3 thg 9, 2022

Bão

Chiều nay nghe rít những cơn giông
Mưa trút liên miên trắng xóa đồng
Năm tháng này đây ta tạm ổn
Nhìn đời đâu cũng thấy đêm đông.

Mây đen mới hết, tạnh mưa chiều
Lại thấy bão về, cũng trớ trêu
Gạch ngói ngày mai tăng giá nữa
Năm rồi chưa kịp phủ rong rêu.
 
Thanh Trúc, Bão

"Cô giáo của anh"

"Cô giáo của anh"

Cô giáo của anh mặc áo dài
Tóc đen nhè nhẹ xõa trên vai
Cầm tay thước nhỏ nghiêm nghiêm lắm
Sáng sớm trường quê đến giảng bài.

Giảng bài, bài học, học sinh nghe
Hồn lại bay đâu... chẳng chịu về
Chắc "ngược cành cây" nơi cửa sổ
Gõ đầu cái "cốc", đáng đời ghê.

Cô giáo của anh, hết tiết rồi
Về nhà sơm sớm, nấu cơm thôi
Chiều nay chồng chắc nôn nao đói
Trứng luộc, canh rau, cũng tuyệt vời.

Cô giáo của anh khéo kiếm chồng
Thông minh, chăm chỉ... giỏi ghê hông?
Tính tình cũng tốt, nghe em lắm
Vừa đủ điển trai... để phải lòng.

Chồng em làm việc ở đàng xa
Về tối xăm xăm mới đến nhà
Giặt giũ nhờ tay cô giáo hết
Tiền lương trong túi ... khỏi lo nha.

Cô giáo của anh thật tuyệt vời
Nhưng mà hay giận, cũng hay vui
Chỉ cần "ngoan ngoãn" nghe cô giáo
Sẽ thấy ban mai khắp đất trời...

Em ạ, mình về, đón nắng trong
Tim em hạnh phúc, má em hồng
Trường em mai mốt con anh học
Gọi mẹ bằng cô, cũng ngọt lòng.

Thanh Trúc, "Cô giáo của anh"


Tháng 3, 30 tuổi

Tháng ba, 30 tuổi, năm dài, tháng rộng...

Nếu cuộc đời có 60 năm thì mình đã đi qua nửa đời rồi. Nhanh thật. Không biết nửa sau của cuộc đời nó ra sao nữa... Tự nhiên cảm thấy mình già thật rồi.

Chợt nhớ ra có thằng bạn, nợ mình đâu 400k, 500k gì đó, hơn 1 năm rồi chưa trả. Nó mới nhắc lại gần đây, mình mới nhớ ra. Đầu óc giờ xuống cấp rồi, xuống cấp trầm trọng. Không còn minh mẫn như ngày xưa nữa. Có nhiều chuyện dễ quên, xong là quên. Rồi cũng có chuyện nhớ lâu lắm, muốn quên cũng không được. Đúng là già thật, tiền bạc thì mau quên, mà chuyện linh tinh lại nhớ.

Gần đây công việc của mình vẫn xoay tròn, đều đều, lâu lâu cũng chóng mặt. Chắc sức khỏe của mình cũng giảm sút.

Công việc thì nhìn chung vẫn vây quanh một cái ghế, một cái bàn, một cái máy vi tính. Ngồi trong đó suốt, ngồi đến mòn ghế. Bụng thì mập lên thêm một vòng, lưng thì khòm xuống thêm vài độ, mắt lồi ra, tay chân lòng thòng.

Nhắc đến công việc mới nhớ, gần đây bị cô nàng đồng nghiệp nào đó mách lẻo với sếp về đôi giày của mình. Giày thì giày nào mà không được, có là được. Tính mình sống giản dị, cần kiệm, không cầu kỳ, không chạy theo hình thức, nên đôi giày cũng có vài chỗ bị sờn, nhưng nhìn chung là mang được, vẫn gọn gàng. Vậy mà cũng bị kiến nghị. Đang tính mua một đôi giày mới mà không biết ngày nào tháng nào...

Không biết ngày nào tháng nào là do gần đây tài chính eo hẹp quá. Lương bổng thì bị cắt đủ thứ, chi tiêu thì lại phát sinh đủ đường. Không biết đường nào mà lần. Mà hình như bạn bè mình ai cũng như vậy cả. Chắc tuổi ba mươi là phải vậy mới đúng tuổi của nó. Phải lo toan, phải bộn bề, phải cần kiệm, phải suy nghĩ sâu xa...

Số trời run rủi, cũng cưới được một cô vợ dễ thương, hiền lành, tốt bụng, biết lo toan, lại yêu hoa nữa. Nên giờ nhà mình có thêm một vườn lan nho nhỏ, cộng với chục chậu hoa hồng đủ loại. Rồi cũng háo hức khi hoa ra nụ, đơm bông. Chỉ tội mỗi việc cô ấy lười tưới hoa quá, nên chồng bị sai vặt dài dài... Bù lại, được thư giãn sau những giờ phút căng thẳng. Bao nhiêu phong cảnh mỹ miều của thế gian cũng không thể sánh bằng một nhánh hồ điệp nở bên hiên nhà.

Nghe ai đó nói, hôm nay là ngày quốc tế hạnh phúc. Sinh nhật mà đúng ngày quốc tế hạnh phúc thì cũng hạnh phúc thật. Cơ quan chuyển cho vài trăm nghìn để chi tiêu. Tiền bạc thì có bao giờ là đủ đâu. Thu vô thì ít mà chi ra thì nhiều. Chợt nhớ tới món nợ của tên bạn thân. Phải đòi, đòi mới được.

Gần đây lười viết. Thật không thể tin nổi, một người từng được gọi là "thi sĩ" như mình, có cả bút danh, có cả bài được in thành sách, rồi cũng có bài được vài ngàn lượt xem, vậy mà cả năm rồi không viết được một bài nào ra hồn cả. Phải chăng 30 tuổi là tuổi thụ động? Con người ngày càng mất can đảm để bày tỏ cảm xúc của mình? Hay là việc này không cần thiết nữa. Đã tập quen dần với việc sống là chính mình, không cần ai thấu hiểu?

Mà cũng có khi không có nhiều thời gian để viết. Mình vẫn luôn tự nhận là người dễ tính. Nhưng chỉ riêng với văn chương thì đặc biệt nghiêm khắc. Thà để phong sương đầu bút, chứ không bao giờ dễ dãi với văn chương. Thơ lạc vần, văn lạc điệu là không bao giờ chấp nhận được. Công việc lu bu, thời gian đầu tư suy nghĩ thì không có, viết sao được một bài ra hồn.

Tự nhiên phát hiện ra thêm một tật xấu nữa là lười đọc sách. Sách có hoàng kim ốc, có nhan như ngọc mà không chịu đọc. Lâu rồi không đọc được một trang sách nào đúng nghĩa sách cả. Ngoại trừ mấy cái văn bản liên quan đến công việc ra thì chỉ toàn đọc những tin tức linh tinh trên mạng. Còn sách thì bỏ bê cả năm trời. Tự nhiên muốn quay lại thời sinh viên, ngồi trong thư viện cả ngày mà không thấy chán. Lâu lâu ngẩng đầu lên lại thấy một cô nàng nào đó ngồi chéo góc cũng ngồi lì cả ngày, mọt sách y như mình...

30 tuổi, cũng có những thứ làm cho con người ta luyến tiếc. Không phải là những ngày tháng tự do, phiêu du khắp chân trời. Không phải là những lý lẽ nhân sinh tự mình chiêm nghiệm được. Không phải là những bóng hồng thấp thoáng đâu đây. Chỉ cảm thấy luyến tiếc vì mình chưa thực sự sống hết sức sống của mình trong những ngày trẻ tuổi. Để rồi giờ đây, những sức sống dư thừa ấy đã lặng lẽ xói mòn dần theo năm tháng.

Cảm thấy luyên tiếc nhất là không giữ liên hệ thường xuyên được với bạn bè. Không ở bên cạnh bạn bè trong những lúc khó khăn. Không cùng nhau chia sẻ khi vui vẫn khi buồn. Để rồi giờ đây, mỗi đứa một chân trời, càng thưa dần hội ngộ.

Cũng cảm thấy tiếc nuối vì những ước mơ, những dự định bỏ dở nửa chừng. Giờ chỉ còn lại những ký ức mơ hồ với người đồng đội, đồng chí, từng một thời gắn bó với nhau, tỏa sáng cùng nhau trên "hội trường lớn", vạn người chú mục. Giờ chỉ còn luyến tiếc, như ai đó đã từng ngậm ngùi: "Tôi không buồn, tôi chỉ tiếc, vì chúng ta không thể cùng nhau trải qua hết những tháng ngày đắm say".

30 tuổi, chỉ còn lại những vòng xoay vô tận của cơm áo gạo tiền. Đã thôi thở dài như những ngày hai lăm, hai tám. Cũng thôi than trách, đổ lỗi cho số phận, hoặc cho chính mình, hoặc cho người khác. Bởi vì cũng có lúc tự ngộ ra rằng, đó chính là con đường mà ai ai cũng bắt buộc phải đi qua, trong một giai đoạn nào đó của cuộc sống. Đó mới là một phần của cuộc sống, của cuộc đời.

Tháng ba, ba mươi tuổi. Giật mình thời gian sao mà nhanh quá. Mới mười tám tuổi chân ướt chân ráo bước vào thành phố mà ngơ ngác thảm thương, rồi 20 tuổi, rồi 22 tuổi, 25 tuổi, chen chúc trên đường đời đầy bụi bặm với lo toan về công danh sự nghiệp, rồi 28 tuổi mới giã từ tự do, rồi 30 tuổi ngồi ngẫm lại. Nhanh. Sao mà nhanh quá. Nếu như ngày đó mình ươm một hạt giống, trồng một cây nhỏ, thì giờ đây, chắc là cây đã kết quả ươm bông. Nếu như... Nhưng không bao giờ có nếu như.
 
Trong hơn mười năm này, điều lớn nhất mình học được từ cuộc sống chính là sự bao dung. Bắt đầu biết chấp nhận những sai lầm của người khác. Ai cũng có lý do, hoàn cảnh của riêng họ cả. Phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy xét mọi thứ toàn diện hơn. Mà cũng biết bắt đầu chấp nhận những sai làm của chính bản thân mình. Bớt khắt khe với chính mình hơn. Không yêu cầu đối với bản thân nhiều quá. 
 
Nhớ những thời 11h tối là đặt lưng xuống ép mình đi ngủ, 6h sáng nghe chuông đổ là ép mình phải thức dậy. Không còn như vậy nữa, tự cho phép mình tùy tiện hơn, có khi chuông đổ hàng tiếng đồng hồ mới chịu lê mình dậy, rồi ngủ ráng, ngủ thêm, ngủ bớt, ngủ bù. Có khi thức thâu đêm đến tận khuya, không làm gì cả, chỉ để đọc vài tin tức, xem vài bộ phim linh tinh. Cũng có khi mình quá dễ dãi với bản thân mình. Không biết đâu là ranh giới đúng và sai. 
 
Mà thực ra, cuộc đời cũng chắc gì đã có đúng và sai. Chẳng qua đó là cách người ta nhìn nhận, suy xét một vật đề ở khía cạnh khác nhau, lập trường khác nhau...
 
Nhắc đến đến đi ngủ mới nhớ, cũng đã đến giờ ngủ mà chưa chịu ngủ. Còn suy nghĩ linh tinh nhiều thứ quá. Mà cũng có khi, suy nghĩ nhiều quá nên già mau. Nghe tụi nhỏ trong xóm kêu bằng chú là đã cảm thấy lạ lẫm lắm rồi. Được cái may mắn hơn nhiều người là tóc không bị bạc sớm. Có người mới 20, 25 mà tóc đã lốm đốm trắng. Cũng không hiểu người ta suy nghĩ gì nữa mà ra vậy. Tự nhiên cảm thấy mừng vì mình tuổi già nhưng tâm chưa già. Suy nghĩ già nhưng tình cảm chưa già. Nhiêu đó là đã đủ cho tuổi 30 đầy ngỡ ngàng. Năm dài, tháng rộng, người vô tư.

Thanh Trúc, Tháng 3, 30 tuổi. Viết ngày 20/03/2019

Trọ lại trần gian


Cỏ lạ nên người lạc lối quanh
Mùa đông may áo, áo chưa thành
Xuân này cô ấy không về nữa
Trọ lại trần gian phụ tuổi xanh

Trả lại yêu thương chẳng được gần
Trả mùa sang lạnh, trả bâng khuâng
Gió đông vẫn đợi người năm ấy
Người ấy không còn đợi được xuân.

Người ấy không còn đứng dưới mưa
Nhìn xa cánh hạc báo sang mùa
Trăng không tròn nữa thu vành vạnh
Len lỏi bạc đầu dưới nón thưa.

Em không còn đợi được yêu thương
Tuổi mộng mây trôi áo lạ thường
Màu bạc như màu hoa thạch thảo
Cuối mùa thu dại xác xơ hương.

Em không còn đợi, để ta đau
Mấy thuở bao la gấp áo màu
Ta ngủ giữa đời nghe ảo mộng
Hóa thành mưa bụi lãng quên nhau.

Thanh Trúc, Trọ lại trần gian

Mưa bay bên trường Chính Trị


Mưa bụi từ đâu lất phất bay
Bằng lăng tim tím rụng rơi đầy
Bên trường Chính Trị người xe vội
Ta ghé ngang qua giữa chốn này.

Có màu hoa đỏ tuổi đôi mươi
Có tiếng rền vang thép Tháng Mười
Có lửa sục sôi “Đường Kách Mệnh”
Nghe thương Di Chúc trái tim Người.

Ta dừng chân nhớ nắng sông Lô
Nhớ đất Tuyên Quang những điệu hò
Có thuở từng say thơ Tố Hữu
Nhưng lòng ta đã quá đơn sơ.

Ta giờ ước hẹn với non sông
Dưới Búa Liềm bay tỏ tấm lòng
Khắc dấu chân bên trường Chính Trị
Trong mưa xao xuyến trái tim hồng.

Thanh Trúc, Mưa bay bên trường Chính Trị, Nhân học xong lớp Đối Tượng Đảng, Ngày 19/06/2020 

Lòng như sương khói


Lòng như sương khói mỗi đêm dài
Tỉnh giấc ta cần chút nắng mai
Ta sợ một ngày quên tất cả
Khi đời ta bỗng chẳng còn ai.
 
Lòng như mưa bụi lúc không người
Có đắn đo gì mỗi phút vui
Ta sẽ hoá thành mây trắng mãi
Loanh quanh không biết chốn nào trôi.

Thanh Trúc, Lòng như sương khói

Viết cho phù dung


Phù dung xứ khác, khách thời nay
Trú tạm phong ba quán liễu gầy
Dưới nguyệt mười năm phơi tóc bạc
Chép vàng còn đợi thủy tiên bay?

Thanh Trúc, Viết cho phù dung

Thành phố cũ


Lác đác sương rơi thành phố cũ
Bốn mùa hoang dại: khách qua đường
Người về quanh lối. Đêm không ngủ
Chỉ có mình ta với nhớ thương...

Thanh Trúc, Thành phố cũ, Nha Trang, 24/01/2021

Khai bút đầu năm

Cứ ngỡ thân gầy, lá xác xơ
Đêm qua hoa nở tự bao giờ
Sáng nay thức giấc mai vàng rực
Phảng phất năm dài tựa giấc mơ.

Hồn nhiên mây trắng nối đuôi nhau
Thanh khiết sương mai khách cúi đầu
Được mất, nhân tình cho gió thổi
Đầu xuân khai bút, viết: Vong âu.

Danh lợi, hơn thua nửa tiếng cười
Đúng sai còn lại chút gì vui
Cả đời khói bụi mê ly thật?
Sao mãi bon chen mệt rã rời.

Bình yên ngủ một giấc no say
Quên hết ưu tư hết tháng ngày
Cười lớn hồn nhiên như trẻ nhỏ
Ghét yêu rồi cũng tựa mây bay.

Thanh Trúc, Khai bút đầu năm

Em ơi chiều Agribank

Chợt thấy chiều trong ánh mắt em
Hoàng hôn theo nắng khép qua thềm
Đồng hồ đã điểm chuông mười bảy
Nhắc những việc làm “chẳng có tên”.

Nhắc những đêm khuya, những ánh đèn
Mỏi nhòe đôi mắt, góc bàn quen
Nôn nao nhắn vội dòng tin nhắn
Cửa sổ bên ngoài: tối nhá nhem.

Xe buýt đêm nay chuyến cuối rồi
Em còn ở lại. Có buồn - vui?
Chứng từ em ký trăm nghìn phiếu
Đôi ngón tay thon mỏi rã rời.

Tám chín giờ hơn mới trở về
Đèn đường thăm thẳm bóng lê thê
Ngày xưa cũng có người đưa đón
Sương gió phôi phai những hẹn thề.

Sương cũng phai màu mái tóc em
Mong cho cứng rắn trái tim mềm
Khi người giận - trách - hờn vô cớ
Em vẫn nhẹ nhàng tựa nắng lên.

Chiều nay lại họp: xét trừ lương
Sao trái tim em có chút buồn
Ánh lửa mùa xuân le lói quá
Sờn vai áo cũ mặc mưa tuôn.

Trời tối xăm xăm mới đến nhà
Im lìm mở cổng, tự vào ra
Mẹ chồng không hỏi. Em không nói
Chỉ gượng cúi chào giấu xót xa.
 
Cũng đành hai chữ nghiệp và duyên
Dẫu có lo toan áo - gạo - tiền
Chỉ ước lòng em ngay thẳng mãi
Tuy rằng giông tố vẫn bình yên.

Thị xã em về, bến đỗ neo
Hết lòng xây đắp chốn quê nghèo
Bao giờ thị xã ta phồn thịnh
Nâng chén mừng nhau dưới pháo reo.

Em lại yêu đời giữa tháng ba
Phấn son khoe sắc với sơn hà
Áo dài năm ấy tươi màu lại
Đôi nét duyên xưa vẫn mặn mà.

Bút kẻ mày ngài, ánh mắt trong
Giày cao đôi gót búp sen hồng
Tóc thề em thắt nơ hình bướm
Yểu điệu như đào mới chớm bông.

Thanh Trúc, Em ơi chiều Agribank, Viết ặng chị em Agribank Ninh Hoà nhân ngày 8/3/2021

Nguyện ước mười năm

Một chiều nhẹ nhõm phố người qua
Cô gái hồn nhiên trở lại nhà
Năm ấy em tròn hai bốn tuổi
Đem tin về báo mẹ cùng cha.

Trúng tuyển là thư báo chúc mừng
Cha cầm giấy đọc: mắt rưng rưng
Con làm tín dụng Ngân hàng huyện
Chợt thấy sau mưa nắng sáng bừng.

Quê em nghèo lắm, đất cằn khô
Sông nước chơi vơi, cát trắng hồ
Suốt bốn mùa nghe tin bão gấp
Tay người lem luốc, áo gầy xơ.

Con gái âm thầm hứa với cha
Hết lòng xây đắp chốn quê nhà
Long lanh ánh mắt nhiều mơ ước
Khao khát chân trời rợp sắc hoa…

Có biết rằng đâu giữa chặng đời
Chông gai nhiều lắm, bé con ơi
Tin rằng em sẽ bền gan thép
Dẫu có phong ba khắp đất trời.

Rồi những ngày mưa gió nặng nề
Con đường tín dụng khó khăn ghê
Ngày mai lỡ hẹn, hồ sơ muộn
Nên đến nửa đêm mới trở về.

Và những buổi chiều báo cáo nhanh
Đến đi như gió đổi thay cành
Giấy tờ em chất cao dường núi
Em tựa thoi tròn cứ xoáy quanh.

Cũng có những lần tối thẳm đêm
Đường xa vời vợi bước em quen
Mười năm em vẫn đi về muộn
Chỉ có đường quê đã sáng đèn…

Có lệ và hoa giữa cuộc đời
Thanh xuân đổi lấy khúc ca vui
Mười năm em vẫn yêu đằm thắm
Những lối chân quê những tiếng cười.

Nông thôn giờ đã đổi thay nhanh
Lúa chín vàng ươm, quả trĩu cành
Một thoáng tự hào cô tín dụng
Như là cổ tích, ước mơ xanh.

Ấy chẳng phải là cổ tích đâu
Chẳng dưng mà đến, chẳng mong cầu
Ấy là tâm huyết bao người trước
Cùng với kiên trì những kẻ sau.

Cũng có một phần góp sức em
Khi nghe giống tố đến quanh thềm
Khi lòng trăn trở, đêm không ngủ
Để sáng bình yên đón nắng lên.

Em chẳng bao giờ thấy héo hon
Khi hương trên áo đã phai mòn
Vì em đã lặng thầm dâng hiến
Cho sự phồn vinh của nước non.

Em chẳng bao giờ hối tiếc đâu
Khi xuân trên tóc đổi thay màu
Vì em sống đúng nghề em chọn
Có nghĩa, có tình, có trước sau.

Giờ đây đường vắng lát bê tông
Đèn thắp thâu đêm ánh sáng hồng
Bếp khói nhà tranh thành dĩ vãng
Vườn ai trĩu quả với đầy bông.

Vui nghe máy gặt tiếng rền vang
Vui ngắm nương xanh mía ngút ngàn
Sung túc bò ai thêm mấy lứa
Vui thuyền ngư phủ cá đầy khoang.

Em giờ hò hẹn với non sông
Hẹn ngắm vàng ươm lúa chín đồng
Hẹn nếm ngô bung nhà bản xứ
Yêu đời, yêu sự nghiệp “tam nông”…

Em giờ cầu nguyện trước hình cha
Cũng đã mười năm… vắng mái nhà
Người có biết rằng: con đúng hẹn
Hết lòng xây dựng đất quê ta.

Người có thấy không: nắng chói vàng
Trên nông thôn mới tiếng cười vang
Không còn lam lũ và giông bão
Chỉ có yêu thương mãi ngập tràn.

Thanh Trúc, Nguyện ước mười năm
Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu"

Đầu bạc niệm thương khung

Thăm thẳm trời xanh: hạc vút bay
Tiệc vui đã tận. Mộng chưa đầy
Thềm xuân dương liễu mưa rồi tạnh
Mấy độ duyên trần lạc khói mây

Mấy nẻo đường trần lạc bước nhau
Én xa về ngủ hốc ven lầu
Khách xa dừng tạm đìu hiu quán
Nghe dặm giang hồ vó ngựa đau.

Nghe áo phong trần bụi bám xanh
Tóc mai vời vợi rối tơ mành
Mười năm tuế nguyệt phơi đầu bạc
Mộng cũ ba ngàn, để lạnh tanh.

Mộng cũ ba ngàn, mộng ở đâu?
Trong tiếng chuông khuya, khách bạc đầu? (1)
Hay tiếng hồ cầm nung sát phạt?
Hay hồn Thục Đế khóc trăng thâu?

Hay kiếp hồng nhan dứt phấn son
Tương tư mài tận vóc xương mòn
Trăm năm áo trắng thành mây khói
Bia mộ đề thơ: hận nước non.

Hay kiếp phù sinh bám gốc bèo
Nổi chìm trên mép nước cheo leo
Trông thuyền ai đó từ vô định
Kết cỏ ngậm vành để đỗ neo.

Hay chỉ là hoa khói giữa trời
Thủy tiên từng đợi, đã từng vui (2)
Chép vàng một sáng về thiên lý
Chờ đợi thiên thu hóa ngậm ngùi.

Ta chỉ là ta. Có một lần
Thiều quang sáu chục chợt dừng chân (3)
Bích Câu chẳng gặp duyên kỳ ngộ
Lãng tử quay đầu: bách tuế thân.

Thương tùng ngày cũ đón người chăng? (4)
Hay mảnh thương khung đã cỗi cằn?
Chẳng thể tương dung người thất thế
Thương huyền nên đoạn dưới mành trăng?
 
Tri kỷ đâu đây, vắng tiếng cười
Nước non dù đẹp. Có chi vui
Ai người nhớ được mây không vết
Từng ghé ngang qua một khoảnh trời? (5)

Mây trắng là ta, tiếc chính mình
Soi gương đầu bạc, tiếc nhân sinh
Mong mưa rơi lại mười năm cũ
Gột áo phong trần lại trắng tinh.

(Thanh Trúc, Đầu bạc niệm thương khung)

(1) Lấy ý từ "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế: "Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền".
(2) Lấy từ "Bản Kiều hiểu biệt" của Lý Thương Ẩn: "Thủy tiên dục thượng lý ngư khứ"
(3) Lấy ý từ tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du: "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi".
(4) Lấy ý từ tiểu thuyết võ hiệp "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung: "Lãng tử hồi đầu, thương tùng nghênh khách"
(5) Lấy ý từ tiểu thuyết "Anh có thích nước Mỹ không?" của Tân Di Ổ.

Tặng hoa "đồng tiền"


Gạo áo cân đong khó quá chừng
Nhắc nhau dè sẻn thắt eo lưng
Tiền lương bị sếp trừ tê tái
Kiếm chút "đồng tiền" tặng tượng trưng.

(Thanh Trúc, Tặng hoa "đồng tiền", Nhân ngày 20.10)

Cappuchino đá


Một cốc cho ta, một đợi người
Nhân duyên vừa đủ, có buồn vui
Chiều nay mưa ướt. Người không đến
Chỉ có mình ta với lẻ loi.

Đá sắp tan rồi, chẳng uống đi
Đắn đo chi nữa, có duyên gì?
Vị nào ngọt đắng. Người không biết
Chỉ có mình ta ướt khoé mi.

Thanh Trúc, Cappuchino đá

Viết cho phù dung

Khách nay tìm gặp mộng bình yên
Một sáng bay theo nợ định tiền
Chép nhỏ lìa xa non nước cũ
Phù dung thôi nở cánh hồn nhiên...

Thanh Trúc, Viết cho phù dung

Khai bút đầu năm


Một sáng hoa mai nở tuyệt vời
Ta ngồi đếm những cánh hoa tươi
Thăng trầm vừa đủ cho năm tháng
Quên hết ưu tư để mỉm cười.

Ta nhặt dưới chân một cánh vàng
An nhiên nằm đó giữa thời gian
Đêm qua lặng lẽ không mưa gió
Hoa tự rơi ra sức sống tràn.

Hoa rơi, không phải ý xuân rơi
Hoa chỉ tung bay khắp đất trời
Để sáng thi nhân vừa cất bút
Nghe lòng nhẹ nhõm chẳng buồn vui.

Thanh Trúc, Khai bút đầu năm

Ngã ba Ninh Hòa

Ngã ba giờ hoá ngã tư rồi
Một chút nhân tình cũng thế thôi
Lỡ có về quê, quên mất lối
Em ơi đừng khóc lúc đông người.

Đừng đi xa quá khó quay về
Thăm thẳm đường dài lạc lõng ghê
Đừng mộng phù hoa quên giản dị
Qua đường xao lãng khách chân quê.

Những thứ hư vô mãi kiếm tìm
Ưu tư đằm lại dấu chân chim
Những lời thua được nghe gay gắt
Đánh mất thanh bình một trái tim.

Em cũng đừng yêu quá dại khờ
Lệ buồn rửa mặt, tóc em xơ
Em là ngọc quý bên cha mẹ
Chẳng đáng đâu em: kẻ hững hờ.

Dẫu biết nhân sinh chẳng vẹn mười
Mãi là em nhé. Cứ vui tươi
Giữ lòng em mãi xanh như lá
Cứ ghét, và yêu, miễn đúng người.

Thanh Trúc, Ngã ba Ninh Hòa

Sơ tâm



Vạn dặm đường xa, nhạn vút bay
Gió sương vời vợi, vóc mai gầy
Sơ tâm vành vạnh như minh nguyệt
Tán xạ ngân quang thoả mộng này...

Thanh Trúc

Sinh tố bơ

Sinh tố bơ trên đất Ninh Hoà
Thương một người, nhớ một rừng hoa
Năm tháng thanh xuân giờ vội vã
Vui buồn như thể mới hôm qua...

Thanh Trúc 

(Thơ lỗi nhịp, đọc cho vui)

Trà tắc bên đường

Trà tắc bên đường gọi mấy ly
Sao em không uống, đắn đo gì
Hay là em sợ đường xe bụi
Sợ thức thâu đêm. Sợ béo phì.

Mặc kệ, em à, uống hết đi
Trà thơm mát lịm quá mê ly
Ai người nông cạn yêu hình thức
Em cứ phớt lờ chớ tiếc chi.

Thanh Trúc. Nhân một buổi chiều bên đường 16/7. Viết theo đơn đặt hàng của cô bán trà tắc.

Trái măng cụt



Tròn lắm nên không gọi là dài
Trong chua mà ngọt giống duyên ai
Trắng mềm mũm mĩm căng căng mọng
Chẳng nỡ ăn đâu. Để ngắm hoài.

Thanh Trúc, Trái măng cụt

Chỉ còn gió, vắng bóng mây


Gió mệt nhoài lay áo lãng du
Nắng ưu tư động mảnh sương mù
Mây đi bỏ lại trăng thềm phố
Thôi tuổi hồn nhiên nhặt lá thu.

Em, chắc chỉ còn... ký ức xưa
Buồn vui yêu ghét đổi theo mùa
Tôi, vô cớ gặp. Vô tình nhớ
Ướt nửa trang đời một buổi mưa!

Trang đời, nay viết xuống trang thơ
Mây tặng vô tư lắm hững hờ
Gió cố tình mang thương tổn giấu
Mây đi. Còn gió dở dang mơ.

Phôi phai năm tháng, vết còn in
Một gốc công anh - khách lỡ tình
Lộng lẫy như phù dung buổi sớm
Đêm tàn. Theo gió cuốn. Điêu linh.

Thanh Trúc

Viếng Tố Như

Mưa gió Nghi Xuân ướt mái đầu
Hai trăm năm lẻ biết tìm đâu
Người theo cánh hạc về mây trắng
Ta niệm Đoạn Trường để viếng nhau.

Ai viết văn chương: viết chính mình
Dài thời vô định, ngắn điêu linh
Trăm năm muốn biết ta từng ghé
Lấy mảnh tàn thư để chứng minh.

Người nay chẳng trách mệnh văn chương
Chỉ tiếc trần gian chẳng tỏ tường
Mượn cuộc nhân sinh làm lãng khách
Bên thềm chong lại nén dư hương.

Thanh Trúc

Trên đất Nghi Xuân viếng Tố Như

    Đó là một chuyến đi xa nhưng ngắn ngày, mà trước đó tôi không hề nghĩ là mình sẽ có dịp đi xa như vậy, kể từ ngày tôi rời bỏ nghề kiểm toán để đi theo nghề ngân hàng, một nghề mà gần như tôi phải ngồi lì một chỗ từ ngày này qua ngày khác.

    Hôm trước sếp còn gọi điện, hỏi "em đi học nhé". Thật ra đó là một lời thông báo hơn là việc hỏi ý kiến. Bởi vì nhân viên vốn chẳng cần phải hỏi ý kiến làm gì cả. Tôi với một cô đồng nghiệp ngồi gần bên sẽ có một người phải đi. Tính qua tính lại nào là học xa ngoại tỉnh, nào là có con nhỏ.... Nên tôi đi.

    Giờ ngồi nghĩ lại, nhân sinh đúng là kỳ diệu như vậy. Cứ ngỡ cả đời này với công việc hiện tại, tôi không còn một chuyến đi nào nữa.

    Tàu rời bến Ninh Hòa lúc 14h30 chiều chủ nhật. Theo lịch trình thì phải hơn 20 tiếng đồng hồ thì mới tới được ga Hương Phố. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là nơi tôi cần đến.

    Hương Phố là một thị trấn nhỏ xíu thuộc huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Nó nằm ở phía tây Hà Tĩnh, xem như là một thị trấn miền núi. Nghe tên thôi đã thơ mộng rồi, chỉ tiếc thời gian không đủ nếu không thì tôi sẽ đi tham quan và tìm hiểu thị trấn này và cả Hương Khê kỹ hơn.

    Tôi phải bắt thêm một chặng xe buýt nữa từ Hương Phố về thành phố Hà Tĩnh, đó là nơi tôi phải tập huấn 2 ngày với nội dung nghiệp vụ ngân hàng, kiểu như bảo mật thông tin và phòng ngừa rủi ro gì đó. Phải nói thêm nữa là chuyến tập huấn này có 4 chị đồng nghiệp nữa đi cùng tôi, không phải đồng nghiệp cùng chung cơ quan mà là người ở khác chi nhánh, chỉ trong cùng tỉnh với nhau.

    Tôi đi bộ từ ga đến trạm xe buýt, nằm ở cuối con đường cách đâu độ khoảng vài trăm mét, gọi là trạm xe Hương Khê. Khác với tàu hoả lộ tuyến ít đến đáng thương, xe Hương Khê là một trong những nhà xe nổi tiếng cả nước, với nhiều chuyến xe ngang dọc gần như đi khắp các tỉnh miền trung và tây nguyên.

    Xe buýt số 3 từ Hương Khê xuống thành phố Hà Tĩnh khoảng đâu 50km nữa, xe chạy xấp xỉ một tiếng đồng hồ. Trên đường xe có đi ngang qua các ngã đường đi ngã ba Đồng Lộc và hồ Kẻ Gỗ, tiếc là tôi không đủ thời gian. Trong kế hoạch của tôi, viếng mộ Nguyễn Du được đặt lên hàng đầu. Văn nhân, đến Hà Tĩnh, nếu không viếng mộ đại thi hào thì sẽ là một sự tiếc nuối lớn lao. Trên chặng đường xe buýt đó, tôi chỉ kịp ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường đi, ra khỏi thị trấn thì cảnh vật còn tương đối hoang sơ, hai bên đường có nhiều rừng cây keo, thỉnh thoảng xen lẫn một vài đồi thông, nhìn giống như thông Đà Lạt. Hương Khê tuy là một huyện miền núi nhưng độ cao không lớn lắm, khí hậu cũng không ôn hòa mát mẻ như Đà Lạt, việc tồn tại những đồi thông đối với tôi là một điều kỳ diệu. Chỉ đáng tiếc lúc đó tôi vừa đói vừa mệt, vừa phải chống chọi với cảm giác say xe nên không thể chụp ảnh lại được.
Thành phố Hà Tĩnh đón tôi bằng một bầu trời xám xịt và những cơn mưa dầm dề. Nghe đâu có áp thấp nhiệt đới ngoài biển, sau đó áp thấp chuyển thành bão số 2 nhưng hướng đi ngược ra ngoài nên tôi chỉ gặp mưa tới chiều ngày thứ 2 là hết.

    Xe buýt dừng tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, từ đó tôi phải đi bộ dọc đường Trần Phú để đến Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trần Phú là một tuyến đường quan trọng của thành phố, nơi đi thẳng nối với quốc lộ và có xe buýt liên tục vận chuyển hành khách đến, đi ga Vinh và sân bay Vinh.

    Nơi tôi đến là một khách sạn khá lớn, khoảng 8 tầng nằm gần đầu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh: khách sạn Sailing. Lớp của chúng tôi học chia là hai nơi ở. Nhóm nam thì ở Sailing bên này, còn nhóm nữ thì ở nội trú đối diện, lầu dưới là phòng ăn tập thể và có khu hội trường để học tập.

    Các chị đồng nghiệp của tôi vì đi bằng máy bay nên xuất phát muộn, tới tối mới đến nơi. Một phần tôi không đi máy bay vì không còn lòng tin vào hệ thống nữa, nhưng phần lớn vì kế hoạch Nghi Xuân, đi tàu tôi sẽ có thêm nữa ngày thời gian buổi chiều.

    Tôi nhận phòng tại Sailing lúc tầm hơn 12h trưa, sau đó dạo quanh đường Trần Phú, ghé vào một quán phở nhỏ gần ngã 3, gọi một tô phở cho ấm bụng. Sau đó chạy qua bên kia đường bắt kịp chuyến xe buýt về Vinh và bắt đầu cuộc hành trình của tôi.

    Nghi Xuân là một huyện phía bắc Hà Tĩnh, nằm giáp giới với Nghệ An, nhìn trên bản đồ chỉ cách nhau một con sông. Con sông này uốn khúc qua địa phận Hà Tĩnh, có đoạn chạy dọc song song với quốc lộ, bên kia quốc lộ là một dãy núi, chính là sông Lam và núi Hồng Lĩnh trong một bài hát.

Nghi Xuân đón tôi bằng một trận mưa tầm tã. Xe buýt dừng tại một bến nhỏ dưới chân cầu vượt, sau đó tôi bắt xe taxi để rẽ vào thị trấn Xuân An, chạy dọc hết thị trấn Xuân An là đến Tiên Diền, khu di tích Nguyễn Du, nằm trên đường Nguyễn Nghiễm.

    Đây là một quần thể di tích tương đối nhỏ so với những khu di tích khác mà tôi từng ghé. Từ cổng bước vào là trạm bảo vệ và phòng bán vé, đi về phía trong bên tay phải, tọa lạc giữa sân là tượng Nguyễn Du, tư thế ngồi một tay cầm bút, chắc là đang viết Truyện Kiều. Sau lưng tượng là sảnh chính có trưng bày một số hiện vật của đất Hà Tĩnh, gia phả dòng họ Nguyễn và Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng chữ Nôm. Chính diện là một chữ Tâm, ở dưới đặt vài cuộn giấy và mấy cây bút lông. Hai bên phải trái là hai dãy nhà dùng làm phòng họp và phòng đón tiếp khách, sau lưng là khu vực không tham quan, nơi làm việc của nhân viên khu di tích. Vào sâu bên trong khu di tích là một số nơi nữa như bia đá tưởng niệm, nơi thờ Khổng Tử... Trời mưa tầm tã, tôi tranh thủ đi dạo một vòng, chụp vài tấm ảnh lưu niệm, chờ mưa tạnh rồi đón taxi ra mộ Nguyễn Du.

    Mộ Nguyễn Du không nằm trong khu di tích mà tôi phải đi hơn 2km nữa theo đường Nguyễn Nghiễm, ra khỏi khu vực dân cư tới khu mộ địa, theo hướng biển chỉ dẫn mà tìm tới mộ Nguyễn Du. Đó là một khu vực nhỏ nằm chung với khu mộ địa của dân cư, được bao quanh là hàng rào gỗ có cổng vào. Nằm chính giữa là bia mộ bằng đá, nội dung ghi khá đơn giản: danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào, Nguyễn Du, 1765 - 1820. Bia mộ đặt trong ngôi đình nhỏ, có 4 trụ sơn đỏ và có mái che. Phía sau chính là phần mộ của Nguyễn Du, cũng khá khiêm tốn, được ốp đá bốn phía và có sẵn lư hương cho khách viếng mộ.
    
    Có ai đó để sẵn trong đình một ít nén nhang và quẹt diêm. Mặc dù mưa gió hơi ẩm ướt nhưng vẫn cháy được, tôi thắp một nén cắm trước mộ Nguyễn Du rồi ra về. Hành trình qua đất Nghi Xuân của tôi đến đây là gần như viên mãn.

    Taxi đưa tôi đến đường quốc lộ và chuyển sang xe buýt để vào thành phố. Phải nói thêm nữa là trên đoạn đường Nghi Xuân có lối rẽ vào khu mộ Nguyễn Công Trứ nhưng tiếc là tôi không có thời gian để ghé qua. Hoặc là Nguyễn Công Trứ ít ảnh hưởng đến văn chương của tôi hơn là Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều, từ nhỏ tôi đã thuộc nằm lòng, lớn lên đi làm ít sử dụng gần như đã quên phần lớn nhưng âm hưởng của Truyện Kiều còn lắng đọng mãi trong lòng.

    Trên con đường qua Thạch Hà tôi còn bỏ lỡ một địa danh nữa là chùa Hương Tích, cũng nằm khá gần đường quốc lộ. Cũng không may lắm là hôm đó trờ mưa rất to nên cũng lười đi. Mưa kéo dài suốt 2 hôm thì hết. Hôm thứ 3 tạnh mưa trời bắt đầu nóng dần lên thì tôi đã lên xe rời Hà Tĩnh.

    Nói chung thì 2 ngày tập huấn của tôi không có gì đặc biệt, chỉ trừ việc tối ngày thứ nhất có mở tiệc giao lưu giữa các chi nhánh. Tôi cũng làm quen được với vài anh chị ở văn phòng miền, ở Phù Cát, Gia Lai, Hà Tĩnh... Nói chung thì mọi người cùng uống, cùng vui vẻ với nhau. Tối đó, tôi tranh thủ đi dạo một vòng qua mấy khu phố, mua một ít đặc sản mang về. Đặc sản Hà Tĩnh không gì khác hơn là bánh Cu Đơ, một loại bánh làm từ bánh tráng kẹp đậu phộng và đường mạch nha, ăn vào ngọt lịm giòn tan. Tối hôm đó còn bị anh cùng phòng kéo qua phòng khác giao lưu bằng rượu, xong về phòng say bí tỉ, nôn ra khắp cả phòng. Đến sáng hôm sau còn cảm thấy nôn nao...

    Tôi rờị Hà Tĩnh trong một buổi chiều khá oi bức, không khí trở nên nóng hơn khi mà áp thấp nhiệt đới dần ra xa khỏi bờ. Chiều hôm đó cô giáo cho cả lớp nghỉ sớm, tôi về Sailing sắp xếp một ít đồ đạc rồi bắt taxi ra bến xe buýt, xong bắt xe buýt lên Hương Phố, đi ngược lại với đoạn đường đã đi trước đó.
Theo lịch thì 11h30 tối tàu mới xuất phát, nhưng lại trễ hơn dự kiến 30 phút. Tôi ngồi ở ga Hương Phố từ 7h chiều tới 12h đêm. Ghé căn tin nhỏ trong sân ga, ăn một hũ mì ly, uống một lon nước ngọt. Nghe cô chủ ở đó kể chuyện với khách về cuộc đời mình. Nghe nói cô có 3 đứa con, 2 đời chồng, người gốc Quảng Bình. Cô kể về sóng gió cuộc đời cô một cánh nhẹ nhõm, bình dị, thể hiện một con người nhân hậu và lương thiện. Mà hầu như những người dân mà tôi gặp ở đây, từ trên xe buýt, trên sân ga, trong quán ăn... đều là những người tốt bụng, lương thiện. Tôi chợt cảm thấy thêm tin tưởng vào cuộc đời. Chắc có lẽ cuộc đời tôi trải qua nhiều mưa gió, tính toán, chi li quá, nên giờ ngồi lại tự nhiên cảm thấy cuộc sống này rất lạ, rất đẹp, rất trong sáng, và nó lây sang một góc nhỏ trong tâm hồn mình...

Hà Tĩnh, ngày 10/8/2022

Thắp trầm hương

Ta thắp trầm hương gửi khói mây
Trăm năm tuế nguyệt trước sân này
Suốt đời chỉ nguyện ôm em ngủ
Mặc lối đi về... kệ lá bay.

Thanh Trúc

Lối Mù U

Có ai từng ghé lối Mù U
Nghe thấy đượm buồn những tiếng ru
Có trách bướm vàng nhanh mỏi cánh
Xuân thì như chiếc lá mùa thu.

Có ai vội hái đoá tường vi
Giấu kín trong tim tiếc nuối gì
Ai cũng một lần thương để tiếc
Một lần khờ dại để mê ly...

Thanh Trúc