5 thg 7, 2014

Nhật ký nghề nghiệp: Chuyến lữ hành đầu tiên

Thứ năm ngày 26 tháng 6 năm 2014. 

Ngày này sẽ đi vào lịch sử cuộc đời tôi, là chuyến lữ hành đầu tiên trong đời. Vì nó có liên quan đến chuyện công việc, nên tôi cũng muốn xếp chung nó vào "nhật ký nghề nghiệp".

Gọi là "lữ hành" vì đó là lần đầu tiên tôi đi xe máy xa đến vậy, từ Ninh Hòa đến Tuy Hòa, khoảng 120km và gần 3 tiếng đồng hồ. Trước đây, trong nghề nghiệp của tôi, tôi cũng thường đi xa, đi rất nhiều nơi, những đều là các phương tiện giao thông phổ biến, chưa bao giờ đi bằng xe máy cả. Lần này mới cảm thụ được, thế nào là đam mê cũng những người thích du lịch bụi, đi bằng xe máy rong ruổi trên khắp miền của tổ quốc. 

Ngày trước, cũng có đôi lần ba tôi chở tôi bằng xe máy lên đến tận Đà Lạt, theo đường qua đèo Ngoạn Mục, cũng khá xa, nhưng ba chạy nhanh, đi về trong ngày luôn. Sau đó một người anh họ của tôi chở tôi đi thi đại học ở Sài Gòn, cũng bằng xe máy, giữa đường có nghỉ chân tại đất Long Khánh. Đó chính là những quãng đường xe máy dài nhất mà tôi được chở đi. Nhưng lúc này là đi một mình, nên cảm giác rất khác lạ.

Đó là một buổi kiểm kê nhỏ, thực ra thì tôi cũng không định "liều" đến vậy. Nhưng vị trí kiểm kê ở cách thành phố Tuy Hòa khá xa, khoảng gần nửa tiếng xe máy, mà khách hàng lại bận rộn, không bố trí xe chở người đi được. Cũng có thể kiến nghị với sếp để hủy buổi kiểm kê đó đi, nhưng không muốn chút nào cả, dù gì thì sếp thuê nhân viên để giải quyết vấn đề chứ không phải là tạo thêm vấn đề cho sếp. Vậy là quyết định đi bằng xe máy.

Một điều khá may mắn là tôi không phải đi thẳng từ Nha Trang mà chiều hôm trước đã có mặt ở nhà rồi, nên tiết kiệm được hơn 40km đường quốc lộ. Từ nhà tôi đến Tuy Hòa phải chia làm 3 chặng đường: đến Vạn Giã, đến Đại Lãnh và đến Tuy Hòa. Ba chặng này khoảng cách cũng tương đối xấp xỉ bằng nhau.

Vạn Giã là một thị trấn nhỏ tương đối ít người, nằm dọc theo đường quốc lộ. Có mấy lần tôi chạy xe máy đến làm việc ở đây. Lần này thì băng ngang qua luôn. Trong khoảng thời gian gần đây, quốc lộ 1A đang được cải tạo mở rộng thêm, nên đường tương đối khó đi, cũng khá nhiều bụi bặm. Hy vọng trong tương lai không xa, khi chất lượng đường đã tốt hơn rồi, tôi sẽ có nhiều chặng hành trình tương đối thú vị hơn.

Qua khỏi Vạn Giã một đoạn khá xa nữa là đến Tu Bông, địa điểm mà ngày xưa, cô giáo dạy văn đã dạy:

"Gió đâu bằng gió Tu Bông
Em thương ai bằng thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con."

Theo quan sát của tôi, Tu Bông gió mạnh nguyên nhân chủ yếu là có các dãy núi nhỏ xếp liên tiếp với nhau, đến Tu Bông thì tạo thành một khe hở, gió từ hướng Tây thổi tới giống như một cái phiễu xuyên qua khe hở đó mà đi vào đất Tu Bông. Tôi chạy xe máy qua đoạn này mà không dám lơi lỏng để ngắm cảnh, tay lái lúc nào cũng siết chặt, sợ bị thổi bay đi... Cũng may mà hôm trước mẹ tôi đã mua cho tôi một cái mũ bảo hiểm tương đối mới, có thể siết chặt với cằm lại, nếu không thì cũng bay mất tiêu mũ bảo hiểm.

Qua Tu Bông một đoạn là đã tới chân đèo Cù Mông. Đèo này cũng tương đối nhỏ và ngắn, nhưng phong cảnh nhìn ra biển rất đẹp. Đặc biệt là dưới chân đèo có một dải đất trắng chọc thẳng ra biển. Theo lối đó, người ta có thể đi đến tiếp cận điểm cực đông trên đất liền của tổ quốc: Mũi Đôi. Gọi là tiếp cận, vì xe máy chỉ chạy đến địa điểm dân cư gần đó, theo lời dân phượt kể, muốn chinh phục Mũi Đôi, người ta phải nghỉ đêm tại một nơi nào đó, rồi sau đó còn phải đi bộ 5 tiếng đồng hồ nữa, qua miền cát trắng hoang mạc, rừng núi, rồi phải "nhảy đá" nữa, để bình minh sáng hôm sau, kịp chứng kiến mặt trời mọc trên điểm cực đông. Đó là giây phút thiêng liêng thú vị nhất mà không người lữ hành nào có thể bỏ qua được. Nếu đi bằng tàu thuyền thì phải chọn những ngày thời tiết tốt một chút, còn những ngày sóng lớn, thuyền sẽ không tiến vào gần bờ đá để đổ bộ lên Mũi Đôi được.

Tôi chạy ngang qua ngã rẽ đó mà lòng đầy khát khao. Một cuộc sống phiêu du vẫn luôn là ước mơ nho nhỏ trong tôi. Dù sao từ nhỏ cũng ảnh hưởng khá nhiều bởi Nguyễn Tường Bách, một trong những "phượt thủ" khá nổi tiếng, và những cuốn sách, những cuốn bút ký của ông luôn có một sức hấp dẫn nhất định đối với tôi. Đa số những trang viết về "nhật ký nghề nghiệp" của tôi đều chịu chút ảnh hưởng của phong cách ký sự của ông. Nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được. Đối với một người lữ hành mà nói, điều khó khăn nhất không phải là tìm một tấm bản đồ, tìm một phương tiện, đi đến một nơi xa lạ. Điều khó khăn nhất là tìm cho mình một người đồng hành đáng tin cậy, có thể dựa lưng vào để tiếp bước nhau. Mà tôi, vẫn còn đi một mình trên chặng đường dài vời vợi.

Qua đèo Cù Mông, về phía Bắc nữa là đèo Cả. Nhưng nằm giữa 2 con đèo đó, người lữ hành có thể chứng kiến một bãi biển nhỏ nhưng khá đẹp, đó là biển Đại Lãnh. Ven biển là một làng chài nhỏ, đi vào buổi trưa người ta có thể thấy được những vỉ cá, vỉ mực khô phơi đầy ven đường quốc lộ. Biển Đại Lãnh ngày này không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng như biển Dốc Lếch hay biển Nha Trang, nên nó vẫn còn khá nguyên sơ và vắng vẻ.

Đèo Cả có thể xem là một điểm nhấn khá nổi bật của cuộc hành trình. Đây là một trong những con đèo nguy hiểm nhất trên quốc lộ 1A mà xe Bắc Nam phải vượt qua. Gần đây, người ta đang triển khai một dự án xây hầm, nhưng chắc là còn rất lâu nữa. Đỉnh đèo Cả chính là giới tuyến giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Nghe nói xưa kia không có cái giới tuyến này, 2 tỉnh này còn là 1 tỉnh, tên là Phú Khánh. Đèo Cả ít dốc hơn về phía Khánh Hòa, nên đoạn đường đi của tôi khá dễ dàng, còn chiều về sẽ khó khăn hơn.

Qua đỉnh đèo Cả một xíu, người ta sẽ gặp một nhánh rẽ dẫn xuống chân đèo về phía biển, đó chính là đường đi xuống Vũng Rô. Một lần đi khách hàng, tôi có ghé xuống Vũng Rô. Nhìn chung thì biển cũng khá đẹp, tiếc là hơi bị ô nhiễm của dầu. Vũng Rô là một địa danh lịch sử khá nổi tiếng, gắn liền với những đoàn tàu Không Số, mà bất kỳ ai học lịch sử cũng phải thán phục trước sự hy sinh cao cả của những vị anh hùng không tên tuổi, thà hy sinh bản thân mình cùng với đoàn tàu chứ nhất định không để hàng hóa tiếp vận rơi vào tay kẻ thù.

Trên một số đoạn của đèo Cả, nhìn về hướng Tây Bắc sẽ gặp một tảng đá trơ trọi trên đỉnh núi, người ta gọi đó là "Đá Bia". Nghe nói ngày xưa có vị vua Lê khắc thơ hay văn bản gì trên đó, cũng tạo thành một di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng đường đi lên rất khó đi, phải theo lối mòn, còn leo núi nữa, nên ít người lên tới đỉnh lắm, đa số chỉ đứng ngắm từ chân đèo.

Qua khỏi đèo cả, hướng về phía Bắc, qua những cánh đồng lúa bao la, chính là Tuy Hòa. Cánh đồng Tuy Hòa được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất miền Trung.

Khách sạn Thanh Kim Anh trên đường Hùng Vương vẫn luôn là một điểm dừng chân quen thuộc đối với tôi và đồng nghiệp. Tôi tranh thủ nghỉ trưa một chút và buổi chiều bắt đầu làm việc.

Địa điểm tôi đến làm việc cách Tuy Hòa khoảng 30 phút xe máy. Có thể đi theo đường mới qua cầu Hùng Vương, hướng về phía sân bay Tuy Hòa, cũng có thể đi theo đường quốc lộ 1A ngược về nam rồi rẽ sang Đông Hòa. Tôi chọn đi cách thứ 2 vì lúc này chưa biết đường. Cô kế toán kho vẫn quen thuộc như ngày trước, lúc mà tôi được khách hàng đưa đến. Cô dẫn tôi đi xem vài nơi, làm một vài thủ tục. Khoảng 7h tối là tôi xong việc. 

Đêm hôm đó, một chị kế toán khác, lớn hơn tôi vài tuổi, đưa tôi về theo đường sân bay. Lúc này tôi mới biết đi cách đi thứ nhất. Đường ngắn hơn một chút, nhưng còn hơi hoang sơ và khó đi. May mắn là đi ban đêm nên cũng ít bụi hơn. Sau này, khi quay trở về, tôi chính theo đường này mà đi. 

Một đêm ở Tuy Hòa cũng không có gì đặc biệt, buổi tối tôi dạo quanh một quán bánh xèo gần đó, sau đó về ngủ một giấc thật sâu. Dù gì cũng gần 3 tiếng xe máy, cũng không dễ dàng gì. Tự nhiên lại cảm thấy thán phục một anh bạn cùng quê, Sài Gòn - Ninh Hòa mà anh có thể chạy suốt đêm. Buổi sáng hôm đó, tôi ghé bên văn phòng khách hàng làm một số thủ tục giấy tờ, về khách sạn và dọn đồ ra về. Thế là kết thúc một chuyến công tác ngắn ngày.

Đường về nhà có vẻ ngắn hơn. Và để làm mới cho cuộc hành trình, tôi cố ý chạy theo đường mà tối qua chị kế toán đã dẫn đi. Đường này đi thẳng sẽ men theo vùng tiếp giáp giữa biển và núi mà đi. Có thể nhìn thấy xa xa là núi Đá Bia như một cái mốc chỉ dẫn, không lo bị lạc đường. Biển Phú Yên khá đẹp và yên tĩnh. Mặc dù có mấy đoạn vòng vòng tương đối quanh co nhưng chất lượng đường cũng khá tốt và tương đối vắng người. Chỉ đâu đó thỉnh thoảng có một vài đàn bò đang được người ta lùa đi ăn cỏ. 

Cũng trên con đường đó, lữ khách có thể tạt qua một nơi, cũng được xem là một địa danh lịch sử khá nổi tiếng mà đối với dân phượt không thể nào bỏ qua được, chỉ nằm sau Mũi Đôi: di tích Mũi Điện. Lúc tôi chạy qua đây, có men theo đường nhỏ xuống dưới, nhưng người ta đã chắn ngang, không cho vào, nên chỉ có thể đứng từ xa mà ngắm. Đi tiếp nữa, cũng theo đường đó, qua một làng chài nhỏ chính là đến địa phận Vũng Rô nằm dưới chân đèo Cả. Trên con đường này, nhìn xa xa có thể thấy Mũi Đôi ẩn hiện sau làn sương mù, phía cuối dải cát trắng. Từ đây chạy tiếp ngược lên trên sẽ đến gần đỉnh đèo Cả, chỗ giao nhau với quốc lộ 1A. Chạy thẳng là có thể về đến nhà.

Đối với người chạy xe máy đường trường mà nói, điều đầu tiên là cần phải tĩnh tâm. Chỉ có một trái tim không nóng vội mới đảm bảo được an toàn và di chuyển trong tâm trạng thoải mái, tận hưởng được từng phút giây trên mọi miền mà mình đi qua. Đương nhiên, nói là tận hưởng, nhưng cũng phải đủ tập trung để xử lý những tình huống bất ngờ...

Gần đây, anh bạn cùng quê có chia sẻ với tôi một ít kế hoạch về đi phượt. Anh dự định kiếm một chiếc xe máy tốt tốt hơn, rồi chạy tới Tây Bắc để ngắm tuyết mùa đông, ngắm sương mùa lạnh, leo lên Lũng Cú ngắm mặt trời lên... Tôi cũng rất muốn tham gia, nhưng điều kiện không cho phép, dù sao thì công việc cũng còn khá vướng bận. Bình thường thì sáng đi chiều về đã hết thời gian rồi, nghỉ phép thì cũng không dám nghỉ dài, không biết lúc nào mà công việc phát sinh đột ngột cả. Thêm nữa là sức khỏe gần đây của tôi không tốt. Chắc cũng là do lối sống của dân văn phòng, ngồi làm việc suốt ngày, nên đi xe máy lâu chắc là không được. Chỉ có thể hy vọng nhỏ nhoi rằng, trong tương lai không xa, tôi có thể tự mình chạy xe máy đi thăm những vùng miền gần nhất thôi, mà điểm cực đông Mũi Đôi có lẽ là một chuyến hành trình tương đối khả thi.

Dù sao thì, tuổi trẻ của tôi, cuộc sống của tôi, cũng mới tính là bắt đầu...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét