27 thg 3, 2014

Đồng chí

Tôi không định kể về một tình cảm "Đồng chí" lãng mạn theo kiểu "Đầu súng trăng treo" như trong thơ của Chính Hữu. Tình đồng chí của chúng tôi là tình đồng chí trong thời bình, không có khói lửa đạn bom, nhưng rất thực tế, cũng có nhiều đắng cay ngọt bùi, với nhiều trải nghiệm thú vị.

Một buổi tối nọ, sau 2 năm rời thành phố về Nha Trang, tôi lại có dịp trở lại thành phố công tác. Buổi tối xong việc, chúng tôi hẹn gặp nhau tại một quá cafe nhỏ nằm gần khách sạn tôi ở. Đó là một quán cafe khá bình dân, nằm đối diện với vòng xoay bên cạnh cầu tạm Trần Khánh Dư. Chúng tôi gọi một ít cafe và ngồi nhắc chuyện xưa.

Anh, anh Đạt, có thể tính là một trong những người bạn thân nhất của tôi, từ thời đại học quen anh đến bây giờ. Nói là anh, nhưng tôi đối xử với anh theo kiểu bạn bè tâm giao nhiều hơn. Anh học hơn tôi một khóa, tính tình hiền lành, có nhiều lý tưởng và hoài bão, lý tưởng của anh thuộc loại chân thành, trong sáng, không có nhiều tham vọng vật chất như đa số thanh niên thời nay. Có vài dịp tôi rủ anh về nhà và ngủ lại, nói chuyện với mẹ tôi cũng rất hợp, xem như người trong nhà.

Tôi quen anh trong một buổi tối, có thể tính là lịch sử, nó làm thay đổi phần lớn nhân sinh của tôi kể từ thời đại học. Lúc đó, anh chuẩn bị bước lên trên hội trường, hội trường lớn của Nhà văn hóa Thanh Niên, tham gia vào một chương trình lớn, còn tôi ở dưới này, làm khán giả của anh. Chính xác hơn là khán giả của những đại diện cho ngôi trường mà tôi đang học, trường Đại học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh.

Lúc đó, tôi còn là sinh viên học kỳ 2 năm thứ nhất. Tôi có biết đâu rằng, 2 năm sau, tôi cũng có dịp bước chân lên hội trường đó, cũng nếm trải hết đủ mọi cảm giác vinh quang và ảm đạm giống như anh. Mà anh, chính là người dẫn dắt và đào tạo tôi, cũng chính là đồng chí sánh vai tôi trong những giây phút thiêng liêng đó, tận đến mãi sau này, khi anh ra trường...

Hưng, một chàng trai cá tính, thông minh, có khiếu nói chuyện, nhỏ hơn tôi 2 khóa. Tôi cũng đối xử với em như một người bạn, một đồng chí đồng đội, hơn là cảm giác của anh em. Mà thực sự thì, chúng là những người đồng chí. Hưng tham gia cùng với chúng tôi cũng do anh Đạt dẫn dắt. Lần đầu gặp em ở căn tin của trường học, anh giới thiệu: cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, từng đặt chân tới vòng thi quý. Tôi có nhiều kỷ niệm với em nhất là những khi chúng tôi cùng nhau ôn tập, cùng nhau thảo luận, cùng nhau thành công và cùng nhau thất bại. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm nên 2 chữ "đồng chí".

Ngày đó, nhóm của chúng tôi gồm 6 người. Ngoại trừ 3 chúng tôi còn có 1 anh và 2 em gái nữa. Tôi ít thân hơn, nhưng vẫn xem là đồng đội cùng chiến tuyến. Một anh đó cũng hơn tôi một khóa, cũng là một cựu thành viên, hiện tại đang làm ở một ngân hàng lớn. Còn 2 cô bé kia nhỏ hơn tôi 1 khóa, thỉnh thoảng trên facebook chúng tôi vẫn thường liên lạc. Chúng tôi cùng mang tên "Lý Luận Trẻ", cùng thi đấu dưới tên tuổi của Trường đại học Kinh Tế. Sau thời của tôi, gần như thành đoàn thành phố và những trường lân cận, đều biết đến tên tuổi của "Lý Luận Trẻ". Chúng tôi, cùng với một số ít đội tuyển của các trường khác, được mệnh danh là "vua của vòng loại", vì vòng loại nào chúng tôi cũng xếp điểm cao nhất nhì. Đương nhiên, đó chỉ là vòng loại, vào những vòng trong, chúng tôi gặp nhiều trở ngại hơn.

Thời của chúng tôi, phong trào học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường còn khá thấp, đa số là sinh viên học tập để đối phó với những cuộc thi, có rất ít người có tâm huyết thực sự giống như chúng tôi. Vì lẽ đó mà chúng tôi có duyên gặp nhau, và làm nên tên tuổi của "Lý Luận Trẻ", cũng từ thế hệ chúng tôi trở đi, phong trào của trường mới bắt đầu khởi sắc lớn mạnh hơn.

Buổi chiều hôm đó, tôi ngồi giữa, anh Đạt và Hưng ngồi 2 bên tôi. Chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện đời thường cuộc sống, và những hoài bão lý tưởng về tương lai sau một thời gian dài không gặp lại. Thực ra thì có gặp nhau trên facebook, nhưng chỉ là chào hỏi nhau thôi, nói chuyện không được vui vẻ thoải mái như khi gặp mặt. Câu chuyện kéo dài đến gần 11h đêm, mọi người mới sực tỉnh lại và chia tay.

Anh thì hiện đang làm cho một công ty bảo hiểm nhỏ, vừa làm vừa học cao học ban đêm, còn hơn một năm nữa là thạc sĩ rồi. Anh cũng có một chút dự định về quê, làm việc ở đất Pleiku xinh đẹp gần nhà anh, nhưng chắc phải phấn đấu nhiều. Công việc bảo hiểm thì cũng tương đối khó khăn, nên cuộc sống cũng không dư dả cho lắm. Nhưng không vì thế mà chúng tôi mặc cảm với nhau, bởi vì trên hết, chúng tôi đã từng có ước mơ, lý tưởng, như trong một bài hát tiếng Anh mà tôi rất thích:

"Those were the days, my friends
We thought they'd never end
We'd sing and dance, forever and a day
We'd live the life we choose
We'd fight and never lose
For we were young and sure to have our way."

Hưng thì hiện tại đang làm khóa luận tốt nghiệp, vừa mới thực tập xong ở một công ty kiểm toán quốc tế nổi tiếng, được người ta giữ lại tiếp tục làm việc, tương lai đầy triển vọng. Nói chung là công việc tốt hơn tôi nhiều, khả năng thành đạt cũng rất cao. Thỉnh thoảng em lại kể tôi nghe những chuyện đời thường, chuyện tình cảm, chuyện bạn bè. Em cũng có ý định bám trụ lâu dài ở thành phố, tìm một nấc thang cao hơn. Em cũng nhắc đến đất Quy Nhơn quê em, chắc cũng sẽ về, nhưng chắc là sẽ lâu. Chí hướng của em bay cao bay xa nhiều hơn.

Nội dung mà chúng tôi đề cập nhiều nhất, đương nhiên là những câu chuyện ngày xưa, những khó khăn, những vẻ vang mà chúng tôi đã từng trải qua cùng nhau. Anh thì đã ra trường rồi, mang theo một chút luyến tiếc vì chưa bao giờ anh được giải vinh quang cao nhất. Cả 4 năm, anh đều lênh đênh vất vả, cao nhất cũng chỉ là một giải nhì đồng đội, và top 10 cá nhân của cấp Thành đoàn. Tôi thì may mắn hơn, với tư cách thế hệ đi sau, tôi thừa hưởng nhiều từ anh, nhưng cũng chỉ đăng quang trên ngôi vị cá nhân vào năm đại học cuối cùng. Ngoài ra thì cũng không còn gì đáng kể. Hưng mới tính là người may mắn nhất, 2 năm đầu cũng lênh đênh chung với chúng tôi, năm thứ 3 thì được nhất đồng đội bên khối Đảng ủy, năm cuối cùng mới đăng quang trên hội trường A116 với đồng đội của em. Gọi là đồng đội của em vì lúc đó, tôi và anh đều đã ra trường hết rồi. Ngày em thi đấu và thành công, tôi cũng dành chút thời gian sau buổi công tác đi cổ vũ, ngồi ở dưới khán giả mà lòng thì đang hoài niệm, trôi ngược thời gian, về những phút giây mà chính tôi từng đứng trên đó, cũng với những người đồng đội của mình.

Quay lại trường với tư cách cựu sinh viên cũng là một cảm lạ lạ. Chắc chắn là có nhiều người không biết tôi, điều này cũng làm tôi hơi buồn. Rất may mắn là những anh bên phòng công tác chính trị còn nhớ tên, cũng lại hỏi thăm đôi câu. Có mấy em sinh viên thế hệ sau này, là thành viên của Lý Luận Trẻ cũng có chào hỏi và nói chuyện đôi chút. Cuối buổi chúng tôi kéo nguyên đoàn ra quán dừa tắt bên đường Paster để ăn mừng. Hôm đó quán đông đến mức chúng tôi phải dựng xe bên kia vỉa hè, vừa ngồi uống nước ngay trên xe, vừa  lo canh mấy chú cảnh sát giao thông. Đến gần 11h đêm mọi người mới bắt đầu giải tán.

Hơn 40 ngày công tác ở Sài Gòn qua rất nhanh. Tối cuối cùng, chúng tôi lại hẹn nhau tại quán cafe đó. Chúng tôi có dự định tổ chức một tour du lịch để thăm miền quê của từng người. Đương nhiên là nếu có thời gian. Hưng thì làm xong khóa luận là coi như nhàn rỗi, nhưng anh lại bận túi bụi với công việc, nên chắc là khó. Còn tôi thì công việc chỉ bận rộn trong mấy tháng đầu, mấy tháng cuối thì có thể sắp xếp thời gian nghỉ phép để rong chơi vài nơi.

Trong những câu chuyện chúng tôi kể cho nhau nghe, tôi vẫn ấn tượng đến những khía cạnh chính trị mà 2 đồng chí của tôi thảo luận. Tôi thì ít nhạy cảm với vấn đề này nên chỉ ngồi nghe và góp đôi chút. Dù gì thì trong 3 người, anh Đạt và Hưng đều đã có tư cách Đảng viên trong thời gian còn ngồi ở giảng đường. Còn tôi thì kém may mắn hơn, cũng ít tham gia đoàn hội, nên nhiều điều còn rất mới lạ. Nhất là những chuyện đấu tranh chính trị của người này người kia, tôi cảm thấy thú vị vô cùng.

Điều đặc biệt nữa là hai người đồng chí của tôi đã từng là chủ nhiệm của Lý Luận Trẻ, nên rất có tinh thần tập thể. Mà tôi cũng là một cựu thành viên, cũng bước chân từ đó ra. Nói như cách của Hưng, chúng ta còn sống vì một vài lý tưởng của tuổi trẻ, không có nhiều tư tưởng vị kỷ cá nhân như nhiều người trong lớp trẻ bây giờ. Mà chắc vì cách sống đó, chúng tôi mới quý trọng nhau đến vậy. 

Trong những chuyện xưa của chúng tôi, cảm giác chủ đạo vẫn là sự ngậm ngùi về quá khứ. Đó là những lúc chúng tôi cùng nhau mắc sai lầm và để vuột mất cơ hội. Đó là những cảm giác nuối tiếc vô bờ bến. Giờ nhắc lại, cũng không đổ lỗi cho ai  cả, chúng tôi cùng nhau thi đấu và cùng nhau gánh chịu. Trong 4 năm đại học, phần lớn thời gian chúng tôi đều đắm mình ôn luyện để chờ một giây phút vinh vang. Nhưng chỉ thất bại một lần, công sức của 3,4 năm đại học, như chôn vùi trong quên lãng. Đó cũng chính là cách mà lịch sử diễn biến. Chỉ có người thành công tột đỉnh, người đứng trên bụt vinh quang cao nhất mới được lịch sử nhắc tên, còn số phận người thất bại, dù rằng thiếu nửa bước, cũng sẽ vĩnh viễn bị chìm xuống dưới dòng sông lịch sử. Nhưng chúng tôi vẫn nhắc về chuyện cũ, như những lời động viên chia sẻ sau cùng, giống như tăng cam đảm cho nhau để cùng nhau bước tiếp.

Năm đầu, tôi gặp anh. Chúng tôi mến tài nhau mà để lại ấn tượng. Năm 2 anh lập nhóm, mời tôi và Hưng tham gia, cũng năm đó, tôi gặp Hưng, một tân sinh viên. Cuối năm 2, chúng tôi thất bại lần đầu tiên, xem như là kém may mắn. Mà riêng cá nhân anh, đã là lần thứ 2 gãy cánh. Năm thứ 3, chúng tôi lại tái lập nhóm, lần này bước lên sân khấu của Thành đoàn, chúng tôi lại thiếu nửa bước nữa. Cũng trong năm này, anh ra trường, ngậm ngùi chia tay với sự nghiệp lý luận. Năm thứ 4, còn lại tôi và Hưng tiếp tục, chúng tôi lại vấp ngã tiếp. Cuối năm 4, tôi ra trường, cũng lại chia tay, chỉ còn lại Hưng gánh vác cả Lý Luận Trẻ. Năm thứ 5, Hưng lại thất bại. Cuối năm thứ 5, bắt đầu khởi sắc hơn, Hưng giành được vinh quang bên khối Đảng ủy. Năm thứ 6, cũng chính là năm nay, Hưng giành được vinh quang trên thánh đường A116. Tính ra, Hưng là người may mắn nhất trong nhóm. Nhưng chúng tôi vẫn hiểu nhau, vẫn chia sẻ sự thành công của nhau, như những ngày xưa đã từng chia sẻ những đắng cay ngậm ngùi.

Chúng tôi ngồi với nhau lâu đến mức mà anh tiếp viên thay trà mấy lần. Chúng tôi quên cả thời gian và không gian. Lúc nhìn lại thì cũng đã rất khuya rồi, quán cafe vắng người từ bao giờ. Khi tạm biệt, chúng tôi đều bắt tay lẫn nhau. Giống như cái cách mà nhiều năm trước, chúng tôi bắt tay trước giờ G, bắt tay khi gặp mặt nhau, khi chia tay sau mỗi buổi ôn tập, thảo luận. Trong đời tôi có rất nhiều cái bắt tay, nhưng tôi chắc rằng, cho đến sau này, sẽ không có cái bắt tay nào khác mà chân thành đến vậy. Không có một chút nào khách sáo nào trong đó, mà đơn thuần là một thói quen, như là trao nhau cảm giác ấm áp đồng đội, cũng là hoài niệm về những chuyện xưa...

Tôi về lại Nha Trang. Chưa biết bao giờ có cơ hội gặp lại nữa, để tìm lại cảm giác đồng đội đồng chí như ngày nào. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng, thời gian sẽ không bao giờ xóa mờ những tình cảm đó, những kỷ niệm đó, cũng như những lý tưởng, những ngọn lửa trong chúng tôi những ngày xa xưa sẽ không bao giờ bị dập tắt.

"Oh my friends, we're older, but no wiser
For in our hearts, the dreams are still the same."

P.S. Tặng anh, Nguyễn Văn Đạt. 

P.P.S. Cũng tặng em, Huỳnh Nhật Hưng. 

Nha Trang ngày 27 tháng 3 năm 2013. 
Nguyễn Thanh Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét