19 thg 8, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Tuyên Quang và những cơn say xe

Tối ngày 16 tháng 7 mình lên Tuyên Quang. Có thể nói, đó là một trong những buổi tối "kinh khủng" nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của mình. Tất nhiên là mình cũng không đến nỗi than trách gì nó cả, chỉ có điều nó để lại ấn tượng không thể nào quên được.

Buổi chiều xách một mớ hành lý ra đến bến xe, mọi người (cả mình lẫn mấy anh chị đồng nghiệp), đều mệt mỏi vì những cái giỏ file nặng trình trịch. Sau đó phải vất vả một buổi nữa để bon chen trong đám đông chật chội mà tìm cho ra cái xe mà chị đồng nghiệp đã đặt vé. Tất nhiên mình sẽ không còn tâm trí để nhớ rõ nhãn xe nữa. Giờ nghĩ lại mới hối hận, lúc đó sao không ghi lại biển số xe để sau này có dịp quay lại còn tránh đi chiếc đó. 

Sau khi xếp đống hành lý vào, mọi người còn phải loanh quanh tìm chỗ ngồi. Gọi là xe "chất lượng cao", chứ thực ra nó chẳng khác nào xe chợ. Người ta ép mình xuống giữa hành lang và ngồi ở đó tới mấy tiếng đồng hồ. Buổi chiều đi vội còn chưa kịp ăn gì cả, mặc dù trước lúc ra bến xe mình có ghé một cái shop nhỏ mua ít sữa và bánh ngọt cho mọi người nhưng cũng không còn sức để ăn. Vừa đói vừa mệt. Say xe là điều không thể tránh khỏi. Cũng may là trên chặng đường đi, xe có ghé qua nhiều trạm và thả khách xuống, thưa dần nên mình cũng có một ít chỗ để ngả lưng trong chốc lát và ngủ thiếp đi một hồi. Đương nhiên cũng không phải một hai lần mình say sóng cỡ đó, hồi đi học có khi còn hơn nữa, nhưng từ lúc đi làm tới giờ, đây cũng tính là lần thứ hai say thê thảm như vậy. Lần đầu tiên là chuyến công tác đầu tiên ở Tuy Hòa mà mình đã ghi lại trong những trang viết trước. Có đôi lần, mình phải mở điện thoại lên để nhờ tới âm nhạc, những bài nhạc Trịnh mà mình quen thuộc, để tạm quên đi cơn say xe chập chờn.

Đúng 11h đêm, xe tới nơi. Khách sạn mình tạm nghỉ lại tên là Hoa Mai (hay Mai Hoa gì đó), nằm ở khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang. Khách sạn này có 2 chi nhánh, một cái ở khá xa, cái mình ở là khách sạn kết hợp với nhà hàng ăn uống. Ăn uống ở đại sảnh tầng một, còn các tầng khác là phòng nghỉ. Lên tới đó, mình gần như không còn đủ sức để nghĩ nhiều về những chuyện linh tinh mà vội vàng tắm một chút rồi lao vào giấc ngủ.

Một điều nữa, có thể xem là khá kém may mắn đối với mình là túi hành lý, một cái vali chút xíu của mình bị bỏ quên ở Hà Nội. Anh đồng nghiệp nhờ bạn ở Hà Nội gửi xe lên dùm nhưng phải chời tới tối ngày thứ 3 lúc đi huyện về thì nó mới lên tới nơi và mình mới có quần áo để thay. Còn trước đó, đương nhiên là tạm mặc quần áo dơ. Anh đồng nghiệp có đề nghị cho mượn quần áo nhưng mình ngại nên không mặc. Tất nhiên là mình vẫn tắm bình thường, mặc dù có chút bất tiện nhưng không đến nỗi... hôi như cú vọ. ("Hôi như cú vọ" là cụm tính từ mà mẹ mình thường hay sử dụng để chỉ trích anh em mình về tội ở dơ).

Sáng ngày đầu tiên ở Tuyên Quang là một ngày tương đối uể oải. Phần lớn là do mình không ngủ đủ giấc, với trận say xe đêm qua đã lấy đi hết sức lực của mình. Tất nhiên sự tỉnh táo trong công việc cũng bị ảnh hưởng vài phần, nhưng không đáng kể lắm, vì dù sao mình cũng đã khá quen với việc say xe. 

Buổi sáng hôm đó, mọi người tỏa đi các nơi và bắt đầu công việc của mình. Mình với một chị đồng nghiệp ăn sáng sớm hơn mọi người và đi bộ xuống khách hàng gần đó. Đó là một trung tâm khá lớn và khang trang. Sau màn chào hỏi, trà nước, khách hàng cử anh lái xe đưa mình xuống địa điểm đầu tiên ở huyện để bắt đầu công việc, đó là huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Nói về khoản trà nước, lần đó mình không chú ý lắm, nhưng sau này có hiểu thêm chút ít về cách uống trà của người miền núi. Chuyện này mình sẽ kể lại sau, trong chuyến hành trình kế tiếp khi mình đã đến một địa điểm khác, tỉnh Hà Giang.

Đường xuống huyện Chiêm Hóa (lúc này mình cũng không rõ là lên hay là xuống, bởi vì theo cách nói thông thường là từ văn phòng xuống huyện, còn theo khu vực địa lý thì mình lại tiến dần lên phía bắc) khá chông chênh và quanh co. Chiếc xe địa hình của khách hàng phải tốn tới gần 3h đồng hồ mới đi được đến nơi. Lúc này cơn say xe lại tiếp tục đeo bám mình nhưng mình không còn nôn nữa, chắc là hôm qua nôn đủ rồi, hoặc là có nôn thì cũng không ra gì nên không buồn nôn. Buổi sáng có ăn bún bò miền núi nhưng chỉ gắp một chút ít rồi thôi, còn lại là ngồi nhìn chị đồng nghiệp ăn. Hơn bảy năm trong nghề, rõ ràng là chị ấy có khả năng thích nghi cao hơn mình.

Anh lái xe là một người rất hiền và thân thiện. Trên đường đi anh kể chuyện rất nhiều về những đặc sản miền núi, từ ăn quả, tới con người, và cả khí hậu. Chị đồng nghiệp thì chăm chú lắng nghe, lâu lâu còn hỏi thêm vài chuyện, còn mình thì mãi cầm cự với cơn say nên nghe câu được câu mất. Đến cuối đường thì chỉ còn mơ hồ nghe được chuyện về quả táo mèo, quýt đường và một ít thứ liên quan đến hàng Trung Quốc, đại loại là trái cây Trung Quốc quả thường đẹp hơn, màu sắc tươi hơn, bảo quản lâu hơn... và chắc chắn là ăn vào có hại hơn. Mình cũng chợt liên tưởng đến con người, đúng là không thể đánh giá hết mọi thứ qua vẻ bề ngoài được, phải sống lâu mới hiểu được lòng nhau.

Xuống xe, sau khi đã là quen với khách hàng tại vùng Chiêm Hóa, mình gần như bắt đầu công việc ngay lập tức. Anh tài xế thì ở lại tại xe chờ mọi người đến buổi chiều. Chị kế toán thân thiện, đã có gia đình và có một con nhỏ, giải thích rất tận tình đối với những nghi vấn của mình và chị đồng nghiệp. Mình ấn tượng với anh thủ kho, cũng rất hiền, ngay đợt máy photo của đơn vị bị hỏng, toàn làm phiền anh ra ngoài photo. 

Buổi trưa khách hàng có mời đi ăn cơm ở nhà hàng gần đó, ăn chung còn có một anh bên phòng kinh doanh. Không nhớ rõ tên anh, chỉ nhớ là anh khá vui tính, nói toàn chuyện cười, có hỏi thăm khá nhiều chuyện về mình. Chị đồng nghiệp mình thì lại đem khả năng viết thơ của mình ra khoe, và từ đó mình cũng nói chút về chuyện thơ ca. Mà chắc người ta không hiểu nhiều, cười để lấy tiếng xã giao là chủ yếu. Món ăn cũng khá phong phú, có món "bầu hồ lô", thực chất là những quả bầu non, chỉ nhỏ bằng ngón tay cái được đem luộc, rất ngọt và dễ ăn. Có một món rau núi xào, mà mình không nhớ tên là loại rau gì, chỉ nghe nói nó mọc trên núi, và dễ bị nhầm với "lá ngón" (hay lá ngói nhỉ? là loại lá mà thiếu nữ miền núi ăn vào để đoạn tuyệt tình cảm). Một món khác gọi là "gà chạy bộ", cũng không phải là chạy bộ thật mà gà được thả rong trên núi, thịt rất ngọt và săn chắc. Ngoài ra còn có mấy món nữa, mình cũng không nhớ tên, nhưng ăn cũng rất vừa miệng. Tiếc là phải lo đối phó với những chén rượu chúc qua chúc lại của khách hàng nên hương vị cũng nhạt đi phần nào. Rượu tên là nếp men lá, được ủ trong lá cây gì gì đó, hàng tháng trời mới uống được.

Nói về khoản uống rượu mời khách thì người ở miền núi này cũng khá nhiệt tình và phóng khoáng. Trong bàn rượu cũng nói đủ thứ chuyện. Mà ở trên này người ta chỉ uống rượu, hoặc hiếm khi mới có bia, mà bia thì chỉ có một thương hiệu là bia Hà Nội. Không giống như người miền trong, đụng chuyện là bia với bia. So ra thì rượu ngấm lâu hơn so với bia. Bia có thể uống say, nhưng ngày hôm sau sẽ trở lại trạng thái bình thường, còn rượu thì phải gần tan tiệc mới biết thế này là say, rồi tới ngày hôm sau nữa hơi rượu còn đọng lại chưa tan. Có lần mình đùa với anh đồng nghiệp rằng, không biết sao uống ba bốn ngày nay mà cảm giác trong hơi thở của em vẫn còn mùi rượu, chắc là bị ám ảnh quá.

Sau bữa trưa, khách hàng lại mời đi uống cf. Mình còn chưa có kinh nghiệm uống rượu nhiều, nên dại dột gọi một ly cafe nhiều sữa. Kết quả là rươu với cafe trộn chung với nhau, làm cho bao tử mình cồn cào đến tận buổi chiều xế. May mà nhờ người ta dọn lên một ít táo của miền núi, ăn khá chua, có một ít chát, nhưng đối với người đã ngà ngà như mình, thì cảm thấy nó ngon hơn bình thường rất nhiều. Có lấy một vài quả về phòng làm việc ăn, nhưng buổi chiều hôm đó, mình cũng nôn ra gần hết. Tất nhiên là nôn lén, không để chị đồng nghiệp biết. Còn công việc thì thông suốt như bình thường.

Hôm đó, trên bàn tiệc có nghe người ta kể lại chuyện "chè Thái gái Tuyên". Mọi người cũng trêu đùa chị kế toán vài câu (chị gốc ở Tuyên Quang luôn). Nhưng lần đó mình uống khá nhiều nên cũng chưa kịp tìm hiểu nhiều về chuyện này. Nói là chè Thái chứ thực ra không phải là món chè Thái mà thỉnh thoảng mình vẫn ăn ở trong Sài Gòn ngày xưa, mà là trà, trồng ở Thái Nguyên. Không biết sao nó đặc biệt cả, vẫn chưa kịp tìm hiểu luôn.  Còn nói về "gái Tuyên", sau này về Nha Trang mới nghe chị phó phòng kể lại, nguồn gốc là do ngày xưa, có một ông vua nào đó, chạy giặt lên tới vùng này, dẫn theo một đám cung tần mỹ nữ, nhưng bị thất lạc. Sau này con gái ở vùng này lớn lên, vì có "gen" của người đẹp, nên tất nhiên sẽ đặc biệt hơn người. Mà mình chỉ nghe vậy cho vui thôi, chứ cũng không có ý nghĩa gì nhiều lắm. Đối với một người miền xa, nay đây mai đó như mình, chắc là không có duyên với người nơi đây. Có một lần viết đùa trên fb là "mình không phân biệt được đâu là say xe, đâu là say rượu, đâu là say tình", thực ra thì chỉ có say xe với say rượu là đúng sự thật, còn say tình thì chỉ chủ yếu là hoài niệm chuyện những ngày xưa, chứ không phải do con gái nơi này. (Tính tình mình cũng tương đối lạ, mỗi lần uống say vào lại nhớ toàn chuyện ngày xưa, mà chuyện ngày xưa buồn nhiều hơn vui, nên mỗi lần nhớ lại là mỗi lần lòng đau như cắt, lại càng muốn say thêm).

Buổi chiều, sau khi xong việc ở khách hàng, anh tài xế đưa mọi người đến địa điểm tiếp theo, cách đó khoảng 1h đồng hồ xe chạy: huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Lần đầu nghe cái tên mình cũng cảm thấy lạ, sau này trong những buổi tiệc, nghe các anh chị ở nơi đây nhắc nhiều đến nó nên cũng cảm thấy thân thuộc và dễ nghe dần. Thỉnh thoảng mình lại nhớ tới cái tên gần giống nó: La Hai, một thị xã nhỏ ở tỉnh Tuy Hòa, nơi mà hồi xưa ba mình có chạy xe máy, chở hai anh em mình ghé thăm gia đình một người cô lấy chồng ở đây. Đường đến Na Hang phải chạy ven theo một con sông nhỏ, mình không nhớ được tên sông, mà lúc đó là buổi chiều, vừa mệt do công việc, vừa có dư vị của rượu buổi trưa nên không kìm được say xe nữa, cứ nôn mửa suốt, cũng không kịp hỏi tên con sông luôn. Chỉ nhớ thấp thoáng ở một đoạn sông có một công trình thủy điện nhỏ mọc lên, nghe anh lái xe giới thiệu đó là do tư nhân đầu tư. Hồi trước ở gần đó có một cái thác rất đẹp, gọi là Thác Mơ, có lần nữ phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình từng đi trực thăng khảo sát ở nơi này. Nhưng khi con đập thủy điện xây lên thì mực nước cũng dâng lên và che lấp mất cái thác. Nghĩ cũng hơi tiếc, nếu không mình đã xem được một cảnh tượng tuyệt vời khác, có khi nó sẽ giúp mình quên đi việc say xe.

Nhắc tới Thác Mơ mình lại chợt nhớ đến một công trình thủy điện khác, cũng có tên là Thác Mơ, nhưng ở rất xa, thấu bên trong miền Nam, nơi mình đã từng ghé qua thăm một cô bạn. Lần nó là một trong những lần đi xa khá liều lĩnh của mình. Nhưng sau này nghĩ lại, đó là một kỷ niệm đẹp, không thể nào quên. 

Buổi chiều ghé Na Hang, mình ở một khách sạn nhỏ gần thị xã (hay là thị trấn gì đó, mình cũng nhớ rõ). Mình ở chung phòng với anh lái xe, nhờ đó mà hiểu biết thêm về anh. Buổi tối, những tưởng mình sẽ ngủ được một giấc ngon, nhưng lại bị khách hàng, lần này là ở huyện Na Hang, mời ăn tối. Tất nhiên là ăn tối chỉ là vấn đề phụ, chính yếu vẫn là bị ép uống. Lần này khách hàng cũng trẻ tuổi, chị kế toán chỉ hơn mình 2,3 tuổi gì đó, nên cũng tương đối dễ tính và không ép mình uống nhiều. Một anh nữa, phụ trách bên kinh doanh, cũng khá trẻ và vui tính. Người ta gọi bia Hà Nội ra, mình cũng uống được một ít, nhưng chủ yếu vẫn là húp nước canh rau cho tan men say. Ngoài ra, mình còn mượn cớ say xe để được uống ít lại. 

Sau này nghe anh lái xe kể lại, chị kế toán sắp có em bé, được vài tháng rồi, nên không uống bia được. Mà chị chưa làm đám cưới, chỉ đang ở chung với người yêu. Tự nhiên mình lại cảm thấy hâm mộ những người như vậy. Tuổi trẻ đầy dũng cảm, biết chấp nhận hết tất cả mọi thử thách để được sống bên người mình yêu thương. Tiếc là mình vẫn chưa đủ dũng cảm giống vậy, nên cứ đơn độc mãi, vẫn cứ đi tìm một bóng hình vô định.

Buổi tuổi ngủ chung phòng khách sạn với anh tài xế, nửa đêm chợt tỉnh giấc nghe tiếng anh ú ớ nói trong mơ rất to. Mình không nghe rõ tiếng, hồ như anh đang gọi "Mẹ ơi" gì đó. Chắc là anh có nỗi khổ tâm trong lòng nhưng không nói ra được. Hoặc chắc là tuổi thơ của anh không phẳng lặng và bình yên giống tuổi thơ mình. Tính hôm sau có thời gian sẽ hỏi thăm chuyện của anh để hiểu thêm, nhưng do công việc cứ dồn dập, một phần nữa là tự trách mình quá vô tâm, nên quên mất chuyện này. Sau này mới thấy tiếc, hy vọng có một ngày nào đó trở lại nơi này, nghe anh kể chuyện của mình.

Buổi sáng hôm sau, trước khi chìm vào guồng xoay của công việc, anh phụ trách kinh doanh mới rủ mọi người đi ăn sáng. Lần này mình cũng khá vất vả để từ chối sự nhiệt tình của khách hàng. Đó cũng có thể xem như một phong tục của người miền núi. Buổi mới ra, gọi là ăn cháo lòng, nhưng trước đó, người ta dọn lên một đĩa toàn lòng gà và một chai rượu trắng, không nhớ rõ là rượu gì. Chưa có ai chạm đũa đã, trước hết phải cạn một ly. Mình tất nhiên là không quen với chuyện này, buổi sáng bao tử còn trống rỗng, đổ một ly vào tự nhiên nó phát nhiệt khắp người, may mà sau đó được phép ăn nên nó cũng trung hòa lại. Món cháo lòng dọn ra sau, khi mọi người đã làm vơi hết gần nửa chai rượu. Cũng hơi lạ miệng, mình ăn không nhiều, chủ yếu là ăn cháo còn lòng gà thì bỏ lại. Có một lần nói chuyện với anh giám đốc ở Na Hang về chuyện này, anh cười mà trả lời rằng, đó phong tục rồi, phải làm vậy thì công chuyện mới trôi được, tất nhiên là không tốt cho sức khỏe nhưng cũng phải chịu. Mình cũng pó tay.  

Công việc ở Na Hang cũng khá trôi chảy, chị kế toán rất nhiệt tình. Anh giám đốc cũng khá trẻ tuổi và vui tính. Sau một hồi trao đổi thì mọi chuyện cũng xong. Buổi trưa ăn cơm tại một nhà hàng toàn bằng gỗ ở gần đó. Cũng không nhớ tên nhà hàng nào. Lần này thì mình cũng uống tương đối thoải mái so với những lần trước. Anh giám đốc còn có ý định buổi chiều nếu kết thúc sớm, anh sẽ dẫn đi một cái thác rất lớn, cũng không nhớ tên thác, mà nghe đâu là thác lớn nằm trong top 5 của Việt Nam, còn có thêm màn bơi thuyền trên hồ nữa. Đáng tiếc là công việc tưởng đơn giản nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề nên đến chiều muộn mới xong. Lúc ăn trưa, tình cờ anh giám đốc gặp người quen, nghe đâu là một chú làm bên chính quyền, nên cũng anh cũng qua đó uống vài ly, rồi người ta qua bên này lại, cũng uống vài ly. Tất nhiên là mình không thể tránh khỏi số phận bị ép uống. Ngoài ra, mình cũng để tâm đến một món ăn rất lạ trên bàn tiệc, gọi là "cá nhéo chiên giòn". Mình không rành về mấy món cá lắm, nhưng ăn cũng rất vừa miệng, đương nhiên là có hương vị của sông hồ núi rừng, khác với vị cá biển ở Nha Trang.

Chiều hôm đó, sau khi chào hết khách hàng, anh lái xe đưa mình với chị đồng nghiệp trở lại với thành phố Tuyên Quang. Lần này cũng như bao lần khác, xe chạy đường dài, vừa quanh vừa xốc, mình cũng bị say xe vài lần. Tất nhiên là đoạn đường trở về bao giờ cũng dễ dàng hơn lúc ra đi, bởi vì mình đã xác định được đâu là điểm về, nên cảm giác bị say xe có phần giảm so với trước. Nhưng mà vẫn cứ say. 

Trở lại thành phố Tuyên Quang, mấy anh chị đồng nghiệp ở nhóm trên này cũng đã gần như hoàn thành hết công việc, mọi người cũng có cảm giác khá nhẹ nhàng, thế là rủ nhau đi ăn lẩu gà nấu chua với sấu. Tất nhiên với cảm giác của người mới say xe xong, mình không ăn được nhiều, nhưng cũng thấy khá vừa ăn và vui vẻ. Trở thành trung tâm của buổi tiệc nhỏ vì quá say. Còn bị trêu mấy vấn đề thơ cả nữa. Tại buổi chiều hôm đó, trên đường về, một cô bạn mới gọi cho mình, nói là bài thơ của mình được giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ nho nhỏ (gần như đây là bí mật của mình với cô bạn đó), nhưng không kìm được vui mừng nên cũng kể cho anh tài xế nghe (một phần là mình đã xem anh trở nên người bạn khá thân thiết, vì đã hiểu tương đối nhiều về anh). Ai ngờ chị đồng nghiệp ngồi sau nghe được, nên cũng lấy ra đùa vui.

Món lẩu này làm mình chợt nhớ đến một nồi lẩu khác, một lần lên Pleiku, có hẹn một ông anh thời còn học đại học ghé chơi. Anh chạy xe máy gần 30km để chở mình đi ăn lẩu gà lá giang. So về hương vị thì mình vẫn thích món lẩu gà lá giang hơn. Chắc phần lớn vì cảm giác thân thiết, giống như người bạn, nó vẫn tương đối khác so với cảm giác tình thân thiết đồng nghiệp, mặc dù môi trường công ty mình rất tốt, mọi người rất hiểu nhau.

Đêm hôm đó, sau khi tắm giặt sạch sẽ, mình ngủ rất ngon. Kế tiếp mình còn ở phố Tuyên Quang 2 đêm nữa. Đêm nào cũng tương đối thoải mái so với khi xuống huyện, một phần là công việc đã tạm ổn, nhưng phần lớn là không phải đi ăn chung với khách hàng và bị ép uống cho say mèm, cũng không phải cười gượng theo kiểu xã giao. Trong những ngày này, mọi người trong nhóm đều rủ nhau đi ăn ở quán lẩu gà hôm nọ. Cơm phần cũng tương đối vừa miệng, giá tiền hợp lý. Đặc biệt có mấy anh phục vụ rất vui tính, xưng em rất ngọt với mấy chị đồng nghiệp của mình nên mấy chị cũng thích. Buổi cuối cùng, cô kế toán ở văn phòng có tổ chức liên hoan nhỏ tại nhà hàng gần khách sạn và mời mọi người tham gia.

Tất nhiên, có tiệc là có rượu, mà có rượu là phải bị ép uống. Mà bị ép uống tất nhiên cũng phải trả lễ lại cho vừa lòng chủ khách. Thế là mình lại say thêm một lần nữa. Không nhớ thứ bao nhiêu rồi. Mà say rượu thì phải tới cuối tiệc mới biết là say, còn trước đó thì cứ ăn uống thoải mái. Có một món sò, rất giống sò ở Nha Trang, nhưng là sản phẩm từ trong hồ ra, ăn cũng vừa miệng. Một món khác nữa, mình không thích nhưng cũng bị ép ăn một ít, mà cũng ép bản thân mình ăn cho vừa lòng người mời. Biết sao được, người ta đã gắp vào tận chén rồi, từ chối cũng hơi mất lịch sự. Đó là những con chim nhỏ xíu, hình như là bồ câu hay chim cút gì đó, nướng nguyên con, ăn cũng ăn nguyên con luôn. Nếu xét trên thế giới quan của bản thân mình thì điều đó cũng hơi quá tàn nhẫn. Nhưng mà việc đã qua rồi, nên mình cũng không giữ lại mãi như vậy.

Một điều khá đặc biệt nữa là anh bếp trưởng của nhà hàng là bạn thân của anh kế toán, nên thỉnh thoảng anh cũng thay chân phục vụ mà dọn món ăn lên, rồi còn mời mọi người vài ly và giới thiệu về món ăn của nhà hàng. Mình cũng cảm thấy rất vui vì quen biết những người có tính tình rộng rãi sảng khoái như vậy. Cuối buổi tiệc, mặc dù đã say ngà ngà rồi, nhưng vẫn còn nhớ hỏi tên anh, bắt tay anh và cảm ơn về những món ăn mà anh làm.

Một điều khác làm mình rất vui là một anh bên phòng xây dựng cũng có sở thích đọc truyện Kiều giống mình. Tất nhiên là mình vẫn am hiểu về Kiều hơn. Cũng đối đáp được với anh mấy câu. Lúc hơi men lên thì mỗi người đọc một câu, nối nhau y như là thi nhân họa thơ. Cảm giác lúc đó rất vui vẻ, rất thoải mái. Đó cũng là một trong những lần hiếm hoi mình cười mà không cần giữ ý tứ, cười rất sảng khoái trên bàn tiệc, khi ăn với khách hàng.

Tối đó, ngủ rất ngon. Sáng mai mình lại bắt đầu một cuộc hành trình mới, với địa điểm tiếp theo, được gọi là miền địa đầu của đất nước: tỉnh Hà Giang. Hấp dẫn như trong một câu thơ mà thời phổ thông đã từng học: "Đầu đường ngất đỉnh Hà Giàng/ Cà Mau mũi đất mỡ màng phù sa..."

Cà Mau thì mình còn chưa có cơ hội đi qua. Hy vọng sẽ có dịp, vào một ngày không xa. Mình không phải là người theo chủ nghĩa "xê dịch", nhưng vẫn đi đây đó nhiều, chắc là chịu ảnh hưởng của một thằng bạn thân từ thời sinh viên. Ước mơ của nó rất đơn giản, gói gọn trong một câu: "Muốn được nhìn ra thế giới". Mình cũng muốn vậy, nhưng trước hết, phải lo đến công việc đã, nhờ công việc mà mình đã nhìn được phần lớn đất nước Việt Nam thân yêu rồi. Còn chuyện của thế giới, nghe có vẻ xa xăm, nhưng ước mơ của mình, không bao giờ có biên giới...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét