25 thg 1, 2014

Hai lần thắp hương trên đất Quảng Bình

Tôi ghé Lệ Thủy, Quảng Bình vào một buổi sáng đầu tuần, khoảng vào cuối tháng một. Xe của khách hàng chở đi, chạy từ Đồng Hới xuôi về nam khoảng 30 cây số nữa. Hai bên là những cánh đồng bao la đến tận chân trời, thỉnh thoảng có một vài bãi bồi cát trắng. Vùng ven biển ở đây rất thấp, gần như là vùng trũng. Nghe anh tài xế kể lại những ngày bão lũ, vùng này ngập rất dữ dội, mùa màng mất trắng. Đất này còn nghèo, còn khó khăn...

Nhưng nơi này đã sinh ra một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ngày xưa, thời còn đại học, đã từng học về Đại tướng rất nhiều, về những chiến tích lịch sử, những quan điểm quân sự... Hôm nay mới có dịp ghé thăm Lộc Thủy, Lệ Thủy, nơi ông sinh ra.

Người Quảng Bình hay gọi Đại tướng là "Bác Giáp". Cách xưng hô thân thiết cũng gần giống như Bác Hồ, dù gì thì 2 vị anh hùng này cũng có quan hệ thầy trò.

Thực ra, chuyến đi của tôi là một chuyến công tác dài. Mà việc ghé qua Lệ Thủy chỉ là một chặng nhỏ trong đó. Việc viếng nhà Đại tướng không nằm trong kế hoạch. Buổi trưa hôm đó tranh thủ giờ nghỉ trưa, khách hàng đưa xe đến.

Nhà của Đại tướng, chính xác là nơi sinh của Đại tướng, là một ngôi nhà gỗ nhỏ, kiểu ba gian điển hình của người làng quê miền bắc trung bộ. Mái sau lợp ngói, rêu phong cũ kỹ. Hiên trước bằng tranh, bằng tre. Xung quanh nhà có khoảnh đất trống dùng để trồng rau và vài ba cây nhỏ. Xe chúng tôi dừng trước ngỏ vào, mọi người xuống đi bộ. Đầu ngõ là một ngôi nhà thờ tổ cổ xưa, quy mô cũng khá nhỏ. Đó là nhà thờ tổ của dòng họ Đại tướng. Đường vào nhà Đại tướng có lót bê tông nhưng cũng tương đối hẹp. Vườn có trồng rau. Chắc là những người cháu họ của Đại tướng trồng. Một gốc cây lâu năm, quên mất tên nó, nhưng nghe nói nó cùng thời với Đại tướng, cũng khoảng 100 năm tuổi.

Nhà Đại tướng cũng bài trí rất đơn giản. Dưới mái hiên là một bộ bàn ghế gỗ, cho khách ngồi uống nước. Bên trong bài trí một ít ảnh hoạt động của Đại tướng và một vài kỷ vật. Ở chính giữa là bàn thờ Đại tướng, có bộ nhang đèn, lư hương và một ít vòng hoa. Có một đôi liễng ca ngợi công đức. Nằm bên phải là lối vào nhà sau, bàn ghế cũng đơn sơ, giản dị.

Có một cụ bà trông nhà. Hỏi ra mới biết chồng của bà gọi Đại tướng là ông. Kể ra thì cũng là họ hàng xa. Đặt hoa vào bình, thắp một nén nhang, mọi người đi dạo xung quanh một chút rồi về. Nói chung là nơi này cũng vắng khách, một phần là ở nơi khá xa trung tâm, phần khác là không phải ngày lễ hoặc là ngày kỷ niệm gì. Những dịp như vậy chắc đông khách hơn.

So với Lệ Thủy, đất Quảng Trạch có không khí trang nghiêm hơn, và đông người hơn. Tôi đến Quảng Trạch vào một buổi chiều cuối tuần. Vẫn mây mù giăng mắc. Trời còn đang cuối đông dần chuyển qua xuân, hơi sương còn khá lạnh lẽo. Chiều tranh thủ kết thúc công việc sớm hơn mọi lần, sau đó nhờ xe khách hàng đưa đi viếng mộ.

Mộ Đại tướng được xây dựng trên một mô đất cao, gần giống như một ngọn đồi nhỏ tựa lưng vào núi, mặt hướng thẳng về phía đảo Yến. Vùng đất đó người ta gọi là Vũng Chùa. Đến Vũng Chùa phải đi từ Đồng Hới theo quốc lộ 1A thẳng lên hướng bắc khoảng 60, 70 km nữa. Sau đó rẽ vào một đoạn đường ngắn, mới làm, tuy khá bằng phẳng nhưng còn tương đối bụi bặm. Hai bên đường cũng ít nhà dân, chỉ thỉnh thoảng có một vài chỗ bán hoa tươi, dành cho người viếng mộ. Đảo Yến nằm khá gần bờ, xa xa là một dải trắng của bờ biển ẩn hiện trong đám sương mù dày đặc. 

Vào thăm mộ Đại tướng phải đỗ xe ở dưới chân đồi, đăng ký tên tuổi và chứng minh nhân dân tại một trại quân sự gần đó, sau đó leo bộ lên thẳng trên đồi. Phía xa xa có thông xanh mọc. Trước mặt là một cái gác chuông nhỏ, giống như chuông chùa vậy. Chắc được xây dựng từ lâu rồi, nên chắc người ta mới gọi là "Vũng Chùa". Bước tới gần, có một anh công an đứng đó, phát cho mỗi người một nén nhang, đến trước mộ thắp lên và đi vòng về phía bên kia.

Từ trên mộ nhìn xuống, phong cảnh rất tĩnh lặng và an bình. Mặc dù cũng tương đối khá đông người nhưng dù sao cũng là nơi trang nghiêm nên người ta nói chuyện khá nhỏ nhẹ. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng sóng ngâm và gió lộng. Không khí se se lạnh. Xa xa có một vài cánh chim đập vội. 

Khách đến, khách đi. Nghe người ta nói đó là một vùng đất an nghỉ khá tốt. Nhưng tôi chợt nghĩ ra rằng, một mình Đại tướng nằm đó cũng có vẻ cô quạnh. Người phương xa mộ danh mà đến viếng, có kính ngường nhưng chắc gì đã có vài phần thân mật. Đến được một chốc rồi đi, tuy đến nhiều nhưng có ai mà ở lại được lâu...

Tôi rời Quảng Bình trong một buổi chiều ảm đạm. Dư âm của sự sống, cái chết còn đọng lại trong tâm trí. Người đi viếng mộ nhiều, hoặc thắp hương nhiều, tự nhiên sẽ cảm khái cuộc đời, cảm khái về số phận, nhận ra lẽ vô thường trong đó. Phồn hoa một trăm năm, cuối cùng cũng là một nắm "cỏ khâu xanh rì". Có khác là mảnh đất đó, nắm cỏ đó, có cao, có đẹp, có xanh tốt không.... Nhưng người nằm xuống rồi, còn nghĩ gì đến những việc đó nữa. Dù sao thì, ý nghĩa của cuộc đời vẫn nằm ở việc người đó làm khi còn sống...

Quảng Bình, ngày 25 tháng 1 năm 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét