26 thg 1, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Từ Tuy Hòa đến Đồng Hới, từ Đồng Hới về Nha Trang

Về đến Nha Trang, tôi tạm kết thúc một cuộc hành trình dài. Khoảng 2 tuần, hơn 1000 cây số cả đi lẫn về. Gọi là tạm kết thúc, bởi vì trong nay mai, nó sẽ còn tiếp diễn, ở một chặng đường khác.

Chuyện bắt đầu từ Tuy Hòa, sau khi đặt chân đến một khách sạn có cái tên rất dễ thương, Thanh Kim Anh (nó làm tôi nghĩ đến một cô bạn ngồi chung bàn thời còn đại học), đoàn chúng tôi ngủ vùi một giấc sâu để sáng mai ra, bắt đầu một khách hàng mới. Khách hàng thì có người khó tính, có người dễ tính, nhưng đơn giản mà nói, cũng là chuyện bình thường, rồi công việc cũng êm xuôi kết thúc.

Buổi chiều cuối tuần, tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi cùng đồng nghiệp ghé vào chợ Tuy Hòa thăm một người thân của đồng nghiệp. Đồng nghiệp tôi bằng tuổi tôi, tính tình vui vẻ hơn, nên mời cả đoàn ghé vào chợ một lần cho biết. Chiều hôm đó mọi người loanh quanh ở chợ, mua vài trăm cái bánh tráng Tuy Hòa, chạy ra xe Thuận Thảo gửi thẳng về Nha Trang làm quà. Chưa nếm thử nên chưa thấy bánh tráng Tuy Hòa có gì đặc biệt, chỉ là nghe nói nó đặc biệt nên bắt chước đồng nghiệp mua một ít.

Sáng hôm đó, nhóm chúng tôi bắt tàu từ Tuy Hòa ra thẳng Đồng Hới.

Tính ra thì đây là lần thứ 3 tôi ghé Đồng Hới - Quảng Bình. Cũng tương đối có duyên với thành phố nhỏ này. Đương nhiên, đối với con người thì không thể chê được, họ dịu dàng và hiếu khách. Nhất là con gái Quảng Bình, trông rất dễ thương. Sau này mới nghe thằng bạn kể lại, con gái Quảng Bình có đa phần là hậu duệ của cung tần mỹ nữ ở kinh đô Huế, khi triều phong kiến sụp đổ thì các nàng tản về những vùng đất gần đó sinh sống, nên đời sau mới dễ thương như vậy. Tôi còn chưa kiểm chứng lại nên không biết thực hư thế nào, nhưng nghe cũng có lý.

Quảng Bình là vùng đất dài và hẹp. Chiều dài thì không phải nói, chắc cũng chiếm tới mấy tiếng đi tàu. Còn chiều ngang khoảng 40km, cắt qua Đồng Hới, là đoạn hẹp nhất của Việt Nam. Lúc tôi ghé vùng đất này, cũng tầm vào 8, 9h đêm. Điểm đến quen thuộc nhất là một khách sạn nhỏ, nhưng phong cách phục vụ khá tốt, tên khách sạn Anh Linh, nằm trong một con đường khá rộng nhưng rất yên tĩnh, đường Dương Văn An. Phía đối diện, cách một con đường, chính là cửa biển Nhật Lệ. Cô chủ nơi đó rất dễ thương, có 2 đứa con trai (tiếc là vậy), nghe nói đâu khách sạn Anh Linh là đặt tên theo tên 2 đứa con trai đó. Hôm ra về còn được chồng cô lái xe khách đưa đến tận ga, coi như là chính sách chăm sóc khách hàng vậy. 3 lần tôi ghé Quảng Bình đều dừng chân ở khách sạn này. Mà ngoài ra còn có dân du lịch bụi cũng rất thường hay ghé, có cả đoàn du khách nước ngoài nữa.

Đêm đầu tiên ghé Đồng Hới, mọi người rủ nhau đi ăn bánh lọc. Bánh lọc Đồng Hới tròn, nhỏ, dai, không biết làm bằng bột gì, nhưng thấy gần giống với bột năng. Ăn cũng tương đối khó tiêu nhưng nói chung là ăn được. Bên trong có nhân đậu xanh, nhân tôm. Tiếc là tối hôm đó, tôi xuống tàu vừa mệt vừa buồn ngủ, nên ăn được rất ít.

Đồng Hới mùa này rét. May mà tôi đã có kinh nghiệm lần trước và đã chuẩn bị sẵn áo len. Nhưng anh chị đồng nghiệp đều không như vậy, lần đầu đến, phải ra chợ Đồng Hới mua áo len và áo khoác về mặc. Chợ Đồng Hới cũng tương đối lớn, cỡ như chợ Đầm của Nha Trang vậy. Đa số hàng hóa vẫn là khăn áo và đồ kỹ nghệ. Bên ngoài chợ có một ít gánh hàng rong, bán các loại bánh bèo, bánh lọc và bún bò. Gánh hàng rong thì người ta bán giống bình thường, 10 ngàn 1 đĩa bánh bèo. Còn hàng áo len thì thôi, chắc người ta nghe ra giọng chúng tôi không phải là dân bản xứ, nên cứ "chém". Nghe đâu chị đồng nghiệp mua áo len bị hớ tới gần gấp đôi.

Buổi sáng đầu tiên, mọi người tỏa ra các nơi, khi khắp các huyện lẻ. Tôi với một anh đồng nghiệp đi Lệ Thủy một ngày, đi Quảng Trạch một ngày. Tính cả lần trước thì tôi cũng đi qua gần hết đất Quảng Bình: Đồng Hới, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch. Nghe đâu chỉ còn thiếu Quảng Ninh và Bố Trạch nữa thôi. Đương nhiên mỗi chặng đường tôi chỉ ghé qua, vào văn phòng làm việc, còn đa số thời gian vẫn tính là "khách qua đường". Ngày trước đi dọc theo đường Hồ Chí Minh mà không kịp ghé động Phong Nha với động Thiên Đường. Ngày nay đi Lệ Thủy thì may mắn hơn, được viếng thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thắp một nén hương. Chỉ có hôm đi Quảng Trạch vì thời gian gấp rút nên không kịp viếng mộ Đại tướng. Mãi đến mấy hôm sau, khi kết thúc gần hết công việc, mới được khách hàng bố trí xe chở đi. Vậy là tôi đã 2 lần thắp hương trên đất Quảng Bình... Đó được xem là một điểm nhấn khó quên trong chuyến công tác này.

Một điều khác nữa, tuy không gọi là điểm nhấn, nhưng cũng đáng để tự hào. Đó là tôi liên tiếp từ chối cái phong bì thứ 5, thứ 6 và thứ 7 trên đất Quảng Bình này. Chiếc thứ 5 là ở Lệ Thủy, cô khách hàng hiền khô, dúi vào tay phong bì nhưng tôi cứ cố giật tay lại, kết quả là cô tặng luôn một mớ bánh nậm và bánh ít. (Nói thêm đây là 2 loại bánh cũng khá ngon ở đất Quảng Bình. Tiếc là ở quê tôi cũng có nên cũng không lạ lắm, thêm nữa vì mệt mỏi nên không ăn được nhiều). Anh khách hàng ở Quảng Trạch thì hiền hơn, tôi nói khéo nên từ chối được chiếc phong bì thứ 6, kết quả là anh tặng cho một ràng bánh tráng mè và một chai rượu ngoại. Bánh tráng mè thì chia mỗi người trong nhóm một ít. Còn rượu thì cầm về Nha Trang để ở văn phòng đó, chờ ngày tụ tập tương đối đầy đủ các anh chị đồng nghiệp rồi khui ra một thể.

Chiếc phong bì thứ 7 cũng bị từ chối nốt. Cô khách hàng ở Đồng Hới rất dễ thương, sáng trưa chiều đều mời nhóm đủ cả 3 bữa. Có thêm cafe nữa. Cafe thì cô có mời nhóm đến quán "Coco" mà lần trước tôi cũng đã được mời đến. Quán này được làm thuần bằng tre nứa, có bố trí nước xung quanh, nghe đâu là của một kiến trúc sư rất nổi tiếng. Còn ăn uống thì lần đầu tiên tôi ghé một quán, nghe tên rất lạ, "Đùng Đình", nghe người ta giới thiệu thì đây là địa danh cũ, giờ không còn dùng nữa, nhưng tên quán thì vẫn giữ nguyên không đổi... Hôm cuối cùng, cô còn cho người thanh toán tiền khách sạn và mua cho mỗi người một hộp xôi gà lên tàu ăn. Người ta nhiệt tình như vậy, không có cách nào từ chối được hết. Đương nhiên phong bì thì vẫn làm theo nguyên tắc.

Có một đêm nọ, mọi người rủ nhau ra ngoài ăn lẩu dê ở Hải Thành. Nghe đâu cũng rất nổi tiếng. Tiếc là tên quán thì tôi quên mất rồi, mọi người chỉ cắm cúi mà ăn. Còn Hải Thành là tên một địa danh thôi. Giá cả thì cũng tương đối cao so với lẩu dê Chóp Chài ở đất Tuy Hòa, cỡ 200 ngàn một nồi lẩu nhỏ, các món đồ phụ từ bún, mì, nước chấm, nước uống đều phải tính tiền riêng, chỉ có rau với nước lẩu châm thêm là được miễn phí. Chỉ có một điều đặc biệt là nổi lẩu người ta không dùng lò ga mini hay cồn để nấu mà đặt lên trên hỏa lò đốt bằng than củi, nên nhiệt độ được duy trì khá ổn và mùi vị được tự nhiên hơn. Tiếc là nồi lẩu nhỏ nhỏ, nên hôm đó chỉ ăn được lưng lưng...

Một tối khác, một anh khách hàng khác nữa mời nhóm đến ăn uống tại quán khác, không nhớ rõ tên là gì, chỉ nhớ hôm đó tôi say đến thê thảm. Người ta đãi rượu. Cũng quên mất tên rượu luôn. Bị ép uống. Đến cuối buổi nôn ra quá trời, được đồng nghiệp dìu về phòng rồi lăn ra ngủ say như chết. Sáng hôm sau tỉnh dậy mà khát khô cả cổ, đầu thì nặng trình trịch, óc thì còn quay cuồng, hơi thở thì tưởng như bị ám hơi rượu đến mấy ngày sau. Kể từ khi say lần đầu tiên trong tiệc liên hoan ở đất Sài Gòn, tính ra đây là lần tôi say dữ nhất. Môt phần vì công việc đã tạm xong, nên cơ thể thả lỏng, mất khống chế bản thân. Phần lớn thì bị người ta ép, kinh nghiệm còn yếu nên không biết cách nào để từ chối cả.

Cũng anh khách hàng đó, sáng hôm sau còn mời mọi người cafe ở một quán khác, tên cũng rất đặc biệt, "Cũng Đành". Giống y chang như trong câu nhạc "Cũng đành xin làm người đến sau" vậy. Tiếc là còn bị ảnh hưởng của hơi rượu tối qua nên tôi không nếm được hương vị cafe ra sao cả. Ăn sáng thì gọi món bánh mì ốp la nhưng ăn cũng được vài miếng rồi thôi. Bánh mì Đồng Hới nhỏ xíu, bằng đâu một phần ba bánh mì Sài Gòn, nhưng rất đặc, bột rất giòn và thơm. Nhưng tôi cũng chỉ ăn được một chút. Phần lớn thời gian là ngồi nghe nhạc và ngắm phong cảnh. Cảnh thì có thể nói là rất lãng mạn. Người ta thiết kế theo kiểu cổ điển, trồng hoa lan, cỏ dại. Phía ngoài là hồ nước nhỏ. Xa xa có một chiếc thuyền đang giăng lưới, bờ bên kia là một cái tường thành cũ, gạch loang lổ, nghe đâu ngày xưa là cung vua chúa gì đó. Còn nhạc thì mở toàn bài Trịnh Công Sơn, tuy không phải do Khánh Ly hát nhưng nghe cũng dễ chịu. Tôi từng ghé nhiều quán cafe ở Nha Trang, ít có quán nào chuyên mở nhạc Trịnh như vậy cả.

Nói tới cafe, đất Đồng Hới còn một quán khác, cũng khá nổi tiếng, gọi là "Nghệ Sỹ Quán". Một buổi sáng, mọi người rủ nhau ra đó ngồi, vừa ăn sáng vừa uống cafe. Nghe chị nhóm trưởng nói, quán này cafe "cũng được". Chị là người rất sành sỏi về cafe, ngày nào không có cafe là không tập trung làm việc được. Còn tôi thì uống để biết, chứ không phân biệt được đâu là ngon dở, chỉ phân biệt được đắng và ngọt...

Thêm một điều đặc biệt nữa, làm tôi cảm nhận được sự hiếu khách của người Quảng Bình. Buổi chiều kề cuối, lúc nhóm làm việc gần xong, cũng là lúc khách hàng tổ chức liên hoan cuối năm cho toàn bộ công ty. Người ta mời nhóm chúng tôi tham dự cùng, tại một nhà hàng "Mường Thanh". Đây là hệ thống nhà hàng khách sạn tương đối lớn, Nha Trang cũng có một cái giống vậy. Lần này người ta đãi bia, là bia Hà Nội. Vì có kinh nghiệm say hôm trước nên lần này tôi uống rất cầm chừng, không bị mất hình tượng nữa. Đồ ăn cũng rất ngon, tiếc là hơi ít nên cũng chỉ lưng lưng. Buổi tiệc kết thúc, khách hàng lại rủ nhóm đi tiếp thêm màn Karaoke nữa. Tôi toàn ngồi nghe người ta hát, cũng có lắc lư theo khi đến một số bài mà tôi thích. Nhưng cũng như những lần trước đó, tôi không hát bài nào cả. Người ta đưa mic thì cứ từ chối, rồi chuyển mic cho người khác. Lý do gì thì tôi cũng khó mà giải thích được, chắc là tôi chỉ quen hát nhạc buồn, hoặc có thể là hát lên cũng không ai hiểu được, còn gợi lên vài kỷ niệm không vui, vì thế không nên hát là tốt nhất.
 
Buổi chiều cuối cùng, mọi người sắp xếp thời gian để đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đường đi cũng tương đối xa nên chỉ ghé thắp nén hương rồi rời đi, không ở lại lâu được. Khoảng 8h tối tàu chạy. Tôi rời Quảng Bình, trở về với đất Nha Trang trong tâm trạng bâng khuâng kỳ lạ. Không biết khi nào còn ghé lại được nữa. Nhưng ít ra thì một phần tâm nguyện lâu nay đã thành hiện thực. Cuộc đời, cũng như số phận, nó đưa ta đến những nơi mà ta không thể ngờ tới, không thể nghĩ tới được. Để đến bây giờ, khi ngồi ngẫm lại, chỉ có thể khép vào một nguyên cớ, đó là do "duyên" mà thành...

Tàu không dừng ở bến Ninh Hòa nên không ghé qua nhà được, mà phải thẳng đến Nha Trang. Hơn 2 tuần không về rồi. Không khí tết ở nơi đâu cũng khá sôi động. Cúc chất vàng vỉa hè, chợ tết rực rỡ đèn hoa. Tôi còn nán lại vài ngày nữa trên đất Nha Trang với những công việc chưa hoàn thành. Năm nay, lại là một năm tết muộn...

Nha Trang, ngày 26 tháng 1 năm 2014.



25 thg 1, 2014

Hai lần thắp hương trên đất Quảng Bình

Tôi ghé Lệ Thủy, Quảng Bình vào một buổi sáng đầu tuần, khoảng vào cuối tháng một. Xe của khách hàng chở đi, chạy từ Đồng Hới xuôi về nam khoảng 30 cây số nữa. Hai bên là những cánh đồng bao la đến tận chân trời, thỉnh thoảng có một vài bãi bồi cát trắng. Vùng ven biển ở đây rất thấp, gần như là vùng trũng. Nghe anh tài xế kể lại những ngày bão lũ, vùng này ngập rất dữ dội, mùa màng mất trắng. Đất này còn nghèo, còn khó khăn...

Nhưng nơi này đã sinh ra một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày xưa, thời còn đại học, đã từng học về Đại tướng rất nhiều, về những chiến tích lịch sử, những quan điểm quân sự... Hôm nay mới có dịp ghé thăm Lộc Thủy, Lệ Thủy, nơi ông sinh ra.

Người Quảng Bình hay gọi Đại tướng là "Bác Giáp". Cách xưng hô thân thiết cũng gần giống như Bác Hồ, dù gì thì 2 vị anh hùng này cũng có quan hệ thầy trò.

Thực ra, chuyến đi của tôi là một chuyến công tác dài. Mà việc ghé qua Lệ Thủy chỉ là một chặng nhỏ trong đó. Việc viếng nhà Đại tướng không nằm trong kế hoạch. Buổi trưa hôm đó tranh thủ giờ nghỉ trưa, khách hàng đưa xe đến.

Nhà của Đại tướng, chính xác là nơi sinh của Đại tướng, là một ngôi nhà gỗ nhỏ, kiểu ba gian điển hình của người làng quê miền bắc trung bộ. Mái sau lợp ngói, rêu phong cũ kỹ. Hiên trước bằng tranh, bằng tre. Xung quanh nhà có khoảnh đất trống dùng để trồng rau và vài ba cây nhỏ. Xe chúng tôi dừng trước ngỏ vào, mọi người xuống đi bộ. Đầu ngõ là một ngôi nhà thờ tổ cổ xưa, quy mô cũng khá nhỏ. Đó là nhà thờ tổ của dòng họ Đại tướng. Đường vào nhà Đại tướng có lót bê tông nhưng cũng tương đối hẹp. Vườn có trồng rau. Chắc là những người cháu họ của Đại tướng trồng. Một gốc cây lâu năm, quên mất tên nó, nhưng nghe nói nó cùng thời với Đại tướng, cũng khoảng 100 năm tuổi.

Nhà Đại tướng cũng bài trí rất đơn giản. Dưới mái hiên là một bộ bàn ghế gỗ, cho khách ngồi uống nước. Bên trong bài trí một ít ảnh hoạt động của Đại tướng và một vài kỷ vật. Ở chính giữa là bàn thờ Đại tướng, có bộ nhang đèn, lư hương và một ít vòng hoa. Có một đôi liễng ca ngợi công đức. Nằm bên phải là lối vào nhà sau, bàn ghế cũng đơn sơ, giản dị.

Có một cụ bà trông nhà. Hỏi ra mới biết chồng của bà gọi Đại tướng là ông. Kể ra thì cũng là họ hàng xa. Đặt hoa vào bình, thắp một nén nhang, mọi người đi dạo xung quanh một chút rồi về. Nói chung là nơi này cũng vắng khách, một phần là ở nơi khá xa trung tâm, phần khác là không phải ngày lễ hoặc là ngày kỷ niệm gì. Những dịp như vậy chắc đông khách hơn.

So với Lệ Thủy, đất Quảng Trạch có không khí trang nghiêm hơn, và đông người hơn. Tôi đến Quảng Trạch vào một buổi chiều cuối tuần. Vẫn mây mù giăng mắc. Trời còn đang cuối đông dần chuyển qua xuân, hơi sương còn khá lạnh lẽo. Chiều tranh thủ kết thúc công việc sớm hơn mọi lần, sau đó nhờ xe khách hàng đưa đi viếng mộ.

Mộ Đại tướng được xây dựng trên một mô đất cao, gần giống như một ngọn đồi nhỏ tựa lưng vào núi, mặt hướng thẳng về phía đảo Yến. Vùng đất đó người ta gọi là Vũng Chùa. Đến Vũng Chùa phải đi từ Đồng Hới theo quốc lộ 1A thẳng lên hướng bắc khoảng 60, 70 km nữa. Sau đó rẽ vào một đoạn đường ngắn, mới làm, tuy khá bằng phẳng nhưng còn tương đối bụi bặm. Hai bên đường cũng ít nhà dân, chỉ thỉnh thoảng có một vài chỗ bán hoa tươi, dành cho người viếng mộ. Đảo Yến nằm khá gần bờ, xa xa là một dải trắng của bờ biển ẩn hiện trong đám sương mù dày đặc. 

Vào thăm mộ Đại tướng phải đỗ xe ở dưới chân đồi, đăng ký tên tuổi và chứng minh nhân dân tại một trại quân sự gần đó, sau đó leo bộ lên thẳng trên đồi. Phía xa xa có thông xanh mọc. Trước mặt là một cái gác chuông nhỏ, giống như chuông chùa vậy. Chắc được xây dựng từ lâu rồi, nên chắc người ta mới gọi là "Vũng Chùa". Bước tới gần, có một anh công an đứng đó, phát cho mỗi người một nén nhang, đến trước mộ thắp lên và đi vòng về phía bên kia.

Từ trên mộ nhìn xuống, phong cảnh rất tĩnh lặng và an bình. Mặc dù cũng tương đối khá đông người nhưng dù sao cũng là nơi trang nghiêm nên người ta nói chuyện khá nhỏ nhẹ. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng sóng ngâm và gió lộng. Không khí se se lạnh. Xa xa có một vài cánh chim đập vội. 

Khách đến, khách đi. Nghe người ta nói đó là một vùng đất an nghỉ khá tốt. Nhưng tôi chợt nghĩ ra rằng, một mình Đại tướng nằm đó cũng có vẻ cô quạnh. Người phương xa mộ danh mà đến viếng, có kính ngường nhưng chắc gì đã có vài phần thân mật. Đến được một chốc rồi đi, tuy đến nhiều nhưng có ai mà ở lại được lâu...

Tôi rời Quảng Bình trong một buổi chiều ảm đạm. Dư âm của sự sống, cái chết còn đọng lại trong tâm trí. Người đi viếng mộ nhiều, hoặc thắp hương nhiều, tự nhiên sẽ cảm khái cuộc đời, cảm khái về số phận, nhận ra lẽ vô thường trong đó. Phồn hoa một trăm năm, cuối cùng cũng là một nắm "cỏ khâu xanh rì". Có khác là mảnh đất đó, nắm cỏ đó, có cao, có đẹp, có xanh tốt không.... Nhưng người nằm xuống rồi, còn nghĩ gì đến những việc đó nữa. Dù sao thì, ý nghĩa của cuộc đời vẫn nằm ở việc người đó làm khi còn sống...

Quảng Bình, ngày 25 tháng 1 năm 2014.

18 thg 1, 2014

Từ Việt Nam đến Paris - Cuộc đời là những giấc mơ...

Từng có một đêm nọ, tôi vào google map, và gõ "Paris", sau đó chọn vào kết quả đầu tiên. Đó là một thành phố xinh đẹp, nhìn từ bản đồ nó như một mạng nhện khổng lồ với những sợi tơ vàng óng trải dài ra bốn phía.

Tôi thu nhỏ bản đồ lại, thu nhỏ đến khi cụm từ "Việt Nam" xuất hiện một cách khiêm tốn trong góc phía dưới của bản đồ. Đó là nơi mà tôi đang sống, một cái phòng nho nhỏ trong một thành phố nho nhỏ của cụm từ khiêm tốn đó. Tôi nhìn và ước lượng khoảng cách từ "Việt Nam" đến "Paris", và tự hỏi, không biết bao giờ tôi sẽ được đặt chân đến "Kinh đô ánh sáng". Đó là một giấc mơ xa vời...

Chiều nay mẹ gọi điện. Mẹ sắm đồ tết rồi, mới mua 1 thêm một thùng bia Tiger. Quên nhắc cho mẹ biết là công ty đã tặng quà tết, là 1 thùng Heineken. Vậy là nhà có 2 thùng, chắc chuẩn bị dùng để tiếp khách thôi, mà không biết có uống hết không. Nhà cũng neo người, vắng khách. Dù có tết thì chắc cũng không như những ngày xưa.

Mẹ tôi có kể chuyện nghe một anh ở xóm trên, trạc tuổi tôi, hình như học cao đẳng hay trung cấp gì đó , nhưng đã xuất ngoại rồi, đi Na Uy mới về. Thu nhập thì gấp mấy lần số tiết kiệm cả năm trong tài khoản ngân hàng của tôi. Người ta còn mua cho mẹ tôi một ít đồ bên đó nữa, nghe đâu toàn là hàng cao cấp. Tự nhiên cảm thấy hâm mộ vô cùng. Và có một ít chua cay trong lòng.

Tôi biết, đó không phải là ghen tị. Tới tuổi của tôi đã nhìn đời thoáng hơn rồi. Mỗi người có một vận mệnh của mình. Tôi biết, đó chính là cảm giác bất lực cho chính mình. 

Khi mà hằng đêm, lúc tôi viết blog, viết những cảm xúc linh tinh, lúc tôi dạo trên facebook nói chuyện với những người quen, những người lạ, lúc tôi chăm chú vào những cuốn tiểu thuyết huyễn huyễn ảo tưởng vô biên, thì đó là lúc có những con người bên ngoài kia, họ bước ra đường, họ gặp gỡ, họ nghiên cứu, họ lao vào công việc... 

Cuộc sống của tôi gần đây ngày càng khép kín hơn. Có lẽ là sự đơn độc kéo dài lâu quá sẽ làm cho người ta trở nên quen dần với nó. Nhiều lúc vẫn muốn thay đổi chính bản thân. Nhưng còn có nhiều vướng bận, hoặc là không đủ can đảm để dứt ra được. Công việc, gia đình.

Nhiều lúc tôi cũng tự nghĩ, có lẽ con người cần phải đánh đổi nhiều thứ, để có được thứ gọi là "cơ duyên". Trên đời này sẽ không có quá nhiều người quyền năng lớn đến mức hoàn toàn chi phối, làm chủ cuộc sống của mình, hoàn toàn không lo bị lệ thuộc vào vô số mối quan hệ xã hội. Đa số mọi người (kể cả tôi) đều là những người rất bình thường. Bình thường đến mức không thể bình thường hơn nữa. Ăn, ngủ, sống, làm việc, cuối tháng nhận lương, có gia đình, nuôi dạy con cái, rồi ốm, già, rồi kết thúc... Chỉ đơn giản như vậy thôi.

Điều quan trọng là tôi chưa sẵn sàng để hy sinh những thứ mà từ trước đến giờ, tôi vẫn cho là quý giá. Đó là một phần cảm giác của một cuộc đời, tạm gọi là bình yên phẳng lặng, nhưng theo tôi nghĩ, đáng để sống như vậy. Một phần nữa, tôi là người không quen bon chen vào những chốn đông người. Nếu lựa chọn thay đổi bản thân, cũng có thể, nhưng tôi vẫn không muốn thay đổi. Sống lạnh lùng hơn, cứng rắn hơn có lẽ sẽ là một cách sống hay, nhưng đó không phải là tôi.

Những tháng ngày gần đây, chính xác là trong vòng 2 năm trở lại, tôi cảm thấy ngày càng kém tự tin vào bản thân mình. Có lẽ bước ra đời là một bước ngoặc lớn, nó mài mòn bản thân trước sóng gió, trước vận mệnh. Trước đây, thời cấp 1, cấp 2, cấp 3, và cả đại học, lòng tự tin của tôi rất lớn. Đến mức mà nó gần giống với tự kiêu vậy. Sẵn sàng bỏ hết mọi công sức, cũng có lúc quên ăn quên ngủ, để hướng đến vị trí thứ nhất. 

Nhiều khi cũng không đạt được, cũng có buồn, cũng có thất vọng, nhưng cảm giác tiêu cực đó lại rất nhanh bị xóa nhòa bởi cảm giác muốn hướng đến một vị trí đứng đầu khác. Thời đó, tôi chưa từng bận tâm về cách người khác làm như thế nào, cách họ phấn đấu, họ nỗ lực, cũng chưa từng bận tâm đến thành công của họ, bởi vì trong thâm tâm luôn nghĩ rằng, mình sống theo cách của mình là tốt nhất.

Vậy mà, thời đó đã qua rồi. Nhiều lúc nghĩ lại cũng tiếc cho những ngày như vậy. Cũng tiếc vì tôi chưa từng nghiêm túc suy nghĩ nhưng vấn đề sâu xa hơn. Thành công trên học đường, chưa hẳn đã thành công trong công việc. Thành công trong công việc, chưa hẳn đã thành công trong cuộc sống.

Nhiều lúc cảm thấy như tôi đã lạc lối giữa cuộc đời, cảm thấy mình bất lực. Những ưu điểm hơn người ngày xưa, giờ đã trở nên vô cùng bình thường. Giờ nghĩ lại không thấy bản thân tôi có gì nổi bật cả. Cũng có lẽ tôi quá cầu toàn, hoặc nghiêm khắc, đến nỗi mà nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm, không thấy ưu điểm, cả với chính bản thân mình. Hoặc là cuộc sống của tôi có nhiều ước mơ xa vời quá, mộng tôi lớn quá, nhiều lúc không hoàn thành được. Một hai lần thì cũng không sao, nhưng nhiều lần thất bại, tự nhiên sẽ trở nên bi quan...

Nhớ hồi thời đại học, có lần tôi nói chuyện ước mơ tương lai với đứa bạn cùng phòng. Nói rằng, phấn đấu 5 năm sau khi ra trường, tiền lương mỗi tháng của tôi sẽ đạt mức một ngàn đô. Giờ nghĩ lại mới biết hồi đó mình ngây thơ cỡ nào. Nói mạnh miệng nhưng không làm được. Tính đến nay thì đã gần nửa thời hạn rồi, nhìn qua nhìn lại vẫn chưa được gì cả.

Tự  nhiên lại cảm thấy hâm mộ những người thành công trong cuộc sống. Chắc hẳn họ yêu lĩnh vực của họ lắm. Họ hy sinh tất cả vì tình yêu đó, và họ được hồi báo. Cũng từng có người nói rằng, hãy theo đuổi sự ưu tú của nghề nghiệp, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn... Có lẽ tôi không phải là một người như vậy, tôi còn chưa coi công việc là tất cả cuộc sống, tôi không dám bỏ đi mọi thứ để theo một con đường chuyên nhất và hy sinh vì nó. Tôi còn nhiều ước mơ viễn vông lắm, mà những ước mơ này, có cái sẽ động lực, mà chắc cũng có cái sẽ là gánh nặng khó từ bỏ...

Tuy Hòa, ngày 18 tháng 01 năm 2014.

15 thg 1, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Cuộc đời kiểm toán thật là sang

Mình thốt lên câu đó khi vừa mới về đến phòng khách sạn Thanh Kim Anh trên đường Hùng Vương. Hôm nay đúng là một ngày rất thoải mái. Mình phải tranh thủ những phút nghỉ ngơi viết lại những cảm xúc hiện tại, kẻo mai mốt gặp áp lực rồi cảm xúc trôi đi mất.

Cũng không có ý bất kính gì với thơ của người xưa, nhưng mà chỉ có câu đó mới diễn tả được cảm giác lúc này. "Sang". Đi công tác thì công ty có cho tiền công tác phí mỗi ngày, nhưng mà từ sáng tới giờ chưa có tốn mất đồng nào cả, xem như là mình tiết kiệm được một khoản kha khá. Sáng người ta đãi bánh mì ốp la, trưa ăn cơm trưa với canh khổ qua nhồi thịt, chiều thì ăn chè bắp với trái cây cúng rằm, tối thì ăn bánh xèo Đại Nam bên hẻm nhỏ đường Nguyễn Công Trứ, xong rồi lại ăn chè Thái bên đường Duy Tân. Toàn là khách hàng mời cả. Tính ra đi vòng vòng cũng gần hết Tuy Hòa.

Đúng là "sang" thật. Nếu không tính đến áp lực thì chính là nghề lý tưởng nhất vũ trụ. Mà hiện tại thì mình cũng đã thong thả rồi, hết áp lực rồi, giấy tờ thì đã chuyển, cũng được sếp xem qua. Ngày mai có đi làm khách hàng khác nữa, bắt đầu một việc mới, nhưng chuyện của ngày mai thì cứ để ngày mai, như người ta vẫn thường nói, "hôm nay có rượu, hôm nay say".

Đương nhiên ăn với khách hàng thì cũng không tính là thoải mái nhất, vừa ăn phải vừa cười nói để giao tiếp nữa. May mà buổi trưa chị kế toán chạy về nhà có công chuyện, không ăn với nhóm. Buổi tối thì ăn với khách hàng của nhóm khác, tính ra thì cũng có quen biết vì đã gặp lúc trước, nhưng ít có quan hệ công việc nên cũng thoải mái hơn nhiều. 

Chị kế toán buổi chiều gọi mình sau lưng là "tí". Nghe chị đồng nghiệp làm bên đó kể lại là vậy, nghĩ chắc chỉ quên tên mình. Đến Tuy Hòa có 2 nhóm làm ở 2 khách hàng khác nhau. Nhóm mình 3 người, nhóm bên kia 4 người. Mà chị kế toán của nhóm bên kia lại biết mình do một lần mình đến kiểm kê. Chỉ có gia đình rồi, nhưng nhìn cũng trẻ măng. Mà lúc mình nói qua điện thoại với chị, nghe đâu chị kể lại giọng mình già lắm, chị còn xưng là em nữa.

Chị kế toán buổi trưa bên khách hàng của mình thì nói chuyện cũng vui vẻ, thoái mái. Người Tuy Hòa chính gốc, cũng cỡ 44, 45 tuổi gì đó, có 2 con trai, đứa nhỏ đã học lớp 8. Tính tình cẩn thận vô cùng, nên số liệu cũng tương đối đơn giản. Hôm nay đúng ngày rằm nữa, làm xong một khách hàng còn dư nửa buổi chiều mới ngồi lại ăn chè cúng rằm xong về.

Tuy Hòa vẫn vậy, nhưng hôm nay nhận ra nó rất nhẹ nhàng, dễ chịu. Mình ghé Tuy Hòa vào buổi sáng đầu tuần. Tàu chạy nhanh, hơn 2 tiếng, khoản 6h đến hơn 8h30 sáng. Nơi mình đến là một khách sạn 2, 3 sao gì đó, nhưng tính ra thì cũng tầm cỡ đối với khu vực này. Nó nằm trên đường bờ biển còn tương đối nguyên sơ, chỉ tội là gió mạnh quá nên lạnh, còn biển thì xa xa không có núi, không hình thành vùng vịnh giống Nha Trang nên sóng cũng dữ, nên không thấy ai xuống tắm.Phòng của mình có cửa sổ hướng thẳng ra biển, buổi sáng dậy ngắm biển tại phòng luôn cũng đủ thoải mái. Buổi chiều thì tối quá không thấy gì, thêm nữa đường vắng vẻ nên cũng ngại ra đường vào ban đêm.

Tối ngày đầu tiên thì mọi người rủ nhau ăn một món ăn khác, gọi là món "dông nướng". Cũng tương tự như nem nướng Ninh Hòa, chỉ có điều đơn giản hơn nhiều, có "thịt dông" nướng lên, cắt miếng, cuốn bánh tráng, với một ít rau và chấm nước chấm. Nước chấm cũng có vị khác, chế biến đặc trưng, màu đậm hơn, ăn cũng vừa miệng. Sau này hỏi ra mới biết, "dông" là tên một loài động vật, giống giống với kỳ đà kỳ nhông gì đó, nhưng mà thời nay chắc khó kiếm lắm, nên 90% đều bị thay thế bằng thịt heo.

Tối ngày thứ 2 được người ta mời đi cafe bên chỗ Thuận Thảo, hình như là Nhạc Xưa gì đó. Mới biết được Thuận Thảo cũng rất lớn, hồi xưa giờ chỉ nghe nói đến xe Thuận Thảo, nhưng giờ ghé Tuy Hòa mới thấy nó có cả khu du lịch sinh thái, nhà hàng, cafe... Người ta ở đây là một anh nhân viên cũ của công ty mình, làm được vài năm rồi nghỉ, ra làm bên công ty khác. Đương nhiên trong tình hình ngày nay, chuyện đó cũng không kể là tốt đẹp, mà bên cạnh còn có vấn đề liên quan đến khách hàng nữa. Nhưng mà nhờ môi trường của công ty mình, mọi người đều chơi thân với nhau nên thỉnh thoảng gặp mặt cafe cũng là chuyện thường, dù công việc có gì đi nữa thì sau đó mọi người vẫn tính là bạn, vẫn tính là hiểu biết lẫn nhau, sống có tình có nghĩa.

Tối ngày thứ ba, chính là hôm nay, kết thúc một khách hàng. Buổi chiều ăn chè xong còn được người ta "ép" mang một mớ trái cây cúng rằm về nữa. Nói là "ép" chứ thực ra người nhận từ chối cho có lệ thôi, nhận rồi cũng vui vẻ. Sau đó mới dọn sang khách sạn Thanh Kim Anh này. Tính ra thì phòng cũng lịch sự, nhưng nhỏ hơn. Giá cả cũng rẻ, theo mặt bằng chung của Tuy Hòa. Cất đồ xong thằng bạn đồng nghiệp cùng phòng còn đòi rủ đi... mát xa nữa. Nó chú ý đâu sát bên cạnh khách sạn có quán mát xa, chú ý luôn cả giá cả rồi. Nhưng mà mình không có đi, dấn thân vào đời tốt nhất là phải biết giữ mình. Mình cũng không xem nó là cái gì xấu xa cả, nhưng tính ra cũng xa xỉ, dễ bị lung lạc, bớt chút nào được chút đó.

Tối nay cũng không có việc gì cả. Tranh thủ ngủ sớm một chút. Ngày mai đi làm việc với chị phó Giám đốc nên cũng cố gắng chuẩn bị tinh thần tốt cái đã. Nói chuyện với đồng nghiệp thì nhẹ nhàng thoải mái hơn là giao tiếp với sếp. Xong 3 ngày nữa ở Tuy Hòa rồi sẽ di chuyển ra Đồng Hới. Hết 1 tuần ở Đồng Hới rồi về ăn tết. Tranh thủ trước ngày nghỉ tết vài ngày còn tìm nhà trọ mới nữa. Nói chung thì việc vẫn nhiều, nhiều ơi là nhiều...

Tuy Hòa, ngày 15 tháng 1 năm 2014.

14 thg 1, 2014

Đường chinh chiến

Sương phủ điêu linh, khói lẫn trời
Đồng hoang cô quạnh, bóng trăng phơi
Bắt đầu một thuở đường chinh chiến
Mượn nẻo phong trần ngủ tạm nơi.

Khăn choàng che giấu tóc sương pha
Nép kín ưu tư dưới áo tà
Nước mắt và gai, ai dễ biết
Chỉ nhìn thấy được vẻ kiêu sa.

Sẽ về rửa sạch vết thương sâu
Đếm sẹo năm xưa tím tái màu
Rượu chuốc tràn ly, nghe kể chuyện
Một thời chinh chiến hát bên nhau...


(Thanh Trúc, Đường chinh chiến) 

(Tựa đề bài thơ lấy ý từ "Sắc màu" của Trần Tiến: "Một màu xanh lam, chấm thêm màu chàm. Thời chinh chiến đã qua rồi sắc màu tôi...")

Khói bụi trần gian

Em là khói bụi giữa trần gian
Bám lấy thân tôi nhúm lửa tàn
Những muốn vì nhau bừng sáng mãi
Ngờ đâu lửa tắt, hóa tro than.

Tôi hóa thành tro, lạnh lẽo rơi
Em bay theo gió đến chân trời
Chân trời lạ lẫm, không tri kỷ
Chỉ có ưu sầu chẳng nghỉ ngơi...


(Thanh Trúc, Khói bụi trần gian)

Lạc bước giang hồ

Mây chiều trôi dạt giữa hư vô
Sương giá buông trên kiếp liễu bồ
Lỡ chuyến ngựa hoang dừng quán lạnh
Lạc bầy chim mỏi đậu cành khô
Ngày xuân tôi hẹn đang gầy úa
Má phấn em về ngại điểm tô
Ghé hỏi trần gian ai đếm mộng
Còn chăng quên nhớ khách giang hồ...


(Thanh Trúc, Lạc bước giang hồ)

11 thg 1, 2014

Bay vào nhà tranh

Đâu còn người cũ mộng mơ
Nửa đời ngoái lại, xác xơ nghẹn ngào
Lầu son én ở nơi nào
Nắng mưa trú tạm, bay vào nhà tranh (1)

Anh thôi đuổi nguyệt dưới mành
Em rời đài cát, hóa thành cỏ may (2)
Cỏ may bám áo thô dày
Ưu tư ngồi gỡ, qua ngày qua năm...


(Thanh Trúc, Bay vào nhà tranh)


(1) Lấy ý từ thơ của Lưu Vũ Tích, bài "Ô Y hạng":
"Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tính gia"

nghĩa là những cánh chim én ngày xưa còn ở nhà họ Vương, họ Tạ, những nơi cao sang quyền quý, giờ thì đã bay vào những nhà dân tầm thường.


(2) Lấy ý từ ca dao:
"Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài cát, hạt ra ruộng cày..."

Trăng khuyết Ninh Hòa, mờ tỏ đất Nha Trang

Trăng đã khuyết rồi, mộng ở đâu?
Nha Trang đất lạ, kiếm hoài nhau
Giữa trời trăng lấy sương làm bạn
Ở dưới xa xôi, mộng đổi màu.

Trăng khuyết Ninh Hòa lạc chốn xa
Tìm nơi vô định bước không nhà
Đường trăng, ai xóa chân mây vắng
Để lại ngập ngừng những khách qua.

Khách qua dừng lại đất xa xôi
Không thấy trăng khuya khuất cánh đồi
Chỉ thấy mây bay về cõi lạ
Phong trần buộc tạm giữa đời trôi.

Phong trần bao thuở, vẫn lang thang
Ôm mộng phiêu du chẳng dễ dàng
Trăng khuyết Ninh Hòa, quê Đại Mỹ
Đêm còn mờ tỏ đất Nha Trang...


(Thanh Trúc, Trăng khuyết Ninh Hòa, mờ tỏ đất Nha Trang)

Mùa thu lấy chồng

Có lẽ mùa thu đã lấy chồng
Giờ ta còn lại chỉ mùa đông
Mùa đông rồi cũng theo người khác
Nương chút hơi xuân đỡ rét lòng.

Mùa xuân rồi cũng bỏ đi thôi
Những tiếng yêu thương nín lặng rồi
Mùa hạ lang thang dù có ghé
Cũng là ở tạm, cũng xa xôi.

Một sớm thu xưa chợt trở về
Lòng ta đã nhạt những say mê
E dè trên bước chân xơ dại
Đi giữa thu buồn, lạc lõng ghê...


(Thanh Trúc, Mùa thu lấy chồng)

Gió về thiên lý

Gió về thiên lý gieo hương
Người đi ngàn dặm, biết phương nào tìm?
Người đi còn lại trong tim
Một hình bóng cũ, im im đợi chờ...

Gió về thiên lý ngẩn ngơ
Viết thành lưu luyến bài thơ không lời
Đâu là ngõ cũ mưa rơi
Xuân trên lối mộng, ai người thương tâm?

Gió về thiên lý âm thầm
Bao la không đến, đến nhầm phù hoa...


(Thanh Trúc, Gió về thiên lý)

Tấm lòng này biết ngỏ cùng ai

Nghe trên phố những dấu chân dài
Thảng thốt chiều buông nắng nhạt phai
Sương đổ màn đêm, đêm chuyển lạnh
Tấm lòng này biết ngỏ cùng ai...


(Thanh Trúc, Tấm lòng này biết ngỏ cùng ai)

Có người từng nhớ em

Hết rồi những buổi lạnh lùng đông
Cô bé ngày xưa mới lấy chồng
Tự hỏi bao giờ em biết được
Có người từng nhớ, nhớ em không?


(Thanh Trúc, Có người từng nhớ em)


7 thg 1, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Liên minh ma quỷ

Đó là từ mà anh kế toán gán vui cho những con người kéo bè kéo cánh làm những việc xấu bên trong một tổ chức. Như vậy họ sẽ liên tục đục khoét, làm cho tổ chức xuống dốc. Trái ngược với "liên minh ma quỷ" chính là "liên minh thần thánh", họ phấn đấu, nỗ lực, liên kết với nhau tạo nên một sức mạnh khổng lồ, khắc phục mọi khó khăn làm cho tổ chức ngày một đi lên.

Mình không định viết về đề tài này sâu cho lắm, ít nhất là hiện tại. Chủ yếu là vì nó liên quan khá nhạy cảm đến nghề nghiệp của mình. Mà nghề nghiệp của mình, luôn có một nguyên tắc "treo" theo trên đầu, gọi là "tính bảo mật nghề nghiệp". Do đó, những thứ mình viết sau đây chỉ là những cảm giác mơ hồ, lạ lẫm của một cá nhân, sau một lần có thể nói là chứng kiến chuyện "thâm cung bí sử" đặc sắc nhất.

Đối với nghề của mình mà nói, đụng đầu vào những khách hàng như vậy là đau khổ vô cùng, từ cấp trên đến cấp dưới. Nhưng mà chỗ này khách hàng truyền thống, nên cũng ráng chịu. 

Từ sáng đến tối, mình ở lỳ ngoài công xưởng, rồi phải ra ngoài trời nữa. Nắng, gió, bụi, táp đầy đầu đầy óc. Quần áo thì khỏi nói, đem về nhà ngâm nước ra một mớ bùn. Còn cái mũi thì càng thảm hơn nữa, mất cảm giác đến tận sáng hôm sau. Đó là chưa kể phải lăn lộn trên xe hơn 2 tiếng đồng hồ để đi đến khách hàng, rồn hơn 2 tiếng để về. Mà tối mịt mới về. Vừa ngồi vừa cười tiếp khách hàng mà lo nén cơn say xe. May mắn cuối cùng cũng không say xe, nhưng mà mệt lả người.
  
Bù lại chút xíu, buổi tối về ngang đất Ninh Hòa, được khách hàng đãi một bữa ăn gà nướng. Tiếc là lúc này đuối lắm rồi nên không ăn được nhiều, nếu không cũng ráng mà càn quét. Trước giờ thì chưa ghé, giờ biết đường vào đó rồi, lần sau sẽ có cơ hội ghé ăn lại, coi như là một lần để mở rộng tầm mắt đối với đặc sản Ninh Hòa.

Buổi chiều lúc về ngồi nghe anh lái xe kể chuyện cho cô kế toán mới biết thế nào là hấp dẫn. Câu chuyện gần như xoay quanh tất cả mọi người ở đơn vị. Người này nói thế này, người kia nói thế kia, rồi những hành động y như phim hình sự. Sau cùng rút ra một bài học thế này: Sau sếp, ai mới là người lợi hại nhất công ty? Đương nhiên là... tài xế của sếp. Đó là người đi cùng sếp trên những quãng đường dài, ăn cùng sếp, nhậu cùng sếp, và quan trọng nhất, là tai mắt cho sếp. Nghe đâu trên xe tùy thời còn có ghi âm lại được nữa. Một bài học khác cho chính bản thân mình là không nên ăn nói lung tung, nói xấu sau lưng..., vì thế nào cũng có ngày bị ghi âm lại. 

Cũng nhờ nhưng câu chuyện của anh tài xế mà mình biết được cuộc đời không có người nào đơn giản cả. Người ta cười với mình, ăn nói ngọt ngào với mình, còn đãi ăn uống nhiệt tình nữa, nhưng bản chất con người ta ra sao, thì phải có thời gian mới chứng minh được. Không vội phán xét ai cả, nhưng cũng đừng vôi mà tin người.

Nói chung là kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi và ảm đạm, về nhà tắm giặt sơ sơ rồi lăn ra ngủ luôn. Cảm giác ngủ như chưa bao giờ được ngủ cả...

5 thg 1, 2014

Đám cưới - Khúc ca của mùa xuân

Đầu tiên phải nói luôn là, đám cưới không phải của mình. (Mặc dù nó vẫn luôn là ước mơ nho nhỏ mà mình theo đuổi từ lúc 20 tuổi đến giờ). Mình chỉ là nhân vật phụ, nhân vật chính đương nhiên là cô dâu và chú rể. Đầu đề mình đặt tên theo một ca khúc của Trịnh Công Sơn, bài hát "Hoa xuân ca", một trong những bài hát mà mình thích nhất.

Mình có dự định viết về những đám cưới mà mình tham gia lâu rồi, nhưng nhiều lúc cảm thấy không có nội dung gì để viết cả, cũng đi đến đó, bỏ phong bì vào thùng, ăn, uống, xong lại về. Chỉ là hôm qua vừa mới dự một đám cưới nữa, trên hòn đảo Champa Island xinh đẹp, uống cũng hơi nhiều, về phòng hơi say say, tự nhiên cảm thấy nên viết chút gì đó về những gì mình trải qua, để ghi lại chút kỷ niệm, mai mốt lỡ đâu có đám cưới của mình sẽ đọc lại để... rút kinh nghiệm. (Hoặc là đọc lại cho vui cũng được, không sao, miễn sao là có ngày đó được rồi.) Thế là mình bắt đầu viết.

Đám cưới đầu tiên mà mình chính thức đi dự với cương vị cá nhân của mình là đám cưới của thằng bạn học chung cấp 2. Hồi đó 2 đứa cũng chơi thân với nhau lắm, một thằng làm lớp trưởng, một thằng làm lớp phó. Sau này học hành xa xôi cũng ít tiếp xúc nên không còn được như xưa. May mà nó vẫn nhớ đến mình nên mình được... lần đầu đi ăn cưới. 

Hôm đó là một ngày tháng 3 mưa lớn. Đúng vào một ngày lễ được nghỉ học, thế là chạy ù về quê ăn cưới. Nhà nó cũng gần nên đội mưa đi bộ luôn, lội nước cũng kha khá, vừa lạnh vừa ướt nên cũng không uống nhiều. Tới đó trò chuyện chút xíu với bạn bè, gắp vài đũa xong về. Tính ra thì đám cưới cũng không có gì đặc biệt, có ăn, có uống, có xem pháo sáng, có xem ca nhạc... Nhưng vì đó là lần đầu tiên ăn cưới nên cũng khắc sâu vào trí nhớ đôi chút.

Đám cưới thứ 2, một chị cùng công ty, tại nhà hàng Angella gì đó ở Nha Trang. Cũng không có gì đáng nhớ, ngoại trừ việc mình chạy vào nhà vệ sinh nôn mấy lần, do lúc đó mới đi làm, còn chưa quen với bia rượu cho lắm. Anh chú rể thì cũng hiền, mà cưới vợ làm kiểm toán. Không phải mình nói gì ai chứ chắc là anh sẽ phải khổ dài dài. Từng có một lần mình đùa với anh chị bên công ty là chắc em không lấy vợ làm kiểm toán đâu, em không muốn bị bỏ mặc ở nhà với đủ thứ chuyện trong khi vợ em đi ăn uống với người khác. Vài lần thì không sao, nhưng nhiều lần sẽ thành ác mộng.

Đám cưới thứ 3, một cô bạn học chung năm cấp 3, tổ chức tại nhà. Lần đó sau nhiều năm đi học ở xa, bạn bè lâu ngày mới tụ tập đầy đủ một lần, nên cũng tương đối vui vẻ thoải mái. Xong tiệc còn rủ đi cafe ở thị xã nữa. Nghe tụi nó kể chuyện mỗi đứa mà cảm thấy vui vui, đứa này làm này, đứa nọ làm nọ, có đứa đang lận đận, có đứa tạm gọi là thành đạt, còn có đứa không về được, gửi tiền sau... Nói chung đêm đó cũng đáng nhớ. Mình cũng nói chuyện nhiều về mình, rồi dò hỏi được dăm ba cô bạn cùng lớp cũng có người yêu gần hết, tình cảm cũng thắm thiết, có cô cũng sắp chuẩn bị cưới nữa, tự nhiên cũng thấy hơi tiếc tiếc. Đó là một cảm giác rất mơ hồ, không có dễ miêu tả cho lắm.

Đám cưới thứ 4, lại là đám cưới của một chị đồng nghiệp. Trong những người làm việc cùng mình thì chị là một trong những cô gái khá dễ thương, nói nhiều nhưng rất trong sáng, gần giống với kiểu người mình thích, gọi là "trái tim thất khiếu linh lung". Tiệc cũng tổ chức ở nhà, cũng không có gì đặc biệt, ngoại trừ món ăn ngon hơn so với những đám cưới trước chút xíu. Và đương nhiên, đồng nghiệp thì cũng có lúc chúc ép nhau vài ba ly.

Đám cưới thứ 5, lại là một cô bạn học chung năm cấp 3. Đang làm việc ở một trường tiểu học ở quê. Lấy chồng cùng tuổi. Đám cưới này rất lớn, nghe đâu khoảng 500 bàn. Mời hết đồng nghiệp cả trường. Cũng không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc tan tiệc, một thằng bạn rủ về nhà nó gần đó làm hiệp phụ, cũng nhẹ nhàng thôi, gồm có bồ câu ram và ít bia. Mẹ của thằng bạn cũng làm giáo viên, cũng thường đùa cô dâu là... con dâu hụt của cô, nhưng do thằng con cô khờ quá... Đương nhiên đây chỉ là nói đùa thôi. Đối với những người ngang tuổi nhau, con gái thường trưởng thành sớm hơn con trai, do đó ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, thì thường tầm mắt con gái sẽ cao hơn...  Cũng trong tiệc phụ đó, quen biết vài cô dễ thương, toàn là bạn bè đồng lứa cả, nhưng chắc là ít có cơ hội tiếp xúc lần nữa. Một điều khá hay nữa là mình cũng rất thích và hâm mộ không khí bạn bè tụ tập đông đủ như vậy ở nhà ai đó, quậy phá một lần...

Đám cưới thứ 6, một thằng em họ, lớn hơn mình 1,2 tuổi gì đó. Chiều cao khiêm tốn nhưng cũng khá điển trai, nhìn cũng tương đối giống Cổ Thiên Lạc (ai xem phim "Cổ máy thời gian", chuyển thể từ truyện "Tầm Tần ký" của Huỳnh Dị thì biết). Đám cưới cũng ở quê, mình đi chung với mẹ mình với các cậu gì bên dòng họ. Đồ ăn thì tương đối kém, bia cũng hơi kém. Nhưng hoàn cảnh quê nhà thì cũng không thể đòi hỏi cao được. Một điều mà mình luôn hâm mộ thằng em đó là... cô dâu sắp có em bé rồi. Vào tình cảnh đó thì chắc không cưới là không được.

Đám cưới thứ 7, đám cưới gần đây nhất, diễn ra trên Champa Island, cũng của một chị đồng nghiệp làm khác phòng. Chị này tính tình cũng khá dễ thương, ít nói. Nhận thiệp mời của chỉ cũng hơi bất ngờ, vì trước giờ có nghe nói người yêu gì đâu chứ, hỏi thăm ra mới biết chồng chỉ làm giáo viên dạy công nghệ sinh học ở trường đại học Nha Trang. Như vậy cũng yên tâm là có nơi có chốn rồi. Lúc đó còn đùa có cơ hội em sẽ đi cướp cô dâu nữa. Cũng có tiếp xúc với anh đó, thấy tính tình chắc hơi kỹ tính. Nhưng mà lấy con gái kiểm toán thì có lẽ cũng phải đủ can đảm, và chịu thiệt thòi đôi chút. 

Nói chung là tất cả các đám cưới mình đều có thói quen sưu tầm lại những tấm thiệp mời. Có một chị đùa rằng chờ tới lúc em cưới rồi thử xem em có mấy tấm thiệp rồi. Mà lúc đó chắc nhiều à. Dù gì thì đôi lúc mình cũng còn trẻ con lắm. Chưa có ai để ý nên chắc là khó cưới ngay trong tương lai gần được. Mà con trai thì cũng không lo chuyện đó lắm, đến 30 tuổi chắc cũng còn trẻ chán. Lâu lâu lại lên mạng than với mấy đứa bạn là F.A, rồi kể chuyện để ý cô này cô nọ, nhưng thực ra đó chỉ là đùa cho vui thôi. 

Thuở trước có một cô giáo dạy chung trường với mẹ, mình cũng học với cô vài kỳ. Sau này đi dạy trường quê cũng gần nhà mình nên thường ghé nhà mình chơi. Cùng thường đùa rằng muốn mình làm con rể. (Đương nhiên, con người là động vật khó hiểu, trong đùa có vài phần của sự thật). Mình cũng cười cho qua thôi, con gái cô mình còn chưa gặp bao giờ nữa là. Nghe đâu nó cũng dễ nhìn lắm, nhỏ hơn mình một tuổi, ăn học đàng hoàng và... đáng tiếc là đang làm nghề giống mình. Mà không ai hiểu một nghề nào đó hơn người đang làm nó. Thế là cũng không đâu vào đâu cả.

Hiện tại thì nghề nghiệp của mình cũng chưa gọi là tương đối ổn định, thu nhập thì cũng chưa đủ để gánh vác một gia đình... Đương nhiên mình sẽ chọn một người sẵn sàng yêu mình dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nghèo khổ nào, sẵn sàng chia sẻ về mọi mặt. Nhưng mình cũng không muốn người yêu thương mình sẽ chịu khổ chung với mình. Dù hạnh phúc gì đi nữa thì cũng có một cơ sở vật chất tương đối vững chắc làm đảm bảo.

Gần đây có đọc một vài trang báo mạng linh tinh, kiểu như "đám cưới triệu đô" hay tương tự như vậy. Cũng cảm thấy hâm mộ đôi chút. Chạy theo vật chất không phải là kiểu người của mình. Nhưng mình sẽ phấn đấu để khoác lên người mình yêu một tấm áo cưới rực rỡ nhất có thể.

Nói chuyện này chắc còn dài lắm. Nói hoài chắc cũng không hết. Hiện tại thì mình vẫn độc thân. Lâu lâu lại trải qua vài cuộc gặp gỡ, nhưng cũng chẳng đi đến đâu cả. Mình sẽ không vì cảm giác cô đơn mà lo kiếm người yêu. Ít ra cũng phải yêu khi mình đã sẵn sàng, và điều quan trọng là phải có cảm giác rung động. 

Đương nhiên mình cũng không phải lần đầu bước ra đời, và cũng không phải là lần đầu rung động. Thương tích thì cũng có vài vết. Cũng đã qua rồi một thời "chim sợ cành cong". Giờ thì phải suy nghĩ thật nghiêm túc cho tương lai. Miễn sao không vì những vết thương trước đó mà đánh mất chính mình, đánh mất can đảm để dấn thân vào một con đường mới, một mối quan hệ mới...

Nhật ký nghề nghiệp: Lần thứ hai tác nghiệp trên quê hương Ninh Hòa

Phải kể đến lần đầu tiên, cũng cách đây khoảng 1 năm. Lúc đó mình còn giữ được sự trẻ trung và phấn khởi của một sinh viên lần đầu bước ra nghề, và sự tự hào của một người con đi bốn phương, cuối cùng cũng làm việc ở chốn quê nhà:

"Lần này tác nghiệp đất quê hương
Đã hẹn nên ta chẳng lạc đường
Điều ước nhỏ nhoi chân thực quá
Chẳng cần lưu lạc khắp bao phương"

(trích "Tác nghiệp trên đất quê hương")

Nghĩ ra không phải ai cũng may mắn giống như mình. Có nhiều đứa bạn vẫn long đong nơi xứ người, có đứa thì đi nơi này đến nơi khác nhưng vẫn xa xôi. Mỗi năm đến tết được về nhà một lần thì phải lo đủ thứ chuyện tàu xe. Mà ai cũng có một thời như vậy. Cơ hội, đương nhiên sẽ nhiều hơn. Nhưng cũng có một chút thiếu hụt nào đó.

Khách hàng ở quê mình, tức là ở Ninh Hòa, là một khách hàng tương đối lớn. Mình cũng tốn khá nhiều thời gian và tâm tư để làm việc. Được một điều là ở trên đất quê mình, và làm việc với con người quê mình nên cũng thoải mái dễ chịu hơn. Nhưng điều dễ chịu nhất là buổi trưa được chạy về nhà, ăn một bữa cơm trưa với mẹ, sau đó ngủ trên chiếc giường quen thuộc một nửa giấc, buổi chiều chạy đi làm tiếp.

Khách hàng này có một mảng lĩnh vực kinh doanh rất... đặc biệt. Đó là dịch vụ tang lễ. Và đương nhiên, điểm nhấn trong chuyến công tác lần này đó là đi đếm... quan tài. Vừa đếm mà vừa xem qua xem lại, coi thử ai nằm vừa cái nào, cái nào. Thiếu điều muốn nhảy vào nằm thử luôn đó. Đương nhiên là mình không có can đảm như vậy. Cũng có một điều khá may mắn là quan tài toàn mới, chưa có ai nằm cả nên đỡ mùi tử khí. Trước tới giờ mình cũng đếm nhiều rồi, tiền mặt thì có tới hàng tỷ, đá, gỗ, đồ đạc, hàng tiêu dùng, hóa chất, rượu, bia, nước giải khát, nông sản phẩm, điện thoại, thẻ cào... đều có đủ, cảm giác rất bình thường. Chỉ duy có lần này mới được xem là đặc biệt. Số lượng cũng ít nên việc đếm cũng dễ dàng, kết thúc sớm.

Mình cũng có một thằng bạn cấp 3 làm việc ở công ty này. Công việc của nó cũng an nhàn và ổn định. Sáng đi, trưa về, trưa đi, chiều về. Cảm thấy hâm mộ nó vô cùng. Ít ra thì nó không phải chịu cảnh cơm bụi nhà trọ như mình. Lâu lâu lại tự an ủi mình rằng, có cơm ăn đã là tốt lắm rồi. Mặc dù là cơm bụi nhưng ít ra cũng không phải bị đói. Có thiếu chất hay không quen miệng gì đó thì cũng ráng nhịn, cuối tuần chạy về ăn cơm nhà với mẹ.

Ninh Hòa là một địa danh khá quen thuộc với những người đã từng đi từ bắc vào nam hoặc ngược lại. Đó là nơi dừng chân của tuyến xe lửa. Ga Ninh Hòa cũng không lớn lắm nhưng cũng được nhắc đến trong những chuyến xe lửa, có thể tính là cửa ngõ để chuẩn bị vào Nha Trang. Ngày xưa lúc mình còn học ở quê thì nó gọi là thị trấn, trực thuộc huyện, sau này đi học đại học về, lại gọi thành thị xã. Nhiều khi trên giấy tờ của mình vẫn quen ghi là huyện Ninh Hòa. Gọi là thị xã oai thì có oai, nhưng không quen miệng cho lắm.

Nhắc tới Ninh Hòa, đương nhiên nơi nổi tiếng nhất vẫn là sông Dinh. Gần sông Dinh có chợ Dinh, sau này xây mới lại, đổi tên là chợ Ninh Hòa. Bắt qua sông Dinh có 2 cây cầu, cầu Dinh và một cây cầu mới xây, người ta không biết gọi tên nó là gì mới gọi thành cầu Dinh 2. Người đi nam bắc sẽ không có dịp đi vào Ninh Hòa mà chỉ có thể chạy theo đường mới ở ngoại vi. Chỉ có người đi lên Đắk Lắk qua quốc lộ 26 mới được chạy vào trung tâm thị xã rồi cua lên. Chỗ cua đó, ngày xưa gọi là "ngã ba Bùng Binh", hồi xưa đúng là ngã ba thật, sau này xây thêm một con đường mới, gọi là đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh, nó biến thành ngã tư. Nhưng người ta vẫn quen gọi là ngã ba Bùng Binh.

Đường mới Nguyễn Thị Ngọc Oanh có thể được gọi là con đường "ăn chơi" nhất thị xã Ninh Hòa. Người ta cũng có thể ghé chợ Ninh Hòa để nếm nhiều món ngon vật lạ, nhưng muốn cafe, ăn nhậu thì phải ghé Nguyễn Thị Ngọc Oanh. Nói về cafe thì trên con đường này có rất nhiều quán cafe nổi tiếng nằm sát nhau, kiểu nhà vườn, có thể kể ra: Hương Cau, Nguyệt Cầm, Cội Nguồn... Giá cả thì cũng tương đối cao, cỡ đâu gần gấp rưỡi so với những quán cafe Nha Trang. Đây cũng là những nơi mà thỉnh thoảng về nhà mình cũng thường hẹn vài đứa bạn cấp 3 gặp mặt nói chuyện lung tung. Bạn bè thì cũng đi xa tứ xứ hết, gặp đứa này thì đứa khác đã không còn ở quê nữa. Có vài đứa cũng làm ở quê nhà nhưng chủ yếu là con gái, chồng con cũng gần hết nên mỗi lần rủ đi họp mặt cũng ngại.

Về ăn nhậu thì nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh mọc lên vô số quán nhậu, quán bún, quán ốc, quán chè trái cây, quán bánh xèo. Nhưng nếu nói về bánh xèo thì phải biết đường đi vào những ngã rẽ nhỏ xíu mới tìm được quán ăn ngon. Bánh xèo Ninh Hòa cũng tương đối giống bánh xèo ở nơi khác, cũng bột, giá, thịt, tôm, mực.. nhưng giòn hơn, và đặc biệt có nước chấm kiểu chế biến bởi thịt, tôm xoay, ngon ngọt vô cùng. 

Nhắc tới Ninh Hòa, người ở nơi khác thường không nói tới bánh xèo, họ thường nói tới nem Ninh Hòa. Nem Ninh Hòa tươi ngon, làm bằng thịt xoay, bì xoay và một ít gia vị khác, được gói bằng lá chùm ruột, không có bao bì bằng nhựa mà được bọc ngoài bắng lớp lá chuối thật dày. Đợi cho nem chua lên, lớp lá chuối ngoài cùng đã đổi vàng, lột sạch ra, còn chừa lại một ít lớp lá chùm ruột, chấm mắm và ăn kèm với miếng tỏi, hấp dẫn vô cùng. Muốn thêm hương vị thì kiếm thêm một ít bia Tiger hoặc rượu trắng. Bí quyết ngon một phần là do nước mắm đặc chế, đỏ rực màu ớt, keo keo, ăn vào vừa cay vừa ngọt.

Nem Ninh Hòa ngon, nhưng thứ nổi tiếng cả nước, "nem Ninh Hòa" mà người ta thường nhắc đến, không phải là món nem đó, mà là một loại khác, gọi là "nem phần". Sở dĩ gọi như vậy vì khi ra quán, người ta thường kêu cho một phần nem, hai phần nem... Đó là thịt xoay nhuyễn, có gia vị, đem làm thành từng que, nướng trên than hồng, ăn chung với bánh tráng mặn, với chả ram, và đủ thứ loại rau cỏ khác: đồ chua, chuối chát, khế, xà lách, tía tô, ngò, húng, hẹ, dưa leo... Bánh tráng Ninh Hòa có nhiều loại, có to, có nhỏ, có nướng gừng ngọt, có nướng mè mặn, có mềm, cứng, mỏng, dày, nhưng chỉ có 1 loại ăn với nem Ninh Hòa là hợp nhất, đó là loại bánh tráng mặn trắng, cắt làm đôi cỡ bằng 2 bàn tay. Cảm giác xếp từng loại rau cỏ thịt vào bánh tráng, rồi nhìn cẩn thận xem còn có thiếu thứ gì không, rồi cuốn ép lại, quyệt vào nước chấm rồi đưa lên miệng cắn một cái, chưa nghĩ đến mà nước bọt đã ứa ra. Nước chấm, đương nhiên cũng là loại chế biến với đầy đủ thịt tôm mực xoay nhuyễn, có thêm nếp để có độ kết dính, keo keo. Cách chế biến và thành phần cụ thể thì thuộc loại gia truyền của từng nhà làm nem, không tiết lộ ra bên ngoài. Nem phần Ninh Hòa có bán ở hầu hết mọi nơi trên đất Ninh Hòa, nếu mua ở quán sang như quán nem Bà Năm (đi theo đường sau chợ Ninh Hòa) thì khoảng 30 ngàn 1 phần, còn nếu mua ở ngoài chợ hoặc những quán bên lề đường thì dao động từ 15 đến 25 ngàn. Đương nhiên, 1 phần chỉ đủ cho 1 người ăn tạm gọi là lưng lưng. Nếu muốn no thì kêu 2 người 3 phần. Đương nhiên, món gì cũng vậy, không nên ăn quá no, ăn được lưng lưng mới có cảm giác thòm thèm để mà lần sau còn ghé tiếp.

Ninh Hòa còn nổi tiếng với nhiều loại đặc sản khác, trong đó có bún cá Ninh Hòa, vịt lộn Ninh Hòa, cút nướng, cút chiên bơ... Thỉnh thoảng chạy về nhà, mình cũng ghé ngang chợ mua một ít, đủ 2 mẹ con mình ăn. Lâu lâu có anh mình về nữa, mua thêm vài lon bia, cụng ly một cái cũng có không khí gia đình.

Đường về nhà mình phải đi dọc quốc lộ 26. Nhìn bên tay trái, đoạn chỗ rẽ vào Ninh Bình, có một quán bánh ướt, tên là "Bánh ướt số 1", cũng tương đối nổi tiếng. Bánh ướt xếp vào từng dĩa nhỏ, quyệt lên một ít mỡ hẹ, gắp nhúng vào nước chấm, hấp dẫn vô cùng. Nguyễn Hữu Tài, một tác giả người Ninh Hòa, hiện tại đang định cư tại Mỹ, đã dành một trong những trang viết trang trọng nhất trong cuốn "Chồm hổm giữa chợ quê" để viết về "Bánh ướt số 1". Hồi đó mình cũng có may mắn mua được 1 cuốn về đọc, phải chạy tìm tới tận nhà tác giả để được chiết khấu gần 30%...

Chạy ngang qua "Bánh ướt số 1" được 1 đoạn nữa là tới cầu Bến Gành, qua một đoạn nữa là tới ngã ba "Bảy Búa", rẽ vào bên phải cũng gặp nhiều quán dọc đường. Đi buổi sáng có thể gặp chợ trái cây người ta bày ra 2 bên đường, bún cá, cháo... Đi buổi chiều thì có thể gặp quán bánh mì, trứng lộn, quán nem... Rẽ vào đi chút nữa là đường chia làm 2. Rẽ bên tay trái gọi là "ngõ trên", rẽ bên tay phải gọi là "ngõ dưới". Cả 2 đường đều có thể đến được nhà mình, đường đi đã được lát bê tông hết nên cũng dễ đi. "Ngõ trên" thì gần hơn một chút, nhưng phải qua một cánh đồng rộng, qua một cái cầu gọi là "cầu Hai Trại", chân cầu là một cái bờ tràn nhỏ. Đường này tương đối hoang vắng nên buổi tối ít đi thì hơn. (Vấn đề an ninh thì mình không chắc). Gặp mùa lụt thì chỗ bờ tràn nước chảy rất xiết, người xe đều không qua được. Đi hơn chút nữa, ngang qua xóm nhà thờ, đi đến trường tiểu học Ninh Thân, nơi ngày xưa mình từng học, rẽ vào tay trái đi hơn 100 mét là đến nhà mình. "Ngõ dưới" thì hơi xa một chút, đi qua chợ Chấp Lễ, đi theo đường chính vòng vèo một xíu, cua vào tay trái theo lối cầu "ông Lất" một chút nữa là đến nhà mình. Hỏi thăm mình đương nhiên là không ai biết, nhưng hỏi thăm mẹ mình thì người ta có thể chỉ vào đến tận nhà... Tính thời gian xe máy chạy thì từ quốc lộ 26 về nhà mình khoảng 15, 20 phút.

Nghỉ phép ở nhà được 1 ngày, rủ mấy đứa bạn ra cafe Nguyệt Cầm ngồi chơi rồi sáng hôm sau lại lên đường vào Nha Trang. Coi như là xong những ngày đầu năm mới của mình. Mệt thì có mệt, cũng hơi áp lực, nhưng được về nhà là khỏe lại như cũ. Sếp mình cũng tâm lý vô cùng, biết thằng này nhà ở Ninh Hòa nên sắp xếp cho nó làm ở khách hàng đó luôn, tiện đường về nhà...

Nhật ký nghề nghiệp: Sài Gòn ghé lại một mình ta

Chặng tiếp theo đến Sài Gòn lẽ ra phải nằm trong chuỗi chuyến đi công tác một mình của mình. Nhưng mình cố ý tách ra riêng thành một chủ đề mới. Có lẽ vì Sài Gòn trong ký ức của mình vẫn còn mang một cái gì đó rất quan trọng. Cũng giống như người ta vẫn thường nói:

"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn..."

Kỷ niệm ngày xưa nhiều lắm. Nhiều lần cũng tự nhắc mình không nên sống hoài trong ký ức như vậy, nhưng cũng không nỡ quên đi nhiều thứ. 

Xe Phương Trang chuyển bánh vào đúng 7h tối ngày 30 tháng 12. Một đêm băng giá và khó ngủ. Lên tàu thì mình có thể ngủ ngon hơn, nhưng lên xe thì khác. Có lẽ là bị ám ảnh những ngày say xe thời đi học. Bây giờ đã đỡ bớt rồi, nhưng vẫn còn chút sợ sợ. May mà tối hôm đó cũng không bị sao cả, chỉ là có đôi chút khó ngủ. 

5h sáng mình ghé Sài Gòn, tranh thủ kiếm một quán nước gần đó nghỉ ngơi một chút, thiếp đi một chút. 8h sáng đợi khách hàng đón gần chỗ Suối Tiên. Khu vực này ngày xưa cũng tương đối ít đi nhưng cũng có đôi chút cảm giác về phương hướng, không bị lạc hướng hoàn toàn.

Khách hàng này cũng đơn giản, chỉ có một điều tương đối khó khăn là ở xa khu vực trung tâm quá nên phải đi nhờ xe người ta. Mà người ta cũng nhiệt tình, hỏi gì cũng nói, rồi buổi trưa nhân ăn sinh nhật một chị kế toán mà được đãi một bữa bánh pizza, bánh kem với nước ngọt. Buổi chiều thì người ta chở mình đến tận bến xe buýt.

Xong khách hàng này, thở dài luôn. Xem như là kết thúc ngày cuối cùng của năm. Ghé lại khách sạn quen thuộc trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngủ một đêm rồi sáng mai đón năm mới bằng một khách hàng mới. Đêm đó Sài Gòn có bắn pháo hoa những cũng chẳng buồn đi xem, mệt quá nên cứ ngồi lỳ ở khách sạn, xem pháo hoa qua tivi.

Buổi chiều có hẹn một đứa bạn rủ nhau đi ăn tối, nhưng chờ hoài không biết sao nó không liên hệ lại, đói bụng quá nên đi ăn một mình. Lúc đó cũng giận lắm, nhưng mà mình không giận lâu được, đến hôm sau thì thôi. Đương nhiên sau này có cơ hội vào Sài Gòn lại phải phạt nó thật nặng mới được. Bạn bè cách biệt nhau cả năm trời rồi, giờ gặp lại cũng khó quá chừng.

Buổi tối có một ông anh làm chung công ty cũng ghé khách sạn, ngủ ké một đêm. Xong sáng mai đường ai nấy đi. Người ta về Biên Hòa, còn mình ra Thủ Đức. Nói là đường ai nấy đi, nhưng thực ra thì tình cảm đồng nghiệp cũng không đến nỗi tệ, anh cũng vui tính, dễ gần. Có điều mình chưa giao tiếp nhiều nên cũng có rào ngăn. 

Sáng hôm sau đi xe buýt ra đến ngã tư Thủ Đức, đứng chơi gần Co.opmart chờ khách hàng tới đón. Anh khách hàng là người quen, trước đã làm việc rồi nên cũng dễ nói chuyện. Điều đặc biệt là lần công tác này có thêm sự xuất hiện của 2 đồng nghiệp của mình. Gọi là đồng nghiệp cho dễ gần, chứ thực ra chỉ là người làm cùng nghề, và khác công ty. Một nam một nữ. Lúc đầu cũng xa cách lắm. Sau này nghe người ta nói chuyện mới biết, có một bạn nam học K35. Tự nhiên cảm thấy vui vui. Sau lại hỏi thêm nữa, quê ở Ninh Hòa, lại cảm thấy thân thiết vô cùng. Cũng may là nhờ đó nên trong quá trình làm việc với nhau cũng có trao đổi qua lại, dễ nói chuyện hơn. Buổi trưa khách hàng mời mọi người đi ăn chung. Buổi chiều ké taxi của bạn đó ra bến xe Miền Đông. Đương nhiên cũng không dám nhờ người ta chở mình ra thẳng bến xe mà chỉ đề nghị taxi dừng gần đó, rồi xuống đi một khoảng đâu hơn 1 km. Cũng muốn bắt xe buýt hoặc taxi đi cho đỡ mệt, nhưng lâu lắm rồi mới quay lại Sài Gòn nên cũng tận hưởng những phút giây đi bộ và ngắm khung cảnh bên ngoài. Có đi ngang một cái cầu gần bến xe, hình như cầu Bình Triệu hay cầu gì đó. Trước khi xuống xe còn xin số điện thoại của bạn đó nữa, hẹn có dịp sẽ mời cafe Ninh Hòa. (Dù gì cũng đi ké taxi của người ta hơn trăm ngàn, nếu không có gì trả lễ thì cũng thiếu lịch sự).

"Đồng nghiệp" còn có 1 chị nữa, lớn hơn mình một tuổi. Lúc đầu nói chuyện ngang ngang thôi, sau hỏi ra mới biết người ta là con gái miền Tây, ở An Giang, Tiền Giang gì đó. Mới cảm thấy con người cũng không tệ lắm (dù sao thỉnh thoảng mình cũng hâm mộ con gái miền Tây). Sau này về công ty, lên facebook tìm hiểu (điều này cũng dễ, chỉ cần vào face của thằng bạn làm bên đó, rồi tìm bạn của bạn là ra ngay), mới vỡ ra là người ta có chồng rồi, còn có một em bé kháu khỉnh nữa. Tự nhiên cảm thấy tiếc hùi hùi... Đương nhiên sau đó mình cũng quên ngay. Cảm giác rung động đối với con người, cũng chỉ đơn thuần là mỹ cảm trước tạo hóa và nghệ thuật. (Viết tới đây tự nhiên cảm thấy mình hơi ngụy biện một chút, nhưng không sao cả, dù gì thì mình cũng được bạn bè gọi là "thi sĩ" mà).

Nói về khách hàng, anh kế toán cũng quen thuộc, năm trước còn nhậu với ảnh nữa. Có quen những anh chị khác bên kho, cũng khá thân thiện. Có một chị cũng nhớ được tên mình, do năm ngoái có gặp, nhưng mà mình chẳng nhớ ra tên gì. Sau này nói chuyện mới biết được tên, còn hẹn chị sau đó sẽ gặp lại vào dịp khác nữa. Đương nhiên chắc chắn là sẽ gặp lại, chỉ có điều lúc đó là công việc căng thẳng không biết có mở miệng cười đùa với người ta vài câu không nữa. 

Vậy là tạm gọi là xong, kết thúc một ngày đầu tiên của năm mới. Không được nghỉ tết Dương lịch, nhưng bù lại được công tác phí gấp 3 lần, cộng với một ngày lương và một ngày nghỉ bù. Cảm thấy an ủi đôi chút. Nhưng mà nếu không có gì thì mình vẫn sẵn sàng. Đó không chỉ là công việc, đó là trách nhiệm đối với bản thân.

Xe Phương Trang không còn chuyến về Nha Trang, chỉ có thể đi ké chuyến Đà Nẵng, người ta dừng lại bỏ mình xuống ở Ngã Ba Thành. Nhắc tới xe Phương Trang mới thắc mắc, nghe đồn "Phương Trang" nói ngược là "Phan Trương", không biết có đúng không nữa. Mà đi xe này lâu cũng cảm thấy nghi ngờ một chút. Tối đó gần xuống xe, để ý thấy bác tài chạy tới hơn 80km/h. Đương nhiên đó là lúc ban đêm, còn lúc ban ngày thì cũng chạy như bình thường.

Đoạn đường về lúc nào cũng ngắn hơn, và đỡ mệt hơn. Nằm ghế hàng cuối nhưng mình cũng không bị say xe. Thỉnh thoáng ngóng qua cửa kính phong cảnh 2 bên đường, cảm nhận cuộc sống trong từng hơi thở. Cuộc sống thì vẫn vậy, mình cũng vẫn vậy, mọi thứ đều bình thường. Nhưng điều đẹp nhất, và đặc biệt nhất, đương nhiên là cảm giác của mình đối với cuộc sống. Lúc xe chạy qua Biên Hòa, đoạn có những rừng cao su bao phủ, mình có cảm giác như xe chạy qua một mê cung. Nhìn ngang thì từng dãy cao su xa tít tắp, kết thành một con đường dài, chuyển qua liên tục theo từng đợt bánh xe lăn. Nhìn xiên xiên khoảng 45 độ thì thấy như là một ma trận của ảo giác, để cho đôi mắt thả lỏng sẽ thấy từng gốc cây di chuyển liên tục, cộng thêm sự phức hợp của số lượng, làm mình nhớ đến một từ, "trận pháp".

Bắt taxi về tới công ty thì hơn 12h đêm, gọi nhờ chú bảo vệ mở cửa để lấy xe máy rồi vọt thẳng về nhà trọ. Vừa đói vừa lạnh. Kiếm chút xíu gì đó để ăn. Kém may mắn một chút là cổng ngoài nhà trọ bị khóa, phải gửi nhờ xe máy ở một người quen gần đó rồi... leo rào vào. Gọi là leo rào chứ thực ra cái cổng thiệt to, người ta cố ý chừa một ô nhỏ ở dưới, kiểu như ô cho... chó mèo qua lại. Mình cứ chui vừa ngỏ đó mà vào. Lần đầu tiên có trải nghiệm thú vị (và cũng cay đắng) như vậy. Buổi tối ăn một chút xíu rồi lăn đùng ra ngủ.

Kết thúc ngày đầu năm xui rủi kinh khủng. Nhưng mình cũng không lấy gì là quan trọng, sau đó cũng quên ngay. Điều đáng tiếc là ở Sài Gòn tới gần 2 ngày mà không gặp được một người bạn nào cả. Chỉ có gọi điện hỏi thăm một ông anh - đồng chí của mình. Ảnh đòi gặp, nhưng lúc đó xe cũng gần chạy rồi nên thôi, hẹn dịp khác. Nhắc đến mới nhớ, mình chưa viết một bài nào về anh cả. Có mời về nhà 2 lần. Mẹ mình cũng quý lắm. Hôm nào phải viết một bài mới được.

Ngủ ở phòng trọ đúng 3 tiếng đồng hồ. Sáng hôm sau dậy thật sớm, vọt về Ninh Hòa. Lần này sẽ là lần thứ 2 mình "Tác nghiệp trên đất quê hương". (Tên một bài thơ cũ của mình).

Nhật ký nghề nghiệp: Những ngày đi một mình (3)

Từ Đồng Hới về tới Tuy Hòa, mình đi hết gần 12 tiếng. Khoảng 10h tới được Tuy Hòa, ghé vào một khách sạn gần chỗ khách hàng, tranh thủ tắm giặt một chút, kiếm chút gì đó ăn rồi lăn đùng ra ngủ. Cảm giác được tắm nước nóng rất thoải mái. Những ngày ở Tam Kỳ và Quảng Bình trước đó, do rét quá nên mình cũng lười tắm, chỉ tắm được 1 lần rồi thôi. Cũng may là mặc nhiều áo lạnh nên không ai biết là ở dơ lâu ngày.

Mình là một giấc đến tận chiều. Cũng do đi tàu xe hoài nên khó có được 1 giấc nguyên vẹn. Chắc có lẽ chỉ những người thiếu ngủ mới biết được giá trị một giấc ngủ sâu nó như thế nào. Buổi chiều khi mình đã tương đối hồi phục lại, mình mới bắt đầu tham quan Tuy Hòa, tận hưởng ngày chủ nhật hiếm hoi ở đất khách quê người.

Khách sạn An Phát giá cũng tương đối hợp lý. Phòng rộng rãi thoáng mát. Đặc biệt nó nằm ở vị trí khá thuận lợi: Đi bộ từ ga Tuy Hòa đến khách sạn 5 phút. Đi từ khách sạn đến chỗ khách hàng của mình 5 phút, và lội bộ đến địa điểm du lịch đầu tiên của mình, tháp Nhạn, hết 10 phút.

Tháp Nhạn là một công trình kiến trúc cổ của người Chăm-pa. Cũng giống như Tháp Chàm ở Nha Trang, nhưng kiến trúc không hình thành quần thể mà chỉ có đơn giản 1 tòa tháp. Bù lại Tháp Nhạn ở vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm ở trên một ngọn đồi khá cao, ở cổng ra vào thành phố Tuy Hòa. Đứng trên này có thể nhìn bao quát gần hết thành phố, và nhìn được một phần con sông Đà Rằng. Nói chung khung cảnh rất hùng vĩ. Điều đáng tiếc là lúc mình đặt chân lên đỉnh ngọn núi là vào một ngày mùa đông lạnh giá, mây mù giăng kín bốn phía nên phong cảnh có phần thê lương. Mặc dù đi bộ cũng khá nhiều, nhất là đoạn leo những bậc thang lên ngọn đồi, đủ mệt nhưng do thời tiết khá lạnh nên cũng không cảm thấy chảy đổ mồ hôi. Ngồi một lúc trên chiếc ghế đá, tranh thủ chụp vài tấm ảnh, ghé thăm tượng Quan âm gần đó rồi leo xuống.

Địa điểm thứ 2 mà mình tranh thủ ghé đến có cái tên rất thi vị: "Hồ Sơn cổ tự". Đó là một ngôi chùa cổ, nằm lẻ loi trên một cánh đồng ngay trung tâm thành phố. Đây là khu vực tương đối vắng người. Mình lội bộ mất gần 20 phút mới đến được. Nếu đi taxi thì nhanh hơn nhưng mình nghĩ đường đi ngắn, đi chùa như vậy mới thành tâm. Điều đáng tiếc là khi mình đến, chùa vắng hoe, cổng khóa kín. Trước cổng nhà chùa còn ghi một tấm biển, nội dung kiểu đại loại như nhà chùa vừa mới bị mất con chó, nên đóng cửa hạn chế trộm cắp, quý khách muốn vào tham quan xin liên hệ số điện thoại... Điều này làm cho mình cảm thấy khá hụt hẫng. Bảo vệ tài sản đương nhiên là tốt, nhưng không phải vì 1 người phạm tội mà đem lòng nghi ngờ tất cả mọi người trên thế gian... Cũng có thể là mình tương đối khắc khe. May mà lúc đó có một bác nông dân cũng có việc vào chùa, nên gọi cổng chùa cho sư thầy mở cửa. Mình vái chào thầy và xin phép tham quan một chút. Một điều tương đối buồn nữa là có một thầy khác mới từ đâu đi về, chạy xe SH bóng loáng vào trong chùa. Mình không nghĩ người xuất gia lại giàu đến thế, và coi trọng ngoại vật như vậy. Tiếc thay cho một ngôi chùa nổi tiếng trăm năm. Phải chăng đây có tính là "thời kỳ mạt pháp"?

Rời đi ngôi chùa trong tâm trạng rối bời, buổi tối mình có ghé thăm một địa điểm khác, đó là nhà thờ thành phố. Mình cũng quên mất tên nhà thờ, chỉ biết đó là nhà thờ lớn nhất thành phố, cũng đi bộ từ khách sạn mình mất 5 phút. Đúng vào dịp cận lễ Noel, du khách đến đây chụp ảnh khá đông. Nhà thờ cũng được trang trí khá công phu và bắt mắt với tượng chúa, cây thông và dàn đèn rất đẹp. Đáng tiếc là vẫn chưa tới Noel chính thức nên mình không xem được màn biểu diễn của các em thiếu nhi. Tự nhiên cảm thấy tôn giáo này phát triển mạnh không phải ngẫu nhiên, mà người ta có một nền tảng vật chất và biết tương trợ nhau, tương thân tương ái. Đặc biệt là vẻ hào hoa của nó thu hút rất nhiều người trẻ tuổi. Tiếc là mình đến có 1 mình, nên cảm giác không được vui vẻ như người ta. Cũng chính tại nơi đây mình đã viết nên câu thơ: "Đâu là chân thực, đâu là phù hoa". Có thể tính là một câu hỏi còn chưa có lời giải đáp.

Ghé thăm đủ 3 địa điểm, một tháp, một chùa, một thờ, tối đó mình mệt nhoài, tranh thủ mua một ít bánh tráng nướng Tuy Hòa ăn thử cho biết rồi về khách sạn ngủ. Tình cờ quen được cậu bé bán bánh tráng khá thú vị, hiền, và thích giúp đỡ người khác. Nhưng chắc là mình chỉ có cơ hội gặp 1 lần, cũng không biết giờ nào phút nào mình còn ghé tiếp để gặp nữa. Cuộc đời, vẫn luôn là như vậy, chợt gặp rồi chợt đi, khi hội đủ nhân duyên và khi đã hết nhân duyên...

Vị khách hàng tại Tuy Hòa lần này có thể tính là một trong những khách hàng khó tính nhất. Người ta nói chuyện mà không chịu nhìn thẳng vào mắt mình, gần giống như coi thường vậy. Những cái bắt tay thì lạnh băng, lỏng lẻo, hời hợt. Cũng may đó chỉ là một số ít. Theo xe người ta đi đến một khu công nghiệp ở xa bên ngoài thành phố, cũng gặp được những khách hàng khác, vui vẻ thoải mái hơn. 

Chị thủ kho tương đối lớn tuổi, có con cũng độ tuổi mình. Buổi trưa ngồi nghe chị kể chuyện công việc mà rất thán phục cho chị, có thể tính là điển hình của người phụ nữ lao động sản xuất giỏi. Nghe đâu lúc học lớp 7, lớp 8 gì đó, chị đã biết phụ giúp gia đình trồng trọt, rồi ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn nữa. Chị kể lại rằng năm đó nhà chị trồng ớt rất nhiều, nhưng cũng không thu vào bao nhiêu do giá giảm. Mà giá ớt thì ôi thôi, lúc được giá 40, 50, 60 ngàn 1 ký cũng có, mà lúc mất giá thì 2 ngàn, 3 ngàn 1 ký. Quê mình cũng có nhiều người trồng ớt nên mình cũng hiểu đôi chút. Sau đó chị mới quyết định cải tiến sản xuất bằng cách đắp đất vào thềm nhà, om trước cây con. Lúc thời tiết thuận lợi, nước lũ đã rút hết, người ta bắt đầu gieo trồng thì chị đã có cây lớn hơn 15, 20 ngày để đem ra ruộng. Sau đó chị ứng dụng lời thầy giáo dạy là phân NPK sẽ kích thích rễ gì đó, nên mua phân về bón. Nhờ vậy mà lứa đó nhà chị thu hoạch trước nhà người ta, lúc giá ớt đang cao...

Ăn trưa với chị tại nhà ăn của công nhân, suất ăn cũng đơn giản đạm bạc. Sau buổi chiều thì nhờ ké một anh kế toán chở về lại Tuy Hòa. Anh cũng nhiệt tình, đòi chở đến khách sạn. Cám ơn anh rối rít. Cũng may gặp được những con người như vậy mà công việc của mình, nghề của mình cũng được an ủi đôi chút.

Buổi chiều tranh thủ tàu sớm về Nha Trang. Nhưng không dừng ở Nha Trang, mình tranh thủ xuống ga Ninh Hòa. Chị nhân viên tàu hỏa còn hỏi sao lại xuống ga này. Mình nói em xuống thăm người thân. Chị cố ý không nghe hay sao đó, rồi hô to lên khiến cả toa cùng nghe: "Thăm người yêu à?" Làm mình bối rối vô cùng.

8h tối rồi còn bắt mẹ chạy xe ra ga đón. Xe máy của ba để lại, máy cũng gần hư hết, đèn thì mờ mờ, còi bấm không kêu, đèn tín hiệu thì chập chờn. Vậy mà cũng chở được 2 người về tới nhà. Đoạn về là mình giành chở. Dù sao xe cũng có giá trị kỷ niệm nên mẹ mình không nỡ bán đi. Buổi tối ăn một bữa cơm nhà. Tranh thủ gọi điện xin phép sếp nghỉ một ngày. "Chị ơi, mai cho em nghỉ một bữa nha, em đi nhiều em đuối quá rồi." Thực ra thì không phải đuối, là lấy cớ về nhà chơi thôi. Sếp cũng ừ. Vậy là được một đêm ngủ nướng. Coi như là kết thúc cuộc hành trình một mình của mình. Lần sau nữa cũng có khả năng đi một mình tiếp, nhưng đó lại là một câu chuyện khác...

4 thg 1, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Những ngày đi một mình (2)

Tối hôm đó, mình lên tàu lửa và tiếp tục cuộc hành trình đến với một miền đất xa hơn: Đồng Hới - Quảng Bình. Lần này tuy xa mà đỡ sợ hơn, bởi vì có một dạo mình đã ghé qua rồi. Khách hàng nơi đây thì còn quen gần hết, nên có gì cần cũng dễ liên hệ hơn.

Vừa bước xuống Đồng Hới, chưa kịp nghỉ ngơi gì cả, là xe khách hàng lại đưa mình đến một huyện miền núi, Minh Hóa, cũng thuộc đất Quảng Bình. Phải nói thêm là những chuyến công tác thế này phụ thuộc rất lớn vào thời gian biểu của khách hàng. Nên công tác từ Tam Kỳ rồi đến Quảng Bình có lịch sát nhau, mình không có một ngày trung gian để xả hơi.

Minh Hóa có thể tính là huyện miền núi xa nhất của tỉnh. Từ Đồng Hới chạy lên phải đi dọc đường Hồ Chí Minh lịch sử, khoảng chừng 2,5 tiếng là đến nơi. Đương nhiên là 2,5 tiếng mình ngồi trên xe không phải vô ích. Đoạn đường này rất hấp dẫn mình, nguyên nhân có thể là lần đầu tiên mình đến, hoặc cũng có thể là những cảm giác về tự nhiên và lịch sự đang đầy ắp trong mình.

Đầu tiên phải kể đến là mình chưa từng bước chân lên đoạn đường Hồ Chí Minh nào dài như vậy. Nó kéo qua nhiều đồi núi gập ghềnh, nhiều ruộng lúa xen lẫn với những núi đá vôi. Thỉnh thoảng lại có sương mù che phủ. Núi đá vôi mọc chơ vơ giữa đồng làm mình liên tưởng đến những hòn đảo trên vịnh Hà Long, nhưng biển xanh của nước đã chuyển thành biển vàng của lúa. Và điều đặc biệt hơn là đoạn đường này đi qua 2 địa danh nổi tiếng. Một trong số đó, đương nhiên là động Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ đường lớn có thể nhìn thấy những chữ to người ta xây trên ngọn núi đá vôi xa xa, rất kỳ vĩ và hấp dẫn. Đương nhiên là chưa ghé bao giờ, nhưng ít ra cũng tự hào rằng "đi ngang qua".

Địa danh thứ 2 còn đặc biệt hơn nữa, đó là động Thiên Đường, một trong những động mới được phát hiện ra và bắt đầu đưa vài khai thác du lịch, nghiên cứu. Nghe đâu động Thiên Đường còn lớn hơn động Phong Nha nữa, mà một khu vực trong đó là hang Sơn Đoòng, được xếp vào hang sâu nhất thế giới. Từ đường Hồ Chí Minh đi lên nữa, rẽ vào tay trái khoảng 10km nữa là gặp động Thiên Đường. Nghe đâu đối với hang Sơn Đoòng người ta chưa cho du lịch, chỉ mới phục vụ nghiên cứu. Còn du khách chỉ được tham quan đâu đó phần ngoại vi của động Thiên Đường.

Sau khi đi vòng vo qua những con đèo, cũng cố chống chọi với cơn say xe gần nhen nhúm (gần thôi, chưa say), khoảng 9h sáng mình đặt chân đến Minh Hóa. Phải nói cảm giác đầu tiên ở đây là lạnh. Mà chính xác thì cũng không gọi là lạnh nữa, người ta gọi là rét. Mình phải đệm tới thêm cái áo bông nữa. Mà chân vẫn cứ rung kịch kịch. Anh khách hàng mời đi cafe, ngồi với nhau mà chân ai chân nấy đều ... run. Nếu không kể tới cái rét như vậy thì cái cảm giác nhìn người ta run, mình cũng run, cũng tương đối thú vị.

Mình làm việc ở một thị trấn nhỏ, tên là Quy Đạt. Nhiệt độ ở đây xuống khoảng 10 độ. Anh kế toán còn khoe có đêm còn có mưa đá nữa, đáng tiếc mình chỉ ghé trong ngày rồi rời đi, nên cũng không được may mắn (hoặc là bị xui xẻo) để chứng kiến mưa đá. Nó làm mình nghĩ đến Sa Pa đầy mộng mơ có tuyết rơi, cũng hy vọng một ngày nào đó được đặt chân đến, xem thử cảm giác "tuyết" là như thế nào.

Sau một hồi làm việc (đương nhiên là vẫn vừa làm vừa run), anh khách hàng đề nghị cho mượn áo bông, nhưng mình cũng ngại nên từ chối. May là buổi chiều xế anh mời đi cafe, có gọi một ít trà gừng nóng nên uống vào cũng đỡ lạnh đôi chút. Trên này người ta không có lò sưởi mà dùng một cái thau nhôm, đốt than trong đó để sửi ấm. Cảm giác hơ hơ 2 tay vào than rồi xoa xoa, nói chung là thú vị. Giống y như là nhân vật trong "Gió lạnh đầu mùa" của Thạch Lam vậy.

Buổi chiều mình rời Minh Hóa, để đi đến một huyện tiếp theo, Tuyên Hóa. Xét về khoảng cách địa lý thì Tuyên Hóa cũng tương đối gần gần trung tâm tỉnh hơn Minh Hóa, nên cũng có thể tính là đi ngược về, nhưng đi đường khác. Tuyên Hóa thì ít lạnh hơn, vị trí địa lý cũng thấp hơn, nói chung là dễ chịu hơn. Tối hôm đó ở lại khách sạn nhỏ gần chỗ khách hàng, cũng có màn uống trà gừng. Hôm sau cố gắng làm việc cả ngày, rút ngắn thời gian so với kế hoạch để buổi chiều trở lại Đồng Hới sớm.

Một điều đặc biệt nữa trong chuyến đi 2 ngày này là mình được những vị khách hàng nhiệt tình đãi nhiều món miền núi rất thú vị. Đầu tiên phải kể đến một món, gọi là "cháo chuối" trên Minh Hóa. Cũng đúng y như tên, lấy chuối nấu cháo. Nhưng không phải chuối bình thường mà là một loại chuối rừng, chỉ lấy lõi, bầm nhỏ nhỏ rồi bắc lên nấu cháo với đủ thứ gia vị, hành tỏi thịt gì đó. Giống y như hồi xưa mẹ mình thường bầm chuối nhỏ nhỏ để nấu cháo heo vậy. Nhưng lần này là người ăn. Vừa ăn vừa húp cũng thú vị.

Buổi chiều xuống Tuyên Hóa, ở gần thị trấn Đồng Lệ (hay Đông Lê gì đó), mình được đãi ăn một món khác, là thị heo nướng và món "lòng thả". Heo nướng thì cũng tương đối ngon, nhưng cũng không tính là đặc biệt. Người ta nướng theo từng miếng lớn, giống như thịt nướng kiểu nước ngoài "babercue" gì đó. Rồi dọn lên, người ăn tự lấy kéo cắt thành miếng nhỏ, kẹp với cải, với lá lốp, chấm muối tiêu chanh.

Còn "lòng thả" mới là món chính, đặc biệt. Người ta cắt lòng nhỏ nhỏ, cho chung với đủ thứ loại rau, hành, cũng cắt nhỏ luôn, nấu lên như nấu một nồi lẩu lớn, rồi cho huyết vào, cũng nấu chín. Người ăn múc ra từng bát, cho ớt, chanh vào, nếm vừa miệng rồi húp sột sột. Nói chung là nếu ai ăn kén ăn cũng khó ăn lắm, còn người thích thì ăn đến no. Hôm đó, mọi người ăn toàn thịt với lòng, không có ăn cơm.

Sáng hôm sau, khách hàng còn đãi ăn một món nữa, mình không nhớ rõ tên. Nhưng người ta dọn lên một cái đầu cá thiệt to, chiếm gần hết 1 cái dĩa. Là món chiên. Thịt cũng ngọt, chắc là cá sông suối gì đó. Chứ bình thường cá biển không có lên đến tận vùng này. Mình ăn cũng khá ngon miệng. Tiếc là buổi chiều về sắp đến nơi thì bị say xe, nôn ra gần hết. May mà đã quen say xe rồi, nên cũng không bị mệt, chạy vào nhà vệ sinh rửa măt sơ sơ rồi trao đổi vài vấn đề với chú kế toán bên Đồng Hới. Khách hàng còn đề nghị đưa xe chở ra ga tàu nhưng mình không chịu, sợ phiền người ta, nên bắt taxi đi. 

Hôm trước sếp có gọi điện nên kế hoạch của mình có thay đổi chút xíu, thay vì ngồi tàu về thẳng Nha Trang, mình phải ghé lại Tuy Hòa để làm một khách hàng khác. Điều này cũng hơi bất ngờ vì theo kế hoạch có thể mình sẽ nghỉ ngày chủ nhật tại quê nhà, nhưng vì thay đổi như vậy nên phải đón chủ nhật (cũng vào ngày cận sát lễ Noel) trên đất Tuy Hòa.

Ngẫm lại thì điều tiếc nuối lớn nhất của mình chính là trên đường về có đi ngang đất Quảng Trạch, nhưng lại không có đủ cơ hội để ghé qua thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hồi xưa học nhiều về ông, nhưng chỉ qua sách vở. Nghe người ta nói muốn thăm mộ ông phải đi về hướng bắc nữa, gần đèo Ngang. Tiếc là không có cơ hội. Hy vọng lần sắp tới, khi mà mình trở lại Quảng Bình, sẽ được 1 lần ghé thăm Đại tướng.