19 thg 8, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Lần đầu đến thủ đô và một chuyến tàu dài.

Là người Việt Nam nhưng từ trước đến giờ vẫn chỉ biết đến Hà Nội qua film ảnh và những trang sách. Mình thích gọi thủ đô với tên Hà Thành hơn, nghe rất có chất thơ, giống như cách mình gọi Sài Thành của những ngày xưa vậy. Đây chính thức là lần đầu tiên mình đặt chân đến thủ đô.

Đó là một chuyến đi dài. Những lúc có cảm xúc thì mình lại không đủ thời gian để ghi lại. Còn lúc có đủ thời gian thì chỉ có thể dựa vào hồi ức để viết ra, lại lúc nhớ lúc quên. Dạo này trí nhớ mình cũng hơi kém nữa. Không biết vài năm sau, mình còn nhớ được gì về chuyến đi này, nên tranh thủ lúc ngồi trên tàu ghi lại vài dòng. Tên là nhật ký, thực ra, nó thuộc về ký ức nhiều hơn.

Một điều rất đáng tiếc là khi ở Hà Nội, mình không có nhiều thời gian để đi thăm các nơi. Đa phần thời gian là ngồi trên máy tính với mớ công việc. Còn lại thì chỉ có giờ ăn cơm là rảnh rỗi. Còn chưa có may mắn được viếng lăng Bác nữa, nên cũng tính là một chuyến đi chưa trọn vẹn. Hy vọng đến cuối năm sẽ trở lại và đi nhiều hơn.

Mình phải mở lại lịch để xem ngày bắt đầu khởi hành, ngày 13 tháng 7. Tính đến hôm nay ngày 3 tháng 8 đã là trọn 3 tuần rồi. Thêm một tuần không về nhà nữa là mình đi "du lịch" tới gần tháng không về nhà. Mà cũng không tính là "du lịch", nó gần với "lữ hành" hơn, mà thực ra đó là những chuyến công tác dài ngày mà cuộc đời nghề nghiệp của mình sẽ không thể tách rời.

Hôm đó mình còn mải mê với một mớ giấy tờ của khách hàng trước đó. Khoảng gần 5h chiều thì tàu chạy. Đó là một buổi chiều có mưa nhỏ, trên con đường ngang qua công ty mình vắng hoe. Mình phải in cho xong giấy tờ rồi xách hành lý chạy như bay xuống đường đón taxi. Thật lâu, thật lâu không có chuyến xe nào qua cả, gọi lên tổng đài thì người ta ừ ừ, xong rồi mình cũng phải đợi. Đến cuối cùng phải nhờ đến bác bảo vệ xách xe máy chở mình ra tới ga.

Lần đó mình muộn giờ tàu chạy gần 10 phút. Nhưng rất may mắn một điều là tàu còn đến muộn hơn mình, tới 20 phút, nên cũng không tính là trễ tàu. Sau sự việc đó, tự nhiên ngộ ra rất nhiều điều mà trước đây mình không để ý đến. Đó là cách sắp xếp công việc mình chưa hợp lý, cứ xem thường những chuyện nhỏ xíu. Nhưng tới những khoảnh khắc quyết liệt, những chuyện nhỏ xíu đó sẽ tích tụ lại và cắt đi của mình khối thời gian. Vì thế tốt nhất là nên giải quyết hết những chuyện nhỏ xíu ngay khi nó mới phát sinh.

Điều thứ hai là có lẽ mình quá nghiêm khắc với vấn đề thời gian. Bình thường thích đi đúng giờ, có khi còn đi sớm để dự phòng đột xuất. Cũng vì vậy mà mình không thích người đi trễ lắm, tất nhiên là đối với bạn bè thì không sao, "yêu nhau chín bỏ làm mười", còn đối với người khác tất nhiên là sẽ để ý đến chuyện đi sớm trễ rồi. Mà sau chuyện này chắc mình sẽ không còn nghiêm khắc về vấn đề này nữa, chuyện gì cũng có nguyên nhân hậu quả, mà có khi trễ cũng có nguyên nhân hoặc cái hay của nó. Giống như chuyến tàu đó, nhờ nó bị trễ mà mình không bị bỏ rơi khỏi lịch trình. Mà nếu mình trễ chuyến tàu đó thì hậu quả chắc không cần phải nói.

Cần phải nói thêm là đi tàu chỉ là phương án dự phòng. Theo kế hoạch mình sẽ được đi máy bay bay ra thủ đô, chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Nhưng vào phút cuối cùng thì bị chuyển lịch, chắc do bên khách hàng yêu cầu, lúc đó thì xoay sở không được vé máy bay nữa, nên đành đi tàu lửa. Thế là mình ở trên tàu đến 28 tiếng. Đến 10h tối ngày hôm sau mới tới được Hà Nội.

Thực ra mình không ngại đi tàu, đi tàu có khi còn khỏe hơn đi xe giường nằm, không khí thoáng hơn, ít bị say xe nữa. Chuyến đi đó mình không có say, chỉ hơi mệt thôi. Chẳng qua là ngồi tàu nhiều quá, đến 28 tiếng, không có việc gì làm tự nhiên sẽ cảm thấy buồn chán, mà buồn chán thì dễ sinh ra suy nghĩ tiêu cực. Không có việc gì làm thì cứ tìm cách vùi đầu vào ngủ, đến giờ ăn thì có một chiếc xe người ta đẩy qua, đồ ăn tăng giá đến 50%, rồi còn nhiều vấn đề khác... Nói chung là lâu lâu đi 1 lần thì không sao, chứ ai đi tàu liên tục (như mấy cô chú làm ngành đường sắt chẳng hạn), chắc là sẽ mệt lắm.

Cũng được an ủi đôi chút là trên tàu có ổ cắm điện, mình có thể mở laptop lên để comment trên facebook, hoặc viết vài dòng ký ức. Lâu lâu cũng đọc một chút xíu tin tức. Cuối cùng là chat với bạn bè... Như vậy cũng có cảm giác thoải mái hơn. Ngoài ra, trên đường tàu chạy có đi qua rất nhiều nơi, nhiều phong cảnh đẹp. Nếu không tính ban đêm không nhìn thấy gì ngoài ánh đèn đường với nhà cửa thì những nơi lạ mình qua mình đều để ý đến phong cảnh xung quanh. 

Tàu đi từ Nha Trang, qua rất nhiều nơi, đầu tiên đương nhiên là Ninh Hòa. Nhưng tàu nhanh nên không ghé mấy ga nhỏ như Ninh Hòa. Sau đó là Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, Nam Định.... rồi mới tới Hà Nội. Mà còn nhiều ga nữa, mình không nhớ nổi tên. 28 tiếng, dừng vô số lần, người lên rồi người xuống, xa lạ nhưng cũng có chuyện để nói với nhau.

Có một lần tàu dừng chân tại Huế. Mình xuống ga tranh thủ mua một gói xôi. Xôi Huế rất ngon, vừa dẻo, vừa thơm, vừa ngọt, chắc là hạt nếp được nuôi dưỡng từ nước sông Hương. Mình thì lên tàu rất ít ăn, sợ ăn nhiều rồi mệt, bị say tàu, nên lâu lâu chỉ nhắm nháp một ít xôi. Mình vẫn có ước mơ một lần đến Huế để cảm nhận không khí của phố cổ, của nước sông Hương bên thôn Vĩ Dạ trong thơ Hàn Mặc Tử, rồi thăm chùa Thiên Mụ, núi Bạch Mã, đi xem trường Quốc học nơi Bác Hồ học ngày xưa... Tất nhiên điều quan trọng nữa là được nhìn những nàng con gái xứ Huế, áo dài nón bài thơ, xem có đủ phong vị dịu dàng giống như trong sách vở hay không. Nhưng tiếc là vẫn chưa có cơ hội, chỉ ghé ngang rồi đi. So ra thì mình vẫn thua kém anh mình nhiều, thời sinh viên anh mình có ra Hà Nội thi tin học, rồi đi làm được công ty tổ chức cho đi Huế. Còn mình chẳng có mấy khi có cơ hội đi du lịch như vậy, đa số thời gian là vì công việc mà đến, vì công việc mà đi...

Có một đoạn, mấy vị khách trên xe nói chuyện với nhau rất thú vị. Mình cũng nghe lén được một ít chuyện. Có một đôi vợ chồng còn khá trẻ, vợ là người Việt Nam còn chồng là người Trung Quốc. Anh chồng ở Việt Nam hai năm rồi nên rất giỏi nói tiếng Việt. Người ta khen ở Việt Nam du lịch thì có 2 nơi là tốt nhất là Đà Lạt và Nha Trang. Còn những nơi khác chỉ thích hợp đi làm ăn. Còn có nhiều chuyện khác, nhưng mà đều là tình hình chính trị với mấy chuyện xứ người nên mình cũng không quá quan tâm.

Tàu ghé Hà Nội khoảng 9h30 tối. Anh đồng nghiệp của mình ở Nha Trang có quen một chị ở Hà Nội, 2 người cũng thân mật nên nhờ người ta dẫn đi một vòng quanh bờ hồ Gươm rồi mới về khách sạn nghỉ. Có đi qua Lăng Bắc với đường Thanh Niên bên hồ Tây nữa, nhưng không ghé xuống vì đã muộn rồi, mà mình cũng hơi mệt sau một đoạn đường dài. Không ghé xuống nhưng ít nhất mình cũng đã đến đó. Con đường này còn mang tên là Cổ Ngư, một cái tên rất lãng mạn trong âm nhạc và thơ ca. Ở đối diện bờ hồ Gươm có một đoạn đường, hình như gọi là phố Tràng Tiền hay gì gì đó, trong đó người ta chuyên bán kem Tràng Tiền. Có chỗ đậu xe ở khắp mọi nơi, nhưng không có ghế ngồi cho người mua kem. Lần đầu tiên ghé vào mình rất ngạc nhiên với cảnh người ta ngồi ngay trên xe máy, ăn vội một vài que kem rồi chạy đi, như thể kem Tràng Tiền phải ăn theo cách ăn vội vã của chốn đô thành như vậy thì mới có cảm giác. Nhưng thực sự thì người rất đông, ai cũng ăn theo kiểu đó hết nên chắc người ta không cảm thấy xa lạ với nó nữa. Mà mua kem cũng không phải là dễ, chị đồng nghiệp phải xếp hàng cả buổi mới mua được. Không biết có phải do mệt hay không, mà mình cảm thấy kem Tràng Tiền cũng không khác mấy với kem khác, chỉ có điều hơi ngọt hơn thôi. Mà cầm que kem phải ăn nhanh, chứ không khí ở Hà Nội mùa này tương đối nóng, kem sẽ tan chảy mất. Chắc người ta thích nó vì không khí ở đó: người đến, xếp hàng mua kem, dựng xe vỉa hè, ngồi trên xe ăn, ăn xong rồi đi.

Ghé qua bên bờ hồ, mình có đi ngang Hàng Đào, nơi chuyên bán quần áo, đồ lưu niệm giống như chợ đêm Nha Trang vậy. Quy mô thì cũng tương tự, nhưng mình cũng không đi sâu vào bên trong, chỉ ghé qua có chút xíu, uống chút nước sấu có cảm giác lạ lạ rồi đi ngay. Loanh quanh bờ hồ chụp vài tấm ảnh có cầu Thê Húc với Tháp Rùa. Tiếc là tháp Rùa ở xa quá, nên trông ảnh trông nhỏ xíu. Còn cầu Thê Húc thì đẹp hơn, màu đỏ với ban đêm nữa, người ta thắp đèn sáng trông xa rất lộng lẫy. Tiếc là mình không vào được đền Ngọc Sơn, Nghe nói 6h chiều là người ta đóng cổng cầu Thê Húc lại, nên đền cũng bị chia cắt. Mình cứ tưởng ai vào cũng được, không ngờ còn có chuyện bán vé vào cổng nữa, cũng hơi buồn. Mặc dù vậy, mình vẫn giữ nguyên được cảm giác rất thú vị, rất mới mẻ của một người lần đầu đến thủ đô. Thì ra thủ đô là như vậy, dẫu cho đông đúc, xe bụi, kẹt đường, dẫu cho mình chỉ mới nhìn thấy một góc nhỏ xíu, nhưng vẫn có cảm giác say lòng người.

Hồi trước đọc trên mạng một bài viết rất hay, không nhớ rõ nguồn nào, người ta liệt kê những lý do nên đến Hà Nội, và có cả những lý do không nên ở lâu ở Hà Nội. Tiếc là mình chỉ mới đến có vài ngày à, còn chưa cảm nhận được hết. Mà mình thấy, lý do mà không nên ở lâu, đương nhiên chính là vấn đề giá cả. Mặt bằng giá cả chung ở Hà Nội cao đến nỗi với một số tiền lương khá khiêm tốn như mình, ở thành phố có thể ăn được bún, ở Nha Trang có thể ăn phở, còn đến Hà Nội chắc chỉ có ăn mì gói. Đúng với câu nên đến, nhưng không nên ở lâu.

Hai ngày ở Hà Nội cũng tương đối ngắn ngủi, mình ở trọ tại một khách sạn nhỏ bên đường Giảng Võ. Đường Giảng Võ có 2 đoạn, một đoạn khá rộng lớn, có mấy làn đường cho xe chạy, còn đoạn mình ở nhỏ xíu, chỉ đủ cho 1 chiếc taxi quay đầu, tất nhiên là bác tài phải khéo léo lắm mới được. Công ty mình cũng có một chi nhánh ngay trên đường đó, chi nhánh ở Hà Nội khá lớn so với Nha Trang, có một phòng nghỉ cho khách, cũng đầy đủ tiện nghi, mấy chị đồng nghiệp thì ở đó, vừa tiết kiệm chi phí khách sạn, vừa có sẵn giấy tờ công cụ để làm việc.

Trước khách sạn có một con hẻm nhỏ, buổi sáng mình thường ăn ở đây, có món bún rêu cua, ăn rất lạ miệng. Tất nhiên là không ngon, chỉ lạ miệng thôi, lâu lâu ăn thì cảm thấy dễ tiếp thu, nếu ăn nhiều thì chắc là không nổi. Nước bún, người ta gọi là "nước dùng" hay "nước hàng", người ta bỏ nhiều cà chua, có vị chua lạ. Còn hương vị cũng hơi loãng, thiếu mặn, thiếu ngọt. Nói chung là không mặn mà như món bún cá Ninh Hòa của quê mình. Bù lại, hai vợ chồng anh chủ quán rất nhiệt tình, còn trò chuyện với khách nữa, biết được đoàn là kiểm toán luôn (vì năm ngoái có mấy anh chị cũng ghé quán này). Hôm cuối cùng anh chủ quán còn mời mọi người uống nước với một ít bánh ngọt. Mỗi người một cái, mình quên hỏi tên bánh rồi, ăn cũng rất lạ miệng. May mắn là mình kịp hỏi tên người, hy vọng cơ hội quay lại Hà Nội sẽ nhớ được tên ảnh để gọi.
Khách hàng đầu tiên nằm ở một khu phố tên là phố Trung Hòa, cũng cách chỗ ở mình khá xa. Ngày đầu tiên khách hàng đưa xe tới đón, còn những ngày còn lại thì nhóm tự đi taxi. Buổi trưa thì ăn trưa tại khách hàng, người ta có nấu cơm theo kiểu gia đình, dọn riêng có nhóm một bàn. Cô kế toán bên đó cũng khá lớn tuổi, lâu lâu cũng đem qua cho một mớ trái cây. Có một món mận rất lạ, giống như quả đào vậy, bên trong thì giòn xốp, bến ngoài có lông mịn như trái kiwi, nhưng mà lúc đó bận quá, chỉ kịp ăn một miếng rồi thôi, cũng chưa kịp hỏi tên quả gì.

Trong buổi tối nhóm mình có đi cùng với chị Phó giám đốc. Chị dẫn đi ăn tối tại một quán cóc bên đường, mình may mắn được nếm qua món "bò bít tết", mà chắc ở Sài Gòn, người ta thường gọi là "bó né". Mình chưa ăn bò né Sài Gòn bao giờ cả, 4 năm ở đó chỉ toàn học và học. Nghĩ lại cũng hơi tiếc, hy vọng hôm nào sẽ quay lại nếm thử. Giờ nếm bò bít tết Hà Nội tự nhiên cảm thấy xa lạ. Toàn thịt, trứng, dầu mỡ... với một ổ bánh mì. Thêm một chút tương ớt vào, ăn cũng tương đối được, nhưng nói chung là không hợp khẩu vị, chủ yếu là do đói mà ăn thôi. Với lại từ chỗ khách sạn mình ở đến quán phải đi bộ qua 2 con phố cũng hơi tốn năng lượng nên cứ ăn cho no trước đã. Mà nó cũng không giống như mấy món pít tết của phương tây cho lắm. Ăn thì cũng dùng dao nĩa, nhưng thịt không có vàng rươm mà tái mét, không có một chút nào khẩu vị "7 phần chín, 3 phần sống" của người sành sỏi, đừng nói chi là đến phong vị của quý tộc. Mà giá cả thì không cần phải nói, ở Hà Nội mắc kinh khủng, kêu thêm 1 ly trà đá tốn mất 5 ngàn đồng. Chẳng bù với ở Sài Gòn, và thỉnh thoảng ở Nha Trang, mình vẫn thấy đâu đó có một cái thùng nhựa với mấy cái ly, trên biển đề "trà đá miễn phí". Dù có đi giữa trời nóng, dù cho không có ghé vào để uống, nhưng nhìn những chỗ như vậy tự nhiên cảm thấy mát lòng người.

Cũng trong buổi tối hôm đó, chắc là vì món bò né không đủ no, hoặc  không hấp dẫn nên mọi người rủ nhau đi ăn kem. Mình chỉ nhớ mơ hồ đó là một quán kem rất ngon, không nhớ tên đường là gì cả, chỉ nhớ quán đó toàn màu xanh, là quán kem Nz hay Oz gì đó. Sau này gõ google tìm lại mới biết nó tên đầy đủ là "Kem chua Nz", viết tắt của New zealand, nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Trong đó có bán đủ loại kem, nhưng chủ yếu vẫn là kem tươi (không biết sao người ta gọi là tươi cả, chắc là sản xuất tại chỗ hoặc là mới sản xuất gì đó). Kem tươi thì chia làm 2 loại, kem tươi chua và kem tươi ngọt. Mùi vị thì giống như tên gọi, có lẫn thêm một chút hương vị trái cây, ca cao, sữa, dâu... Giá cả cũng tạm được, tầm 20k là có một cốc kem ngon lành. Nhưng có điều hơi ít, với lại do chị Phó giám đốc đãi nên cũng không dám gọi thêm, ăn chưa đã thèm.

Nếu so với kem chỗ Tràng Tiền mình ăn trước đó thì cũng khó nói món nào ngon hơn, hoặc là cả 2 đều ngon như nhau (chắc do mình hảo ăn kem). Nhưng mình vẫn thích không khí tĩnh lặng ở đó hơn, có một phong vị riêng mà cái không khí xu bù, vội vã của phố Tràng Tiền không thể nào so sánh được.
Buổi chiều ngày thứ 2, sau khi kết thúc công việc ở khách hàng, mọi người lên đường tới Tuyên Quang, địa điểm tiếp theo trong cuộc hành trình. 2 ngày ở Hà Nội khá ngắn ngủi và mình chưa cảm nhận gì nhiều. May mắn là sau đó mình còn được trở lại 2 ngày khác nữa. Đủ thời gian để đi dạo phố Hàng Đào, mua một số đồ lưu niệm. Nhưng đó là một câu chuyện khác khi mà gần 2 tuần sau mình mới quay trở lại. Những chuyến đi dài ngày của mình vẫn còn tiếp tục. Lần này, không phải tàu hỏa mà là những chiếc xe chật kín người, và những cơn say xe...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét