30 thg 11, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Người hoài cổ trên đất Hưng Yên

"Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến", tôi ghé Hưng Yên mà lòng luôn mơ về một quá khứ xa xăm bụi mờ phủ đóng. 

Hưng Yên bây giờ không còn trong ngàn năm ký ức của tôi nữa. Nhưng phố dài rộng rãi, những công trình cao ốc, nhưng ngôi nhà mới, những quảng trường rộng. Những nơi hiếm hoi còn để lại di tích của một thời Phố Hiến, chỉ có lác đác một vài ngôi chùa, ngôi đền, mà tôi may mắn ghé qua: chùa Chuông, đền Trần, đền Mẫu.

Đứng ở ngoài phố xa thì không cảm nhận được một chút nào cổ kính của ngày xưa, một địa danh một thời là thương cảng phồn hoa bậc nhất, chỉ sau đất kinh đô. Tôi phải vào tới nơi tận cùng nhất, tìm lại những vách đá rêu phong, những mái ngói âm dương, những chiếc chuông chùa, những bức tượng, những dòng chữ khắc trên bia đá. Ở đền Mẫu, tôi còn may mắn chứng kiến một cội đa 3 gốc, tán che rợp cả khoảnh sân rộng. Dạo quanh một vòng, kịp chụp với đồng nghiệp một ít ảnh làm kỷ niệm. Đó là tất cả những gì tôi có về phố Hiến. Phố Hiến bây giờ cũng là tên của một con phố nhỏ, tôi có đi dạo một vòng, cũng có thỉnh thoảng gặp một ngôi nhà cổ, nhưng chủ yếu là cái bộn bề, hiện đại của thành thị, của chợ búa, của dòng người, dòng xe tấp nập. 

Kinh kỳ tôi đã đến, nếm cái rong rêu cổ kính bên hồ Gươm. Cố đô tôi cũng đến, nghe sông Hương nước chảy êm đềm, lãng mạn trôi ngàn năm bên tường thành rêu phủ. Hội An tôi cũng đến, kiến trúc vẫn trơ trơ của ngày xưa. Chỉ duy phố Hiến là nhạt lòng viễn ảnh. Thứ phong vị cổ kính xa xôi thăm thẳm duy nhất còn lại, đó chính là ở lòng người hoài cổ...

Từ chỗ khách hàng, chúng tôi có thể đi bộ qua chùa Chuông. Gọi là "chùa Chuông", vì trong khuôn viên chùa có một cái gác, trên gác có một cái chuông khá to. Lúc tôi đến người ta đã đóng cửa, nên không vào thăm chuông được, chỉ thấy thấp thoáng bóng chuông qua những khuôn cửa sổ bằng gỗ. Ngoài khuôn viên chùa, độc đáo nhất vẫn là một cái cổng khá cổ xưa, có thể tính là cổng đặc trưng của văn hóa cổ xưa nơi đây. Bên cạnh đó là một cái hồ sen nho nhỏ, lúc chúng tôi đến, có một đôi đang chụp ảnh cưới ở nơi này. 

Những buổi sáng bình thường, chúng tôi vẫn tập trung vào công việc. Áp lực của nơi này khá lớn nên đôi lúc tôi tạm gác lại sự hoài cổ đó lại mà đi tìm những con số lạ lẫm. Khách hàng ở nơi này là một hình nghiệp vụ khác rất lớn đối với những năm kinh nghiệm trước đó của tôi, nên tôi phải vừa làm vừa tìm hiểu và học hỏi. May mà nhưng chị kế toán ở bên đó rất dễ nói chuyện. Chỉ khoảng tầm 40, có con gái học cấp 1. Nghe nói là chị lấy chồng khá sớm, nhưng có con khá muộn, nên hiện tại chỉ có một cô công chúa. Chị thường dẫn cô bé đi ăn chung với cả nhóm, hỏi ra mới biết cô bé họ Tống, nghe giống như là "3 cô con gái nhà họ Tống" vậy. 

Chúng tôi được chị mời ăn món "bún thang" ở gần đó, cách khoảng một cây số, nằm bên đảo nhỏ giữa hồ. Đảo đó gọi là "đảo Cò", nó nằm trong một khuôn viên độc lập, bốn bên là nước, không có cầu bắc qua. Bốn phía đều được xây tường, rất ít người đến. Nghe nói buổi chiều thường có cò về ngủ trên đảo, tôi chưa có thời gian đi thăm, nhưng từ từ xa xa nhìn vào, trên những nhánh cây cao, thấp thoáng thấy một vài điểm trắng. 

Bún thang là một món bún khá lạ, nhưng cũng vừa ăn. Chủ yếu vì đây là đặc sản vùng này, thỉnh thoảng có gặp vài miếng thịt lươn nho nhỏ, rồi chả, trứng, đều cắt thành sợi. Một tô bún rất nhiều, tôi ăn không hết. Mà cũng không biết sao nó gọi là "thang" nữa, chưa có cơ hội để tìm hiểu thêm. Ngoài những gia vị phụ như vậy, thì nó vẫn giống món bún bình thường. Trên một con phố gần đó, chúng tôi còn được khách hàng đãi cho ăn món ốc và trứng cút lộn khá ngon miệng nữa. Nói chung là tối hôm đó tôi no căng bụng.

Ở khách hàng cả tuần, chúng tôi thường ghé qua một quán cafe, có thể tính là nổi tiếng nhất phố Hưng Yên, cafe Phố Cũ, nằm ngay trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, cách quảng trường không xa. Chị nhóm trưởng là một fan của cafe, nên mỗi sáng nếu không có cafe thì hiệu suất làm việc của chị sẽ không cao được, do đó chúng tôi thường dậy rất sớm, la cà mãi ở quán cafe cho tới giờ đi làm. Ở nơi này, tôi mới biết lần đầu một món quen, sữa chua đá thêm một chút vị cafe nữa, mà người nơi đây quen gọi với một cái tên rất lạ: Sữa chua đanh đá - cafe.

Hưng Yên mùa này lạnh, tôi gọi thử Sữa chua đanh đá, hút một hơi, món này được hút bằng ống, tới tận 2 cái, có chiều cao khác nhau, chắc là như vậy mới tận hưởng hết hương vị của sự "đanh đá". Sau đó là hơi lạnh lan tỏa toàn thân. Tôi rúc mình vào chiếc áo khoác của mẹ mua cho, đeo vội một đôi găng tay... 

Hôm cuối cùng, khách hàng mời ăn một buổi tiệc nho nhỏ, bị ép uống đến mệt nhoài. Đương nhiên nghề của chúng tôi, ai cũng phải giữ lại một chút sức lực cuối cùng để ứng phó với những tình huống bất thường. Rồi mọi người trêu nhau trên bàn tiệc, anh kế toán nói thích chị đồng nghiệp, chị đồng nghiệp nói anh vào Nha Trang đi, rồi có người hỏi tôi có yêu ai chưa... Nói chung đó là những cái vui rất tạm thời của công việc xã giao, bên cạnh những chai rượu "mã kích" đậm đậm màu nâu. 

Tối người ta còn mời đi hát tại một quán cũng khá sang trọng, giống như quầy bar đứng. Tôi có chọn một bài tủ, nhưng hát không được, vì chất giọng không tốt. Chị trưởng nhóm góp ý thêm nên về học hát nữa, mà chắc chuyện này khó, cũng không có nhiều thời gian tâm tư để đi luyện một lĩnh vực khá ít dịp sử dụng như vậy, mà chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều đối với cuộc sống này cả.

Xe khách hàng đưa chúng tôi rời Hưng Yên. Chị kế toán vẫn nhiệt tình như hôm mới gặp, đưa đến tận nơi khách sạn mới. Chúng tôi tạm biệt, và hẹn sẽ có một ít thơ về Hưng Yên để gửi tặng chị. Nhưng do thời gian không có nhiều, nên đến nay tôi vẫn chưa cất bút...

Tạm biệt Hưng Yên, tạm biệt phố Hiến, tạm biệt một ngàn năm hoài cổ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét