6 thg 4, 2020

Nhật ký cho con: Bước chân đầu đời

Hơn 14 tháng, Rainy mới biết đi. Không so sánh được với "con nhà người ta". Mà tôi cũng không cần phải so sánh như vậy. Sẽ nuôi con theo cách của riêng mình. Nghiêm khác nhưng tràn đầy yêu thương và thấu hiểu.

Nhìn lại mới thấy thời gian của tôi qua nhanh quá. Rain mới đầy tháng, rồi mới thôi nôi. Mới chớp nhoáng đây mà đã hơn 14 tháng. 

Rainy lớn lên trắng trẻo, đẹp trai. Chắc do được thừa hưởng từ mẹ. Mẹ Rainy cứ tự khen mình suốt "Em không ngờ em lại sinh ra một cục đáng ghét thế này". Trời ơi, tôi nghe mà cũng mát lòng mát dạ, vì có công của tôi trong đó nữa chứ. 

Rainy vẫn chưa biết nói, chỉ mới ú ớ é é vài câu. Nhưng được đôi mắt to sáng, linh động. Hy vọng Rainy sẽ thông minh giống mẹ Rainy. Rainy biết nói từ "xe, xe", mỗi khi thấy có xe chạy ngang qua nhà. Ba ba tập cho Rainy nói mãi mà không được. Má má kêu từ từ, từ từ, mà ba ba thì nóng như lửa.

Rainy đi được chục bước rồi té. Tướng đi khệnh khạng như người say rượu. Nhưng Rainy không khóc, Rainy cười sặc sặc xong lại đứng lên bước tiếp. Chắc là Rainy thấy thú vị lắm với những bước đi đầu tiên của mình. Cả nhà ai cũng mừng. 

Rainy có rất nhiều đồ chơi. Bà ngoại mua cho xe máy, ông ngoại mua cho xe ô tô, rồi bà ngoại mua cho xe đạp, rồi bác Big cho xe đẩy, rồi mẹ Rainy mua xe đồ chơi... Có cả đồ chơi của chị An An để lại nữa. Rồi mấy món đồ lưu niệm trong tủ kính ba ba, má Rainy cũng lấy ra cho Rainy chơi. Rainy có cả nhà banh, bập bênh, cầu tuột, máy phát nhạc có nút bấm... Đồ chơi một mớ, nhưng lại hay chán lắm. Rainy chơi cái này một ít, chơi cái kia một ít, xong phá, xong quăng. Có hôm bốc từng cái từng cái quăng qua cửa sổ, để chiều ba ba phải đem thúng ra để lụm vô lại.

Rainy kén ăn lắm. Đến bữa không chịu ăn cơm, chỉ thích ăn bánh, ăn trái cây, ăn vặt, uống sữa hộp, xong đòi bú, quậy đủ kiểu. Đút cơm đút cháo thì lắc đầu ngoày ngoạy. Đặt vào ghế ăn thì không chịu ngồi, cứ nhoi ra nhoi vào. Mẹ Rainy cũng bó tay với Rainy, phải lo nghiên cứu những món ăn mới lạ, đi siêu thị tìm những món lạ về cho Rainy ăn. Ba ba Rainy thì lo lấy đồ chơi, dụ Rainy vừa ăn vừa chơi, bày trò cho Rainy tập trung vào, rồi thỉnh thoảng má má Rainy chớp thời cơ đút vào một muỗng. Cả buổi hết nửa bát cơm. Mừng lắm.

Rainy bị má má bắt đi chích ngừa đủ thứ, từ nhỏ đến giờ chắc cũng mười, hai mươi mũi gì đó, ba ba cũng không nhớ hết. Ba ba còn thấy sợ nữa là. Lâu lâu ba ba bận thì bắt bà nội với má má đưa Rainy đi chích. Rainy nhát cáy, cô bác sĩ mới vén áo lên đặt ống nghe là đã khóc thét lên, còn chưa nói đến chuyện chích. Chích xong, khóc xong cũng nín nhanh, sau đó lên xe về thì ngủ khò khò. 

Rainy cũng có bạn chơi chung. Ở nhà nội thì chơi với chị An An. Chị An An lớn hơn Rainy 1 tuổi rưỡi, nói chuyện rạch ròi rõ ràng lắm, biết nghe lời, nhường nhịn Rainy. Ở nhà ngoại thì chơi với anh Win. Anh Win là con của dì Minh. Dì Minh là bạn thân hàng xóm của má Rainy. Dì Minh bằng tuổi má Rainy. Anh Win lớn hơn Rainy 4 tháng. Hai anh em cứ giành nhau đồ chơi chí chóe. Chỉ có hôm hiếm lắm mới thấy hai anh em ngồi chung một chiếc ô tô, cho má Rainy kéo đi vui ơi là vui.

Thanh Trúc

Nhật ký cho con: Làm bố. Lần đầu tiên làm bố

Tôi đặt tên con là Rainy. Rainy là trời mưa, nghe cũng nhẹ nhàng lãng mạn. 

Rainy sinh ra trước Tết khoảng 1 tuần. Hồi đó tôi xin phép nghỉ 3 ngày, thêm thứ 7, Chủ Nhật nữa là 5 ngày. Xin nghỉ chỉ để ngồi nhà nhìn bụng của mẹ Rainy. Nó to ứ ừ, không biết sẽ bung ra lúc nào. Hồi đó ngồi ở nhà ngoại Rainy chờ mãi, đến ngày thứ 4 thì quyết định đưa mẹ Rainy vào bệnh viện tỉnh. Tự nhiên tôi lại cảm thấy nhớ cái bụng bầu của mẹ Rainy quá, nó thiệt to, nặng trĩu, có duyên nữa. Tiếc là hồi đó không chịu chụp ảnh nhiều. Mẹ Rainy đi ngủ phải nằm nghiêng một bên, lúc đứng lên ngồi xuống thì ì ạch. Nhưng được cái sức khỏe của mẹ lẫn còn đều tốt. Định kỳ vẫn đi khám theo chỉ định của bác sĩ. Yên tâm là không có gì bất thường.

Làm thủ tục nhập viện xong, người ta cho mẹ Rainy thay một bộ đồ xanh ngắt. Khám xong đâu đó, bác sĩ bảo: tối sinh. 

Tối hôm đó, tôi đi siêu thị mua cho mẹ Rainy một ít cơm canh, mua cả cho bà ngoại và bà nội. Được may nhờ nội ngoại hết lòng chăm sóc, tôi cũng yên tâm. Mẹ Rainy ăn rất khá. Không thể coi thường vóc người nhỏ nhắn xinh xắn của cô ấy được. Lượng cơm bình thường chắc phải gấp đôi tôi. Không thể hiểu được nó tiêu đâu mất. Thường hay trêu đùa cô ấy: nuôi em tốn cơm quá.

Bác sĩ yêu cầu tôi phải ký một số giấy tờ. Lúc đó tôi khá hồi hộp nên cũng không đọc kỹ, chỉ nhớ là đại loại như cam kết không khiếu nại, giấy bảo đảm gì đó vân vân.. Rồi ngồi chờ ở ngoài phòng sinh. Nghe bà ngoại kể lại lúc đó tôi tái mét, xám ngắt, mặt đầy nhăn nheo lo lắng.

Tối không ngủ được, lên ngồi đợi ở cửa khác của phòng sinh, nơi người ta sẽ chuyển mẹ Rainy ra, để đưa về phòng hồi sức. Khoảng 2h sáng, cô y tá đẩy mẹ Rainy ra, đã tỉnh táo, nhưng vết thương mới mổ nên chảy máu rất nhiều. 

Xong rồi còn phải đợi để xem em bé, nhận nhau thai... Cô y tá ẵm Rainy ra, vạch "toàn thân" cho tôi kiểm tra. Em bé khỏe, bình thường. Nhìn kháu kháu, dễ thương. Mà hình như là nhận em bé trước, sau đó mới đợi nhận mẹ Rainy. Nói chung là lúc đó tôi cuống cuồng, lo lắng, loạn cả lên, nên không nhớ gì nhiều cả.

Hôm sau, em bé không chịu bú mẹ. Người ta bảo Rainy bị nhiễm trùng gì đó, phải nhập phòng bệnh nhi ở tầng dưới để chữa trị. Cách ly cả mẹ, cả bố, cả bà ngoại bà nội. Vài ngày sau Rainy phục hồi thì mới cho mẹ vào cho bú. Còn mấy ngày trước thì phải bú bình, pha sữa bột hoặc vắt sữa mẹ.

 Tôi hết phép phải về trước để trở lại với công việc, để bà nội bà ngoại ở lại. Về chôn hũ đựng "nhau" của Rainy. Đây chính là "chôn nhau cắt rốn". 

Tối 29 hay 30 tết gì đó, mẹ Rainy với Rainy mới được về. Về ngoại. Tôi ở lại chăm sóc hết 7 ngày Tết. Tối tối trải một cái chiếu cạnh giường mẹ Rainy để ngủ. Khuya giúp mẹ Rainy thức giấc cho con bú, thay tã, vắt sữa... 

Vậy là được chính thức làm bố rồi. Lạ lắm. Hoang mang.

Thanh Trúc