6 thg 8, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Hái trộm nhãn trên đất Tuyên Quang

Đây có thể tính là một trong những kỷ niệm đẹp nhất, sâu sắc nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi. Đương nhiên, chuyện này cũng chẳng vẻ vang gì, nhưng giờ nghĩ lại, xấu thì cũng có xấu, nhưng chắc không đến nỗi nào nghiêm trọng, nên không cần phải che giấu. Ngược lại, tôi còn cảm thấy khá hồi hộp, kích thích và cũng rất vui. Cũng có thể tính là một trải nghiệm khá mới mẻ cùng với đồng nghiệp.

Sau khi từ Chiêm Hóa - Na Hang trở về, chúng tôi còn loanh quanh ở phố Tuyên Quang thêm vài ngày nữa. Có những buổi chúng tôi dạo bước đến những quán ăn gần bờ sông Lô, gọi vài món ăn bình dân, hoặc một ít lẩu thập cẩm, vài lon nước ngọt rồi cùng nhau nói chuyện, xem như là giải trí sau những giờ làm căng thẳng. Những quán ăn bên sông Lô khá nổi tiếng với các loại cá, rất ngon mà giá cả cũng khá bình dân: cá lăn và cá đục. Cá lăn thì nhỏ xíu, giống giống như cá cơm, người ta chiên chung với một ít rau núi, ăn giòn rụm. Có đục lớn hơn, cắt khúc, có thể chiên giòn hoặc nấu canh chua sấu, thịt ngọt, ăn hoài cũng không chán.

Đó là một buổi trưa đầy nắng, rất đẹp. Sau bữa cơm khá no bụng, chúng tôi dành một ít thời gian nghỉ trưa để lang thang qua những con phố rất rộng rãi và vắng người. Nơi đây toàn là những cơ quan nhà nước, rất ít người, nhưng cổng mở suốt ngày. Một điều rất hấp dẫn nữa là những cơ quan ở đây đều có vườn khá rộng, và trong vườn có rất nhiều cây nhãn, cũng tương đối lâu năm, và... trái sai trĩu cành. Một vài chỗ trái chĩa ra bên ngoài vách tường và có thể với xuống hái được.

Phải nói thêm là, đồng nghiệp của tôi nói riêng, cũng như những người làm nghề giống chúng tôi, đa số, và thỉnh thoảng có lúc rằng, rất bất thường, mà chúng tôi hay nói vui rằng "thần kinh không ổn định cho lắm". Thế là mọi người rủ nhau... hái vài trái nhãn ăn thử. Chính xác là chị trưởng nhóm đề xuất, và mọi người hưởng ứng theo. Thế là chúng tôi thi nhau níu cành ở bên ngoài vách tường xuống, hái gần đầy một cái mũ luôn. Nhãn ở đây khá ngọt và khô ráo nên rất dễ ăn. Trái trên cành còn chưa chín nhưng vị ngọt đã thấm vào tận đầu lưỡi. Mà không hiểu sao không có dơi hay chim gì đó phá, chắc nhiều quá rồi chúng nó cũng chê. Nếu chê thì thôi, để lại cho chúng tôi vậy.

Nếu dừng ở đây thì chuyện cũng chẳng có gì mới lạ cả, dù sao thì nhãn nhiều, hái vài trái cũng không là vấn đề lớn. Nhưng rủi ro thay, được một lúc thì có người ra vào cơ quan. Hình như đó là một cơ quan của Sở Lao Động hay Liên Đoàn gì đó. Lúc vội hái nhãn quán nên tôi quên để ý. Thế là người ta vào trong và méc bảo vệ. Bác bảo vệ chạy ra, nắm tay anh bạn đồng nghiệp tôi kéo vào trong. Cả nhóm chết lặng người. Lúc nào chị trưởng nhóm mới kéo cả nhóm (chính xác là cả đồng bọn, trong trường hợp này) vào theo, và giở trò năn nỉ đủ thứ. 

Tiếc là không có máy ảnh để chụp lại khuôn mặt của anh đồng nghiệp lúc đó. Bị bác bảo vệ nắm kéo lại mà trông tội ơi là tội. Bác bảo vệ còn cho tay vào túi, sờ sờ, giống như là lấy cong số 8 ra hay dây thừng gì đó để trói người. Giờ nghĩ lại chắc là lúc đó bác cũng dọa chúng tôi mà thôi. Cơ mà lúc đó cũng hết hồn, hồn vía lên mây.

Nghe đâu bác bảo vệ nói, cây này bác cũng không dám hái, mà là tài sản chung của mọi người, đến thời vụ mới hái xuống chia nhau. Thế mà tụi chúng tôi lại dám cả gan hái trái như nhà không người. Còn dọa gọi công an trên đồn gần đó xuống nữa. May mà chị đồng nghiệp nhanh trí, xin lỗi rồi hứa hẹn quá trời, bác bảo vệ mới thả cho đi. Chắc là chỉ cũng đã quen nhiều với mấy trường hợp này rồi, nên ăn nói cũng khá lưu loát. Dù gì thì đa số chúng tôi cũng xuất thân từ dân quê ra, mà từ thời xửa thời xưa, đứa nào mà không có một vài tiền án về bắn xoài, bẻ mía cơ chứ.

Chúng tôi tim đập chân run ra khỏi cơ quan người ta, vội vàng đi thêm một đoạn nữa, nhìn nhau rồi... phá lên cười. Không có chút cảm giác nào tội lỗi hay áy náy của những người phạm tội mới vừa bị bắt quả tang cả. Lúc nãy có chị đồng nghiệp còn nhanh nhẹn giấu đâu mất cái mũ đựng đầy nhãn, giờ lại giở ra mà chia nhau ăn. Tôi phải thành thật thú nhận rằng, tôi chưa bao giờ ăn được loại nhãn nào vừa ngon vừa ngọt như vậy.

Mặc dầu ở chợ gần khách sạn, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay ghé mua một ít nhãn, chừng đâu khoảng 25k một ký, ăn cũng ngon, cũng ngọt, nhưng không bằng. Chắc là trái cây hái trộm, nên hương vị có khác đi...

Cuối tuần, chúng tôi tranh thủ ghé một vài nơi nữa trên đất Tuyên Quang. Đáng nhớ nhất là một cái công viên khá rộng, người ta thường hay gọi là công viên Cây Xanh. Ở giữa nó có một hồ nước rất lớn, có thể nhìn thấy trên bản đồ google map. Giữa hồ có một khoảnh đất trồi lên, người ta cho xây trên đó một cái viện bảo tàng rất lớn, được nối ra hai bên bờ công viên bằng những chiếc cầu cong cong nho nhỏ. Nhìn cũng gần giống với "phong kiều" trong thơ của Trương Kế. Đương nhiên tôi chưa tận mắt nhìn thấy "phong kiều" bao giờ cả, chỉ là tưởng tượng và trên tranh ảnh thôi. Nhưng tâm hồn thi sĩ, nhìn vật nhớ người, nhớ cảnh, nên lòng không bao giờ là cũ, là rong rêu cả.

Bảo tàng Tuyên Quang là một bảo tàng rất đẹp. Chúng tôi đến vào ngày chủ nhật nên vắng tanh, cổng thì vẫn để mở, bảo vệ đi đâu mất. Chắc rằng nơi đây cũng ít người qua lại. Chúng tôi bạo gan vào đó dạo một vòng, tranh thủ chụp ảnh lại với những hiện vật bày trong bảo tàng. Bảo tàng có 2 tầng, hiện vật rất đa dạng và phong phú. Đáng chú ý nhất vẫn là một bức tranh khá lớn về "mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào" được điêu khắc nổi trên tường. Tiếc là ít người ghé thăm quá, nên cảnh vật cũng hơi buồn một chút. Anh đồng nghiệp còn than rằng, nếu bảo tàng này đặt ở Nha Trang, có đầy đủ hiện vật như vậy, thì chắc chắn du khách sẽ ra vào tấp nập... Biết sao được, thời gian mà, lịch sử cũng có lúc bị lãng quên đâu đó, ở một góc nào đó của con người. Dù gì thì cũng không ai sống mãi được với quá khứ cả, thứ người ta cần là bình yên trong hiện tại và hướng tới tương lai.
Ở đất Tuyên Quang vài ngày,đến cuối tuần, chúng tôi lại khởi hành lên một địa điểm khác, thành phố Hà Giang xinh đẹp. Và ở đó còn có những câu chuyện thú vị khác nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét