ bây giờ. Mà chắc vì cách sống đó, chúng tôi mới quý trọng nhau đến vậy. 

Trong những chuyện xưa của chúng tôi, cảm giác chủ đạo vẫn là sự ngậm ngùi về quá khứ. Đó là những lúc chúng tôi cùng nhau mắc sai lầm và để vuột mất cơ hội. Đó là những cảm giác nuối tiếc vô bờ bến. Giờ nhắc lại, cũng không đổ lỗi cho ai  cả, chúng tôi cùng nhau thi đấu và cùng nhau gánh chịu. Trong 4 năm đại học, phần lớn thời gian chúng tôi đều đắm mình ôn luyện để chờ một giây phút vinh vang. Nhưng chỉ thất bại một lần, công sức của 3,4 năm đại học, như chôn vùi trong quên lãng. Đó cũng chính là cách mà lịch sử diễn biến. Chỉ có người thành công tột đỉnh, người đứng trên bụt vinh quang cao nhất mới được lịch sử nhắc tên, còn số phận người thất bại, dù rằng thiếu nửa bước, cũng sẽ vĩnh viễn bị chìm xuống dưới dòng sông lịch sử. Nhưng chúng tôi vẫn nhắc về chuyện cũ, như những lời động viên chia sẻ sau cùng, giống như tăng cam đảm cho nhau để cùng nhau bước tiếp.

Năm đầu, tôi gặp anh. Chúng tôi mến tài nhau mà để lại ấn tượng. Năm 2 anh lập nhóm, mời tôi và Hưng tham gia, cũng năm đó, tôi gặp Hưng, một tân sinh viên. Cuối năm 2, chúng tôi thất bại lần đầu tiên, xem như là kém may mắn. Mà riêng cá nhân anh, đã là lần thứ 2 gãy cánh. Năm thứ 3, chúng tôi lại tái lập nhóm, lần này bước lên sân khấu của Thành đoàn, chúng tôi lại thiếu nửa bước nữa. Cũng trong năm này, anh ra trường, ngậm ngùi chia tay với sự nghiệp lý luận. Năm thứ 4, còn lại tôi và Hưng tiếp tục, chúng tôi lại vấp ngã tiếp. Cuối năm 4, tôi ra trường, cũng lại chia tay, chỉ còn lại Hưng gánh vác cả Lý Luận Trẻ. Năm thứ 5, Hưng lại thất bại. Cuối năm thứ 5, bắt đầu khởi sắc hơn, Hưng giành được vinh quang bên khối Đảng ủy. Năm thứ 6, cũng chính là năm nay, Hưng giành được vinh quang trên thánh đường A116. Tính ra, Hưng là người may mắn nhất trong nhóm. Nhưng chúng tôi vẫn hiểu nhau, vẫn chia sẻ sự thành công của nhau, như những ngày xưa đã từng chia sẻ những đắng cay ngậm ngùi.

Chúng tôi ngồi với nhau lâu đến mức mà anh tiếp viên thay trà mấy lần. Chúng tôi quên cả thời gian và không gian. Lúc nhìn lại thì cũng đã rất khuya rồi, quán cafe vắng người từ bao giờ. Khi tạm biệt, chúng tôi đều bắt tay lẫn nhau. Giống như cái cách mà nhiều năm trước, chúng tôi bắt tay trước giờ G, bắt tay khi gặp mặt nhau, khi chia tay sau mỗi buổi ôn tập, thảo luận. Trong đời tôi có rất nhiều cái bắt tay, nhưng tôi chắc rằng, cho đến sau này, sẽ không có cái bắt tay nào khác mà chân thành đến vậy. Không có một chút nào khách sáo nào trong đó, mà đơn thuần là một thói quen, như là trao nhau cảm giác ấm áp đồng đội, cũng là hoài niệm về những chuyện xưa...

Tôi về lại Nha Trang. Chưa biết bao giờ có cơ hội gặp lại nữa, để tìm lại cảm giác đồng đội đồng chí như ngày nào. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng, thời gian sẽ không bao giờ xóa mờ những tình cảm đó, những kỷ niệm đó, cũng như những lý tưởng, những ngọn lửa trong chúng tôi những ngày xa xưa sẽ không bao giờ bị dập tắt.

"Oh my friends, we're older, but no wiser
For in our hearts, the dreams are still the same."

P.S. Tặng anh, Nguyễn Văn Đạt. 

P.P.S. Cũng tặng em, Huỳnh Nhật Hưng. 

Nha Trang ngày 27 tháng 3 năm 2013. 
Nguyễn Thanh Trúc