26 thg 8, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Hà Giang và dư vị của trà Shan Tuyết

Đường lên Hà Giang, mặc dù không còn say xe nữa, nhưng vẫn quanh co khúc khuỷu hơn là mình tưởng tượng. Buổi sáng hôm đó, ngày 21 tháng 7, sau khi dọn hành lý xong, mọi người ra cổng khách sạn để chờ chuyến xe chạy ngang qua mà hôm qua chị trưởng nhóm đã đặt vé trước. 7h30 sáng xuất phát. Chờ tới 8h, xe vẫn chưa tới. Tới 9h, xe vẫn chưa tới. Mọi người quyết định ra bến xe để tìm một chuyến xe khác.

Khoảng 10h xe mới khởi hành. Đây là một chuyến xe chợ khá chật chội. Băng ghế 4 chỗ ngồi mà người ta nhét tới 5 người. Mình ôm thêm một cái balo đựng laptop nữa, thành ra đôi chân cứ bị tê cứng lại. May mà trên đường đi có khách lên khách xuống nên thỉnh thoảng cũng dư được một ít không gian mà ngay chân cho đỡ mỏi. Khoảng tầm 3h chiều xe mới tới nơi. Mọi người về khách sạn nghỉ một giấc, đến chạng vạng tối mới rủ nhau đi ăn. Vậy là tiết kiệm được bữa ăn trưa.

Khách sạn mình ở gọi là một khách sạn tương đối bình dân, những cũng đủ sạch sẽ, nằm trong khuôn viên riêng của một ngân hàng lớn. Chắc là ngân hàng kinh doanh luôn khách sạn luôn, kiểu như đầu tư đa ngành vậy. Đối diện là một con đường rất đẹp, rộng rãi, ít xe cộ và có nhiều cây xanh. Đi bộ hết con đường là đến nơi làm việc của khách hàng. Gần chỗ đó có một số địa điểm khá thú vị mà buổi cuối cùng, mình với mấy chị đồng nghiệp có dành chút thời gian đi dạo và chụp ảnh.

Quán cơm buổi chiều mọi người ăn cũng là một quán khá ngon, nằm cách khách sạn khoảng 10 phút đi bộ. Lúc đó mình có đi qua một số nơi, nhìn tên gọi người ta khắc trước cổng cũng khá đặc biệt, như: liên minh hợp tác xã, thông tấn xã... Tiếc là cũng vội quá không mang theo máy ảnh, nếu không cũng chịu khó chụp vài tấm mang về. Đến buổi cuối thì gần như quên mất. Quán ăn nổi tiếng với món cơm chiên, giá cũng tương đối bình dân. Mọi người kêu thêm 1 tô canh trứng nữa, canh trứng nấu với sấu, ăn cũng khá vừa miệng. Sau này thỉnh thoảng đi khách hàng về mấy chị đồng nghiệp cũng thường ghé qua đây. 

Ngoài ra bên chỗ gần khách sạn, cũng có một quán cơm khác, nấu ăn theo kiểu gia đình, cũng rất hợp khẩu vị. Một bữa cơm đa phần là đủ 3 món canh rau mặn. Những hôm mình ăn cơm ở đây, thấy tỉnh thoảng có khách Trung Quốc ghé sang nữa. Chắc là gần biên giới nên có sự hợp tác hoặc là đầu tư gì đó. Mà cũng không bận tâm lắm, ghé quán ăn chỉ lo ăn và ăn. 

Ngay buổi tối đầu tiên, nghe một chị đã từng đi công tác nơi đây kể lại, Hà Giang nổi tiếng với 2 món ăn: cháo "ấu tẩu" và chè "Thắng Dền", thế là đêm thứ 2 mọi người rủ nhau đi ăn thử. Chè Thắng Dền thì mình vẫn còn vô duyên chưa nếm qua. Nghe cô chủ quán nói là món này cũng giống như chè trôi nước ở dưới xuôi, nhưng mà chỉ có vài dịp mới có bán thôi, không phải bán quanh năm. Còn cháo ấu tẩu thì có nếm qua, nhưng không hợp khẩu vị lắm. Cũng nghe kể lại là món này có khá nhiều tác dụng, tăng sức khỏe, cung cấp năng lượng, tăng sức đề kháng..., chỉ ngặt nỗi là trái ấu tẩu phải biết chế biến, nấu phải chín, nếu không sẽ còn chất độc trong món ăn. Mà hương vị của nó giống giống với món cháo khoai xoay nhuyễn, chỉ là hơi đắng một xíu, có nấu chung với giò heo, móng heo. 

Ngoài ra, Hà Giang còn rất nổi tiếng với một món đặc sản khác, mà ngay ngày đầu tiên đi xuống khách hàng ở Vị Xuyên mình có cơ hội được tìm hiểu thêm, đó là trà Shan Tuyết. Người miền bắc quen gọi là chè, nhưng mình thích gọi là trà hơn, để phân biệt với mấy món chè ngọt ngọt kia. Nghe chú giám đốc bên đó nói, trà Shan Tuyết mọc trên vùng núi cao, là một loại trà cổ thụ, phải 5,7 người leo lên cây cao hái, không giống như trà bình thường thấp thấp trồng trên đồng. Mà trà này sản lượng rất hạn chế, nên phải biết nguồn và sành trà mới có thể mua đúng loại, còn ra ngoài shop thì chắc chắn hơn 90% là hàng nhái. 

Cô kế toán ở Vị Xuyên còn khá trẻ, chắc hơn mình 2,3 năm gì đó. Cô pha trà một cách rất điệu nghệ, tất nhiên là không bằng được với trà đạo trong sách vở, nhưng nó rất tự nhiên, gần như là một bản năng của người miền cao. Đầu tiên cô vốc bằng tay 2 vốc trà cho vào ấm. Sau đó đổ sâm sấp nước vào rồi đổ lần nước đó đi. Sau đó mới đổ đầy ấm trà bằng một lần nước khác. Sau đó cô dùng nước sôi để tráng sơ qua các tách trà nhỏ, lấy nước tách này sang qua tách kia, rồi cũng đổ đi. Cuối cùng mới rót trà ra để mời khách. 

Nhắc tới trà Shan Tuyết mình mới nghĩ tới cô kế toán ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang mà lần trước mình gặp, cũng trùng tên như vậy, và trùng tên với nàng. Tự nhiên sực nhớ ra là dạo này nàng ít xuất hiện hơn, trong những trang viết của mình. Có người đã nói với mình rằng: việc gì cũng phải để tự nhiên, nếu đã không có duyên thì sẽ từ từ quên đi, còn nếu không quên thì chứng minh được tình cảm bản thân còn sâu đậm. Mình cũng không biết làm thế nào cho phải cả. 

Buổi chiều ở Vị Xuyên về, khách hàng mời chung cả nhóm cùng đi ăn. Lần này cũng bị ép uống rượu. Liên tục sang ngày hôm sau cũng bị ép uống nữa, cả buổi trưa vừa buổi chiều. Mình được biết đến hai loại rượu mới, là rượu thóc "nàng Đôn" 29 độ của đât Hoàng Su Phì và rượu ngô "hạ thổ" của đất Quản Bạ, cũng 29 độ. Sau vài lần bị ép say như vậy, tự nhiên cảm thấy mức độ nhạy cảm về rượu của mình tăng lên một chút, uống vào là để ý nhãn rượu. Hy vọng sau vài năm ngành nghề, không bị phụ thuộc mấy cái món men say này, đỡ khổ cho bản thân và gia đình.

Liên tiếp mấy ngày ở đất Hà Giang cũng không phát sinh sự kiện gì đặc biệt cả, buổi sáng ăn sáng xong đi làm, trưa ăn cơm, ghé về khách sạn nghỉ trưa, chiều lại làm tiếp. Thỉnh thoảng mấy chị có rủ uống cafe vỉa hè, rồi có khách hàng mời đi ăn nhậu. Có thể xem là một trong những tháng ngày tương đối bình lặng. Gọi là tương đối bởi vì chỉ lúc so sánh với những chuyến công tác khác thôi, còn so với ngày thường thì mình vẫn bận rộn tới tấp, tối về khách sạn còn phải mở laptop lên làm việc.

Có một chuyện khá là thú vị là ở trên này, mình có làm việc với một cô kế toán, hình như cũng mới đi làm 1,2 năm gì đó. Mới đầu thì mình cứ gọi bằng chị suốt. Sau đó, khi mọi người đi ăn mới hỏi tuổi nhau, mình kê khai thêm lên là sinh năm 88, mà cô này lại sinh năm 89, nên người ta gọi mình ngược lại là anh. Về đến khách sạn mấy anh chị trêu mình quá trời. Mà mình cảm thấy mình cũng chưa lợi hại lắm bằng mấy đứa bạn hồi xưa học chung chuyên ngành, tụi nó còn kê khai lên 3,4 năm, mình chỉ có 1,2 năm thì không thấm vào đâu cả. Sau sự kiện này mình cũng bắt đầu để ý đến tuổi âm lịch, ví dụ như 88 là con rồng, 89 là con rắn... để dễ bề đối phó với khách hàng hơn, khi người ta hỏi sâu hơn.

Ở trên này, thỉnh thoảng mấy chị có mua nhãn ăn chơi. Nhãn trên này rất ngon, vỏ cứng, cơm dày, khô, không bị chảy nước, vị thì rất ngọt. Có mấy chị còn mua tới 2,3 kg gì để đem về nữa. Kết quả là ngày cuối cùng, mọi người phải xách theo một mớ hành lý, nặng càng thêm nặng, đến mức mà hôm qua về Hà Nội, chị trưởng nhóm quyết định ra ga gửi bớt đồ về cho đỡ mệt.

Ngày cuối cùng, mọi người kéo ra sau lưng văn phòng của khách hàng chụp ảnh. Mấy ngày làm ở đó mình còn chưa biết nhiều, lúc ra phía sau mới thấy mình sém chút nữa là bỏ lỡ nhiều cảnh quan hấp dẫn. Đầu tiên phải kể đến một cái đài phát sóng của bên bưu điện, nó nằm giữa đường đi, bốn chân mọc hai bên, hình thành nên một cái vòm vòng cung ở giữa cho xe chạy, nhìn xa trông giống y như là tháp Eiffel thu nhỏ. Có lần nó làm mình liên tưởng tới Paris hoa lệ. Thành phố này vẫn là một trong những ước mơ lớn của mình. Nhiều lúc cũng có ý định học thêm tiếng Pháp để gia tăng cơ hội, tiếc là hiện tại còn chưa có thời gian. 

Nhắc tới Paris mới nhớ, gần đây có lang thang facebook, ghé qua page của thầy giáo dạy triết học hồi xưa. Nói thật mình cũng hơi không thích con người thầy lắm, nhưng phải công nhận thầy là một người thầy rất xuất sắc, những bài giảng triết học của thầy rất hấp dẫn, dễ hiểu và đi vào lòng người. Gặp được thầy cũng là một trong những cái duyên đưa mình đến với triết học trong những năm đại học. Đầu tháng 8 thầy có được mời tham dự Đại hội triết học thế giới lần thứ 23 ở Hy Lạp, rồi thầy du lịch gần như vòng một vòng khắp châu Âu, có ghé qua Paris và chụp ảnh lại, làm mình hâm mộ vô cùng. Hy vọng sẽ có một ngày, mình làm được như thế. 

Một điều thú vị khác là ở gần đó có một cái cột mốc được xây dựng khá to, gọi là "kilomet 0" (Km0), mình thích gọi nó là nơi bắt đầu của những con đường. Mà thực ra mình cũng không biết tại sao nó gọi là Km0 cả, chắc là chỉ mang ý nghĩa của ngành giao thông. Còn về mặt địa lý thì nơi đó còn cách biên giới với Trung Quốc khá xa, tầm đâu 20km nữa. Mình vẫn chưa có hội đi tới cửa khẩu gần đó, với đỉnh Lũng Cú là điểm cực Bắc của Việt Nam. Nghe mấy chị kể lại trên đó đường đi rất khó khăn, có cô dân tộc nói tiếng Kinh rất giỏi, có gió lớn, rừng núi bạt ngàn... Cảm thấy rất hấp dẫn, hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp. Hà Giang còn nổi tiếng với một địa danh khác, đó chính là "Núi đôi" ở huyện Quản Bạ. Nó làm cho mình nhớ tới 1 bài thơ, không biết có phải viết về địa danh này không nữa, nhưng cũng có tên là "Núi đôi", tác giả Vũ Cao:

"Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng..."
 

Nằm cách Km0 vài chục mét là một dòng sông. Ban đầu mình cứ nghĩ nó là một con sông bình thường như bao con sông khác, nhưng nghe chị trưởng nhóm kể lại thì đó chính là sông Lô. Con sông này mình đã từng học trong sách tiếng Việt cấp 1, nhưng bây giờ mới được dịp nhìn thấy tận mắt. Sông Lô của hiện tại không lớn như trong tưởng tượng của mình, nước cũng khá hiền hòa, có một vài chỗ trơ bãi cát và lau sậy mọc um tùm. Nói chung là nhìn nó vẫn bình thường, ngoại trừ một vẻ đẹp hoài cổ trong thơ Tố Hữu từng làm mình động lòng:

"Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi
Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca."

Buổi chiều hôm đó là buổi chiều cuối cùng mình ở Hà Giang. Tạm biệt sông Lô những ngày mưa nhỏ, mình lên xe trở về với Hà thành. Hôm trước kịp ghé qua một cái shop nhỏ, tìm mua một ít trà Shan Tuyết về làm quà, và một ít để biếu chú bảo vệ đã đưa mình ra ga xe lửa từ đầu chuyến đi. Cũng nhờ cô chủ quán ăn gần đó mua dùm một ít "tăm giang". Tăm giang khác với tăm tre bình thường, nó rất tròn và rất nhỏ, không cần phải tước ra thêm nửa mà có thể dùng xỉa răng ngay. Ở Ninh Hòa không có, đem về khoe với mẹ mình, mẹ mình cũng thích lắm, có lấy vài bó biếu tặng họ hàng gần xa.

Chuyến xe trở về Hà Nội khá yên bình. Lần này là xe chất lượng cao thứ thiệt, có giường nằm 2 tầng, chăn ấm đệm êm. Lên xe mình ngủ thẳng 1 giấc, đến sáng mai là tới nơi. Giữa đường xe có ghé trạm cho khách dừng chân, mình cũng tranh thủ mua một ít táo mèo về cho mẹ ngâm rượu. Có xin thêm công thức chế biến táo mèo nữa, ngâm đường được, ngâm rượu được, ngâm giấm được, tùy theo cách ngâm mà công dụng của nó khác nhau. Tính ra đến hiện tại, khi mình viết những dòng này thì cũng đã là gần tháng rồi, giờ về nhà chắc rượu táo mèo ở nhà đã đến lúc nếm thử được...

Nói chung, những chuyến đi của mình, không tính là phẳng lặng, nhưng cũng để lại nhiều dư vị khó tan...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét