25 thg 12, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Miền Tây một thoáng vấn vương lòng

Điều làm tôi vướng vấn nhất trong chuyến đi miền Tây này, không chỉ là cảnh sông nước. Sông nước ở đây rất đẹp, rất hữu tình, nhưng đó cũng chỉ là một phần, nhưng không phải là phần lớn. Phần lớn vì miền đất này, đã sinh ra những người bạn, những người con gái, đã từng xuất hiện và đi qua cuộc đời tôi.

Xe Phương Trang đưa tôi đến Sài Gòn trong một buổi tối giữa tháng 12 mưa rào bất chợt. Sáng hôm sau có một chuyến trung chuyển từ quận 1 đến bến xe Miền Tây, rồi từ bến xe Miền Tây về đến Cần Thơ. Một phần vì say xe, phần khác là đường xa mệt mỏi, nên trên xe tôi ngủ suốt, lòng bị hấp dẫn bởi khung cảnh ven đường, nhưng không đủ sức để gượng ngắm được, nên cứ nhắm mắt mãi. May mà đến Cần Thơ, chúng tôi (tôi và một anh bạn không nghiệp khác) có ít thời gian để đi dạo một vòng quanh thành phố và ghé bến Ninh Kiều.

Ninh Kiều cũng là tên một quận nằm trong thành phố. Bến Ninh Kiều nằm sát con đường ven sông. Đứng từ bờ có thể nhìn thấy những cầu cảng nhỏ, nơi neo đậu một số tàu thuyền, có thấp thoáng vài con thuyền lớn, hình như là nhà hàng nổi ở trên sông. Từ bến Ninh Kiều nhìn xa xa ra, chính là ngã ba sông, nổi giữa 2 con sông Cần Thơ và sông Hậu. Nhìn từ bản đồ, sông Cần Thơ là một nhánh nhỏ xíu, chảy ngược từ hướng Tây Nam lên, đổ ra sông Hậu. Xa xa hơn nữa là cầu Cần Thơ, một trục thẳng trải dài, gác ngang qua cồn nhỏ giữa sông. Ngoài ra, trên đường đi chúng tôi còn được đi ngang một cây cầu khác, hình như là cầu Mỹ Thuận trên địa phận tỉnh Tiền Giang, bắc qua sông Tiền. Nhưng lúc đó tôi hơi mệt, nên chỉ kịp ngắm một ít phong cảnh ven sông.

Ninh Kiều, từ lâu trong những tưởng tượng của tôi, sẽ là một nơi lãng mạn, có những đôi lứa yêu đương hẹn hò. Tiếc là lúc tôi ghé vào khoảng giữa trưa nên vắng người và phong cảnh mất đi mấy phần ý thơ. Chắc là phải hẹn dịp khác, khi tôi quay lại thành phố này, sẽ cảm nhận được không khí Ninh Kiều hơn, như trong câu hát "ghé bến Ninh Kiều, hẹn người yêu..."

Khoảng đầu giờ chiều, chúng tôi trở lại bến xe và xuất phát về Thốt Nốt. Nơi đến, khách hàng của chúng tôi, là một đơn vị chuyên chế biển thủy hải sản đông lạnh, nằm ở khu công nghiệp. Chúng tôi phải dừng lại chỗ ngã ba Lộ Tẻ rồi nhờ khách hàng tới đón. Không biết sao người ta gọi nó là "Lộ Tẻ", chắc là hồi đó, con đường này "tẻ ngang", và đi các nơi khác.

Vì thuộc lĩnh vực đông lạnh, nên mấy ngày hôm sau, chúng tôi phải lặn lội vào phòng đông lạnh suốt. Nhiệt độ trong đó, có chỗ xuống tới âm 40 độ C. Chúng tôi phải mặc áo lạnh bảo hộ, có mũ trùm đầu, đeo găng tay dày và mang ủng nhựa. Nhưng bấy nhiêu đó không làm giảm được cái lạnh ăn mòn âm ỉ vào từng thớ vải găng tay, nên sau một lúc, khoảng chừng 30 phút, chúng tôi phải ra ngoài để nghỉ ngơi. Đối với những nhân viên bốc xếp làm việc trong đó, người ta đã quen với cái lạnh, và công việc vận động nhiều, nên khả năng chịu đựng tốt hơn người ngoài như chúng tôi.

Dù sao thì công việc cũng khá thành công. Khách hàng, từ anh thủ kho đến các nhân công, ai cũng đều rất thân thiện và hiếu khách. Mọi người cứ đùa giỡn nhau suốt, làm cho tôi cảm nhận được không khí chân thành của những tầng lớp lao động chân tay. Người ta có thể dốc hết sức lao động của mình, để rồi tối ngủ một giấc thật êm, không lo không nghĩ như những người làm công việc trí óc như chúng tôi.

Buổi tối, chúng tôi được sắp xếp nghỉ lại tại nhà khách của khách hàng, cũng khá đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày đúng giờ đi ăn tại căn tin. Ở đây chúng tôi được tự chọn món ăn, giống như là những buổi buffet vậy, ngoại trừ việc thức ăn không mấy phong phú (nói thẳng ra, chỉ có vài ba món). Nhưng vì đói bụng, bao nhiêu thức ăn đã hóa thành nhiệt lượng trong kho lạnh, nên chúng tôi ăn được rất ngon miệng.

Buổi chiều, khi công việc đã sắp xếp ổn thỏa, khách hàng đưa chúng tôi đến thành phố Long Xuyên để ăn chơi và... nhậu nhẹt. Khoảng cách chỉ khoảng 10km. Nơi này đông người hơn, và không khí cũng có đôi phần nhộn nhịp. Sau khi có vài chai, chúng tôi kéo nhau ra quán karaoke...

Lần đầu tiên tôi ghé Long Xuyên, cảm giác lúc đó khá là mơ hồ. Long Xuyên là thành phố nhỏ thuộc tỉnh An Giang. An Giang có Chợ Mới, có Cù Lao Giêng... Nhắc cho tôi nghĩ đến những chuyến phà, những vườn cây rộng, xoài trĩu cành, cá chép đùa dưới ao... Và đương nhiên, có những cô gái chân thành, nhiệt tình, dễ mến.

Trong những ngày này, tôi được gặp một cô gái như vậy. Nàng làm việc ở phòng kế toán, khi tôi lên đó, nàng bắt gặp. Tôi nhận ra đó là một người bạn quen nhau trên facebook, có cái tên dễ thương, một nửa của tên tôi. Nàng là người quen của người quen, nên cũng tính là người quen. Chúng tôi nói chuyện với nhau thật lâu, thật lâu. Nàng ở trọ tại Long Xuyên, mỗi tuần cũng về một lần. Nàng có mời tôi có dịp về miền Tây lần nữa thì ghé nhà chơi. Nàng đãi tôi một ly chè giấu sẵn đâu đó trong tủ lạnh vào cuối giờ làm. Nàng gọi tôi bằng em, giới thiệu tôi với đồng nghiệp là "em họ" ở xa. Tôi cũng kêu lại bằng chị rất ngọt, dù sao cũng hơn kém nhau 1 tuổi. Đó chính là một trong những điểm nhấn thú vị nhất trong cuộc hành trình của tôi. Chiều hôm đó, bao nhiêu mệt mỏi, áp lực của công việc, tưởng như tan biến đâu mất theo ly chè.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy rất sớm, đầu còn trình trịch vì những cốc bia, xe khách hàng đưa chúng tôi đến một địa điểm khách trong chuyến hành trình: Bạc Liêu. Từ Thốt Nốt xuống Bạc Liêu, phải nói là khó đi: đường dễ tai nạn, bắn tốc độ, nhiều đoạn cua ngã rẽ... Chúng tôi phải ngược xuống Cần Thơ, chạy qua Sóc Trăng, rồi mới đến Bạc Liêu, dừng lại tại một thị trấn nhỏ xíu nằm ven đường quốc lộ nơi đây.

Khách hàng lần này vẫn là đông lạnh. Nhưng quy mô ít hơn, và đã quen với khí lạnh, nên chúng tôi kết thúc công việc sớm hơn dự kiến. Đương nhiên, công việc của tôi vẫn gặp một ít trắc trở nhỏ, ví dụ như đôi mắt cận của tôi. Khi vào kho lạnh, hoặc là tôi phải thở rất nhẹ, rất nhẹ, vì hơi thở thoát ra bám vào kính sẽ làm cho kính mờ đục đi và không thấy gì cả. Nên tôi thường xuyên lau kính để nhìn cho rõ. Hoặc là tôi phải tháo hẳn kính ra, nheo mắt hết sức để nhìn mọi thứ xung quanh. Có một lần tôi đánh rơi bút chì xuống nền, nó lăn vào trong một cái kẽ, và mất luôn, vì không đủ thị lực để tìm lại nữa. Trong này người ta chỉ dùng bút chì để ghi chép. Bút bi chắc chắn sẽ không ra mực, nếu gắng gượng viết bút bi cũng được, nhưng phải thường ngậm vào miệng cho mực tan ra...

Cô khách hàng rất thân thiện, lại là người Nha Trang, cũng có tuổi nhưng chưa có gia đình nên bị công ty "đẩy" ra ngoài này làm, theo cách nói của cô như vậy. Cô kể cho chúng tôi nghe nhiều về cách sống của người miền Tây, chủ yếu là người Khơ-me, mà để giao tiếp với họ, cô phải lựa lời để diễn đạt cho rõ ràng, vì họ ít thạo ngôn ngữ Kinh. Cuối buổi, cô kẹp cho một cái phong bì. Nhưng chúng tôi nhã nhặn từ chối. Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là chiếc phong bì thứ 13 rồi...

Buổi chiều, cô cho xe đưa chúng tôi đến một địa điểm mới, tỉnh cuối cùng của Tổ quốc: Cà Mau. Lần này không vì công việc mà chỉ là ăn chơi. Hôm trước tôi đã xin phép sếp nghỉ một ngày, dù gì cũng hiếm có dịp về miền tây, nên muốn đi một lần cho biết Đất Mũi.

Nếu so với Bạc Liêu, thì Cà Mau nhộn nhịp hơn hẳn, dù chỉ cách nhau hơn 30km. Ở đây, chúng tôi để ý thấy cả một trục đường, với vô số quán massage, mà anh taxi kể, chỉ cần năm trăm ngàn, có thể được bao phòng khách sạn và... "phục vụ từ A đến Z". Con gái miền Tây chính gốc, mười tám đôi mươi...  Đương nhiên chúng tôi không bao giờ vào những nơi như vậy cả, nghe hấp dẫn thật, nhưng mà còn phải giữ mình. Chúng tôi chỉ đơn giản rủ nhau dạo một vòng thành phố, ghé vào một quán cf nhỏ bên bờ hồ, uống chút sinh tố. Buổi tối hôm ấy, chúng tôi ngủ tại Cà Mau, ngủ rất sớm, để sáng hôm sau chuẩn bị cho hành trình chinh phục Đất Mũi.

Khoảng 8h30 sáng, từ bến Cần Thơ, một bến sông nhỏ nằm dưới cầu Gành Hào, chúng tôi lên tàu cao tốc đi thẳng đến Đất Mũi, mà địa điểm cụ thể là một bến nhỏ hơn nữa, bến nhỏ xíu, tên là Rạch Tàu, bến này là điểm đến cuối cùng của chuyến tàu.

Tàu cao tốc, đúng như tên gọi của nó, cảm giác như lướt trên mặt sông. Nơi đây sông nước hữu tình, nhưng chỉ là lúc ra ngoài sông lớn. Còn tại bến, theo đúng như lời cô bạn của tôi từng đến đây kể, nước đen ngòm, đầy mùi ô nhiễm. Tôi để ý thấy những người bán hàng rong bên bến vứt rác xuống một cách rất tự nhiên, giống như là truyền thống bao nhiêu đời của họ vậy, mặc dù đâu đó người ta đã trang bị thùng rác sẵn sàng. Tự nghĩ không biết bao nhiêu năm nữa, nơi đây sẽ biến thành thế nào. Chẳng trách trái đất thường nổi giận như vậy, chính là do con người mà ra cả.

Từ thành phố đến đất mũi, chúng tôi qua nhiều bến khác nhau, tàu thường xuyên dừng lại để đưa rước khách. Ở đây người ta di chuyển chủ yếu bằng thuyền, xuồng, phà. Ra khỏi nhà là leo lên thuyền, cũng thường xuyên và tự nhiên như người ta đi taxi hay xe buýt vậy. Làm tôi nghĩ ngay đến thành Venice của Ý, mặc dù tôi chưa bao giờ đến đó, chỉ biết qua những bộ phim tình cảm lãng mạn. Đương nhiên là nó thua kém rất nhiều về nét phồn hoa lộng lẫy. Chủ yếu vẫn là phong bị mộc mạc dân đã. Tôi tạm gọi nơi này là "Vơ-ni-dơ của Việt Nam".

Nhà ở ven sông, người ta thường có 2 cửa. Một cửa hướng ra đường cái nhỏ, để đi xe máy trên những quãng đường gần. Một cửa sau chính là hướng ra mặt sông, có làm sẵn một cái cầu gỗ, chính là bến để neo tàu thuyền. Tàu cao tốc đến, chỉ cần hú còi, người trong nhà sẽ biết và ra bến đón. Mũi tàu có đệm bằng lốp cao su, có thể ghé vào bến, rồi người ta bước lên mũi tàu để xuống tàu. Tất cả đều làm tôi cảm thấy rất mới lạ, dù sao cũng là lần đầu tiên.

Thỉnh thoảng, có những hàng quán dọc bờ sông, giống như y là hàng quán trên đường bình thường vậy. Có cả trạm xăng, trạm sửa tàu, hàng tạp hóa... Có cả bán hàng rong. Hàng rong ở đây người ta bán bằng xuồng chèo tay, đậu ở ven bến, khi tàu lớn cập bến thì xuồng nhỏ cập vào tàu lớn, bán hàng qua cửa sổ tàu.

Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn bắt gặp những đoạn khá vắng nhà, chỉ toàn là cây cối. Nhiều nhất vẫn là rừng đước, rừng mắm. Đều là cây sống ngập mặn cả, nhưng mắm khác đước ở chỗ lá nhỏ hơn và xanh nhạt hơn, rễ cũng ít hơn. Người mới như mình thì nhìn nó giống giống nhau, phải nhìn kỹ lắm mới phân biệt được. Nghe bác đi tàu kể, cây mắm cũng có trái, nhỏ nhỏ, ngày xưa bộ đội thường luộc lên ăn trong những ngày đói, vị chát ngầm. Thân đước, thân mắm dùng để làm các cọc chống nhà, chính là những cái cọc chống từ sông lên, mà người ta xây nhà gỗ lên trên đó. Mà chắc là nước ngập mặn nên tuổi thọ của cột không cao, người ta phải thay đổi sửa chữa thường xuyên, may mà có nguồn cung cấp tại chỗ...  Còn có loại khác mà tôi quen thuộc hơn, chính là dừa nước. Dừa nước mọc thành từng dãy ven sông, trông xanh mướt, rất đẹp, mà ngoại trừ đẹp thì tôi cũng không biết nó có tác dụng gì không nữa, cũng chưa có dịp tìm hiểu.

Thỉnh thoảng, tàu của chúng tôi cũng bắt khách dọc đường, giống như xe khách vậy. Nhưng khách dọc đường này đi xuồng máy tới, chờ tàu dừng lại, ghé mũi tàu cho khách lên. Lâu lâu lại gặp những chuyến cao tốc khác, chạy ngược chiều nhau. Mà tàu cao tốc thì tốc độ đương nhiên phải cao, hai chân vịt ở sau tạo thành những làn sóng tương đối lớn, xen kẽ nhau, gây nên những vệt kéo dài đến tận hai bên bờ sông. Mỗi lần gặp tàu ngược nhau là tàu chúng tôi phải ghềnh lên gập xuống, y như là đường bộ gặp ổ gà vậy. Chỉ khác là ổ gà ở đây là nhất thời, và dễ chịu hơn. Sau nhiều năm đi tàu lại, tôi không còn cảm giác say sóng nữa. Có lẽ tàu trên sông êm hơn trên biển. Ngày đó, từ xửa từ xưa, khi mà cả gia đình tôi còn đi du lịch chung với bạn ba tôi ở suối Hoa Lan, tôi bị say tàu gần như trên suốt chặng đường biển, cả đi lẫn về.

Khoảng giữa trưa, tàu cao tốc của chúng tôi đến Rạch Tàu, ghé bến và đổ khách. Chúng tôi bắt đầu bằng hành trình xe ôm để đi đến Đất Mũi. Rạch Tàu cũng là một bến nhỏ, nhưng cũng khá đông vui. Có chợ cá, chợ trái cây, nhà cửa cũng san sát nhau ngay trên bến, những con đường đã đổ bê tông, mặc dù còn nhỏ xíu, nhưng đã có không khí xe cộ đông đúc của một thị trấn nhỏ. Nhưng đó chỉ là đoạn gần bến, xe ôm chở chúng tôi đến Đất Mũi khoảng 10 phút. Nhà cửa ngày càng ít đi. Thay vào đó, hai bên đường là những hồ nước ngập mặn, những con kênh, và đương nhiên là có cả rừng đước, rừng mắm.

Địa điểm quan trọng nhất trong chuyến đi này, chính là cột cờ Mũi Cà Mau. Nó được xây giống giống như một cái thuyền, có cột buồm, trên cột buồm là ngọn cờ tổ quốc tung bay, nằm trơ trọi giữa một khoảng đất trống, phía sau vẫn là rừng ngập mặn, trước mặt là bãi bồi và bờ biển rộng mênh mông bát ngát. Vào lúc chúng tôi đến có mây mù giăng khắp, nên không nhìn thấy được đường chân trời. Chúng tôi tranh thủ dạo một vòng, chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm và thán phục trước hình ảnh của Tổ quốc. 

Gần cột cờ là một cột mốc khác, gọi là cột mốc GPS 0001, cũng được chúng tôi ghé qua thăm. Đó có thể xem là cột mốc thứ 2 trong cuộc đời tôi, tôi thích gọi là nó là "nơi kết thúc của mọi con đường", để phân biệt với cột mốc thứ 1 mà tôi từng ghé qua, cột mốc Km số 0 tại Hà Giang, "nơi khỏi đầu của mọi con đường". Chuyến đi này coi như thành công tốt đẹp, vì 2 tỉnh chót cùng phía nam và phía bắc tổ quốc tôi đã đi qua.

Gần đó cũng có một cái đài khá cao, có thể leo lên ngắm cảnh được. Xa xa là cảnh rừng ngập mặn nguyên sinh, có mấy con kênh nhỏ xíu chảy dài. Nhìn phía bên kia là biển rộng bao la bát ngát. Cuối chân trời mây trắng lững lờ... Lòng tôi chợt cảm thấy nhẹ nhàng, như muốn trút bỏ mọi vướng bận trên đời.

Rời Đất Mũi, chúng tôi còn tranh thủ ghé qua một địa điểm nữa, một khu du lịch mới xây dựng bên bờ biển. Nơi này hơi xa, khoảng mười mấy cây số, lại đang xây dựng dở dang nên lúc chúng tôi đến, không có ai ghé thăm cả. Chỉ có mấy người bảo vệ gần đó. Chúng tôi đi dạo một vòng ngắm cảnh. Trung tâm của khu du lịch này là một bức tượng Quan âm rất lớn, hướng nhìn ra biển, như là cầu cho biển cả bình an... Nghe nói rằng, hiện tại đang có một dự án, người ta sẽ xây đường lớn, nối từ thành phố Cà Mau đến thẳng khu du lịch này. Hy vọng là lúc đó sẽ không người hơn, không còn cảnh hương khói vắng tanh thế này nữa...

Chúng tôi rời Rạch Tàu trong một buổi chiều vội vàng. Phải về cho kịp chuyến xe đêm. Lại 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên sông nước. Lần này tự nhiên trời chợt đổ mưa giông rất to. Ngồi trên tàu mà các cửa đóng kín, cửa kính nhưng mà màn mưa mờ ảo,  nên tôi không được dịp ngắm nhìn "Vơ-ni-dơ của Việt Nam" nữa. Tàu ghé bến Càu Mau, chúng tôi lên taxi về bến xe, ăn vội một ít hủ tiếu ở gần đó. Hủ tiếu Cà Mau cũng dễ ăn, không bị chặt chém gì nhiều, 20, 25 ngàn gì đó một tô. Chúng tôi ngồi trò chuyện đôi chút với cô bán vé xe trong thời gian chờ xe. 

Xe Liên Hưng rời bến Cà Mau trong một buổi tối mưa nặng hạt. Đây là một trong những chuyến xe ít ỏi chạy thẳng từ Cà Mau về Nha Trang. Đương nhiên dọc đường xe cũng có dừng lại ở nhiều nơi, kể cả Sài Gòn, để đón đưa khách. Cả ngày hôm sau tôi vẫn ở trên xe. Khoảng 4h chiều mới về tới Nha Trang. Trên đường đi tôi lại bị say xe. Nhưng cũng cố gắng gượng đôi chút xuống bến dừng, tìm mua một ít nem Lai Vung và bánh bía về làm quà cho mẹ và đồng nghiệp. Dù sao thì cũng lần đầu ghé miền Tây mà. Bánh bía thì rất ngon. Hộp 4 cái thôi, bánh hình tròn, nhỏ hơn bánh trung thu. Vỏ bằng bột, nhân có vị sầu riêng và lòng đỏ trứng muối, vị ngọt thanh thanh vừa ăn. Nem Lai Vung thì nhìn chung không ngon như nem Ninh Hòa. Nem được làm bằng bì, có thêm một miếng ớt, một miếng tỏi, một miếng tiêu. Gói trong lớp nilon, sau đó là lá chuối. Mở ra vẫn còn mùi thịt sống, bì sống, nên ăn không ngon. Mẹ tôi phải nướng lên để ăn với cơm. Mà không hiểu nổi nữa, nem lại gói trong túi nilon, không có hương vị của lá ổi, lá chùm ruột tự nhiên thì sao nó lên men được cơ chứ. Không bằng nem Ninh Hòa là đúng rồi. 

Mà tự nhiên viết tới đây lại nhớ nem Ninh Hòa. Cuối tuần chạy về nhà mua ăn mới được...

1 nhận xét:

  1. Nặc danh18:24 28/12/14

    Anh ăn nem Dục Mỹ chưa, tuy cũng được gói trong túi nilon nhưng ngon lắm đó

    Trả lờiXóa