14 thg 7, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Đà Lạt và những giấc mơ

Thật sự thì mình cũng không tính liệt kê bài viết này vào Nhật ký nghề nghiệp. Nhưng mà nghĩ đi nghĩ lại, phải từ trong công việc mới ra được kết quả như vậy. Nên thôi, tranh thủ viết vài dòng, gọi là hồi ức.

Mình mong đợi vào chuyến đi này thật nhiều, thật nhiều. Lẽ ra phải xuất phát từ tháng 5. Nhưng do tình hình công ty mình có một số việc bận rộn, vậy là dời sang tháng sáu. Còn một phần nữa là do Đà Lạt trong những ngày đó có xuất hiện mưa đá, nếu đi chơi thì khó mà tận hưởng phong cảnh được. Vậy là trong một ngày đầu tháng 6 đẹp trời, toàn bộ công ty mình xuất hành.

Nói là toàn bộ công ty thực ra cũng không đúng. Có mấy anh chị hình như không thích đi cho lắm, hoặc là người ta đã đi nhiều lần rồi. Còn đối với mình, nó gần như là lần đầu tiên.

Gọi là "hình như" bởi vì trong những ngày xưa, những ngày trí nhớ mình còn rất mơ hồ, mình đã từng đến nơi này, cũng độ một hai lần. Rồi lúc lớn lên, đã bắt đầu hiểu chuyện thì cũng có duyên đi ngang qua, nhưng mà không ghé vào.

Hồi đó, khoảng 4,5 tuổi gì đó, hoặc là lớn hơn chút xíu, mình có đi chung với ba mẹ mình và những anh em cô gì chú bác. Hồi đó mình bị say xe, còn hơn bây giờ nữa. Ngồi xe máy mà nôn lên nôn xuống, đến nỗi mẹ mình ngồi phía sau ôm mình phải lật ngược mình quay đầu lại, tựa đầu vào lòng mẹ, như vậy mới đỡ hơn. Nhớ lúc lên tới chân đèo, mọi người cũng nghỉ lại một ít tại một quán cơm nhỏ. Quán cơm đó, sau này lớn lên, mình ghé nó vẫn còn. Nhưng mà con người với cảnh vật thì gần như thay đổi hoàn toàn. Chỉ còn lại vị trí, với một cái quán, có thể là mới hơn, mọc lên.

Hồi đó, mình đi lên một cái chùa thật lớn. Chùa này không ở Đà Lạt mà cách khá xa, chỉ có đường đi ngang qua thôi. Nó nằm ở một nơi gọi là "Ngã ba Chùa", mình cũng không biết chính xác là ở đâu cả, chỉ nhớ từ "Ngã ba Phi-nôm" đi lên tiếp nữa. Nơi đó có Nội với bác Năm mình ở đó. Nội với bác Năm là người xuất gia, lâu lâu gia đình cũng ghé thăm. Nghe ba mẹ kể lại, hồi đó bác Năm khoảng mười mấy tuổi, đi lấy củi trên rừng, gặp một vị sư thầy và bắt đầu có duyên với cõi thiền. Mình thì cũng có duyên, nhưng mà không sâu nặng. Bình thường thì chỉ đọc vài quyển kinh sách và ăn chay vào những ngày rằm, đầu và cuối tháng.

Có một lần khác, trong trí nhớ mơ hồ của mình, chỉ có mình và ba mình đi. Cũng bằng xe máy. Ba chạy từ sáng, trưa đến nơi, rồi chiều về. Đi về trong ngày, nên ba vẫn tự hào là sức khỏe của ba rất tốt. Đó là lần duy nhất mình với ba mình đi xa như vậy. Lần này vì lý do sức khỏe, cũng vì bà Nôi nhớ nhà nên ba mẹ đã đón Nội về nhà rồi. Mình với ba mình chỉ lên thăm bác. Mà bác là người bận rộn, ba cũng sợ quấy nhiễu cảnh chùa thanh tịnh, nên chỉ nói chuyện một chút, nghe bác dặn dò, ăn một bữa cơm chùa rồi trở về.

Một lần nữa, là mình với mẹ mình, cùng với một người dì nữa. Lần này bà Nội mình đã trở lại chùa. Mọi người lên thăm. Lúc đó ba mình không còn nữa. Sức khỏe của Nội thì cũng giảm sút, bác Năm giữ lại chùa để dễ chăm sóc. Xét ra thì trong nhà, bác Năm là người con có hiếu nhất. Nhưng cái hiếu của bác, theo kinh Phật nói, đó là "hiếu xuất thế gian", nhiều lúc mình cũng không hiểu rõ lắm. Người kế tiếp phải tính là ba mình. Tiếc là ba mất sớm quá, tính ra cũng chưa làm tròn chữ hiếu với Nội.

Suốt quãng đường trên xe, mình cứ mãi chìm trong ký ức. Thỉnh thoảng, có vài cảnh đẹp bên đường, một ít ngả cua, vài con suối, những rặng trúc xanh vàng, những hàng thông, cũng thu hút sự chút ý của mình. Nhờ vậy, ký ức mới tạm ngủ yên mà trở về với niềm vui mới, được xem như là "lần đầu tiên đến Đà Lạt".

Đà Lạt, trong ký ức của mình, gắn liền với say xe. Và đương nhiên, lần này cũng vậy. Nhưng giờ đây nó đã vơi đi ít nhiều sau gần một năm nghề nghiệp với những chuyến công tác dài ngày. Giữa đường, xe có dừng lại một quán ăn nhỏ cho mọi người nghỉ ngơi. Gần đó có một con suối, cũng nhỏ, nhưng nước khá trong, mình có đi bộ ra đó... rửa chân.

Đà Lạt trong những ngày này, không khí không còn lạnh buốt như hồi xưa nữa. Có lẽ mình đã quen dần với việc say xe. Cũng có thể là không khí đã biển đổi rất nhiều, rất nhiều. Mà cũng chắc vì vậy nên mình cảm giác như thông không còn xanh nữa. Và lòng mình dường như se lại khi nhác trông thấy ở đâu đó, có những cây thông lá trở nên vàng úa, và thỉnh thoảng có những cây chỉ còn trơ lại gốc.

Điểm đến đầu tiên, nằm gần hồ Xuân Hương, đó chính là khách sạn nơi mình tạm trú. Mình không còn nhớ rõ khách sạn đó tên gì cả, chỉ nhớ là đối diện nó có một cái dốc đi xuống, dưới chân dốc, gần
trạm xăng là một cái công viên khá rộng, có những bông hoa màu đỏ mà mình không biết tên, một cái chòi để tránh mưa và một cây cầu cong cong bắt ngang dòng kênh nhỏ xíu. Có một buổi sáng, mình cố ý dậy rất sớm, sớm hơn mọi người và đi bộ ra đây chụp ảnh.

Khách sạn này nhỏ xíu, nhưng cũng tính là sạch sẽ thoáng mát. Buổi trưa đầu tiên được đãi dưới tầng trệt. Lúc đó mình cũng hơi mệt vì say xe nên không ăn uống gì được nhiều. Chủ yếu chỉ là ăn món rau trộn và một ít canh chua. Còn lại thì mọi người tranh nhau gắp. Xong bữa trưa, mọi người nhận phòng và nghỉ ngơi, đợi tới buổi chiều sẽ đi tham quan một loạt ba địa điểm du lịch mà mình chuẩn bị nói về chúng dưới đây.

Địa điểm đầu tiên, rất nổi tiếng với những cặp tình nhân: thung lũng Tình Yêu. Mình thì không nói, FA dài dài, đến đó không dám suy nghĩ gì nhiều cả, chỉ tập trung vào ngắm cảnh thôi. Mà mình cũng không ngờ thung lũng rộng đến vậy. Mình đi bộ sâu đến phía bên kia, trên đó người ta treo một hàng chữ màu trắng lớn, ghi "thung lũng Tình Yêu", tranh thủ chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. 

Địa điểm thứ hai, một cái tên rất lạ: "Đà Lạt sử quán", mà người ta treo thêm bảng tiếng Anh, hình như là Historical Village hay là gì gì đó. Mình cũng không để ý. Trong này người ta treo tranh thêu rất nhiều. Có một vài chị mặc áo dài đang thêu những tấm ảnh khá chi tiết và tỉ mỉ. Người xem không được nói to mà phải nói nhẹ nhàng, bước cũng nhẹ nhàng, như sợ làm tan vỡ không khí tĩnh lặng yên bình của khu thanh tịnh. Người ta còn cấm chụp ảnh nữa, nhưng ở một số nơi hẻo lánh, mình có thể chụp vài tấm. Sâu phía bên trong, người ta có phục vụ ăn uống nữa. Điều làm mình ấn tượng nhất ở khu vực này là người ta có treo lên những sợi chỉ đủ màu, gọi là "sợ chỉ chúc phúc", khách tham quan có thể rút ra và giữ lại làm kỷ niệm. Mình tranh thủ rút một màu một sợi.

Địa điểm thứ ba, cũng gần sát bên, có thể đi bộ giữa 3 địa điểm này, đó chính là Đồi Mộng Mơ. Trên đây có một cái cây, mình không biết cây gì, hình như là cây đa, bên trên nó vắt đầy những dải lụa màu đỏ, với quan niệm rằng, ai viết tên người mình yêu và những lời chúc phúc lên dải lụa đỏ và vắt lên cây, mơ ước sẽ trở thành hiện thực. Đương nhiên là mình sẽ không viết, với một FA như mình, dù cây này có linh tới cỡ nào cũng... bó tay. Thỉnh thoảng, mình tách khỏi mọi người và rảo bước khắp nơi. Có một công trình, người ta xây dựng bắt chước như Vạn Lý Trường Thành vậy, cũng có tường đá, những bậc thang kéo dài, những cái cổng cao. Trên cổng thỉnh thoảng còn viết một câu tiếng Hán, nghĩa của nó là chưa đi đến Trường Thành thì chưa gọi là người có chí lớn, người thành công. Tiếc là đây chỉ là một mô hình, dù có dài, đi mỏi cả chân, nhưng nếu so với Trường Thành thật thì còn thua rất xa. Mà Vạn Lý Trường Thành, vẫn luôn là một ước mơ mà mình luôn hướng đến. Hy vọng mình có một lần đặt chân đến đó.

Buổi tối, mọi người ăn cơm tại đồi Mộng Mơ, sau đó tham gia chương trình giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc C'Ho. Có cả nhảy múa với đốt lửa trại. Chương trình này rất vui, nó làm cho người ta cảm thấy không có sự phân biệt giữa vùng miền. Mình cũng bị kéo xuống nhảy, có nắm tay một nàng C'Ho. Bình thường thì mình cũng là người khá gò bó, vậy mà người ta có cách làm cho mình mở rộng tấm lòng ra. Có lẽ họ đã quen đón tiếp những người khách xa lạ và tạo ra sự thân thiện cho mọi người.

Sáng hôm sau, đoàn di chuyển ra ngoại thành Đà Lạt, với địa điểm tham quan tiếp theo là Làng Cù Lần. Sở dĩ gọi là "Cù Lần" vì ở đây có một loài động vật rất lạ, tên là "cù lần", hình như là cùng họ với chồn, mèo gì đó. Nó đi ngủ thành từng cặp và cuộn tròn lại với nhau. Lần đầu tiên mình nhìn thấy Cù Lần cảm giác rất tội nghiệp cho những con vật nhốt trong chuồng như vậy. Người ta còn đề bảng cấm chọc phá nữa. Có lẽ tụi nó cũng sợ người. Cảm giác ngồi trong một cái cũi sắt và để người ta nhìn mình như nhìn những sinh vật lạ thật không dễ chịu chút nào.

Muốn tới Làng Cù Lần, du khách phải lội bộ xuống một thung lũng tương đối bằng phẳng và có một cánh đồng cỏ xanh. Trước đó cũng phải đi qua nhiều bậc thang bằng đá và hai cái cầu treo. Có đường cho xe chạy, dành cho những người ngại đi bộ và người già cả. Giữa làng có một cái hồ, mọi người tập trung lại đây chơi đua bè. Một bè có 4 người, ai về tới bên kia hồ là thắng. Mình cũng xuống bè và thử sức, lúc lên bờ thì hai tay đã gần như mất cảm giác. Chắc là bình thường kém vận động quá.

Gần đó có một cái dốc tương đối cao, trên đỉnh dốc người ta thả 3 sợi dây thừng xuống, để phục vụ cho trò chơi leo núi. Lúc này mình cũng đã khá mệt nên không dám chơi nữa. Trò này tốn sức kinh khủng, nghĩ lại cảm thấy may mắn là mình không leo lên, nếu không chắc là bị huyết áp giống như bác bảo vệ.

Buổi trưa, mọi người ăn cơm tại làng Cù Lần, tranh thủ giữa buổi nghỉ trưa, mình lội bộ xuống thung lũng và ghé vào khu vực bán đồ lưu niệm. Đó là một ngôi nhà, giống giống như nhà rông của người Tây Nguyên vậy, nhưng không có sạp mà chỉ có 1 tầng. Bên trong có đủ thứ đồ lưu niệm: những chiếc mặt nạ độc đáo, mấy cái lọ, người ta gọi là lọ cây đinh lăng, pơ mu gì đó, hương để vài chục năm không hết, có những cái chuông gió bằng tre nứa, mỗi cơn gió tới toàn bộ phát ra tiếng leng keng, như hòa âm cùng vũ trụ. Có một vài cái nỏ thật, cung tên thật, mình rất thích, nhưng rất tiếc là giá trên trời nên mình không dám mua. 

Rời làng Cù Lần, vào buổi chiều, mọi người ghé thăm vườn dâu. Người ta có quy định rất lạ, ai mua đủ số lượng dâu người ta mới cho vào vườn để chọn hái quả. Vì lý do đó mà không ai mua hết, chỉ đi tham quan xong về. Nửa buổi chiều còn lại mọi người ghé chợ, và đi chơi riêng lẻ. Ban đêm thì tập trung ăn tối tại một nhà hàng gần hồ Xuân Hương. Mình cũng tranh thủ ghé hồ Xuân Hương, ngắm cảnh hồ, chụp vài tấm ảnh. Hồ Xuân Hương và chợ đêm rất gần khách sạn mình nên mọi người có thể lội bộ đi được. Không biết có phải mình quá khắt khe hay không, nhưng sao thấy hồ Xuân Hương không còn thơ mộng như trong tưởng tượng của mình, thỉnh thoảng có mùi rác thải và vài con cá chết nổi lên trên. 

Chợ đêm Đà Lạt rất nhộn nhịp và đông đúc. Mình đi dạo một vòng mà mỏi cả chân. Tranh thủ mua một ít trái cây, bánh mứt và mua quà tặng cho bạn bè. Nghe anh hướng dẫn viên nói, chợ này có thể trả giá tới 50%. Mình cũng trả giá nhưng mà không đến mức như vậy. Có lẽ là con trai không quen với việc đi chợ nên bị thiệt thòi. Mình bị hấp dẫn bởi những đồ thủ công mĩ nghệ và các loại trái cây lạ, nên cứ chọn những thứ đó mà mua. Có một loại quả, sau này khi đem về nhà ăn mới cảm thấy tiếc là lúc đó mình mua quá ít, gọi là mận Hà Nội. Thực ra thì nó thuộc họ nhà đào, có hạt giống hạt đào, nhưng vị thanh hơn, vừa chua vừa ngọt, có một chút chát, ăn với muối ớt ngon cực kỳ. 

Sáng ngày thứ 3, mọi người đi đến địa điểm cuối cùng, gọi là "Thiền Viện Trúc Lâm". Thực ra đó là một ngôi chùa, phần ngoại viện thì mở cửa cho du khách tham quan, còn phần nội điện thì ngăn lại, dành cho chỗ sư thầy tu tập. Mình chỉ loanh quanh ở khu ngoài, ngắm một vài tượng Phật, ngắm vườn hoa với mấy loài hoa lạ rồi rảo bước xuống những bậc thang gần đó, dẫn đến hồ Tuyền Lâm. Giữa đường có thanh chắn lại, mình cũng tranh thủ leo qua rồi đi xuống tiếp, tiếc là đường tương đối xa nên chỉ đi một nửa đường rồi quay về, vừa kịp trông thấy mặt hồ xanh thăm thẳm. Cũng muốn tìm cách lẻn vào nội viện cho biết nhưng người ta không cho, vậy là quay về. Mình ghé khu lưu niệm mua một thanh sáo trúc, coi như là đồ kỷ niệm trong chuyến đi chơi xa.

Buổi trưa, mọi người ăn cơm ở chợ. Nghỉ ngơi một chút rồi lên xe về lại Nha Trang. Mình tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi mua vài nhánh hoa Đà Lạt về tặng mẹ. Mẹ mình cảm thấy rất ngạc nhiên về tên của hoa: Hoa hồng tỷ muội, thường chỉ gọi tắt là hoa tỷ muội. Nó giống như hoa hồng, nhưng màu sắc phong phú hơn, và bông hoa nhỏ xíu. Mình từng biết loài hoa này, trong một bài thơ của Tống Anh Nghị, nhưng bây giờ mới gặp lần đầu:

"Xuân về cho lộc trổ tươi cành
Cho nắng vàng lay nhẹ tóc xanh
Cho áo em cài hoa tỷ muội
Cho duyên em tiệp cánh dành dành
Cho thơ phảng phất hồn sông núi
Cho ý đậm đà nghĩa yến anh
Cho thắm xuân xưa lời mẹ dạy
Một câu nhường nhịn chín câu lành."

Lẽ ra mình đã mua hoa này từ tối qua, nhưng để qua đêm sợ bị héo, nên giờ mới mua. Chuyển về Nha Trang cũng cẩn thận vô cùng, gói nhẹ trong giấy báo.

Có lẽ chuyến đi chơi sẽ rất hoàn mỹ đối với mình, nếu như trên đường về chứng kiến một tai nạn thương tâm. Lúc xe mình chạy ngang qua, chiếc xe kia chỉ còn lại khung sườn. Người, chắc đã chuyển tới bệnh viện. Bác tài xế kể, đây là đoạn vòng đường núi rất khó đi, ai chưa quen thì rất dễ bị lạc tay lái... Nghĩ ra, cuộc đời vốn là vô thường, vô thường giống như kinh Phật nói: "Sắc bất dị không, không bất dị sắc". Ngày hôm nay, ta còn ngồi cười đùa với nhau, không ai dám chắc ngày hôm sau sẽ là chuyện gì nữa. Vì vậy hãy biết quý trọng từng phút giây của hiện tại, đó mới là hạnh phúc chân chính.

Về đến nhà, mọi việc đều ổn, mình ngủ một giấc thật sâu, và tận hưởng ngày cuối tuần với món canh rau ngót quen thuộc mẹ nấu.
 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét