28 thg 8, 2013

Tạm biệt phồn hoa

Tạm biệt phồn hoa chốn thị thành
Không còn gấp gáp tiếng chân nhanh
Không còn khói bụi trên đầu tóc
Không lối phù du mãi quẩn quanh.

Về đây chốn cũ thuở xa xôi
Về đợi mưa chiều lác đác rơi
Về rửa phong trần, thay áo sạch
Về nhìn ngõ trúc, đón trăng soi.

Về nghe thong thả tiếng phong linh
Về ngắm hoa lan nụ trắng tinh
Về nếm ngọt bùi cơm gạo tẻ
Về đây tận hưởng giấc thanh bình.

(Thanh Trúc, Tạm biệt phồn hoa)

Mộng phiêu du


Đời ta nuôi giấc mộng phiêu du
Đi khắp Bắc Nam nếm bụi mù
Dạo hết Đông Tây cho thỏa bước
Tìm mây gọi gió giữa vi vu.


Lên đến Trường Thành ngắm tịch dương

Hàng Châu ghé lại chốn thiên đường

Hoa Sơn dạo bước giang hồ kiếp

Có bóng nàng Nghi lặng nhớ thương.


Ghé xứ anh đào ngắm tuyết băng

Đứng chờ hoa rụng giữa đêm trăng

Lênh đênh biển cả nhìn sao mọc

Nghe chuyện tình duyên thuở vĩnh hằng.


Nghe nhạc đồng quê tại nước Nga

Đâu đây vọng lại tiếng "Chiu sa"

Mơ về hình bóng nàng con gái

Trong lửa đạn bom vẫn mặn mà.


Thăm chốn sương mù của nước Anh

Ngắm dòng sông lặng chảy trong xanh

Ghé thăm nước Pháp nghe valse nhẹ

Dưới tháp Effel dạo bước quanh.


Thăm đất tự do tượng nữ thần

Thăm nhà hát lớn cánh buồm nâng

Thăm rừng phong đỏ mùa thu rụng

Thăm chốn ngàn xanh chẳng bụi trần.


Trái đất rong chơi trọn một vòng

Lại về chốn cũ thuở chờ mong

Giếng xưa rửa sạch phong trần bụi

Tìm giấc an nhiên tại cõi lòng.


(Thanh Trúc, Mộng phiêu du)

26 thg 8, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Hà Nội - Quảng Bình, chuyến hành trình còn tiếp tục

Quay lại Hà Nội cũng là tính là một cái duyên của mình. Khi mà lần đầu tiên đến Hà Nội mình chỉ nán lại 2 đêm, chưa kịp đi nhiều, quan sát nhiều. Sau lần đi Hà Giang, cả nhóm lại chuyển về Hà Nội. Tối 25/7 mọi người lên xe, ngủ 1 giấc, sáng hôm sau là tới nơi. Lại là bến xe Mỹ Đình. Lần này tâm trạng tốt hơn chút xíu, một phần là không bị say xe nữa, đa phần là công việc khá thuận lợi.

Lúc mình quay lại, Hà Nội đã có một vài cơn mưa nhỏ. Trong một buổi chiều làm ở khách hàng về, chị nhóm trưởng quyết định dành vài phút (thực ra là một khoảng thời gian đáng kể) để đi dạo chơi bên bờ hồ và ghé chợ Hàng Đào. Mọi người ăn tối cũng gần đó, rồi đi bộ loanh quanh một vòng. Mình tranh thủ ghé qua mấy cửa hàng nhỏ, tìm mua một vài món đồ kỷ niệm, để tặng bạn và cũng để giữ lại. Chợ đêm Hàng Đào cũng khá đông người. Chủ yếu đương nhiên vẫn là du khách thập phương, có nhiều người nước ngoài. Dạo một vòng thì thấy người bán hàng cũng nắm bắt một ít ngoại ngữ. Có cô sinh viên nọ dọn ra một quầy thiệp nổi, 50k/cái, cũng giao tiếp khá tốt với khách hàng nước ngoài.

Ở Hà Nội, nhóm tách ra làm 2. Có 2 chị khác phải về trước vì có việc bận ở Nha Trang. Mình với hai anh chị nữa thì nán lại. Xong công việc ở Hà Nội chỉ trong 2 ngày. Tối hôm sau nữa là mọi người ra ga để quay vào Đồng Hới, làm tiếp một khách hàng khác. Buổi chiều hôm đó có ăn lại món "bò bít tết", cũng ở chỗ cũ. Có mời một chị đồng nghiệp người Hà Nội ăn chung, gọi là cám ơn chị đã mua dùm vé tàu về. Nhìn chung thì người Hà Nội rất nhiệt tình, rất dễ quen, dễ nói chuyện.

Chuyến tàu trở vào Đồng Hới cũng là một chuyến tàu tương đối dài. May mà vẫn ngắn hơn so với lúc khởi hành Nha Trang - Hà Nội, cộng với tàu chạy vào lúc đêm, nên mọi người lên tàu ngủ một giấc, cũng dễ thở. Buổi sáng hôm sau, tới Đồng Hới, tìm khách sạn, nghỉ ngơi và ăn chút ít bánh mì.

Khách sạn mình ở tên là Anh Linh, nằm trong một con đường phụ, cũng rộng rãi nhưng khá ít xe cộ qua lại. Cũng rất gần với chỗ làm việc của khách hàng, có thể đi bộ tới. Cách gần đó là cửa biển Đồng Hới, nhìn lên phía trên là cầu Nhật Lệ, hướng xuống dưới là một cái nhà chùa đổ nát, là một di tích lịch sử của thời chiến tranh. Buổi sáng ghé đó có rủ anh đồng nghiệp đi dạo một vòng qua tới cả biển. Trời mưa phùn lất phất, không khí rất dễ chịu.

Cảm giác đầu tiên của mình đối với Đồng Hới nói riêng và cả Quảng Bình nói riêng là một vùng đất đầy những địa danh hấp dẫn, rất nên đi, nhưng tiếc là chưa đi được. Sông Gianh phân chia 2 miền thời Trịnh Nguyễn. Rồi tới chiến tranh chống Mỹ, vùng Bình Trị Thiên bị tàn phá ác liệt. Rồi có đèo Ngang phân cách 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, là nơi xuất xứ của bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng của bà huyện Thanh Quan. Ngoài ra còn có động Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới. Nghe nói gần đây người ta còn phát hiện ra động Thiên Đường, về quy mô còn lớn hơn cả Phong Nha, chắc cũng đang làm hồ sơ xếp hạng. Hôm đó chú kế toán còn bàn bạc với mọi người, nếu công việc xong sớm, có thể đưa mọi người đi động Thiên Đường chơi, đáng tiếc là vẫn không có dịp.

Khách hàng ở Đồng Hới rất thân thiện. Lần đầu tiên nhóm xuống nên cũng có ấn tượng khá tốt. Buổi đầu tiên, rồi buổi thứ 2, thứ 3... chị kế toán và chú kế toán trưởng dẫn đi ăn sáng ở một số nơi, sau đó cũng có tổ chức đãi tiệc. Mình ấn tượng với một quá cafe khá đẹp mà khách hàng dẫn vào, tên là Coco, được trang trí theo kiểu thiên nhiên, bên trong là một mái vòm có bộ khung bằng tre, tán ra giống như cái ô, ở trên lợp lá tranh, tàu dừa, xung quanh là hồ sen bao bọc. Nghe nói quán này được thiết kế bởi một kiến trúc sư khá nổi tiếng tên là Võ Trọng Nghĩa, cũng là người Quảng Bình. Ông này có giải thưởng gì gì ở nước ngoài về thiết kế thân thiện với thiên nhiên. Ở Việt Nam chỉ có 2 quán cafe do chính tay ổng thiết kế, một quán nữa là ở đâu Bình Dương Bình Phước gì đó.

Nói về tiệc tùng thì trong mấy buổi tối liên tiếp đều bị khách hàng ép nhậu. Lần này là chú kế toán, sau đó là chú giám đốc, mọi người có mặt dần dần, giống như là cố ý ép nhóm say mèm. Nhưng thực ra không phải vậy. Người ta cũng tương đối thân thiện, nhất là chú kế toán trưởng, lên bàn tiệc kể toàn chuyện cười, cười nhất tất nhiên là sự bất đồng ngôn ngữ giữa các miền. Mà công nhận người Quảng Bình nói tiếng êm tai, nhưng mà khó nghe, được đánh giá là rất gần với tiếng Huế. Huế thì mình chưa đi, nhưng hồi xưa cũng được may mắn học chung với mấy đứa người Huế, nghe tụi nó nói chuyện bằng giọng chính gốc cũng thấy vui vui.

Có một dạo, khách hàng đãi ăn trên một con thuyền nhỏ, cấm neo giữa dòng sông Nhật Lệ, có bến để đi vào. Ngồi cũng khá vững chắc, không có cảm giác chìm chìm nổi nổi giữa sông. Trên này người ta đãi mấy món hải sản, cũng tương đối dễ ăn, mùi vị thì cũng tương tự như hải sản Nha Trang. Hoặc có thể là mình không sành ăn lắm nên không phát hiện ra sự khác biệt. Lần đó, và sau này trong quá trình làm việc, có quen biết một cô kế toán, sinh năm 88, cũng khá dễ thương. Nhưng mà mình đã lỡ khai khống tuổi lên thêm, nên người ta cứ gọi bằng anh miết, nghe mà mắc cười, cũng không dám cười trước mặt, chỉ tủm tỉm thôi. Nghe đâu cô đó tháng sau là lấy chồng, cũng cảm thấy hơi... không thể tả được. Trong công ty mình có một anh đồng nghiệp, nghe nói cũng đi đâu công tác ra Quảng Bình này, đem được một cô kế toán về Nha Trang, nghĩ lại đúng là lợi hại.

Trong những buổi chiều khách hàng không rủ đi ăn, nhóm thường ăn tại một quán cơm nhỏ ở gần khách sạn. Mọi người đi bộ từ khách hàng về, ghé qua đó luôn. Cơm bán theo 2 lựa chọn: hoặc là ăn cơm phần, dọn ra theo kiểu gia đình, hoặc là ăn cơm theo khay, từng cá nhân. Món ăn cũng tương đối bình dân, hợp khẩu vị, nhưng lúc nào người ta cho cơm cũng thừa hết, có hôm mọi người xới cơm ra để riêng tới cả một tô to. Gần quán cơm có một quán chè nhỏ, cũng nằm sát bên, ăn xong mọi người thường rủ qua bên đó luôn. Hôm đó mình có gọi một ít chè đậu ngự, ăn cũng bùi bùi, người ta có co thêm mức dừa khô vào, lẫn vị giòn giòn, rất dễ ăn. Quán đó tên là Chè cố đô, tiếc là không đặt ở cố đô thật, nếu không hương vị còn hấp dẫn hơn.

Một buổi chiều nọ, khi công việc đã tạm ổn, mọi người rủ đi bộ ra chợ Đồng Hới, ở cách đó cũng tương đối xa, nhưng vừa đi bộ vừa dạo chơi cũng khá thú vị. Chờ Đồng Hới về đêm ít mặt hàng lắm, người ta dọn đi đâu mất hết, chỉ còn lại một ít quầy trái cây, hoa quả. Gần bên đó là một con đường nhỏ, dẫn ngang qua quán ăn tên là Tứ Quý, rất nổi tiếng với món bánh căn, bánh xèo... nói chung là các loại bánh. Nhóm có ghé vào ăn thử, mới tìm hiểu được cái tên Tứ Quý là do nhà này có 4 anh con trai, hình như đã có gia đình hết rồi, ảnh của đại gia đình treo ngay trên bức tường phòng chính. Khách cũng tương đối đông mà người ta tổ chức kinh doanh theo kiểu gia đình nên chờ cũng tương đối lâu. Đổi lại các món ăn món nào cũng hấp dẫn. Có món nước chấm dùng để chấm bánh tráng rất độc đáo, nghe cô bán hàng kể lại là bí quyết gia truyền. Ngoài ra mình còn tiếp xúc với một loại trái gọi là trái vả, hình dáng cũng như trái sung, nhưng quả to hơn, người ta cắt miếng mỏng, bỏ đi hạt nhỏ nhỏ ở giữa, rồi ăn kẹp chung với bánh, chức năng giống như là chuối, nhưng ít chát hơn. 

Lúc về, mọi người không theo đường biển nữa mà đi vào trong thành phố, có dạo qua một công trình tên là "Quảng Bình Quan". Lại gần giới thiệu mới biết đây là một trong 3 cổng lớn, nằm trong hệ thống lũy Thầy, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Cái cổng thành này khá lớn, hơn cả cổng thành Diên Khánh, và đương nhiên cũng đẹp hơn. Có lối đi hình vòm cho người leo lên tới đỉnh chóp của cái cổng. Bên ngoài thì đèn thắp sáng rực, đủ màu rất đẹp. Ánh đèn đó cũng tương tự giống với ánh đèn cầu Nhật Lệ, nhìn từ xa trông rất tráng lệ và lãng mạn.

Nhắc tới cầu Nhật Lệ mới nhớ, có những buổi tối, thường là sau khi bị khách hàng ép uống về, chị nhóm trưởng thường rủ nhóm đi dạo qua cầu hóng gió để xua tan cái say. Mình có đi dạo 2 lần, qua bên kia đầu cầu rồi quay lại. Cầu Nhật Lệ buổi tối khá lãng mạn, có mưa nhẹ và thỉnh thoảng có một vài đôi trai gái trên cầu. Dưới cái sắc màu hồng hồng, tím tím của ánh đèn, đúng là một địa danh lý tưởng để bày tỏ tình cảm. Mình có chụp được vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Cầu Nhật Lệ bắt qua sông Nhật Lệ, đoạn khá gần với cửa biển, cũng giống như cầu Trần Phú ở Nha Trang vậy, nhưng cầu Trần Phú đương nhiên là dài hơn. Mỗi buổi sáng lên, nhìn theo hướng biển, ánh sáng mặt trời lấp lánh trên dòng sông và một khoảnh biến, trông như dát vàng. Người dân ở đây gọi "Nhật Lệ" là sự tráng lệ lộng lẫy của mặt trời, nhưng mình thích gọi nó với ý nghĩa là nước mắt của mặt trời hơn.

Đồng Hới nổi tiếng với một món đặc sản, người ta gọi là "khoai lang gieo". Cũng không biết sao nó có tên gọi đó cả. Nghe chị đồng nghiệp quảng cáo, có đi ra chợ Đồng Hới kiếm nhưng không được, tối quá người ta dọn hàng mất rồi. Sau này có nhờ cô chủ khách sạn đặt mua dùm của người quen, 70k/kg. Trông nó giống giống với khoai lang dẻo ở Đà Lạt, nhưng cách chế biến khác nhau, mà hương vị cũng khác. Khoai lang dẻo thì chế biến theo kiểu làm mứt, vừa dẻo vừa có vị ngọt của đường, mật. Còn "khoai lang gieo" thì chỉ đơn giản là luộc lên, cắt dài dài rồi đem phơi, sau đó đóng gói bán. Đem về ăn thì có vị rất dai, mẹ mình phải cho vào cơm hấp mới nhai đứt. Ăn cũng được, có hương vị của tự nhiên. Nếm món đặc sản tự nhiên biết được cuộc sống khó khăn của nhân dân miền Trung.  Trong cái sự khô khan của cuộc sống, có mùi vị ngọt ngào chân thành của tấm lòng.

Có một buổi tối, cả nhóm rủ nhau đi ăn món lẩu bò. Cũng nghe nói là đặc sản, nhưng ăn vào cũng không khác mấy với món lẩu bò ở nơi khác. Có thịt, có xương, nồi nước bắt lên trên bếp ga, rồi nhúng rau, nhúng mì gói vào. Hương vị cũng ngọt ngọt thơm thơm, vừa ăn vừa uống nước ngọt, cũng cảm thấy no bụng. Nói tới món ăn của Đồng Hới, còn có một món khác, khá nổi tiếng, là "cháo canh cá lóc". Nói là cháo canh, lần đầu ghé vào mình cứ nghĩ là cháo, nhưng thực ra đó là cháo bánh canh. Các loại bột (bột gì không rõ, hình như là bột gạo) thái mỏng mỏng, rồi luộc chín, cho và nước dùng, ăn cũng tương tự như ăn bún, nhưng chất bột làm mịn hơn, dai hơn, cũng rất dễ ăn. Cá lóc thì nấu thành nước, và có một vài miếng nhỏ cho vào. Người ta dọn lên kèm với món chả lụa và chả ram. Buổi sáng cuối cùng cũng được chị kế toán mời ăn món này. Nhưng cách chế biến khác, cũng là cháo canh nhưng bột màu sẫm, không biết là bột gì, ăn thì hơi nặng mùi cá lóc. Mình cũng ăn được một ít, nhưng vì dư vị của cơn say tối qua (tối qua có thêm chú Giám đốc nữa, nên bị ép uống hơi nhiều), nên không dám ăn nhiều, sợ cảm giác buồn nôn.

Buổi cuối cùng trong khi chờ taxi ra sân ga, có đi dạo loanh quanh gần một cái hồ súng trước quán ăn. Hồ này khó to, xa xa mới là các dãy nhà cao tầng. Có thêm một cái trụ phát sóng cao cao của bưu điện. Nó cũng gọi nhớ cho mình tới tháp Eiffel một chút. Tranh thủ chụp chung với chị kế toán vài tấm ảnh rồi chia tay Đồng Hới. Nhìn chung thì con người nơi đây khá thân thiện, chân thành. Cách xử thế thì rất gần gũi, tự nhiên, không có chú trọng hình thức giống như ở miền bắc. Chợt nhớ tới một cô bạn mà ngày xưa học đại học mình có duyên quen biết. Nàng cũng là người Quảng Bình, nhưng sống ở thành phố. Nàng cũng rất tự nhiên, rất chân thành. Lâu rồi cũng không liên lạc, không biết cuộc sống của nàng dạo này ra sao cả. Cũng không biết bao giờ mới gặp lại... Trong những ngày này, mình bắt đầu thích bài "Đóa hoa vô thường" của Trịnh Công Sơn. Đơn giản vì có nhiều đoạn nó khá giống với tâm trạng của mình. Sau này chắc mình sẽ còn viết nhiều về chủ đề này. Nhưng có lẽ sẽ không còn nữa những buổi chiều lạc bước chân trên phố Đồng Hới để nghĩ về những thăng trầm của cuộc đời mình, và của cuộc đời người...

Tạm biệt Đồng Hới, Quảng Bình, mình lên tàu về với Nha Trang trong một tâm trạng đầy cảm xúc. Xem như là đến đây đã kết thúc chuyến hành trình dài tập của mình. Tàu trở về Nha Trang còn qua một vài địa danh khác, cũng khá thú vị, nhưng không dừng lại nên mình chưa có cơ hội tìm hiểu nhiều. Lúc qua Huế, Đà Nẵng có chạy qua sườn núi đèo Hải Vân, tranh thủ ngắm cảnh biển Lăng Cô từ trên cao, trông cũng giống như biển Vũng Rô ở chân đèo Cả, nhưng kéo dài hơn và hùng vĩ hơn. Có nước, có sóng, có cát, có thuyền, có đảo... Qua Huế cũng có ghé lại mua một ít xôi Huế, để dành ăn từ từ. Xôi Huế ngọt, giống như hương vị mình ăn lúc khởi hành, nhưng nó dường như mang một vẻ luyến tiếc phảng phất.

Chuyến tàu xuất phát 10h sáng, tới gần 12h tối mới tơi nơi. Tính đến lúc mình rời sân ga là đúng 12h đêm. Chợt nhớ lại đây cũng là lần thứ 2 mình xuống ga Nha Trang vào lúc nửa đêm như vậy. Lần đầu tiên là một ngày 29 tháng 12 âm lịch. Năm đó không có 30 âm. Mình xuống ga là lúc đợt pháo giao thừa cuối cùng nở tung rồi tàn lụi. Tâm trạng khá nặng nề, không người đón đưa. Các anh chị khác thì đã có người thân ở Nha Trang đón. Mình bắt taxi về tới công ty, cất mấy giỏ hồ sơ, lấy cái xe máy, cố đạp vài chục cái cho nó nổ (vì để lâu quá không dùng) rồi chạy về phòng trọ. Tối hôm đó cái bao tử lên cơn dữ dội, tranh thủ ăn một ít xôi mang từ Huế về, và uống một ít sữa tươi Mộc Châu đem từ Hà Giang xuống, sau đó cố ru mình vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau ngủ nướng một chút, chạy thẳng về Ninh Hòa. Vào đúng ngay ngày chủ nhật, xin phép sếp nghỉ dưỡng ở nhà thêm 2 ngày nữa. Lấy cớ là nghỉ dưỡng, khôi phục sức khỏe, nhưng thực tế là chuẩn bị cho đám giỗ ba mình, cũng không chia sẻ với mấy chị đồng nghiệp về việc này. Đám giỗ cũng tổ chức khá đơn giản, anh mình dẫn bạn về, có môt ít hàng xóm, cô bác nhớ ngày thì ghé.Tính từ 2007 là được 6 năm rồi. Mình cũng dần quen với không khí như vậy.
Chuyến công tác này, mặc dù cũng có nhiều rắc rối, trong công việc và vấn đề say xe, nhưng nhìn chung là khá suôn sẻ. Nhất là mình cũng về nhà đúng dịp. Nếu mà sếp cho lịch thêm một khách hàng ở sau nữa là cũng không kịp về nhà sum họp. Nghĩ ra thì cũng tính là may mắn, cuộc đời không lấy hết của mình thứ gì cả. Nó cũng để lại một ít hy vọng, một ít ánh sáng, đủ cho mình có sinh lực để bước tiếp...

Hoa đỏ dành tặng Mẹ, hoa trắng dành dâng Cha


Bao năm ước nguyện chưa tròn
Cơm chay dở bát, tấm son thẹn lòng
Nghẹn ngào cay mắt trầm xông
Câu kinh niệm giữa thiền phòng vang vang

Giữa mùa tháng bảy cầu an
Đèn trời thắp tỏ, gửi ngàn hiếu tâm

Mẹ già, tóc điểm hoa râm
Ơn sinh thành, nguyện trăm năm đáp đền
Lòng cha, đâu thể nào quên
Nguyện dâng công đức qua miền bình an

Trăng tròn treo giữa ánh vàng
Khói hương tịnh độ bay ngang đất trời
Giật mình, con mãi rong chơi
Đường trần nương tạm, biết nơi đâu nhà

Cổng chùa nhớ Mẹ thương Cha
Lòng con tìm lại bao la mộng lành
Hoa hồng cài ngực áo xanh
Đỏ dành tặng Mẹ, trắng dành dâng Cha.

(Thanh Trúc, Hoa đỏ dành tặng Mẹ, hoa trắng dành dâng Cha)

Mãn thiên tinh

Chùm hoa nho nhỏ, trắng lung linh
Trước mộ em chôn một chuyện tình
Hương khói giữa trời trôi lẳng lặng
Như lời tâm sự mãi làm thinh.

Không để cho nhau chút nghẹn ngào
Vì người quá hiểu mộng em sao?
Gọi là tri kỷ hay là bạn?
Sao chẳng là yêu? Chẳng thể nào.

Xuân không giữ được dấu chân đi
Đã cách mười năm, đã lỡ kỳ
Hoa trắng còn dâng trinh bạch mãi
Như chưa từng héo bởi chia ly.

Ấy phải là duyên kẻ đến sau
Mà trắng tinh khôi chỉ một màu
Chẳng thể nào hồng như tiểu thuyết
Cũng không thành tím mộng dài lâu.

Chỉ trắng mà thôi, chỉ trắng thôi
Trách nhau chi nữa, chuyện qua rồi
Đã cam làm kẻ yêu thầm lặng
Đã nguyện chờ em trọn một đời.

(Thanh Trúc, Mãn thiên tinh)

Thu ca


Thu sang một thoáng, hạ hao gầy
Chợt thấy em cười buổi sáng nay
Trán cắt tóc thề, thu nép gió
Dịu dàng, và lỡ bước tôi say.

Thu buồn xơ xác, nắng hanh hao
Một thoáng em đi chẳng kịp chào
Lỡ hẹn mùa phai, thu vội vã
Đôi lần tôi đợi, đợi nôn nao.

Tôi tìm trong gió mộng bao la
Xác cỏ may tràn kín lối xa
Giăng mắc trong tim chiều lạc bước
Mà em, ai biết nhớ quên mà.

Nước chảy thời gian chợt ngẩn ngơ
Phà bên kia bến vẫn đương chờ
Nhà xa khói bếp say lòng khách
Giữ lại bên này nửa giấc mơ.

Một thuở phù du rả rích bay
Qua chiều thôn xóm rụng rơi đầy
Mơ hồ em đến đèn chong bóng
Thắp tiễn hương trầm khói trắng cay.

Người em tóc bạc thuở phiêu du
Về lại nơi đây gội bụi mù
Mắt đỏ nhòe trông con nắng nhạt
Ngừng qua chiếc lá rụng mùa thu.

Thương nhớ trần gian mộng tuyệt vời
Tôi nhìn em ngủ giữa thu vơi
Đôi lần thu đến tìm trên lá
Lác đác tàn mây bóng đất trời...

(Thanh Trúc, Thu ca)

Say trên cầu Nhật Lệ

Giữa trời Đồng Hới mưa bay
Dưới cầu Nhật Lệ nước lay nhẹ nhàng
Nhìn quanh lòng chợt xốn xang
Quen nhau chi để vội vàng xa nhau...

Trời nam mây trắng một màu
Nhớ con hẻm nhỏ hồi lâu đợi chờ
Phận nàng, ta viết thành thơ
Phận ta dành lại giấc mơ tuyệt vời.

Cuồng say hơi rượu giữa trời
Một người giận dỗi, hai người đơn thân...

Thanh Trúc

Dạo chân qua cầu Nhật Lệ

Trên cầu Nhật Lệ buông câu
Dưới cầu Nhật Lệ một màu nước trôi
Lòng người ai biết bồi hồi
Lòng ta ai biết tỉnh rồi lại say...
 

Chân trời dừng nghỉ tạm đây
Chân ta đâu biết chốn này bình yên
Bờ xa thấp thoáng bóng thuyền
Người xa nam bắc tình duyên hững hờ...

Đời này lỡ dại yêu thơ
Tâm thi sĩ chẳng bao giờ chuyên tâm
Dù lòng yêu dại thương thầm
Chẳng bao giờ đủ trăm năm một người...

Tuyết sương xuân muộn còn rơi
Ghét yêu chưa trọn một đời đa đoan...

(Thanh Trúc, Dạo chân qua cầu Nhật Lệ)

Em là thu

Giữa một mùa thu, giữa lá vàng
Em dường cơn gió thoảng mênh mang
Lối thu thăm thẳm màu hoa dại
Vương bước chân em những cánh tàn.

Ta sợ thu dài, vắng bóng em
Lan rơi cánh ngọc giữa chừng đêm
Mưa về giọt vỡ nghìn tim mỏng
Thiên lý thôi hương, rụng trắng thềm.

Em ạ, ta buồn, có biết chăng
Mưa ngâu tháng bảy lạnh cung Hằng
Cầu xa Ô Thước em là mộng
Đêm muộn phai tàn áo gió trăng.

Dòng đời dẫu đổi tựa thu qua
Vẫn giống sen thu, vẫn mặn mà
Có chút gì riêng đem gửi gió
Để thành lưu luyến trái tim ta.

(Thanh Trúc, Em là thu)

Tháng bảy, cầu Ô Thước

Tháng bảy bờ xa bắc nhịp cầu
Tình nhân có kẻ vội tìm nhau
Trùng trùng tâm sự đêm dần sáng
Tạm biệt chưa đành hẹn buổi sau.

Buổi sau phải đợi đến sang năm
Người cách chân mây, kẻ khóc thầm
Xoay chuyển đất trời tan hợp mãi
Phai mờ tuế nguyệt chữ tri âm.

Ngẫm sự thế gian chỉ có buồn
Tương tư thời để giọt sầu tuôn
Gặp nhau lại phải duyên không phận
Chờ đợi hao mòn, mộng tự buông.

Sương tuyết trăm năm cũng lỡ kỳ
Sông Ngân biền biệt nước trôi đi
Yêu nhau sao chẳng gần nhau nhỉ?
Chỉ có đợi chờ với biệt ly.

(Thanh Trúc, Tháng bảy, cầu Ô Thước)

Thu quê

Mấy lá vàng rơi họa bức tranh
Rung rung hoa sữa trĩu trời xanh
Hương cau trong vắt nhòe xao nước
Bưởi trắng đong đưa gió uốn cành.


Đình con một chiếc giữa hồ xây
Thuyền nhỏ chèo nghiêng tạm ngủ ngày
Dương liễu cong cong lười chải tóc
Soi mình trong nước ngỡ rằng bay.

Thu chợt mềm như lụa giữa trời
Chim vờn mây trắng nẻo tầng khơi
Xiên qua con nước bèo trêu cá
Trưa nắng hồ in nón lá phơi.

Cô bé nhà ai ghé hái sen
Nụ hồng mới hé, nhụy chưa nhen
Ôm đôi ba đóa căng tràn nhựa
E ấp như tình buổi mới quen.

(Thanh Trúc, Thu quê)

Đêm thu

Đôi nhánh tre dài lõng thõng buông
Gà bên hàng xóm đã lên chuồng
Tàu dừa mấy chiếc nghiêng cài tóc
Bóng đổ đầy sân một khoảnh vuông.

Trăng bỗng rùng mình rớt xuống ao
Xua đàn cá chép quẫy xôn xao
Ngủ quên cú vọ đêm chồm dậy
Ếch trượt bờ sen, té cái ào.

Lách tách măng chồi mấy búp non
Ve như nhai kẹo vỡ tan giòn
Trốn tìm lũ dế kêu ầu ới
Đêm chợt hồn nhiên tựa trẻ con.

Chao qua cành ổi một bầy dơi
Kiếm trái chua ngon gặm đã đời
Mặc kệ mèo con rình cửa sổ
Leo hay thì thử ghé lên chơi.

Sương nhỏ trên cành lóng lánh nghe
Nhà ai giọng trẻ hắt qua khe
Cô em vòi chị bao bìa vở
Đi học ngày mai, hết nghỉ hè.

Tháng bảy rong chơi trọn một hồi
Trăng lên chợt nhớ vị chè xôi
Ngạt ngào bếp nhỏ thơm mùi nếp
Mẹ bảo: về nghe, sắp chín rồi.

(Thanh Trúc, Đêm thu)

Nhật ký nghề nghiệp: Hà Giang và dư vị của trà Shan Tuyết

Đường lên Hà Giang, mặc dù không còn say xe nữa, nhưng vẫn quanh co khúc khuỷu hơn là mình tưởng tượng. Buổi sáng hôm đó, ngày 21 tháng 7, sau khi dọn hành lý xong, mọi người ra cổng khách sạn để chờ chuyến xe chạy ngang qua mà hôm qua chị trưởng nhóm đã đặt vé trước. 7h30 sáng xuất phát. Chờ tới 8h, xe vẫn chưa tới. Tới 9h, xe vẫn chưa tới. Mọi người quyết định ra bến xe để tìm một chuyến xe khác.

Khoảng 10h xe mới khởi hành. Đây là một chuyến xe chợ khá chật chội. Băng ghế 4 chỗ ngồi mà người ta nhét tới 5 người. Mình ôm thêm một cái balo đựng laptop nữa, thành ra đôi chân cứ bị tê cứng lại. May mà trên đường đi có khách lên khách xuống nên thỉnh thoảng cũng dư được một ít không gian mà ngay chân cho đỡ mỏi. Khoảng tầm 3h chiều xe mới tới nơi. Mọi người về khách sạn nghỉ một giấc, đến chạng vạng tối mới rủ nhau đi ăn. Vậy là tiết kiệm được bữa ăn trưa.

Khách sạn mình ở gọi là một khách sạn tương đối bình dân, những cũng đủ sạch sẽ, nằm trong khuôn viên riêng của một ngân hàng lớn. Chắc là ngân hàng kinh doanh luôn khách sạn luôn, kiểu như đầu tư đa ngành vậy. Đối diện là một con đường rất đẹp, rộng rãi, ít xe cộ và có nhiều cây xanh. Đi bộ hết con đường là đến nơi làm việc của khách hàng. Gần chỗ đó có một số địa điểm khá thú vị mà buổi cuối cùng, mình với mấy chị đồng nghiệp có dành chút thời gian đi dạo và chụp ảnh.

Quán cơm buổi chiều mọi người ăn cũng là một quán khá ngon, nằm cách khách sạn khoảng 10 phút đi bộ. Lúc đó mình có đi qua một số nơi, nhìn tên gọi người ta khắc trước cổng cũng khá đặc biệt, như: liên minh hợp tác xã, thông tấn xã... Tiếc là cũng vội quá không mang theo máy ảnh, nếu không cũng chịu khó chụp vài tấm mang về. Đến buổi cuối thì gần như quên mất. Quán ăn nổi tiếng với món cơm chiên, giá cũng tương đối bình dân. Mọi người kêu thêm 1 tô canh trứng nữa, canh trứng nấu với sấu, ăn cũng khá vừa miệng. Sau này thỉnh thoảng đi khách hàng về mấy chị đồng nghiệp cũng thường ghé qua đây. 

Ngoài ra bên chỗ gần khách sạn, cũng có một quán cơm khác, nấu ăn theo kiểu gia đình, cũng rất hợp khẩu vị. Một bữa cơm đa phần là đủ 3 món canh rau mặn. Những hôm mình ăn cơm ở đây, thấy tỉnh thoảng có khách Trung Quốc ghé sang nữa. Chắc là gần biên giới nên có sự hợp tác hoặc là đầu tư gì đó. Mà cũng không bận tâm lắm, ghé quán ăn chỉ lo ăn và ăn. 

Ngay buổi tối đầu tiên, nghe một chị đã từng đi công tác nơi đây kể lại, Hà Giang nổi tiếng với 2 món ăn: cháo "ấu tẩu" và chè "Thắng Dền", thế là đêm thứ 2 mọi người rủ nhau đi ăn thử. Chè Thắng Dền thì mình vẫn còn vô duyên chưa nếm qua. Nghe cô chủ quán nói là món này cũng giống như chè trôi nước ở dưới xuôi, nhưng mà chỉ có vài dịp mới có bán thôi, không phải bán quanh năm. Còn cháo ấu tẩu thì có nếm qua, nhưng không hợp khẩu vị lắm. Cũng nghe kể lại là món này có khá nhiều tác dụng, tăng sức khỏe, cung cấp năng lượng, tăng sức đề kháng..., chỉ ngặt nỗi là trái ấu tẩu phải biết chế biến, nấu phải chín, nếu không sẽ còn chất độc trong món ăn. Mà hương vị của nó giống giống với món cháo khoai xoay nhuyễn, chỉ là hơi đắng một xíu, có nấu chung với giò heo, móng heo. 

Ngoài ra, Hà Giang còn rất nổi tiếng với một món đặc sản khác, mà ngay ngày đầu tiên đi xuống khách hàng ở Vị Xuyên mình có cơ hội được tìm hiểu thêm, đó là trà Shan Tuyết. Người miền bắc quen gọi là chè, nhưng mình thích gọi là trà hơn, để phân biệt với mấy món chè ngọt ngọt kia. Nghe chú giám đốc bên đó nói, trà Shan Tuyết mọc trên vùng núi cao, là một loại trà cổ thụ, phải 5,7 người leo lên cây cao hái, không giống như trà bình thường thấp thấp trồng trên đồng. Mà trà này sản lượng rất hạn chế, nên phải biết nguồn và sành trà mới có thể mua đúng loại, còn ra ngoài shop thì chắc chắn hơn 90% là hàng nhái. 

Cô kế toán ở Vị Xuyên còn khá trẻ, chắc hơn mình 2,3 năm gì đó. Cô pha trà một cách rất điệu nghệ, tất nhiên là không bằng được với trà đạo trong sách vở, nhưng nó rất tự nhiên, gần như là một bản năng của người miền cao. Đầu tiên cô vốc bằng tay 2 vốc trà cho vào ấm. Sau đó đổ sâm sấp nước vào rồi đổ lần nước đó đi. Sau đó mới đổ đầy ấm trà bằng một lần nước khác. Sau đó cô dùng nước sôi để tráng sơ qua các tách trà nhỏ, lấy nước tách này sang qua tách kia, rồi cũng đổ đi. Cuối cùng mới rót trà ra để mời khách. 

Nhắc tới trà Shan Tuyết mình mới nghĩ tới cô kế toán ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang mà lần trước mình gặp, cũng trùng tên như vậy, và trùng tên với nàng. Tự nhiên sực nhớ ra là dạo này nàng ít xuất hiện hơn, trong những trang viết của mình. Có người đã nói với mình rằng: việc gì cũng phải để tự nhiên, nếu đã không có duyên thì sẽ từ từ quên đi, còn nếu không quên thì chứng minh được tình cảm bản thân còn sâu đậm. Mình cũng không biết làm thế nào cho phải cả. 

Buổi chiều ở Vị Xuyên về, khách hàng mời chung cả nhóm cùng đi ăn. Lần này cũng bị ép uống rượu. Liên tục sang ngày hôm sau cũng bị ép uống nữa, cả buổi trưa vừa buổi chiều. Mình được biết đến hai loại rượu mới, là rượu thóc "nàng Đôn" 29 độ của đât Hoàng Su Phì và rượu ngô "hạ thổ" của đất Quản Bạ, cũng 29 độ. Sau vài lần bị ép say như vậy, tự nhiên cảm thấy mức độ nhạy cảm về rượu của mình tăng lên một chút, uống vào là để ý nhãn rượu. Hy vọng sau vài năm ngành nghề, không bị phụ thuộc mấy cái món men say này, đỡ khổ cho bản thân và gia đình.

Liên tiếp mấy ngày ở đất Hà Giang cũng không phát sinh sự kiện gì đặc biệt cả, buổi sáng ăn sáng xong đi làm, trưa ăn cơm, ghé về khách sạn nghỉ trưa, chiều lại làm tiếp. Thỉnh thoảng mấy chị có rủ uống cafe vỉa hè, rồi có khách hàng mời đi ăn nhậu. Có thể xem là một trong những tháng ngày tương đối bình lặng. Gọi là tương đối bởi vì chỉ lúc so sánh với những chuyến công tác khác thôi, còn so với ngày thường thì mình vẫn bận rộn tới tấp, tối về khách sạn còn phải mở laptop lên làm việc.

Có một chuyện khá là thú vị là ở trên này, mình có làm việc với một cô kế toán, hình như cũng mới đi làm 1,2 năm gì đó. Mới đầu thì mình cứ gọi bằng chị suốt. Sau đó, khi mọi người đi ăn mới hỏi tuổi nhau, mình kê khai thêm lên là sinh năm 88, mà cô này lại sinh năm 89, nên người ta gọi mình ngược lại là anh. Về đến khách sạn mấy anh chị trêu mình quá trời. Mà mình cảm thấy mình cũng chưa lợi hại lắm bằng mấy đứa bạn hồi xưa học chung chuyên ngành, tụi nó còn kê khai lên 3,4 năm, mình chỉ có 1,2 năm thì không thấm vào đâu cả. Sau sự kiện này mình cũng bắt đầu để ý đến tuổi âm lịch, ví dụ như 88 là con rồng, 89 là con rắn... để dễ bề đối phó với khách hàng hơn, khi người ta hỏi sâu hơn.

Ở trên này, thỉnh thoảng mấy chị có mua nhãn ăn chơi. Nhãn trên này rất ngon, vỏ cứng, cơm dày, khô, không bị chảy nước, vị thì rất ngọt. Có mấy chị còn mua tới 2,3 kg gì để đem về nữa. Kết quả là ngày cuối cùng, mọi người phải xách theo một mớ hành lý, nặng càng thêm nặng, đến mức mà hôm qua về Hà Nội, chị trưởng nhóm quyết định ra ga gửi bớt đồ về cho đỡ mệt.

Ngày cuối cùng, mọi người kéo ra sau lưng văn phòng của khách hàng chụp ảnh. Mấy ngày làm ở đó mình còn chưa biết nhiều, lúc ra phía sau mới thấy mình sém chút nữa là bỏ lỡ nhiều cảnh quan hấp dẫn. Đầu tiên phải kể đến một cái đài phát sóng của bên bưu điện, nó nằm giữa đường đi, bốn chân mọc hai bên, hình thành nên một cái vòm vòng cung ở giữa cho xe chạy, nhìn xa trông giống y như là tháp Eiffel thu nhỏ. Có lần nó làm mình liên tưởng tới Paris hoa lệ. Thành phố này vẫn là một trong những ước mơ lớn của mình. Nhiều lúc cũng có ý định học thêm tiếng Pháp để gia tăng cơ hội, tiếc là hiện tại còn chưa có thời gian. 

Nhắc tới Paris mới nhớ, gần đây có lang thang facebook, ghé qua page của thầy giáo dạy triết học hồi xưa. Nói thật mình cũng hơi không thích con người thầy lắm, nhưng phải công nhận thầy là một người thầy rất xuất sắc, những bài giảng triết học của thầy rất hấp dẫn, dễ hiểu và đi vào lòng người. Gặp được thầy cũng là một trong những cái duyên đưa mình đến với triết học trong những năm đại học. Đầu tháng 8 thầy có được mời tham dự Đại hội triết học thế giới lần thứ 23 ở Hy Lạp, rồi thầy du lịch gần như vòng một vòng khắp châu Âu, có ghé qua Paris và chụp ảnh lại, làm mình hâm mộ vô cùng. Hy vọng sẽ có một ngày, mình làm được như thế. 

Một điều thú vị khác là ở gần đó có một cái cột mốc được xây dựng khá to, gọi là "kilomet 0" (Km0), mình thích gọi nó là nơi bắt đầu của những con đường. Mà thực ra mình cũng không biết tại sao nó gọi là Km0 cả, chắc là chỉ mang ý nghĩa của ngành giao thông. Còn về mặt địa lý thì nơi đó còn cách biên giới với Trung Quốc khá xa, tầm đâu 20km nữa. Mình vẫn chưa có hội đi tới cửa khẩu gần đó, với đỉnh Lũng Cú là điểm cực Bắc của Việt Nam. Nghe mấy chị kể lại trên đó đường đi rất khó khăn, có cô dân tộc nói tiếng Kinh rất giỏi, có gió lớn, rừng núi bạt ngàn... Cảm thấy rất hấp dẫn, hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp. Hà Giang còn nổi tiếng với một địa danh khác, đó chính là "Núi đôi" ở huyện Quản Bạ. Nó làm cho mình nhớ tới 1 bài thơ, không biết có phải viết về địa danh này không nữa, nhưng cũng có tên là "Núi đôi", tác giả Vũ Cao:

"Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng..."
 

Nằm cách Km0 vài chục mét là một dòng sông. Ban đầu mình cứ nghĩ nó là một con sông bình thường như bao con sông khác, nhưng nghe chị trưởng nhóm kể lại thì đó chính là sông Lô. Con sông này mình đã từng học trong sách tiếng Việt cấp 1, nhưng bây giờ mới được dịp nhìn thấy tận mắt. Sông Lô của hiện tại không lớn như trong tưởng tượng của mình, nước cũng khá hiền hòa, có một vài chỗ trơ bãi cát và lau sậy mọc um tùm. Nói chung là nhìn nó vẫn bình thường, ngoại trừ một vẻ đẹp hoài cổ trong thơ Tố Hữu từng làm mình động lòng:

"Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca."

Buổi chiều hôm đó là buổi chiều cuối cùng mình ở Hà Giang. Tạm biệt sông Lô những ngày mưa nhỏ, mình lên xe trở về với Hà thành. Hôm trước kịp ghé qua một cái shop nhỏ, tìm mua một ít trà Shan Tuyết về làm quà, và một ít để biếu chú bảo vệ đã đưa mình ra ga xe lửa từ đầu chuyến đi. Cũng nhờ cô chủ quán ăn gần đó mua dùm một ít "tăm giang". Tăm giang khác với tăm tre bình thường, nó rất tròn và rất nhỏ, không cần phải tước ra thêm nửa mà có thể dùng xỉa răng ngay. Ở Ninh Hòa không có, đem về khoe với mẹ mình, mẹ mình cũng thích lắm, có lấy vài bó biếu tặng họ hàng gần xa.

Chuyến xe trở về Hà Nội khá yên bình. Lần này là xe chất lượng cao thứ thiệt, có giường nằm 2 tầng, chăn ấm đệm êm. Lên xe mình ngủ thẳng 1 giấc, đến sáng mai là tới nơi. Giữa đường xe có ghé trạm cho khách dừng chân, mình cũng tranh thủ mua một ít táo mèo về cho mẹ ngâm rượu. Có xin thêm công thức chế biến táo mèo nữa, ngâm đường được, ngâm rượu được, ngâm giấm được, tùy theo cách ngâm mà công dụng của nó khác nhau. Tính ra đến hiện tại, khi mình viết những dòng này thì cũng đã là gần tháng rồi, giờ về nhà chắc rượu táo mèo ở nhà đã đến lúc nếm thử được...

Nói chung, những chuyến đi của mình, không tính là phẳng lặng, nhưng cũng để lại nhiều dư vị khó tan...

19 thg 8, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Tuyên Quang và những cơn say xe

Tối ngày 16 tháng 7 mình lên Tuyên Quang. Có thể nói, đó là một trong những buổi tối "kinh khủng" nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của mình. Tất nhiên là mình cũng không đến nỗi than trách gì nó cả, chỉ có điều nó để lại ấn tượng không thể nào quên được.

Buổi chiều xách một mớ hành lý ra đến bến xe, mọi người (cả mình lẫn mấy anh chị đồng nghiệp), đều mệt mỏi vì những cái giỏ file nặng trình trịch. Sau đó phải vất vả một buổi nữa để bon chen trong đám đông chật chội mà tìm cho ra cái xe mà chị đồng nghiệp đã đặt vé. Tất nhiên mình sẽ không còn tâm trí để nhớ rõ nhãn xe nữa. Giờ nghĩ lại mới hối hận, lúc đó sao không ghi lại biển số xe để sau này có dịp quay lại còn tránh đi chiếc đó. 

Sau khi xếp đống hành lý vào, mọi người còn phải loanh quanh tìm chỗ ngồi. Gọi là xe "chất lượng cao", chứ thực ra nó chẳng khác nào xe chợ. Người ta ép mình xuống giữa hành lang và ngồi ở đó tới mấy tiếng đồng hồ. Buổi chiều đi vội còn chưa kịp ăn gì cả, mặc dù trước lúc ra bến xe mình có ghé một cái shop nhỏ mua ít sữa và bánh ngọt cho mọi người nhưng cũng không còn sức để ăn. Vừa đói vừa mệt. Say xe là điều không thể tránh khỏi. Cũng may là trên chặng đường đi, xe có ghé qua nhiều trạm và thả khách xuống, thưa dần nên mình cũng có một ít chỗ để ngả lưng trong chốc lát và ngủ thiếp đi một hồi. Đương nhiên cũng không phải một hai lần mình say sóng cỡ đó, hồi đi học có khi còn hơn nữa, nhưng từ lúc đi làm tới giờ, đây cũng tính là lần thứ hai say thê thảm như vậy. Lần đầu tiên là chuyến công tác đầu tiên ở Tuy Hòa mà mình đã ghi lại trong những trang viết trước. Có đôi lần, mình phải mở điện thoại lên để nhờ tới âm nhạc, những bài nhạc Trịnh mà mình quen thuộc, để tạm quên đi cơn say xe chập chờn.

Đúng 11h đêm, xe tới nơi. Khách sạn mình tạm nghỉ lại tên là Hoa Mai (hay Mai Hoa gì đó), nằm ở khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang. Khách sạn này có 2 chi nhánh, một cái ở khá xa, cái mình ở là khách sạn kết hợp với nhà hàng ăn uống. Ăn uống ở đại sảnh tầng một, còn các tầng khác là phòng nghỉ. Lên tới đó, mình gần như không còn đủ sức để nghĩ nhiều về những chuyện linh tinh mà vội vàng tắm một chút rồi lao vào giấc ngủ.

Một điều nữa, có thể xem là khá kém may mắn đối với mình là túi hành lý, một cái vali chút xíu của mình bị bỏ quên ở Hà Nội. Anh đồng nghiệp nhờ bạn ở Hà Nội gửi xe lên dùm nhưng phải chời tới tối ngày thứ 3 lúc đi huyện về thì nó mới lên tới nơi và mình mới có quần áo để thay. Còn trước đó, đương nhiên là tạm mặc quần áo dơ. Anh đồng nghiệp có đề nghị cho mượn quần áo nhưng mình ngại nên không mặc. Tất nhiên là mình vẫn tắm bình thường, mặc dù có chút bất tiện nhưng không đến nỗi... hôi như cú vọ. ("Hôi như cú vọ" là cụm tính từ mà mẹ mình thường hay sử dụng để chỉ trích anh em mình về tội ở dơ).

Sáng ngày đầu tiên ở Tuyên Quang là một ngày tương đối uể oải. Phần lớn là do mình không ngủ đủ giấc, với trận say xe đêm qua đã lấy đi hết sức lực của mình. Tất nhiên sự tỉnh táo trong công việc cũng bị ảnh hưởng vài phần, nhưng không đáng kể lắm, vì dù sao mình cũng đã khá quen với việc say xe. 

Buổi sáng hôm đó, mọi người tỏa đi các nơi và bắt đầu công việc của mình. Mình với một chị đồng nghiệp ăn sáng sớm hơn mọi người và đi bộ xuống khách hàng gần đó. Đó là một trung tâm khá lớn và khang trang. Sau màn chào hỏi, trà nước, khách hàng cử anh lái xe đưa mình xuống địa điểm đầu tiên ở huyện để bắt đầu công việc, đó là huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Nói về khoản trà nước, lần đó mình không chú ý lắm, nhưng sau này có hiểu thêm chút ít về cách uống trà của người miền núi. Chuyện này mình sẽ kể lại sau, trong chuyến hành trình kế tiếp khi mình đã đến một địa điểm khác, tỉnh Hà Giang.

Đường xuống huyện Chiêm Hóa (lúc này mình cũng không rõ là lên hay là xuống, bởi vì theo cách nói thông thường là từ văn phòng xuống huyện, còn theo khu vực địa lý thì mình lại tiến dần lên phía bắc) khá chông chênh và quanh co. Chiếc xe địa hình của khách hàng phải tốn tới gần 3h đồng hồ mới đi được đến nơi. Lúc này cơn say xe lại tiếp tục đeo bám mình nhưng mình không còn nôn nữa, chắc là hôm qua nôn đủ rồi, hoặc là có nôn thì cũng không ra gì nên không buồn nôn. Buổi sáng có ăn bún bò miền núi nhưng chỉ gắp một chút ít rồi thôi, còn lại là ngồi nhìn chị đồng nghiệp ăn. Hơn bảy năm trong nghề, rõ ràng là chị ấy có khả năng thích nghi cao hơn mình.

Anh lái xe là một người rất hiền và thân thiện. Trên đường đi anh kể chuyện rất nhiều về những đặc sản miền núi, từ ăn quả, tới con người, và cả khí hậu. Chị đồng nghiệp thì chăm chú lắng nghe, lâu lâu còn hỏi thêm vài chuyện, còn mình thì mãi cầm cự với cơn say nên nghe câu được câu mất. Đến cuối đường thì chỉ còn mơ hồ nghe được chuyện về quả táo mèo, quýt đường và một ít thứ liên quan đến hàng Trung Quốc, đại loại là trái cây Trung Quốc quả thường đẹp hơn, màu sắc tươi hơn, bảo quản lâu hơn... và chắc chắn là ăn vào có hại hơn. Mình cũng chợt liên tưởng đến con người, đúng là không thể đánh giá hết mọi thứ qua vẻ bề ngoài được, phải sống lâu mới hiểu được lòng nhau.

Xuống xe, sau khi đã là quen với khách hàng tại vùng Chiêm Hóa, mình gần như bắt đầu công việc ngay lập tức. Anh tài xế thì ở lại tại xe chờ mọi người đến buổi chiều. Chị kế toán thân thiện, đã có gia đình và có một con nhỏ, giải thích rất tận tình đối với những nghi vấn của mình và chị đồng nghiệp. Mình ấn tượng với anh thủ kho, cũng rất hiền, ngay đợt máy photo của đơn vị bị hỏng, toàn làm phiền anh ra ngoài photo. 

Buổi trưa khách hàng có mời đi ăn cơm ở nhà hàng gần đó, ăn chung còn có một anh bên phòng kinh doanh. Không nhớ rõ tên anh, chỉ nhớ là anh khá vui tính, nói toàn chuyện cười, có hỏi thăm khá nhiều chuyện về mình. Chị đồng nghiệp mình thì lại đem khả năng viết thơ của mình ra khoe, và từ đó mình cũng nói chút về chuyện thơ ca. Mà chắc người ta không hiểu nhiều, cười để lấy tiếng xã giao là chủ yếu. Món ăn cũng khá phong phú, có món "bầu hồ lô", thực chất là những quả bầu non, chỉ nhỏ bằng ngón tay cái được đem luộc, rất ngọt và dễ ăn. Có một món rau núi xào, mà mình không nhớ tên là loại rau gì, chỉ nghe nói nó mọc trên núi, và dễ bị nhầm với "lá ngón" (hay lá ngói nhỉ? là loại lá mà thiếu nữ miền núi ăn vào để đoạn tuyệt tình cảm). Một món khác gọi là "gà chạy bộ", cũng không phải là chạy bộ thật mà gà được thả rong trên núi, thịt rất ngọt và săn chắc. Ngoài ra còn có mấy món nữa, mình cũng không nhớ tên, nhưng ăn cũng rất vừa miệng. Tiếc là phải lo đối phó với những chén rượu chúc qua chúc lại của khách hàng nên hương vị cũng nhạt đi phần nào. Rượu tên là nếp men lá, được ủ trong lá cây gì gì đó, hàng tháng trời mới uống được.

Nói về khoản uống rượu mời khách thì người ở miền núi này cũng khá nhiệt tình và phóng khoáng. Trong bàn rượu cũng nói đủ thứ chuyện. Mà ở trên này người ta chỉ uống rượu, hoặc hiếm khi mới có bia, mà bia thì chỉ có một thương hiệu là bia Hà Nội. Không giống như người miền trong, đụng chuyện là bia với bia. So ra thì rượu ngấm lâu hơn so với bia. Bia có thể uống say, nhưng ngày hôm sau sẽ trở lại trạng thái bình thường, còn rượu thì phải gần tan tiệc mới biết thế này là say, rồi tới ngày hôm sau nữa hơi rượu còn đọng lại chưa tan. Có lần mình đùa với anh đồng nghiệp rằng, không biết sao uống ba bốn ngày nay mà cảm giác trong hơi thở của em vẫn còn mùi rượu, chắc là bị ám ảnh quá.

Sau bữa trưa, khách hàng lại mời đi uống cf. Mình còn chưa có kinh nghiệm uống rượu nhiều, nên dại dột gọi một ly cafe nhiều sữa. Kết quả là rươu với cafe trộn chung với nhau, làm cho bao tử mình cồn cào đến tận buổi chiều xế. May mà nhờ người ta dọn lên một ít táo của miền núi, ăn khá chua, có một ít chát, nhưng đối với người đã ngà ngà như mình, thì cảm thấy nó ngon hơn bình thường rất nhiều. Có lấy một vài quả về phòng làm việc ăn, nhưng buổi chiều hôm đó, mình cũng nôn ra gần hết. Tất nhiên là nôn lén, không để chị đồng nghiệp biết. Còn công việc thì thông suốt như bình thường.

Hôm đó, trên bàn tiệc có nghe người ta kể lại chuyện "chè Thái gái Tuyên". Mọi người cũng trêu đùa chị kế toán vài câu (chị gốc ở Tuyên Quang luôn). Nhưng lần đó mình uống khá nhiều nên cũng chưa kịp tìm hiểu nhiều về chuyện này. Nói là chè Thái chứ thực ra không phải là món chè Thái mà thỉnh thoảng mình vẫn ăn ở trong Sài Gòn ngày xưa, mà là trà, trồng ở Thái Nguyên. Không biết sao nó đặc biệt cả, vẫn chưa kịp tìm hiểu luôn.  Còn nói về "gái Tuyên", sau này về Nha Trang mới nghe chị phó phòng kể lại, nguồn gốc là do ngày xưa, có một ông vua nào đó, chạy giặt lên tới vùng này, dẫn theo một đám cung tần mỹ nữ, nhưng bị thất lạc. Sau này con gái ở vùng này lớn lên, vì có "gen" của người đẹp, nên tất nhiên sẽ đặc biệt hơn người. Mà mình chỉ nghe vậy cho vui thôi, chứ cũng không có ý nghĩa gì nhiều lắm. Đối với một người miền xa, nay đây mai đó như mình, chắc là không có duyên với người nơi đây. Có một lần viết đùa trên fb là "mình không phân biệt được đâu là say xe, đâu là say rượu, đâu là say tình", thực ra thì chỉ có say xe với say rượu là đúng sự thật, còn say tình thì chỉ chủ yếu là hoài niệm chuyện những ngày xưa, chứ không phải do con gái nơi này. (Tính tình mình cũng tương đối lạ, mỗi lần uống say vào lại nhớ toàn chuyện ngày xưa, mà chuyện ngày xưa buồn nhiều hơn vui, nên mỗi lần nhớ lại là mỗi lần lòng đau như cắt, lại càng muốn say thêm).

Buổi chiều, sau khi xong việc ở khách hàng, anh tài xế đưa mọi người đến địa điểm tiếp theo, cách đó khoảng 1h đồng hồ xe chạy: huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Lần đầu nghe cái tên mình cũng cảm thấy lạ, sau này trong những buổi tiệc, nghe các anh chị ở nơi đây nhắc nhiều đến nó nên cũng cảm thấy thân thuộc và dễ nghe dần. Thỉnh thoảng mình lại nhớ tới cái tên gần giống nó: La Hai, một thị xã nhỏ ở tỉnh Tuy Hòa, nơi mà hồi xưa ba mình có chạy xe máy, chở hai anh em mình ghé thăm gia đình một người cô lấy chồng ở đây. Đường đến Na Hang phải chạy ven theo một con sông nhỏ, mình không nhớ được tên sông, mà lúc đó là buổi chiều, vừa mệt do công việc, vừa có dư vị của rượu buổi trưa nên không kìm được say xe nữa, cứ nôn mửa suốt, cũng không kịp hỏi tên con sông luôn. Chỉ nhớ thấp thoáng ở một đoạn sông có một công trình thủy điện nhỏ mọc lên, nghe anh lái xe giới thiệu đó là do tư nhân đầu tư. Hồi trước ở gần đó có một cái thác rất đẹp, gọi là Thác Mơ, có lần nữ phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng đi trực thăng khảo sát ở nơi này. Nhưng khi con đập thủy điện xây lên thì mực nước cũng dâng lên và che lấp mất cái thác. Nghĩ cũng hơi tiếc, nếu không mình đã xem được một cảnh tượng tuyệt vời khác, có khi nó sẽ giúp mình quên đi việc say xe.

Nhắc tới Thác Mơ mình lại chợt nhớ đến một công trình thủy điện khác, cũng có tên là Thác Mơ, nhưng ở rất xa, thấu bên trong miền Nam, nơi mình đã từng ghé qua thăm một cô bạn. Lần nó là một trong những lần đi xa khá liều lĩnh của mình. Nhưng sau này nghĩ lại, đó là một kỷ niệm đẹp, không thể nào quên. 

Buổi chiều ghé Na Hang, mình ở một khách sạn nhỏ gần thị xã (hay là thị trấn gì đó, mình cũng nhớ rõ). Mình ở chung phòng với anh lái xe, nhờ đó mà hiểu biết thêm về anh. Buổi tối, những tưởng mình sẽ ngủ được một giấc ngon, nhưng lại bị khách hàng, lần này là ở huyện Na Hang, mời ăn tối. Tất nhiên là ăn tối chỉ là vấn đề phụ, chính yếu vẫn là bị ép uống. Lần này khách hàng cũng trẻ tuổi, chị kế toán chỉ hơn mình 2,3 tuổi gì đó, nên cũng tương đối dễ tính và không ép mình uống nhiều. Một anh nữa, phụ trách bên kinh doanh, cũng khá trẻ và vui tính. Người ta gọi bia Hà Nội ra, mình cũng uống được một ít, nhưng chủ yếu vẫn là húp nước canh rau cho tan men say. Ngoài ra, mình còn mượn cớ say xe để được uống ít lại. 

Sau này nghe anh lái xe kể lại, chị kế toán sắp có em bé, được vài tháng rồi, nên không uống bia được. Mà chị chưa làm đám cưới, chỉ đang ở chung với người yêu. Tự nhiên mình lại cảm thấy hâm mộ những người như vậy. Tuổi trẻ đầy dũng cảm, biết chấp nhận hết tất cả mọi thử thách để được sống bên người mình yêu thương. Tiếc là mình vẫn chưa đủ dũng cảm giống vậy, nên cứ đơn độc mãi, vẫn cứ đi tìm một bóng hình vô định.

Buổi tuổi ngủ chung phòng khách sạn với anh tài xế, nửa đêm chợt tỉnh giấc nghe tiếng anh ú ớ nói trong mơ rất to. Mình không nghe rõ tiếng, hồ như anh đang gọi "Mẹ ơi" gì đó. Chắc là anh có nỗi khổ tâm trong lòng nhưng không nói ra được. Hoặc chắc là tuổi thơ của anh không phẳng lặng và bình yên giống tuổi thơ mình. Tính hôm sau có thời gian sẽ hỏi thăm chuyện của anh để hiểu thêm, nhưng do công việc cứ dồn dập, một phần nữa là tự trách mình quá vô tâm, nên quên mất chuyện này. Sau này mới thấy tiếc, hy vọng có một ngày nào đó trở lại nơi này, nghe anh kể chuyện của mình.

Buổi sáng hôm sau, trước khi chìm vào guồng xoay của công việc, anh phụ trách kinh doanh mới rủ mọi người đi ăn sáng. Lần này mình cũng khá vất vả để từ chối sự nhiệt tình của khách hàng. Đó cũng có thể xem như một phong tục của người miền núi. Buổi mới ra, gọi là ăn cháo lòng, nhưng trước đó, người ta dọn lên một đĩa toàn lòng gà và một chai rượu trắng, không nhớ rõ là rượu gì. Chưa có ai chạm đũa đã, trước hết phải cạn một ly. Mình tất nhiên là không quen với chuyện này, buổi sáng bao tử còn trống rỗng, đổ một ly vào tự nhiên nó phát nhiệt khắp người, may mà sau đó được phép ăn nên nó cũng trung hòa lại. Món cháo lòng dọn ra sau, khi mọi người đã làm vơi hết gần nửa chai rượu. Cũng hơi lạ miệng, mình ăn không nhiều, chủ yếu là ăn cháo còn lòng gà thì bỏ lại. Có một lần nói chuyện với anh giám đốc ở Na Hang về chuyện này, anh cười mà trả lời rằng, đó phong tục rồi, phải làm vậy thì công chuyện mới trôi được, tất nhiên là không tốt cho sức khỏe nhưng cũng phải chịu. Mình cũng pó tay.  

Công việc ở Na Hang cũng khá trôi chảy, chị kế toán rất nhiệt tình. Anh giám đốc cũng khá trẻ tuổi và vui tính. Sau một hồi trao đổi thì mọi chuyện cũng xong. Buổi trưa ăn cơm tại một nhà hàng toàn bằng gỗ ở gần đó. Cũng không nhớ tên nhà hàng nào. Lần này thì mình cũng uống tương đối thoải mái so với những lần trước. Anh giám đốc còn có ý định buổi chiều nếu kết thúc sớm, anh sẽ dẫn đi một cái thác rất lớn, cũng không nhớ tên thác, mà nghe đâu là thác lớn nằm trong top 5 của Việt Nam, còn có thêm màn bơi thuyền trên hồ nữa. Đáng tiếc là công việc tưởng đơn giản nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề nên đến chiều muộn mới xong. Lúc ăn trưa, tình cờ anh giám đốc gặp người quen, nghe đâu là một chú làm bên chính quyền, nên cũng anh cũng qua đó uống vài ly, rồi người ta qua bên này lại, cũng uống vài ly. Tất nhiên là mình không thể tránh khỏi số phận bị ép uống. Ngoài ra, mình cũng để tâm đến một món ăn rất lạ trên bàn tiệc, gọi là "cá nhéo chiên giòn". Mình không rành về mấy món cá lắm, nhưng ăn cũng rất vừa miệng, đương nhiên là có hương vị của sông hồ núi rừng, khác với vị cá biển ở Nha Trang.

Chiều hôm đó, sau khi chào hết khách hàng, anh lái xe đưa mình với chị đồng nghiệp trở lại với thành phố Tuyên Quang. Lần này cũng như bao lần khác, xe chạy đường dài, vừa quanh vừa xốc, mình cũng bị say xe vài lần. Tất nhiên là đoạn đường trở về bao giờ cũng dễ dàng hơn lúc ra đi, bởi vì mình đã xác định được đâu là điểm về, nên cảm giác bị say xe có phần giảm so với trước. Nhưng mà vẫn cứ say. 

Trở lại thành phố Tuyên Quang, mấy anh chị đồng nghiệp ở nhóm trên này cũng đã gần như hoàn thành hết công việc, mọi người cũng có cảm giác khá nhẹ nhàng, thế là rủ nhau đi ăn lẩu gà nấu chua với sấu. Tất nhiên với cảm giác của người mới say xe xong, mình không ăn được nhiều, nhưng cũng thấy khá vừa ăn và vui vẻ. Trở thành trung tâm của buổi tiệc nhỏ vì quá say. Còn bị trêu mấy vấn đề thơ cả nữa. Tại buổi chiều hôm đó, trên đường về, một cô bạn mới gọi cho mình, nói là bài thơ của mình được giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ nho nhỏ (gần như đây là bí mật của mình với cô bạn đó), nhưng không kìm được vui mừng nên cũng kể cho anh tài xế nghe (một phần là mình đã xem anh trở nên người bạn khá thân thiết, vì đã hiểu tương đối nhiều về anh). Ai ngờ chị đồng nghiệp ngồi sau nghe được, nên cũng lấy ra đùa vui.

Món lẩu này làm mình chợt nhớ đến một nồi lẩu khác, một lần lên Pleiku, có hẹn một ông anh thời còn học đại học ghé chơi. Anh chạy xe máy gần 30km để chở mình đi ăn lẩu gà lá giang. So về hương vị thì mình vẫn thích món lẩu gà lá giang hơn. Chắc phần lớn vì cảm giác thân thiết, giống như người bạn, nó vẫn tương đối khác so với cảm giác tình thân thiết đồng nghiệp, mặc dù môi trường công ty mình rất tốt, mọi người rất hiểu nhau.

Đêm hôm đó, sau khi tắm giặt sạch sẽ, mình ngủ rất ngon. Kế tiếp mình còn ở phố Tuyên Quang 2 đêm nữa. Đêm nào cũng tương đối thoải mái so với khi xuống huyện, một phần là công việc đã tạm ổn, nhưng phần lớn là không phải đi ăn chung với khách hàng và bị ép uống cho say mèm, cũng không phải cười gượng theo kiểu xã giao. Trong những ngày này, mọi người trong nhóm đều rủ nhau đi ăn ở quán lẩu gà hôm nọ. Cơm phần cũng tương đối vừa miệng, giá tiền hợp lý. Đặc biệt có mấy anh phục vụ rất vui tính, xưng em rất ngọt với mấy chị đồng nghiệp của mình nên mấy chị cũng thích. Buổi cuối cùng, cô kế toán ở văn phòng có tổ chức liên hoan nhỏ tại nhà hàng gần khách sạn và mời mọi người tham gia.

Tất nhiên, có tiệc là có rượu, mà có rượu là phải bị ép uống. Mà bị ép uống tất nhiên cũng phải trả lễ lại cho vừa lòng chủ khách. Thế là mình lại say thêm một lần nữa. Không nhớ thứ bao nhiêu rồi. Mà say rượu thì phải tới cuối tiệc mới biết là say, còn trước đó thì cứ ăn uống thoải mái. Có một món sò, rất giống sò ở Nha Trang, nhưng là sản phẩm từ trong hồ ra, ăn cũng vừa miệng. Một món khác nữa, mình không thích nhưng cũng bị ép ăn một ít, mà cũng ép bản thân mình ăn cho vừa lòng người mời. Biết sao được, người ta đã gắp vào tận chén rồi, từ chối cũng hơi mất lịch sự. Đó là những con chim nhỏ xíu, hình như là bồ câu hay chim cút gì đó, nướng nguyên con, ăn cũng ăn nguyên con luôn. Nếu xét trên thế giới quan của bản thân mình thì điều đó cũng hơi quá tàn nhẫn. Nhưng mà việc đã qua rồi, nên mình cũng không giữ lại mãi như vậy.

Một điều khá đặc biệt nữa là anh bếp trưởng của nhà hàng là bạn thân của anh kế toán, nên thỉnh thoảng anh cũng thay chân phục vụ mà dọn món ăn lên, rồi còn mời mọi người vài ly và giới thiệu về món ăn của nhà hàng. Mình cũng cảm thấy rất vui vì quen biết những người có tính tình rộng rãi sảng khoái như vậy. Cuối buổi tiệc, mặc dù đã say ngà ngà rồi, nhưng vẫn còn nhớ hỏi tên anh, bắt tay anh và cảm ơn về những món ăn mà anh làm.

Một điều khác làm mình rất vui là một anh bên phòng xây dựng cũng có sở thích đọc truyện Kiều giống mình. Tất nhiên là mình vẫn am hiểu về Kiều hơn. Cũng đối đáp được với anh mấy câu. Lúc hơi men lên thì mỗi người đọc một câu, nối nhau y như là thi nhân họa thơ. Cảm giác lúc đó rất vui vẻ, rất thoải mái. Đó cũng là một trong những lần hiếm hoi mình cười mà không cần giữ ý tứ, cười rất sảng khoái trên bàn tiệc, khi ăn với khách hàng.

Tối đó, ngủ rất ngon. Sáng mai mình lại bắt đầu một cuộc hành trình mới, với địa điểm tiếp theo, được gọi là miền địa đầu của đất nước: tỉnh Hà Giang. Hấp dẫn như trong một câu thơ mà thời phổ thông đã từng học: "Đầu đường ngất đỉnh Hà Giàng/ Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa..."

Cà Mau thì mình còn chưa có cơ hội đi qua. Hy vọng sẽ có dịp, vào một ngày không xa. Mình không phải là người theo chủ nghĩa "xê dịch", nhưng vẫn đi đây đó nhiều, chắc là chịu ảnh hưởng của một thằng bạn thân từ thời sinh viên. Ước mơ của nó rất đơn giản, gói gọn trong một câu: "Muốn được nhìn ra thế giới". Mình cũng muốn vậy, nhưng trước hết, phải lo đến công việc đã, nhờ công việc mà mình đã nhìn được phần lớn đất nước Việt Nam thân yêu rồi. Còn chuyện của thế giới, nghe có vẻ xa xăm, nhưng ước mơ của mình, không bao giờ có biên giới...

Nhật ký nghề nghiệp: Lần đầu đến thủ đô và một chuyến tàu dài.

Là người Việt Nam nhưng từ trước đến giờ vẫn chỉ biết đến Hà Nội qua film ảnh và những trang sách. Mình thích gọi thủ đô với tên Hà Thành hơn, nghe rất có chất thơ, giống như cách mình gọi Sài Thành của những ngày xưa vậy. Đây chính thức là lần đầu tiên mình đặt chân đến thủ đô.

Đó là một chuyến đi dài. Những lúc có cảm xúc thì mình lại không đủ thời gian để ghi lại. Còn lúc có đủ thời gian thì chỉ có thể dựa vào hồi ức để viết ra, lại lúc nhớ lúc quên. Dạo này trí nhớ mình cũng hơi kém nữa. Không biết vài năm sau, mình còn nhớ được gì về chuyến đi này, nên tranh thủ lúc ngồi trên tàu ghi lại vài dòng. Tên là nhật ký, thực ra, nó thuộc về ký ức nhiều hơn.

Một điều rất đáng tiếc là khi ở Hà Nội, mình không có nhiều thời gian để đi thăm các nơi. Đa phần thời gian là ngồi trên máy tính với mớ công việc. Còn lại thì chỉ có giờ ăn cơm là rảnh rỗi. Còn chưa có may mắn được viếng lăng Bác nữa, nên cũng tính là một chuyến đi chưa trọn vẹn. Hy vọng đến cuối năm sẽ trở lại và đi nhiều hơn.

Mình phải mở lại lịch để xem ngày bắt đầu khởi hành, ngày 13 tháng 7. Tính đến hôm nay ngày 3 tháng 8 đã là trọn 3 tuần rồi. Thêm một tuần không về nhà nữa là mình đi "du lịch" tới gần tháng không về nhà. Mà cũng không tính là "du lịch", nó gần với "lữ hành" hơn, mà thực ra đó là những chuyến công tác dài ngày mà cuộc đời nghề nghiệp của mình sẽ không thể tách rời.

Hôm đó mình còn mải mê với một mớ giấy tờ của khách hàng trước đó. Khoảng gần 5h chiều thì tàu chạy. Đó là một buổi chiều có mưa nhỏ, trên con đường ngang qua công ty mình vắng hoe. Mình phải in cho xong giấy tờ rồi xách hành lý chạy như bay xuống đường đón taxi. Thật lâu, thật lâu không có chuyến xe nào qua cả, gọi lên tổng đài thì người ta ừ ừ, xong rồi mình cũng phải đợi. Đến cuối cùng phải nhờ đến bác bảo vệ xách xe máy chở mình ra tới ga.

Lần đó mình muộn giờ tàu chạy gần 10 phút. Nhưng rất may mắn một điều là tàu còn đến muộn hơn mình, tới 20 phút, nên cũng không tính là trễ tàu. Sau sự việc đó, tự nhiên ngộ ra rất nhiều điều mà trước đây mình không để ý đến. Đó là cách sắp xếp công việc mình chưa hợp lý, cứ xem thường những chuyện nhỏ xíu. Nhưng tới những khoảnh khắc quyết liệt, những chuyện nhỏ xíu đó sẽ tích tụ lại và cắt đi của mình khối thời gian. Vì thế tốt nhất là nên giải quyết hết những chuyện nhỏ xíu ngay khi nó mới phát sinh.

Điều thứ hai là có lẽ mình quá nghiêm khắc với vấn đề thời gian. Bình thường thích đi đúng giờ, có khi còn đi sớm để dự phòng đột xuất. Cũng vì vậy mà mình không thích người đi trễ lắm, tất nhiên là đối với bạn bè thì không sao, "yêu nhau chín bỏ làm mười", còn đối với người khác tất nhiên là sẽ để ý đến chuyện đi sớm trễ rồi. Mà sau chuyện này chắc mình sẽ không còn nghiêm khắc về vấn đề này nữa, chuyện gì cũng có nguyên nhân hậu quả, mà có khi trễ cũng có nguyên nhân hoặc cái hay của nó. Giống như chuyến tàu đó, nhờ nó bị trễ mà mình không bị bỏ rơi khỏi lịch trình. Mà nếu mình trễ chuyến tàu đó thì hậu quả chắc không cần phải nói.

Cần phải nói thêm là đi tàu chỉ là phương án dự phòng. Theo kế hoạch mình sẽ được đi máy bay bay ra thủ đô, chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Nhưng vào phút cuối cùng thì bị chuyển lịch, chắc do bên khách hàng yêu cầu, lúc đó thì xoay sở không được vé máy bay nữa, nên đành đi tàu lửa. Thế là mình ở trên tàu đến 28 tiếng. Đến 10h tối ngày hôm sau mới tới được Hà Nội.

Thực ra mình không ngại đi tàu, đi tàu có khi còn khỏe hơn đi xe giường nằm, không khí thoáng hơn, ít bị say xe nữa. Chuyến đi đó mình không có say, chỉ hơi mệt thôi. Chẳng qua là ngồi tàu nhiều quá, đến 28 tiếng, không có việc gì làm tự nhiên sẽ cảm thấy buồn chán, mà buồn chán thì dễ sinh ra suy nghĩ tiêu cực. Không có việc gì làm thì cứ tìm cách vùi đầu vào ngủ, đến giờ ăn thì có một chiếc xe người ta đẩy qua, đồ ăn tăng giá đến 50%, rồi còn nhiều vấn đề khác... Nói chung là lâu lâu đi 1 lần thì không sao, chứ ai đi tàu liên tục (như mấy cô chú làm ngành đường sắt chẳng hạn), chắc là sẽ mệt lắm.

Cũng được an ủi đôi chút là trên tàu có ổ cắm điện, mình có thể mở laptop lên để comment trên facebook, hoặc viết vài dòng ký ức. Lâu lâu cũng đọc một chút xíu tin tức. Cuối cùng là chat với bạn bè... Như vậy cũng có cảm giác thoải mái hơn. Ngoài ra, trên đường tàu chạy có đi qua rất nhiều nơi, nhiều phong cảnh đẹp. Nếu không tính ban đêm không nhìn thấy gì ngoài ánh đèn đường với nhà cửa thì những nơi lạ mình qua mình đều để ý đến phong cảnh xung quanh. 

Tàu đi từ Nha Trang, qua rất nhiều nơi, đầu tiên đương nhiên là Ninh Hòa. Nhưng tàu nhanh nên không ghé mấy ga nhỏ như Ninh Hòa. Sau đó là Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Nam Định.... rồi mới tới Hà Nội. Mà còn nhiều ga nữa, mình không nhớ nổi tên. 28 tiếng, dừng vô số lần, người lên rồi người xuống, xa lạ nhưng cũng có chuyện để nói với nhau.

Có một lần tàu dừng chân tại Huế. Mình xuống ga tranh thủ mua một gói xôi. Xôi Huế rất ngon, vừa dẻo, vừa thơm, vừa ngọt, chắc là hạt nếp được nuôi dưỡng từ nước sông Hương. Mình thì lên tàu rất ít ăn, sợ ăn nhiều rồi mệt, bị say tàu, nên lâu lâu chỉ nhắm nháp một ít xôi. Mình vẫn có ước mơ một lần đến Huế để cảm nhận không khí của phố cổ, của nước sông Hương bên thôn Vĩ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử, rồi thăm chùa Thiên Mụ, núi Bạch Mã, đi xem trường Quốc học nơi Bác Hồ học ngày xưa... Tất nhiên điều quan trọng nữa là được nhìn những nàng con gái xứ Huế, áo dài nón bài thơ, xem có đủ phong vị dịu dàng giống như trong sách vở hay không. Nhưng tiếc là vẫn chưa có cơ hội, chỉ ghé ngang rồi đi. So ra thì mình vẫn thua kém anh mình nhiều, thời sinh viên anh mình có ra Hà Nội thi tin học, rồi đi làm được công ty tổ chức cho đi Huế. Còn mình chẳng có mấy khi có cơ hội đi du lịch như vậy, đa số thời gian là vì công việc mà đến, vì công việc mà đi...

Có một đoạn, mấy vị khách trên xe nói chuyện với nhau rất thú vị. Mình cũng nghe lén được một ít chuyện. Có một đôi vợ chồng còn khá trẻ, vợ là người Việt Nam còn chồng là người Trung Quốc. Anh chồng ở Việt Nam hai năm rồi nên rất giỏi nói tiếng Việt. Người ta khen ở Việt Nam du lịch thì có 2 nơi là tốt nhất là Đà Lạt và Nha Trang. Còn những nơi khác chỉ thích hợp đi làm ăn. Còn có nhiều chuyện khác, nhưng mà đều là tình hình chính trị với mấy chuyện xứ người nên mình cũng không quá quan tâm.

Tàu ghé Hà Nội khoảng 9h30 tối. Anh đồng nghiệp của mình ở Nha Trang có quen một chị ở Hà Nội, 2 người cũng thân mật nên nhờ người ta dẫn đi một vòng quanh bờ hồ Gươm rồi mới về khách sạn nghỉ. Có đi qua Lăng Bắc với đường Thanh Niên bên hồ Tây nữa, nhưng không ghé xuống vì đã muộn rồi, mà mình cũng hơi mệt sau một đoạn đường dài. Không ghé xuống nhưng ít nhất mình cũng đã đến đó. Con đường này còn mang tên là Cổ Ngư, một cái tên rất lãng mạn trong âm nhạc và thơ ca. Ở đối diện bờ hồ Gươm có một đoạn đường, hình như gọi là phố Tràng Tiền hay gì gì đó, trong đó người ta chuyên bán kem Tràng Tiền. Có chỗ đậu xe ở khắp mọi nơi, nhưng không có ghế ngồi cho người mua kem. Lần đầu tiên ghé vào mình rất ngạc nhiên với cảnh người ta ngồi ngay trên xe máy, ăn vội một vài que kem rồi chạy đi, như thể kem Tràng Tiền phải ăn theo cách ăn vội vã của chốn đô thành như vậy thì mới có cảm giác. Nhưng thực sự thì người rất đông, ai cũng ăn theo kiểu đó hết nên chắc người ta không cảm thấy xa lạ với nó nữa. Mà mua kem cũng không phải là dễ, chị đồng nghiệp phải xếp hàng cả buổi mới mua được. Không biết có phải do mệt hay không, mà mình cảm thấy kem Tràng Tiền cũng không khác mấy với kem khác, chỉ có điều hơi ngọt hơn thôi. Mà cầm que kem phải ăn nhanh, chứ không khí ở Hà Nội mùa này tương đối nóng, kem sẽ tan chảy mất. Chắc người ta thích nó vì không khí ở đó: người đến, xếp hàng mua kem, dựng xe vỉa hè, ngồi trên xe ăn, ăn xong rồi đi.

Ghé qua bên bờ hồ, mình có đi ngang Hàng Đào, nơi chuyên bán quần áo, đồ lưu niệm giống như chợ đêm Nha Trang vậy. Quy mô thì cũng tương tự, nhưng mình cũng không đi sâu vào bên trong, chỉ ghé qua có chút xíu, uống chút nước sấu có cảm giác lạ lạ rồi đi ngay. Loanh quanh bờ hồ chụp vài tấm ảnh có cầu Thê Húc với Tháp Rùa. Tiếc là tháp Rùa ở xa quá, nên trông ảnh trông nhỏ xíu. Còn cầu Thê Húc thì đẹp hơn, màu đỏ với ban đêm nữa, người ta thắp đèn sáng trông xa rất lộng lẫy. Tiếc là mình không vào được đền Ngọc Sơn, Nghe nói 6h chiều là người ta đóng cổng cầu Thê Húc lại, nên đền cũng bị chia cắt. Mình cứ tưởng ai vào cũng được, không ngờ còn có chuyện bán vé vào cổng nữa, cũng hơi buồn. Mặc dù vậy, mình vẫn giữ nguyên được cảm giác rất thú vị, rất mới mẻ của một người lần đầu đến thủ đô. Thì ra thủ đô là như vậy, dẫu cho đông đúc, xe bụi, kẹt đường, dẫu cho mình chỉ mới nhìn thấy một góc nhỏ xíu, nhưng vẫn có cảm giác say lòng người.

Hồi trước đọc trên mạng một bài viết rất hay, không nhớ rõ nguồn nào, người ta liệt kê những lý do nên đến Hà Nội, và có cả những lý do không nên ở lâu ở Hà Nội. Tiếc là mình chỉ mới đến có vài ngày à, còn chưa cảm nhận được hết. Mà mình thấy, lý do mà không nên ở lâu, đương nhiên chính là vấn đề giá cả. Mặt bằng giá cả chung ở Hà Nội cao đến nỗi với một số tiền lương khá khiêm tốn như mình, ở thành phố có thể ăn được bún, ở Nha Trang có thể ăn phở, còn đến Hà Nội chắc chỉ có ăn mì gói. Đúng với câu nên đến, nhưng không nên ở lâu.

Hai ngày ở Hà Nội cũng tương đối ngắn ngủi, mình ở trọ tại một khách sạn nhỏ bên đường Giảng Võ. Đường Giảng Võ có 2 đoạn, một đoạn khá rộng lớn, có mấy làn đường cho xe chạy, còn đoạn mình ở nhỏ xíu, chỉ đủ cho 1 chiếc taxi quay đầu, tất nhiên là bác tài phải khéo léo lắm mới được. Công ty mình cũng có một chi nhánh ngay trên đường đó, chi nhánh ở Hà Nội khá lớn so với Nha Trang, có một phòng nghỉ cho khách, cũng đầy đủ tiện nghi, mấy chị đồng nghiệp thì ở đó, vừa tiết kiệm chi phí khách sạn, vừa có sẵn giấy tờ công cụ để làm việc.

Trước khách sạn có một con hẻm nhỏ, buổi sáng mình thường ăn ở đây, có món bún rêu cua, ăn rất lạ miệng. Tất nhiên là không ngon, chỉ lạ miệng thôi, lâu lâu ăn thì cảm thấy dễ tiếp thu, nếu ăn nhiều thì chắc là không nổi. Nước bún, người ta gọi là "nước dùng" hay "nước hàng", người ta bỏ nhiều cà chua, có vị chua lạ. Còn hương vị cũng hơi loãng, thiếu mặn, thiếu ngọt. Nói chung là không mặn mà như món bún cá Ninh Hòa của quê mình. Bù lại, hai vợ chồng anh chủ quán rất nhiệt tình, còn trò chuyện với khách nữa, biết được đoàn là kiểm toán luôn (vì năm ngoái có mấy anh chị cũng ghé quán này). Hôm cuối cùng anh chủ quán còn mời mọi người uống nước với một ít bánh ngọt. Mỗi người một cái, mình quên hỏi tên bánh rồi, ăn cũng rất lạ miệng. May mắn là mình kịp hỏi tên người, hy vọng cơ hội quay lại Hà Nội sẽ nhớ được tên ảnh để gọi.
Khách hàng đầu tiên nằm ở một khu phố tên là phố Trung Hòa, cũng cách chỗ ở mình khá xa. Ngày đầu tiên khách hàng đưa xe tới đón, còn những ngày còn lại thì nhóm tự đi taxi. Buổi trưa thì ăn trưa tại khách hàng, người ta có nấu cơm theo kiểu gia đình, dọn riêng có nhóm một bàn. Cô kế toán bên đó cũng khá lớn tuổi, lâu lâu cũng đem qua cho một mớ trái cây. Có một món mận rất lạ, giống như quả đào vậy, bên trong thì giòn xốp, bến ngoài có lông mịn như trái kiwi, nhưng mà lúc đó bận quá, chỉ kịp ăn một miếng rồi thôi, cũng chưa kịp hỏi tên quả gì.

Trong buổi tối nhóm mình có đi cùng với chị Phó giám đốc. Chị dẫn đi ăn tối tại một quán cóc bên đường, mình may mắn được nếm qua món "bò bít tết", mà chắc ở Sài Gòn, người ta thường gọi là "bó né". Mình chưa ăn bò né Sài Gòn bao giờ cả, 4 năm ở đó chỉ toàn học và học. Nghĩ lại cũng hơi tiếc, hy vọng hôm nào sẽ quay lại nếm thử. Giờ nếm bò bít tết Hà Nội tự nhiên cảm thấy xa lạ. Toàn thịt, trứng, dầu mỡ... với một ổ bánh mì. Thêm một chút tương ớt vào, ăn cũng tương đối được, nhưng nói chung là không hợp khẩu vị, chủ yếu là do đói mà ăn thôi. Với lại từ chỗ khách sạn mình ở đến quán phải đi bộ qua 2 con phố cũng hơi tốn năng lượng nên cứ ăn cho no trước đã. Mà nó cũng không giống như mấy món pít tết của phương tây cho lắm. Ăn thì cũng dùng dao nĩa, nhưng thịt không có vàng rươm mà tái mét, không có một chút nào khẩu vị "7 phần chín, 3 phần sống" của người sành sỏi, đừng nói chi là đến phong vị của quý tộc. Mà giá cả thì không cần phải nói, ở Hà Nội mắc kinh khủng, kêu thêm 1 ly trà đá tốn mất 5 ngàn đồng. Chẳng bù với ở Sài Gòn, và thỉnh thoảng ở Nha Trang, mình vẫn thấy đâu đó có một cái thùng nhựa với mấy cái ly, trên biển đề "trà đá miễn phí". Dù có đi giữa trời nóng, dù cho không có ghé vào để uống, nhưng nhìn những chỗ như vậy tự nhiên cảm thấy mát lòng người.

Cũng trong buổi tối hôm đó, chắc là vì món bò né không đủ no, hoặc  không hấp dẫn nên mọi người rủ nhau đi ăn kem. Mình chỉ nhớ mơ hồ đó là một quán kem rất ngon, không nhớ tên đường là gì cả, chỉ nhớ quán đó toàn màu xanh, là quán kem Nz hay Oz gì đó. Sau này gõ google tìm lại mới biết nó tên đầy đủ là "Kem chua Nz", viết tắt của New zealand, nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Trong đó có bán đủ loại kem, nhưng chủ yếu vẫn là kem tươi (không biết sao người ta gọi là tươi cả, chắc là sản xuất tại chỗ hoặc là mới sản xuất gì đó). Kem tươi thì chia làm 2 loại, kem tươi chua và kem tươi ngọt. Mùi vị thì giống như tên gọi, có lẫn thêm một chút hương vị trái cây, ca cao, sữa, dâu... Giá cả cũng tạm được, tầm 20k là có một cốc kem ngon lành. Nhưng có điều hơi ít, với lại do chị Phó giám đốc đãi nên cũng không dám gọi thêm, ăn chưa đã thèm.

Nếu so với kem chỗ Tràng Tiền mình ăn trước đó thì cũng khó nói món nào ngon hơn, hoặc là cả 2 đều ngon như nhau (chắc do mình hảo ăn kem). Nhưng mình vẫn thích không khí tĩnh lặng ở đó hơn, có một phong vị riêng mà cái không khí xu bù, vội vã của phố Tràng Tiền không thể nào so sánh được.
Buổi chiều ngày thứ 2, sau khi kết thúc công việc ở khách hàng, mọi người lên đường tới Tuyên Quang, địa điểm tiếp theo trong cuộc hành trình. 2 ngày ở Hà Nội khá ngắn ngủi và mình chưa cảm nhận gì nhiều. May mắn là sau đó mình còn được trở lại 2 ngày khác nữa. Đủ thời gian để đi dạo phố Hàng Đào, mua một số đồ lưu niệm. Nhưng đó là một câu chuyện khác khi mà gần 2 tuần sau mình mới quay trở lại. Những chuyến đi dài ngày của mình vẫn còn tiếp tục. Lần này, không phải tàu hỏa mà là những chiếc xe chật kín người, và những cơn say xe...