5 thg 1, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Lần thứ hai tác nghiệp trên quê hương Ninh Hòa

Phải kể đến lần đầu tiên, cũng cách đây khoảng 1 năm. Lúc đó mình còn giữ được sự trẻ trung và phấn khởi của một sinh viên lần đầu bước ra nghề, và sự tự hào của một người con đi bốn phương, cuối cùng cũng làm việc ở chốn quê nhà:

"Lần này tác nghiệp đất quê hương
Đã hẹn nên ta chẳng lạc đường
Điều ước nhỏ nhoi chân thực quá
Chẳng cần lưu lạc khắp bao phương"

(trích "Tác nghiệp trên đất quê hương")

Nghĩ ra không phải ai cũng may mắn giống như mình. Có nhiều đứa bạn vẫn long đong nơi xứ người, có đứa thì đi nơi này đến nơi khác nhưng vẫn xa xôi. Mỗi năm đến tết được về nhà một lần thì phải lo đủ thứ chuyện tàu xe. Mà ai cũng có một thời như vậy. Cơ hội, đương nhiên sẽ nhiều hơn. Nhưng cũng có một chút thiếu hụt nào đó.

Khách hàng ở quê mình, tức là ở Ninh Hòa, là một khách hàng tương đối lớn. Mình cũng tốn khá nhiều thời gian và tâm tư để làm việc. Được một điều là ở trên đất quê mình, và làm việc với con người quê mình nên cũng thoải mái dễ chịu hơn. Nhưng điều dễ chịu nhất là buổi trưa được chạy về nhà, ăn một bữa cơm trưa với mẹ, sau đó ngủ trên chiếc giường quen thuộc một nửa giấc, buổi chiều chạy đi làm tiếp.

Khách hàng này có một mảng lĩnh vực kinh doanh rất... đặc biệt. Đó là dịch vụ tang lễ. Và đương nhiên, điểm nhấn trong chuyến công tác lần này đó là đi đếm... quan tài. Vừa đếm mà vừa xem qua xem lại, coi thử ai nằm vừa cái nào, cái nào. Thiếu điều muốn nhảy vào nằm thử luôn đó. Đương nhiên là mình không có can đảm như vậy. Cũng có một điều khá may mắn là quan tài toàn mới, chưa có ai nằm cả nên đỡ mùi tử khí. Trước tới giờ mình cũng đếm nhiều rồi, tiền mặt thì có tới hàng tỷ, đá, gỗ, đồ đạc, hàng tiêu dùng, hóa chất, rượu, bia, nước giải khát, nông sản phẩm, điện thoại, thẻ cào... đều có đủ, cảm giác rất bình thường. Chỉ duy có lần này mới được xem là đặc biệt. Số lượng cũng ít nên việc đếm cũng dễ dàng, kết thúc sớm.

Mình cũng có một thằng bạn cấp 3 làm việc ở công ty này. Công việc của nó cũng an nhàn và ổn định. Sáng đi, trưa về, trưa đi, chiều về. Cảm thấy hâm mộ nó vô cùng. Ít ra thì nó không phải chịu cảnh cơm bụi nhà trọ như mình. Lâu lâu lại tự an ủi mình rằng, có cơm ăn đã là tốt lắm rồi. Mặc dù là cơm bụi nhưng ít ra cũng không phải bị đói. Có thiếu chất hay không quen miệng gì đó thì cũng ráng nhịn, cuối tuần chạy về ăn cơm nhà với mẹ.

Ninh Hòa là một địa danh khá quen thuộc với những người đã từng đi từ bắc vào nam hoặc ngược lại. Đó là nơi dừng chân của tuyến xe lửa. Ga Ninh Hòa cũng không lớn lắm nhưng cũng được nhắc đến trong những chuyến xe lửa, có thể tính là cửa ngõ để chuẩn bị vào Nha Trang. Ngày xưa lúc mình còn học ở quê thì nó gọi là thị trấn, trực thuộc huyện, sau này đi học đại học về, lại gọi thành thị xã. Nhiều khi trên giấy tờ của mình vẫn quen ghi là huyện Ninh Hòa. Gọi là thị xã oai thì có oai, nhưng không quen miệng cho lắm.

Nhắc tới Ninh Hòa, đương nhiên nơi nổi tiếng nhất vẫn là sông Dinh. Gần sông Dinh có chợ Dinh, sau này xây mới lại, đổi tên là chợ Ninh Hòa. Bắt qua sông Dinh có 2 cây cầu, cầu Dinh và một cây cầu mới xây, người ta không biết gọi tên nó là gì mới gọi thành cầu Dinh 2. Người đi nam bắc sẽ không có dịp đi vào Ninh Hòa mà chỉ có thể chạy theo đường mới ở ngoại vi. Chỉ có người đi lên Đắk Lắk qua quốc lộ 26 mới được chạy vào trung tâm thị xã rồi cua lên. Chỗ cua đó, ngày xưa gọi là "ngã ba Bùng Binh", hồi xưa đúng là ngã ba thật, sau này xây thêm một con đường mới, gọi là đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh, nó biến thành ngã tư. Nhưng người ta vẫn quen gọi là ngã ba Bùng Binh.

Đường mới Nguyễn Thị Ngọc Oanh có thể được gọi là con đường "ăn chơi" nhất thị xã Ninh Hòa. Người ta cũng có thể ghé chợ Ninh Hòa để nếm nhiều món ngon vật lạ, nhưng muốn cafe, ăn nhậu thì phải ghé Nguyễn Thị Ngọc Oanh. Nói về cafe thì trên con đường này có rất nhiều quán cafe nổi tiếng nằm sát nhau, kiểu nhà vườn, có thể kể ra: Hương Cau, Nguyệt Cầm, Cội Nguồn... Giá cả thì cũng tương đối cao, cỡ đâu gần gấp rưỡi so với những quán cafe Nha Trang. Đây cũng là những nơi mà thỉnh thoảng về nhà mình cũng thường hẹn vài đứa bạn cấp 3 gặp mặt nói chuyện lung tung. Bạn bè thì cũng đi xa tứ xứ hết, gặp đứa này thì đứa khác đã không còn ở quê nữa. Có vài đứa cũng làm ở quê nhà nhưng chủ yếu là con gái, chồng con cũng gần hết nên mỗi lần rủ đi họp mặt cũng ngại.

Về ăn nhậu thì nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Thị Ngọc Oanh mọc lên vô số quán nhậu, quán bún, quán ốc, quán chè trái cây, quán bánh xèo. Nhưng nếu nói về bánh xèo thì phải biết đường đi vào những ngã rẽ nhỏ xíu mới tìm được quán ăn ngon. Bánh xèo Ninh Hòa cũng tương đối giống bánh xèo ở nơi khác, cũng bột, giá, thịt, tôm, mực.. nhưng giòn hơn, và đặc biệt có nước chấm kiểu chế biến bởi thịt, tôm xoay, ngon ngọt vô cùng. 

Nhắc tới Ninh Hòa, người ở nơi khác thường không nói tới bánh xèo, họ thường nói tới nem Ninh Hòa. Nem Ninh Hòa tươi ngon, làm bằng thịt xoay, bì xoay và một ít gia vị khác, được gói bằng lá chùm ruột, không có bao bì bằng nhựa mà được bọc ngoài bắng lớp lá chuối thật dày. Đợi cho nem chua lên, lớp lá chuối ngoài cùng đã đổi vàng, lột sạch ra, còn chừa lại một ít lớp lá chùm ruột, chấm mắm và ăn kèm với miếng tỏi, hấp dẫn vô cùng. Muốn thêm hương vị thì kiếm thêm một ít bia Tiger hoặc rượu trắng. Bí quyết ngon một phần là do nước mắm đặc chế, đỏ rực màu ớt, keo keo, ăn vào vừa cay vừa ngọt.

Nem Ninh Hòa ngon, nhưng thứ nổi tiếng cả nước, "nem Ninh Hòa" mà người ta thường nhắc đến, không phải là món nem đó, mà là một loại khác, gọi là "nem phần". Sở dĩ gọi như vậy vì khi ra quán, người ta thường kêu cho một phần nem, hai phần nem... Đó là thịt xoay nhuyễn, có gia vị, đem làm thành từng que, nướng trên than hồng, ăn chung với bánh tráng mặn, với chả ram, và đủ thứ loại rau cỏ khác: đồ chua, chuối chát, khế, xà lách, tía tô, ngò, húng, hẹ, dưa leo... Bánh tráng Ninh Hòa có nhiều loại, có to, có nhỏ, có nướng gừng ngọt, có nướng mè mặn, có mềm, cứng, mỏng, dày, nhưng chỉ có 1 loại ăn với nem Ninh Hòa là hợp nhất, đó là loại bánh tráng mặn trắng, cắt làm đôi cỡ bằng 2 bàn tay. Cảm giác xếp từng loại rau cỏ thịt vào bánh tráng, rồi nhìn cẩn thận xem còn có thiếu thứ gì không, rồi cuốn ép lại, quyệt vào nước chấm rồi đưa lên miệng cắn một cái, chưa nghĩ đến mà nước bọt đã ứa ra. Nước chấm, đương nhiên cũng là loại chế biến với đầy đủ thịt tôm mực xoay nhuyễn, có thêm nếp để có độ kết dính, keo keo. Cách chế biến và thành phần cụ thể thì thuộc loại gia truyền của từng nhà làm nem, không tiết lộ ra bên ngoài. Nem phần Ninh Hòa có bán ở hầu hết mọi nơi trên đất Ninh Hòa, nếu mua ở quán sang như quán nem Bà Năm (đi theo đường sau chợ Ninh Hòa) thì khoảng 30 ngàn 1 phần, còn nếu mua ở ngoài chợ hoặc những quán bên lề đường thì dao động từ 15 đến 25 ngàn. Đương nhiên, 1 phần chỉ đủ cho 1 người ăn tạm gọi là lưng lưng. Nếu muốn no thì kêu 2 người 3 phần. Đương nhiên, món gì cũng vậy, không nên ăn quá no, ăn được lưng lưng mới có cảm giác thòm thèm để mà lần sau còn ghé tiếp.

Ninh Hòa còn nổi tiếng với nhiều loại đặc sản khác, trong đó có bún cá Ninh Hòa, vịt lộn Ninh Hòa, cút nướng, cút chiên bơ... Thỉnh thoảng chạy về nhà, mình cũng ghé ngang chợ mua một ít, đủ 2 mẹ con mình ăn. Lâu lâu có anh mình về nữa, mua thêm vài lon bia, cụng ly một cái cũng có không khí gia đình.

Đường về nhà mình phải đi dọc quốc lộ 26. Nhìn bên tay trái, đoạn chỗ rẽ vào Ninh Bình, có một quán bánh ướt, tên là "Bánh ướt số 1", cũng tương đối nổi tiếng. Bánh ướt xếp vào từng dĩa nhỏ, quyệt lên một ít mỡ hẹ, gắp nhúng vào nước chấm, hấp dẫn vô cùng. Nguyễn Hữu Tài, một tác giả người Ninh Hòa, hiện tại đang định cư tại Mỹ, đã dành một trong những trang viết trang trọng nhất trong cuốn "Chồm hổm giữa chợ quê" để viết về "Bánh ướt số 1". Hồi đó mình cũng có may mắn mua được 1 cuốn về đọc, phải chạy tìm tới tận nhà tác giả để được chiết khấu gần 30%...

Chạy ngang qua "Bánh ướt số 1" được 1 đoạn nữa là tới cầu Bến Gành, qua một đoạn nữa là tới ngã ba "Bảy Búa", rẽ vào bên phải cũng gặp nhiều quán dọc đường. Đi buổi sáng có thể gặp chợ trái cây người ta bày ra 2 bên đường, bún cá, cháo... Đi buổi chiều thì có thể gặp quán bánh mì, trứng lộn, quán nem... Rẽ vào đi chút nữa là đường chia làm 2. Rẽ bên tay trái gọi là "ngõ trên", rẽ bên tay phải gọi là "ngõ dưới". Cả 2 đường đều có thể đến được nhà mình, đường đi đã được lát bê tông hết nên cũng dễ đi. "Ngõ trên" thì gần hơn một chút, nhưng phải qua một cánh đồng rộng, qua một cái cầu gọi là "cầu Hai Trại", chân cầu là một cái bờ tràn nhỏ. Đường này tương đối hoang vắng nên buổi tối ít đi thì hơn. (Vấn đề an ninh thì mình không chắc). Gặp mùa lụt thì chỗ bờ tràn nước chảy rất xiết, người xe đều không qua được. Đi hơn chút nữa, ngang qua xóm nhà thờ, đi đến trường tiểu học Ninh Thân, nơi ngày xưa mình từng học, rẽ vào tay trái đi hơn 100 mét là đến nhà mình. "Ngõ dưới" thì hơi xa một chút, đi qua chợ Chấp Lễ, đi theo đường chính vòng vèo một xíu, cua vào tay trái theo lối cầu "ông Lất" một chút nữa là đến nhà mình. Hỏi thăm mình đương nhiên là không ai biết, nhưng hỏi thăm mẹ mình thì người ta có thể chỉ vào đến tận nhà... Tính thời gian xe máy chạy thì từ quốc lộ 26 về nhà mình khoảng 15, 20 phút.

Nghỉ phép ở nhà được 1 ngày, rủ mấy đứa bạn ra cafe Nguyệt Cầm ngồi chơi rồi sáng hôm sau lại lên đường vào Nha Trang. Coi như là xong những ngày đầu năm mới của mình. Mệt thì có mệt, cũng hơi áp lực, nhưng được về nhà là khỏe lại như cũ. Sếp mình cũng tâm lý vô cùng, biết thằng này nhà ở Ninh Hòa nên sắp xếp cho nó làm ở khách hàng đó luôn, tiện đường về nhà...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét