1 thg 10, 2012

Tết Trung Thu và hồi ức về Cha

Đã lâu lắm rồi, tôi không còn cơ hội để ăn một cái tết Trung Thu với gia đình nữa. Hiện tại chỉ còn có mẹ ở nhà. Anh tôi với tôi đều đã vào thành phố cả rồi.

Nha Trang là một thành phố mới, người ít hơn hẳn so với Sài Gòn. Chính vì thế mà không khí trở nên êm dịu hơn. Con người và nhịp sống nơi đây sống khá chậm rãi, không có cái xô bồ, nhộn nhịp của Sài Gòn. Đêm nay là Trung Thu, tôi mới vừa chuyển từ Sài Gòn về nhà hôm qua, rồi sáng nay lại chuyển từ nhà đến Nha Trang. Kế hoạch ăn Trung Thu ở nhà với mẹ tự nhiên bị hủy bỏ, cảm thấy vô cùng buồn.

Nha Trang không có bạn thân. Chỉ có ở cùng phòng với một đứa bạn thời cấp 3. Có nói chuyện, có rủ nhau đi dạo mấy vòng, cũng có người, có đèn lồng, nến cháy, quán nước, hàng rong vỉa hè, nhưng không có cảm giác của Trung Thu năm đó nữa.

Năm đó, không nhớ rõ ràng là năm nào, nhưng lúc đó rất hạnh phúc, ba đi làm về có chiếc bánh Trung Thu bổ ra làm nhiều mảnh, cho cả nhà ăn, mỗi người một mảnh. Hiện tại thì không có bánh Trung Thu, cũng không có một người thân nào bên cạnh.

Tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng, tần tảo nuôi con hôm sớm. Ba mất mấy năm, để lại cảnh nhà trống, vườn hoang, vắng hiu. Nhiều lần tôi trách ba tôi, sao lại bỏ mẹ con tôi đi sớm như vậy. Nhưng chủ yếu vẫn cảm thấy nhớ ba nhiều hơn. Chính vì thương mẹ nên tôi mới tìm về một thành phố nhỏ, gần nhà để làm việc, tuy không gần nhà lắm nhưng mỗi tuần cũng về được một lần. Còn hơn là ở thành phố Sài Gòn, biết đến bao giờ mới về được? Mỗi năm chỉ có mấy ngày lễ tết thì xe tàu đông đúc, bon chen. Có chuyện đột xuất xảy ra thì không phản ứng kịp... Nếu bây giờ ba còn sống, tôi đã có thể đã bay cao, bay xa mà không còn phải lo nghĩ về hậu phương nữa. Có ba mẹ chăm sóc lẫn nhau cũng tạm thời vui nhà vui cửa.

Đã có nhiều dự định viết hồi ức về ba, nhưng lần lữa không chịu viết. Sợ rằng sẽ gợi lại những cảm xúc buồn bã, trống vắng. Nhưng nếu không viết thì lại sợ những hồi ức, kỷ niệm sẽ tan biến theo thời gian. Nên đành cố gắng viết lại, xem như là một dịp để tưởng nhớ người đã khuất.

Kỷ niệm nhớ nhất về ba tôi là những ngày ba đi về trễ, cả mẹ con đều ngóng trông. Rồi có tiếng xe ngoài ngõ vang lên, tôi biết ngay là tiếng xe của ba, vội vã chạy xuống nhà mở cửa cho ba đẩy xe máy vào. Ba thường mua quà vặt về cho mọi người, thường mua nhất là chè và kem ký. Giờ mỗi lần ăn kem ký đều không còn được hương vị ngày xưa nữa.

Hồi đó ba tôi rất nghiêm khắc, có bị đánh đòn mấy lần. Nhưng chủ yếu là ba bắt cả hai anh em quỳ gối, úp mặt vào vách tường (cho dù chỉ có một trong hai đứa có tội, nhưng ba vẫn phạt cả hai). Nhớ hồi đó ba mua cho mỗi đứa một cái xe chạy ô tô đ chơi, chạy bằng pin, gạt nút ra là nó tự chạy. Tính tình hai anh em tôi thì hay táy máy tò mò, nên gỡ dần ra để nghiên cứu, cuối cùng thì thất lạc đâu mất tiêu hết, chỉ còn lại một cái vỏ xe. Cuối cùng thì mỗi đứa lại ăn ba roi.

Một lần khác ba bảo tôi ra vườn hái ớt, nhưng lúc đó còn ham chơi với cái máy vi tính, nên phụng phịu hái vội, ngắt hết cả cuống ớt, cuối cùng cũng bị bắt quỳ. Nhưng lúc đó anh em tôi đều lớn cả rồi, nên không còn bị đánh đòn nữa. Mặc dù vậy vẫn sợ ba vô cùng, mỗi lần ba la là không dám động đậy hay thở mạnh.

Trước đây ba tôi là một kỹ sư rất giỏi, chuyên sửa chữa, bảo trì máy ở một công ty khai thác đá gần nhà. Nghe mẹ tôi kể lại là ba đã từng có cơ hội được bảo lãnh đi nước ngoài, nhưng ba không đi vì muốn làm gần nhà chăm sóc cho bà nội. Ba là người tài năng, đàn giỏi, giọng hát ấm, am hiểu nhiều, kiến thức rộng. Các kỹ sư khác có bằng cấp đều nhiều lần tìm ba tư vấn về cơ khí cả. Ba lấy mẹ làm giáo viên, vì giáo viên ổn định, có thể chăm sóc gia đình. Nghe nói hồi đó ba còn đang sửa máy cày gần nhà mẹ, sau đó vào nhậu với ông ngoại, thế là hai người quen nhau. Mẹ lớn hơn ba một tuổi, thế mà vẫn kết thành đôi được. 

Ba ăn chay trường, bà nội cũng ăn chay trường. Chắc là do ảnh hưởng của bác Năm. (Bác Năm có duyên với Phật Pháp, đi tu từ thuở niên thiếu đến bây giờ.) Hồi đó đám cưới ba mẹ tổ chức tiệc chay. Mỗi lần nghe người ta kể tại tôi lại thấy tự hào vì ba mẹ. Sau này về làm dâu, mẹ phải bận rộn, vừa nấu cho 3 mẹ con ăn cơm mặn, vừa phải nấu riêng cho ba với bà nội cơm chay. Nhưng điều đó vẫn không làm cản trở hạnh phúc của ba mẹ. Nói về nấu món ăn chay thì ba nấu ngon hơn mẹ, nhà đám giỗ toàn chay, ba là người nấu chính. Sau này tôi cũng học được một ít nghề nấu nướng từ ba, nhưng không còn hương vị của ngày xưa nữa.

Ba làm ở mỏ đá Hòn Sầm được một thời gian thì gặp lúc giao thời của công ty nhà nước cổ phần hóa, sau đó bị giải thể, ba nghỉ việc về làm ruộng. Sau này ba có mua lại một cái máy cày lớn (MTZ) hàng phế liệu, sau đó về sữa chữa từng chút từng chút một, làm cho nó hoạt động tốt trở lại. Ba bắt đầu chuyển sang nghề cày ruộng. Hồi đó tôi cũng phụ giúp ba sửa máy, lâu lâu lại ngắm ba cày ải ruộng nhà. Khói bụi làm đầu tóc ba bạc hết cả, mũi thì bị viêm xoang, công việc khá vất vả nhưng những phút giây ba đi làm về, ba trông rất hạnh phúc. Hồi đó mỗi độ máy cày về là tôi lại chạy ra, mở cửa rào cho ba vào. Rào này là do ba phá bỏ một khúc hàng rào, sau đó dùng lưới B40 rào tạm lại, mở ra có thể cho máy cày vào được. Khu vực ba sửa máy dầu nhớt nhỏ xuống làm đất bạc màu hết, chỉ có 2 gốc xoài là còn, các loại cây khác không mọc lên chỗ đó được nữa.

Hồi đó vì lý do khói bụi, ba có trao đổi với gia đình là muốn bán máy cày đi, để về làm vườn. Nhưng cảm giác ba yêu thích công việc nên tôi đã muốn ba tiếp tục. Sau này nghĩ đến chuyện này lòng tôi luôn hối hận mãi. Năm đó nhà hàng xóm có một đám tang, ba đã từng đọc mấy câu thơ, tôi cũng không nhớ rõ, nhưng có ý nghĩa là "không khóc tang thương người chết, mà khóc vì người sống. Không khóc vì người mà khóc vì sẽ tới lượt mình". Không ngờ dự cảm của ba trở thành sự thật. Hơn một tháng sau ba mất.

Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó, cách đây 5 năm về trước, là hè năm tôi học lớp 11. Buổi chiều, khoảng 3h, người ta điện thoại, tôi bắt máy, người ta bảo, ba mất rồi, bị máy cày đè. Tôi vẫn không tin, sững sỡ giây lát rồi bảo mẹ. Mẹ hoảng hốt, gọi điện cho người thân, đi tới chỗ ba làm. Sau đó người ta vào dựng một cái rạp thật to trong sân nhà tôi. Rồi có xe chở ba về, mẹ ngồi cạnh ba, khóc vật vã. Hàng xóm và người thân xúm lại phụ giúp lo liệu đám tang cho ba. Lúc đó mẹ còn không tỉnh táo được. Mẹ vừa khóc, vừa trách móc ba rất nhiều. Hai anh em tôi còn quá nhỏ để lo liệu. Anh tôi đang học, cũng nghe tin chạy về, gặp mặt ba lần cuối, trước khi nhập quan. Đêm đó, túc trực bên ba, nhìn xem cơ thể ba từ từ cứng lại, lòng tôi đau như cắt. Anh tôi khống chế cảm xúc tốt hơn tôi, nhưng tôi biết anh thương ba nhiều lắm, nhiều hơn cả tôi nữa. Mẹ cũng từ từ hồi phục, nhưng không nói gì cả. Bác Năm tôi ở chùa cũng về, lo liệu đám tang. Bà nội là người tỉnh táo nhất, bà khóc rất ít, nhưng luôn miệng nói "tiếc quá, tiếc quá". Tôi hiểu rằng bà đang tiếc nuối một đứa con tài giỏi nhưng bạc mệnh. Có lẽ trong cuộc đời bà đã chứng kiến những đứa con lần lượt ra đi, trong chiến tranh và sau chiến tranh nên bà là người trấn tỉnh nhất nhà.

Cuối cùng thì đám tang cũng lo liệu xong, đoàn người đưa ba về nơi an nghỉ tại một nghĩa trang gần đó. Lúc đó tôi vẫn không còn tỉnh táo để nhận biết xung quanh, chỉ biết làm theo những lời người ta nói, quỳ lạy, rồi cắm nhang, rồi lấp đất, rồi đi... Sau này nghe người ta kể lại mới biết đám tang ba rất nhiều người tham dự, đoàn người kéo dài, rất dài. Tôi cũng còn nhớ một số người đến chia buồn, trong đó có đủ bạn bè, người thân.

Sau ngày ba mất, căn nhà tự nhiên vắng vẻ hẳn đi, không còn tiếng cười nói như thường nữa. Mẹ con tôi cũng đã quen dần không khí lạnh lùng sau ngần ấy năm. Mâm cơm không có hình ảnh của ba, không còn tiếng xe máy ngoài cổng. Mỗi lần có tiếng xe chạy ngang là tự nhiên lòng tôi co thắt lại. Đến giờ tôi vẫn nuôi ảo tưởng rằng, đó chỉ là giấc mơ, và khi tôi tỉnh lại thì ba tôi sẽ trở về. Nhiều lần, hình ảnh ba đã xuất hiện trong giấc mộng của tôi.

Hồi xưa, lúc còn nhỏ xíu, tôi mơ về một giấc mơ 2 lần. Giấc mơ rất lạ, giờ nghĩ lại vẫn còn lạnh xương sống. Trong mơ tôi thấy tôi với bạn tôi ngồi trong một chiếc ô tô. Ô tô nhỏ, có bánh phụ thay thế gắn đằng sau. Ô tô chạy qua cầu, trên cầu có treo một cái lồng, trong lồng có một con chồn. Sau đó ba tôi bước lên trên cầu, gặp con chồn rồi ngả xuống. Sau đó xe chở chúng tôi đi mất, bỏ lạ ba tôi nằm trên đó. 

Đến giờ tôi vẫn không hiểu ý nghĩa của giấc mơ đó, có lẽ, nó là một dấu hiệu báo trước chăng? Nhưng nếu là báo trước vì sao chuyện lại xảy ra lâu thật lâu như vậy? Hay là chỉ trùng hợp ngẫu nhiên? Sau này tôi rất chú trọng vào giấc mơ, và có đôi chút tin tưởng vào những lực lượng vô hình.

Sau ngày ba tôi mất, tôi nghe người ta kể lại rằng lúc ba đó ba lái máy cày chạy ngang sườn đồi, máy cày nghiêng rồi bị lật, đè ba ngộp thở. Có người còn nói là ba uống say nên lái xe bất cẩn, nhưng tôi không tin. Ba tôi vốn là người tự chủ, cho dù uống say cũng vẫn xử sự như bình thường. Sau đó người ta phát hiện ra, cứu ba ra khỏi đống sắt vụn nhưng đã quá muộn. Sau này trong tôi luôn xuất hiện hai từ "giá mà". Giá mà lúc đó có người phát hiện kịp lúc ba tôi chắc sẽ được cứu. Nhưng ai biết, cuộc đời vốn là vô thường, cho nên không thể nói trước điều gì cả.

Dù sao thì tôi vẫn không tin là ba uống say rồi bất cẩn. Nhớ hồi đó ba cũng uống nhiều lắm, đặt tên hai anh em tôi theo kiểu nhà rượu. Hồi đó ba uống xong thường về nhà ngủ một giấc, có nhiều lúc cũng nôn ra, sau đó lại ngủ tiếp. Đến sáng mai vẫn dậy sớm, đi làm như bình thường. Cho dù say hay không, ba vẫn chưa bao giờ đánh đập mẹ con tôi cả. Có đôi lần ba giận mẹ vì một số việc khác (tôi không nhớ là việc gì cả, nhưng phần lớn là vì bất đồng quan điểm, do ba tôi là người khá nguyên tắc, còn mẹ thì luôn bao dung độ lượng), ba giận mẹ nhưng ba không nói gì cả, chỉ là bỏ ăn cơm, lên giường ngủ sớm. Sau đó mẹ kêu tôi lên gọi ba xuống ăn cơm, nhưng gọi mãi ba cũng không xuống, thế là mẹ con tôi ăn cơm một mình. Sáng mai, mọi chuyện đều ổn cả, ba mẹ vẫn nói chuyện bình thường, rồi ba đem chuyện hôm qua ra nói nghiêm chỉnh với mẹ, thế nào thì chuyện cũng được giải quyết.

Hôm nay viết về ba đến đây. Mai mốt con sẽ viết tiếp. Dù kỷ niệm có nhiều nhưng tạm thời không nhớ ra được. Phải gặp cảnh vật quen thuộc thì kỷ niệm mới sống dậy...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét