27 thg 7, 2013

Vô thường khúc

Xuân đến muộn qua đời nửa buổi
Người đi xa trăm tuổi vô thường
Ngỡ ngàng hương khói khói hương
Nhòe đôi mắt ngóng tà dương nghẹn ngào.

Tiếng ve sầu lao xao thổn thức
Giọng triều âm day dứt xót xa
Trăm năm lại trở về nhà
Đưa người giữa buổi mưa sa tuyết ngàn.

Thu chuyển hết, trăng tàn lạnh lẽo
Xuân muộn rồi, cúc héo ngổn ngang
Còn gì đâu, để khóc than
Có chăng thương tiếc người đang thẩn thờ.

Tìm mộng cũ, tỏ mờ bóng lạ
Hẹn kiếp sau, vay trả nhân tình
Thương người lại khóc cho mình
Có ngày giữa chốn vô minh tìm người...

(Thanh Trúc, Vô thường khúc)

Hoa trinh nữ


Một sáng ta về chợt ngẩn ngơ
Đêm qua mưa gió đến bao giờ
Nước tràn trên lối hoa trinh nữ
Ta bỗng vô tình chọn ý thơ.

Thơ viết lòng ta dễ tổn thương
Nào ai than trách lẽ vô thường
Mơ hồ hoa chóng tàn phong nhụy
Thừa lại phiêu phù một chút hương.

Ta bỗng vô tình nhạt ý duyên
Mặc lòng mưa lạnh kéo triền miên
Đêm qua sót lại hồn trinh nữ
Trong gió điêu linh lạc khắp miền.

Ta bỗng vô tình sợ chữ yêu
Yêu thương không mấy, đớn đau nhiều
Lang thang tìm mãi hình quen lạ
Nghe vẳng xa gần tiếng cuốc kêu.

Một tối em về gửi mộng đây
Ta còn vùi mãi giữa cơn say
Tỉnh ra mới hiểu lòng dang dở
Kiếp khác xin cho trả nợ này.

(Thanh Trúc, Hoa trinh nữ)

Mưa và nỗi nhớ

Mưa buồn ướt mãi dấu chân tôi
Quanh quẩn đâu đây tiếng mệt nhoài
Thăm thẳm đất trời giăng nỗi nhớ
Mối tình đầu ủ dột trên môi.

Én về phương bắc ngóng mưa bay
Nhạn xuống phương nam chợt lẻ bầy
Mấy độ hồn nhiên em lỡ hẹn
Không người, tôi lại muốn tìm say.

Mưa trút ưu tư, nước nghẹn ngào
Say rồi than trách phận lao đao
Tìm em trong giấc mơ dang dở
Tỉnh giấc, em xa tự thuở nào.

Em ạ, chiều mưa chợt ngổn ngang
Chim câu về muộn ướt theo đàn
Ngày xưa ta cũng trong mưa gió
Tìm vội hiên nhà chạy nép sang.

Thuở ấy nhìn nhau rất ngượng ngùng
Áo quần em ướt, gió rung rung
Vai kề bất chợt trao hơi ấm
Mãi đến sau này vẫn nhớ nhung.

Mưa ngừng, em cũng đã dần quên
Chỉ chút duyên chưa kịp đáp đền
Trong những chiều mưa giăng trước phố
Mình tôi tìm nỗi nhớ không tên.

Hỏi tình duyên cũ cuốn đi đâu
Theo lối phiêu du bạc nửa đầu
Em đã ôm con thành thiếu phụ
Thời gian, ai biết, trách chi nhau.

(Thanh Trúc, Mưa và nỗi nhớ)

Thơ tình không yêu

Lác đác chiều trôi phố nhẹ tênh
Ngập ngừng viết lại chuyện tình quên
Tôi là hoàng tử, em công chúa
Giữa chốn ngày xưa chẳng nhớ tên.

Thuở ấy tôi yêu rất vội vàng
Nên lòng cam đổ giữa nhân gian
Vì người thơ viết trăm bài lẻ
Tâm huyết dồn trong vết bút tràn.

Người ta, một thuở, đã theo chồng
Lạnh nhạt đời tôi, rét gió đông
Thơ dứt ý tình, gieo ý hận
Run lên từng đợt giữa mưa giông.

Hoàng tử lòng tan tựa mảnh trăng
Thơ tôi ngỡ chết nỗi trầm thăng
Rồi em chợt đến chiều xuân muộn
Đã vớt tim tôi khỏi vĩnh hằng.

Em rất hồn nhiên tựa dạ lan
Hương thầm dâng kín giữa đêm tàn
Lòng tôi băng giá không còn lạnh
Nhưng lại trào dâng nổi ngổn ngang.

Em chẳng ngờ tôi chuyện đã từng
Mang theo điều ước với người dưng
Người dưng đến sớm em đôi bước
Tôi đã đưa tay chẳng ngập ngừng.

Chiều muộn tình trôi qua ngón tay
Xuân em vỡ giữa buổi xuân đầy
Xuân tôi lại chuyển mùa băng giá
Mộng mị vùi trong một giấc say.

Lại một chiều mưa gió dở dang
Tình yêu hoàng tử đã phai tàn
Tương tư cắt vỡ làm ba mảnh
Hai mảnh chôn vùi, một mảnh mang.

Thơ tình thuở ấy viết không yêu
Khóe mắt em lăn giọt lệ chiều
Tôi đã về, lòng em thổn thức
Gác hoa tàn ảm đạm ve kêu.

Tình không yêu ấy, một lần đau
Không phận sao mà đến với nhau
Tôi chẳng thể làm người bội ước
Mà em còn chịu tiếng chen sau.

(Thanh Trúc, Thơ tình không yêu)

Xuân bên cửa sổ

Có đôi chim rúc rích bên thềm
Cửa sổ gió vào nhẹ dịu êm
Tia nắng vàng ươm như đổ mật
Dạ lan ngoài phố thoảng hương đêm.

Xuân bên cửa sổ lén cầm tay
Vuốt nhẹ vu vơ những ngón đầy
Khe khẽ mùa xuân đeo nhẫn cưới
Ong đùa hoa lá, gió trêu cây.

Em hỏi anh yêu đã mấy lần
Anh thầm: anh chỉ một mùa xuân
Là khi em bước về quanh phố
Đôi én hòa chung điệu ái ân.

Xuân bên cửa sổ có cô dâu
Váy trắng, khăn voan, ngượng cúi đầu
Đôi má em ngời trong nắng mới
Hồng như đôi lứa mãi yêu nhau.

(Thanh Trúc, Xuân bên cửa sổ)

Nhớ


Nhớ từng con phố, nhớ hàng cây
Nhớ dấu chân đi suốt tháng ngày
Nhớ mỗi thu về trên ghế đá
Nhớ thầm ngơ ngác mộng đầu tay.

Nhớ một chiều hôm gặp gỡ nhau
Nhớ mưa lất phất ướt trên đầu
Nhớ em cô gái xuân vừa độ
Nhớ má em hồng, nhớ mắt câu.

Nhớ bước bên nhau, nhớ ngại ngùng
Nhớ tình non chớm rối lung tung
Nhớ sau lưng nhớ nhìn nhau trộm
Nhớ viết thơ tình, viết nhớ nhung.

Nhớ về thương nhớ, nhớ long lanh
Nhớ để yêu thương, nhớ để dành
Nhớ để từng đêm thương nhớ lắm
Hỏi thầm, em có nhớ chăng anh?

Nhớ bóng hình xa, nhớ khách xa
Nhớ ngày than thở tháng phôi pha
Nhớ năm hiu hắt đàn chim lạc
Nghiêng cánh nhìn nhau nhớ mái nhà.

Nhớ người, ai biết, nhớ bao nhiêu
Nhớ nhớ nhung nhung, nhớ nhớ nhiều
Nhớ đến ngày mai thôi hết nhớ
Dành phần nhung nhớ để thương yêu.

Nhớ đến ngày mai nỗi nhớ thầm
Nhớ gần cho tóc trổ hoa râm
Nhớ xa lòng vẫn xanh lòng nhớ
Nhớ hết thời giờ, hết tháng năm.

Nhớ vào trong nước, cánh hoa trôi
Đã trót thương em, trót nhớ rồi
Em nỡ đi tìm thương nhớ khác
Cho lòng anh nhớ, nhớ xa xôi.

(Thanh Trúc, Nhớ)

Vị cafe

Một tách cafe vị đắng môi
Muốn ngưng thì đã trót pha rồi
Cà phê uống gượng, tình tan vỡ
Níu chút ngọt ngào cũng thế thôi.

Một tách cafe, đắng tận tim
Cười đau, tri kỷ khó chăng tìm
Ngập ngừng che giấu lòng xa cách
Đem mối tình đầu giữ lặng im.

Dễ đến, nhanh đi, chút hẹn thề
Dằn lòng ngâm mãi ngụm cafe
Chần chừ, em đã theo người khác
Tan nát tình đầu, dạ tái tê

Biết đắng sao không chịu bỏ đường?
Đau lòng sao chẳng dứt yêu thương?
Kiếp này trót dại thành con nghiện
Biết đến bao giờ hết vấn vương?

Nợ cũ còn gì luyến tiếc đây?
Tình đầu thôi đã một lần say
Cafe nhỏ xuống như tình vỡ
Thành giọt lệ lòng, hóa đắng cay.

(Thanh Trúc, Vị cafe)

Đa tình

Một đời trăng gió bướm ong vây
Một sáng mong manh tỉnh xác gầy
Một thoáng xuân trôi ngoài cửa sổ
Một chiều gió rét với mưa sây.

Xuân muộn len qua những cánh đồi
Nụ cười xưa đã cách bờ môi
Phấn son má thắm chừng phai nhạt
Mắt gượng đăm chiêu tóc điểm mồi.

Tuế nguyệt xoay ngang cõi vĩnh hằng
Tình đầu ướm hỏi nhớ người chăng?
Theo lòng lãng tử còn vương vấn
Phiêu bạt chân trời, ngủ dưới trăng.

Còn gì một thuở tuyết sương rơi
Không thấy người thương, chỉ thấy trời
Một tiếng yêu thương kìm nén lại
Cho lòng ai trọn giấc đầy vơi.

Đời người được mấy cái mười năm
Vội vã chăng ai một chữ lầm
Không nợ chi nhau thời lỡ hẹn
Bạc lòng chẳng trách kẻ vô tâm.

Đúng sai giờ hỏi cũng dường không
Chẳng chịu buông tay kẻ lấy chồng
Thôi cứ đinh ninh làm chiếc bóng
Lặng nhìn con nước chảy về đông.

Tơ hồng, chỉ thắm, rối linh tinh
Tự tác, đa đoan, chỉ hại mình
Ngó lại đành xuôi theo bạc mệnh
Kiếp sau còn gặp hẹn chung tình.

(Thanh Trúc, Đa tình)

Là gió bên em

Lối cũ mưa về ướt khóe mi
Người thương em đã vội vàng đi
Mang theo những tháng ngày thơ dại
Để lại em và lệ biệt ly.

Anh đến bên em rất nhẹ nhàng
Như hoàng hôn mộng buổi chiều lan
Lặng im như thể hoa màu tím
Nghe giọng em buồn nhẹ thở than.

Em còn yêu lắm kẻ mơ hồ
Sương trắng âm thầm tóc điểm tô
Anh đổi xuân xanh bằng nín lặng
Chờ em trong giấc mộng hư vô

Không đổi cho em nửa tiếng cười
Nên buồn khi thấy lệ em rơi
Chạnh lòng mỗi lúc em thương nhớ
Ghen lúc em trông ngóng một người.

Anh biết tim em khóa lại rồi
Vĩnh hằng như vũ trụ xa xôi
Không còn ai nữa chen vào mộng
Muôn thuở, tim anh, vẫn đứng ngoài.

Anh đã từng mong rất dại khờ
Vì em soạn lại khúc tình thơ
Có anh trong đó, thay người khác
Tô điểm đời em những mộng mơ.

Là gió bên em nguyện một lần
Mang về môi thắm độ thanh xuân
Rồi theo hơi thở mùa sang hạ
Tan rã thầm trong nắng trước sân.

Là gió trôi qua giữa chốn này
Yêu người, người lại chẳng hề hay
Tim anh cũng đã dần phong kín
Để mặc hương thầm phảng phất bay...

(Thanh Trúc, Là gió bên em)

Trung Thu nhớ nhà

Đêm thu phố nhỏ lạnh hơi sương
Tỉnh giấc còn say mộng nhớ thương
Sợ khách đau lòng trăng thấp thỏm
Gửi vào gác trọ bóng quê hương.

(Trung Thu nhớ nhà _ Thanh Trúc)

Mưa chia hai nẻo

Mưa đến mưa đi lối trập trùng
Mưa qua ướt dải đất miền trung
Mưa chia hai nẻo trời nam bắc
Mưa tạnh tìm đâu kẻ thủy chung...
 (Thanh Trúc)

Ninh Hòa bốn chục cây

Về thẳng Ninh Hòa bốn chục cây
Biển dồn sóng bạc núi giăng mây
Vào nam ra bắc xe như nước
Mắt mũi lem nhem khói bụi đầy.
 
(Thanh Trúc)

Ghét ghét yêu yêu

Lặng lẽ không gian, lặng lẽ chiều
Ngó nhìn quanh phố nhớ người yêu
Người yêu không gặp, không yêu gặp
Mới nói đôi câu đã thấy nhiều.


Không yêu thời ghét có chi đâu
Không ghét thời thôi, cũng biết nhau
Không lẽ biết nhau mà chẳng gặp
Gặp thôi cũng được, gượng chào nhau.

Lòng ta nào phải bạc như vôi
Không nhớ thì quên, chỉ thế thôi
Quên nhớ hồn nhiên dưng dửng vậy
Yêu yêu ghét ghét mãi quen rồi.

(Thanh Trúc)

Nhạt như mây

Hoa xuân tàn nở chỉ đôi ngày
Tình đến, tình đi, tựa gió bay
Thi sĩ chẳng còn yêu giống trước
Nên thơ, đành vậy, nhạt như mây.
 (Thanh Trúc)

Nha Trang cafe

Tháng sáu trôi sang báo hiệu hè
Trời Nha Trang gió biển se se
Cafe góc nhỏ ngồi mơ mộng
Ngắm tóc dài qua những chuyến xe...
 
 Thanh Trúc

Cóc ghẻ, thiên nga

Cười mình cóc ghẻ mộng thiên nga
Sớm biết leo cao té nặng mà
Trót dại đem công mài hết sắt
Mò hoài góc bể mãi không ra.
   
Thanh Trúc

Lạc giữa Đà Lạt

Trời Đà Lạt se se gió lạnh
Bước chân người cô quạnh nơi đâu
Rừng hoang thông đã chuyển màu
Hồ Xuân Hương nước nhạt câu thơ tình.
Đường phố lạ giật mình thôi bước
Chợ đêm buồn thổn thức vì yêu
Mưa mưa gió gió dập dìu
Lòng em có được nhớ nhiều như anh?

Thanh Trúc

Giấc mộng thiên thần

Thuở ấy lòng ta hết tứ thơ
Mưa giông nhen nhóm nỗi nghi ngờ
Vùi thân ngủ gục bên ngòi bút
Mộng hóa thiên thần cánh xác xơ.


Thiên thần dứt hết mảnh thiên duyên
Xuống trả nhân gian nợ định tiền
Lỡ bước tình sầu quen gió bụi
Xót lòng đeo đẳng nỗi truân chuyên.

Trời định thiên thần mệnh lẻ loi
Nhìn xem nhân thế mãi luân hồi
Trăm năm chớp mắt đầu xanh bạc
Duyên phận mơ hồ tựa nước trôi.

Ý hận, duyên buồn, mộng cắt ngang
Giật mình trên giấy lệ luôn tràn
Ngậm ngùi tung bút thơ thành đoạn
Như oán, như sầu trả thế gian.

(Thanh Trúc)

Thi sĩ từng yêu...

Thi sĩ từng yêu rất dại khờ
Tình đầu cứ ngỡ đẹp như thơ
Một chiều mưa xuống người đi mất
Còn mảnh thơ tình ướt xác xơ.

Thi sĩ từng yêu rất vội vàng
Người yêu một sớm bước sang ngang
Khóc cười không chút hồn trong mắt
Chỉ có cay cay ngấn lệ tràn.

Thi sĩ một lần tự chuốc say
Nhớ người qua những chuyến mây bay
Ngậm ngùi mây hóa thành sương khói
Nợ cũ đâu còn để trả vay.
 
Thi sĩ thành ra kẻ lạnh lùng
Không còn tin nữa chữ tình chung
Chiều nay mưa lại tràn quanh lối
Thi sĩ đem thơ lấp đất bùn.

(Thanh Trúc)

Rét Nha Trang

Trời Nha Trang rét cóng chân tay
Yêu ghét chi mưa gió suốt ngày
Ta mặc kệ, ta tìm chỗ ấm
Trùm chăn kín mít, ngủ lăn quay.
Thanh Trúc

Nhớ tháng năm

Tháng sáu qua rồi nhớ tháng năm
Tương tư không nói, cứ âm thầm
Cho mưa ướt tóc và trên giấy
Những vết thơ tình giữ lặng câm.


Kỷ niệm qua rồi hãy ngủ im
Thời gian mờ xóa mộng trong tim
Thơ tôi khép lại từng trang vở
Hai tiếng yêu thương vẫn kiếm tìm...

(Thanh Trúc)

Kẻ đơn thân

Mưa mưa gió gió cũng phân vân
Ghét ghét yêu yêu được mấy lần
Nhớ nhớ thương thương chừng chẳng ít
Cuối cùng ta vẫn kẻ đơn thân.
Thanh Trúc

Em gái

Em ạ, đời còn có kiếp sau?
Vội vàng anh giấu trái tim đau
Ngậm ngùi gọi nhỏ em: em gái
Anh biết lòng ta đã lỡ nhau.

Nay em đã chọn được niềm yêu
Anh chẳng lệ rơi chẳng khóc nhiều
Chỉ tổn thương đong bằng nín lặng
Âm thầm nhưng lạnh lẽo bao nhiêu.

Anh từng âu yếm gọi em ơi
Hai tiếng yêu thương quá khứ rồi
Mơ ước nghìn lần anh muốn gọi
Không là em gái, chỉ em thôi.

Lỡ nhau rồi chỉ có buông tay
Ảo mộng chờ qua hết tháng ngày
Đổi lỗi người sang cho lỗi phận
Huyễn nhân tình trả trả vay vay.

(Thanh Trúc, Em gái)

Em viết cho tôi

Xa rồi xa vắng nửa dòng thơ
Em viết lên trang giấy hững hờ
Màu mực tím tần ngần thổn thức
Duyên nào còn gửi giữa cơn mơ.

Em viết cho tôi những ngọt ngào
Đã nhòa trong lối cỏ xanh xao
Chiều nay nắng lại hồng chân núi
Ngả nỗi niềm xưa bóng khát khao.
 
Hoang vắng trời đông nhạn lạc bầy
Trăng non thưa bóng nhạt màu mây
Chân trời ký ức chìm thăm thẳm
Níu mãi lòng người giữa cuộc say...

(Thanh Trúc)

Cá kho tộ

Cá nhà ai, bắt lên kho
Tộ vừa ăn hết, tộ to để dành
Để dành mai mốt gặp anh
Mời cơm bát lớn, cho thành nhân duyên. 
Thanh Trúc

Thuở ấy đất trời

Thuở ấy đất trời đã ngủ trưa
Còn đâu thổn thức những mùa mưa
Lang thang đất khách, người xa vắng
Rơi rắc nghẹn ngào mãi chuyện xưa.


Thuở ấy đất trời đã ngủ quên
Từng trang kỷ niệm bụi dày lên
Quanh năm lối lạ đường chen cỏ
Chợt gặp nhau mà chẳng gọi tên.

Thuở ấy đất trời đã ngủ say
Ve run xơ xác lạnh thân gầy
Nhìn nhau chợt biết tình duyên đã
Phai nhạt bên đời tựa khói mây.

Thuở ấy đất trời đã ngủ mơ
Lòng em có lẽ quá thờ ơ
Nên ta chỉ mãi người xa lạ
Trong chốn trăm năm vẫn hững hờ...

(Thanh Trúc)

Đời người được mấy mười năm

Đời người được mấy mười năm
Muốn yêu thương, sợ chọn nhầm nhân duyên...

Nước trôi hoa vẫn lặng yên
Hoa rơi nước đã theo thuyền đi xa
Thuyền đi trăng mới mặn mà
Thuyền về trăng đã hóa ra trăng tàn...
 
Mười năm một tiếng thở than
Núi xanh sương phủ, thông ngàn tuyết đông
Anh là nhạn, sợ cành cong
Em là sáo, sợ qua sông lạc bờ...

(Thanh Trúc, Đời người được mấy mười năm)

Tháng sáu

Tháng sáu trôi đi rất vội vàng
Đò ai ngơ ngác chuyến sang ngang
Trăng ai xuôi nước nhìn theo bóng
Chưa nói yêu thương đã ngỡ ngàng.

Tháng bảy đến rồi, đến rất mau
Mây bay theo gió, nước qua cầu
Vườn ai lối vắng rêu hờ bám
Chưa viết thơ tình đã phụ nhau.

Năm tháng đi qua rất dại khờ
Cuộc đời đâu có đẹp như thơ
Tình ai mới chớm sao tan vỡ
Ký ức chưa dâng đã xóa mờ.

(Thanh Trúc, Tháng sáu)

Luyến tiếc thiên nhai

Thanh mai mộng cũ chưa tàn
Trúc xanh ngơ ngác đã vàng tà dương
Đi nghìn dặm, tiếc yêu thương
Ngủ vùi trong cõi nhu hương tầm tầm.

(Thanh Trúc)

Cô gái má hồng

Trúc xanh xanh đứng nép bờ sông
Lá nhỏ che cô gái má hồng
Cô gái má hồng đi chợ sớm
Nhẹ nhàng chân bước xuống đò đông.


Đò đông đứng đợi mấy chàng trai
Khăn áo mơ màng dưới nắng mai
Một nửa thẹn thùng, e sợ trễ
Cúi đầu bước vội chẳng nhìn ai.

Đò đông độ ấy khách đông thêm
Một sớm hoa cau rụng trước thềm
Khay đỏ có người qua dạm hỏi
Trong khay: cánh phượng lá trầu têm.

Ấy chàng xóm dưới thoáng đi xa
Vui hội công danh chợt nhớ nhà
Chân bước trở về vương chỉ thắm
Đò đông vô ý buổi chiều qua.

Một chuyến thơ ngây khép cửa rồi
Nhà ai treo lụa thắp đèn đôi
Phấn hồng trang điểm cô dâu mới
Đóa hải đường tô mịn cánh môi.

Một hôm chợt gặp những hôm nào
Cô gái má hồng tóc bới cao
Cất tiếng ru con chừng chuyển điệu
Mùa thu thức ngủ gió xôn xao...

(Thanh Trúc)

Chiều tịch mịch

Một thoáng xuân thì chợt ngẩn ngơ
Người đi năm ấy mộng thành thơ
Ta về nước mắt chìm trong cát
Và gió trôi qua cuốn hững hờ.

Xuân đến trên đời, thiếu vắng ta
Nhìn đâu nhân thế, xót phôi pha
Liễu vàng, hoa héo, chìm trong nước
Ong bướm điêu linh nhạt mặn mà.

Một thời đã vắng, buổi hồn nhiên
Mây gió theo ta dạo khắp miền
Giờ ảm đạm trông chiều tịch mịch
Thở dài than trách chuyện trần duyên.

Hoa khói lang thang níu kéo người
Tìm về một cõi mộng đơn côi
Ngậm ngùi tự huyễn mơ là thực
Tỉnh gấc đau lòng lệ lạnh rơi.

Chẳng có mơ mà chẳng có ai
Chỉ còn thỉnh thoảng tiếng than dài
Gió sương phờ phủ đầu xanh bạc
Năm tháng trôi dần mộng tự phai...

(Thanh Trúc, Chiều tịch mịch)

Hoa phụng

Dưới lầu hoa phụng nở tràn
Trên lầu người ngọc đã sang tuổi già
Nhìn quanh lòng chợt xót xa
Trách người mười hẹn lỡ qua chín lần...

 
Thanh Trúc

Biết gì hơn

Ta biết gì hơn gió với sương
Ve sầu lanh lảnh tiếng thê lương
Lối dài ảm đạm hoa tàn úa
Dẫu chốn quen chân cũng lạc đường.


Ta biết gì hơn khóc với than
Sầu gieo đứt đoạn ánh trăng tàn
Trăng tàn tuế nguyệt xoay vòng lạnh
Lá rụng tiêu điều giữa thế gian.

 

Ta biết chi hơn một chữ buồn
Buồn dâng lạnh lẽo giữa mưa tuôn
Mưa tuôn đất khách, người xa cách

Mây gió hoang vu mỏi cánh chuồn.
 
Ta biết chi hơn những giận hờn
Hờn theo tàn tạ nỗi cô đơn
Cô đơn lạc bước trời nam bắc

Nam bắc phiêu linh, bóng chập chờn.
 

Ta biết gì đâu một chữ yêu
Ấy là trằn trọc, ấy cô liêu
Ấy là tóc bạc, tương tư hận

Ấy chẳng vui chi, chỉ khổ nhiều.
 

Ta biết lòng ta đã tổn thương
Tổn thương chỉ bởi kẻ qua đường
Qua đường ai cũng vô tâm cả
Hái đủ hoa rồi giẫm nát hương...

 

(Thanh Trúc)

Tiếp lời du ca

Trần gian ta cất giọng cuồng si
Nếm hết yên hoa nở muộn kỳ
Ghé bến giang hồ trăng rửa mặt
Ngủ vùi cõi tạm giấc mê ly...
Bạc tóc mai rồi chẳng đổi tâm
Bước chân không mỏi mộng không lầm
Phiêu du mặc kệ trăng tròn khuyết
Say tỉnh vô tình mặc tháng năm.
 
(Thanh Trúc)

Say trên đất Tuyên Quang

Nước non mờ bóng khách lang thang
Áo bụi băng qua những phố ngàn
Chợt thấy mưa rừng lay lất phất
Trong mùa trăng khuyết đất Tuyên Quang.


Chốn này chuếnh choáng dấu chân ta
Hơi rượu rung trên mấy xóm nhà
Cá nhéo chiên giòn, rau núi luộc
Sớm chiều đủng đỉnh tháng ngày qua...

(Thanh Trúc)

Say

Lại say trời đất với say người
Say suốt bốn mùa rượu tỉnh vơi
Ngậm một giấc sầu, say nửa giấc
Say qua làn gió khắp mùa phơi.

Ta đã say mèm, tối ngủ ngon
Ngủ không mơ mộng, đợi trăng tròn
Trăng tròn ta lại châm đầy rượu
Rượu cạn biết lòng vẫn sắc son.

Đầu óc quay cuồng, tự ngẩn ngơ
Cười theo đêm xuống hát vu vơ
Học đòi Lý Bạch trăng ngâm rượu
Cất bút viết dài tuyệt tác thơ.

Tìm say quên sạch hết lo âu
Chưa tới trăm năm tóc đổi màu
Gội sạch bụi đời trong chén rượu
Còn chi lòng dạ ngẫm ngày sau.

Nghe tiếng luyên thuyên, lạ nửa mùa
Cười nhau quên sạch chuyện hơn thua
Giữa cơn say tỉnh ai quen lạ
Mặc kệ mà nâng chén đẩy đưa.

Đêm xuống tiệc tan lại nghẹn ngào
Khách về ta ngắm ánh trăng sao
Trăng treo cửa sổ, em là mộng
Ta trót tương tư tự thuở nào.

(Thanh Trúc, Say)

Tìm em nơi đâu

Nửa giấc đêm thu lạnh lẽo người
Tình duyên xa cách khói sương rơi
Em đi bỏ lại hồn cô quạnh
Hoa rụng tiêu điều, nước lạnh trôi.


Trăng lên man mác gió gieo sầu
Nhạn lạc ngàn non sải cánh mau
Một nốt đệm buồn hư bản nhạc
Lòng ta chợt biết đã từng đau.

 

Từng đau một nẻo khuất trời nam
Ve nép trong sương đổi xác phàm
Em ở nơi đâu trời biển cách
Nửa màu xanh biếc, nửa màu lam.

 

Điêu linh biền biệt dạo qua đường
Nghìn dặm hoang tàn lạc bốn phương
Gấu áo cỏ may đâm nhạt nhẽo
Vai gầy ngơ ngác đẫm ngàn sương.

 

Rượu tình nốc cạn vẫn chưa say
Tâm sự xoay vần tựa khói mây
Đâu đó người quen ta ngỡ đã
Chưa từng gặp gỡ đến hôm nay.

 

Giật mình người mộng đã xa rồi
Bỏ lại người trần giấc lẻ loi
Lỡ chuyến trăm năm tình cảnh đổi
Bạc đầu không tiếc, tiếc người thôi.

 

Phảng phất tình đời một giấc mơ
Gượng cười nhấc bút nhạt câu thơ
Thiên Thai lạc lối quay đầu lại
Đã thấy trăm năm phủ bụi mờ.

 

(Thanh Trúc, Tìm em nơi đâu)

Hồ Gươm hoài cổ

Ta ghé hồ Gươm một buổi chiều
Lòng thơ tẻ nhạt, bước liêu xiêu
Không còn ai nhớ người trao kiếm
Một thuở huy hoàng đã phủ rêu.


Không còn ai nhớ, chẳng còn ai
Đứng lại mình ta tự thở dài
Ngó kẻ qua đường vui tựa hội
Chợt lòng lạc giữa đúng và sai.

 

Cầu tên Thê Húc, nắng bơ vơ
Cạnh gỗ màu son lốm đốm mờ
Nước thẫm lá vàng rơi lác đác
Ngọc Sơn đền nhỏ lạnh vần thơ.

 

Tháp Rùa còn đó, bóng rùa đâu
Con nước thời gian đổi lạ màu
Mượn cảnh phồn hoa quên ảm đạm
Phồn hoa ảm đạm lẫn hoài nhau.

 

Ghé lối bên kia chợ bộn bề
Người chen mới cũ lạ đường ghê
Ba mươi sáu phố chừng quên nhớ
Lạc giữa dòng đời chợt tái tê.

 

Lạc giữa dòng đời, lạc mãi thôi
Thời gian xa cách, cách xa xôi
Bóng người đâu đó chen đường khuất
Mãi cuộc nhân sinh, mệt rã rời.

 

Mà lòng ta cũng cuộc nhân sinh
Có lúc lang thang nẻo chính mình
Nhặt dưới lá vàng đôi sự tích
Đêm về chắp nối mộng điêu linh.

 

(Thanh Trúc, Hồ Gươm hoài cổ)

14 thg 7, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Đà Lạt và những giấc mơ

Thật sự thì mình cũng không tính liệt kê bài viết này vào Nhật ký nghề nghiệp. Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, phải từ trong công việc mới ra được kết quả như vậy. Nên thôi, tranh thủ viết vài dòng, gọi là hồi ức.

Mình mong đợi vào chuyến đi này thật nhiều, thật nhiều. Lẽ ra phải xuất phát từ tháng 5. Nhưng do tình hình công ty mình có một số việc bận rộn, vậy là dời sang tháng sáu. Còn một phần nữa là do Đà Lạt trong những ngày đó có xuất hiện mưa đá, nếu đi chơi thì khó mà tận hưởng phong cảnh được. Vậy là trong một ngày đầu tháng 6 đẹp trời, toàn bộ công ty mình xuất hành.

Nói là toàn bộ công ty thực ra cũng không đúng. Có mấy anh chị hình như không thích đi cho lắm, hoặc là người ta đã đi nhiều lần rồi. Còn đối với mình, nó gần như là lần đầu tiên.

Gọi là "hình như" bởi vì trong những ngày xưa, những ngày trí nhớ mình còn rất mơ hồ, mình đã từng đến nơi này, cũng độ một hai lần. Rồi lúc lớn lên, đã bắt đầu hiểu chuyện thì cũng có duyên đi ngang qua, nhưng mà không ghé vào.

Hồi đó, khoảng 4,5 tuổi gì đó, hoặc là lớn hơn chút xíu, mình có đi chung với ba mẹ mình và những anh em cô gì chú bác. Hồi đó mình bị say xe, còn hơn bây giờ nữa. Ngồi xe máy mà nôn lên nôn xuống, đến nỗi mẹ mình ngồi phía sau ôm mình phải lật ngược mình quay đầu lại, tựa đầu vào lòng mẹ, như vậy mới đỡ hơn. Nhớ lúc lên tới chân đèo, mọi người cũng nghỉ lại một ít tại một quán cơm nhỏ. Quán cơm đó, sau này lớn lên, mình ghé nó vẫn còn. Nhưng mà con người với cảnh vật thì gần như thay đổi hoàn toàn. Chỉ còn lại vị trí, với một cái quán, có thể là mới hơn, mọc lên.

Hồi đó, mình đi lên một cái chùa thật lớn. Chùa này không ở Đà Lạt mà cách khá xa, chỉ có đường đi ngang qua thôi. Nó nằm ở một nơi gọi là "Ngã ba Chùa", mình cũng không biết chính xác là ở đâu cả, chỉ nhớ từ "Ngã ba Phi-nôm" đi lên tiếp nữa. Nơi đó có Nội với bác Năm mình ở đó. Nội với bác Năm là người xuất gia, lâu lâu gia đình cũng ghé thăm. Nghe ba mẹ kể lại, hồi đó bác Năm khoảng mười mấy tuổi, đi lấy củi trên rừng, gặp một vị sư thầy và bắt đầu có duyên với cõi thiền. Mình thì cũng có duyên, nhưng mà không sâu nặng. Bình thường thì chỉ đọc vài quyển kinh sách và ăn chay vào những ngày rằm, đầu và cuối tháng.

Có một lần khác, trong trí nhớ mơ hồ của mình, chỉ có mình và ba mình đi. Cũng bằng xe máy. Ba chạy từ sáng, trưa đến nơi, rồi chiều về. Đi về trong ngày, nên ba vẫn tự hào là sức khỏe của ba rất tốt. Đó là lần duy nhất mình với ba mình đi xa như vậy. Lần này vì lý do sức khỏe, cũng vì bà Nôi nhớ nhà nên ba mẹ đã đón Nội về nhà rồi. Mình với ba mình chỉ lên thăm bác. Mà bác là người bận rộn, ba cũng sợ quấy nhiễu cảnh chùa thanh tịnh, nên chỉ nói chuyện một chút, nghe bác dặn dò, ăn một bữa cơm chùa rồi trở về.

Một lần nữa, là mình với mẹ mình, cùng với một người dì nữa. Lần này bà Nội mình đã trở lại chùa. Mọi người lên thăm. Lúc đó ba mình không còn nữa. Sức khỏe của Nội thì cũng giảm sút, bác Năm giữ lại chùa để dễ chăm sóc. Xét ra thì trong nhà, bác Năm là người con có hiếu nhất. Nhưng cái hiếu của bác, theo kinh Phật nói, đó là "hiếu xuất thế gian", nhiều lúc mình cũng không hiểu rõ lắm. Người kế tiếp phải tính là ba mình. Tiếc là ba mất sớm quá, tính ra cũng chưa làm tròn chữ hiếu với Nội.

Suốt quãng đường trên xe, mình cứ mãi chìm trong ký ức. Thỉnh thoảng, có vài cảnh đẹp bên đường, một ít ngả cua, vài con suối, những rặng trúc xanh vàng, những hàng thông, cũng thu hút sự chút ý của mình. Nhờ vậy, ký ức mới tạm ngủ yên mà trở về với niềm vui mới, được xem như là "lần đầu tiên đến Đà Lạt".

Đà Lạt, trong ký ức của mình, gắn liền với say xe. Và đương nhiên, lần này cũng vậy. Nhưng giờ đây nó đã vơi đi ít nhiều sau gần một năm nghề nghiệp với những chuyến công tác dài ngày. Giữa đường, xe có dừng lại một quán ăn nhỏ cho mọi người nghỉ ngơi. Gần đó có một con suối, cũng nhỏ, nhưng nước khá trong, mình có đi bộ ra đó... rửa chân.

Đà Lạt trong những ngày này, không khí không còn lạnh buốt như hồi xưa nữa. Có lẽ mình đã quen dần với việc say xe. Cũng có thể là không khí đã biển đổi rất nhiều, rất nhiều. Mà cũng chắc vì vậy nên mình cảm giác như thông không còn xanh nữa. Và lòng mình dường như se lại khi nhác trông thấy ở đâu đó, có những cây thông lá trở nên vàng úa, và thỉnh thoảng có những cây chỉ còn trơ lại gốc.

Điểm đến đầu tiên, nằm gần hồ Xuân Hương, đó chính là khách sạn nơi mình tạm trú. Mình không còn nhớ rõ khách sạn đó tên gì cả, chỉ nhớ là đối diện nó có một cái dốc đi xuống, dưới chân dốc, gần
trạm xăng là một cái công viên khá rộng, có những bông hoa màu đỏ mà mình không biết tên, một cái chòi để tránh mưa và một cây cầu cong cong bắt ngang dòng kênh nhỏ xíu. Có một buổi sáng, mình cố ý dậy rất sớm, sớm hơn mọi người và đi bộ ra đây chụp ảnh.

Khách sạn này nhỏ xíu, nhưng cũng tính là sạch sẽ thoáng mát. Buổi trưa đầu tiên được đãi dưới tầng trệt. Lúc đó mình cũng hơi mệt vì say xe nên không ăn uống gì được nhiều. Chủ yếu chỉ là ăn món rau trộn và một ít canh chua. Còn lại thì mọi người tranh nhau gắp. Xong bữa trưa, mọi người nhận phòng và nghỉ ngơi, đợi tới buổi chiều sẽ đi tham quan một loạt ba địa điểm du lịch mà mình chuẩn bị nói về chúng dưới đây.

Địa điểm đầu tiên, rất nổi tiếng với những cặp tình nhân: thung lũng Tình Yêu. Mình thì không nói, FA dài dài, đến đó không dám suy nghĩ gì nhiều cả, chỉ tập trung vào ngắm cảnh thôi. Mà mình cũng không ngờ thung lũng rộng đến vậy. Mình đi bộ sâu đến phía bên kia, trên đó người ta treo một hàng chữ màu trắng lớn, ghi "thung lũng Tình Yêu", tranh thủ chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. 

Địa điểm thứ hai, một cái tên rất lạ: "Đà Lạt sử quán", mà người ta treo thêm bảng tiếng Anh, hình như là Historical Village hay là gì gì đó. Mình cũng không để ý. Trong này người ta treo tranh thêu rất nhiều. Có một vài chị mặc áo dài đang thêu những tấm ảnh khá chi tiết và tỉ mỉ. Người xem không được nói to mà phải nói nhẹ nhàng, bước cũng nhẹ nhàng, như sợ làm tan vỡ không khí tĩnh lặng yên bình của khu thanh tịnh. Người ta còn cấm chụp ảnh nữa, nhưng ở một số nơi hẻo lánh, mình có thể chụp vài tấm. Sâu phía bên trong, người ta có phục vụ ăn uống nữa. Điều làm mình ấn tượng nhất ở khu vực này là người ta có treo lên những sợi chỉ đủ màu, gọi là "sợ chỉ chúc phúc", khách tham quan có thể rút ra và giữ lại làm kỷ niệm. Mình tranh thủ rút một màu một sợi.

Địa điểm thứ ba, cũng gần sát bên, có thể đi bộ giữa 3 địa điểm này, đó chính là Đồi Mộng Mơ. Trên đây có một cái cây, mình không biết cây gì, hình như là cây đa, bên trên nó vắt đầy những dải lụa màu đỏ, với quan niệm rằng, ai viết tên người mình yêu và những lời chúc phúc lên dải lụa đỏ và vắt lên cây, mơ ước sẽ trở thành hiện thực. Đương nhiên là mình sẽ không viết, với một FA như mình, dù cây này có linh tới cỡ nào cũng... bó tay. Thỉnh thoảng, mình tách khỏi mọi người và rảo bước khắp nơi. Có một công trình, người ta xây dựng bắt chước như Vạn Lý Trường Thành vậy, cũng có tường đá, những bậc thang kéo dài, những cái cổng cao. Trên cổng thỉnh thoảng còn viết một câu tiếng Hán, nghĩa của nó là chưa đi đến Trường Thành thì chưa gọi là người có chí lớn, người thành công. Tiếc là đây chỉ là một mô hình, dù có dài, đi mỏi cả chân, nhưng nếu so với Trường Thành thật thì còn thua rất xa. Mà Vạn Lý Trường Thành, vẫn luôn là một ước mơ mà mình luôn hướng đến. Hy vọng mình có một lần đặt chân đến đó.

Buổi tối, mọi người ăn cơm tại đồi Mộng Mơ, sau đó tham gia chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc C'Ho. Có cả nhảy múa với đốt lửa trại. Chương trình này rất vui, nó làm cho người ta cảm thấy không có sự phân biệt giữa vùng miền. Mình cũng bị kéo xuống nhảy, có nắm tay một nàng C'Ho. Bình thường thì mình cũng là người khá gò bó, vậy mà người ta có cách làm cho mình mở rộng tấm lòng ra. Có lẽ họ đã quen đón tiếp những người khách xa lạ và tạo ra sự thân thiện cho mọi người.

Sáng hôm sau, đoàn di chuyển ra ngoại thành Đà Lạt, với địa điểm tham quan tiếp theo là Làng Cù Lần. Sở dĩ gọi là "Cù Lần" vì ở đây có một loài động vật rất lạ, tên là "cù lần", hình như là cùng họ với chồn, mèo gì đó. Nó đi ngủ thành từng cặp và cuộn tròn lại với nhau. Lần đầu tiên mình nhìn thấy Cù Lần cảm giác rất tội nghiệp cho những con vật nhốt trong chuồng như vậy. Người ta còn đề bảng cấm chọc phá nữa. Có lẽ tụi nó cũng sợ người. Cảm giác ngồi trong một cái cũi sắt và để người ta nhìn mình như nhìn những sinh vật lạ thật không dễ chịu chút nào.

Muốn tới Làng Cù Lần, du khách phải lội bộ xuống một thung lũng tương đối bằng phẳng và có một cánh đồng cỏ xanh. Trước đó cũng phải đi qua nhiều bậc thang bằng đá và hai cái cầu treo. Có đường cho xe chạy, dành cho những người ngại đi bộ và người già cả. Giữa làng có một cái hồ, mọi người tập trung lại đây chơi đua bè. Một bè có 4 người, ai về tới bên kia hồ là thắng. Mình cũng xuống bè và thử sức, lúc lên bờ thì hai tay đã gần như mất cảm giác. Chắc là bình thường kém vận động quá.

Gần đó có một cái dốc tương đối cao, trên đỉnh dốc người ta thả 3 sợi dây thừng xuống, để phục vụ cho trò chơi leo núi. Lúc này mình cũng đã khá mệt nên không dám chơi nữa. Trò này tốn sức kinh khủng, nghĩ lại cảm thấy may mắn là mình không leo lên, nếu không chắc là bị huyết áp giống như bác bảo vệ.

Buổi trưa, mọi người ăn cơm tại làng Cù Lần, tranh thủ giữa buổi nghỉ trưa, mình lội bộ xuống thung lũng và ghé vào khu vực bán đồ lưu niệm. Đó là một ngôi nhà, giống giống như nhà rông của người Tây Nguyên vậy, nhưng không có sạp mà chỉ có 1 tầng. Bên trong có đủ thứ đồ lưu niệm: những chiếc mặt nạ độc đáo, mấy cái lọ, người ta gọi là lọ cây đinh lăng, pơ mu gì đó, hương để vài chục năm không hết, có những cái chuông gió bằng tre nứa, mỗi cơn gió tới toàn bộ phát ra tiếng leng keng, như hòa âm cùng vũ trụ. Có một vài cái nỏ thật, cung tên thật, mình rất thích, nhưng rất tiếc là giá trên trời nên mình không dám mua. 

Rời làng Cù Lần, vào buổi chiều, mọi người ghé thăm vườn dâu. Người ta có quy định rất lạ, ai mua đủ số lượng dâu người ta mới cho vào vườn để chọn hái quả. Vì lý do đó mà không ai mua hết, chỉ đi tham quan xong về. Nửa buổi chiều còn lại mọi người ghé chợ, và đi chơi riêng lẻ. Ban đêm thì tập trung ăn tối tại một nhà hàng gần hồ Xuân Hương. Mình cũng tranh thủ ghé hồ Xuân Hương, ngắm cảnh hồ, chụp vài tấm ảnh. Hồ Xuân Hương và chợ đêm rất gần khách sạn mình nên mọi người có thể lội bộ đi được. Không biết có phải mình quá khắt khe hay không, nhưng sao thấy hồ Xuân Hương không còn thơ mộng như trong tưởng tượng của mình, thỉnh thoảng có mùi rác thải và vài con cá chết nổi lên trên. 

Chợ đêm Đà Lạt rất nhộn nhịp và đông đúc. Mình đi dạo một vòng mà mỏi cả chân. Tranh thủ mua một ít trái cây, bánh mứt và mua quà tặng cho bạn bè. Nghe anh hướng dẫn viên nói, chợ này có thể trả giá tới 50%. Mình cũng trả giá nhưng mà không đến mức như vậy. Có lẽ là con trai không quen với việc đi chợ nên bị thiệt thòi. Mình bị hấp dẫn bởi những đồ thủ công mĩ nghệ và các loại trái cây lạ, nên cứ chọn những thứ đó mà mua. Có một loại quả, sau này khi đem về nhà ăn mới cảm thấy tiếc là lúc đó mình mua quá ít, gọi là mận Hà Nội. Thực ra thì nó thuộc họ nhà đào, có hạt giống hạt đào, nhưng vị thanh hơn, vừa chua vừa ngọt, có một chút chát, ăn với muối ớt ngon cực kỳ. 

Sáng ngày thứ 3, mọi người đi đến địa điểm cuối cùng, gọi là "Thiền Viện Trúc Lâm". Thực ra đó là một ngôi chùa, phần ngoại viện thì mở cửa cho du khách tham quan, còn phần nội điện thì ngăn lại, dành cho chỗ sư thầy tu tập. Mình chỉ loanh quanh ở khu ngoài, ngắm một vài tượng Phật, ngắm vườn hoa với mấy loài hoa lạ rồi rảo bước xuống những bậc thang gần đó, dẫn đến hồ Tuyền Lâm. Giữa đường có thanh chắn lại, mình cũng tranh thủ leo qua rồi đi xuống tiếp, tiếc là đường tương đối xa nên chỉ đi một nửa đường rồi quay về, vừa kịp trông thấy mặt hồ xanh thăm thẳm. Cũng muốn tìm cách lẻn vào nội viện cho biết nhưng người ta không cho, vậy là quay về. Mình ghé khu lưu niệm mua một thanh sáo trúc, coi như là đồ kỷ niệm trong chuyến đi chơi xa.

Buổi trưa, mọi người ăn cơm ở chợ. Nghỉ ngơi một chút rồi lên xe về lại Nha Trang. Mình tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi mua vài nhánh hoa Đà Lạt về tặng mẹ. Mẹ mình cảm thấy rất ngạc nhiên về tên của hoa: Hoa hồng tỷ muội, thường chỉ gọi tắt là hoa tỷ muội. Nó giống như hoa hồng, nhưng màu sắc phong phú hơn, và bông hoa nhỏ xíu. Mình từng biết loài hoa này, trong một bài thơ của Tống Anh Nghị, nhưng bây giờ mới gặp lần đầu:

"Xuân về cho lộc trổ tươi cành
Cho nắng vàng lay nhẹ tóc xanh
Cho áo em cài hoa tỷ muội
Cho duyên em tiệp cánh dành dành
Cho thơ phảng phất hồn sông núi
Cho ý đậm đà nghĩa yến anh
Cho thắm xuân xưa lời mẹ dạy
Một câu nhường nhịn chín câu lành."

Lẽ ra mình đã mua hoa này từ tối qua, nhưng để qua đêm sợ bị héo, nên giờ mới mua. Chuyển về Nha Trang cũng cẩn thận vô cùng, gói nhẹ trong giấy báo.

Có lẽ chuyến đi chơi sẽ rất hoàn mỹ đối với mình, nếu như trên đường về chứng kiến một tai nạn thương tâm. Lúc xe mình chạy ngang qua, chiếc xe kia chỉ còn lại khung sườn. Người, chắc đã chuyển tới bệnh viện. Bác tài xế kể, đây là đoạn vòng đường núi rất khó đi, ai chưa quen thì rất dễ bị lạc tay lái... Nghĩ ra, cuộc đời vốn là vô thường, vô thường giống như kinh Phật nói: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc". Ngày hôm nay, ta còn ngồi cười đùa với nhau, không ai dám chắc ngày hôm sau sẽ là chuyện gì nữa. Vì vậy hãy biết quý trọng từng phút giây của hiện tại, đó mới là hạnh phúc chân chính.

Về đến nhà, mọi việc đều ổn, mình ngủ một giấc thật sâu, và tận hưởng ngày cuối tuần với món canh rau ngót quen thuộc mẹ nấu.