26 thg 8, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Hà Nội - Quảng Bình, chuyến hành trình còn tiếp tục

Quay lại Hà Nội cũng là tính là một cái duyên của mình. Khi mà lần đầu tiên đến Hà Nội mình chỉ nán lại 2 đêm, chưa kịp đi nhiều, quan sát nhiều. Sau lần đi Hà Giang, cả nhóm lại chuyển về Hà Nội. Tối 25/7 mọi người lên xe, ngủ 1 giấc, sáng hôm sau là tới nơi. Lại là bến xe Mỹ Đình. Lần này tâm trạng tốt hơn chút xíu, một phần là không bị say xe nữa, đa phần là công việc khá thuận lợi.

Lúc mình quay lại, Hà Nội đã có một vài cơn mưa nhỏ. Trong một buổi chiều làm ở khách hàng về, chị nhóm trưởng quyết định dành vài phút (thực ra là một khoảng thời gian đáng kể) để đi dạo chơi bên bờ hồ và ghé chợ Hàng Đào. Mọi người ăn tối cũng gần đó, rồi đi bộ loanh quanh một vòng. Mình tranh thủ ghé qua mấy cửa hàng nhỏ, tìm mua một vài món đồ kỷ niệm, để tặng bạn và cũng để giữ lại. Chợ đêm Hàng Đào cũng khá đông người. Chủ yếu đương nhiên vẫn là du khách thập phương, có nhiều người nước ngoài. Dạo một vòng thì thấy người bán hàng cũng nắm bắt một ít ngoại ngữ. Có cô sinh viên nọ dọn ra một quầy thiệp nổi, 50k/cái, cũng giao tiếp khá tốt với khách hàng nước ngoài.

Ở Hà Nội, nhóm tách ra làm 2. Có 2 chị khác phải về trước vì có việc bận ở Nha Trang. Mình với hai anh chị nữa thì nán lại. Xong công việc ở Hà Nội chỉ trong 2 ngày. Tối hôm sau nữa là mọi người ra ga để quay vào Đồng Hới, làm tiếp một khách hàng khác. Buổi chiều hôm đó có ăn lại món "bò bít tết", cũng ở chỗ cũ. Có mời một chị đồng nghiệp người Hà Nội ăn chung, gọi là cám ơn chị đã mua dùm vé tàu về. Nhìn chung thì người Hà Nội rất nhiệt tình, rất dễ quen, dễ nói chuyện.

Chuyến tàu trở vào Đồng Hới cũng là một chuyến tàu tương đối dài. May mà vẫn ngắn hơn so với lúc khởi hành Nha Trang - Hà Nội, cộng với tàu chạy vào lúc đêm, nên mọi người lên tàu ngủ một giấc, cũng dễ thở. Buổi sáng hôm sau, tới Đồng Hới, tìm khách sạn, nghỉ ngơi và ăn chút ít bánh mì.

Khách sạn mình ở tên là Anh Linh, nằm trong một con đường phụ, cũng rộng rãi nhưng khá ít xe cộ qua lại. Cũng rất gần với chỗ làm việc của khách hàng, có thể đi bộ tới. Cách gần đó là cửa biển Đồng Hới, nhìn lên phía trên là cầu Nhật Lệ, hướng xuống dưới là một cái nhà chùa đổ nát, là một di tích lịch sử của thời chiến tranh. Buổi sáng ghé đó có rủ anh đồng nghiệp đi dạo một vòng qua tới cả biển. Trời mưa phùn lất phất, không khí rất dễ chịu.

Cảm giác đầu tiên của mình đối với Đồng Hới nói riêng và cả Quảng Bình nói riêng là một vùng đất đầy những địa danh hấp dẫn, rất nên đi, nhưng tiếc là chưa đi được. Sông Gianh phân chia 2 miền thời Trịnh Nguyễn. Rồi tới chiến tranh chống Mỹ, vùng Bình Trị Thiên bị tàn phá ác liệt. Rồi có đèo Ngang phân cách 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, là nơi xuất xứ của bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng của bà huyện Thanh Quan. Ngoài ra còn có động Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới. Nghe nói gần đây người ta còn phát hiện ra động Thiên Đường, về quy mô còn lớn hơn cả Phong Nha, chắc cũng đang làm hồ sơ xếp hạng. Hôm đó chú kế toán còn bàn bạc với mọi người, nếu công việc xong sớm, có thể đưa mọi người đi động Thiên Đường chơi, đáng tiếc là vẫn không có dịp.

Khách hàng ở Đồng Hới rất thân thiện. Lần đầu tiên nhóm xuống nên cũng có ấn tượng khá tốt. Buổi đầu tiên, rồi buổi thứ 2, thứ 3... chị kế toán và chú kế toán trưởng dẫn đi ăn sáng ở một số nơi, sau đó cũng có tổ chức đãi tiệc. Mình ấn tượng với một quá cafe khá đẹp mà khách hàng dẫn vào, tên là Coco, được trang trí theo kiểu thiên nhiên, bên trong là một mái vòm có bộ khung bằng tre, tán ra giống như cái ô, ở trên lợp lá tranh, tàu dừa, xung quanh là hồ sen bao bọc. Nghe nói quán này được thiết kế bởi một kiến trúc sư khá nổi tiếng tên là Võ Trọng Nghĩa, cũng là người Quảng Bình. Ông này có giải thưởng gì gì ở nước ngoài về thiết kế thân thiện với thiên nhiên. Ở Việt Nam chỉ có 2 quán cafe do chính tay ổng thiết kế, một quán nữa là ở đâu Bình Dương Bình Phước gì đó.

Nói về tiệc tùng thì trong mấy buổi tối liên tiếp đều bị khách hàng ép nhậu. Lần này là chú kế toán, sau đó là chú giám đốc, mọi người có mặt dần dần, giống như là cố ý ép nhóm say mèm. Nhưng thực ra không phải vậy. Người ta cũng tương đối thân thiện, nhất là chú kế toán trưởng, lên bàn tiệc kể toàn chuyện cười, cười nhất tất nhiên là sự bất đồng ngôn ngữ giữa các miền. Mà công nhận người Quảng Bình nói tiếng êm tai, nhưng mà khó nghe, được đánh giá là rất gần với tiếng Huế. Huế thì mình chưa đi, nhưng hồi xưa cũng được may mắn học chung với mấy đứa người Huế, nghe tụi nó nói chuyện bằng giọng chính gốc cũng thấy vui vui.

Có một dạo, khách hàng đãi ăn trên một con thuyền nhỏ, cấm neo giữa dòng sông Nhật Lệ, có bến để đi vào. Ngồi cũng khá vững chắc, không có cảm giác chìm chìm nổi nổi giữa sông. Trên này người ta đãi mấy món hải sản, cũng tương đối dễ ăn, mùi vị thì cũng tương tự như hải sản Nha Trang. Hoặc có thể là mình không sành ăn lắm nên không phát hiện ra sự khác biệt. Lần đó, và sau này trong quá trình làm việc, có quen biết một cô kế toán, sinh năm 88, cũng khá dễ thương. Nhưng mà mình đã lỡ khai khống tuổi lên thêm, nên người ta cứ gọi bằng anh miết, nghe mà mắc cười, cũng không dám cười trước mặt, chỉ tủm tỉm thôi. Nghe đâu cô đó tháng sau là lấy chồng, cũng cảm thấy hơi... không thể tả được. Trong công ty mình có một anh đồng nghiệp, nghe nói cũng đi đâu công tác ra Quảng Bình này, đem được một cô kế toán về Nha Trang, nghĩ lại đúng là lợi hại.

Trong những buổi chiều khách hàng không rủ đi ăn, nhóm thường ăn tại một quán cơm nhỏ ở gần khách sạn. Mọi người đi bộ từ khách hàng về, ghé qua đó luôn. Cơm bán theo 2 lựa chọn: hoặc là ăn cơm phần, dọn ra theo kiểu gia đình, hoặc là ăn cơm theo khay, từng cá nhân. Món ăn cũng tương đối bình dân, hợp khẩu vị, nhưng lúc nào người ta cho cơm cũng thừa hết, có hôm mọi người xới cơm ra để riêng tới cả một tô to. Gần quán cơm có một quán chè nhỏ, cũng nằm sát bên, ăn xong mọi người thường rủ qua bên đó luôn. Hôm đó mình có gọi một ít chè đậu ngự, ăn cũng bùi bùi, người ta có co thêm mức dừa khô vào, lẫn vị giòn giòn, rất dễ ăn. Quán đó tên là Chè cố đô, tiếc là không đặt ở cố đô thật, nếu không hương vị còn hấp dẫn hơn.

Một buổi chiều nọ, khi công việc đã tạm ổn, mọi người rủ đi bộ ra chợ Đồng Hới, ở cách đó cũng tương đối xa, nhưng vừa đi bộ vừa dạo chơi cũng khá thú vị. Chờ Đồng Hới về đêm ít mặt hàng lắm, người ta dọn đi đâu mất hết, chỉ còn lại một ít quầy trái cây, hoa quả. Gần bên đó là một con đường nhỏ, dẫn ngang qua quán ăn tên là Tứ Quý, rất nổi tiếng với món bánh căn, bánh xèo... nói chung là các loại bánh. Nhóm có ghé vào ăn thử, mới tìm hiểu được cái tên Tứ Quý là do nhà này có 4 anh con trai, hình như đã có gia đình hết rồi, ảnh của đại gia đình treo ngay trên bức tường phòng chính. Khách cũng tương đối đông mà người ta tổ chức kinh doanh theo kiểu gia đình nên chờ cũng tương đối lâu. Đổi lại các món ăn món nào cũng hấp dẫn. Có món nước chấm dùng để chấm bánh tráng rất độc đáo, nghe cô bán hàng kể lại là bí quyết gia truyền. Ngoài ra mình còn tiếp xúc với một loại trái gọi là trái vả, hình dáng cũng như trái sung, nhưng quả to hơn, người ta cắt miếng mỏng, bỏ đi hạt nhỏ nhỏ ở giữa, rồi ăn kẹp chung với bánh, chức năng giống như là chuối, nhưng ít chát hơn. 

Lúc về, mọi người không theo đường biển nữa mà đi vào trong thành phố, có dạo qua một công trình tên là "Quảng Bình Quan". Lại gần giới thiệu mới biết đây là một trong 3 cổng lớn, nằm trong hệ thống lũy Thầy, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Cái cổng thành này khá lớn, hơn cả cổng thành Diên Khánh, và đương nhiên cũng đẹp hơn. Có lối đi hình vòm cho người leo lên tới đỉnh chóp của cái cổng. Bên ngoài thì đèn thắp sáng rực, đủ màu rất đẹp. Ánh đèn đó cũng tương tự giống với ánh đèn cầu Nhật Lệ, nhìn từ xa trông rất tráng lệ và lãng mạn.

Nhắc tới cầu Nhật Lệ mới nhớ, có những buổi tối, thường là sau khi bị khách hàng ép uống về, chị nhóm trưởng thường rủ nhóm đi dạo qua cầu hóng gió để xua tan cái say. Mình có đi dạo 2 lần, qua bên kia đầu cầu rồi quay lại. Cầu Nhật Lệ buổi tối khá lãng mạn, có mưa nhẹ và thỉnh thoảng có một vài đôi trai gái trên cầu. Dưới cái sắc màu hồng hồng, tím tím của ánh đèn, đúng là một địa danh lý tưởng để bày tỏ tình cảm. Mình có chụp được vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Cầu Nhật Lệ bắt qua sông Nhật Lệ, đoạn khá gần với cửa biển, cũng giống như cầu Trần Phú ở Nha Trang vậy, nhưng cầu Trần Phú đương nhiên là dài hơn. Mỗi buổi sáng lên, nhìn theo hướng biển, ánh sáng mặt trời lấp lánh trên dòng sông và một khoảnh biến, trông như dát vàng. Người dân ở đây gọi "Nhật Lệ" là sự tráng lệ lộng lẫy của mặt trời, nhưng mình thích gọi nó với ý nghĩa là nước mắt của mặt trời hơn.

Đồng Hới nổi tiếng với một món đặc sản, người ta gọi là "khoai lang gieo". Cũng không biết sao nó có tên gọi đó cả. Nghe chị đồng nghiệp quảng cáo, có đi ra chợ Đồng Hới kiếm nhưng không được, tối quá người ta dọn hàng mất rồi. Sau này có nhờ cô chủ khách sạn đặt mua dùm của người quen, 70k/kg. Trông nó giống giống với khoai lang dẻo ở Đà Lạt, nhưng cách chế biến khác nhau, mà hương vị cũng khác. Khoai lang dẻo thì chế biến theo kiểu làm mứt, vừa dẻo vừa có vị ngọt của đường, mật. Còn "khoai lang gieo" thì chỉ đơn giản là luộc lên, cắt dài dài rồi đem phơi, sau đó đóng gói bán. Đem về ăn thì có vị rất dai, mẹ mình phải cho vào cơm hấp mới nhai đứt. Ăn cũng được, có hương vị của tự nhiên. Nếm món đặc sản tự nhiên biết được cuộc sống khó khăn của nhân dân miền Trung.  Trong cái sự khô khan của cuộc sống, có mùi vị ngọt ngào chân thành của tấm lòng.

Có một buổi tối, cả nhóm rủ nhau đi ăn món lẩu bò. Cũng nghe nói là đặc sản, nhưng ăn vào cũng không khác mấy với món lẩu bò ở nơi khác. Có thịt, có xương, nồi nước bắt lên trên bếp ga, rồi nhúng rau, nhúng mì gói vào. Hương vị cũng ngọt ngọt thơm thơm, vừa ăn vừa uống nước ngọt, cũng cảm thấy no bụng. Nói tới món ăn của Đồng Hới, còn có một món khác, khá nổi tiếng, là "cháo canh cá lóc". Nói là cháo canh, lần đầu ghé vào mình cứ nghĩ là cháo, nhưng thực ra đó là cháo bánh canh. Các loại bột (bột gì không rõ, hình như là bột gạo) thái mỏng mỏng, rồi luộc chín, cho và nước dùng, ăn cũng tương tự như ăn bún, nhưng chất bột làm mịn hơn, dai hơn, cũng rất dễ ăn. Cá lóc thì nấu thành nước, và có một vài miếng nhỏ cho vào. Người ta dọn lên kèm với món chả lụa và chả ram. Buổi sáng cuối cùng cũng được chị kế toán mời ăn món này. Nhưng cách chế biến khác, cũng là cháo canh nhưng bột màu sẫm, không biết là bột gì, ăn thì hơi nặng mùi cá lóc. Mình cũng ăn được một ít, nhưng vì dư vị của cơn say tối qua (tối qua có thêm chú Giám đốc nữa, nên bị ép uống hơi nhiều), nên không dám ăn nhiều, sợ cảm giác buồn nôn.

Buổi cuối cùng trong khi chờ taxi ra sân ga, có đi dạo loanh quanh gần một cái hồ súng trước quán ăn. Hồ này khó to, xa xa mới là các dãy nhà cao tầng. Có thêm một cái trụ phát sóng cao cao của bưu điện. Nó cũng gọi nhớ cho mình tới tháp Eiffel một chút. Tranh thủ chụp chung với chị kế toán vài tấm ảnh rồi chia tay Đồng Hới. Nhìn chung thì con người nơi đây khá thân thiện, chân thành. Cách xử thế thì rất gần gũi, tự nhiên, không có chú trọng hình thức giống như ở miền bắc. Chợt nhớ tới một cô bạn mà ngày xưa học đại học mình có duyên quen biết. Nàng cũng là người Quảng Bình, nhưng sống ở thành phố. Nàng cũng rất tự nhiên, rất chân thành. Lâu rồi cũng không liên lạc, không biết cuộc sống của nàng dạo này ra sao cả. Cũng không biết bao giờ mới gặp lại... Trong những ngày này, mình bắt đầu thích bài "Đóa hoa vô thường" của Trịnh Công Sơn. Đơn giản vì có nhiều đoạn nó khá giống với tâm trạng của mình. Sau này chắc mình sẽ còn viết nhiều về chủ đề này. Nhưng có lẽ sẽ không còn nữa những buổi chiều lạc bước chân trên phố Đồng Hới để nghĩ về những thăng trầm của cuộc đời mình, và của cuộc đời người...

Tạm biệt Đồng Hới, Quảng Bình, mình lên tàu về với Nha Trang trong một tâm trạng đầy cảm xúc. Xem như là đến đây đã kết thúc chuyến hành trình dài tập của mình. Tàu trở về Nha Trang còn qua một vài địa danh khác, cũng khá thú vị, nhưng không dừng lại nên mình chưa có cơ hội tìm hiểu nhiều. Lúc qua Huế, Đà Nẵng có chạy qua sườn núi đèo Hải Vân, tranh thủ ngắm cảnh biển Lăng Cô từ trên cao, trông cũng giống như biển Vũng Rô ở chân đèo Cả, nhưng kéo dài hơn và hùng vĩ hơn. Có nước, có sóng, có cát, có thuyền, có đảo... Qua Huế cũng có ghé lại mua một ít xôi Huế, để dành ăn từ từ. Xôi Huế ngọt, giống như hương vị mình ăn lúc khởi hành, nhưng nó dường như mang một vẻ luyến tiếc phảng phất.

Chuyến tàu xuất phát 10h sáng, tới gần 12h tối mới tơi nơi. Tính đến lúc mình rời sân ga là đúng 12h đêm. Chợt nhớ lại đây cũng là lần thứ 2 mình xuống ga Nha Trang vào lúc nửa đêm như vậy. Lần đầu tiên là một ngày 29 tháng 12 âm lịch. Năm đó không có 30 âm. Mình xuống ga là lúc đợt pháo giao thừa cuối cùng nở tung rồi tàn lụi. Tâm trạng khá nặng nề, không người đón đưa. Các anh chị khác thì đã có người thân ở Nha Trang đón. Mình bắt taxi về tới công ty, cất mấy giỏ hồ sơ, lấy cái xe máy, cố đạp vài chục cái cho nó nổ (vì để lâu quá không dùng) rồi chạy về phòng trọ. Tối hôm đó cái bao tử lên cơn dữ dội, tranh thủ ăn một ít xôi mang từ Huế về, và uống một ít sữa tươi Mộc Châu đem từ Hà Giang xuống, sau đó cố ru mình vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau ngủ nướng một chút, chạy thẳng về Ninh Hòa. Vào đúng ngay ngày chủ nhật, xin phép sếp nghỉ dưỡng ở nhà thêm 2 ngày nữa. Lấy cớ là nghỉ dưỡng, khôi phục sức khỏe, nhưng thực tế là chuẩn bị cho đám giỗ ba mình, cũng không chia sẻ với mấy chị đồng nghiệp về việc này. Đám giỗ cũng tổ chức khá đơn giản, anh mình dẫn bạn về, có môt ít hàng xóm, cô bác nhớ ngày thì ghé.Tính từ 2007 là được 6 năm rồi. Mình cũng dần quen với không khí như vậy.
Chuyến công tác này, mặc dù cũng có nhiều rắc rối, trong công việc và vấn đề say xe, nhưng nhìn chung là khá suôn sẻ. Nhất là mình cũng về nhà đúng dịp. Nếu mà sếp cho lịch thêm một khách hàng ở sau nữa là cũng không kịp về nhà sum họp. Nghĩ ra thì cũng tính là may mắn, cuộc đời không lấy hết của mình thứ gì cả. Nó cũng để lại một ít hy vọng, một ít ánh sáng, đủ cho mình có sinh lực để bước tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét