29 thg 3, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Một chuyến đi dài (3)

Khách hàng thứ 9 nằm ở một tòa cao ốc khá nổi tiếng ở thành phố: Etown. Tính ra, đây chính là lần thứ 2 trong đời nghề nghiệp tôi ghé nơi này.

Lần đầu tiên, cách đây 2 năm, là khách hàng đầu tiên của tôi, lúc đó chỉ mới là một sinh viên thực tập. Đương nhiên là trước đó cũng có đi vài chỗ, nhưng chỉ đóng vai trò "người giúp việc", còn khi đến Etown, lần đầu tiên tôi đảm nhiệm phần hành. Có thể tính là một bước ngoặc đáng nhớ trong cuộc đời.

Nhớ lúc đó, khách hàng kinh doanh logistics, nên chứng từ là một chuỗi khó hiểu. Tôi mày mò đến tối tăm mặt mũi mà cũng không có kết quả khả quan. Đúng như câu nói "Vạn sự khởi đầu nan", lúc đó tôi chỉ muốn bỏ hết, về nhà ngủ một giấc cho yên. Nhưng đương nhiên, tôi vẫn ở lại. Và ở lại cho đến bây giờ. 

Phải nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ rất nhiệt tình của những anh chị đồng nghiệp thì tôi cũng khó qua những ngày tháng như vậy. Dù gì thì cũng là một người mới, mới hoàn toàn. Mà bước chuyển từ trường học sang trường đời, khó khăn không kể nào cho hết. Mà những tháng ngày đó, cũng đã qua từ lâu...

Lần này, Etown đón tôi với sự tự tin khác hẳn, sự tự tin xuất phát từ chính trong lòng tôi. Có một anh khách hàng thân thiết đã từng nói: sự tự tin bắt nguồn từ 3 yếu tố: tri thức, kinh nghiệm và sự giúp đỡ. Cả 3 thứ đó tôi đều đã hội đủ: tri thức từ trường học, kinh nghiệm từ 2 năm công việc, và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp. Chính vì lý do đó mà những tháng ngày công tác cũng tương đối dễ dàng đối với tôi. Gọi là tương đối dễ dàng, bởi vì đôi khi, tôi cũng có gặp những rắc rối khá phức tạp, nhưng chuyện gì cũng đều được giải quyết êm xuôi.

Chị khách hàng lần này rất trẻ, và rất dễ nói chuyện. Chị hơn tôi khoảng 3 tuổi, và tôi có cảm giác thân thiết ngay từ lần đầu gặp mặt. Nhiều lúc nghĩ lại, trên đời này cũng có khá nhiều người rất khó chiếm được sự thiện cảm của tôi, mà có những người, chiếm được một cách rất tự nhiên, tự nhiên đến lúc nào tôi không hay. Rất khó giải thích.

Như bao cô gái làm kinh doanh khác, chị thuộc tuýp người bản lĩnh, thành công. Điều tôi khâm phục chị nhất là chị đã được đi những nơi mà tôi vẫn thường mơ: Hồng Kong và Singapore. Nghe nói chỉ là đi công tác thôi, nhưng tôi biết rằng, đạt tới mức đó là điều không dễ dàng gì. Ngoại trừ bản lĩnh ra, còn phải sẵn sàng đảm đương trách nhiệm. Mà tôi thì còn chưa có khả năng lớn đến như vậy.

Gần Etown có một khách sạn rất lịch sự, nằm trên đường Bắc Hải lối rẽ vào từ Cộng Hòa. Từ khách sạn này, chúng tôi thường đi bộ tới chỗ làm vào mỗi buổi sáng. Ghé vào một quán nhỏ bên vỉa hè để ăn sáng. Phải nói là cuộc sống những ngày này trôi qua rất nhẹ nhàng, nếu như không có một sự bùng nổ đặc biệt diễn ra trong một buổi chiều thứ 6.

Đó là một ngày có thể tính là rất ý nghĩa, một điểm nhấn trong cuộc hành trình của tôi: Chỉ trong một ngày, tôi lần lượt được ghé 2 "thánh địa":

Thánh địa đầu tiên, là thánh địa của kiểm toán viên: Số 2 đường Trường Sơn. Phải nói là sau bao năm xa cách, tôi vẫn lưu luyến thành phố đến lạ, mà một phần trong đó, chính là vì trụ sở chính của chúng tôi nằm ở đó. Thực ra trước đây, thánh địa này nằm ở số 229 Đồng Khởi, một con đường có thể tính là xưa nhất Sài Gòn, và phồn hoa cũng vào bậc nhất. Tiếc là do công ty tăng lên quy mô, người ta phải chuyển sang chỗ mới, nằm gần sân bay Tân Sơn Nhất. 

Từng có một chiều, tôi bước ngang đường Đồng Khởi, nhìn qua chỗ cũ, thấy người ta treo biển "Office for lease" mà lòng buồn khôn tả. Có lẽ thời đại mới sẽ bắt đầu, nhưng thời hoàng kim trong những kỷ niệm của tôi, đã ra đi đâu đó rồi.

Tôi ghé số 2 Trường Sơn để lấy một vài tài liệu rồi đi ngay, chỉ kịp gật đầu với một thằng bạn đồng nghiệp vào cùng lúc. Còn không kịp chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm nữa. Chỗ mới cũng khá khang trang, và rộng rãi. Đương nhiên không khí cũng tốt hơn, và hiện đại hơn. Nhưng tôi thì thuộc tuýp người cổ điển, nên chỉ thích những gì xưa cũ đã qua...

Thánh địa thứ 2, chính là thánh địa của dân Kinh tế, chính xác là dân UEH. Đó chính là hội trường lớn A116. Hôm đó diễn ra một sự kiện trọng đại: Chung kết cuộc thi triết học. Tôi nhờ một anh bạn thân chở về trường, và tham gia với tư cách... khán giả. Đương nhiêu điều đó không ngăn hết những nhiệt tình và đam mê của tuổi trẻ vẫn đang cháy bỏng trong tôi. Tôi như sống lại những ngày còn là sinh viên, đã từng một thời tôi tự tin đứng trên đó, và phát biểu những kiến thức của mình, đón nhận những tràn pháo tay nhiệt liệt từ khán giả... Những ngày đó, giờ chỉ còn trong tâm tưởng của tôi.

Trong những ngày này, có một lần tôi bắt xe buýt từ đầu đường Cộng Hòa tới thẳng xuống quận 1. Có mấy đứa bạn thân rủ rê tôi vào cafe Starbuck cho biết. Đi rồi thì mới biết, Sài Gòn đúng là nơi chốn ăn chơi bật nhất. Ở đây chênh lệch giàu nghèo vô cùng rõ ràng. Có người cặm cụi cả ngày gió bụi mới kiếm được vài đồng bạc lẻ, có người chỉ trong đôi phút mà tiêu hơn cả trăm ngàn. Mà hỗ thẹn thay, tôi cũng là một trong số vung tay lãng phí đó. Đương nhiên đi với bạn bè thì cũng không tiếc gì, nhưng ngẫm lại thì cũng không nên để sự phồn hoa làm thay đổi cách sống của mình.

Kết thúc khách hàng ở Etown, tôi tận hưởng một ngày chủ nhật hiếm hoi và chuẩn bị chuyển sang một nơi làm việc mới, với một khách hàng mới, khách hàng thứ 10, cũng là khách hàng cuối cùng trong chuyến công tác.

Lẽ ra thì cũng không có khách hàng thứ 10 này, chúng tôi có thể về ngay ngày chủ nhật hôm đó. Vé máy bay đều đã được đặt sẵn. Nhưng không biết sao, xếp lại thông báo đổi lịch, thế là phải hoàn vé máy bay, chuẩn bị tiếp tục chiến đấu. Mà "lịch kiểm toán", đúng là một thứ màu mè hay thay đổi, giống y như là một cô gái chảnh chọe, kiêu ngạo, lúc thì thích thế này, lúc thì thích thế khác, làm cho những người quan tâm đến cô cảm thấy bối rối, chẳng biết đường nào mà lần...

Chúng tôi trở lại khách sạn cũ trên đường Hoa Hồng như những ngày đầu chuyến công tác. Chỉ khác là lần này ở ngắn ngày hơn. Mà khách hàng mới này, lại là những khách hàng tương đối khó tính. Đương nhiên bề ngoài người ta vẫn tỏ ra nhiệt tình hiếu khách, nhưng với kinh nghiệm nhìn người của tôi thì họ có sự kiêu ngạo phát từ nội tâm, mà người ngoài rất khó thân thiết, không giống như những khách hàng trước mà tôi gặp. Có thể là những người chính gốc thành thị, sinh ra và lớn lên hoàn toàn trên Sài Thành, có bối cảnh to lớn, đều có một phần tính cách như vậy. Nó khác xa với những người lớn lên từ chân quê như chúng tôi, vào thành phố chỉ để lập nghiệp và kiếm sống. Nghĩ ra thì tôi ngày càng khó tính. Hoặc là mình lớn rồi nên nhìn đời một cách thực tế hơn. Chính xác là càng già càng thích toan tính...

 Sau 3 ngày kết thúc ở khách hàng này, chúng tôi mới chính thức lên đường trở về Nha Trang quen thuộc. Lần này thời gian gấp rút nên không được đi máy bay mà chỉ đi bằng tàu hỏa. Có lên mạng tham khảo vé máy bay, đáng tiếc là không có chuyến bay đêm. Mà bay ban ngày thì không có thời gian. Về Nha Trang xong, chúng liền xuất phát làm ở khách hàng khác nữa, không đủ thời gian để kịp thở, nói chi là để xếp hàng chờ máy bay...

Một lần nữa lại cảm thán cho số phận của KTV. Mỗi nghề cũng có một cái khổ riêng, không ai giống ai cả. May mà lần này vào thành phố tương đối dài, tôi học được khá nhiều điều bổ ích. Mà quan trọng hơn tôi có cơ hội gặp lại những người bạn thân từ thời đại học, nhớ lại nhiều kỷ niệm quý giá. 

Hơn 40 ngày, 10 khách hàng, xem như kết thúc một chuyến đi dài. Trong tương lai còn có những chuyến đi dài như vậy hay không thì tôi cũng không chắc, cho nên chỉ có thể học hỏi tinh thần của Dale Carnegie thôi: "Đắc nhất nhật, quá nhất nhật", được ngày nào thì hay ngày này, miễn lo toan chuyện tương lai chi cho mệt mỏi cuộc sống dù gì thì cũng tiếp diễn theo chu trình vốn có của nó...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét