30 thg 11, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Ghé Hải Dương, dừng chân bên Bạch Đằng hồ

Nơi chúng tôi đến, vào khoảng giữa tháng 11, là một thành phố khá rộng rãi và cũng tương đối đông người, thành phố Hải Dương.

Đây có thể tính là một thành phố khá mới. Nghe nói vừa mới năm trước, đồng nghiệp tôi đến không đông người như vậy. Có thể thấy là tốc độ phát triển cũng khá nhanh.

Xe khách hàng đưa chúng tôi từ Hưng Yên đến Hải Dương chừng khoảng một tiếng. Hơi tiếc là trên đường vì say xe, tôi cứ nhắm mắt suốt, bỏ lỡ rất nhiều kiến trúc và phong cảnh trên đường đi. May mà lúc đường về có thể nhìn lại một chút, thoáng thấy sông Đuống trên đường về ra sân bay.

Đến Hải Dương, tôi ngập tràn bồi hồi trong những ký ức lịch sử. Đó là rất nhiều nơi tôi muốn đi, và cũng có ý định đi thăm, nhưng tiếc là công việc hơi nhiều nên không có cơ hội ghé lại: dòng sông Bạch Đằng lịch sử, Kiếp Bạc, Côn Sơn, để tưởng nhớ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, còn có một vùng đất nổi tiếng có nhiều tiến sĩ là làng Mộ Trạch...

Chỉ có một nơi may mắn tôi được ghé qua: hồ Bạch Đằng. Không biết vì sao nó tên như vậy cả. Chúng tôi dừng chân bên con đường nhỏ men theo hồ, đường Đoàn Kết. Đó là một khách sạn khá khang trang mà những mùa trước, đồng nghiệp của tôi đã ghé đến. Còn tôi thì chỉ mới đặt chân lần đầu. Nơi này, tôi có cơ hội làm quen với một cô nhân viên khá dễ nhìn. Nhưng chuyện này tôi sẽ đề cập đến sau. Dù sao thì cũng chỉ là quen biết.

Hồ Bạch Đằng là một cái hồ khá lớn, rât trong lành và lãng mạn. Gọi là lãng mạn, vì không khí ở đây, lúc tôi đến, còn mới se se lạnh mà chưa có cái rét đầu mùa đặc trưng của miền bắc. Buổi sáng dậy sớm, hoặc buổi chiều mát, đứng bên bờ hồ, khoác áo bông và cảm nhận những cơn gió nhẹ, sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thản. Không trách những cô gái sinh ra trên đất này lại duyên như vậy. Một phần nữa, bên bờ hồ có một vài quán cafe nhỏ, và những công viên ít người. Ở đây, trong những buổi chiều cùng đồng nghiệp dạo quanh hồ, tôi có thể thấy khuất xa xa đâu đó là những cặp tình nhân ngồi tâm sự... Giữa hồ là những con thuyền vịt nhỏ, thỉnh thoảng có đôi cặp tình nhân tựa vai nhau...

Bên hồ có một quán cafe tên nghe rất hay: Gió cafe. Không phải tự nhiên mà tôi lấy gió làm ý tưởng cho khá nhiều bài viết của mình. Ngày cuối cùng, tôi với đồng nghiệp tranh thủ buổi sáng chủ nhật rảnh rang, đi mua sắm một chút tại siêu thị gần đó và ghé qua Gió ngồi, và tranh thủ chụp vài tấm ảnh. Có những ký ức rất đẹp về những trang sách ngày xưa, tôi có đổi một chút về địa danh:

"Dừng chân quán Gió buổi chiều
Nhị hồng, hoa nguyệt, yêu kiều, thướt tha.."

Từ chỗ chúng tôi đến khách hàng phải đi taxi vài cây số. Khách hàng là một đơn vị khá lớn. Nằm rải rác ở các huyện nữa, nên có một vài ngày, chúng tôi phải đi xuống huyện để tác nghiệp. Có 2 huyện nhỏ mà tôi được may mắn ghé qua: Thanh Hà và Cẩm Giàng. Nghe những cái tên đã thấy hết nét thi vị của vùng đất và con người nơi đây.

Tại Thanh Hà, xe khách hàng chở đi, chúng tôi phải băng qua một đường cao tốc lớn, nghe nói là đường đi Hải Phòng. Hải Phòng cũng từng là một ước mơ nhỏ của tôi, từ ngày xưa ngày xưa, khi mà có một người từng để lại dấu ấn của cuộc đời tôi, có quê gốc là ở nơi này. Cô giám đốc ở Thanh Hà khá vui tính, còn cô kế toán thì trạc tuổi tôi, nhưng đã có gia đình rồi và cũng sắp có em bé nữa, tôi cứ gọi là chị suốt. Cô giám đốc còn có ý định mai mối tôi với một cô kế toán khác nữa, cứ trêu đùa nhau suốt buổi tiệc trưa. 

Ghé đến Thanh Hà, đúng vào mùa này, tôi may mắn nếm qua một món rất đặc trưng, tính là đặc sản ở Hải Dương: rươi. Mà chính xác, nghe cô khách hàng nói, là "rươi đầu ruồi". Rươi người ta chế biến thành món giống như là trứng chiên nhưng dày hơn, có trứng, có nhiều thứ khác, rồi chiên lên thành miếng dày, to như cái đĩa, khi ăn xoắn ra từng khối. Hương vị cũng lạ miệng. Rồi canh rươi, chính xác là món giống như súp của quê tôi, nhưng nó đặc hơn, và nhiều rơi, nhiều loại gia vị khác nữa. Nghe nói món này mát lắm, người ta cứ húp lấy húp đỡ.

Những con rươi nhỏ xíu, to cỡ bằng nửa đầu đũa, lúc chế biến chín rồi nên nhìn không ra hình dáng nữa. Còn có khi tôi ra chợ, có nhìn qua những nơi bán rươi, người ta bày từng sạp từng sạp, nước xâm xấp, có rươi chen chúc bơi trong đó, mới biết hình dáng nguyên thủy của nó. Nửa giống giun đất, nhưng nhiều chân giống rết, màu thì cũng nâu nân đỏ đỏ, hình dáng nhỏ xíu, chân bơi liên tục... Nói chung là cũng không dễ nhìn, nếu cho tôi nhìn trước rồi ăn sau, chắc là ăn không ngon như lúc trước. 

Chợ này là một ngôi chợ gần chỗ khách hàng, trong một hẻm từ đường lớn đi vào, có bán đủ mọi thứ. Gần đó có một hẻm khác, mà chúng tôi thường ghé ăn cơm. Nơi này có đủ các loại quán xá, chiều chiều học sinh thường tụ tập rất đông, ăn những món đặc trưng của sinh viên: lẩu thái, xiên que, cánh gà nướng... Trong đó tôi chú ý nhất một món, và cũng đã may mắn nếm thử: nhộng. Không biết người ta chế biến bằng cách gì, mà những con nhộng nhỏ bằng ngón tay út, ngắn ngắn, ăn vào giòn giòn, có vị béo bùi của đậu xanh. Tôi chỉ thử một ít rồi thôi, nói chung là lạ miệng nên nếm cho biết.

Cẩm Giàng, nơi khác tôi đến, là một huyện gần thành phố, trên taxi đi khoảng mười mấy cây. Khách hàng ở đây cũng khá thân thiện. Cô kế toán thích nói chuyện. Mà tôi lại thích làm việc với những người như vậy, chúng tôi có thể khai thác nhiều thông tin nghiệp vụ hơn. Buổi trưa người ta đãi chúng tôi một ít trái cây, cũng không lạ lắm, nhưng lần đầu tôi nếm thử: quất hồng bì, mà sau này tôi hỏi ra được, tên đúng của nó là quất đường, hay quất ngọt. Đó là một loại quả nhỏ xíu, giống như trái quất trong nam, trái quất cảnh mà người ta thường đặt giữa nhà nhân dịp tết. Nhưng quất ở đây da dày hơn, bám vào ruột, và ngọt, và đặc biệt nhất: ăn luôn cả vỏ. Vỏ có vị the the, nhưng không gắt, và rất vừa ăn. 

Hôm về thành phố, tôi cố ý dạo một vòng quanh chợ gần đó, tìm cho được quất đường để mang về làm quà. Tiếc là những chợ tôi qua, không có chợ nào bán cả. Có một chợ rau củ quả ở gần bờ sông, quy mô của chợ đầu mối, tối tối từng xe tải bốc hàng xuống, tôi đi dạo suốt một vòng, cũng không tìm thấy thứ cần mua, nên đành trở về tay không. Hỏi ra mới biết, quả này hiếm, và hết mùa rồi, nên chắc là hẹn dịp khác vậy. Mà cũng không biết còn dịp nào khác nữa không, vì lịch công tác đã lên rồi, và lần sau tôi không ghé Hải Dương nữa...

Một trong những điểm thú vị nhất ở chuyến đi này, chính là các khách hàng của tôi ở thành phố. Anh kế toán cũng khá lớn tuổi, U50 gì đó, tính tình thì cũng hơi đặc biệt, nhưng nói chung là tốt bụng. Anh kể chuyện rất nhiều về công việc, và cả đời tư của anh. Nghe nói anh có quen với nhiều nhân vật then chốt, cho nên làm nhân viên thôi cũng được sếp nể lắm. Trong bàn tiệc đôi lúc anh còn chửi thề vài tiếng nữa, nhưng nghe cũng vui và hiểu được tính tình anh. Hôm cuối cùng anh có uống với tôi vài ly bia, và biết được rằng anh uống yếu lắm, bị chuốc say khá khá. Hai cô kế toán khác thì cũng dễ nói chuyện, mặc dù tính tình hơi khắt khe, và thường thảo luận với chị trưởng nhóm rất tốn thời gian. Nghe những chị đồng nghiệp kể, những lần trước họ rất khó nói chuyện, nhưng kỳ này đã dễ tính hơn nhiều rồi, chắc là vì người quen gặp lại.

Nơi này, để lại cho tôi một dấu ấn khá thú vị vì món gà luộc của người ta. Không phải là gà chặt khúc nhỏ nhỏ. Mỗi người được dọn ra một cái đùa gà kèm theo cả phần lườn bụng, tính ra cũng gần nửa con gà, mà mỗi người một phần, dọn ra nguyên miếng to như vậy. Ăn đến no căng bụng cũng không hết một phần đó. 

Cũng trên đất Hải Dương này, tôi gặp 2 chiếc phong bì tiếp theo trong cuộc đời nghề nghiệp: chiếc thứ 11 và 12. Và đương nhiên là từ chối, kể từ chiếc thứ 7 ở Đồng Hới, Quảng Bình. Còn chiếc thứ 8,9,10 tôi sẽ kể sau, đó là một câu chuyện dài mà tôi không thể quên được. Chiếc thứ 11 ở Thanh Hà, chiếc thứ 12 ở Cầm Giàng. Nói chung là những người nơi đó rất nhiệt tình, hiếu khách, và đương nhiên làm việc theo kiểu của người miền Bắc: lễ được đặt lên hàng đầu. Còn người miền Trung của chúng tôi thì tương đối chất phác hơn, công việc là công việc, không ảnh hưởng gì đến những suy nghĩ ngoài luồng khác. Đương nhiên nhận thì cũng không có vấn đề gì cả, nhưng một cô bạn của tôi cho rằng "bình thường". Dù gì thì cũng không quá lớn, cũng không ảnh hưởng gì đến công việc, mà cũng không có gì sai trái cả (đó là ý tứ của nàng). Còn đối với tôi, con người nên giữ lại một giới hạn nào đó cho riêng mình, dù có hơi ngốc nghếch một chút, nhưng đó là yếu tố quan trọng để xác định mình là ai trên thế giới này.

Tạm biệt Hải Dương, xe khách hàng đưa chúng tôi thẳng đến sân bay. Tôi rất khâm phục chị trưởng nhóm, lúc mà chúng tôi đang đau đầu vì vấn đề xe cộ, chị chỉ "gợi ý chút xíu", anh giám đốc là cử xe đưa nhóm đi ngay. Mà nghe nói, anh giám đốc này khá vui tính, có xuất thân từ kế toán ra, nên phòng kế toán được quan tâm rất đặc biệt, và chúng tôi cũng nhờ ké theo một chút.

Sân bay Nội Bài đón chúng tôi trong một buổi chiều nhiều mây. Vietjet bị hoãn nửa tiếng đồng hồ. Cũng nhờ thế mà tôi được may mắn ngắm hoàng hôn trên bầu trời lần đầu tiên. Đó là một thứ ánh sáng rất rực rỡ, nhưng không quá chói lòa và người ta có thể nhìn thẳng được. Mây trắng nhuộm lên màu vàng ươm như đổ mật, như thiên đình, như cực lạc trong những tập Tây Du Ký, hoặc là nơi của những giấc mộng lung linh huyền ảo.

Chúng tôi đáp xuống Cam Ranh trong buổi tối chạng vạng. Xe công ty đưa đón. Tiết trời Nha Trang rất ấm. Tôi ngủ lại đêm ở phòng trọ, và sáng sớm mai chạy về nhà để kịp một ngày nghỉ ngơi thư giãn sau những chuyến "thiên di" liên tục: 3 tuần Sài Gòn, 1 tuần Hưng Yên, 1 tuần Hải Dương. Để hôm sau lại vội vàng thức dậy sớm, chạy thẳng vào Nha Trang cho một khách hàng ở gần đó. Đến bây giờ, khi viết những dòng này, tôi vẫn còn cảm giác ngủ chưa đã thèm...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét