26 thg 1, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Từ Tuy Hòa đến Đồng Hới, từ Đồng Hới về Nha Trang

Về đến Nha Trang, tôi tạm kết thúc một cuộc hành trình dài. Khoảng 2 tuần, hơn 1000 cây số cả đi lẫn về. Gọi là tạm kết thúc, bởi vì trong nay mai, nó sẽ còn tiếp diễn, ở một chặng đường khác.

Chuyện bắt đầu từ Tuy Hòa, sau khi đặt chân đến một khách sạn có cái tên rất dễ thương, Thanh Kim Anh (nó làm tôi nghĩ đến một cô bạn ngồi chung bàn thời còn đại học), đoàn chúng tôi ngủ vùi một giấc sâu để sáng mai ra, bắt đầu một khách hàng mới. Khách hàng thì có người khó tính, có người dễ tính, nhưng đơn giản mà nói, cũng là chuyện bình thường, rồi công việc cũng êm xuôi kết thúc.

Buổi chiều cuối tuần, tranh thủ lúc rảnh rỗi, tôi cùng đồng nghiệp ghé vào chợ Tuy Hòa thăm một người thân của đồng nghiệp. Đồng nghiệp tôi bằng tuổi tôi, tính tình vui vẻ hơn, nên mời cả đoàn ghé vào chợ một lần cho biết. Chiều hôm đó mọi người loanh quanh ở chợ, mua vài trăm cái bánh tráng Tuy Hòa, chạy ra xe Thuận Thảo gửi thẳng về Nha Trang làm quà. Chưa nếm thử nên chưa thấy bánh tráng Tuy Hòa có gì đặc biệt, chỉ là nghe nói nó đặc biệt nên bắt chước đồng nghiệp mua một ít.

Sáng hôm đó, nhóm chúng tôi bắt tàu từ Tuy Hòa ra thẳng Đồng Hới.

Tính ra thì đây là lần thứ 3 tôi ghé Đồng Hới - Quảng Bình. Cũng tương đối có duyên với thành phố nhỏ này. Đương nhiên, đối với con người thì không thể chê được, họ dịu dàng và hiếu khách. Nhất là con gái Quảng Bình, trông rất dễ thương. Sau này mới nghe thằng bạn kể lại, con gái Quảng Bình có đa phần là hậu duệ của cung tần mỹ nữ ở kinh đô Huế, khi triều phong kiến sụp đổ thì các nàng tản về những vùng đất gần đó sinh sống, nên đời sau mới dễ thương như vậy. Tôi còn chưa kiểm chứng lại nên không biết thực hư thế nào, nhưng nghe cũng có lý.

Quảng Bình là vùng đất dài và hẹp. Chiều dài thì không phải nói, chắc cũng chiếm tới mấy tiếng đi tàu. Còn chiều ngang khoảng 40km, cắt qua Đồng Hới, là đoạn hẹp nhất của Việt Nam. Lúc tôi ghé vùng đất này, cũng tầm vào 8, 9h đêm. Điểm đến quen thuộc nhất là một khách sạn nhỏ, nhưng phong cách phục vụ khá tốt, tên khách sạn Anh Linh, nằm trong một con đường khá rộng nhưng rất yên tĩnh, đường Dương Văn An. Phía đối diện, cách một con đường, chính là cửa biển Nhật Lệ. Cô chủ nơi đó rất dễ thương, có 2 đứa con trai (tiếc là vậy), nghe nói đâu khách sạn Anh Linh là đặt tên theo tên 2 đứa con trai đó. Hôm ra về còn được chồng cô lái xe khách đưa đến tận ga, coi như là chính sách chăm sóc khách hàng vậy. 3 lần tôi ghé Quảng Bình đều dừng chân ở khách sạn này. Mà ngoài ra còn có dân du lịch bụi cũng rất thường hay ghé, có cả đoàn du khách nước ngoài nữa.

Đêm đầu tiên ghé Đồng Hới, mọi người rủ nhau đi ăn bánh lọc. Bánh lọc Đồng Hới tròn, nhỏ, dai, không biết làm bằng bột gì, nhưng thấy gần giống với bột năng. Ăn cũng tương đối khó tiêu nhưng nói chung là ăn được. Bên trong có nhân đậu xanh, nhân tôm. Tiếc là tối hôm đó, tôi xuống tàu vừa mệt vừa buồn ngủ, nên ăn được rất ít.

Đồng Hới mùa này rét. May mà tôi đã có kinh nghiệm lần trước và đã chuẩn bị sẵn áo len. Nhưng anh chị đồng nghiệp đều không như vậy, lần đầu đến, phải ra chợ Đồng Hới mua áo len và áo khoác về mặc. Chợ Đồng Hới cũng tương đối lớn, cỡ như chợ Đầm của Nha Trang vậy. Đa số hàng hóa vẫn là khăn áo và đồ kỹ nghệ. Bên ngoài chợ có một ít gánh hàng rong, bán các loại bánh bèo, bánh lọc và bún bò. Gánh hàng rong thì người ta bán giống bình thường, 10 ngàn 1 đĩa bánh bèo. Còn hàng áo len thì thôi, chắc người ta nghe ra giọng chúng tôi không phải là dân bản xứ, nên cứ "chém". Nghe đâu chị đồng nghiệp mua áo len bị hớ tới gần gấp đôi.

Buổi sáng đầu tiên, mọi người tỏa ra các nơi, khi khắp các huyện lẻ. Tôi với một anh đồng nghiệp đi Lệ Thủy một ngày, đi Quảng Trạch một ngày. Tính cả lần trước thì tôi cũng đi qua gần hết đất Quảng Bình: Đồng Hới, Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch. Nghe đâu chỉ còn thiếu Quảng Ninh và Bố Trạch nữa thôi. Đương nhiên mỗi chặng đường tôi chỉ ghé qua, vào văn phòng làm việc, còn đa số thời gian vẫn tính là "khách qua đường". Ngày trước đi dọc theo đường Hồ Chí Minh mà không kịp ghé động Phong Nha với động Thiên Đường. Ngày nay đi Lệ Thủy thì may mắn hơn, được viếng thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thắp một nén hương. Chỉ có hôm đi Quảng Trạch vì thời gian gấp rút nên không kịp viếng mộ Đại tướng. Mãi đến mấy hôm sau, khi kết thúc gần hết công việc, mới được khách hàng bố trí xe chở đi. Vậy là tôi đã 2 lần thắp hương trên đất Quảng Bình... Đó được xem là một điểm nhấn khó quên trong chuyến công tác này.

Một điều khác nữa, tuy không gọi là điểm nhấn, nhưng cũng đáng để tự hào. Đó là tôi liên tiếp từ chối cái phong bì thứ 5, thứ 6 và thứ 7 trên đất Quảng Bình này. Chiếc thứ 5 là ở Lệ Thủy, cô khách hàng hiền khô, dúi vào tay phong bì nhưng tôi cứ cố giật tay lại, kết quả là cô tặng luôn một mớ bánh nậm và bánh ít. (Nói thêm đây là 2 loại bánh cũng khá ngon ở đất Quảng Bình. Tiếc là ở quê tôi cũng có nên cũng không lạ lắm, thêm nữa vì mệt mỏi nên không ăn được nhiều). Anh khách hàng ở Quảng Trạch thì hiền hơn, tôi nói khéo nên từ chối được chiếc phong bì thứ 6, kết quả là anh tặng cho một ràng bánh tráng mè và một chai rượu ngoại. Bánh tráng mè thì chia mỗi người trong nhóm một ít. Còn rượu thì cầm về Nha Trang để ở văn phòng đó, chờ ngày tụ tập tương đối đầy đủ các anh chị đồng nghiệp rồi khui ra một thể.

Chiếc phong bì thứ 7 cũng bị từ chối nốt. Cô khách hàng ở Đồng Hới rất dễ thương, sáng trưa chiều đều mời nhóm đủ cả 3 bữa. Có thêm cafe nữa. Cafe thì cô có mời nhóm đến quán "Coco" mà lần trước tôi cũng đã được mời đến. Quán này được làm thuần bằng tre nứa, có bố trí nước xung quanh, nghe đâu là của một kiến trúc sư rất nổi tiếng. Còn ăn uống thì lần đầu tiên tôi ghé một quán, nghe tên rất lạ, "Đùng Đình", nghe người ta giới thiệu thì đây là địa danh cũ, giờ không còn dùng nữa, nhưng tên quán thì vẫn giữ nguyên không đổi... Hôm cuối cùng, cô còn cho người thanh toán tiền khách sạn và mua cho mỗi người một hộp xôi gà lên tàu ăn. Người ta nhiệt tình như vậy, không có cách nào từ chối được hết. Đương nhiên phong bì thì vẫn làm theo nguyên tắc.

Có một đêm nọ, mọi người rủ nhau ra ngoài ăn lẩu dê ở Hải Thành. Nghe đâu cũng rất nổi tiếng. Tiếc là tên quán thì tôi quên mất rồi, mọi người chỉ cắm cúi mà ăn. Còn Hải Thành là tên một địa danh thôi. Giá cả thì cũng tương đối cao so với lẩu dê Chóp Chài ở đất Tuy Hòa, cỡ 200 ngàn một nồi lẩu nhỏ, các món đồ phụ từ bún, mì, nước chấm, nước uống đều phải tính tiền riêng, chỉ có rau với nước lẩu châm thêm là được miễn phí. Chỉ có một điều đặc biệt là nổi lẩu người ta không dùng lò ga mini hay cồn để nấu mà đặt lên trên hỏa lò đốt bằng than củi, nên nhiệt độ được duy trì khá ổn và mùi vị được tự nhiên hơn. Tiếc là nồi lẩu nhỏ nhỏ, nên hôm đó chỉ ăn được lưng lưng...

Một tối khác, một anh khách hàng khác nữa mời nhóm đến ăn uống tại quán khác, không nhớ rõ tên là gì, chỉ nhớ hôm đó tôi say đến thê thảm. Người ta đãi rượu. Cũng quên mất tên rượu luôn. Bị ép uống. Đến cuối buổi nôn ra quá trời, được đồng nghiệp dìu về phòng rồi lăn ra ngủ say như chết. Sáng hôm sau tỉnh dậy mà khát khô cả cổ, đầu thì nặng trình trịch, óc thì còn quay cuồng, hơi thở thì tưởng như bị ám hơi rượu đến mấy ngày sau. Kể từ khi say lần đầu tiên trong tiệc liên hoan ở đất Sài Gòn, tính ra đây là lần tôi say dữ nhất. Môt phần vì công việc đã tạm xong, nên cơ thể thả lỏng, mất khống chế bản thân. Phần lớn thì bị người ta ép, kinh nghiệm còn yếu nên không biết cách nào để từ chối cả.

Cũng anh khách hàng đó, sáng hôm sau còn mời mọi người cafe ở một quán khác, tên cũng rất đặc biệt, "Cũng Đành". Giống y chang như trong câu nhạc "Cũng đành xin làm người đến sau" vậy. Tiếc là còn bị ảnh hưởng của hơi rượu tối qua nên tôi không nếm được hương vị cafe ra sao cả. Ăn sáng thì gọi món bánh mì ốp la nhưng ăn cũng được vài miếng rồi thôi. Bánh mì Đồng Hới nhỏ xíu, bằng đâu một phần ba bánh mì Sài Gòn, nhưng rất đặc, bột rất giòn và thơm. Nhưng tôi cũng chỉ ăn được một chút. Phần lớn thời gian là ngồi nghe nhạc và ngắm phong cảnh. Cảnh thì có thể nói là rất lãng mạn. Người ta thiết kế theo kiểu cổ điển, trồng hoa lan, cỏ dại. Phía ngoài là hồ nước nhỏ. Xa xa có một chiếc thuyền đang giăng lưới, bờ bên kia là một cái tường thành cũ, gạch loang lổ, nghe đâu ngày xưa là cung vua chúa gì đó. Còn nhạc thì mở toàn bài Trịnh Công Sơn, tuy không phải do Khánh Ly hát nhưng nghe cũng dễ chịu. Tôi từng ghé nhiều quán cafe ở Nha Trang, ít có quán nào chuyên mở nhạc Trịnh như vậy cả.

Nói tới cafe, đất Đồng Hới còn một quán khác, cũng khá nổi tiếng, gọi là "Nghệ Sỹ Quán". Một buổi sáng, mọi người rủ nhau ra đó ngồi, vừa ăn sáng vừa uống cafe. Nghe chị nhóm trưởng nói, quán này cafe "cũng được". Chị là người rất sành sỏi về cafe, ngày nào không có cafe là không tập trung làm việc được. Còn tôi thì uống để biết, chứ không phân biệt được đâu là ngon dở, chỉ phân biệt được đắng và ngọt...

Thêm một điều đặc biệt nữa, làm tôi cảm nhận được sự hiếu khách của người Quảng Bình. Buổi chiều kề cuối, lúc nhóm làm việc gần xong, cũng là lúc khách hàng tổ chức liên hoan cuối năm cho toàn bộ công ty. Người ta mời nhóm chúng tôi tham dự cùng, tại một nhà hàng "Mường Thanh". Đây là hệ thống nhà hàng khách sạn tương đối lớn, Nha Trang cũng có một cái giống vậy. Lần này người ta đãi bia, là bia Hà Nội. Vì có kinh nghiệm say hôm trước nên lần này tôi uống rất cầm chừng, không bị mất hình tượng nữa. Đồ ăn cũng rất ngon, tiếc là hơi ít nên cũng chỉ lưng lưng. Buổi tiệc kết thúc, khách hàng lại rủ nhóm đi tiếp thêm màn Karaoke nữa. Tôi toàn ngồi nghe người ta hát, cũng có lắc lư theo khi đến một số bài mà tôi thích. Nhưng cũng như những lần trước đó, tôi không hát bài nào cả. Người ta đưa mic thì cứ từ chối, rồi chuyển mic cho người khác. Lý do gì thì tôi cũng khó mà giải thích được, chắc là tôi chỉ quen hát nhạc buồn, hoặc có thể là hát lên cũng không ai hiểu được, còn gợi lên vài kỷ niệm không vui, vì thế không nên hát là tốt nhất.
 
Buổi chiều cuối cùng, mọi người sắp xếp thời gian để đi viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đường đi cũng tương đối xa nên chỉ ghé thắp nén hương rồi rời đi, không ở lại lâu được. Khoảng 8h tối tàu chạy. Tôi rời Quảng Bình, trở về với đất Nha Trang trong tâm trạng bâng khuâng kỳ lạ. Không biết khi nào còn ghé lại được nữa. Nhưng ít ra thì một phần tâm nguyện lâu nay đã thành hiện thực. Cuộc đời, cũng như số phận, nó đưa ta đến những nơi mà ta không thể ngờ tới, không thể nghĩ tới được. Để đến bây giờ, khi ngồi ngẫm lại, chỉ có thể khép vào một nguyên cớ, đó là do "duyên" mà thành...

Tàu không dừng ở bến Ninh Hòa nên không ghé qua nhà được, mà phải thẳng đến Nha Trang. Hơn 2 tuần không về rồi. Không khí tết ở nơi đâu cũng khá sôi động. Cúc chất vàng vỉa hè, chợ tết rực rỡ đèn hoa. Tôi còn nán lại vài ngày nữa trên đất Nha Trang với những công việc chưa hoàn thành. Năm nay, lại là một năm tết muộn...

Nha Trang, ngày 26 tháng 1 năm 2014.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét