25 thg 12, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Miền Tây một thoáng vấn vương lòng

Điều làm tôi vướng vấn nhất trong chuyến đi miền Tây này, không chỉ là cảnh sông nước. Sông nước ở đây rất đẹp, rất hữu tình, nhưng đó cũng chỉ là một phần, nhưng không phải là phần lớn. Phần lớn vì miền đất này, đã sinh ra những người bạn, những người con gái, đã từng xuất hiện và đi qua cuộc đời tôi.

Xe Phương Trang đưa tôi đến Sài Gòn trong một buổi tối giữa tháng 12 mưa rào bất chợt. Sáng hôm sau có một chuyến trung chuyển từ quận 1 đến bến xe Miền Tây, rồi từ bến xe Miền Tây về đến Cần Thơ. Một phần vì say xe, phần khác là đường xa mệt mỏi, nên trên xe tôi ngủ suốt, lòng bị hấp dẫn bởi khung cảnh ven đường, nhưng không đủ sức để gượng ngắm được, nên cứ nhắm mắt mãi. May mà đến Cần Thơ, chúng tôi (tôi và một anh bạn không nghiệp khác) có ít thời gian để đi dạo một vòng quanh thành phố và ghé bến Ninh Kiều.

Ninh Kiều cũng là tên một quận nằm trong thành phố. Bến Ninh Kiều nằm sát con đường ven sông. Đứng từ bờ có thể nhìn thấy những cầu cảng nhỏ, nơi neo đậu một số tàu thuyền, có thấp thoáng vài con thuyền lớn, hình như là nhà hàng nổi ở trên sông. Từ bến Ninh Kiều nhìn xa xa ra, chính là ngã ba sông, nổi giữa 2 con sông Cần Thơ và sông Hậu. Nhìn từ bản đồ, sông Cần Thơ là một nhánh nhỏ xíu, chảy ngược từ hướng Tây Nam lên, đổ ra sông Hậu. Xa xa hơn nữa là cầu Cần Thơ, một trục thẳng trải dài, gác ngang qua cồn nhỏ giữa sông. Ngoài ra, trên đường đi chúng tôi còn được đi ngang một cây cầu khác, hình như là cầu Mỹ Thuận trên địa phận tỉnh Tiền Giang, bắc qua sông Tiền. Nhưng lúc đó tôi hơi mệt, nên chỉ kịp ngắm một ít phong cảnh ven sông.

Ninh Kiều, từ lâu trong những tưởng tượng của tôi, sẽ là một nơi lãng mạn, có những đôi lứa yêu đương hẹn hò. Tiếc là lúc tôi ghé vào khoảng giữa trưa nên vắng người và phong cảnh mất đi mấy phần ý thơ. Chắc là phải hẹn dịp khác, khi tôi quay lại thành phố này, sẽ cảm nhận được không khí Ninh Kiều hơn, như trong câu hát "ghé bến Ninh Kiều, hẹn người yêu..."

Khoảng đầu giờ chiều, chúng tôi trở lại bến xe và xuất phát về Thốt Nốt. Nơi đến, khách hàng của chúng tôi, là một đơn vị chuyên chế biển thủy hải sản đông lạnh, nằm ở khu công nghiệp. Chúng tôi phải dừng lại chỗ ngã ba Lộ Tẻ rồi nhờ khách hàng tới đón. Không biết sao người ta gọi nó là "Lộ Tẻ", chắc là hồi đó, con đường này "tẻ ngang", và đi các nơi khác.

Vì thuộc lĩnh vực đông lạnh, nên mấy ngày hôm sau, chúng tôi phải lặn lội vào phòng đông lạnh suốt. Nhiệt độ trong đó, có chỗ xuống tới âm 40 độ C. Chúng tôi phải mặc áo lạnh bảo hộ, có mũ trùm đầu, đeo găng tay dày và mang ủng nhựa. Nhưng bấy nhiêu đó không làm giảm được cái lạnh ăn mòn âm ỉ vào từng thớ vải găng tay, nên sau một lúc, khoảng chừng 30 phút, chúng tôi phải ra ngoài để nghỉ ngơi. Đối với những nhân viên bốc xếp làm việc trong đó, người ta đã quen với cái lạnh, và công việc vận động nhiều, nên khả năng chịu đựng tốt hơn người ngoài như chúng tôi.

Dù sao thì công việc cũng khá thành công. Khách hàng, từ anh thủ kho đến các nhân công, ai cũng đều rất thân thiện và hiếu khách. Mọi người cứ đùa giỡn nhau suốt, làm cho tôi cảm nhận được không khí chân thành của những tầng lớp lao động chân tay. Người ta có thể dốc hết sức lao động của mình, để rồi tối ngủ một giấc thật êm, không lo không nghĩ như những người làm công việc trí óc như chúng tôi.

Buổi tối, chúng tôi được sắp xếp nghỉ lại tại nhà khách của khách hàng, cũng khá đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày đúng giờ đi ăn tại căn tin. Ở đây chúng tôi được tự chọn món ăn, giống như là những buổi buffet vậy, ngoại trừ việc thức ăn không mấy phong phú (nói thẳng ra, chỉ có vài ba món). Nhưng vì đói bụng, bao nhiêu thức ăn đã hóa thành nhiệt lượng trong kho lạnh, nên chúng tôi ăn được rất ngon miệng.

Buổi chiều, khi công việc đã sắp xếp ổn thỏa, khách hàng đưa chúng tôi đến thành phố Long Xuyên để ăn chơi và... nhậu nhẹt. Khoảng cách chỉ khoảng 10km. Nơi này đông người hơn, và không khí cũng có đôi phần nhộn nhịp. Sau khi có vài chai, chúng tôi kéo nhau ra quán karaoke...

Lần đầu tiên tôi ghé Long Xuyên, cảm giác lúc đó khá là mơ hồ. Long Xuyên là thành phố nhỏ thuộc tỉnh An Giang. An Giang có Chợ Mới, có Cù Lao Giêng... Nhắc cho tôi nghĩ đến những chuyến phà, những vườn cây rộng, xoài trĩu cành, cá chép đùa dưới ao... Và đương nhiên, có những cô gái chân thành, nhiệt tình, dễ mến.

Trong những ngày này, tôi được gặp một cô gái như vậy. Nàng làm việc ở phòng kế toán, khi tôi lên đó, nàng bắt gặp. Tôi nhận ra đó là một người bạn quen nhau trên facebook, có cái tên dễ thương, một nửa của tên tôi. Nàng là người quen của người quen, nên cũng tính là người quen. Chúng tôi nói chuyện với nhau thật lâu, thật lâu. Nàng ở trọ tại Long Xuyên, mỗi tuần cũng về một lần. Nàng có mời tôi có dịp về miền Tây lần nữa thì ghé nhà chơi. Nàng đãi tôi một ly chè giấu sẵn đâu đó trong tủ lạnh vào cuối giờ làm. Nàng gọi tôi bằng em, giới thiệu tôi với đồng nghiệp là "em họ" ở xa. Tôi cũng kêu lại bằng chị rất ngọt, dù sao cũng hơn kém nhau 1 tuổi. Đó chính là một trong những điểm nhấn thú vị nhất trong cuộc hành trình của tôi. Chiều hôm đó, bao nhiêu mệt mỏi, áp lực của công việc, tưởng như tan biến đâu mất theo ly chè.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy rất sớm, đầu còn trình trịch vì những cốc bia, xe khách hàng đưa chúng tôi đến một địa điểm khách trong chuyến hành trình: Bạc Liêu. Từ Thốt Nốt xuống Bạc Liêu, phải nói là khó đi: đường dễ tai nạn, bắn tốc độ, nhiều đoạn cua ngã rẽ... Chúng tôi phải ngược xuống Cần Thơ, chạy qua Sóc Trăng, rồi mới đến Bạc Liêu, dừng lại tại một thị trấn nhỏ xíu nằm ven đường quốc lộ nơi đây.

Khách hàng lần này vẫn là đông lạnh. Nhưng quy mô ít hơn, và đã quen với khí lạnh, nên chúng tôi kết thúc công việc sớm hơn dự kiến. Đương nhiên, công việc của tôi vẫn gặp một ít trắc trở nhỏ, ví dụ như đôi mắt cận của tôi. Khi vào kho lạnh, hoặc là tôi phải thở rất nhẹ, rất nhẹ, vì hơi thở thoát ra bám vào kính sẽ làm cho kính mờ đục đi và không thấy gì cả. Nên tôi thường xuyên lau kính để nhìn cho rõ. Hoặc là tôi phải tháo hẳn kính ra, nheo mắt hết sức để nhìn mọi thứ xung quanh. Có một lần tôi đánh rơi bút chì xuống nền, nó lăn vào trong một cái kẽ, và mất luôn, vì không đủ thị lực để tìm lại nữa. Trong này người ta chỉ dùng bút chì để ghi chép. Bút bi chắc chắn sẽ không ra mực, nếu gắng gượng viết bút bi cũng được, nhưng phải thường ngậm vào miệng cho mực tan ra...

Cô khách hàng rất thân thiện, lại là người Nha Trang, cũng có tuổi nhưng chưa có gia đình nên bị công ty "đẩy" ra ngoài này làm, theo cách nói của cô như vậy. Cô kể cho chúng tôi nghe nhiều về cách sống của người miền Tây, chủ yếu là người Khơ-me, mà để giao tiếp với họ, cô phải lựa lời để diễn đạt cho rõ ràng, vì họ ít thạo ngôn ngữ Kinh. Cuối buổi, cô kẹp cho một cái phong bì. Nhưng chúng tôi nhã nhặn từ chối. Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là chiếc phong bì thứ 13 rồi...

Buổi chiều, cô cho xe đưa chúng tôi đến một địa điểm mới, tỉnh cuối cùng của Tổ quốc: Cà Mau. Lần này không vì công việc mà chỉ là ăn chơi. Hôm trước tôi đã xin phép sếp nghỉ một ngày, dù gì cũng hiếm có dịp về miền tây, nên muốn đi một lần cho biết Đất Mũi.

Nếu so với Bạc Liêu, thì Cà Mau nhộn nhịp hơn hẳn, dù chỉ cách nhau hơn 30km. Ở đây, chúng tôi để ý thấy cả một trục đường, với vô số quán massage, mà anh taxi kể, chỉ cần năm trăm ngàn, có thể được bao phòng khách sạn và... "phục vụ từ A đến Z". Con gái miền Tây chính gốc, mười tám đôi mươi...  Đương nhiên chúng tôi không bao giờ vào những nơi như vậy cả, nghe hấp dẫn thật, nhưng mà còn phải giữ mình. Chúng tôi chỉ đơn giản rủ nhau dạo một vòng thành phố, ghé vào một quán cf nhỏ bên bờ hồ, uống chút sinh tố. Buổi tối hôm ấy, chúng tôi ngủ tại Cà Mau, ngủ rất sớm, để sáng hôm sau chuẩn bị cho hành trình chinh phục Đất Mũi.

Khoảng 8h30 sáng, từ bến Cần Thơ, một bến sông nhỏ nằm dưới cầu Gành Hào, chúng tôi lên tàu cao tốc đi thẳng đến Đất Mũi, mà địa điểm cụ thể là một bến nhỏ hơn nữa, bến nhỏ xíu, tên là Rạch Tàu, bến này là điểm đến cuối cùng của chuyến tàu.

Tàu cao tốc, đúng như tên gọi của nó, cảm giác như lướt trên mặt sông. Nơi đây sông nước hữu tình, nhưng chỉ là lúc ra ngoài sông lớn. Còn tại bến, theo đúng như lời cô bạn của tôi từng đến đây kể, nước đen ngòm, đầy mùi ô nhiễm. Tôi để ý thấy những người bán hàng rong bên bến vứt rác xuống một cách rất tự nhiên, giống như là truyền thống bao nhiêu đời của họ vậy, mặc dù đâu đó người ta đã trang bị thùng rác sẵn sàng. Tự nghĩ không biết bao nhiêu năm nữa, nơi đây sẽ biến thành thế nào. Chẳng trách trái đất thường nổi giận như vậy, chính là do con người mà ra cả.

Từ thành phố đến đất mũi, chúng tôi qua nhiều bến khác nhau, tàu thường xuyên dừng lại để đưa rước khách. Ở đây người ta di chuyển chủ yếu bằng thuyền, xuồng, phà. Ra khỏi nhà là leo lên thuyền, cũng thường xuyên và tự nhiên như người ta đi taxi hay xe buýt vậy. Làm tôi nghĩ ngay đến thành Venice của Ý, mặc dù tôi chưa bao giờ đến đó, chỉ biết qua những bộ phim tình cảm lãng mạn. Đương nhiên là nó thua kém rất nhiều về nét phồn hoa lộng lẫy. Chủ yếu vẫn là phong bị mộc mạc dân đã. Tôi tạm gọi nơi này là "Vơ-ni-dơ của Việt Nam".

Nhà ở ven sông, người ta thường có 2 cửa. Một cửa hướng ra đường cái nhỏ, để đi xe máy trên những quãng đường gần. Một cửa sau chính là hướng ra mặt sông, có làm sẵn một cái cầu gỗ, chính là bến để neo tàu thuyền. Tàu cao tốc đến, chỉ cần hú còi, người trong nhà sẽ biết và ra bến đón. Mũi tàu có đệm bằng lốp cao su, có thể ghé vào bến, rồi người ta bước lên mũi tàu để xuống tàu. Tất cả đều làm tôi cảm thấy rất mới lạ, dù sao cũng là lần đầu tiên.

Thỉnh thoảng, có những hàng quán dọc bờ sông, giống như y là hàng quán trên đường bình thường vậy. Có cả trạm xăng, trạm sửa tàu, hàng tạp hóa... Có cả bán hàng rong. Hàng rong ở đây người ta bán bằng xuồng chèo tay, đậu ở ven bến, khi tàu lớn cập bến thì xuồng nhỏ cập vào tàu lớn, bán hàng qua cửa sổ tàu.

Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn bắt gặp những đoạn khá vắng nhà, chỉ toàn là cây cối. Nhiều nhất vẫn là rừng đước, rừng mắm. Đều là cây sống ngập mặn cả, nhưng mắm khác đước ở chỗ lá nhỏ hơn và xanh nhạt hơn, rễ cũng ít hơn. Người mới như mình thì nhìn nó giống giống nhau, phải nhìn kỹ lắm mới phân biệt được. Nghe bác đi tàu kể, cây mắm cũng có trái, nhỏ nhỏ, ngày xưa bộ đội thường luộc lên ăn trong những ngày đói, vị chát ngầm. Thân đước, thân mắm dùng để làm các cọc chống nhà, chính là những cái cọc chống từ sông lên, mà người ta xây nhà gỗ lên trên đó. Mà chắc là nước ngập mặn nên tuổi thọ của cột không cao, người ta phải thay đổi sửa chữa thường xuyên, may mà có nguồn cung cấp tại chỗ...  Còn có loại khác mà tôi quen thuộc hơn, chính là dừa nước. Dừa nước mọc thành từng dãy ven sông, trông xanh mướt, rất đẹp, mà ngoại trừ đẹp thì tôi cũng không biết nó có tác dụng gì không nữa, cũng chưa có dịp tìm hiểu.

Thỉnh thoảng, tàu của chúng tôi cũng bắt khách dọc đường, giống như xe khách vậy. Nhưng khách dọc đường này đi xuồng máy tới, chờ tàu dừng lại, ghé mũi tàu cho khách lên. Lâu lâu lại gặp những chuyến cao tốc khác, chạy ngược chiều nhau. Mà tàu cao tốc thì tốc độ đương nhiên phải cao, hai chân vịt ở sau tạo thành những làn sóng tương đối lớn, xen kẽ nhau, gây nên những vệt kéo dài đến tận hai bên bờ sông. Mỗi lần gặp tàu ngược nhau là tàu chúng tôi phải ghềnh lên gập xuống, y như là đường bộ gặp ổ gà vậy. Chỉ khác là ổ gà ở đây là nhất thời, và dễ chịu hơn. Sau nhiều năm đi tàu lại, tôi không còn cảm giác say sóng nữa. Có lẽ tàu trên sông êm hơn trên biển. Ngày đó, từ xửa từ xưa, khi mà cả gia đình tôi còn đi du lịch chung với bạn ba tôi ở suối Hoa Lan, tôi bị say tàu gần như trên suốt chặng đường biển, cả đi lẫn về.

Khoảng giữa trưa, tàu cao tốc của chúng tôi đến Rạch Tàu, ghé bến và đổ khách. Chúng tôi bắt đầu bằng hành trình xe ôm để đi đến Đất Mũi. Rạch Tàu cũng là một bến nhỏ, nhưng cũng khá đông vui. Có chợ cá, chợ trái cây, nhà cửa cũng san sát nhau ngay trên bến, những con đường đã đổ bê tông, mặc dù còn nhỏ xíu, nhưng đã có không khí xe cộ đông đúc của một thị trấn nhỏ. Nhưng đó chỉ là đoạn gần bến, xe ôm chở chúng tôi đến Đất Mũi khoảng 10 phút. Nhà cửa ngày càng ít đi. Thay vào đó, hai bên đường là những hồ nước ngập mặn, những con kênh, và đương nhiên là có cả rừng đước, rừng mắm.

Địa điểm quan trọng nhất trong chuyến đi này, chính là cột cờ Mũi Cà Mau. Nó được xây giống giống như một cái thuyền, có cột buồm, trên cột buồm là ngọn cờ tổ quốc tung bay, nằm trơ trọi giữa một khoảng đất trống, phía sau vẫn là rừng ngập mặn, trước mặt là bãi bồi và bờ biển rộng mênh mông bát ngát. Vào lúc chúng tôi đến có mây mù giăng khắp, nên không nhìn thấy được đường chân trời. Chúng tôi tranh thủ dạo một vòng, chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm và thán phục trước hình ảnh của Tổ quốc. 

Gần cột cờ là một cột mốc khác, gọi là cột mốc GPS 0001, cũng được chúng tôi ghé qua thăm. Đó có thể xem là cột mốc thứ 2 trong cuộc đời tôi, tôi thích gọi là nó là "nơi kết thúc của mọi con đường", để phân biệt với cột mốc thứ 1 mà tôi từng ghé qua, cột mốc Km số 0 tại Hà Giang, "nơi khỏi đầu của mọi con đường". Chuyến đi này coi như thành công tốt đẹp, vì 2 tỉnh chót cùng phía nam và phía bắc tổ quốc tôi đã đi qua.

Gần đó cũng có một cái đài khá cao, có thể leo lên ngắm cảnh được. Xa xa là cảnh rừng ngập mặn nguyên sinh, có mấy con kênh nhỏ xíu chảy dài. Nhìn phía bên kia là biển rộng bao la bát ngát. Cuối chân trời mây trắng lững lờ... Lòng tôi chợt cảm thấy nhẹ nhàng, như muốn trút bỏ mọi vướng bận trên đời.

Rời Đất Mũi, chúng tôi còn tranh thủ ghé qua một địa điểm nữa, một khu du lịch mới xây dựng bên bờ biển. Nơi này hơi xa, khoảng mười mấy cây số, lại đang xây dựng dở dang nên lúc chúng tôi đến, không có ai ghé thăm cả. Chỉ có mấy người bảo vệ gần đó. Chúng tôi đi dạo một vòng ngắm cảnh. Trung tâm của khu du lịch này là một bức tượng Quan âm rất lớn, hướng nhìn ra biển, như là cầu cho biển cả bình an... Nghe nói rằng, hiện tại đang có một dự án, người ta sẽ xây đường lớn, nối từ thành phố Cà Mau đến thẳng khu du lịch này. Hy vọng là lúc đó sẽ không người hơn, không còn cảnh hương khói vắng tanh thế này nữa...

Chúng tôi rời Rạch Tàu trong một buổi chiều vội vàng. Phải về cho kịp chuyến xe đêm. Lại 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước. Lần này tự nhiên trời chợt đổ mưa giông rất to. Ngồi trên tàu mà các cửa đóng kín, cửa kính nhưng mà màn mưa mờ ảo,  nên tôi không được dịp ngắm nhìn "Vơ-ni-dơ của Việt Nam" nữa. Tàu ghé bến Càu Mau, chúng tôi lên taxi về bến xe, ăn vội một ít hủ tiếu ở gần đó. Hủ tiếu Cà Mau cũng dễ ăn, không bị chặt chém gì nhiều, 20, 25 ngàn gì đó một tô. Chúng tôi ngồi trò chuyện đôi chút với cô bán vé xe trong thời gian chờ xe. 

Xe Liên Hưng rời bến Cà Mau trong một buổi tối mưa nặng hạt. Đây là một trong những chuyến xe ít ỏi chạy thẳng từ Cà Mau về Nha Trang. Đương nhiên dọc đường xe cũng có dừng lại ở nhiều nơi, kể cả Sài Gòn, để đón đưa khách. Cả ngày hôm sau tôi vẫn ở trên xe. Khoảng 4h chiều mới về tới Nha Trang. Trên đường đi tôi lại bị say xe. Nhưng cũng cố gắng gượng đôi chút xuống bến dừng, tìm mua một ít nem Lai Vung và bánh bía về làm quà cho mẹ và đồng nghiệp. Dù sao thì cũng lần đầu ghé miền Tây mà. Bánh bía thì rất ngon. Hộp 4 cái thôi, bánh hình tròn, nhỏ hơn bánh trung thu. Vỏ bằng bột, nhân có vị sầu riêng và lòng đỏ trứng muối, vị ngọt thanh thanh vừa ăn. Nem Lai Vung thì nhìn chung không ngon như nem Ninh Hòa. Nem được làm bằng bì, có thêm một miếng ớt, một miếng tỏi, một miếng tiêu. Gói trong lớp nilon, sau đó là lá chuối. Mở ra vẫn còn mùi thịt sống, bì sống, nên ăn không ngon. Mẹ tôi phải nướng lên để ăn với cơm. Mà không hiểu nổi nữa, nem lại gói trong túi nilon, không có hương vị của lá ổi, lá chùm ruột tự nhiên thì sao nó lên men được cơ chứ. Không bằng nem Ninh Hòa là đúng rồi. 

Mà tự nhiên viết tới đây lại nhớ nem Ninh Hòa. Cuối tuần chạy về nhà mua ăn mới được...

8 thg 12, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Những dải vàng trên miền Phan Thiết

Tôi dừng chân trên đất Phan Thiết vào một ngày đầu tháng 12. Không khí se se lạnh vào khoảng giữa đêm. Chính xác 1h sáng, xe Quang Hạnh đưa tôi từ Nha Trang vào, dừng tại một ngã rẽ trên đường quốc lộ. 

May mà đã đặt phòng trước nên bắt taxi đưa đến tận nơi, không phải chịu cảnh bơ vơ giá lạnh và tương đối nguy hiểm. Nguy hiểm vì chỗ xe dừng lại bỏ tôi xuống khá vắng người, ngoại trừ xe băng băng trên đường quốc lộ, một vài chiếc taxi đỗ xa xa, một chiếc đèn đường mờ mờ ảo ảo... Còn lại chỉ có mình tôi và một chiếc balo nặng trịch với cái máy laptop, là tài sản kiêm công cụ dụng cụ...

Khách sạn, nơi mà tôi ở, khá gần với nơi làm việc của khách hàng, nên tôi tranh thủ ngủ một giấc đến tận sáng, một phần là để dự phòng cho một buổi tối tiếp theo, sẽ là một đêm dài.

Cô khách hàng, trông thật khó tính, nhưng qua giao tiếp mới cảm nhận được cô là người tốt. Nghe kể có đứa con gái năm thứ 3 đại học, cô cho nó học nhân văn, và kiên quyết rằng không để con làm nghề giống mẹ, khổ lắm. Mà tôi, cũng như một số đồng nghiệp ở công ty, cũng có ý định như vậy, sau này sẽ không cho con cái theo nghề này nữa. Không cẩn thận sẽ mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống...  Hôm làm việc đó, tôi được giao tiếp và nói chuyện với rất nhiều người, từ những nhân viên cấp thấp nhất. Nhìn chung thì người Phan Thiết rất thân thiện và hiếu khách, dù cho vùng đất này, vốn đã rất nghèo nàn và khô khan.

Tuy vậy, cũng có một vài cảnh vật nơi đây làm cho tôi cảm thấy rung động, mà tôi nhất thời nghĩ đến một cụm từ để hình dung "những dải vàng trên miền Phan Thiết".

Những dải vàng đó, mà tôi được may mắn chứng kiến vào lúc hơn nửa đêm, đó chính là những vườn thanh long thắp đèn vàng rực. Những bóng đèn tròn, treo thành từng hàng, xem lẫn giữa những trụ thanh long, giống như những mặt trời nhỏ tỏa sáng khắp một vùng, kéo dài rất dài và rất ngay hàng thẳng lối. Mà khi xe tôi băng qua đó, chúng lấp ló liên tiếp, ngỡ như là lúc chớp lúc tắt. Đẹp nhất là những đoạn đèn leo lên cả những triền dốc nho nhỏ, từ xa xa nhìn vào, giống như cả ngọn đồi được dát lên một thứ màu vàng óng ánh như những viên đá tách từ mặt trời xuống. Những vầng hào quang đó cứ đập vào mắt tôi liên tục trên suốt đường đi, làm cho tôi không đành lòng chợp mắt được trong thời gian ngồi trên xe, dù cho đã hơn nửa đêm và người đã tương đối mệt mỏi sau một quãng đường dài.

Phan Thiết còn có một nơi nữa, đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Đó chính là trường Dục Thanh, nơi mà ngày xưa, Bác Hồ đã từng dừng chân lại, làm nghề thầy giáo, trên bước đường cứu nước của Người.

Tôi đến Dục Thanh trong một buổi chiều khá vắng vẻ, tranh thủ lúc công việc tạm thời ổn định. Trường Dục Thanh nằm trên một con đường nhỏ, ven một nhánh sông nhỏ. Đối diện trường là bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi ghé thăm bảo tàng trước, tranh thủ thắp 3 nén hương trước tượng thờ của Người. Đó là một đại sảnh khá rộng, có nhân viên đứng tiếp đãi khá chu đáo. Mọi người được vào cửa miễn phí. Phía sau và trên 2 tầng lầu là bày rất nhiều những tranh ảnh, hình vẽ và những hiện vật từ thời chiến tranh, cũng gần giống như những bảo tàng khác. Tôi đi thăm một vòng khắp bảo tàng, sau đó ra ngoài sân ngắm nhìn những người già chạy bộ tập thể dục, những em bé đang chơi đá bóng. Xa xa là những con thuyền nhỏ xíu, đứng nép bờ sông. Mọi vât vẫn còn mang một chút gì đó hương vị của tự nhiên, của một vùng quê mà ngày xưa Bác đã từng dừng chân. Tôi để lại vài dòng trên bút ký cảm tưởng.

Bên kia đường, đối diện với cổng vào khá lớn của bảo tàng, là một chiếc cổng gỗ, khá nhỏ, và đơn sơ. Đó chính là cổng trường Dục Thanh ngày xưa.

Trường Dục Thanh nay đã được phục chế lại, nhưng vẫn còn mang nét cổ kính ngày xưa. Nằm ở trung tâm là một gian phòng lớn, bằng gỗ, đặt nhiều bộ bàn ghế học trò. Bốn phía là tường gỗ, cửa sổ gỗ. Thỉnh thoảng có ánh nắng hoàng hôn chiếu qua khe cửa, vào bên trong phòng học. Hai bên là hai tấm bảng đen, có giá đỡ, chắc là ngày xưa Người thường viết bảng ở đây. Chính giữa là một bộ tràng kỷ, chắc là dùng để tiếp khách khi vắng học trò. Phía sau phòng học là những căn phòng khác, bao gồm phòng nghỉ của Bác, và có một nơi tên là "Ngọa Du Sào", là nơi Bác thường ngồi đọc sách, nghiên cứu...


Tôi ngồi lại đôi chút dưới những bộ bàn ghế học sinh, nhìn lên tấm bảng đen mà tưởng nhớ hình bóng Người giảng bài lúc đó. Không biết từ bao giờ, trong tim tôi đã mang đậm những hoài niệm từ thuở xa xưa. Chắc là kiếp trước, hoặc những kiếp trước đó nữa, tôi đã từng có duyên tiếp xúc với Người, hoặc từng là học trò người, nhận ký ức truyền thừa từ Người... Tôi cũng từng đi thăm nhiều nơi mà Người đã từng đặt chân qua, và không lúc nào là lòng không hoài niệm...

Bốn phía trường là cả khu vườn rộng lớn, trồng khá nhiều loại cây. Có một cây khế do chính tay Bác trồng, lúc tôi đến thì rất sai quả, có mấy cô chú bảo vệ đang hái những quả chín. Xa xa là giếng nước bằng đá mà hồi xưa Người thường dùng. Còn lại là một số cây mà hậu thế trồng để tưởng nhớ Người: mấy cây vú sữa, vài cây bưởi, vài luống hoa... Tất cả đều trĩu quả trĩu hoa. 

Tôi đi loanh quanh vườn một chút. Nhìn những con bồ câu nhỏ kiếm ăn trên bãi cỏ. Vài chú chim sẹ sẻ rúc dưới mấy khóm lá vú sữa. Cảnh vật dường như còn đọng lại hơi thở của Người trong từng ngọn cỏ gốc cây. Dù sao thì, một thuở người từng gõ đầu trẻ ở đây, chắc là cũng không ít lần, người đưa học trò dạo quanh vườn, truyền đạt những tư tưởng về lòng yêu quê hương, đất nước...

Chiều Phan Thiết không mưa, nhưng gió se se lạnh. Tôi men theo đường bờ sông mà trở về. Thỉnh thoảng đâu đó, qua một vài cái cầu, có những người nhàn rỗi buông câu xuống dòng sông lờ lững. Rồi tranh thủ thăm một cô bạn ở gần đó, hẹn nhau đi ăn tối bên quán bánh xèo nhỏ gần chỗ tôi làm. Sau đó tôi trở về khách sạn và chuẩn bị cho một đêm tối vất vả...

Đêm đó, công việc của tôi kéo dài tất bật đến gần 3h sáng. Hai chân tôi tê cóng, mỏi nhừ vì mệt. May mắn là trước đó đã ngủ một giấc khá đủ, nên vẫn còn sức để thức. Một phần vì công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, nên tôi không buồn ngủ. Phần khác vì không khí tại khách hàng khá nhộn nhịp, đèn bật sáng trưng như ban ngày, người qua lại, cười đùa vui vẻ. Chắc là các anh chị bên khách hàng đã quá quen thuộc với công việc thâu đêm như thế này. Người ta còn ăn buổi khuya giữa ca nửa. Riêng tôi vì không quen lắm, nên chỉ uống một ít nước rồi tiếp tục. Tự nhiên tôi cảm thấy, kiếm được đồng tiền để sống, cũng không phải là một việc dễ dàng gì. Người ta phải nhiệt tình, phải dốc sức, phải hy sinh..  

Tôi về đến khách sạn, đuối hết cả người, nhưng tinh thần còn khá hưng phấn, nên còn thức thêm một chút nữa. Hôm sau thức dậy dọn dẹp đồ đạc và chuẩn bị rời đi. Hôm ấy, cô bạn đến bến xe đưa tiễn tôi, nàng có mua cho tôi một cái bánh nhỏ và một chai nước ngọt... Đó là một kỷ niệm khó quên... Nhưng tôi sẽ kể nó trong một câu chuyện khác, nếu có thể...

Tôi trở về Nha Trang trong cái không khí se se lạnh của những ngày đông. Có mưa nhỏ và ướt tóc người. Hoa sữa vẫn còn, nhưng vơi dần đi. Gọi điện về cho mẹ, nay con về trễ, ngủ tạm 1 giấc ở Nha Trang, mai mới chạy về nhà... Cuối tuần còn ăn một cái đám cưới nữa...

Lữ khách dời chân

Lữ khách dời chân, khuất gác son
Giai nhân niệm cũ chốn đâu còn
Giang hồ lá rụng, sương đầu bạc
Một phiến phong tình gửi nước non.


Vó ngựa chìm trong cõi tuyết bay
Trăng soi mộng cũ, bóng mai gầy
Bụi hồng cách trở, đau lòng nhạn
Mấy nẻo duyên trần lạc khói mây...


Thanh Trúc

Viết ở trường Dục Thanh

Cát trắng in chân lớp lớp người
Đầu xanh từng gõ, nước non vui
Tự do còn nợ, lòng chưa nghỉ
Nên chốn quê này, tạm ghé thôi...


(Thanh Trúc, Viết ở trường Dục Thanh)

Trở về thu

Ta trở về thu hái lá thu
Gió thu lay động áo xa mù
Lá thu kết tạm thu làm nón
Thu cất vào ta cõi lãng du.


Thu cất vào ai mộng của ta
Áo thu phai sắc dưới trăng tà
Nón thu sương điểm che đầu bạc
Ai giấu vào thu những xót xa.


Thu có tìm em để nhớ thương
Tên em như lạc giữa vô thường
Ta về trên cỏ thu khờ dại
Em với thu nào có vấn vương...


Thanh Trúc

Chợ Dinh Ninh Hòa


Thị xã ai qua suốt bốn mùa
Dừng chân nhớ ghé chợ Dinh mua
Vài phần nem nướng mang lên phố
Để biết lòng ta vị mặn chua...


Thị xã ai đi chắc trở về
Lòng ta còn thấy nhớ thương ghê
Chiều nay chợt hóa thành thơ dại
Ngồi ngắm đời trôi giữa chợ quê...


Thị xã người xa, khách cũng xa
Ngồi yên một cõi khóc mình ta
Chợ nào lạc bước trong hồi ức
Nghe tiếng rêu rao... bỗng nhớ nhà.


(Thanh Trúc, Chợ Dinh Ninh Hòa)
 
Lấy ý từ nhạc Trịnh Công Sơn "Một hôm bước chân về giữa chợ, chợt thấy vui như trẻ thơ."

Em vẫn bình thường


Có chút buồn sau mỗi cuộc vui
Chút cô đơn giữa chốn đông người
Đau đau giọng lúc cười lên tiếng
Lúc tỉnh cơn say: mệt rã rời.


Chút lạnh lùng trên những lối quen
Chút ưu tư dưới bóng hoa đèn
Một phần ngỡ chết khi còn sống
Lạc lõng hoài trong mộng nhỏ nhen.


Cố quên người lúc lỡ yêu thương
Giấu xót xa trong ánh mắt buồn
Cười gượng lắm khi lòng thắt lại
Rằng em... đâu đó... vẫn bình thường...


(Thanh Trúc, Em vẫn bình thường)

6 thg 12, 2014

Mờ xóa tình quen biết nhau

Tôi quen H và là bạn với H từ thời cấp 1. Đến tận bây giờ vẫn còn giữ liên lạc. Trên cuộc đời này, không phải ai cũng gặp một cái duyên may mà gặp gỡ nhau như vậy.

Ngày đó, khoảng năm lớp 4, chúng tôi may mắn được chọn vào đội ôn thi học sinh giỏi huyện của trường tiểu học. Mà trường tiểu học, nơi chúng tôi học, chỉ là một ngôi trường làng nhỏ xíu, tường vôi, ngói nâu, sân đất, hàng rào thép gai, cỏ dại... Tôi, với H, và 2 người bạn nữa. Trong đó có một người bạn rất tốt, ở tuổi cấp một mà cao lớn hơn tôi gấp đôi, thường đi cùng tôi về nhà mỗi lúc trời mưa. Tiếc rằng tôi đã mất liên lạc từ lâu, từ thời mà lên cấp 2 chia lớp mỗi đưa một nơi. Sau này gặp lại H, có hỏi thăm về người bạn đó, biết được người đó đã nghỉ học rồi, đi làm tận đâu đâu... Đến bây giờ tôi vẫn nhớ cảnh bạn đó đi trên một chiếc xe hư, bị mất một bên bàn đạp, nên tập luôn thành cách đạp xe đạp bằng một chân...

Trong đó, tôi với H là thân nhau nhất. Lên cấp 2 chúng tôi được may mắn học chung 1 lớp, sau đó cấp 3 tuy tách lớp ra, nhưng lâu lâu vẫn gặp nhau. Chỉ có thời đại học, tôi ở Sài Gòn, H ở Nha Trang là gần như không liên lạc, chỉ trừ mỗi dịp tết về đi thăm thầy cô. Bẵng đi một thời gian, H có gia đình, tôi dự đám cưới...

Hồi đó, chúng tôi còn ôn tập tại nhà một cô giáo dạy văn. Hôm đó trời mưa rất to. Tôi bước vào một gian phòng nhỏ nhỏ dùng để dạy học. Có một cậu bé đẹp trai, trắng, và dễ gần. Cậu đã đến trước tôi và đang xóa bảng. Đó là ký ức đầu tiên của tôi về H.

Những ngày đó, tôi chưa thực sự quen thuộc lắm với những người bạn mới. Phải đến cấp 2, khi chia tách lớp, và vào lớp mới, bạn mới, chúng tôi phải cố gắng lắm để tìm được trong những hình bóng xa lạ một người quen nào đó để kết bạn đi chung với nhau. Và tôi chọn H. Lúc mà tôi thấy H trong bóng người lạ đó, dưới một mái hiên lạ của một ngôi trường lạ, đó là một trong những giây phút quan trọng nhất trong ký ức, và trong tình bạn của chúng tôi.

Những năm cấp 2 của tôi sẽ trải qua khá vô vị nếu không có H. Có thể nói, quen H chính là may mắn của tôi. Tôi được làm lớp trưởng, H là lớp phó. Những kỷ niệm của chúng tôi đa số là xoay việc sinh hoạt đoàn đội chung, cắm trại, thi nghi thức, văn nghệ, làm lễ chào cờ. Lúc đó H nhỏ xíu, thấp hơn tôi cả một cái đầu, nhưng ôm cái trống thật to, vì H là đội trưởng đội trống, đảm nhiệm đánh trống cái. Còn tôi là thành viên của đội rước cờ. Thỉnh thoảng vẫn cầm và giương một cái cờ cao gấp mấy lần người.

Còn những ký ức còn lại, đa số là phối hợp với nhau để tìm những tiết A+ cho lớp. Hồi đó thi đua lớp được đánh giá qua những đánh giá của thầy cô trên sổ đầu bài. Mà đa số trường hợp, đều phải do lớp trưởng và lớp phó gánh vác chung với nhau. Có thể nói là "trách nhiệm nặng nề". Có vài lần chúng tôi bị thầy giáo dạy toán phê bình là chạy theo thành tích quá. Nhưng rồi những ngày đó cũng qua êm đẹp...

Chúng tôi cũng từng "thầm thích" một cô gái. Nhỏ hơn chúng tôi một hai lớp gì đó, cũng sinh hoạt chung bên đoàn đội. Gọi là thầm thích vì chúng tôi chưa bao giờ kể cho nhau nghe cả, mà cũng chưa bao giờ biểu lộ tình cảm của mình cho cô gái đó. Chỉ thỉnh thoảng chúng tôi gặp nàng, đùa giỡn với nàng theo kiểu mấy cậu học trò bây giờ, và lâu lâu, có lẽ là nhìn lén nàng. H cũng chưa từng nói ra, nhưng tôi hiểu H. Có lẽ về tình cảm thì tôi yếu đuối hơn H, nên giờ còn một chút vấn vương. Còn H, thì chắc đã quên đâu đó, đánh rơi đâu đó, những rung cảm và ký ức thời niên thiếu của mình, giữa dòng đời tấp nập. Mà cô gái ấy, "người con gái mà chúng tôi đã từng theo đuổi" ấy, chắc bây giờ đã ổn định cuộc sống bên chồng con rồi...

Thời cấp 3, tôi và H ít gặp nhau hơn. H giao tiếp tốt, chơi rất thân với bạn bè. Bị bất đắc dĩ được làm lớp trưởng, nhưng hòa đồng với lớp hơn tôi. Tôi cũng bất đắc dĩ, nhưng rất cách biệt với thành viên trong lớp, mà trong vài lần họp phụ huynh học sinh. Nghe đâu, đến tai tôi rằng, có vài phụ huynh gọi tôi là "phát xít". Một điều may mắn, nối kết chúng tôi lại, là thầy giáo chủ nhiệm của H cũng là thầy dạy toán của tôi, thầy rất quý tôi mà tôi cũng rất kính trọng thầy. Thường những dịp tết, chúng tôi vẫn ghé thăm thầy, vẫn liên lạc với thầy. Và nếu tôi và H có gặp nhau, vẫn có chủ đề để nói về thầy. 

H thi rớt đại học, nên tạm chôn chân ở cao đẳng. Sau này ra trường, đi làm sớm hơn tôi. Năm tôi học đại học thứ 3, vẫn còn là một thằng sinh viên nghèo, loanh quanh đâu đó, thì H lấy vợ, tôi về dự đám cưới. Năm tôi đi làm thứ 3, vẫn là một thằng nhân viên quèn, sếp chỉ đâu làm đó, thì H đã goi điện về dự lễ tân gia, một căn hộ rất đẹp ở một khu đô thị mới, giữa thành phố biển xinh đẹp. Hôm đó tôi còn loanh quanh trên những xứ xa nhà, trong những chuyến công tác vội, nên không chạy về được. 

Sau này tôi có ghé thăm gia đình H. Tôi thực sự ngưỡng mộ căn hộ mà H ở, rộng rãi, lịch sự và đầy đủ tiện nghi. H có thể tính là yên bề gia thất, còn tôi thì vẫn vậy, nhìn qua nhìn lại, tình yêu lẫn sự nghiệp, vẫn chưa có gì trong tay cả.

Có dịp, chúng tôi rủ nhau ngồi ở quán nhậu bình dân ven đường. Gọi một ít món nhắm và vài chai Tiger. H bây giờ to con, đẹp trai, vóc dáng của người thành công, không còn vẻ gì giống cậu bé nhỏ xíu ngày xưa thấp hơn tôi cả một cái đầu nữa. Còn tôi thì vẫn vậy, gầy gầy, lưng khòm, mắt cận. Gần như không thay đổi gì từ suốt những năm cấp 2 đến tận bây giờ. H có một thời phải vào bệnh viện do vấn đề tim mạch gì đó, mà H nói với tôi rằng, áp lực gia đình nhiều quá. Tôi ngồi nghe H kể chuyện.

Thì ra, cuộc sống từ thời cao đẳng của H khó khăn hơn tôi tưởng nhiều. Lúc đó gia đình H cũng đang gặp khó khăn, nên H không xin tiền nhà nữa, mà tự đi làm kiếm sống. Có lần H tìm được việc ở một nhà hàng nhỏ chuẩn bị khai trương. Nhưng công việc khai trương bị dời lại đột ngột cả tuần. Trong nguyên tuần đó, H phải ăn mì gói để sống. Sau đó, vì H tính tình cẩn thận, giao tiếp tốt nên cũng được người ta cất nhắc. Trong lúc mà tôi còn mải mê êm đẹp trên những trang sách trong thư viện, chính là lúc H lăn ra ngoài đời, xoay như chong chóng. Giờ nghĩ lại, thành công bây giờ của H, không phải là ngẫu nhiên.

H kể tôi nghe đủ chuyện, công việc, gia đình, vợ chồng... Mà qua những câu chuyện đó, tôi cảm thấy H cũng phải chịu khá nhiều mệt mỏi và áp lực. Để được như bây giờ, H cũng phải hy sinh nhiều thứ. Mà tôi cũng cảm nhận được sự chân thành tin cậy, vì có những chuyện người ngoài không biết được, H vẫn sẵn sàng kể cho tôi nghe. Tôi cũng kể cho H nghe về công việc của tôi, cách mà cuộc đời dạy tôi cách cong người xuống, dẹp yên cái tự cao tự mãn của bản thân vào một góc nào đó...

Tối đó, tôi với H uống khá nhiều. Tôi thì không nói, dù sao công việc cũng thường tiếp xúc với rượu bia. Còn H thì mới vừa chữa bệnh xong, tạm ổn, nhưng vẫn uống khá nhiều. Đó là lần đầu tiên trong hơn 25 năm qua, tôi say với một người bạn. Chỉ có cảm giác chân thành mà không hề có những giả vờ gượng gạo của công việc, của giao tiếp...

Nói chung là trong cuộc đời tôi có nhiều điều hối tiếc. Một trong những điều đó là không giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè. May mắn là vận mệnh đã sắp xếp cho tôi làm việc ở một thành phố gần nhà, nên có cơ hội thường gặp lại những người bạn cũ, những người đã quen biết từ xưa. Thỉnh thoảng có vài đứa bạn rủ tôi đi cafe. Tôi chạy hơn một vòng thành phố, từ đầu này đến đầu kia để họp mặt. Có đôi lần hơn 11h đêm, tôi bước xuống ga tàu sau một chuyến công tác mệt mỏi, vẫn có những người bạn sẵn sàng đi đêm với tôi để ăn một bát phở muộn ngoài vỉa hè, hoặc ghé vào một quán sinh tố bên bờ sông...

Thời gian là thứ rất tàn nhẫn, bởi vì nó sẽ xóa  nhòa hết những kỷ niệm, xóa nhòa mọi sự quen biết. Nhưng tôi biết ơn thời gian, vì nhờ đó, tôi mới có thể nhận ra, tình bạn là thứ quý giá đến cỡ nào...


2 thg 12, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Một thoáng Sài Gòn ta trở lại

"Một thoáng" của tôi, gần như là 3 tuần ở Sài Gòn. Gần như hồi ức Sài Gòn trong tôi không còn nhiều nữa. Thỉnh thoảng vẫn phải lật lại những bài viết cũ, xem lại những tấm ảnh cũ để nhớ lại chuyện xưa.

Vào những ngày giữa tháng 10, ga Sài Gòn đón tôi bằng một hoàn cảnh rất lạ. Tôi không cần phải leo lên leo xuống những bậc thang ga tàu như ngày xưa nữa. Người ta đã cho xây những cái bụt cao bằng sàn tàu, chỉ cần lót một tấm dày làm đường là có thể bước thẳng ra và kéo vali đi dễ dàng hơn. Đương nhiên là tôi cảm thấy rất thú vị với sự kiện này, cảm thấy có chút cảm giác của tàu điện ngầm của tương lai. Còn tương lai là bao lâu thì rất khó nói.

Nơi chúng tôi đến, là một nhóm khách hàng nằm trong một cảng lớn, nơi có quân đội đóng, những cô chú mặc áo hải quân, đeo quân hàm, dáng người nghiêm nghị. Và đương nhiên, cũng khó làm việc hơn khách hàng bình thường. Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện cũng trải qua tốt đẹp. Chúng tôi được sắp xếp ở trong nhà khách của khách hàng, và ăn trên những bàn ăn tập thể.

Ở đây cũng có những nhân viên phục vụ, người ta rất lịch thiệp. Có những đêm chúng về trễ, người ta còn chừa một mâm cơm, khá tương đối đầy đủ canh xào mặn, còn có tráng miệng bằng chuối hương. Nhưng thức ăn cũng hơi nhiều, và đa phần là do mệt mỏi, chúng tôi ăn không hết, đa số hôm đều còn thừa vài món. Dịp đầu tháng, người ta có tiệc tập trung, có món gà tần thuốc bắc, nấu nấm đông cô và táo đỏ, có tráng miệng chè sen...

Mọi chuyện đều tương đối ổn, ngoại trừ có hơn một tuần, chúng tôi phải đi xe buýt đến tận cảng biển, nơi có những con phà đưa đón khách, những cần trục cao chọc trời và hàng ngàn khối container xếp chồng chất, đó là những nơi chúng tôi phải làm việc. Công việc thì vẫn diễn ra như bình thường, ngoại trừ những chuyến xe buýt dài đằng đẵng, sáng một chuyến, chiều một chuyến Mỗi sáng chúng tôi phải dậy thật sớm, và buổi chiều cũng ra về sớm hơn, để tránh giờ cao điểm và kẹt xe. Nhưng cuối cùng thì vẫn tốn hơn cả tiếng đồng hồ mỗi lần di chuyển. Có những hôm trời mưa khá to, và vì kẹt xe, bác lái xe không đưa tới trạm được mà dừng ở ven đường, chúng tôi phải đội mưa lội bộ, băng qua những con đường nước, vài chục nấc thang leo lên một cây cầu vượt qua đường cao tốc và gần cả cây số để về đến nhà nghỉ. (Chính xác là 44 nấc thang leo lên và 44 nấc leo xuống, tôi đã đếm nó sau mấy lần bước lên bước xuống như vậy).

Có những hôm rất may mắn, khi bác tài xế đã quen mặt với chúng tôi, có cho xe tấp lại ngay bến, nên chúng tôi đỡ được một ít mưa trên đường về nhà. Sài Gòn mưa như trút nước. Sống ở đây chắc là không dễ dàng gì. Nhưng người ta vẫn sống, vẫn làm việc, học tập, và yêu theo cách của họ, trong đó có những người bạn từ thời đại học của tôi. Trên những chuyến xe buýt như vậy, tôi vẫn thường cảm thấy phục họ, khi ở lì trên xe buýt quanh năm suốt tháng mà đi học. Mà chỉ có gian khổ như vậy, mới có thể mài dũa được những con người thành công. Tôi thì sợ khổ, nên trốn về quê để sống. Chắc vẫn còn lận đận đường sự nghiệp.


Suốt một tuần ở cảng biển như vậy, tôi vẫn thường mơ về những chuyến phà của miền Tây xinh đẹp, mặc dù chưa bao giờ bước lên. Cũng hy vọng có một ngày được qua miền Tây trời xanh nước xanh để mở rộng tầm mắt, nhưng ngày đó chắc còn khá xa vời, khi mà tôi còn khá bận rộn với những công việc hằng ngày. Mà điều quan trọng nhất là tôi chưa tìm được một người đồng hành quan trọng trong những chuyến đi...

Thỉnh thoảng, trong quá trình làm việc, tôi vẫn được giao tiếp với những vị khách hàng có thể tính là vô cùng thú vị. Một anh kế toán lớn hơn tôi một hai tuổi gì đó, nói toàn chuyện ăn chơi quán này quán nọ, cô này cô nọ.. Đương nhiên là không biết thực hư thế nào, nhưng chắc đàn ông đều xấu xa như nhau cả. Rồi đến một anh khác, hình như có vợ con rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn trêu chọc mấy cô phục vụ. Trong mấy nhà hàng mà chúng tôi được mời đến, toàn gặp những cô phục vụ ăn mặc khá gợi cảm (nếu không muốn nói là thiếu vải), tôi cũng hơi hâm mộ nhưng chẳng có ý định hay suy nghĩ hay hành động lung tung gì cả. Vậy mà anh kế toán kiếm cớ dụng chạm, rồi nhân cơ hội ép uống vài ly... Tôi có cố ý nâng cốc mời anh để giải cứu cô gái tội nghiệp đó đôi lần (mà theo tôi nghĩ, chắc là tội nghiệp thật), nhưng cũng không có hiệu quả mấy. Hôm đó, tôi say đến gần gục trong nhà vệ sinh, đương nhiên là lý trí còn rất tỉnh táo, nhưng cơ thể không nghe lời nữa, hai chân cứ mêm nhũng, đầu óc quay cuồng, được anh đồng nghiệp dìu về phòng. Nghe đâu tối đó, 2 anh đồng nghiệp còn đi với khách hàng "hiệp phụ" nữa. Tôi thì ngủ một giấc thật say.

3 tuần, chúng tôi tiếp xúc với 6 khách hàng, trung bình mỗi khách hàng 3 ngày. Có người thích ăn chơi nhậu nhẹt, có người trẻ trung vui tính nhưng kêu ngạo, có người nói nhiều để che giấu sự bối rối, có người nhiệt tình nhưng bên trong nguyên tắc, có người ít nói nhưng khá hiền lành, có người hiền lành nhưng cứng nhắc ít chịu thay đổi... Nói chung người nào cũng gặp, cũng nói chuyện, cũng mời cơm tiếp khách, cũng trao đổi... Tôi cũng học được khá nhiều thứ. Anh trưởng nhóm giao tiếp rất tốt. Mà theo tôi nhận xét là lấy cái hiện tượng của mình để dò cái tâm tính của người, tùy trường hợp mà thay đổi. Nói chung là chỉ giao tiếp trong công việc, trên bàn tiệc, có chân thành thực sự hay không thì phải chờ gặp nhau ở ngoài đời. Lòng người là thứ khó dò nhất thế gian.

Thỉnh thoảng, có những ngày cuối tuần, anh trưởng nhóm dẫn chúng tôi vào thành phố (vì nơi khách hàng ở chỉ mới tính là ngoại thành). Chúng tôi ghé ăn sáng ở quán bún bò Huế trên đường Nguyễn Du gần Dinh Độc Lập, sau đó đi bộ qua quán cafe Vy gần đó. Đó là một quán cafe nhỏ, người ta ngồi lấn ra ngoài vỉa hè, khá chật, nhưng đông khách. Đa số khách ở đây, kể cả anh nhóm trưởng, đều là những người khá sành cafe, và chỉ trung thành với một quán này, vì nghe nói, cafe ở chỗ này "thuần chất". Giá cả tương đối cao, ngồi thì chật hẹp, nhưng khách vẫn cứ đông.

Sau những buổi sáng cafe như vậy, tôi thường tách khỏi nhóm và đi loanh quanh một mình, qua một vài khu phố nhỏ của thành phố. Thỉnh thoảng tôi cũng có gọi điện cho một vài người bạn ở Sài Gòn, hẹn cùng nhau đi xem film, đi ăn uống... Đa số những người mà tôi quen ở Sài Gòn, tôi cũng rất ít liên lạc, ngoại trừ vài người rất thân thiết. Đó đều là những người bạn rất chân thành, rất có ý nghĩa đối với thời sinh viên của tôi, cũng như có lẽ là suốt cuộc đời tôi sau này. Mà nếu như thiếu họ, những ngày xưa, lúc tôi sống ở Sài Gòn, có thể sẽ không trải qua nhiều giây phút huy hoàng rực rỡ đến như vậy.

Sài Gòn mùa này có mưa nhỏ, thỉnh thoảng khói bụi cũng giăng đầy tóc tôi. Đường xá vẫn chen chúc, vẫn ồn ào xe cộ, thỉnh thoảng tôi bước lên xe buýt vẫn phải đứng, phải chờ, bị kẹt đường... Nhìn chung thì cảm giác rất giống những ngày đó. Chỉ có điều bây giờ tôi không còn quan tâm đến giá của vé xe buýt như thế nào như hồi xưa nữa. Thứ tôi quan tâm bây giờ, là xe buýt sẽ đi qua những chặng đường nào, mà trên những chặng đường đó, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp bóng dáng quen thuộc của tôi ngày xưa, hoặc là vài người quen khác có gắn liền với ký ức của tôi.

Tôi rời Sài Gòn trong một buổi tối vội vàng và mệt mỏi. Công việc nhiều quá. Thêm mấy chuyến xe buýt và thời gian gấp rút nữa. Anh nhóm trưởng ghé lại Bud mua cho mỗi người một phần kem. Đem tới Ga Sài Gòn ăn mà nó chưa tan chảy. Mùi vị cafe xen lẫn với mùi dừa, ngon vô cùng. Đến giờ tôi vẫn còn giữ lại cái hộp ngoài để làm kỷ niệm. Tạm biệt Sài Gòn. Chắc năm tới còn ghé lại vài lần nữa. Hy vọng là công việc sẽ trôi qua tốt đẹp...