2 thg 3, 2013

Nhật ký nghề nghiệp: Ghé thăm Vũng Rô

Con đường đi ngang qua Vũng Rô mình đã đi nhiều lần. Từ trên đèo Cả nhìn xuống, cảnh biển rất đẹp. Thỉnh thoảng còn có sương mù che phủ. Nhưng phải tính đến ngày 21 tháng 1, mình mới bước chân xuống Vũng Rô.

Bắt đầu từ ngày hôm qua, tức là chiều Chủ Nhật, sau một bữa cơm nhà vội vã, mình được anh mình chở đến Nha Trang để lên kịp chuyến tàu chiều. Tàu từ Nha Trang, chạy qua Ninh Hòa nhưng không ghé lại, rồi đi thẳng tới ga Tuy Hòa. Mình lại đến Tuy Hòa, lần này là lần thứ 3 trong cuộc đời nghề nghiệp của mình.

Lẽ ra mình phải xuất phát ở Ninh Hòa, như vây còn tranh thủ được một ít thời gian nghỉ ngơi ở nhà. Tiếc là tàu không dừng ở Ninh Hòa nên phải vào Nha Trang đi ngược trở lại. Tính ra cũng mất hết 2h đồng hồ.

Khách sạn mình xuống là một khách sạn mới xây, giá cả cũng phải chăng, nằm trên đường Hùng Vương. Mình ở chung với một anh đồng nghiệp nữa. Buổi tối cũng ít nói chuyện, chỉ toàn là công việc, và một ít vấn đề cá nhân.

Sáng sớm, khách hàng cho xe đón tại khách sạn rồi chạy thẳng ngược ra Vũng Rô. Lần này đi với chị phó tổng nên cũng cảm thấy hơi áp lực. Có điều may mắn là chị đã có gia đình, có con rồi nên cũng rất tâm lý, không bị la gì nhiều cả. Trên đường đi còn nghe chị kể về kinh nghiệm và đủ thứ chuyện khác nữa.

Đường từ Tuy Hòa chạy ngược ra Vũng Rô là một con đường rất đặc biệt. Mình nhớ ngày xưa nó cũng từng đặc biệt như vậy, đó là khi ba mình chở hai anh em đi thăm người thân, có chạy ngang qua Tuy Hòa. Ngày đó còn khá ít tuổi. Giờ thì mình cũng đã lớn để nhận thức nhiều chuyện khác. Con đường này đi xuyên qua cánh đồng, được mệnh danh là "cánh đồng lớn nhất miền Trung". Rồi chạy vòng qua những sườn núi của đèo Cả, cũng là một đoạn đường rất hiểm trở. Trên đầu non là núi Đá Bia, nghe đồn có bài thơ trên đó (mà chắc là không có, nếu không thì mình đã lên tới tận nơi để đọc thơ). Rồi xe lại chạy thẳng xuống dưới, biển xanh thấp thoáng với mấy chiếc tàu đang nhổ neo.

Có một buổi trưa, khi đã tạm làm xong một nửa công việc, sau khi ăn cơm với khách hàng, mình với mấy chị đồng nghiệp rủ nhau ra biển đi dạo, ngắm cảnh và tranh thủ chụp vào tấm ảnh kỷ niệm. Buổi trưa mặc dù nắng gió nhiều,cái nắng, cái gió của đất miền Trung nhưng không khí khá yên tĩnh và thoải mái. Chỉ có một điều làm mình không hài lòng là trên bờ biển đã xuất hiện vài vết tích của dầu đen, điều này báo hiệu môi trường đang bị xâm hại. Mình cũng không có cách nào cả. Cũng có lẽ mình quá đa tâm.

Khách hàng nơi mình đến công tác rất nhiệt tình, ngoại trừ cho xe đưa rước một chặng đường dài còn đãi cơm buổi trưa. Buổi cuối cùng có thêm màn liên hoan nữa. Điều mình rất vui là mình không bị ép uống, mặc dù chú giám đốc uống rất nhiều. Lần đầu tiên mình nếm món sò huyết, đã nghe nói rất nhiều rồi, ăn cũng hợp khẩu vị. Khi đi về, khách hàng có tặng cho nhóm một ít cafe Tuy Hòa chính gốc. 

Một điều rất hạnh phúc của những người làm nghề như mình là được khách hàng tặng quà. Tất nhiên những món quà nhỏ, nhưng giá trị tinh thần là rất lớn, rất có ý nghĩa. Mà những lần gặp được khách hàng tốt như vậy không nhiều, cho nên những thứ mình nhận được mình đều rất quý trọng. Cafe thì đem về cho mẹ, để dành biếu tặng người thân, lâu lâu lại pha một ít vào sữa cho thơm. Kết hợp với một bộ pha cafe ngày xưa đi thực tập khách hàng ở Bình Dương tặng cho nữa là đủ bộ luôn.

Trong nghề nghiệp của mình, thỉnh thoảng cũng gặp một vài khách hàng tặng cho... phong bì. Điều này khá nhạy cảm, cần sự xử lý khôn khéo, mình sẽ đề cập đến trong những bài viết khác. Còn hiện tại thì cảm giác của khách hàng này đối với mình khá có thiện cảm. Một chú kế toán còn hỏi loanh quanh đến tuổi của mình nữa. Không đành lòng nói dối nên trả lời thật là tuổi con ngựa. Thế là đụng chạm tới việc xem tuổi để nhìn... con rể. Mà chắc chú cũng đùa cho vui, cộng thêm với việc chú khá thiện cảm với mình khi thấy mình đeo cái đồng hồ Seiko của mẹ. Thật ra thời nay không có nhiều thanh niên đeo đồng hồ như vậy, có lẽ mình là người cổ điển.

Hết giờ làm việc, xe khách hàng lại chở mình về khách sạn. Vì công việc tương đối ổn thỏa nên lần này về sớm, trong buổi chiều chạng vạng mình được ngắm cảnh hoàng hôn trên cánh đồng Tuy Hòa. Sau đó xe chở mình chạy qua những lối đi mà từ lâu rồi, mình vẫn còn nhớ mang máng. Tháp Nhạn là địa danh mình nhớ nhất, hồi năm lớp 11, 12 gì đó có leo lên một lần. Rồi còn có Làng Nướng nữa, cũng từng ghé vào. Giờ nghĩ lại, thấy cảnh vẫn còn mà người thay đổi nhiều quá. Không biết trên đời này còn có ai đứng lại như mình để tìm vào một phút giây dĩ vãng.

Vì về sớm nên chị trưởng nhóm rủ nhau đi ăn lẩu, hình như là Cáp Chài, Tháp Chài gì đấy, lúc đó mình đang thất thần nên không để ý. Món ăn lạ nên mình cũng ăn không ngon, chỉ gắp vài miếng có lệ. Sau đó thì uống hết lon bia rồi ngồi chơi, nói chuyện. Nghề của mình bị áp lực từ 2 phía, vừa đối phó với khách hàng, vừa giao tiếp với đồng nghiệp, thế nên sau bao nhiêu lần đi công tác, tự nhiên cảm thấy bản thân trưởng thành hẳn lên. Trong lòng mình tuy còn có chút hoài nghi, lạ lẫm, bi quan, nhưng không còn nặng nề như trước kia nữa.

Ba ngày làm việc cũng trôi qua rất nhanh, mặc dù thỉnh thoảng có chút căng thẳng nhưng mọi chuyện cuối cùng cũng êm xuôi. Buổi chiều về có xe công ty tới đón, xe chạy ngang qua Ninh Hòa thì mình xuống. Chiều về sớm được ăn cơm nhà một buổi tối, để rồi sáng mai xách xe máy chạy vào Nha Trang để tiếp tục. Khách hàng ngày mai ở Nha Trang nên mình cũng được thư thả về mặt thời gian. Buổi sáng dậy sớm một chút, đi xe máy là đến nơi. Người không đi xa tự nhiên sẽ không hiểu được cảm giác về nhà rất thoải mái, ngủ rất ngon. Tất nhiên bình thường ở khách sạn làm việc xong cũng đi ngủ, nhưng đó là do mệt mỏi quá mà lăn ra ngủ, chứ chưa cảm nhận được sự ngon lành. Giờ thì tốt rồi, không đâu hơn được ở nhà. 

Nhiều lúc nghĩ lại, mình cũng khá may mắn khi tìm được công việc gần nhà. Mặc dù cũng đi công tác liên tục nhưng cảm thấy sau lưng mình còn có chỗ để tựa mỗi lúc mệt mỏi. Không giống như ngày xưa, ở đất khách quê người, lần nào nhớ nhà đều cảm thấy trống trải vô biên. May mà còn có bạn bè làm chỗ dựa. Những ngày đó, dù sao cũng đã qua rồi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét