4 thg 10, 2012

Mẹ ơi, sao quê hương lại đẹp?

(Một bài viết cũ khác, hồi tháng 8 năm 2009, đọc lại để hoài niệm).

       Mùa hè năm nay tôi về thăm quê. Khánh Hòa vốn là xứ trầm hương. Quê tôi có hàng trăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhưng quê hương đẹp nhất, chính là vì có mẹ tôi ở đó.

            Nghĩ về quê hương, tôi lại nghĩ về mẹ. Hồi nhỏ, sà vào lòng mẹ, tôi thường hỏi Người: “ Mẹ ơi, vì sao quê hương lại đẹp?” . Lúc ấy, tôi thường hay đọc ê a những vần thơ mà đến bây giờ, tôi vẫn còn rung động vì vẻ đẹp của nó:
       
            “Quê hương là cầu tre nhỏ
            Mẹ về nón lá nghiêng che…”
                                                (Đỗ Trung Quân)

Mẹ mỉm cười nhìn tôi trìu mến: “lớn lên con sẽ hiểu”

            Thời gian như thoi dệt, tôi đã sắp bước sang năm thứ hai của quãng đời sinh viên. Lần đầu tiên xa quê hương, xa nhà như vậy, bên cạnh khát vọng được khám phá những chân trời mới, lòng tôi vẫn còn bao nỗi bâng khuâng. Theo thời gian, nó lớn dần lớn dần rồi sinh ra hụt hẫng. Nhiều khi, nước mắt tự trào ra. Mẹ từng bảo: “con trai không được rơi lệ”, nhưng tôi vẫn không sao cầm lòng được. Về thăm quê chính là thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi.

            “Khánh Hòa là xứ trầm hương
     Non cao biển rộng người thương đi về
            Yến sào ngon ngọt tình quê
      Sông sâu đá tạc lời thề nước non”

            Từ lâu, những vần ca dao ấy đã in đậm vào tâm hồn tôi cũng như bao người dân Khánh Hòa. Có lẽ quê tôi không phải là nơi giàu nhất, không phải là nơi đẹp nhất với nhiều người đã từng đi khắp đó đây, nhưng đó chính là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là nơi tôi học được những bài học đầu đời về hai chữ yêu thương.

            Khánh Hòa đã một thời nổi tiếng với trầm hương. Đó là một loại hương liệu quý, chỉ những dịp lễ tết hay thờ cúng tổ tiên mới được dùng đến. Trầm hương thường được xoay nhuyễn để làm nhang hương hoặc chẻ mỏng đốt lên trong bình hương. Khói trầm trong, bay thẳng đứng, mùi dịu nhẹ, thơm ngát, lâu tan. Người Khánh Hòa ví trầm hương là kết tinh của trời đất, là tặng vật vô giá của tạo hóa.

            Ngày xưa, mỗi lần mẹ tôi đốt trầm hương, khói trầm tràn ngập cả ba gian nhà thì đó chính là dấu hiệu của xuân về Tết đến. Tết! Trong lòng trẻ thơ, là quần áo mới, là quà bánh, là bao lì xì, là bao niềm vui ngây ngất. Còn bây giờ, Tết chính là những ngày nghỉ hiếm hoi để tôi về thăm mẹ. Đôi khi, hạnh phúc nằm trong những điều giản dị nhất mà ta không bao giờ ngờ đến.

            Khánh Hòa còn nổi tiếng với yến sào, gắn liền với tên của Hòn Nội và Hòn Ngoại, là hai hòn đảo có số lượng chim yến nhiều nhất tỉnh. Thực ra, yến sào chính là nước bọt của yến. Mỗi lần đến kỳ sinh sản, chim yến tiết nước bọt của mình ra kết thành từng phiến như tai nấm, gắn chặt vào vách đá để làm tổ và đẻ trứng nuôi con. Đó chính là nguồn thu hoạch lớn cho con người. Yến sào rất bổ dưỡng và rất quý giá. Ngày xưa, chỉ có vua chúa, quý tộc mới có khả năng dùng yến sào, ngày nay, nó là thành phần của nước yến  ngân nhĩ mà mọi người thường dùng để bồi bổ cơ thể.

            Về quê thăm mẹ, tôi ghé mua một ít nước yến cho Người. Mẹ năm nay tóc đã lốm đốm muối tiêu rồi, đuôi mắt đã hằn nếp nhăn, sức khỏe Người lại không tốt, thường hay ho khan, nhất là những ngày cuối thu đầu đông. Mong rằng những lon nước yến này sẽ giúp mẹ khỏe lên phần nào. Không biết có phải tác dụng của nước yến không mà khi về nhà được năm ba ngày, tôi bỗng thấy mẹ tôi như trẻ ra. Có lẽ mẹ nhớ tôi lắm, còn hơn là tôi nhớ mẹ nữa.

            Ngày nay, trên quê hương Khánh Hòa, trầm hương chỉ còn lại trong ca dao và trong hồi ức đẹp đẽ của lớp người hoài cổ. Yến sào cũng không còn giữ nguyên được vẻ ban sơ của những ngày xa xưa nữa. Nhưng lòng tôi vẫn nâng niu mãi những kỷ niệm đẹp về quê hương thuở ấy và tôi bỗng nhớ da diết những gì thuộc về kỷ niệm. Ngày xưa, ngày xưa, những ngày vô ưu vô phiền sà vào lòng mẹ…

      Một mùa hè lại qua. Tôi tiếp tục xa mẹ và sống những ngày tha hương tại đất Sài Thành phồn hoa đô hội, nơi mà tôi đã học được nhiều điều mới lạ. Ít ra thì điều đó cũng làm tôi an ủi đôi chút. Trên chuyến xe đi xa, tôi trở nên trầm lắng hơn bao giờ hết. Tôi đã  hiểu ra rằng, vì sao quê hương lại đẹp. Đó là điều mà ngày xưa tôi đã từng biết, nhưng đến tận bây giờ, tận bây giờ, tôi mới thực sự hiểu ra:
             
            “Quê hương mỗi người chỉ một
              Như là chỉ một mẹ thôi…”
                                                (Đỗ Trung Quân)     

(Thanh Trúc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét