8 thg 12, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Tháng ngày ở Nha Trang và những khách hàng thú vị

Trong thời gian khoảng 1 tháng, từ khoảng đầu tháng 11 đến đầu tháng 12, mình cứ loanh quanh hoài ở những khách hàng trên đất Nha Trang. Đương nhiên cũng thỉnh thoảng gặp một vài khách hàng tương đối thú vị. Vị khách hàng mà mình sắp kể dưới đây, nằm trong một đơn vị nhỏ ở khu công nghiệp Suối Dầu, có thể tính là vị khách hàng thú vị nhất trong những năm hành nghề của mình.

Anh rất nhiệt tình, thường thì ít khách hàng nào có thể đón tiếp đoàn nhiệt tình như vậy. Buổi sáng cho xe đến rước mọi người ở công ty mình. Rồi đưa đi ăn sáng ở một quán phở rất ngon trên ngã rẽ vào đường đi Đà Lạt cũ. Rồi đến khách hàng mọi người được đãi cafe do chính tay cô kế toán chế. Buổi trưa không nghỉ trưa mà lại bị kéo đi ăn ở một nhà hàng gần đó, có uống chút bia giải khát. Buổi chiều cho xe về tận văn phòng...

Tuổi anh cũng cỡ chú mình, nhưng mình cứ gọi bằng anh. Sự thú vị bắt đầu từ ngay lần đầu gặp mặt, khoảng hơn 1 năm trước, đến bây giờ anh vẫn quen gọi mình là "triết gia". Anh thân thiện, và nói nhiều. Đương nhiên khoảng thời gian mà người ta nói nhiều nhất thường là ở trên bàn nhậu, khi mà 2 bên đã uống được tương đối kha khá bia. 

Mình nhớ hôm đó là ở nhà hàng Ngọc Trai, một nhà hàng tương đối khang trang nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ở đây mình ăn tương đối ít, chủ yếu vẫn là uống. Nhớ người ta mang lên một món tên là "rong nho", chính là rong biển, nhưng hình dạng chùm chùm giống chùm nho tí hon, mình ăn không quen, chỉ gắp vài đũa rồi thôi. May mà nhờ món cuối cùng là "ốc len xào dừa", được ăn thỏa thích, nước dừa rơi đầy quần áo mà không để ý.

Hôm đó mình cũng uống tương đối nhiều, đương nhiên là vẫn chưa say, nhưng cũng ngà ngà, đếm được lượng bia là khoảng 5,5 chai tiger. Bình thường những lần trước, khoảng 4 chai là mình đã có cảm giác buồn nôn. Không biết là lần này do tửu lượng của mình tăng tương đối khá hay là do gặp người hiểu mình nên uống thỏa sức. Lúc về, khoảng hơn 9h đêm, mình còn đủ sức đi bộ ra ngoài dạo bên khu ăn vặt của sinh viên để lắp đầy cái dạ dày đang cồn cào vì hơi men rồi sau đó mới về phòng và lăn ra ngủ.

Mình vẫn còn nhớ anh kể rất nhiều, về những triết lý, về cách sống của anh. Mà chắc là con người ta phải biết nói, biết bày tỏ như vậy mới có thể làm cho người khác hiểu được mình, mới tìm được cảm giác đồng điệu từ người khác, đó chính là điều mình cảm thấy mình thiếu sót nhiều nhất và cần phải học tập.

Có nhiều lần anh nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn, chính là cùng sở thích với mình. Anh còn khoe là anh của anh là bạn của nhạc sĩ, từng mời nhạc sĩ đến nhà ăn cơm, tự nhiên cảm thấy hâm mộ vô cùng. Không có bao nhiêu người được cái duyên đó. Kẻ lãng tử, người phiêu bạt, tự nhiên sẽ cảm thấy gần gũi với nhau hơn. Anh nói nhiều về âm nhạc, về những bài hát xưa cũ, trong đó có bài "Đóa hoa vô thường" mà mình thích. Anh cũng nói về vai trò của Khánh Ly đối với nhạc Trịnh, như là cây cầu nối giữa tâm hồn nhạc sĩ và tâm hồn thính giả, mà không có một ca sĩ nào khác thay thế được.

Nhờ anh mà mình còn biết thêm được một quán cafe khá đặc biệt ở Đà Lạt, tên là "Cung Tơ Chiều". Quán này rất lạ, người chủ quán là một cô phụ nữ trung niên, mở quán vì sở thích âm nhạc của mình. Cô đàn hát, rồi mời khách đàn hát. Vào quán không được nói to, tắt điện thoại và không được chụp ảnh. Nghe cũng lạ lạ, có cơ hội ghé Đà Lạt mình cũng phải vào xem mới được.

Anh còn dẫn luật triết học những điều mà mình hồ như đã quên, và được gợi nhớ lại. Đương nhiên là sẽ không chính xác theo sách vở, nhưng ý tứ đúng là như vậy. Như một câu của Karl Marx, nội dung đại ý như thế này: đối với những người trí thức, sự trừng phạt lớn nhất đối với họ là không cho họ làm việc. Chị nhóm của trưởng của mình cũng khá tán đồng với ý kiến này. Chị nói với anh, chị cũng chỉ giao việc cho những người có thể làm được, và yên tâm.

Anh cũng nói nhiều về việc kinh doanh, những khó khăn trong công việc, nhưng đa phần là anh cười đùa, không để trong lòng. Anh có cốt nhà Phật. Anh đem những triết lý sống của mình vào kinh doanh. Anh kể về nguyên tắc 80/20, nguyên tắc "6 sic-ma" một cách thực tế. Rồi anh kể nghe về nhân viên của anh, những người lao động, với sự thấu hiểu vô cùng.

Mình nói chuyện với anh rất hợp, mình kể những điều mình biết về âm nhạc, về triết học. Lúc về mình còn cảm thấy luyến tiếc vì chưa nói hết. Đương nhiên mình vẫn quan điểm rằng phải dành phần giao tiếp chủ yếu lại cho sếp, và không được thể hiện bản thân, con người thực của mình quá mức, nhất là đối với khách hàng. Đối với bạn bè thì được. Hy vọng trong tương lai, một tương lai nào đó, mình với anh không phải là quan hệ khách hàng, đối tác...

Những ngày loanh quanh ở Nha Trang, mình còn gặp một khách hàng thú vị khách. Tuy là không tiếp xúc với cô nhiều. Chỉ có lần ở đơn vị đi photo một ít giấy tờ, và tự nhiên nghe cô kể chuyện. Đầu tiên cô trêu mình có người yêu chưa? Dạ chưa. Sao chưa? Nhiêu tuổi rồi mà chưa? Dạ con sinh năm 90, cũng muốn lắm mà không ai thèm yêu. Rồi cô kể chuyện của cô. Cô có một thằng con trai, nhỏ hơn mình 1 tuổi (từ lâu rồi mình đã quyết định dùng tuổi thật của mình khi giao tiếp với khách hàng). Học và làm ở Sài Gòn. Nó cũng thích về quê làm giống như mình vậy, mà nó nói với cô là "con về làm gần nhà để chăm sóc mẹ". (Bậc cha mẹ mà nghe được câu đó chắc là sẽ mát lòng mát dạ lắm).

Cô cũng thương trêu nó như vậy. Con có người yêu chưa? Dạ có rồi. Tới mức nào rồi? Nắm tay chưa? Dạ nắm rồi... Nói xong cô còn đem điện thoại ra khoe ảnh con trai nữa. Công nhận nó cũng đẹp trai (ít nhất là hơn mình một chút), nên có người yêu trước mình là đương nhiên. Rồi cô kể tứ lung tung hết, mình thì đứng đó vừa photo vừa gật gật lắng nghe. Cô kể nó học ở Sài Gòn một khóa học gì gì "Tôi tài giỏi" đó, nghe đâu 3 ngày mà tốn hết 6 triệu. Rồi từ đó nó càng nói nhiều hơn trước. Cô kể ông bà ngoại có nhiều con cháu lắm, nhưng ai cũng thích nó nhất, lâu lâu nó lại về nhà xoa bóp vai, hỏi thăm sức khỏe... 

Khoe con trai rồi đến con gái. (Cái này hơi tiếc, tại lớn hơn mình đâu chục tuổi). Con gái cô học công nghệ sinh học ở Sài Gòn, rồi ra giảng dạy ở Nha Trang, sau đó xin được du học nước ngoài, rồi học thạc sĩ... Nói chung là gia đình cô khá thành đạt và hạnh phúc, tự nhiên mình cảm thấy hâm mộ vô cùng.

Cũng loanh quanh ở đất Nha Trang, có lần gặp được anh kế toán khá trẻ, điển trai, làm bên kho. Không biết anh kiếm đâu ra nick skype của mình, rồi kết bạn, rồi dùng nó để hỏi thăm... chị đồng nghiệp của mình. Đương nhiên là với tính cẩn thận và bảo vệ người nhà, mình sẽ giả vờ ngu ngơ. Không biết sau này 2 anh chị đó ra sao, mà anh rủ chị cafe, chị kêu đi, sau đó lại báo là không đi. Rồi anh than với mình rằng... bị cho leo cây, dính vào phụ nữ là khổ lắm em à...

Cũng bó tay. Nhưng cũng rất thú vị, nhờ vậy mà chặng đường công việc của mình cũng mau chóng trôi qua những ngày tẻ nhạt và áp lực. Con đường phía trước còn khá dài, đã có những ý nghĩ manh nha của sự thay đổi quan điểm của bản thân. Nhưng mình sẽ không nói trong trang này. Đó có thể là một bí mật nho nhỏ...

7 thg 12, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Những buổi chiều trên hải cảng Quy Nhơn

Đó là những buổi chiều thật nhẹ nhàng, mặc dù có mây mù giăng kín và dấu của hiệu của những cơn bão đổ đến, nhưng nó vẫn đẹp trong trí tưởng tượng của mình, bởi vì đó là lần đầu tiên mình đến Quy Nhơn.

Chuyến tàu bắt đầu từ đầu giờ chiều đến khoảng 10h đêm. Điểm đến là Diêu Trì. Sau đó nhóm ngồi taxi từ Diêu Trì đến Quy Nhơn. Xét về mặt phát triển thì Quy Nhơn lớn hơn Diêu Trì, nhưng nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam thì Diêu Trì mới là ga chính, nhiều tàu qua lại hơn.

Nhưng nếu so với Nha Trang thì Quy Nhơn tương đối nhỏ, khoảng bằng 1/3 về diện tích. Mình ở lại một khách sạn nhỏ xíu trên góc đường Nguyên Tư và Vũ Bảo. Buổi tối đầu tiên mưa to, lạnh, mọi người rủ nhau đi nếm một món ăn mới, mà theo anh tài xế taxi giới thiệu, là có thể xếp vào đặc sản của thành phố này: Lẩu ghẹ rau muống. Ăn vào mới biết nó không có gì lạ lẫm cả, nước lẩu ngọt, cay, nhúng ghẹ vào cho chín, rồi bỏ rau muống, mì gói vào...

Phố Quy Nhơn có 2 bức tượng nổi tiếng. Một bức tượng nằm ở trung tâm chỗ bùng binh gần ga xe lửa, đó là tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Một bức tượng khác nằm chơi vơi trên một mũi đất hướng ra biển, đó là tượng Trần Hưng Đạo. Những ngày đó, có một cơn bão ập vào miền Trung, hình như là lệch xuống phía nam, rồi từ phía nam men theo đường bờ biển ngược lên phía bắc, sém một chút là vào đến Bình Định. Mà mọi người hay đùa rằng, nhờ có bức tượng đức thánh Trần mà bão không dám vào...

Những ngày ở Quy Nhơn, mình được may mắn ghé qua một số nhà hàng nhỏ, mà khách hàng mời cơm hoặc là nhóm tự đi. Trong đó phải kể đến 2 nhà hàng mang tên Quê Hương 1 và Quê Hương 2 và một nhà hàng khác gần cảng tên là Hàng Châu. Món ăn thì không có gì đặc sản, nhưng cũng ngon miệng và hợp khẩu vị. Ngoài ra nhóm còn ghé một quán bánh xèo nhỏ trong một buổi chiều mưa. Bánh xèo ở đây giòn, có đủ thịt tôm mực cũng tương tự như bánh xèo Ninh Hòa, nước chấm cũng ngon nhưng đương nhiên là không bằng được. Nước chấm ở Ninh Hòa người ta có nấu kèm đủ thứ tôm thịt trong đó, nên nó keo hơn và vàng óng. Còn nước chấm ở đây trong veo, chủ yếu là các loại gia vị. Quán cũng tương đối đông khách, mọi người phải chờ tương đối lâu... 

Nói về đặc sản Quy Nhơn phải kể đến một món ăn gọi là "ché". Sau này mình mới biết nó cũng giống giống như "bì", nhưng người ta làm thành cây, bên ngoài bó kín bằng cọng cỏ tranh, buột chặc 2 đầu trông giống y như bó rạ. Mình có mua một ít về làm quà. Ngoài ra còn có một loại rượu tên là rượu "bầu đá". Cũng không biết seo gọi tên như vậy nữa, chắc là chứa đựng trong những cái bầu tạc bằng đá ra, mà mua rượu thì ít, chủ yếu tính tiền cái bầu đựng. 

Khách hàng ở Quy Nhơn phải nói là rất nhiệt tình. Cuối đợt người ta còn gửi tặng mấy phần mực tẩm. Về nhà mẹ mình khen tấm tắc. Nhưng tính về công việc thì đây là một chuyến công tác khá rắc rối. Chị nhóm trưởng còn ở lại sau nhóm 1 ngày để giải quyết cho xong công việc. Lúc ra đi thì 5 người, còn lúc về chỉ còn lại 4. Bình thường thì gặp những khách hàng như vậy, việc kéo dài thời gian là điều không thể tránh khỏi.

Một điều làm mình rất vui nữa là trong những ngày này, có một nhóm đồng nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh cũng bay ra và làm ở khách hàng khác, nhưng nghỉ tạm ở khách sạn cũng gần khách sạn của mình. Thế là buổi tối cả nhóm rủ nhau đi bộ đến phố ăn uống Ngô Văn Sở và mình được đãi một bữa sinh tố. Nhắc tới sinh tố, mình mới nghĩ đến đất Sài thành phồn hoa, nơi đó người ta gọi "sinh tố" là những món trái cây xoay nhuyễn chung với đá, với sữa, cắm ống hút vào là có thể hút cạn sạch. Còn ở đây, "sinh tố" là chỉ cho một món thập cẩm đủ loại trái cây cắt nhỏ, trộn chung với đá và đương nhiên là không hút được mà dùng thìa để múc. Nó cũng gần giống với chè trái cây của Ninh Hòa nhưng người ta không cho nước nhiều.

Một điều khá tiếc là khi đặt chân tới Quy Nhơn mình không có cơ hội đi nhiều nơi. Có nghe đến một địa danh gọi là ghềnh Ráng (hay gành Ráng gì đó), là nơi có mộ của Hàn Mặc Tử mà chỉ đi ngang qua, không được ghé vào. Cũng không có cơ hội dạo quanh đường bờ biển. Bờ biển ở đây rất đẹp, rất rộng rãi, rộng hơn cả Nha Trang vì không có nhiều công trình ven biển mọc lên. Bờ biển còn trắng tinh, tĩnh lặng.

Đến Quy Nhơn mình như được hoài niệm lại những dấu chân của biết bao người đi trước, trong đó có cả thầy cô giáo của mình, những đứa bạn từng học sư phạm ở đây, trường đại học Quy Nhơn. Cũng có những đứa bạn xa quê lập nghiệp ở Sài Gòn... Nếu so với Nha Trang, Quy Nhơn tuy nhỏ nhưng mới chính thức gọi là thanh bình.

Buổi chiều về, ra ga vội vã. Chị khách hàng mang xe con đi tiễn nhóm. Mua vội một ít bánh mì, nhưng lên tàu mình ăn rất ít. Về tới Nha Trang đã hơn 10h tối. Do bão mà nhóm phải đi tàu địa phương nên cũng hơi chậm, tàu bắc nam thì bị ảnh hưởng nên không chạy theo kế hoạch...

6 thg 12, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Tuy Hòa và nếm lại lẩu dê Chóp Chài

Câu chuyện bắt đầu từ khoảng giữa tháng 10 trước, và nó kéo dài đến tận hôm nay. Lẽ ra mình đã viết những dòng này sớm hơn. Nhưng tự cảm thấy vẫn chưa có đủ động lực và cảm xúc. 

Tuy Hòa là một điểm đến thường xuyên, và tương đối lý tưởng. Dịu dàng, tĩnh lặng. Nhưng đó là một buổi chiều mây mù giăng man mác báo hiệu những cơn mưa chuyển mùa, và những cơn bão sắp lân la vào bờ biển miền Trung. Có một chút vị hoa sữa trên đường đi, nhưng không hoàn toàn tràn ngập. Chuyến xe chở nhóm dừng nghỉ giữa đỉnh đèo Cả. Tại đây mình bắt đầu chịu đựng cơn say xe ập đến. Qua khỏi đỉnh đèo là một trận kẹt xe tương đối dài. Có lẽ là do đoạn đường đèo này nhỏ hẹp, mà những người tài xế vội vàng không kìm được cảm xúc vội vàng và luôn muốn vượt lên trên.

Anh lái xe của nhóm phải quay ngược lại đỉnh đèo, rẽ vào lối xuống cảng Vũng Rô để chạy sang một con đường dài hơn khoảng 10km quanh chân đèo để trách kẹt xe. Đường dài hơn đồng nghĩa với việc sẽ say xe lâu hơn. Nhưng bù lại, mình chứng kiến một đoạn đường mới rất đẹp, có những hàng dương trải dài, bãi cát trắng tinh khôi không dấu vết của con người cư trú. Và xa xa là đường lên một ngọn hải đăng đứng cheo leo trên vách đá. Thầm nhủ có thời gian sẽ ghé qua và chụp vài tấm ảnh.

Khách hàng đón tiếp mình rất nồng nhiệt. Phòng ngủ, cơm nước đều đã chuẩn bị sẵn. Đương nhiên sẽ không tiện lợi giống như trong khách sạn, nhưng nó mang một phong vị khác, tự nhiên hơn, và lạ hơn. Nói là lạ, bởi vì khách hàng nấu sẵn những phần cơm dành cho nhân viên người Thái, và cũng là lần thứ 2, mình được nếm lại những món ăn Thái này. Cay. Hấp dẫn. Lần đầu tiên có lẽ là đúng 1 năm về trước... chuyến công tác đầu tiên, lần đầu đến Tuy Hòa.

Món ăn Thái chú trọng gia vị. Nhưng người ta không trộn lẫn vào món ăn thành một loại hỗn hợp mà sắp riêng ra từng chén, từng đĩa. Người ăn sẽ phải tự trộn lấy cho phù hợp với sở thích của mình. Hấp dẫn nhất, mà mình còn ấn tượng đến hôm nay, là món gà nấu măng, giống giống như cari, có thêm nước dừa rất béo, và đương nhiên là cay. Món thứ 2 là món gỏi, có da, có rau, có hành ngò đủ loại, nhưng nó ngon vì một loại gia vị đặc trưng: "thính". Hỏi thăm mình mới vỡ lẽ, "thính" được chế biến bằng cách giã nhuyễn nếp, nấu chung với các loại gia vị thành hỗn hợp để trộn gỏi, có tác dụng tương tự với mè, nhưng công phu và hấp dẫn hơn.

Nói về con người, sau 1 lần làm quen thì họ không còn xa lạ với nhóm nữa. Nhưng khoảng cách về ngoại ngữ còn hơi ngượng ngập. Người ta nói tiếng Việt khá tốt, nhưng vẫn còn một số cụm từ chuyên môn mà mọi người cần phải diễn đạt bằng tay hết ý. Có thể xem khách hàng này là một trong những khách hàng truyền thống của công ty mình nên không khí khá thân thiện và dễ chịu. Không như một số nơi khác, muốn xin tài liệu gì đều vấp phải một số khó khăn, phần vì họ không muốn cung cấp, phần vì họ không hiểu công việc của mình...

Trong những ngày này, mình có ra ngoài và ăn lại món lẩu dê Chóp Chài. Lần trước đường tối, nên nghĩ ăn lẩu dê Chóp Chài phải lên tận Chóp Chài, là một ngọn đồi cao nằm cạnh biển. Nhưng lần này mới vỡ lẽ, đó chỉ là tên của một quán ăn. Lẩu dê thì hương vị cũng được, sau cả ngày mệt mỏi ăn vào cũng ấp lòng, no bụng. Nhưng mình vẫn không thích kiểu đập trứng vịt lộn sống vào nồi lẩu. May mà đã lưu ý mấy anh chị trong nhóm trước, mà hình như mọi người cũng không thích nên không ai ăn kiểu đó cả. Có hỏi thăm mua một ít sữa dê về làm quà nhưng tiếc là người ta chỉ bán trong buổi sáng là hết veo, muốn mua phải đi sớm. Thêm nữa sữa dê không để lâu được mà phải bảo quản trong tủ lạnh, dùng trong vòng 2 ngày. Có lẽ mình vẫn còn thiếu duyên với món sữa dê.

Một điều nữa mình tương đối ấn tượng, và đôi khi là không chịu nổi, đó chính là hương hoa sữa khá dày đặc trong khuôn viên của khách hàng. Mùa cũng đã sang thu, nhưng hoa sữa ít thôi thì cũng dễ chịu, thi vị. Đằng này hoa sữa rất nồng. May mà suốt ngày ở trong phòng lạnh đóng kín nên cũng đỡ bớt. Bù lại cảnh vật rất hồn nhiên và tĩnh lặng, nhưng một bức tranh xanh dịu mát điểm trăng trắng hoa. Có đôi hàng rào nhỏ chạy 2 bên lối đi thẳng tắp. Muốn chụp vài tấm ảnh nhưng lúc đi về vội quá nên cũng quên mất. 

Đoạn đường về thì nhẹ nhàng hơn, vẫn chiếc xe đó, nhưng không còn kẹt đường nữa. Và mình cũng thôi bị say xe. Có lẽ đường về thường dễ dàng hơn là ra đi. Bởi vì mình đã biết được nơi nào sẽ về. Bầu trời Tuy Hòa vẫn âm u như vậy, thỉnh thoảng có mưa một chút ít. Lên xe cố gắng tranh thủ ngủ một giấc nhưng không được, bèn ráng thức nhìn cảnh đêm 2 bên đường. Chủ yếu là đèn và nhà cửa. Đương nhiên mỗi thứ có một vẻ đẹp khác nhau, nhưng mình vẫn tin rằng, vẻ đẹp chân thực nhất chính là vẻ đẹp của bình yên...



20 thg 11, 2013

"Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai"

"Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai"
Đó là một chuyến đi dài trong một cuộc tình dang dở, cũng là chuyến đi của đời người. Tôi đã biết trước kết cuộc, nhưng tôi vẫn đi. Tôi và em, giống như 2 hạt cát, 2 đóa hoa nằm trong thế giới vô biên. Ngẫu nhiên gặp, ngẫu nhiên yêu, ngẫu nhiên chia lìa. Ngẫu nhiên nở, ngẫu nhiên thơm, ngẫu nhiên phai tàn...

...

"Tìm em tôi tìm,
Mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn,
Một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh,
Một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm,
Một hồn giấy mới

Tìm em tôi tìm,
Nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng,
Tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn,
Ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông,
Những dấu hài

Tìm em xa gần,
Đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng,
Trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận,
Chưa từng tuyệt vọng
Đâu em!

Tìm trong vô thường,
Có đôi dòng kinh
Sấm bay rền vang,
Bỗng tôi thấy em,
Dưới chân cội nguồn,
Tôi mời em về,
Đêm gội mưa trăng
Em ngồi bốn bề,
Thơm ngát hương trầm.

Trong vườn mưa tạnh,
Tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội,
Một đóa hoa quỳnh..."

[Đoạn đầu tiên] Tôi đi tìm em. Hành trình đi tìm rất dài, rất dài, tưởng như vô vọng, tìm những thứ xa xôi thăm thẳm, như "tìm chim trong đàn, ngậm hạt sương bay". Nhưng tôi chưa hề bỏ cuộc: "tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi", "trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng".

...

"Từ nay tôi đã có người,
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình,
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ em tôi đã đắp bồi,
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân"

[Đoạn thứ 2] Tôi đã tìm ra em. Em là một sức sống mãnh liệt, "đi đứng lẫy lừng nói thưa", em gieo rắc vào đời tôi một tình cảm thiêng liêng. Và tưởng như, con tim tôi đã thuộc về em: "có tôi trong dáng em ngồi trước sân".

...

"Mùa đông cho em nỗi buồn
Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên
Chút tình mới chớm đã viên thành"

[Đoạn thứ 3] Em vẫn ôm một mối sầu man mác. Giấc mộng của em không ở nơi tôi. Em đi tìm giấc mộng riêng của mình, "chiều em ra đứng hát kinh đầu sông". Tàn nhẫn thay, đó cũng chính là lúc cuộc tình tôi đã "viên thành", và sau "viên thành" chính là dang dở. Sau "tàn đông" chính là màn đêm.

...

"Từ nay anh đã có người
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân"

[Đoạn thứ 4] Em đã tìm ra giấc mộng của em. Sông núi đã đáp đền lại lời ca của em. Đó là một người "anh" khác, "từ nay anh đã có người". Và tôi biết, người "anh" đó vĩnh viễn không thể là tôi. Em vui với tình duyên mới của riêng em, với nỗi niềm mới, "tên là ái ân".

...

"Sen hồng một nụ,
Em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau,
Có vui cùng sầu,
Từ rạng đông cao,
Đến đêm ngọt ngào

Sen hồng một độ,
Em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình,
Em buồn đền trọn mối tình

Sen hồng một nụ,
Em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau,
Có vui cùng sầu,
Từ rạng đông cao,
Đến đêm ngọt ngào

Sen hồng một độ,
Em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình,
Em buồn đền trọn mối tình"

[Đoạn thứ 5] Mối tình của em, rồi cũng héo tàn. Em là một đóa sen hồng, và xuân xanh của em phai tàn theo năm tháng. Em đã nếm đủ vui sầu trong cõi tình đời đó, trong cõi xuân xanh đó. Giờ đây, "em buồn đền trọn mối tình". Phải chăng, đây chính là số phận của mỗi người?

...

"Một chiều em đường cuối sông
Gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăn

Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà"

[Đoạn thứ 6] Em muốn quay về. Em đã mỏi mệt giữa dòng đời bất tận. Cũng dòng sông năm xưa ấy, giờ lời hát em đã thay đổi, đã héo tàn như xuân xanh của em. "Dù trần gian có xót xa, cũng đành về với quê nhà". Nhưng biết đâu là "quê nhà" của em đây?

...

"Từ đó trong vườn khuya,
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du,
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta,
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hý vang rừng xa,
Vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê,
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như,
Vừa đến nơi chia lìa

Từ đó ta nằm đau,
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo,
Từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em,
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn,
Đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương,
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm,
Nở đóa hoa vô thường

Từ đó em là sương,
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm,
Nở đóa hoa vô thường..."

[Đoạn cuối cùng] Một cái kết dở dang của cuộc tình, của cuộc đời. Em là "đóa hoa vô thường", mà tôi cũng là "đóa hoa vô thường". Mỗi đời người đều là một đóa hoa vô thường. Sự sống, cái chết, cuộc đời, số phận, thời gian... tất cả đều là phù du, đều vô thường. Em hóa thân vào hoa, vào sương, vào gió. Tôi "ngồi mê", tôi hiểu em, nhưng trên cõi trần này, ai mới là người hiểu tôi?

(Thanh Trúc)

Thu, thu, thu, thu buồn

Thu buồn, ghé hỏi, chỉ buồn thôi
Ta lấy nhau đi, nắng xế rồi
Em ạ trần gian nhiều nỗi nhớ
Cớ gì đơn độc giấu bờ môi.

Thu buồn, thu chẳng biết tìm ai
Nắng cố tình quên những lối dài
Em tránh nhìn anh, đôi mắt biếc
Mơ gì khi mộng cũ tàn phai.

Thu của mùa thu, của nỗi đau
Non xa tìm kiếm những bờ sâu
Chia lìa trong lá hoa chiều tím
Mây nép bên trời ngỡ cách nhau...

(Thanh Trúc, Thu, thu, thu, thu buồn)

Duyên em

Tóc chẳng dài, chân cũng chẳng dài
Lúm đồng tiền có một không hai
Mắt đen tròn giống nai ngơ ngác
Cái miệng duyên duyên... cũng đủ xài.

Thỉnh thoảng em cười tựa trẻ thơ
Yêu không toan tính, ghét vu vơ
Trầm tư đôi lúc như người lớn
Không phải thực đâu, chỉ giả vờ!

(Thanh Trúc)

Nha Trang, tháng chín, hẹn người

Mây xanh xanh, nước xanh xanh
Em cười thỏ thẻ: yêu anh mấy lần...

Trời xa xa, đất gần gần
Anh đi tìm mộng, đôi chân mỏn mòn...

Nha Trang, duyên cũ vẫn còn
Mà ta vẫn cách, chưa tròn nhân duyên...

Nha Trang, trời biển vẫn yên
Lòng anh cuộn sóng theo thuyền trôi xa...

Nha Trang, mây nước mặn mà
Môi em biết có phôi pha thay lời...

Nha Trang, tháng chín hẹn người
Một lần chưa gặp, suốt đời không yên.

(Thanh Trúc)

Rượu nhập sầu trường

Rượu say, say tỉnh, tỉnh rồi say
Uống hết xuân xanh một kiếp này
Đem mối tơ tình trao kẻ bạc
Còn gì để lại giữ gìn đây.

Tỉnh say rượu nhập mảnh sầu trường
Không kẻ yêu mình, chẳng kẻ thương
Chuốc rượu thành thơ say mấy độ
Nhờ men gửi tạm chốn vô thường.

Vô thường, tan hợp, hợp rồi tan
Rượu xót yên hoa nở chóng tàn
Thơ hóa thành trăng gieo cuối hạ
Mộng hồn theo bướm gặt bi hoan.

Người nhìn một cõi, bốn bề trôi
Chợt biết tim yêu đã cách rời
Không một lần vui, trăm đoạn nhớ
Mùa tàn đeo một mảnh tình côi.

Yêu ghét ghét yêu chẳng kể gì
Bi hoan đành mấy cuộc phân ly
Lòng người duyên mỏng như tơ mỏng
Thôi cũng lỡ làng, cất bước đi.

Tình đời, say tỉnh, rượu vô tình
Chợt hận nhân gian, hận chính mình
Thuở ấy không đành yêu thỏa sức
Nên giờ tàn úa mộng lung linh.

Ai hỏi kiếp người được mấy vui
Tro than lửa cháy, mộng chôn vùi
Ngọc ngà xuân hết thành hoen ố
Bảy sắc cầu vồng để nước xuôi.

Khóc hết nhân gian, khóc bạc đầu
Người đi muôn thuở áo phai màu
Em là giấc mộng, tôi là bướm
Quanh quẩn một đời mới thấy nhau.

Thấy nhau, mà chẳng được gần nhau
Cách núi ngăn sông, chẳng bắt cầu
Ô Thước còn chờ năm một đoạn
Lòng ta chắc phải đến nghìn sau.

Đêm lạnh hoang tàn gió đuổi hương
Theo người một giấc mộng thê lương
Ngày mai thức giấc em còn nhớ
Trăng hết ngọt ngào, lệ vấn vương.

Lang thang tìm lại chốn nào đây
Đã trót yêu nhau hết kiếp này
Sao nỡ giận hờn ta đỗ vỡ
Nợ tình buông bỏ, chẳng hề hay.

Đêm lạnh yêu thương rượu nhạt nhòa
Hơi còn quanh quẩn giữa sương sa
Đâu rồi một thuở em cười nụ
Không có. Hết rồi. Chỉ có ta.

Chỉ có một mình, chỉ có ta
Ai còn mơ mộng khách đi xa
Trăm năm khói trắng đầu xanh bạc
Day dứt đâu đây nẻo xế tà.

Phù du lại cất cánh song song
Hẹn kiếp nào đâu ngỏ tấm lòng
Một chén rượu buồn, trăm nỗi thẹn
Hiểu người sao lạnh tựa thu đông.

Nửa đêm rượu tỉnh, giấc hoang liêu
Đâu nữa nhân gian kiếp Thúy Kiều
Duyên dở sắt cầm, thân trả nợ
Chưa tròn ước nguyện, nửa lời yêu.

Nói nữa làm chi một chữ yêu
Đau lòng vô cớ, hận bao nhiêu
Người không có lỗi, ai lầm lỗi?
Hay bởi năm xưa phụ bạc nhiều?

Đêm lạnh xin mình tỉnh lại đi
Cho duyên đừng cắt mảnh chia ly
Cho tình thôi mối tình dang dở
Cho chữ yêu thương nặng tựa chì.

Xin đừng phiêu bạc tận đâu đâu
Xin hãy quay về, đến với nhau
Nối lại tơ lòng như thuở trước
Yêu thương dành trọn mối tình sâu.

(Thanh Trúc, Rượu nhập sầu trường)

Tuy Hòa thu sang

Tuy Hòa nay đã độ thu sang
Hoa sữa theo trăng rụng ánh vàng
Nghĩ đến một người xa cách lắm
Bao mùa thương nhớ vẫn lang thang.

Lang thang góc biển, nẻo chân trời
Cũng có hoa và những cánh rơi
Dưới nguyệt xoay vần năm tháng chậm
Buồn vui theo gió thoảng qua đời.

Biết đến khi nào được gặp nhau
Người như hoa rụng nhạt phai màu
Hương bay thổn thức vào trong mộng
Một thoáng giật mình biết kiếm đâu...

Thanh Trúc

Tạm biệt Phú Yên

Tạm biệt Phú Yên một buổi chiều
Mây mù giăng mắc, biển buồn thiu
Dấu chân trên cát không còn nữa
Phai nhạt như là một chữ yêu.

Bãi bồi chen kín cửa sông xa
Cầu cũ chơi vơi kẻ nhớ nhà
Vựa lúa miền Trung trơ trọi gốc
Tình như dĩ vãng đã phôi pha.

Quanh co đèo Cả mệt nhoài say
Tựa ghế ngủ quên chuyện tháng ngày
Cứ ngỡ rằng say quên tất cả
Nào đâu thương nhớ vẫn còn đây...

Thanh Trúc

"Bạc xỉu"

Không phải cafe, chẳng đắng đâu
Không là sữa ngọt bám răng sâu
Không là chanh đá chua chua lưỡi
Chẳng phải trà xanh dễ nhức đầu.

Có vị cafe một chút thôi
Ca cao trộn lẫn, sữa tan rồi
Nhiều hơn chút đá bào xoay nhuyễn
Ngậm mãi mà không sợ nhạt môi.

Đắng ngọt đan xen, cũng dễ ghiền
Gặp nhau quán nhỏ, ấy là duyên
Khua ly cạn đá, nghe trò chuyện
Ngắm mãi dòng đời chảy lặng yên.

(Thanh Trúc, "Bạc xỉu")

Lễ hội ma

Buồn so ở quán cafe nhỏ
Lễ hội ma, ngồi ngắm khách qua
Em đã hóa thân thành quỷ dữ
Bỏ anh rồi, ám ảnh người ta...

(Thanh Trúc)

Mùa thu rau ngót

Mùa thu rau ngót xanh xanh
Hái dư một rổ, nấu canh lại vừa
Nhà em thiên lý đong đưa
Người thương nhiều lắm, nhưng chưa có người

Cái duyên độ chín độ mười
Đồng tiền má lúm, miệng cười xinh xinh
Em đi qua ngõ đầu đình
Anh về ngang lối, nên mình quen nhau

Nhà anh có sẵn trầu cau
Đưa sang, em nhớ, gật đầu, nha em...

(Thanh Trúc)

Gió về thiên lý

Gió về thiên lý áo tinh khôi
Trinh nữ nghiêng nghiêng trái kết rồi
Biết đến bao giờ em mới lớn
Để mà biết nhớ biết thương tôi...
Nắng hồng trên má nắng lung linh
Len lỏi thơ tôi gửi chữ tình
Muốn hiểu tấm lòng thi sĩ đó
Lần trang nhật ký những dòng xinh...

Nhật ký yêu thương, viết trọn đời
Giữ gìn trong giấc ngủ chơi vơi
Đợi em, đợi mãi, nghìn năm nữa
Tôi hóa sao băng, rụng cuối trời...

(Thanh Trúc)

Nha Trang, cafe, tôi nhớ em

Em ạ, mùa thu đã đến rồi
Nơi nào em có nhớ chăng tôi?
Cafe tôi vẫn ngồi nơi cũ
Không còn ai đến. Một mình thôi.

Chiều nghe biển hát điệu yêu thương
Ngắm khách đi qua những nẻo đường
Tôi vẫn chờ em trên phố biển
Có mùi hoa sữa lặng thầm vương.

Thu này, lạ lắm, khác xưa ghê
Em có nhớ chăng những hẹn thề
Quán cũ âm thầm, tôi vẫn đợi
Nghe buồn trong vị đắng cafe.

Em ạ, mùa thu sẽ chóng tàn
Bao giờ ta gặp giữa Nha Trang
Tôi mời em tách cafe nhỏ
Có vị yêu thương của biển tràn.

(Thanh Trúc, Nha Trang, cafe, tôi nhớ em)

Chiều mưa trên hải cảng Quy Nhơn

Tôi ghé Quy Nhơn, gió bão bùng
Mây mù giăng mắc đất miền Trung
Nhớ người hôm ấy, đôi vai nhỏ
Nơi chốn xa xăm, ướt lạnh lùng...

Chiều mưa trên hải cảng Quy Nhơn
Đã có yêu thương, có giận hờn
Đôi lúc giữa đời tôi chợt nghĩ
Yêu người sao chẳng hết cô đơn...

Mưa trên hải cảng, những con tàu
Trao chút ấm lòng, nép trước sau
Tự hỏi vì sao em cách mãi?
Hay là ta đã quá yêu nhau...

Đã quá yêu nhau, quá dại khờ
Dễ dàng dâng trọn tấm ngây thơ
Mộng tình xây lớn không chân thực
Nên sớm bẽ bàng vỡ giấc mơ...

Chân trời ảm đạm, nước xa xôi
Hải cảng còn tôi ngắm một hồi
Em ạ, chiều nay, mưa gió lớn
Đất này sẽ nhạt dấu chân tôi...

Hải cảng chiều mưa, tạm biệt nhau
Em về đất núi, gió xanh màu
Tôi đi theo nước xuôi về biển
Tìm vị mặn nồng chữa nỗi đau...

(Thanh Trúc, Chiều mưa trên hải cảng Quy Nhơn)

Tàu về phương nam

Tàu xuống phương nam mộng lãng du
Tìm hoa cỏ lạ những mùa thu
Băng qua phố nhỏ mưa chiều rắc
Chuyển bánh ghềnh cao gió thổi ù.

Tàu xuống miền xuôi gió dịu dàng
Tàu qua miền biển gió mênh mang
Tàu lên miền núi hồn nhiên gió
Len lỏi còi tàu những tiếng vang.

Tàu xuống phương nam ghé lại nhà
Dừng chân một thoáng ngắm người qua
Rồi xoay theo hướng chân trời mới
Tiếp bước vội vàng những lối xa.

Tàu đi ta thấy bốn phương trời
Có cánh chim đùa dạo khắp nơi
Mơ giấc tự do lòng lãng tử
Say hồn thu thảo, áo thu rơi.

Trên tàu cũng có khách qua đường
Tóc bám bụi mù, khoác khói sương
Mỏi bước phiêu du, dừng nghỉ tạm
Nhìn qua cửa sổ, nhớ yêu thương.

Thanh Trúc

Cỏ dại

Cỏ dại tràn trên những lối quê
Mặt trời xuống núi hết say mê
Ta không hẹn gặp mùa thu nữa
Kẻ nói yêu em sắp trở về...

(Thanh Trúc)

Em còn thương nhớ

Sài Gòn giờ nắng hay mưa
Em còn thương nhớ? Anh đưa em về...
Nha Trang mưa gió não nề
Sao em không đến, nằm kề bên anh...

Thanh Trúc

Ướt mưa

Không gần cho lắm, cũng không xa
Trót bỏ quên em ở lại nhà
Ta ướt giữa đời như chuột chết
Gió mưa lột sạch mấy lần da...
Thanh Trúc

Một thời nhìn bụi phấn



Trống trường đã giục buổi tan trưa
Mà ngỡ đâu đây tựa mới vừa
Phượng đỏ thầm len trên áo trắng
Vẫy chào tạm biệt chuyến đò đưa...

Một thời bụi phấn thoáng bay bay
Ai có đi qua những tháng ngày
Xin hãy giữ gìn ân nghĩa nặng
Để lòng lưu luyến đến hôm nay...

Để khi dừng bước, ghé ngang đời
Nhớ bóng xa mờ bụi phấn rơi
Sẽ thấy ngày xưa ai viết bảng
Còn vương mây trắng giữa khung trời...

Chan chứa yêu thương, những đợi chờ
Ấy là phấn trắng, ấy như thơ
Rơi trên bụt giảng say lòng trẻ
Gieo rắc bên đời những ước mơ...

(Thanh Trúc, Một thời nhìn bụi phấn)

Yêu người cùng quê

Yêu người, em nhớ chọn cùng quê
Hai đứa chung đường cũng thích ghê
Buổi sáng đi làm, anh ghé rước
Buổi chiều tan sở, đón em về...

Chọn người, em nhớ chọn gần thôi
Lỡ trót trao anh trọn cả đời
Cũng dễ tìm nhau, nhanh lắm nhé
Để mà thỏ thẻ: Cưới, anh ơi!

Lấy chồng, em nhớ lấy cùng quê
Lỡ có giận nhau, dễ bỏ về
Bố mẹ bắt đền, anh đến đón
Nhìn em hờn dỗi, dễ thương ghê.

Lấy chồng, em nhớ, lấy anh nha
Mai mốt chung nhau ở một nhà
Anh đổi tên em, thành gọi "vợ"
Con em học nói, gọi anh "ba"...

(Thanh Trúc, Yêu người cùng quê)

Bèo dạt, lá rơi

Ta bỏ quên ta giữa cuộc đời
Không còn ai trách, trách mình thôi
Một mai tỉnh giấc lìa thân xác
Ta lại hóa thành chiếc lá rơi.

Chiếc lá tàn khô, lạc giữa dòng
Bơ vơ thuyền lạ hững hờ trông
Bèo trôi ngang lá, ai thành bạn
Kết cỏ neo nhau, đỡ lạnh lòng.

Phải là em đó, chiếc bèo trôi
Ghé đến bên ta, kẻ lạc loài
Để sớm em đi, ta tỉnh giấc
Chỉ còn hơi ấm giữ đầu môi.

Kiếp sau có gặp, gọi nhau tên
Thì cứ xem như nợ đã đền
Em hóa trăng vàng trôi nhẹ nhõm
Ta thành mây tím vắt chênh vênh
Đắp màn hoa khói bơ vơ mộng
Nghe tiếng chuông chùa ảm đạm rên
Văng vẳng dòng xưa còn tiếc bóng
Trăm năm người cũ, dễ nào quên...

Ta lại rã rời giữa cuộc say
Nghe thu vần chuyển hết đêm ngày
Hoàng hôn rụng trắng mùa nhung nhớ
Ta đã yêu người lại chẳng hay.

Mộng thấy em cười, chợt tái tê
Lòng ta còn đắm giữa cơn mê
Trăm năm rồi đến nghìn năm nữa
Hết bước nhân gian, sẽ trở về.

(Thanh Trúc, Bèo dạt, lá rơi)

Chờ em trước giảng đường

Tôi đã chờ em trước giảng đường
Như chờ trong mộng những yêu thương
Giảng đường buổi ấy chiều buông xuống
Hoa sữa thu về lác đác hương.

Giảng đường năm tháng vết chân phai
Trước cổng xa xăm tiếng thở dài
Em giấu u sầu trong ánh mắt
Nhìn tôi mà ngỡ nhớ thương ai.

Tôi bước theo em giữa buổi chiều
Mùa thu mây đổi, chợt buồn thiu
Nghe em kể chuyện người xưa ấy
Em đến bây giờ vẫn cố yêu.

Giảng đường lạnh ngắt, gió băng qua
Phong kín yêu thương chớm mặn mà
Tôi biết lòng em, tôi chẳng thể
Chen vào một chút với người ta.

Tôi vẫn chờ em trước giảng đường
Lòng tôi hoa sữa vẫn say hương
Mười năm em vẫn mơ người ấy
Không biết rằng tôi đã tổn thương.

(Thanh Trúc, Chờ em trước giảng đường)

Đêm buồn nghe nhạc Trịnh Công Sơn

Đêm buồn nghe nhạc Trịnh Công Sơn
Nguồn cội đâu đây? Thuở giận hờn (1)
Gác nhỏ tường vi, ai thổn thức
(2)
Mình tôi bên phố nếm cô đơn...
(3)

Em không là mộng của ngày xưa
(4)
Có lẽ tôi ru những điệu thừa
(5)
Tôi vẫn là sông đeo đuổi nguyệt
(6)
Trọn đời mang nợ chuyến đò đưa...
(7)

Cuộc đời xoay mãi đóa vô thường
(8)
Ở trọ lòng tôi giữa nhớ thương
(9)
Lê bước phiêu du về một cõi
(10)
Trăm năm tìm mãi cánh mai xương...
(11)

Xa mờ trong nắng tấm vai gầy
(12)
Em đã đi rồi, bụi cát bay
(13)
Ai biết tim tôi là sỏi đá
(14)
Từng đau một thuở, suốt đời say...
(15)

(Thanh Trúc, Đêm buồn nghe nhạc Trịnh Công Sơn)


(1) Biết đâu cội nguồn
(2) "Một đêm bước chân về gác nhỏ, chợt nhớ đóa hoa tường vi..."
(3) "Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ, nhớ tên em..."
(4) Diễm xưa
(5) Ru ta ngậm ngùi
(6) "Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra..."
(7) "Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ..."
(8) Đóa hoa vô thường
(9) Ở trọ
(10) Một cõi đi về
(11) "Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai..."
(12) "Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay..."
(13) Cát bụi
(14) "Ngày sau sỏi đá, cũng cần có nhau..."
(15) "Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn, để sớm mai đây lại tiếc xuân thì..."
 

Chờ em bên Thánh đường

Tôi lại chờ em cạnh Thánh đường
Giữa mùa hoa sữa dịu dàng hương
Phấn tô má thắm màu con gái
Son điểm môi hồng nụ nhớ thương.

Thánh đường chuông đổ tiếng ngân nga
Em đến hương theo gió mặn mà
Chuông đổ mùa thu, em bước nhẹ
Như là giấc mộng thoáng trôi qua.

Tháng năm thu lại đổi mùa thu
Hương phấn bay đi giữa bụi mù
Tôi vẫn là tôi, em đã khác
Phồn hoa mơ giấc mộng phù du.

Không còn em nữa của ngày xưa
Hoa sữa rơi đầy nẻo đón đưa
Lối nhỏ âm thầm, hương lạc lõng
Một mình tôi bước dưới cơn mưa.

Buổi ấy Thánh đường lại đổ chuông
Sương mờ gieo mắc, gió mưa tuôn
Thu không còn nữa, ngày xưa cũ
Hoa sữa nghe đêm kể chuyện buồn.

Đèn hoa thấp thoáng áo cô dâu
Buổi ấy tôi nghe tiếng niệm cầu
Chúc phúc cho em và kẻ khác
Xây tròn mộng đẹp ở bên nhau.

Tôi đã chờ em trước Thánh đường
Mùa thu thôi đã hết yêu thương
Phấn son nay đã nhòa theo gió
Hoa sữa rơi tàn lạnh lẽo hương.

(Thanh Trúc, Chờ em bên Thánh đường)

Ta ngồi đếm lại những mùa thu

Ta ngồi đếm lại những mùa thu
Năm tháng trôi qua giữa bụi mù
Cửa sổ, ngày xưa, hoa cúc dại
Theo đời bung nở cánh phiêu du.

Lối cũ mùa thu phủ cỏ xanh
Nhẹ nhàng gác nhỏ gió vờn quanh
Ta ngồi, thu lật, từng trang mỏng
Bút ký dường như mộng xếp thành.

Giờ thì thu lại chuyển mùa sang
Xanh biếc yêu thương hóa lá vàng
Ta đếm mùa thu, từng chút một
Ngại rằng rơi vỡ mảnh thời gian...

(Thanh Trúc, Ta ngồi đếm lại những mùa thu)

Nha Trang mùa hoa sữa

Hoa sữa, mùa thu, biển lạnh rồi
Tình nhân phố nhỏ dạo theo đôi
Nha Trang mùa mới thay mùa cũ
Hương sữa len theo những bước người.

Bước người xưa ấy, biết về đâu
Phảng phất hương bay khắp nẻo sầu
Hoa sữa mùa thu xa lạ quá
Dường như ta đã lỡ hoài nhau.

Hoa sữa nay tràn khắp phố quanh
Bên trường đại học bước người nhanh
Mình tôi đứng lại bên hoa sữa
Nhắm mắt nghe hương mãi rụng cành.

(Thanh Trúc, Nha Trang, mùa hoa sữa)

Thơ về con gái

Thơ về con gái
(Nhân ngày 20 tháng 10 sắp tới, tặng những ai được gọi là "con gái".)

Con gái nhiều khi thích giả nai
Không mà ra có, một thành hai
Người ta nhẹ dạ tin là thật
Xong chuyện, vẫy chào, nói "good bye".

Con gái cười nhanh, khóc cũng nhanh
Khóc cười vô cớ, mệt tim anh
Lỡ mà ai rước vô nhà nhỉ
Cũng tốn tâm tư để dỗ dành.

Thỉnh thoảng giận hờn, lại nghỉ chơi
Van xin năn nỉ hết bao lời
Thế là nàng lại như con nít
Đòi đủ kem chè, mặc sức xơi.

Con gái đôi khi cũng dịu dàng
Chống cằm trong lớp nghĩ miên man
Làm cho ai đó ngồi bên cạnh
Chẳng chịu nghe bài, cứ liếc sang.

Con gái ừ thì cũng dễ thương
Tóc dài, áo trắng, ghé qua đường
Chợt nghe xao xuyến từng cơn gió
Đủ vị ngọt ngào, đủ sắc hương.



Con gái đôi khi thích thật lòng
Nhưng đầu lúc lắc, bảo rằng không
Con trai nhẹ dạ tin là thật
Cứ ngỡ thất tình muốn nhảy sông...

Con gái đôi khi cũng lạnh lùng
Làm mình chẳng dám nghĩ lung tung
Nắm tay chút xíu còn chưa được
Biết đến bao giờ mới ở chung.




Con gái nghĩ gì, khó hiểu ghê
Vậy mà lắm kẻ vẫn say mê
Thương thương nhớ nhớ từng đêm một
Mơ mộng mai kia sẽ rước về.

(Thanh Trúc, Thơ về con gái)

Phù du hết kiếp

Ta bỗng vô cùng hận chữ yêu
Yêu thương không mấy, đớn đau nhiều
Phù du hết kiếp đi tìm bạn
Quằn quại thân mình giữa lửa thiêu...

(Thanh Trúc)

Mùa thu trồng hoa cúc

Mùa thu hoa cúc mới trồng thôi
Chưa có ra hoa, chỉ có chồi
Em hứa tặng anh vài đóa nhỏ
Để mình vô ý kết thành đôi.

Mùa thu hoa cúc vẫn chưa hương
Chưa bướm ong vây nẻo cách tường
Chỉ có xanh xanh trời áo lá
Và mình vô ý chớm yêu thương.

Ngày mai hoa cúc sẽ đơm bông
Nhị kết vàng ươm, nắng rất trong
Sóng sánh hương tràn, xuân hạnh phúc
Theo anh em khoác áo dâu hồng.

(Thanh Trúc, Mùa thu trồng hoa cúc)

Chân trời là giấc mộng

Hát nữa đi người, hát khúc ca
Đất dài, trời rộng, nước bao la
Đi tìm tri kỷ, quên ngày tháng
Ngủ giấc an nhiên, mộng mặn mà.

Chợt thấy tim ta, rất yếu mềm
Như sương thổn thức giữa chừng đêm
Bình minh đợi ngắm trời đông rạng
Mơ những nỗi niềm thật ấm êm.

Chân trời có tuyết. Trắng như bông
Có mặt trời lên. Cháy đỏ hồng
Hát điệu lữ tình, chân phiêu bạt
Ngàn chim vẫy gió, thỏa chờ mong.

Đâu đây vũ trụ, nắng lan về?
Đồng nội chín vàng những cánh quê
Ong bướm say sưa lời mật ngọt
Tự do tràn đủ vị say mê.

Yêu nữa đi em, hết tấm lòng
Yêu bằng tất cả trái tim trong
Yêu bằng ánh mắt em ngời sáng
Yếu hết cuộc đời, trọn núi sông.

(Thanh Trúc, Chân trời là giấc mộng)

Ngổn ngang trăm mối

Chiều nghiêng nghiêng bước vội ngang đê
Chuếnh choáng hơi men lạc lối về
Chợt muốn dừng nghe tim đập nhẹ
Bóng hồng thấp thoáng cách đường quê.

Bỗng giật mình nghe tiếng sáo diều
Trời tung cánh chuyển khúc cô liêu
Mùa thu đám cưới, mùa thu cưới
Nửa ngập ngừng không lẽ đã yêu?

Hoặc vẫn mê man ngọn cỏ bồng
Trời non nước có nhớ hay không?
Chân người mỏi giữa ngàn thăm thẳm
Thức ngủ còn chưa thỏa tấm lòng.

Hoa đồng nội rợp mắt cao xa
Chắc có duyên chi mới gọi là
Chợt nhớ chiều vương gai mắc cỡ
Đau chân ngồi gỡ mãi không ra.

(Thanh Trúc, Ngổn ngang trăm mối)

(Lấy ý từ câu Kiều: "Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình")

Hết mùa tigon

Mùa ấy tigon lác đác tàn
Giữa chiều mưa gió cánh hoa tan
Đỏ hồng trong nước, lời anh nói
Em ạ, yêu thương, có muộn màng?

Em lặng nhìn hoa những cách rơi
Tigon phai sắc nói thay lời
Yêu thương, đã muộn rồi anh ạ
Hết tháng, người ta, phát thiếp mời.

Phải là mưa gió cuốn hoa bay
Nên mảnh tim đau suốt tháng ngày?
Ngơ ngác lòng anh hoa rụng vỡ
Lời em xin lỗi chẳng hề hay.

Tigon rụng hết, lỡ duyên rồi
Buông mối tình đầu để nước trôi
Chỉ trách mùa thu anh đến muộn
Để em vô cớ bước theo người...

(Thanh Trúc, Hết mùa tigon)

Mưa bão miền Trung

Mưa bão liên miên, gió trập trùng
Bao mùa xơ xác đất miền Trung
Yêu anh, em có về quê ấy
Cất váy thêu hoa, lội nước cùng?

Quê anh nghèo lắm, ruộng đồng xơ
Lũ cuốn phù sa đắp kín bờ
Thuở ấy anh lên thành phố học
Giật mình nghe bão, nhớ bơ vơ.

Miền Trung thương nhớ biết bao nhiêu
Anh cứ lo toan bão tố nhiều
Lỡ đón em về, em sẽ khổ
Nên đành câm nín, lặng thầm yêu.

Anh vẫn trai nghèo, vẫn độc thân
Đôi bàn tay nắng, rắn đôi chân
Yêu em, anh sống qua mùa lũ
Xây lại quê hương, đẹp bội phần.

Mưa bão sẽ dừng, nước rút mau
Mơ cành trĩu quả, lúa xanh màu
Đôi ta hẹn ước qua mùa lũ
Xây lại quê nhà, để đón nhau.

(Thanh Trúc, Mưa bão miền Trung)

Hay là ta thử... hẹn hò đi

Em ạ, mùa thu sắp hết rồi
Còn chờ chi nữa? Lấy chồng thôi
Ngoài kia đôi lứa đua nhau cưới
Đâu đó thời gian vẫn cứ trôi.

Em à, anh vẫn chẳng ai yêu
Vô ý thương em một buổi chiều
Áo vướng nhành tre rơi mất cúc
Không người khâu vá, vắt liêu xiêu.

Hay là ta thử... hẹn hò đi
Ai biết mai kia sẽ "có gì"
Đỏ thắm nhà em hoa cưới nở
Nhà anh pháo đổ, rượu tràn ly...

(Thanh Trúc)

Mùa tigon

Mùa ấy tigon nở sắp tàn
Đường về thăm thẳm cỏ xanh lan
Dấu chân xưa cũ em từng đến
Những mảnh rêu phong đóng lỡ làng.

Anh buồn nghe kể chuyện ngày xưa
Em đợi người ta, đợi dưới mưa
Đôi cánh tigon nhòe áo ướt
Còn anh đâu đó, vẫn yêu thừa.

Anh vẫn còn yêu vẫn mãi yêu
Như đóa tigon nở thắm chiều
Trong mỗi mùa thu sang lặng lẽ
Dệt thành thảm đỏ suốt đời thêu.

(Thanh Trúc, Mùa tigon)

Gửi mộng giang hồ

Tháng năm say tỉnh mộng giang hồ
Chân giẫm vô tình nát lá khô
Trời đất làm nhà, trăng kết bạn
Nương nhờ mây gió giữa hư vô.

Tìm hoài chẳng gặp khách tri âm
Đem áo khăn che chiếc nguyệt cầm
Mượn tiếng đàn xua cơn gió bụi
Làm thơ thất tuyệt tỏ bày tâm.

Một tiếng thơ đau một tấc lòng
Thơ ngâm như thác đổ tầng không
Thơ gieo gió giật sang mùa bão
Thơ trách càn khôn dễ chuyển vòng.

Hỏi mộng giang hồ, mộng ở đâu?
Là tiếng gươm khua kẻ bạc đầu?
Là bóng trăng mờ trêu quạ mỏi?
Hay hồn tráng sĩ gọi ngàn thâu?

Hỏi mộng giang hồ, mộng chẳng hay
Mệt nhoài cánh nhạn lạc đàn bay
Ngựa hoang gầm gió xuôi về bắc
Tiếng đỗ quyên kêu uất huyết đầy.

Ấy là cõi tạm, chốn hoang sơ
Ấy cuộc nhân sinh bụi mịt mờ
Huyễn ảo như hồn chưa thoát xác
Như chiều ảm đạm những tàn thơ.

Thôi tìm cõi lạ, chẳng ai quen
Thôi kiếp phù du rụng dưới đèn
Thức ngủ tiêu điều, đêm vỡ mộng
Gãy đàn hương rụng nát mùa sen.

Quên hết ngày xưa mộng tuyệt vời
Quên hồn thu gọi xác hoa rơi
Quên dòng ký ức quên sầu hận
Tạm biệt nhân sinh, tạm biệt đời.

Gửi mộng giang hồ lại thế gian
Cho người tiễn biệt, tháng năm sang
Không còn ai biết ta từng đến
Như lá hoa rơi những cánh tàn.

(Thanh Trúc, Gửi mộng giang hồ)

Hoa cô dâu

Má hồng khúc khích ngỡ xuân sang
Hoa giữa mùa thu thắm một giàn
Cô gái đôi mươi tà áo trắng
Hoa cười trên mái tóc em đan.

Mái tóc em đan, kết một vòng
Xoay tròn theo gió giữa mênh mông
Từng hoa nhỏ xíu, rung chân bước
E ấp, lung linh, tựa tấm lòng.

Mái tóc em đan, mái tóc dài
Ngọt ngào lấp lánh nắng ban mai
Em mơ thành một cô dâu nhỏ
Đầu đội khăn hồng, sánh bước ai.

Biết là ai đó? Phải chăng anh?
Nhung nhớ yêu thương vẫn để dành
Chờ cánh hoa xinh thu chớm nở
Trải lòng yêu để gió vờn quanh.

Anh là cơn gió dịu dàng ghê
Cho nhánh ti-gôn thắm hẹn thề
Em sẽ thành cô dâu thực sự
Sang trang đời lạc bước say mê.

(Thanh Trúc, Hoa cô dâu)

Nem Ninh Hòa



Nem Ninh Hòa ngọt ngọt chua chua
Nhung nhớ mang theo đủ bốn mùa
Xách túi lên ta chào thị xã
Nổi chìm mê mải những vòng đua.

Đua người danh vọng, kẻ cao sang
Đua áo thêu hoa, mũ đính vàng
Ngẫm cuộc đời không ai thắng cả
Đi tìm hoài cũng chỉ mê man.

Không bằng nếm lại vị nem quê
Để biết đâu đây một lối về
Có kẻ từng qua, chân đứng lại
Nghe lòng thanh thản nhẹ nhàng ghê.

(Thanh Trúc, Nem Ninh Hòa)

Thương thu điệu

Nước lặng, bèo thưa, mỏi cánh chuồn
Chân trời vàng vọt nắng chiều buông
Em về đồng nội ôm hoa cỏ
Cất tiếng họa mi hát điệu buồn.

Không có sắc màu, chẳng điểm tô
Bơ vơ tro xám rụng bên mồ
Dường nghe thăm thẳm linh hồn gió
Lay tiếng nghẹn ngào xác lá khô.

Em nằm trên cỏ tóc đơm hương
Áo mắc hoang sơ, bướm lạc đường
Lối cũ loanh quanh tìm kẻ lạ
Cúc buồn hoa dại trổ gầy xương.

Day dứt thềm xưa tuế nguyệt mài
Em ngồi em đợi bước chân ai
Cỏ may gỡ rối mùa thu muộn
Trinh nữ khép tàn, mộng nhạt phai.

(Thanh Trúc, Thương thu điệu)

Mây gió phiêu nhiên

Tự đến, tự đi, tự mệt nhoài
Đường trần ai giận cũng đành thôi
Ta không thể giống người hôm trước
Để mãi trong mơ sống nửa vời.

Chớ trách rằng ta dễ đổi thay
Cuộc đời đâu chỉ có hôm nay
Hôm qua người chẳng neo đời lại
Để đến mai sau tiếc nuối đầy.

Ôi những dòng đời, những lối đi
Hoang tàn, thăm thẳm, tựa chia ly
Mơ trưa một kiếp người say tỉnh
Nghe chốn vô minh kể chuyện gì.

Sáo cách đường xa, điệu bổng trầm
Bay ngang trời đất gọi tri âm
Gieo qua mấy lá vàng rơi rụng
Thôi trách nhân sinh những lỡ lầm.

Chuông đổ lầu cao vọng cửa chùa
Ai cười ai khổ chuyện hơn thua
Không bằng cỏ dại kê đầu ngủ
Mây gió phiêu nhiên giữa bốn mùa.

(Thanh Trúc, Mây gió phiêu nhiên)

1 thg 10, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: 1 năm hành nghề

Ngày 1 tháng 10 đi vào lịch sử cuộc đời mình, là ngày đầu tiên chính thức đi làm. Gọi là chính thức, bởi vì trước đó, và trước đó nữa, mình đã có rất nhiều thời gian tiếp xúc với nghề này. Từ đi thực tập, đi đào tạo, tới làm việc chính thức, từ thành phố lớn chuyển về thành phố nhỏ.

Một năm, trôi qua cũng nhanh thật. Giống như một cái chớp mắt. Mà mỗi người ở trong đó sẽ không bao giờ cảm nhận được vì sao nó nhanh cả. Chỉ có khi nào nó kết thúc, để đến cuối cùng người ta nhìn lại, mới hiểu được cảm giác của thời gian.

Một năm, mình học được rất nhiều thứ. Mình đi được nhiều nơi, gặp nhiều người, thấy nhiều chuyện, suy nghĩ nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn. Có thể nói, 1 năm này có giá trị rất lớn, rất lớn đối với cuộc đời mình từ trước đến nay.

Tự nhiên mình lại muốn viết về nó, có thể là đã được viết lại khá chi tiết trong những ngày nhật ký của mình. Nhưng tối nay mình sẽ dành lại 1 buổi tối, ngồi ở quán cafe quen thuộc, trong góc nhỏ quen thuộc, hồi ức về 1 năm nghề nghiệp.

Mình đang phân vân, không biết nên sắp xếp 1 năm này như thế nào, theo thời gian, theo cảm xúc, theo kỷ ức, theo hoài niệm. Ngọt ngào có, mà đắng cay cũng có. Nhiều cũng rất vui vẻ, nhiều lúc lại cảm thấy rất nản, tưởng như muốn bỏ dở nữa chừng. Cuối cùng thì 1 năm cũng đã qua.

Thôi thì bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm ngoái. Tính chính xác ra là phải từ tối hôm trước nữa, mình bắt đầu dọn từ Sài Gòn về Nha Trang, sống trọ chung với thằng bạn cấp 3 trong hẻm nhỏ đường Mai An Tiêm. Sáng hôm sau bắt đầu ngày đầu tiên chính thức đi làm.

Thực ra thì ngày đầu tiên cũng không đáng nhớ như mình tưởng tượng. Đợt này công ty cũng mới tuyển nhân viên mới vào, những đồng nghiệp mới của mình cũng bắt đầu y như mình. Trước tiên là màn chào hỏi, sau đó là chọn chỗ ngồi, và ... ngồi im đó. Lật qua lật lại những tập tài liệu chán ngắt, tẻ nhạt, siêu khó hiểu. Cuối cùng là đối phó với những câu hỏi của các anh chị đồng nghiệp. Buổi trưa nghỉ trưa tại văn phòng, chiều 5h tan ca.

Sẽ chẳng có gì đáng nhớ về một nghề nghiệp tẻ nhạt như thế. Nhưng thực ra, ngày đầu tẻ nhạt không có nghĩa là cả năm đều tẻ nhạt. Nghề của mình, vẫn luôn tự hào (và cả kiêu ngạo) về nó, là một nghề đặc biệt, đầy đủ hương vị của nhân sinh. Nói đùa như mấy chị đồng nghiệp, chính là "lên voi xuống chó", còn nói theo kiểu văn vẻ, chính là trải nghiệp đầy lý thú.

Ấn tượng khó phai nhất trong những tháng ngày nghề nghiệp của mình, mà mình vẫn dự định viết trong một trang nhật ký khác, nhưng nghĩ lại thì nên viết trong trang này cũng được, xem như là tổng kết lại, đó chính là "phong bì của khách hàng".

Phong bì của khách hàng, theo nghĩa chính xác của nó, không phải là cái gì đen tối lắm, nhưng điều đó cũng rất nhạy cảm, mà đối với những người làm nghề như mình, phải giữ được chính mình khỏi bị lơi lỏng. Tính ra từ ngày này năm ngoái đến năm nay, mình đã từ chối thịnh tình của người ta đúng 3 lần.

Lần đầu tiên, một công ty cũng khá phát đạt ở trung tâm thành phố, cô kế toán lớn tuổi, rất vui tính, xem tụi mình như con cháu, đương nhiên con cháu thì sẽ có lì xì. Buổi hôm đó là lần đầu tiên mình gặp phải chuyện như vậy, cô kế toán ép quá, chị trưởng nhóm lỡ nhận, cũng lỡ phát ra cho nhóm, chỉ có mình là kiên định, đem trả lại. Cuối cùng thì chị trưởng nhóm phải thu hồi lại và ghé nhà cô kế toán để trả.

Kể từ sau lần đó, mình chính thức lột xác, không còn phân vân và do dự khi xảy ra những trường hợp tương tự như vậy nữa. 

Lần thứ hai, một buổi tối về muộn, một khách hàng ở Pleiku, công ty xây dựng. Anh kế toán còn trẻ, người miền bắc, rất nhiệt tình. Cuối cùng thì mọi người chỉ biết nói lời cám ơn, kẹp phong bì vào cuốn sổ của anh và trả lại cho anh. Lần này thì đỡ do dự hơn nhiều, bởi vì đã trả qua kinh nghiệm.

Lần thứ ba, một buổi sáng đẹp trời, khi nhóm sắp rời thị trấn Gia Nghĩa, Đăk Nông sau một chuyến công tác dài ngày. Anh kế toán thân thiện nhét vào tay chị em mấy cái phong bì. Mọi người đều từ chối, nhưng không được. Cuối cùng phải gửi lại trên xe của anh, rồi đi. Sau lần này, mọi người rút ra một kinh nghiệm khá rõ ràng, những công ty xây dựng thường "tiếp đãi" theo kiểu này với đối tác của họ. Chuyện cũng rất bình thường, nhưng đối với nhóm, vẫn là từ chối. 

Còn 1 lần nữa, nhưng cũng không tính là lần, vì lúc đó mình không tiếp xúc, ký ức cũng khá mơ hồ. Một khách hàng ở Vũng Tàu, tiếp đãi nhóm rất nhiệt tình, và khi kết thúc, chị đồng nghiệp đã từ chối khéo léo.

Trong những tháng ngày này, mình thường bị ám ảnh bởi những chuyến chi tiêu vượt ngân sách, mà sau này, xem lại tài khoản, không còn bao nhiêu tiền nữa, ngoại trừ một số lâu lâu mới gửi về cho mẹ mình ra, thì mới giật mình rằng, mình tiêu xài cũng dữ quá. Đó là chưa có người yêu hay bạn gái gì, nếu có rồi thì chắc... mỗi tháng đều ăn mì gói, hoặc là phải cố gắng hơn mới được.

Ngoại trừ những ngày tháng đi công tác, tiêu xài toàn là công tác phí, thì chi phí chủ yếu của mình cũng không ngoài các khoản tiền ăn, tiền phòng, đổ xăng xe... Nói về ăn thì mình chủ yếu vẫn là cơm hộp, một lần một ít cũng không tốn bao nhiêu, nhưng gộp lại cả tháng cũng là một khoản đáng kể. May mà cuối tuần còn chạy về nhà cho mẹ mình vỗ béo đủ thứ. Xăng xe thì mỗi tuần đều khống chế ở mức cố định. Tiền phòng thì gần đây mình có chuyển sang một nơi ở tốt hơn, cũng tăng thêm đáng kể...

Một trong các khoản chi tiêu khác (mình không định kể ra đâu, nhưng nó cũng gắn liền với nghề nghiệp của mình, nếu để ngoài thì thành một thiếu sót), đó là chi cho các khoản ăn chơi với đồng nghiệp. Thực ra thì gọi là ăn chơi cũng không đúng, lâu lâu mới tổ chức liên hoan mặn một buổi, tại một nhà hàng nho nhỏ nào đó, mọi người góp tiền lại, gọi là "ăn chơi" cho nó thân thiện, gắn liền vơi tên tuổi của công ty mình. Một phần nữa là phòng mình có truyền thống góp tiền mua quà tặng sinh nhật cho đồng nghiệp, trung bình mỗi tháng một đợt. Sau này còn có liên hoan mừng nhà mới của một chị đồng nghiệp nữa. Công nhận chị giỏi ghê trời, hơn mình có vài tuổi mà đã có cơ ngơi khang trang ở thành phố. Ngoài ra còn có một chuyến liên hoan chia tay với một anh đồng nghiệp khác, đã bốn năm theo nghề nhưng lại chuyển hướng sang kinh doanh...

Một khoản chi tiêu khác, cũng đáng kể, nhưng không thể tránh khỏi, chính là chi tiêu vào việc đám cưới. Từ ngày mình về Nha Trang, đã có 2 chị đồng nghiệp đi lấy chồng. Ngoài ra còn có mấy đứa bạn cùng lớp năm cấp 3 nữa, con gái, lấy chồng khá sớm. Trong những đám cưới như vậy, mình cũng thỏa sức ăn uống, đa phần là cảm giác vui vẻ, gặp gỡ người quen, bạn bè, nên cũng tự cho rằng đó là chi tiêu hợp lý.

Một điều nữa, cũng khá tự hào, mà chị đồng nghiệp phòng mình thường lấy ra kể chuyện với những người khác trong những buổi liên hoan. Tháng làm việc đầu tiên mình sắm điện thoại, tháng thứ 2 sắm máy ảnh, rồi vài tháng sau sắm được xe máy. Cũng không có gì ghê gớm, toàn là đồ bình dân thôi, đương nhiên là có sự trợ giúp tài chính của mẹ mình, nhưng lâu lâu dùng cũng cảm thấy vui vẻ. Nhắc tới điện thoại mới nhớ, điện thoại cũng không tốt lắm, nhưng cũng được gọi là dùng được, lúc đó mua với giá trên trời, không ngờ sáng nay xem lại trên mạng, giá đã hạ còn một nửa, biết thế đợi nó giảm rồi mua cho tiết kiệm.

Một phần nữa, mình là nhân viên mới, phải lo các khoản chi phí công tác, quản lý còn kém nên cũng có thất thoát chút xíu, sau đó là đau đầu chóng mặt xử lý. Nhưng mà mọi chuyện cũng không quá nghiêm trọng, rồi cũng trôi qua nhẹ nhàng. Sắp tới hết làm nhân viên mới rồi, nên cũng bớt lo các khoản này.

Chi cũng nhiều, mà thu thì chỉ có tiền lương. Tình hình của thị trường dạo này cũng không quá khả quan, nên lương mình cứ đều đều hàng tháng, không tăng cũng không giảm. Đủ để sống, nhưng phải tiết kiệm lắm mới thực hiện được vô số những dự định tương lai. Điều đầu tiên là mua sắm những thứ mà mình thích gọi chúng là "đồ chơi", vì ngoại trừ lợi ích tinh thần ra, không có tác dụng gì nữa, cũng có thể là từ nhỏ đã có sở thích sưu tầm những thứ để nhìn, không ăn được: một cái giá đỡ máy ảnh, một vài cái chuông gió, một cái game pad, nếu có dư ra nữa thì nâng cấp máy ảnh lên, rồi mua vài cuốn sách linh tinh, mua những món vụn vặt khác... Một trong những ước mơ mà mình chắc còn khá lâu mới có cơ hội thực hiện, đó là đi du lịch nhiều nơi, vượt ra khỏi biên giới của đất nước...

Nói về những ước mơ du lịch vượt biên giới, gần đây có nghe tin thầy giáo dạy triết học của mình đã thực hiện được một chuyến du lịch vòng quanh châu Âu, cũng gần tháng. Thấy hâm mộ vô cùng, ước gì mình cũng được như vậy. Ngoài ra những trang mạng cũng rầm rộ lên phong trào mà giới trẻ gọi là "đi phượt", du lịch mọi nơi với chi phí tiết kiệm nhất, cũng khá thích, nhưng mà chắc mình không có can đảm để liều như vậy, tối đa là đi du lịch vài nơi cho mở mang tầm mắt rồi về.

Gần đây mình có đọc 1 cuốn sách, do tác giả cùng quê Ninh Hòa với mình viết, đề là "Chồm hổm giữa chợ quê", trong đó kể về các loại đặc sản, hương vị của quê hương và những ký ức khó quên thời trẻ. Mình có ấn tượng với một câu, đại ý như thế này: đất quê mình còn chưa đi hết, nói chi đến những vùng đất xa xôi tận châu Mỹ châu Âu. Cũng được an ủi phần nào, nên cũng tạm thời bằng lòng với những chuyến du lịch mà mình có, trên lãnh thổ Việt Nam. Phấn đâu trong tương lai được đi nhiều hơn, nhiều hơn nữa...

Nói đến những chuyến du lịch, thật ra là những chuyến đi công tác xa xôi dài ngày, đó là điều mình tự hào nhất trong một năm nghề nghiệp này. Công tác, là một phần không thể thiếu đối với nghề nghiệp của mình. May mà mình mới bắt đầu, mọi chuyện còn cảm thấy lạ lẫm, nhưng ít ra cũng được đi nhiều, biết nhiều, nên cũng cảm thấy công việc cũng có ý nghĩa.

Mà thực ra thì cũng không có nhiều thời gian để đi chơi, thăm thú nhiều nơi. Đa số thời gian vẫn là đi đến nơi đó, vùng đó, gặp khách hàng, vào văn phòng làm, đến chiều tối thì về. Hiếm hoi lắm mới có vài dịp khách hàng đưa đi thăm những danh lam thắng cảnh ở địa phương, hoặc là giới thiệu vài nơi trên những chặng đường đi.

Và trên những chặng đường đó, mình đã ghi lại rất nhiều, rất nhiều những ký ức và cảm xúc của bản thân mình. Những nơi mà dấu chân mình đi qua, đều lưu lại một vài khoảnh khắc đáng nhớ nhất.

Tuy Hòa, Phú Yên được xem là nơi gần nhất, đi lại cũng tương đối nhiều lần, bị dị ứng bởi món ăn, người ta gọi là "lẩu trinh nữ" của đất Chóp Chài, thực ra đó là lẩu trứng vịt lộn, đập thẳng trứng lộn sống vào nồi lẩu xôi sùng sục, nhìn cũng đủ ngán, vậy mà mấy chị đồng nghiệp ăn uống khá vui vẻ, ngon miệng.

Ghé lại Vũng Rô, với con đường đèo vòng vo, biển xanh nhìn từ xa, nhưng lại gần thì bãi cát đã chuyển đen màu dầu và hóa chất, chỉ nhìn, không tắm được. May mà còn có phong cảnh núi, biển, trời, đảo dễ nhìn, có những ký ức lịch sử của con tàu không số.

Đến An Khê, một chuyến đi với bụi đường và những ổ gà xốc ê cả mông, bị ngập tràn trong không khí nhuốm mùi khoai mì, hay còn gọi là sắn. 

Đến Pleiku, mình ấn tượng nhất là không khí nơi đó, mát mẻ dịu dàng, những con đượng rợp bóng thông già, lá thông rơi đầy lối, 2 bên màu xanh ngắt, ngỡ như lạc vào "mùa thu vàng" trong tranh Levitan, nhưng mùa thu ở đây không vàng, mùa thu ở đây màu xanh. 

Đến Đắklắk, không khí cũng mát mẻ, dạo quanh một vòng siêu thị lớn thật lớn, rồi nếm qua vài món cơm gà ở đó. Đi sai mùa, không gặp được lễ hội cafe, chỉ nghe kể lại mà ngậm ngùi than thở.

Gia Nghĩa, Đăk Nông, cảm thán trước nhà máy Boxit, vừa tàn phá thiên nhiên mà đầu tư sai lầm, nhân dân thì phản đối, rừng nguyên sinh thì bị phá làm đường, rồi ngày một hao mòn. Bù lại được sống những tháng ngày ở rừng núi, có những con người thật thân thiện.

Đến Biên Hòa, Đồng Nai, những tháng ngày dạo quanh quẩn ở khu vực gọi là khu Gia Viên, có những chiếc taxi được lái bởi những chị nữ tài xế. Gần đó là khu công nghiệp Amata, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo điều kiện để người lao động có thể làm giàu bằng chính sức mình.

Ghé Vũng Tàu, choáng ngợp bởi món lẩu cháo lạ lẫm, một "cung đường tình yêu" đưa người lên ngọn hải đăng sáng rực, được leo lên đó, gần như chạm vào nguồn sáng thủy tinh lung linh, đem người vào giấc mộng, ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và những ánh đèn xa xăm của Sài Gòn, của Phan Thiết.

Dừng chân ở thành phố Hồ Chí Minh, có những hồi ức đáng nhớ về thời sinh viên, nói chuyện với cô bạn thân, cảm thán về cuộc đời và số phận của mỗi người.

Đi vòng loanh quanh trên đất Quảng Ngãi, qua sông Trà Khúc, ăn tất niên ở Châu Ổ, rồi tiếc ngậm ngùi vì bỏ lỡ cơ hội mua tỏi Lý Sơn đặc sản. Lần đầu tiên biết tới món bánh đập, rất giản dị, rất đặc trưng. Nghe giọng người lớ lớ, rồi tưởng tượng linh tinh.

Đi tiếp tới Đà Nẵng, có đặc sản Trần nổi tiếng, ghé ăn một lần rồi nhớ mãi không quên. Từ cách phục vụ tới chất lượng và giá cả, đều rất hợp lý.

Vòng qua vòng lại tới Hà Nội, đi tàu 28 tiếng đồng hồ. Dạo quanh hồ Gươm, chụp ảnh cầu Thê Húc, ghé phố Hàng Đào, lại thêm tiếc ngậm ngùi vì chưa có thời gian để vào thăm lăng Bác, một chuyến đi kém hoàn hảo.

Lên tới phố núi Tuyên Quang, nếm đủ những thứ lạ lẫm: rượu nếp men lá, gà chạy bộ, bầu hồ lô.. Ngắm nhìn cảnh sông núi hùng vĩ, công trình thủy điện tuyệt vời, chịu đựng những chuyến xe quanh co, đường gồ ghề, say lên say xuống.

Lên đến tận Hà Giang, lần đầu tiên biết đến táo mèo, trà Shan Tuyết, tăm giang, cháo ẩu tẩu, rồi lại bị ép toàn rượu là rượu: rượu thóc "Nàng Đôn" đất Hoàng Shu Phì, rượu ngô "Hạ thổ" 29 độ của Quản Bạ. Sau đó là ghé thăm con sông Lô trong thơ ca, ghé nhìn qua cột mốc Km số 0.

Về tới Quảng Bình, biết đến thế nào là khoai lang "gieo", thăm cầu Nhật Lệ, ngắm cảnh Đèo Ngang, sông Gianh, thăm "Quảng Bình quan" trong hệ thống lũy Thầy.

Trở về, chạy ngang đất Huế, không kịp ghé vào, chỉ vừa nếm thử xôi Huế và chứng kiến vịnh Lăng Cô khúc khuỷu nằm dưới chân đèo Hải Vân hiểm trở...

Tóm lại là vẫn còn khá nhiều, khá nhiều điều tiếc nuối, nhưng vẫn có thể xem là 1 năm thành công, đặc sắc. Có chuyện để kể khi tuổi già xế bóng.

Đi loanh quanh rồi cũng trở về Nha Trang, đất du lịch, người ta tới để ăn chơi, mình lại về để kiếm sống. Ghé lên Tháp Chàm những buổi chiều đỏ rực bóng gạch, ngắm xuống cầu Xóm Bóng, xa xa là cầu Trần Phú thơ mộng, dòng nước chảy mênh mang, sóng đùa vô tận.

Dạo chơi trên đảo "Champa Island", không dám ăn uống gì, lo sợ bị chém. Chỉ kịp dạo một vòng, hỏi thăm thằng bạn làm việc ở đó rồi về.

Lên chùa Long Sơn mấy lần, bước gần 200 bậc thang, lên nhìn tượng Phật trắng thật lớn. Lặng nghe không khí thanh tịnh, tìm về với chính mình.

Chạy xe lên thẳng nhà thờ Chánh Tòa, làm bằng đá cổ kính. Dạo quanh một vòng, xem người ta chụp ảnh cô dâu.

Lên lầu Bảo Đại ngắm hoa tigon nở hồng hồng, bàn luận về lịch sử thời Nguyễn, dạo trên những bậc đá hoa lá phủ đầy, xem toàn cảnh vịnh Nha Trang, một đường cáp treo nối dài tới Vinpearl land.

Tranh thủ mua vé vào viện Hải Dương Học gần đó, lần đầu tiên nhìn thấy san hồ còn sống, giống y như hoa, chợt rùng mình cảm thán cho mấy loại động vật bị ướp trong lọ kín.

Rồi dạo quanh bãi biển gần Hòn Chồng, không dám xuống tắm mà chỉ ngắm người, ngắm biển. Đi xuyên qua những con đường còn tương đối ít người, ghé một vài quán cơm chay...

Rồi mỗi cuối tuần, chạy về nhà, ngủ với cái giường quen thuộc, ăn món canh rau ngót quen thuộc. Lâu lâu đòi mẹ mua dưa hấu về, con thích ăn dưa hấu...

Kết thúc 1 năm nghề nghiệp, với bao nhiêu là ký ức, bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là ước mơ, bao nhiêu là tiếc nuối... Hy vọng rằng, mình còn đủ sức để cố gắng hơn trong năm tới.

Nha Trang,  ngày 1 tháng 10 năm 2013.

P.S. Cố ý lưu lại một vài dòng, lịch trình đầu đời của mình như thế này:
- 13/1: đến An Khê, Gia Lai, bắt đầu du ngoạn.
- 17/1: đến tp Pleiku, Gia Lai dạo chơi, ngắm thông, thưởng thức khí lạnh, uống Vodka.
- 20/1: đến tp Tuy Hòa ăn lẩu dê Chóp Chài, ghé Vũng Rô chụp ảnh.
- 23/1: về lại Ninh Hòa ăn canh rau ngót.
- 24/1: đi Nha Trang du lịch
- 26/1: lên tàu tới tp Quảng Ngãi, đi shopping.
- 27/1: ghé Châu Ổ ăn tất niên.
- 30/1: đi tp Đà Nẵng bằng taxi, ghé quán Trần, ăn bánh đập.
- 3/2: về lại Nha Trang. Tối hôm đó: trở lại Pleiku ăn cơm gà Mỹ Tâm.
- 7/2: 27 tết âm lịch, về Nha Trang giặt áo quần.
- 8/2: 28 tết âm lịch, về Ninh Hòa ăn tết.
- 17/2: đến Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, lại đi shopping.
- 20/2: ghé thị trấn Gia Nghĩa, Đăk Nông, tham quan khu resort Lodge.
- 21/2: đi Nhân Cơ, leo núi, ngắm cảnh rừng nguyên sinh.
- 24/2: xuống Kiến Đức, đi qua Đồng Xoài, đi xuống Đồng Nai, ngủ tại Biên Hòa. Tối hôm đó: đi chùa Gia Viên.
- 6/3: đến Vũng Tàu, leo hải đăng.
- 9/3: ghé lại Sài Gòn, uống sting dâu.
- 10/3: trở lại Nha Trang, ngồi viết hồi ký.

Xoay qua xoay lại cũng gần 2 tháng, tính cả tp HCM thì mình cũng đi gần hết 1/3 đất nước. Trong 2 tháng này, quãng đường mà mình đi qua, số nơi mà mình dừng chân, kinh nghiệm và kiến thức mà mình học được... gần bằng 10 lần của cả 2 năm trước đó cộng lại.