3 thg 9, 2022

Trên đất Nghi Xuân viếng Tố Như

    Đó là một chuyến đi xa nhưng ngắn ngày, mà trước đó tôi không hề nghĩ là mình sẽ có dịp đi xa như vậy, kể từ ngày tôi rời bỏ nghề kiểm toán để đi theo nghề ngân hàng, một nghề mà gần như tôi phải ngồi lì một chỗ từ ngày này qua ngày khác.

    Hôm trước sếp còn gọi điện, hỏi "em đi học nhé". Thật ra đó là một lời thông báo hơn là việc hỏi ý kiến. Bởi vì nhân viên vốn chẳng cần phải hỏi ý kiến làm gì cả. Tôi với một cô đồng nghiệp ngồi gần bên sẽ có một người phải đi. Tính qua tính lại nào là học xa ngoại tỉnh, nào là có con nhỏ.... Nên tôi đi.

    Giờ ngồi nghĩ lại, nhân sinh đúng là kỳ diệu như vậy. Cứ ngỡ cả đời này với công việc hiện tại, tôi không còn một chuyến đi nào nữa.

    Tàu rời bến Ninh Hòa lúc 14h30 chiều chủ nhật. Theo lịch trình thì phải hơn 20 tiếng đồng hồ thì mới tới được ga Hương Phố. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là nơi tôi cần đến.

    Hương Phố là một thị trấn nhỏ xíu thuộc huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Nó nằm ở phía tây Hà Tĩnh, xem như là một thị trấn miền núi. Nghe tên thôi đã thơ mộng rồi, chỉ tiếc thời gian không đủ nếu không thì tôi sẽ đi tham quan và tìm hiểu thị trấn này và cả Hương Khê kỹ hơn.

    Tôi phải bắt thêm một chặng xe buýt nữa từ Hương Phố về thành phố Hà Tĩnh, đó là nơi tôi phải tập huấn 2 ngày với nội dung nghiệp vụ ngân hàng, kiểu như bảo mật thông tin và phòng ngừa rủi ro gì đó. Phải nói thêm nữa là chuyến tập huấn này có 4 chị đồng nghiệp nữa đi cùng tôi, không phải đồng nghiệp cùng chung cơ quan mà là người ở khác chi nhánh, chỉ trong cùng tỉnh với nhau.

    Tôi đi bộ từ ga đến trạm xe buýt, nằm ở cuối con đường cách đâu độ khoảng vài trăm mét, gọi là trạm xe Hương Khê. Khác với tàu hoả lộ tuyến ít đến đáng thương, xe Hương Khê là một trong những nhà xe nổi tiếng cả nước, với nhiều chuyến xe ngang dọc gần như đi khắp các tỉnh miền trung và tây nguyên.

    Xe buýt số 3 từ Hương Khê xuống thành phố Hà Tĩnh khoảng đâu 50km nữa, xe chạy xấp xỉ một tiếng đồng hồ. Trên đường xe có đi ngang qua các ngã đường đi ngã ba Đồng Lộc và hồ Kẻ Gỗ, tiếc là tôi không đủ thời gian. Trong kế hoạch của tôi, viếng mộ Nguyễn Du được đặt lên hàng đầu. Văn nhân, đến Hà Tĩnh, nếu không viếng mộ đại thi hào thì sẽ là một sự tiếc nuối lớn lao. Trên chặng đường xe buýt đó, tôi chỉ kịp ngắm nhìn phong cảnh hai bên đường đi, ra khỏi thị trấn thì cảnh vật còn tương đối hoang sơ, hai bên đường có nhiều rừng cây keo, thỉnh thoảng xen lẫn một vài đồi thông, nhìn giống như thông Đà Lạt. Hương Khê tuy là một huyện miền núi nhưng độ cao không lớn lắm, khí hậu cũng không ôn hòa mát mẻ như Đà Lạt, việc tồn tại những đồi thông đối với tôi là một điều kỳ diệu. Chỉ đáng tiếc lúc đó tôi vừa đói vừa mệt, vừa phải chống chọi với cảm giác say xe nên không thể chụp ảnh lại được.
Thành phố Hà Tĩnh đón tôi bằng một bầu trời xám xịt và những cơn mưa dầm dề. Nghe đâu có áp thấp nhiệt đới ngoài biển, sau đó áp thấp chuyển thành bão số 2 nhưng hướng đi ngược ra ngoài nên tôi chỉ gặp mưa tới chiều ngày thứ 2 là hết.

    Xe buýt dừng tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, từ đó tôi phải đi bộ dọc đường Trần Phú để đến Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trần Phú là một tuyến đường quan trọng của thành phố, nơi đi thẳng nối với quốc lộ và có xe buýt liên tục vận chuyển hành khách đến, đi ga Vinh và sân bay Vinh.

    Nơi tôi đến là một khách sạn khá lớn, khoảng 8 tầng nằm gần đầu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh: khách sạn Sailing. Lớp của chúng tôi học chia là hai nơi ở. Nhóm nam thì ở Sailing bên này, còn nhóm nữ thì ở nội trú đối diện, lầu dưới là phòng ăn tập thể và có khu hội trường để học tập.

    Các chị đồng nghiệp của tôi vì đi bằng máy bay nên xuất phát muộn, tới tối mới đến nơi. Một phần tôi không đi máy bay vì không còn lòng tin vào hệ thống nữa, nhưng phần lớn vì kế hoạch Nghi Xuân, đi tàu tôi sẽ có thêm nữa ngày thời gian buổi chiều.

    Tôi nhận phòng tại Sailing lúc tầm hơn 12h trưa, sau đó dạo quanh đường Trần Phú, ghé vào một quán phở nhỏ gần ngã 3, gọi một tô phở cho ấm bụng. Sau đó chạy qua bên kia đường bắt kịp chuyến xe buýt về Vinh và bắt đầu cuộc hành trình của tôi.

    Nghi Xuân là một huyện phía bắc Hà Tĩnh, nằm giáp giới với Nghệ An, nhìn trên bản đồ chỉ cách nhau một con sông. Con sông này uốn khúc qua địa phận Hà Tĩnh, có đoạn chạy dọc song song với quốc lộ, bên kia quốc lộ là một dãy núi, chính là sông Lam và núi Hồng Lĩnh trong một bài hát.

Nghi Xuân đón tôi bằng một trận mưa tầm tã. Xe buýt dừng tại một bến nhỏ dưới chân cầu vượt, sau đó tôi bắt xe taxi để rẽ vào thị trấn Xuân An, chạy dọc hết thị trấn Xuân An là đến Tiên Diền, khu di tích Nguyễn Du, nằm trên đường Nguyễn Nghiễm.

    Đây là một quần thể di tích tương đối nhỏ so với những khu di tích khác mà tôi từng ghé. Từ cổng bước vào là trạm bảo vệ và phòng bán vé, đi về phía trong bên tay phải, tọa lạc giữa sân là tượng Nguyễn Du, tư thế ngồi một tay cầm bút, chắc là đang viết Truyện Kiều. Sau lưng tượng là sảnh chính có trưng bày một số hiện vật của đất Hà Tĩnh, gia phả dòng họ Nguyễn và Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng chữ Nôm. Chính diện là một chữ Tâm, ở dưới đặt vài cuộn giấy và mấy cây bút lông. Hai bên phải trái là hai dãy nhà dùng làm phòng họp và phòng đón tiếp khách, sau lưng là khu vực không tham quan, nơi làm việc của nhân viên khu di tích. Vào sâu bên trong khu di tích là một số nơi nữa như bia đá tưởng niệm, nơi thờ Khổng Tử... Trời mưa tầm tã, tôi tranh thủ đi dạo một vòng, chụp vài tấm ảnh lưu niệm, chờ mưa tạnh rồi đón taxi ra mộ Nguyễn Du.

    Mộ Nguyễn Du không nằm trong khu di tích mà tôi phải đi hơn 2km nữa theo đường Nguyễn Nghiễm, ra khỏi khu vực dân cư tới khu mộ địa, theo hướng biển chỉ dẫn mà tìm tới mộ Nguyễn Du. Đó là một khu vực nhỏ nằm chung với khu mộ địa của dân cư, được bao quanh là hàng rào gỗ có cổng vào. Nằm chính giữa là bia mộ bằng đá, nội dung ghi khá đơn giản: danh nhân văn hóa thế giới, đại thi hào, Nguyễn Du, 1765 - 1820. Bia mộ đặt trong ngôi đình nhỏ, có 4 trụ sơn đỏ và có mái che. Phía sau chính là phần mộ của Nguyễn Du, cũng khá khiêm tốn, được ốp đá bốn phía và có sẵn lư hương cho khách viếng mộ.
    
    Có ai đó để sẵn trong đình một ít nén nhang và quẹt diêm. Mặc dù mưa gió hơi ẩm ướt nhưng vẫn cháy được, tôi thắp một nén cắm trước mộ Nguyễn Du rồi ra về. Hành trình qua đất Nghi Xuân của tôi đến đây là gần như viên mãn.

    Taxi đưa tôi đến đường quốc lộ và chuyển sang xe buýt để vào thành phố. Phải nói thêm nữa là trên đoạn đường Nghi Xuân có lối rẽ vào khu mộ Nguyễn Công Trứ nhưng tiếc là tôi không có thời gian để ghé qua. Hoặc là Nguyễn Công Trứ ít ảnh hưởng đến văn chương của tôi hơn là Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều, từ nhỏ tôi đã thuộc nằm lòng, lớn lên đi làm ít sử dụng gần như đã quên phần lớn nhưng âm hưởng của Truyện Kiều còn lắng đọng mãi trong lòng.

    Trên con đường qua Thạch Hà tôi còn bỏ lỡ một địa danh nữa là chùa Hương Tích, cũng nằm khá gần đường quốc lộ. Cũng không may lắm là hôm đó trờ mưa rất to nên cũng lười đi. Mưa kéo dài suốt 2 hôm thì hết. Hôm thứ 3 tạnh mưa trời bắt đầu nóng dần lên thì tôi đã lên xe rời Hà Tĩnh.

    Nói chung thì 2 ngày tập huấn của tôi không có gì đặc biệt, chỉ trừ việc tối ngày thứ nhất có mở tiệc giao lưu giữa các chi nhánh. Tôi cũng làm quen được với vài anh chị ở văn phòng miền, ở Phù Cát, Gia Lai, Hà Tĩnh... Nói chung thì mọi người cùng uống, cùng vui vẻ với nhau. Tối đó, tôi tranh thủ đi dạo một vòng qua mấy khu phố, mua một ít đặc sản mang về. Đặc sản Hà Tĩnh không gì khác hơn là bánh Cu Đơ, một loại bánh làm từ bánh tráng kẹp đậu phộng và đường mạch nha, ăn vào ngọt lịm giòn tan. Tối hôm đó còn bị anh cùng phòng kéo qua phòng khác giao lưu bằng rượu, xong về phòng say bí tỉ, nôn ra khắp cả phòng. Đến sáng hôm sau còn cảm thấy nôn nao...

    Tôi rờị Hà Tĩnh trong một buổi chiều khá oi bức, không khí trở nên nóng hơn khi mà áp thấp nhiệt đới dần ra xa khỏi bờ. Chiều hôm đó cô giáo cho cả lớp nghỉ sớm, tôi về Sailing sắp xếp một ít đồ đạc rồi bắt taxi ra bến xe buýt, xong bắt xe buýt lên Hương Phố, đi ngược lại với đoạn đường đã đi trước đó.
Theo lịch thì 11h30 tối tàu mới xuất phát, nhưng lại trễ hơn dự kiến 30 phút. Tôi ngồi ở ga Hương Phố từ 7h chiều tới 12h đêm. Ghé căn tin nhỏ trong sân ga, ăn một hũ mì ly, uống một lon nước ngọt. Nghe cô chủ ở đó kể chuyện với khách về cuộc đời mình. Nghe nói cô có 3 đứa con, 2 đời chồng, người gốc Quảng Bình. Cô kể về sóng gió cuộc đời cô một cánh nhẹ nhõm, bình dị, thể hiện một con người nhân hậu và lương thiện. Mà hầu như những người dân mà tôi gặp ở đây, từ trên xe buýt, trên sân ga, trong quán ăn... đều là những người tốt bụng, lương thiện. Tôi chợt cảm thấy thêm tin tưởng vào cuộc đời. Chắc có lẽ cuộc đời tôi trải qua nhiều mưa gió, tính toán, chi li quá, nên giờ ngồi lại tự nhiên cảm thấy cuộc sống này rất lạ, rất đẹp, rất trong sáng, và nó lây sang một góc nhỏ trong tâm hồn mình...

Hà Tĩnh, ngày 10/8/2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét